Thập giá nói gì?

237

 

Một hình ảnh rất quen thuộc đối với mỗi người Ki-tô hữu, đó chính là cây thập giá. Trong các nhà thờ, nhà nguyện của người Công giáo không bao giờ thiếu hình ảnh cây thập giá. Nhiều người thắc mắc không hiểu cây thập giá với tượng người chịu treo trên đó có ý nghĩa gì, và tại sao thập giá lại được sùng kính đến vậy.

Hằng ngày chúng ta nhìn lên đó, có khi nào chúng ta tự hỏi cây Thập giá muốn nói gì với chúng ta?

Với riêng tôi, trước hết, tôi được mời gọi nhớ lại biến cố chịu nạn của Đức Giêsu. Biến cố đó nói về một con người – đúng hơn là “Con Người” viết hoa – của hơn hai ngàn năm về trước, là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mang tên Giê-su, yêu nhân loại đến quên mình, và kết cục của tình yêu ấy là Người đón nhận một án tử, chịu chết treo trên cây thập giá.

Vậy điều đầu tiên mà cây Thập giá muốn nói, đó là “Tình yêu”. Người chịu treo trên đó đã chịu chết vì yêu. Đúng như lời Đức Giêsu nói nơi bàn Tiệc Ly: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.(Ga 15, 13). Vậy thì có phải thập giá nói lên đau khổ hay chết chóc như mắt thường chúng ta nhìn thấy? Yêu mà phải chết đau khổ như vậy ai còn muốn yêu? Chúng ta hãy nhớ lại lời thánh Phaolô nói: “Một khi cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17b). Hóa ra đàng sau một cái chết tức tưởi kia, là một lời hứa cứu độ dành cho những ai cùng chịu đau khổ với Chúa.

 Truyện kể rằng vào thời cấm đạo ở Trung Quốc, có một đôi vợ chồng già rất mộ mến đạo Công giáo. Ngày nào hai ông bà cũng đi lễ, đọc kinh sốt sắng. Một lần nọ, quân đội đến đập phá nhà thờ, đốt hết các tượng ảnh. Sau khi chúng đi khỏi, ông bà đến nhà thờ, nhưng tất cả đã bị cháy rụi, chỉ trừ có bức tượng chịu nạn Chúa Giêsu bằng sứ. Ông bà đem về lau chùi và treo lên bàn thờ, ngày đêm đọc kinh cầu nguyện trước tượng ảnh. Không lâu sau, cả hai ông bà đều bị bắn chết trong trận đàn áp người Công giáo của quân đội Trung Quốc. Người dân trong làng kể lại, họ thấy ông bà về báo mộng rằng vì lòng sùng kính thánh giá Chúa mà cả hai ông bà đã được Thiên Chúa cho lên thiên đàng hưởng phúc trọng vô cùng.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi vác thập giá mình mỗi ngày. Thập giá đó có khi là những hy sinh đau khổ của bệnh tật, của chiến tranh, gia đình, hay những khó khăn vốn có trong cuộc sống. Mỗi lần chịu đau khổ như thế, chúng ta hãy nhìn lên cây thập giá, chúng ta sẽ thấy những đau khổ của chúng ta chẳng đáng là gì so với những đau khổ mà Thiên Chúa Ngôi Hai đã phải chịu trên cây thập giá vì chúng ta. Và chúng ta hãy tin tưởng rằng những hy sinh, đau khổ mà chúng ta đang chịu ấy như một cây thập giá mà Chúa dành cho chúng ta. Hãy đón nhận và sống nó với tình yêu của mình, sẽ có ngày thập giá của chúng ta nở hoa, mang lại ơn cứu độ muôn đời cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho thập giá trở thành niềm vinh dự của chúng con, để chúng con luôn sẵn sàng đón nhận mà vác theo Chúa mỗi ngày. Amen.

Viên Đá Nhỏ, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức