Chuyện Bác Tôma – Chuyện cuộc đời

37

 CHUYỆN BÁC TÔMA – CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Ngồi suy nghĩ về đức tin, tôi nhớ đến câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với nhóm Mười Một. Tôi quyết định tìm gặp bác Tôma trong góc nhỏ tòa nhà nội tâm. Tôi bước vào thì bác đã ở đó như chờ tôi đến từ bao giờ.

Tôi nhanh nhảu: – Cháu chào bác Tôma!

Bác đáp lại bằng nụ cười hiền: – Chào cháu.

Nhìn ánh mắt bác sáng ngời với nụ cười trên môi, tôi cảm thấy an tâm và bước vào câu chuyện.

– Thưa bác, cháu có vài chuyện muốn tâm sự với bác.

– Chuyện gì vậy cháu? Bác nhìn tôi với vẻ mặt chăm chú.

– Dạ, hôm nay cháu ngồi suy nghĩ về đức tin. Cháu nhớ đến câu nói người ta vẫn truyền tai nhau: “Cứng lòng như Tôma” khi một người không tin vào một điều gì đó.

Bác nhìn tôi với ánh mắt cảm thông và nói: – Người ta nói thế cũng không lạ gì vì trong Kinh Thánh đã chép lại Lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với bác rằng: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Không những thế, khi các anh em trong nhóm mười một kể cho bác nghe chuyện họ đã được thấy Chúa Phục Sinh bác còn nói với họ rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh và không đặt tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

– Dạ vâng ạ! Nhưng cháu đâu thấy bác đòi hỏi một điều gì phi lí. Mười môn đệ kia đã được gặp Chúa Phục Sinh, mấy người phụ nữ ra mộ cũng vậy. Họ được nhìn thấy Chúa, được nghe và đụng chạm đến Ngài. Còn bác thì không.

Bác tiếp lời: – Cháu à! Đức tin không hệ tại ở một điều hữu lý hay vô lý theo như cách chúng ta thường hiểu. Đức tin vượt trên lí trí con người. Mà cháu đã có kinh nghiệm chờ đợi một người mà mình rất khao khát được gặp chưa?

– Kiểu như chờ ba mẹ đi làm ăn lâu năm về hay là như chờ đợi Đức Giáo Hoàng đến thăm mình phải không bác?

Bác cười: – Còn hơn thế nữa.

– Hơn nữa ạ?

– Ừm.

– Chẳng lẽ chờ Chúa hiện ra với mình?

– Cháu nói phải lắm! Đôi mắt bác long lanh.

– Vậy bác đã rất khao khát để gặp Chúa Giêsu Phục Sinh?

Giọng bác nhẹ lại: – Ừm! Nhưng bác đã không được gặp Chúa vào ngày hôm ấy (ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở). Đó là nỗi day dứt trong lòng bác. Mười anh em trong nhóm của bác đều được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, các người phụ nữ ra mộ cũng thế.

– Bác đã ở đâu vào chiều ngày hôm ấy? Tôi tò mò hỏi.

– Bác không có mặt ở đó.

Tôi nhìn thấy ánh mắt bác đượm buồn và rụt rè nói nhỏ: – Có phải bác không tin Chúa đã Phục Sinh?

– Cháu có nghĩ thế không? Bác nhìn vào mắt tôi.

Thinh lặng giây lát, tôi đáp lại: – Cháu cũng không rõ lắm. Nhưng cháu nghĩ bác rất mong gặp lại Thầy Giêsu cũng giống như mười môn đệ kia và cả mấy người phụ nữ nữa nhưng bác không may mắn như họ. Hẳn bác đã rất buồn khi nghe các anh em của mình và những người phụ nữ kia kể lại Chúa Phục Sinh hiện ra với họ nhưng không có mình ở đó.

– Nó không chỉ là nỗi buồn của một người mất đi người yêu thương mình hay là mất đi người mình yêu thương cũng không phải nỗi buồn của một người cảm thấy tủi thân vì mình không may mắn như người khác nhưng còn là nỗi buồn của một tâm hồn khao khát gặp Thiên Chúa mà không được.

Tôi nhíu mày: – Và bác đã chờ đợi để có thể gặp Chúa Phục Sinh?

Bác cười nhẹ: – Ừm!

– Tám ngày sống trong sự chờ mong, điều gì khiến bác đã không bỏ về quê hay về gia đình như hai môn đệ Em-mau?

– Mỗi người chúng ta có lúc sẽ bước đi trong đêm tối của đức tin nhưng chúng ta có niềm hi vọng. Vì thế, chúng ta sẽ không bỏ cuộc.

– Cháu thấy bác đã kiên nhẫn chờ đợi để tám ngày sau được gặp Chúa và thời gian chờ đợi của bác gấp bảy lần anh em mình.

– Đó là cách Chúa huấn luyện đức tin của bác.

– Có thể gọi đó là kinh nghiệm khổ nạn và phục sinh nơi mình không bác?

Bác nhìn tôi với cặp mắt hiền từ: – Có thể.

– Hẳn bác đã rất vui mừng khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh?

Bác nhún vai: – Không chỉ là vui mừng nhưng bác được phục sinh. Bác đã sống kinh nghiệm vắng bóng Chúa trong cuộc đời mình, là thời gian đức tin của bác gặp thử thách. Vì thế bác thấm thía câu nói của Chúa Giêsu: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin, phúc cho ai không thấy mà tin”.

– Cháu thấy bác đã tuyên xưng niềm tin của mình khi bác nhìn thấy Chúa. Đối với cháu đây là lời tuyên xưng đức tin đẹp nhất của một tâm hồn đã trải qua thử thách để có thể thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Câu nói của bác tuyệt đẹp.

Bác tiếp lời: – Đó là giờ phút bác được phục sinh nơi mình.

– Vậy bác có buồn khi người ta vẫn nói: “Cứng lòng như Tôma”.

– Không sao cháu à! Biết đâu câu nói ấy lại là lời nhắc nhở cho mỗi người. Chúng ta nhìn về các vấn đề và các khía của cuộc sống rất khác nhau. Cháu có cái nhìn của cháu, người khác có cái nhìn của họ nhưng chúng ta cùng nhìn về một hướng là Nước Thiên Chúa. Đó là cùng đích của chúng ta.

– Tâm sự với bác cháu rất vui và nghiệm ra được nhiều điều.

– Cảm ơn Cháu. Bác chúc cháu sống trọn vẹn mối phúc: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

– Cháu cảm ơn bác rất nhiều. Giờ cháu xin phép đi gặp Chúa Giêsu và mẹ Maria đã nhé! Hẹn gặp lại bác.

– Chào cháu.

Maria Võ Thị Phương, MTGTĐ.