Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày: Tuần 23 Thường niên

178

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

XIN CHÚA CHỮA BÀN TAY ĐỂ CHÚNG TA NÂNG ĐỠ NHAU

(Cl 1:24 – 2:3; Lc 6:6-11)

Ông bà ta nói: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.” Khi được nối kết với nhau trong tình thân, chúng ta thấy mình gắn bó gần gũi với người khác đến độ chúng ta cảm nhận được những gì họ đang trải qua. Khi tình yêu đạt đến mức thập toàn, chúng ta lại muốn chịu đau khổ cho người khác, cũng như cảm nhận được niềm vui khi họ thành công. Đây là tâm tình mà Thánh Phaolô gởi đến các tín hữu Côlôxê trong bài đọc 1 hôm nay. Thánh nhân cảm thấy vui mừng trong những đau khổ ngài chịu vì chúng mang lại ích lợi cho thân thể Đức Kitô, đó là Hội Thánh (Cl 1:24). Thánh nhân đặt trọn cuộc sống mình trong việc phục vụ Tin Mừng “theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa” (Cl 1:25-26). Đây là mục đích chính của ngài, nên Thánh Phaolô “phải vất vả chiến đấu,” nhưng không phải với sức lực của mình, nhưng “nhờ sức lực của Người [Đức Kitô] hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1:29). Nói cách khác, đau khổ là điều kiện tất yếu để đạt đến mục đích là “khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô” (Cl 1:28). Những lời này nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta đã thuộc trọn về Chúa Giêsu trong phép rửa. Chúng ta là những chứng nhân của Chúa Giêsu qua đời sống thường ngày của mình. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, ngày nào có sự khốn khó của ngày đó. Nhưng đối với chúng ta, những khốn khó này không phải là gánh nặng mà là những điều kiện “tất yếu,” những hy sinh không thể tránh trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu. Để sống an vui, chúng ta đừng quá tập trung vào những đau khổ phải chịu, nhưng tập trung vào lợi ích mà chúng ta mang lại cho thân mình Chúa Giêsu, đó là Hội Thánh.

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe câu nói: vạch lá tìm sâu. Ai trong chúng ta cũng đã có lần “vạch lá tìm sâu” nơi anh chị em của mình. Đây chính là thái độ của các kinh sư và những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ là những người “rình xem…để tìm cớ tố cáo Chúa Giêsu” (Lc 6:7). Tuy nhiên, đây không phải là điểm chính của trình thuật Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về hình ảnh của một Đức Kitô rất giàu lòng thương xót. Thánh Luca cho chúng ta thấy một Đức Kitô thật hoàn hảo: Lời nói đi đôi với việc làm. Hay nói cách khác, lời nói [lời giảng dạy] được làm sáng tỏ qua hành động và hành động được hàm chứa trong lời nói. Thánh Luca mở đầu bằng việc Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy trong một ngày sabát (Lc 6:6). Sau khi giảng dạy bằng “lời nói,” Chúa Giêsu hành động để làm sáng tỏ lời dạy của mình, là lời mang lại sự sống, qua việc chữa lành người bị khô bại tay phải. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về một đời sống “thống nhất” trong lời nói và việc làm. Những người có lời nói đi đôi với việc làm là những người được chúc phúc vì họ là những người “lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.” Hãy sống một đời sống hiền hoà trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ và hành động!

Nếu xem xét kỹ, chúng ta thấy có hai thái độ khác liên quan đến việc áp dụng luật được trình bày trong bài Tin Mừng: Chúa Giêsu và các kinh sư và những người Pharisêu. Đối với Chúa Giêsu, luật lệ là để giải thoát con người khỏi những rào cản không cho họ đến gần Chúa và đến gần người khác. Hay nói cách khác, mục đích của luật lệ là để cứu sống. Ngược lại, đối với các kinh sư và người Pharisêu, luật lệ là để “giăng bẫy” và “tìm cớ để tố cáo” (Lc 6:7), hay như lời của Chúa Giêsu là để “huỷ diệt.” (Lc 6:10). Khi Chúa Giêsu hỏi: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6:9), Ngài muốn khẳng định rằng: Ngài và các môn đệ không bị trói buộc bởi luật sabát khi liên quan đến làm việc tốt hay cứu sống người. Nói cách cụ thể hơn, luật ngày sabát “mất hiệu lực” khi “hoàn cảnh” đòi buộc chúng ta làm việc tốt và cứu người. Tóm lại, là “Con Người,” Chúa đề ra nguyên lý yêu thương. Đối với Ngài, nguyên lý này là nguyên lý cao nhất vượt trên mọi “luật lệ con người.”

Cuối cùng, chúng ta nhận ra chính mình trong phản ứng của các kinh sư và người Pharisêu trước việc chữa lành của Chúa Giêsu: “Họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không” (Lc 6:11). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng “giận điên lên” vì người khác làm điều tốt hay thành công hơn mình. Chúng ta cũng tìm cách cắt nghĩa sai hành động tốt của người khác để hạ danh dự của họ. Đây là thái độ của những người: “Nếu tôi không ăn được thì tôi cũng đạp đổ để không ai có thể ăn.” Tuy nhiên, khi sống với thái độ này, chúng ta sẽ là người đau khổ nhất và không hạnh phúc nhất. Vì lúc nào chúng ta cũng “rình xem” những lỗi lầm của người khác. Chúng ta sẽ không có một giây phút để cảm nhận được sự bình an mà tình yêu và sự cảm thông mang lại.

THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

ĐƯỢC GỌI VÀ CHỌN LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

(Cl 2:6-15; Lc 6:12-19)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côlôxê về một lối sống trọn lành mà họ được mời gọi để sống khi họ “nhận Đức Giêsu Kitô làm Chúa” (Cl 2:6). Để “sống trong Đức Kitô, các tín hữu Côlôxê phải làm những điều sau: (1) tiếp tục sống kết hợp với Người; (2) bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu; (3) dựa vào đức tin mà họ đã được thụ huấn; và (4) để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. Ngoài ra, họ còn phải coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô” (x. Cl 2:6-8). Nói tóm lại, theo Thánh Phaolô, đời sống mới phải được đặt nền tảng trên Đức Kitô, vì nơi Người, người tín hữu sẽ được sung mãn (x. Cl 2:9-10); trong người, người tín hữu lột bỏ con người tội lỗi của mình, được mai táng với Đức Kitô và được trỗi dậy với Người (x. Cl 2:11-13). Mỗi người chúng ta được đón nhận sự sống mới của Đức Kitô qua phép rửa. Chúng ta đang sống sự sống này như thế nào? Sự sống này sẽ chết dần đi trong chúng ta khi chúng ta không cắm rễ sâu trong Chúa qua đời sống cầu nguyện. Điều này chúng ta sẽ nhận thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu quy tụ dân Israel “được tái thiết” lại với nhau (x. Lc 6:12-49). Sau khi trình bày Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ những người Pharisêu vì sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Lc 5:17-6:11), Thánh Luca trình bày việc Chúa Giêsu chọn nhóm Mười Hai như là dân Israel được tái thiết. Hành động quy tụ này bắt đầu với việc cầu nguyện: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý đến hình ảnh “núi.” Trong truyền thống Kinh Thánh, núi là nơi con người gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện ám chỉ việc Ngài đi gặp gỡ Thiên Chúa và đối thoại với Thiên Chúa. Chi tiết này cho thấy việc chọn nhóm Mười Hai đến từ Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện là yếu tố nền tảng nhất để nên “ý hợp tâm đầu với Thiên Chúa” [và với nhau nhất là trong đời sống cộng đoàn], để rồi những gì chúng ta làm “tuôn chảy” từ cầu nguyện,” từ Thiên Chúa.

Trong hai câu đầu (câu 11-12), Thánh Luca trình bày cho chúng ta ba hành động Chúa Giêsu làm trong việc “tái thiết lại” Israel. Ba hành động đó là: (1) Ngài đi ra núi cầu nguyện; (2) Ngài kêu gọi các môn đệ lại; (3) Ngài chọn mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Ba yếu tố này cho thấy mầu nhiệm ơn gọi của mỗi người Kitô hữu [nhất là những người được thánh hiến]. Nói cách cụ thể hơn, mỗi ơn gọi Kitô hữu [thánh hiến] là hoa quả của việc cầu nguyện, của lời mời gọi và của sự chọn lựa của Chúa Giêsu. Người môn đệ chỉ làm một việc, đó là, đáp lại tiếng mời gọi này. Việc Chúa Giêsu chọn Mười Hai môn đệ và gọi là Tông Đồ ám chỉ việc “tái thiết lại” Israel. Nói cách khác, đối với Thánh Luca, nhóm Mười Hai là biểu tượng của việc tiếp tục với Israel. Tin Mừng Thánh Luca [và Công Vụ Các Tông Đồ], nhóm Mười Hai thường được gọi là Tông Đồ. Đây là thuật ngữ cho những người Kitô hữu truyền giáo được sai đi để rao giảng “sự kiện Đức Kitô,” hay theo ngôn từ của Thánh Luca, “lời Chúa.” Thuật ngữ này hiếm được sử dụng trong các Tin Mừng khác, nhưng nó được sử dụng 30 lần trong Tin Mừng Thánh Luca và Công Vụ Các Tông Đồ. Theo các học giả Kinh Thánh, khi liên kết nhóm Mười Hai với Tông Đồ, Thánh Luca làm cho Tin Mừng của mình khác biệt với những tác giả Tân Ước khác.

Một điểm khác chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là danh sách của nhóm Mười Hai. Danh sách này chúng ta cũng tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (3:16-19), Mátthêu (10:2-4) và Công Vụ Các Tông Đồ (1:13). Trong danh sách này, chúng ta thấy những con người được chọn đến từ những bối cảnh gia đình, văn hoá và xã hội khác nhau: những người đánh cá, người thuộc nhóm nhiệt thành, người Galilê, người Giuđêa, người thu thuế, người có tên Hy Lạp. Danh sách này là biểu tượng của “sự hiệp nhất trong đa dạng.” Chi tiết này cho thấy, ai cũng được mời gọi để trở nên môn đệ và tông đồ của Chúa Giêsu dù họ có quá khứ như thế nào. Điều quan trọng là họ đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu và đi theo Ngài. Nếu xem xét kỹ hơn danh sách này, chúng ta thấy những con người được gọi và chọn là những người sẽ bỏ Chúa Giêsu mà chạy, sẽ chối Ngài và sẽ trở thành kẻ phản bội. Nhưng những điều này không làm Chúa Giêsu ngừng gọi và chọn họ. Họ yếu đuối, nhưng Ngài đã cầu nguyện cho họ. Ơn gọi của họ không hệ tại công trạng của họ, nhưng hệ tại “lời cầu nguyện” của Chúa Giêsu. Chỉ những ai hiểu được điều này, mới có thể hiểu được mầu nhiệm ơn gọi của người Kitô hữu [của người được thánh hiến]. Mầu nhiệm đó là sự gặp gỡ đầy yêu thương giữa tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và sự mỏng dòn yếu đuối của con người.

Sau khi cầu nguyện, gọi và chọn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu bắt đầu dẫn các ông “đi xuống.” Đây là hình ảnh của việc trở về với thực tại, với công việc hằng ngày. Chúng ta thấy điều này qua việc Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành bệnh tật cũng như trừ các thần ô uế. Chính trong những việc này mà đám đông “đụng chạm” đến Ngài và cảm thấy “một năng lực” có sức chữa lành phát ra từ nơi Ngài (x. Lc 6:17-19). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại ngày sống của mình. Qua những công việc hằng ngày, chúng ta đã đụng chạm đến Thiên Chúa [hay giúp người khác đụng chạm đến Thiên Chúa] chưa? Từ cuộc sống của mình, chúng ta đã chứng tỏ cho người khác thấy một năng lực có sức “chữa lành” những chia rẽ và tổn thương của Thiên Chúa đang hoạt động chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ ngày hôm nay!

THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

NIỀM VUI ĐƯỢC LÀM MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU

(Cl 3:1-11; Lc 6:20-26)

Ai trong chúng ta cũng muốn được tôn vinh, được lên trời. Nhưng đáng ngạc nhiên thay, chúng ta lại không hướng lòng mình về trời. Thánh Phaolô trong bài đọc 1 nhắc nhở tín hữu Côlôxê về cuộc sống mới của họ trong Đức Kitô. Vì đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, các tín hữu phải tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Nói cách cụ thể hơn, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải chết đi con người cũ của mình để sống sự sống mới đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Chúng ta chết đi con người cũ bằng cách “giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5). Không những thế, chúng ta còn phải “từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục” (Cl 3:8). Tóm lại, theo Thánh Phaolô khi chết đi con người thuộc hạ giới của mình, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui thuộc thượng giới, niềm vui của những người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu.

Sau khi gọi và chọn các môn đệ [Tông Đồ], Chúa Giêsu trình bày cho họ những “lối sống” [hay thái độ sống] sẽ dẫn đến “chúc lành” và “chúc dữ.” Bài Tin Mừng hôm nay là trích đoạn trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu (x. Lc 6:17-49). Nó bao gồm bốn mối phúc và bốn mối hoạ. Khác với Tin Mừng Thánh Mátthêu có tám mối phúc, không có mối hoạ (x. Mt 5:3-12). Chi tiết đáng chú ý đầu tiên là “có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói” (Lc 6:20). Trong những lời này có một cái gì đó khác thường: “đông đảo dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu,” nhưng Ngài lại “ngước mắt nhìn và nói với các môn đệ.” Chi tiết này ám chỉ đến việc những ai tìm đến với Chúa Giêsu với ý hướng đúng đắn sẽ trở nên môn đệ của Ngài. Đứng trước “đám đông” những người muốn làm môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu trình bày cho họ những mối phúc và những mối hoạ mà người môn đệ phải sống hoặc phải tránh.

Trong bốn mối phúc, chúng ta thấy có ba mối phúc liên quan với nhau và liên quan đến người nghèo: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6:20-21). Ba mối phúc này không phải công bố ba tầng lớp xã hội [nghèo, đói và khóc lóc] là có phúc. Điều kiện được chúc phúc không đến từ tầng lớp xã hội, nhưng đến và sẽ đến từ Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến. Bên cạnh đó, như chúng ta đã trình bày ở trên (câu 20), điều kiện để trở nên thành viên của dân Israel được tái thiết lại bởi Chúa Giêsu. Điều kiện này lệ thuộc vào việc trở nên môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, việc trở nên môn đệ của Ngài có thể phải đối diện với một vài hậu quả, đó là trở nên nghèo [khiên nhường hay hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa], đói khát [sự công chính] và khóc lóc [cho tội của mình và của người khác]. Những điều kiện này là bằng chứng chiều sâu của sự dấn thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu và sứ điệp Nước Trời. Chiều sâu này được diễn tả cách cụ thể qua mối phúc thứ tư: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6:22-23). Mối phúc cuối cùng này chuẩn bị các môn đệ Chúa Giêsu sẵn sàng đón nhận lời dạy về việc yêu thương kẻ thù của mình trong phần kế tiếp của bài giảng trên núi.

Những lời “khốn” của Thánh Luca nhằm khuyến cáo lối hiểu biết nông cạn về việc ai là người hoặc thuộc về “người nghèo của Thiên Chúa,” là những người được chúc lành. Chính vì lý do này mà chúng ta thấy bốn lời “khốn” được viết theo lối đối nghịch với bốn lời chúc lành (x. Lc 6:24-26). Những lời “khốn” này nhằm mục đích kêu gọi sự thay đổi nơi mỗi người môn đệ Chúa Giêsu, chứ không nhằm mục đích tấn công bất kỳ tầng lớp xã hội nào. Cũng giống như bốn mối phúc, bốn mối hoạ cũng được nhắm đến những người sẽ trở thành môn đệ Chúa Giêsu (x. câu 20), là những người “có nhiều của cải.” Họ bị thách đố để từ bỏ những gì mình có hầu nhận ra rằng tiền tài, thức ăn ngon, thời gian vui chơi mang tính trần thế, và sự ca tụng của người đời không là gì so với niềm vui đi theo Chúa Giêsu và rao giảng sứ điệp Nước Thiên Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại niềm vui theo Chúa của mình. Nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến những điều chúng ta bỏ khi theo Chúa Giêsu, nên việc theo Chúa và làm chứng cho Ngài trở nên một gánh nặng. Hãy tập trung vào Chúa Giêsu và niềm vui được Ngài mời gọi làm môn đệ! Đừng để những điều không quan trọng trong cuộc sống cướp mất niềm vui có Chúa và niềm vui của Tin Mừng.

THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN – Suy Tôn Thánh Giá

THÁNH GIÁ: ĐỈNH CAO CỦA MẠC KHẢI VỀ THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

(Ds 21:4b-9; Ga 3:13-17)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Lễ này được cử hành ở Rôma cuối thế kỷ thứ 7. Mục đích nguyên thuỷ của lễ này là để tưởng niệm việc chiếm lại được Thánh Giá Chúa Giêsu được lưu giữ tại Giêrusalem mà đã rơi vào tay những người Persians. Hoàng đế Heraclius chiếm lại được di vật này và mang về lại Giêrusalem vào ngày mồng 3 tháng 5 năm 629.

Y dược dùng hình ảnh con rắn treo lên để làm biểu tượng, để nói về ngành “cứu người và chữa người.” Chúng ta nhận ra hình ảnh này trong bài đọc 1. Sách Dân Số tường thuật cho chúng ta câu chuyện về dân Israel trong hành trình sa mạc. Hành trình mà trong đó họ cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa, nhưng cũng là hành trình mà trong đó họ đã “mất kiên nhẫn” với Thiên Chúa và Môsê nhiều lần. Bài đọc 1 trình bày một trong những lần họ mất kiên nhẫn và kêu trách Thiên Chúa và Môsê (x. Ds 21:5). Hậu quả của sự “vong ân” này là Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân (Ds 21:6). Chúng ta thấy trong đoạn trích của bài đọc 1 kiểu mẫu quen thuộc thường xuất hiện trong sách Thẩm Phán. Kiểu mẫu đó là: Dân chúng phạm tội [mất kiên nhẫn và kêu trách Thiên Chúa và Môsê]; Chúa phạt [rắn độc đến hại dân]; dân hối cải [chúng tôi đã phạm tội]; Chúa giải thoát [treo con rắn lên một cây cột]. Chi tiết đáng chúng ta quan tâm ở đây là Thiên Chúa luôn cung cấp cho dân Ngài phương tiện chữa lành mỗi khi họ bị đánh phạt. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, dù con người biết bao nhiêu lần phản bội Ngài. Đây chính lá ý nghĩa sâu xa mà chúng ta cử hành trong lễ kính ngày hôm nay. Ý nghĩa này được Thánh Gioan trình bày cách rõ ràng trong bối cảnh nói về sự sống đời đời hay sự tái sinh trong Nước và Thánh Thần.

Hình ảnh con rắn được “treo lên một cây cột” được Chúa Giêsu dùng lại trong bài Tin Mừng hôm nay để ám chỉ đến cái chết của Ngài: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Sự khác biệt ở đây là, những người “nhìn lên” con rắn trong sa mạc họ chỉ được chữa lành và được sống với sự sống tạm thời, vì họ phải chết. Nhưng những ai “tin vào Người” thì sẽ được sống muôn đời. Chủ đề chính ở đây là “tin.” Để có sự sống đời đời, nhìn lên Đấng được giương cao bằng con mắt thể lý thì chưa đủ, nhưng còn nhận ra Ngài là “Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13) với con mắt đức tin. Đây chính là điều Giáo Hội muốn chúng ta nhận ra khi cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Mỗi khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta nhận ra Đấng bị treo trên đó là “Con Người,” Đấng đến mạc khải cho chúng ta những gì thuộc thượng giới và là Đấng mang lại cho chúng ta sự sống muôn đời.

Hơn nữa, nhìn lên Đấng bị treo trên thập giá, chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đã đạt đến đỉnh cao nhất: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15:13). Thật vậy, qua Đấng bị treo trên thập giá, chúng ta được mạc khải cho biết Thiên Chúa của mình là ai. Ngài là Đấng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Như thế, Suy Tôn Thánh Giá không chỉ đơn giản suy tôn chính Chúa Giêsu, nhưng là suy tôn Thiên Chúa, Đấng “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Thánh Giá [Đấng bị treo trên Thánh Giá] là đỉnh cao của mạc khải về Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu muốn biết Thiên Chúa là ai, chúng ta phải nhìn lên Đấng bị treo trên thánh giá. Không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá để biết Thiên Chúa là ai và cảm nghiệm tình yêu của Ngài.

THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN – Đức Mẹ sầu bi

TÌNH YÊU HIỀN MẪU DƯỚI CHÂN THẬP TỰ

(Hr 5:7-9; Ga 19:25-27)

Sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ sầu bi. Trong quá khứ, có hai lễ kính nhớ sự sầu bi của Mẹ Maria: Một lễ vào thế kỷ thứ 15 và một lễ vào thế kỷ thứ 17. Hai lễ này được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào thứ sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá và một lễ vào tháng 9. Những bản văn Kinh Thánh nói về sự sầu bi của Mẹ Maria là Lc 2:35 và Ga 19:26-27 [được trích đọc trong ngày hôm nay]. Bản văn của Thánh Luca thuật lại lời tiên báo của Simeon về thanh gươm sẽ đâm trái tim Mẹ; bản văn của Thánh Gioan nói về những lời Chúa Giêsu cho Mẹ Maria và người môn đệ Ngài yêu. Nhiều học giả trong Giáo Hội giải thích thanh gươm như là những sầu thương của Mẹ, đặc biệt là khi nhìn thấy con mình chết trên thập giá. Mỗi khi nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, chúng ta có thấy được “sầu thương” không? Chúng ta có khóc thương cho tội của mình và để tình yêu của Chúa hoàn toàn đổi mới chúng ta không?

Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư gởi Tín Hữu Do Thái cho biết Chúa Giêsu cũng đã trải qua nhiều sầu thương trong cuộc sống dương gian của mình: “Thưa anh em, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9). Chính trong sự sầu thương của mình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để mỗi người chúng ta được cứu thoát khỏi sự chết. Cũng chính qua những sầu thương, đau khổ mà Chúa Giêsu đã học được sự vâng phục, hoàn toàn phó thác chính mình cho Thiên Chúa. Hơn hết, chính qua sự sầu thương, đau khổ của mình mà Ngài mang ơn cứu độ cho chúng ta. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng gặp nhiều sầu thương và đau khổ. Chúng ta có biết sử dụng những sầu thương và đau khổ để học được hoàn toàn vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hình ảnh xảy ra dưới chân thập giá: “Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:25-27). Chúng ta chỉ hiểu rõ ý nghĩa đoạn Tin Mừng này khi đặt nó vào trong bối cảnh của toàn Tin Mừng Thánh Gioan. Trong Tin Mừng Nhất lãm, những người phụ nữ theo Chúa Giêsu đứng đằng xa, còn các môn đệ của Ngài thì bỏ trốn. Còn Thánh Gioan lại đưa ra hình ảnh những người phụ nữ theo Chúa Giêsu đứng dưới chân thập giá. Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Mẹ Maria xuất hiện hai lần: một lần tại tiệc cưới Cana, và lần thứ hai dưới chân thập giá. Điều này không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng mang ý nghĩa thần học sâu xa. Trong hai lần xuất hiện của Mẹ Maria, Thánh Gioan muốn trình bày cho chúng ta hình ảnh chân chính của một người môn đệ chúa Giêsu, đó là người theo Ngài khi vui tươi, hạnh phúc [như khi tham dự tiệc cưới] cũng như lúc buồn phiền, đau khổ [như khi đứng dưới chân thập giá]. Cuộc sống mỗi người chúng ta cũng có nhiều niềm vui và đau khổ. Mẹ Maria dạy chúng ta luôn ở bên cạnh, luôn trung thành với Chúa Giêsu trong mọi giây phút.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về dưới chân thập giá. Trong khi Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại một số lời và hành động của Chúa Giêsu xảy ra khi Ngài bị treo trên thập giá. Những lời và hành động này mang lại những phản ứng khác nhau từ những người “ở bên ngoài.” Tin Mừng Thánh Gioan tập trung vào Chúa Giêsu và những kẻ “thuộc về Ngài.” Họ không phải là những người bàng quan đứng từ xa để nhìn như những phụ nữ trong Mc 15:40-41. Theo Thánh Gioan, dưới chân thập giá một gia đình mới được thiết lập, được quy tụ. Điều này được trình bày qua những lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria và người môn đệ được Ngài yêu. Khi phó dâng Mẹ mình cho người môn đệ Ngài yêu, Chúa Giêsu chỉ ra cho biết sứ mệnh của Ngài đã hoàn tất trong tình yêu và những điều chuẩn bị cần thiết cho tương lai của những kẻ “thuộc về Ngài.” Sứ mệnh của Ngài là quy tụ một gia đình mới không theo máu mủ huyết thống. Điều này xảy ra dưới chân thập giá! Mỗi lần ngắm nhìn thập giá, chúng ta được mời gọi nhìn người khác với ánh mắt yêu thương, vì họ chính là anh chị em mình. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao chúng ta cho nhau để yêu thương và tha thứ. Đừng để cái chết của Chúa Giêsu trở nên vô hiệu trong cuộc sống chúng ta.

THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

SỐNG THẬT VỚI CĂN TÍNH CỦA MÌNH

(1 Tm 1:15-17; Lc 6:43-49)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói cho Timôthê biết mục đích đến thế gian của Chúa Giêsu, đó là để cứu những người tội lỗi, và trong số đó, thánh nhân là người đầu tiên: “Anh thân mến, đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1:15). Những lời này đưa chúng ta vào trong quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Bên cạnh đó, những lời này cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về thân phận tội lỗi của mình. Ai trong chúng ta cũng là người tội lỗi, nên cũng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện nới Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, chúng ta được thương xót không phải vì công trạng của mình, nhưng vì Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta tình yêu vô biên của Ngài: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1 Tm 1:16). Qua những lời này, Thánh Phaolô ám chỉ rằng chúng ta cũng như ngài, những người đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở nên gương sáng cho những anh chị em khác, những người đã tin hoặc chưa tin vào Thiên Chúa. Nói cách khác, khi cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải diễn tả tình yêu đó qua đời sống tha thứ hằng ngày của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu lời dạy của mình cho các môn đệ với sứ điệp nói về tương quan giữa tư tưởng và hành động. Chúa Giêsu dùng mối tương quan giữa quả và cây trong bài đọc 1 để nói lên mối tương quan giữa tư tưởng và hành động: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6:43-45). Chúng ta lưu ý ở đây chi tiết “cây tốt.” Điều này ngụ ý rằng việc làm theo đúng điều Chúa Giêsu dạy trong Lc 6:20-38 chỉ đến từ con tim của những ai đã trở về với Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Đấng Chúa Giêsu công bố trong sứ vụ rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hãy sám hối! Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra nguyên tắc “hữu thể nào, hành động đó.” Mỗi hữu thể sẽ sản sinh ra những hành động tương xứng với hữu thể của mình. Điều này giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói trong câu 46: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy?” Nếu chúng ta là người môn đệ (học trò) của Chúa Giêsu, chúng ta phải hành động cho tương xứng với ơn gọi đó. Những lời này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong tương lai. Mặc dù việc nghe và ngay cả gọi Chúa Giêsu là Chúa là quan trọng (x. Lc 8:4-21), nhưng vẫn không đủ. Người môn đệ chỉ có thể kết hợp với dân Israel để được tái thiết lại bởi Chúa Giêsu nếu họ xây dựng đời sống mình trên việc áp dụng một cách hiệu quả các lời dạy của Chúa Giêsu dựa trên hai nền tảng quan trọng, đó là tha nợ và ban phát cách quảng đại cho người khác, ngay cả kẻ thù của mình.

Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của mình bằng cách sử dụng hình ảnh xây dựng căn nhà để nói về hai loại môn đệ theo Ngài: Loại thứ nhất bao gồm những người lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành, họ được “ví như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc” (Lc 6:48). Còn loại thứ hai là những người lắng nghe lời Chúa Giêsu mà không đem ra thực hành, thì được “ví như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.” Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại trên?