Các Bài Suy niệm Tuần 27 Thường niên

335

Tuần XXVII Thường Niên

Mục lục

  1. THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
  2. THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN (Lễ nhớ Thánh Phanxicô Át-si-di)
  3. THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN (Thánh Maria Faustina Kowalska)
  4. THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
  5. THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN (Lễ nhớ ĐỨC MẸ MÂN CÔI)
  6. THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Hiền Lâm

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 25-37

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”?

Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? ” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? ” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng tập chú đến giới luật MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI.

Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…): ba điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và bảy điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.

  1. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.

– Hết lòng: Nghĩa là với cả tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả Ý CHÍ và TỰ DO.

– Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong CẦU NGUYỆN tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những BỔN PHẬN trong bổn đạo.

– Hết trí khôn: Với cả TRI THỨC và Ý THỨC trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.

Tóm lại, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.

  1. Yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.

– Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).

– Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Các thánh Tử Đạo cũng đã dám hy sinh chết đi cho chúng ta được đức tin vào Thiên Chúa. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp

  1. Nhưng đâu là tha nhân của tôi.

Khi người thông luật hỏi điều này, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, mà chỉ kể câu chuyện về “Người Samaritanô nhân hậu”.

Có một câu chuyện cũng tương tự như thế này: “Sáng Chúa Nhật kia, có một người đi vào Sài Gòn bị tai nạn, nằm thoi thóp bên vệ đường. Có một “đấng tư tế” chạy ô tô qua, thấy nạn nhân nằm đó, nhưng nhìn đồng hồ đến giờ dâng lễ rồi, nên vội vù ga chạy. Một giờ sau, có một giáo dân chạy xe máy qua, cũng nhìn thấy nạn nhân, nhưng vì chuông nhà thờ báo đã đến giờ lễ, nên anh vội phóng xe đi cho kịp. Cuối cùng, có một bà bán vé số đạp xe đạp đi qua, thấy nạn nhân thì động lòng thương, vội dìu lên xe, đẩy vào bệnh viện…”

– Chúng ta là thân cận của mọi mảnh đời trong xã hội, nhưng không thiếu những lần, chúng ta đã phớt lờ hoàn cảnh tang thương của họ, vì những lý do “được coi là thánh thiện và lề luật”. Giống như thầy tư tế và thầy Lêvi kia, vì sợ chậm giờ lễ, sợ nhiễm uế, sợ rắc rối liên lụy… và đặc biệt là sợ phạm luật về sự thánh thiện, luật giữ ngày « sa-bát »…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “yêu như Chúa đã yêu” là yêu thương tha nhân cách vô vị lợi, không so đo tính toán hay mong muốn được đáp trả, để chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn và xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Amen.

Về mục lục

.

THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN (Lễ nhớ Thánh Phanxicô Át-si-di)

 Hiền Lâm

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 38-42

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! ” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc Chúa Giêsu vào nhà Mác ta và hai chị em lo lắng phục vụ Người theo từng cách riêng của mình. Người ngồi nghe Chúa nói, người bận bịu chuyện cơm nước hầu Người. Câu chuyện được kể trong Tin Mừng hôm nay rằng, có thể Chúa không trách Mác ta vì chỉ lo chuyện phục vụ, nhưng có lẽ Chúa đã trách yêu Mácta vì quá lo chuyện phục vụ và ôm đồm mọi thứ, bởi vì mọi người có phận vụ riêng của mình.

Thật ra, câu chuyện Martha và Maria nói lên hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, hai linh đạo chính của đời tu (hoạt động và chiêm niệm).

  1. Đừng quá lo lắng việc đời mà quên Chúa.

Mácta chọn cách lo việc phục vụ, Maria chọn cách ngồi bên chân Chúa nghe Chúa nói. Cả hai việc đều tốt, nhưng khác nhau ở chỗ là Mácta đã quá lo lắng bận rộn với công việc, và Chúa Giêsu đã nhắc Mácta là quá lo lắng bối rối về nhiều chuyện, mà quên đi sự cần thiết là ở bên Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

Ngày hôm nay, không thiếu người trong chúng ta xem trọng “việc Chúa hơn là lắng nghe Chúa”, bon chen lo lắng việc đời và bỏ quên đời sống cầu nguyện và nghe Lời Chúa.

Mong sao, giữa những bộn bề của một ngày sống, chúng ta vẫn ưu tiên những phút giây cho việc đọc và nghe Lời Chúa.

… Nhiều vị lo lắng công trình xây cất cho giáo xứ mà bỏ bê cả đời sống kinh nguyện. Giáo Hội cũng đã khôn ngoan đưa vào luật dạy các Giáo Sĩ phải đọc những giờ kinh buộc, để không ai lấy lý do truyền giáo hay lo việc chung mà miễn cho mình những giây phút ngồi bên Chúa. Bởi vì, chính việc đọc và suy niệm Lời Chúa mới có sức nâng đỡ công việc truyền giáo và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.

  1. Chọn phần tốt nhất là lắng nghe Lời Chúa.

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Phần tốt nhất chính là ngồi bên Chúa và lắng nghe Người nói.

Hình ảnh cô Maria ngồi nghe Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta một kiểu mẫu khi cầu nguyện, khi gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện không chỉ là nói nhiều cho Chúa nghe, mà còn là thinh lặng để nghe Chúa nói với mình.

Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, nghe đọc và suy niệm Lời Chúa, là lúc Chúa đang nói với ta. Khi ta ngồi thinh lặng trước Thánh Thể là ta đang lắng nghe nhịp đập yêu thương nơi Trái Tim Người. Và trong mọi nơi mọi lúc chúng ta cầu nguyện hay thinh lặng suy gẫm, là lúc chúng ta đang nép mình bên Chúa.

Thật ra, không nên dùng đoạn Tin Mừng này để so sánh về bậc thang giá trị của việc phục vụ và cầu nguyện, hay để cho rằng ơn gọi chiêm niệm hơn ơn gọi hoạt động. Bởi nếu ai cũng như Maria lo ngồi nghe Chúa nói thì lấy ai lo bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ, hay nếu ai cũng như Mácta lo chuyện bếp núc thì lấy ai tiếp chuyện với Người. Nhưng cần phải hiểu cách nói của Chúa Giêsu là “tốt nhất” chứ không phải “tốt hơn”, nghĩa là không phải cái này tốt hơn cái kia, mà là mọi người có cách phục vụ Chúa bằng bổn phận riêng của mình được coi là tốt nhất trong ơn gọi mình và đấng bậc mình. Điều đáng trách chính là muốn ôm đồm mọi việc cho mình, lấn vào cả công việc của người khác rồi ganh tỵ với người khác.

Tóm lại, trong việc giữ đạo và sống đạo, chúng ta phải biết làm sao để trung hòa được việc lo toan cho cuộc sống và việc lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, lời Chúa được gieo nơi tâm hồn chúng ta sẽ như hạt giống rơi vào bụi ngai sẽ bị bóp nghẹt, nghĩa là Lời Chúa sẽ bị chết yểu bởi những lo toan lo lắng sự đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức nơi cuộc sống dương gian này, chúng con có hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, và cũng là hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, đó là vừa sống kết hiệp với Chúa vừa dấn thân phục vụ anh chị em. Amen.

Về mục lục

.

THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN (Thánh Maria Faustina Kowalska)

 Tam Thái

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 1-4.

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

II. SUY NIỆM

Cầu nguyện là một nhịp sống của người kitô hữu, Kitô hữu không cầu nguyện chẳng khác nào như trồng cây mà không chăm bón, tưới gội. Vì lẽ ấy hôm nay phụng vụ nhắc nhở chúng ta cách thức cầu nguyện

  1. Xin đúng

Thánh Giacôbê nói: “Anh em xin mà không được, vì anh em xin không đúng”. Vậy xin như thế nào với đúng?

Nhân việc có một môn đệ đến xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan dạy môn đệ của ông”. Nhân đây Chúa đã dạy các môn đệ và cũng là cách cầu nguyện đúng ý Thiên Chúa.

Chúa dạy: Khi cầu nguyện anh em hãy nói: “Lạy Cha”. Lời cầu nguyện phải trong tương quan Cha con, xóa đi khoảng cách Vua – tôi, Chủ – Tớ. Vì thế cầu nguyện là phải có những giây phút thân tình, gắn bó, hàn gắn những rạng nứt tương quan. Một khi tương quan đang có sự bất bình thì cuộc giao tiếp khó mà thành công.

“Xin làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến”. Người con phải mặc lấy tâm tình của Cha, đi vào trái tim của Cha, suy nghĩ của Cha, thao thức của Cha. Một  bà cụ vào tòa xưng tội, bà cụ thưa với cha giải tội rằng: Thưa cha, con hay bị chia trí khi đọc kinh, cha giải tôi hỏi chia trí làm sao? Bà cụ trả lời, mỗi khi con đọc kinh lạy Cha, con chỉ đọc được câu “lạy Cha cúng con ở trên trời”, là tâm hồn con nghĩ miên man về khuôn mặt Chúa, vòng tay của Chúa, và con chẳng đọc trọn vẹn hết kinh và chẳng xin được điều gì. Cha giải tội nói vậy là tuyệt vời rồi, các thánh cầu nguyện cũng chỉ như vậy mà được làm thánh, bà cụ cứ tiếp tục ở trong trái tim và trong lòng Thiên Chúa, Chúa chỉ cần như vậy.

Một khi đã ở trong trái tim của Cha, thì xin những điều hợp ý Cha. Tiên Tri Gio na được Thiên Chúa sai đến thành Ninivê loan báo sự ăn năn thống hối, và khi họ đã nhận ra đường tội lỗi và ăn năn trở lại, vì thế Thiên Chúa không án phạt, điều này đã làm cho ông tức giận với Thiên Chúa, giả như Chúa cho tàn phá thì ông cảm thấy thích hơn. Vì thế Thiên Chúa cho một sự kiện xẩy ra, là khi ông đang nằm bên gốc cây thầu dầu, thì cây bị sâu ăn mà chết khô, ông mới buồn phiền mà trách Thiên Chúa. Nhân đây Thiên Chúa dạy ông một sứ điệp: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. 11 Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?”. Hơn nữa, mong được Thiên Chúa thương xót, thì cũng phải thương xót anh em, mong được Thiên Chúa tha thứ, thì cũng phải tha thứ anh em. Đây mới thực sự là người con của Thiên Chúa, trái lại không được gọi là con mà phải mang tên là “tên đầy tớ gian ác”.

  1. Xin đủ

Chúa Giêsu dạy: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Không phải Chúa muốn chúng ta có cuộc sống bấp bênh, nhưng là cuộc sống tín thác, như Chúa Giêsu đã từng dạy: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao?”. Cầu nguyện với lòng tín thác, đó mới là sức mạnh.

Lạy Chúa xin dạy chúng con biết cầu nguyện để đi vào cung lòng của Chúa.

Về mục lục

.

THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

 Hiền Lâm

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 5-13

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? “

II. SUY NIỆM

Dụ ngôn nhắm đến thái độ của người cầu nguyện và tình thương của Đấng ban ơn: Thái độ cầu nguyện cần nhất sự kiên trì trong niềm tin và hi vọng. Tình thương của Đấng ban ơn là một Thiên Chúa như người Cha tốt lành.

  1. Kiên trì cầu nguyện

Trong xứ Palestine, tiếp khách là một bổn phận thiêng liêng. Vị khách nói trên đã đến quá muộn khiến chủ nhà bối rối, vì thức ăn đã hết, ông đã đi tới nhà bạn vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng và họ đã an giấc, nên không muốn ai quấy rầy. Tuy nhiên, người vay bánh quyết tâm cứ gõ mãi, cho đến khi người bạn kia đành phải dậy lấy bánh cho ông.

Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin ép buộc được Chúa cực chẳng đã mà đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hi vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hi vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn.

Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta, Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khẩn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.

  1. Thiên Chúa là Cha tốt lành.

“Nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết mình có bổn phận tiếp trợ nhu cầu cho con cái, huống chi Thiên Chúa là Cha tốt lành”.

Chúng ta lắm khi hiểu sai cốt lõi của lời cầu nguyện và thất vọng vì không thấy Chúa nhận lời. Xin hãy đọc kỹ lời của Chúa Giêsu: “Huống hồ Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”. Chúng ta thường xin với nhu cầu thể xác, mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái gây lầm lạc cho mình nữa.

Chúa Giêsu lặp lại, dù là kẻ xấu mà còn biết đem “của tốt” cho con cái, thì Thiên Chúa là Cha biết ban cái gì là “tốt” cho sự sống đời đời của chúng ta. Mà món quà tốt nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta, chính là Thánh Thần. Thánh Thần là sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa biết điều gì là tốt cho linh hồn chúng ta. Khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy nhiêu.

Như vậy, đức tin cho chúng ta một bảo đảm: Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, nên Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không vững bền, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường đến cầu nguyện với Chúa theo ý mình, chứ ít khi mong cho ý Chúa được thể hiện, nghĩa là chúng con thường đến cầu xin với những gì có lợi ngay trước mắt, nhưng Chúa thấu suốt cả cuộc đời và biết điều gì lợi ích cho ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con một khi biết năng cầu nguyện thì cũng biết thuận theo ý Chúa, để chúng con luôn được an bình nội tâm và không bao giờ thất vọng. Amen.

Về mục lục

.

THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN (Lễ nhớ ĐỨC MẸ MÂN CÔI)

 Hiền Lâm

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,26-38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

I. SUY NIỆM.

Mẹ Maria là kiệt tác của Thiên Chúa. Nhờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa mà Mẹ Maria được tạo thành với tất cả sự tinh tuyền và thanh khiết của tạo dựng nguyên thủy. Có thể nói, nếu mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa đều tốt đẹp, thì Mẹ Maria là thụ tạo hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, vì mẹ là niềm vui, là sự mãn nguyện của Thiên Chúa khi nhìn đến con cái loài người. Nếu người Do-thái tin nhận tổ phụ Abraham là cha của mọi dân tộc được chúc phúc (x. St 22, 17-18), thì các Kitô hữu cũng có quyền tự hào rằng, nhờ Mẹ Maria, phúc lành của Thiên Chúa được tuôn đổ chan hoà trên nhân loại (x. Lc 1, 28), nhờ Mẹ Maria mà nhân loại được phúc đón nhận “Ánh Sáng” và “Bình An” của Thiên Chúa.

Mẹ Maria được Thiên Chúa ban tặng cho loài người như một hồng ân và như dấu chỉ của tình yêu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa được mặc khải. Vì Tình Yêu Thiên Chúa cao cả vượt quá trí hiểu của loài người, tặng ân mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại nơi Mẹ Maria được bao trùm bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ đó, chỉ trong ý định niệm mầu của Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, con người mới hiểu được phẩm tước và chức vị cao sang của Đức Trinh Nữ. Mọi đặc ân và phẩm vị của Mẹ Maria cũng được gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ, vì Mẹ Maria là mẹ Đấng Cứu Thế.

Các Tin Mừng vẽ lên một hình ảnh thực về Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hiện diện trong mọi thời khắc quyết định của lịch sử cứu độ, từ một cô thôn nữ Nazareth đến làm Mẹ loài người, từ biến cố Nhập Thể đến biến cố Hiện Xuống, từ việc sinh ra Đầu Hội Thánh nơi máng cỏ ở Bêlem đến việc sinh ra các chi thể Hội Thánh dưới chân thập giá tại đồi Calvê… Mẹ đồng hành và thông dự với Con Chí Thánh trong mọi biến cố “phục hồi” nhân loại, Mẹ đã sống trọn lời “xin vâng” để phục vụ công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Kinh Mân Côi được ví như bản Tin Mừng tóm lược, mà trong đó kể ra những thời khắc cả vui mừng lẫn đau thương của Mẹ Maria trong sự hiệp thông cứu độ. Trong đó, biến cố Truyền Tin là mầu nhiệm đầu tiên mà mọi người suy ngắm trong chuỗi Mân Côi. Vì thế, trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể.

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm đức tính khiêm hạ của Mẹ, và chính nhờ sự khiêm hạ thẳm sâu mà Mẹ được nâng lên tận ngai Nữ Hoàng Thiên Quốc (Regina caeli):

“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trươc khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).

Ngay giây phút tượng thai, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Mẹ Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ . Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (x. Ep 1, 10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Mẹ Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Mẹ Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa .

Mẹ Maria được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì nhận biết mình là hư vô nhỏ bé, là nữ tỳ hèn mọn của Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 38.48). Mẹ được Thiên Chúa sủng ái vì đã hiến mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ. Đặc biệt Mẹ được coi là vô cùng thánh thiện trước mặt Thiên Chúa vì không lấy mình làm trung tâm, nhưng quy hướng tất cả về Thiên Chúa, Mẹ không phô trương chính mình, nhưng để cho Thiên Chúa lớn lên và vinh hiển qua cuộc sống của mình.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Mẹ Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Mẹ Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1, 48- 52; Gc 4, 6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Mẹ Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Mẹ Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.

Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Mẹ Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Mẹ Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.

Có thể nói, dù vô tội, nhưng Mẹ Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).

Lạy Chúa Giêsu, khiêm tốn và xin vâng là một trong những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ là luôn biết khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Amen.

Về mục lục

.

THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

 Hiền Lâm

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 27-28

Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! ” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

II. SUY NIỆM

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, đặc biệt trong ngày thứ bảy, ngày hướng về Mẹ Maria, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về 2 cái phúc: Cái phúc về sự cưu mang Lời Thiên Chúa và cái phúc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

  1. Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy.

Dân gian có câu: “Một người làm nên cả họ thơm lây…”. Khi thấy sự thành công của Chúa Giêsu đầy quyền năng trên quỷ thần, giảng dạy hay, chữa nhiều bệnh tật, dân dân lũ lượt theo Người… thì một người phụ nữ trong đám đông kêu lên: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho thầy bú mớm”.

Xét theo phương diện này, thì Mẹ Maria là Đấng Đầy Ơn Phúc đã cưu mang Chúa Giêsu và cho Người bú mớm. Tuy nhiên, hiểu rộng hơn, đây cũng là cái phúc chung cho mọi người chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, và cũng được hiểu Lời Chúa là chính Chúa. Cho nên, khi chúng ta yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, chính là chúng ta đang làm mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn, và đang làm cho Chúa được lớn dần lên trong ta.

  1. “Phúc thay kẻ lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.

Thiết nghĩ, khi nói điều này, Chúa Giêsu, không phủ nhận công lao sinh thành và dưỡng dục của Thân Mẫu Người. Nhưng Người còn gián tiếp đề cao nhân đức lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa của Mẹ Maria. Nói cách khác, Người nhấn mạnh đến mối phúc của người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, mà Mẹ Người đã là một mẫu mực, vì có ai trong loài người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa như Mẹ Maria. Mẹ đã “xin vâng” theo Lời Chúa, ghi nhớ mọi sự và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,51).

Phần phúc của mọi Kitô hữu chúng ta chính là được nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng mối phúc này chỉ trọn vẹn cho chúng ta khi chúng ta biết đem Lời Chúa ra thực hành sống đạo.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người có phúc vì có nhiều cơ hội để được nghe Lời Chúa, xin cho mọi người chúng con luôn ý thức để không chểnh mảng với Lời Chúa, nhưng hết lòng yêu mến và đem ra thực hành Lời Chúa trong đời sống, để không những chúng con cưu mang Lời mà còn làm cho Lời được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Amen.

Về mục lục

.