Ngỏ Lời

160

Chúng ta rất dễ dàng khi nói ra một lời bông đùa, giải thích, bình luận…Nhưng khi quyết định ngỏ lời để làm một điều gì đó, chắc chắn sẽ phải cân nhắc và thận trọng hơn nhiều. Ngỏ lời không đơn giản chỉ là nói nhưng qua đó diễn tả một tâm tư, ước muốn thầm kín của người nói dành cho đối phương. Lời ngỏ đó đôi khi là một sự dại dột nếu ta chưa cân nhắc kĩ; là một sự thất bại nếu bị từ chối thẳng thừng, hay là một sự điên rồ khi người ta xem đó là trò đùa hay một sự nhảm nhí…

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, tôi chiêm ngắm hình ảnh một Thiên Chúa “bất chấp” để ngỏ lời. Trải qua bao thế sử thăng trầm, Thiên Chúa luôn đồng hành và dùng mọi cách thế để cứu thoát dân Người. Khi con người bị ách nô lệ tội lỗi bủa vây và kìm kẹp, thì Thiên Chúa đã ngỏ lời với một người phụ nữ là Đức Maria để cộng tác vào chương trình Cứu độ. Từ đó, Con Một của Người xuống trần gian để giải thoát họ. “Đức Giêsu Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em” (x.Cv 2,22). Nơi con người Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tự giới hạn mình lại. Ngài không đến để trị vì như một vị vua oai phong, quyền thế nhưng là sống một cuộc sống bình dân, khiêm hạ để đồng hành với mọi biến chuyển trong nhịp sống con người. Lời ngỏ này mở ra một kỉ nguyên mới cho sự sống nhân loại đồng thời diễn tả tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa Cha trước sự hư mất của loài người.

Thiên Chúa ngỏ lời với con người bằng ngôn ngữ của tình yêu. Với sứ mạng Thiên sai, Đức Giêsu đến để rao giảng Tin mừng tình thương cứu độ. “Để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em” (Cv 2, 22). Chân dung của một Thiên Chúa quá khác so với suy nghĩ của một con người như tôi. Nơi Người không hề toát lên sự xa hoa quyền thế, nhưng là sự đơn nghèo đến mức tầm thường. Người liều lĩnh ngỏ lời với những người ô uế bệnh tật, làm quen với quân thu thế và phường tội lỗi, ăn uống linh đình với bọn tay sai đế quốc. Chưa hết, Đức Giêsu còn đi hết vùng nọ tới vùng kia để chữa bệnh, làm phép lạ trong ngày Sa-bát, ngày được luật buộc phải nghỉ ngơi theo tục lệ Do-thái. Tất nhiên khi nhìn bằng nhãn quan bình thường, tôi thấy con người Đức Giêsu có vẻ không ổn. Ngài vẫn “ngoan cố” rao giảng Tin Mừng mặc dù bị các bậc thầy thời đó chống đối và thù ghét. Nhưng đó mới chính là sứ mạng của Chúa Giêsu là sống hết mình với lời ngỏ của Chúa Cha để mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người.

Tuy nhiên, không phải lúc nào lời ngỏ tình yêu cũng được đáp trả cách cân xứng. Tốt đẹp là thế, cao trọng là vậy nhưng mấy ai nhìn nhận và thấu hiểu cho sứ mạng của Đức Giêsu. Thế rồi “Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi” (Cv 2,23). Đang khi Người ngỏ lời yêu thương thì con người đã dùng sự chết để đáp lời Người. Cái chết bi thương là kết quả cho những nỗ lực của Đức Giêsu khi nói về Tin Mừng. Phải chăng, Thiên Chúa đã nhượng bộ và nhận thua trước sự dữ và thế lực bóng tối ? Hay là vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16). Đúng vậy, không chỉ là ngỏ lời yêu mà Người còn ngỏ lời tha thứ trước sự phản bội của loài người “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (x.Lc23,34). Chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu, tôi nhận ra sự ngỏ lời của Thiên Chúa đầy tính rủi ro đến mức “dại dột”, nhưng điều đó cho thấy tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho loài người trong đó có tôi.

Lời ngỏ của Thiên Chúa là một thách đố cho tôi nếu tôi thiếu lòng tin. Để thực hiện chương trình Cứu Độ, Thiên Chúa đã không ngần ngại ngỏ lời cho dù bị con người khinh dể, chống đối, hãm hại. Trong hành trình đức tin, tôi cần nhận ra những lời ngỏ của Thiên Chúa để đáp trả lại cách cân xứng hơn. Đồng thời, được mời gọi để nói lên những lời ngỏ như Đức Giêsu, bất chấp mọi thứ để Tin Mừng được lớn lên mỗi ngày.

 Têrêsa Nguyễn Bình, Thanh Tuyển sinh MTG. Thủ Đức.