Say Mến

59

“Họ say bứ rồi” (Cv 2,13)

Đó là lời kết mà nó nhận được trong điểm cầu nguyện cuối cùng của tháng Linh thao. Với người Do Thái thời bấy giờ, đó là một câu chê cười họ dành cho các Tông đồ, vì họ cho rằng các Tông đồ đang say bứ về thể lý. Còn đối với nó, đó lại là một câu đại phúc mà nó cảm nhận được trong tháng Linh thao.  “Say bứ” một cái say mà không thể nào diễn tả hết bằng lời, để người khác có thể hiểu nó đã “Say bứ” trong ân sủng như thế nào trong một tháng Linh thao hồng phúc mà nó nhận được.

Nó vừa trải qua 4 tuần Linh thao đại phúc, với những cung bậc cảm xúc khác nhau: Sự sợ hãi về chính con người hèn yếu của mình và trước lời mời gọi của Chúa dành cho nó, lòng ăn năn sám hối và sự hoán cải trong ân sủng, lòng biết ơn và say mến Chúa khi nó được Chúa mở mắt để nhìn tỏ tường biết bao ân sủng của Chúa trên cuộc đời nó. Ân sủng ấy vẫn thường hằng đổ xuống trên nó, nhưng đã bao nhiêu năm nay nó “mù lòa” mà làm cho ân sủng ấy trở nên mục rữa vô ích trong đời nó.

Chúa đã vật lộn với nó và cùng nó trải qua sự khó khăn trong việc đào bới để tìm ra con người thực sự của nó đến tận vô thức. Nhìn lại, nó say mến giây phút ấy. Giây phút mà Chúa sửa dạy và lại ban ơn chữa lành cho nó, mở mắt để nó nhận ra muôn vàn ân sủng Chúa vẫn hằng đổ xuống trên đời nó. Nó đã rất xấu hổ và sợ hãi khi đối diện với tội lỗi của mình, khi nhìn rõ thực trạng của nó mà bấy lâu nay nó vẫn cho rằng đời nó ngon lành lắm. Tuy vậy, càng nhìn sâu vào tội, nó lại càng nhìn rõ hơn ân sủng của Chúa dành cho nó. Đó là niềm an ủi lớn lao Chúa dành cho nó. Nhờ đó, nó mới thấm thía và chạm được tới câu nói của thánh Phaolô: “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Nhận ra ân sủng của Chúa, nó lại được Chúa mời gọi cưu mang Chúa như Mẹ Maria và thánh Giuse trong lối sống hằng ngày của nó. Nó hiểu khi cưu mang Chúa, nó cũng sẽ có những thách đố như khi xưa Mẹ Maria và Thánh Giuse đã trải qua. Từ lúc các Ngài đón Chúa, với cái nhìn tự nhiên, nó thấy các Ngài chẳng có lúc nào được thảnh thơi, chỉ toàn là truân chuyên và gian khổ. Nhưng nhìn sâu hơn, nó nhận thấy nơi các ngài một sự bình an nội tâm khi các ngài có Chúa. Điều đó mang lại cho nó một niềm xác tín và khao khát thực hiện điều Chúa mời gọi: “Cưu mang Chúa vào đời” bằng việc mặc lấy lối sống của Chúa trong hành xử hàng ngày. Nó biết rõ trước mắt là sẽ có những gian nan, thách thức và có những lúc nó chẳng thấy Chúa đâu nếu nó cưu mang Chúa vào đời. Như xưa kia Mẹ và thánh Giuse lạc mất Chúa, các ngài loay hoay tìm Chúa nơi những người bà con mà không thấy Chúa; khi trở lại Đền Thờ, các ngài đã gặp thấy Chúa. Nó cũng đã nhận ra rằng chỉ khi chuyên chăm và đắm chìm trong việc cầu nguyện và xét mình, nó mới tìm lại được Chúa khi nó lạc. Thật vậy, nó sẽ không thể tìm Chúa nơi việc này việc kia và cũng chẳng thể tìm Chúa trong người đời mà chỉ tìm thấy Chúa khi nó cưu mang và sống lối sống của Chúa. Trên đường đi tìm Chúa, nó có thể như ba vua đi tìm Chúa theo ánh sao lạ, họ đã tìm đến Hêrôđê vì họ nghĩ nơi đó họ sẽ tìm thấy Chúa. Sau đó họ lại theo ánh sao lạ dẫn đến nơi Chúa sinh ra và họ dâng Chúa lễ vật họ mang theo: vàng, nhũ hương và mộc dược. Nó cũng nhìn thấy nơi đó hình ảnh rất thân thương của từng chị em cùng nó sống đời dâng hiến. Chính Chúa Giêsu là ánh sao để nó và chị em nó tìm về Nước trời, nơi hạnh phúc viên mãn. Trong cuộc kiếm tìm Chúa, cũng có lúc nó nhầm lẫn như ba vua tìm đến với sự dữ nhưng cứ ngỡ rằng mình đang đi theo chính lộ. Nó cũng cầu xin Chúa cho nó biết lắng nghe và làm theo sự soi dẫn của Chúa để không bao giờ trở về với lối sống ấy nữa. Nó yêu và trân quý chị em biết mấy, là những người đã chia sẻ buồn vui, bổ túc giới hạn và giúp nó thanh luyện trên con đường về với Chúa. Đẹp biết bao, khi mỗi người dâng cho Chúa những gì mình có và ngay cả chính cái là, tất cả đều là của Chúa.

Nó cũng yêu sao hình ảnh Chúa dạy nó những điều để trở nên môn đệ của Chúa. Nó ngây ngất khi đặt mình vào hình ảnh người môn đệ không tên tuổi, hèn mọn, không được trọng vọng và bị người đời khinh chê. Vì như thế, nó sẽ có tên trong Nước Chúa, nó sẽ được gọi là “Th của Giêsu và Giêsu là của nó”. Vì thế, nó được thôi thúc đập vỡ con người cũ và sống một lối sống mới, để sự hi sinh hiến tế của Chúa không hư hoại và mục rữa vô ích trên đời nó.

Cùng Chúa trong chặng đường lên Giêrusalem và đi lại hành trình thương khó, chiêm ngắm Chúa và nhìn mình, nó thấy ngượng ngùng và xấu hổ. Bởi vì trước Chúa, nó thấy mình trần trụi. Nhưng chính lúc ấy, Chúa lại che đi sự nhơ nhớp của nó bằng chính thân mình của Ngài, bằng việc ôm lấy tội của nó và chết thay nó trên thập giá. Nhận ra điều đó, nó lại càng yêu mến Chúa hơn. Nó nhận thấy rằng, Chúa đã sinh ra nó một lần nữa từ trên Thánh giá. Xưa kia Chúa tạo dựng nó bằng bụi đất và cho nó giống hình ảnh Chúa. Nay Chúa sinh lại ra nó một lần nữa trong ân sủng bằng chính thân thể Chúa và cho nó nên một với Người. Nó là con của Chúa, mà đã là con thì phải giống cha. Nó ý thức rằng phải sống làm sao để ai thấy nó sẽ thấy Chúa.

Tạ ơn Chúa đã đồng hành và bao bọc nó trong ân sủng và tình yêu của Ba Ngôi. Nó tin dù nó như thế nào, thì Chúa vẫn yêu và làm cho nó nên giống Chúa, chỉ cần nó trao cho Chúa tất cả mọi năng khiếu tự nhiên cùng sự tự do nơi nó. Tình yêu của Chúa thôi thúc nó sống lối sống hiến tế, mặc lấy thân phận tôi đòi. Nhờ thế, nó được sống sự sống mới, sự sống của Đấng thần hóa nó.

Anna Phạm Thúy, Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức