Suy niệm chung tháng 10/2023 – Đổi mới trái tim người tông đồ

97

Suy niệm Tháng 10/2023

ĐỔI MỚI TRÁI TIM NGƯỜI TÔNG ĐỒ

“ Mọi sinh hoạt bên trong và bên ngoài cộng đoàn, kể cả tình trạng bệnh tật đau yếu của chị em, đều hướng tới mục đích cuối cùng là sống và loan báo Tin Mừng” (HC 71, 4). Qua điều Hiến chương này, chúng ta nhận thấy: loan báo Tin Mừng chính là sứ vụ căn bản và cốt lõi của người nữ tu Mến Thánh Giá. Song song với bổn phận nên thánh mỗi ngày, nghĩa vụ loan báo và làm chứng cho Tin Mừng luôn gắn liền với đời sống thánh hiến khi chúng ta bước theo sát Đức Kitô hơn trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Với niềm xác tín bản thân đã được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và sai đi, chúng ta tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh theo Đặc sủng của Đấng Sáng lập. Qua bốn nhiệm vụ cụ thể: giáo dục giới trẻ, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ và thăng tiến nữ giới (x. Ltk II,2-5), chúng ta luôn cộng tác với ơn Chúa để “tìm dịp đem Chúa đến cho người khác, nhất là cho người nghèo, cho lương dân, và trẻ em nguy tử” (HC 76). Nhờ đó, chúng ta có thể làm chứng cho “tình yêu tự hiến” và “tình yêu vô hạn” của Đức Kitô. Nhưng trên thực tế chúng ta đã thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng như thế nào? Hồn tông đồ của chúng ta tràn đầy nhiệt huyết hay đang nguội lạnh, mất lửa?

Với xã hội thời xưa, những truyền thống đạo đức của giáo xứ và gia đình diễn ra rất bình thường và rất sốt sắng, nhưng trong thời đại văn hoá kỹ thuật số hiện nay, những truyền thống tốt đẹp đó đang bị xói mòn, kéo theo sự suy thoái đức tin và luân lý. Nhiều tín hữu chỉ sống đức tin hời hợt, chỉ biết “cầu xin” mà chưa biết “cầu nguyện”, đến với Chúa trong nhà thờ nhưng chưa đem Chúa vào cuộc đời. Khi không đủ xác tín đức tin, người tín hữu dễ có xu hướng chạy theo những giá trị trần thế; kết cuộc là “những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa” (TH 85). Mở rộng góc nhìn ra thế giới, chúng ta cũng thấy: biết bao người đau khổ đang cần nâng đỡ; biết bao kẻ đói khát cơm ăn, áo mặc, đói khát một cuộc sống an bình giữa một xã hội đầy bất ổn. Trước thực trạng đời sống đức tin của dân Chúa và hiện trạng của xã hội, ắt hẳn chúng ta cảm thấy thấy thao thức, băn khoăn và được thôi thúc mạnh mẽ hơn nữa để dấn thân chăm lo giáo dục đức tin cho các tín hữu và nỗ lực trong việc rao giảng Tin Mừng.

Tuy nhiên, những công việc hàng ngày chúng ta vẫn làm như: học tập, dạy mầm non, dạy giáo lý, chăm sóc các em khiếm thị, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ, đồng hành với các hội đoàn, thăm viếng bệnh nhân hay tiếp cận cộng đồng… có thực sự đem lại hiệu quả chăng?

Để giáo dục đức tin cho dân Chúa cách hiệu quả, chúng ta cần xác định đúng mục tiêu, đó là giúp các tín hữu vươn tới một đức tin trưởng thành, khơi lên trong họ nỗi thiết tha tìm kiếm Chúa, và thúc đẩy họ bền bỉ tiến tới sự thánh thiện. Tiếp đến, chúng ta cần ý thức về sứ mạng của mình, đó không chỉ là một công việc được trao để làm, mà gắn chặt vào chính sự hiện hữu của ơn gọi thánh hiến. Hội Thánh sẽ thiếu sức sống nếu thiếu những người tông đồ nhiệt thành dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ con người. Một người tông đồ chỉ biết cố gắng làm tròn bổn phận và tự bằng lòng với chính mình, chú trọng nhiều đến công việc bên ngoài hơn là tình yêu bên trong  thì không đủ can đảm hiến trọn bản thân và hy sinh mọi sự cho sứ mạng, khiến hoa trái thiêng liêng bị giới hạn và nhiều khi còn gây nên những thiệt hại thiêng liêng lớn lao. Ngược lại, nếu một người tông đồ hân hoan sống theo chuẩn mực tình yêu, hết lòng tìm kiếm Chúa, hiến mình cho sứ mạng, chuyên cần học hỏi và cưu mang sáng kiến mục vụ để phục vụ các linh hồn thì chắc chắn sẽ đem lại nhiều ơn ích và niềm vui thiêng liêng. Ta thử nghĩ xem ta đang thuộc nếp sống tông đồ nào?

Có thể với sự thay đổi về tuổi tác, nơi chốn, công việc phục vụ…, hay những mệt mỏi, nhàm chán trong sứ vụ, hoặc những tổn thương, những trục trặc trong các mối tương quan, và cả những áp lực của xã hội làm chúng ta bị khựng lại, chỉ muốn sống theo nếp sống thụ động cho yên ổn. Nhưng sống theo nếp sống tông đồ thụ động ấy sẽ chẳng thể làm bừng lên sức sống mãnh liệt nơi Hội Thánh, và sứ mạng tông đồ cũng chẳng được toàn vẹn. Vậy, phải làm gì để đổi mới trái tim tông đồ của chúng ta?

Trước hết và trên hết, chúng ta cần dấn thân sống đời cầu nguyện một cách liên lỉ, trung thành. Đời sống cầu nguyện giúp chúng ta lắng nghe tiếng Chúa để hiểu và đem ra thực hành. Đời sống cầu nguyện cũng giúp chúng ta thực thi sứ mạng chuyển cầu cho dân Chúa và nhân loại. Trong cơ thể chúng ta có một bộ phận hoạt động không ngừng nghỉ từ khi thụ thai cho tới khi lìa đời, đó là trái tim. Dẻo dai như vậy, nhưng để vận chuyển máu đi khắp cơ thể, hoạt động của nó thật đơn giản chỉ có hai nhịp: bóp vào và mở ra. Nếu trái tim chỉ bóp vào mà không mở ra, hoặc ngược lại thì sẽ dẫn đến tử vong. Cũng vậy, ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim tông đồ, cần thiết và không thể tách rời. Người tông đồ chỉ biết miệt mài hoạt động mà lơ là, bỏ quên Chúa thì không thể kín múc sức mạnh từ chính Thiên Chúa cho đời sống và sứ vụ của mình. Việc hằng nhớ Chúa đi với mình, làm với mình sẽ giúp chúng ta duy trì sự thống nhất giữa những ngôn từ, thái độ, tâm tình cùng với những công việc trong ngày. Nhờ đó, chúng ta có thêm ân sủng và nghị lực để đương đầu với những sứ mạng khó khăn nhất.

Nhưng giữa những bận rộn của trách vụ, sự trung thành và lắng đọng trong đời sống cầu nguyện chắc hẳn là một thách đố không nhỏ, vì theo kinh nghiệm của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ta dễ có cám dỗ để chọn việc của Chúa hơn là chọn chính Chúa và thánh ý Ngài. Xác tín cầu nguyện chính là bí quyết để đổi mới trái tim người tông đồ, và “chính sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô là nguồn mạch làm phát sinh hoạt động tông đồ kiến hiệu” (x. HC 75,1), mỗi ngày chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Chúa từng giờ kinh phụng vụ, dành giờ hiện diện thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể để lắng nghe và bày tỏ, tâm sự về những buồn vui trong bổn phận, giãi bày những khắc khoải hoặc băn khoăn về sứ vụ, về những đối tượng chúng ta đang chăm sóc. Dẫu chưa thể làm gì được, nhưng chí ít ta không vô cảm trước những nhu cầu của con người thời đại, và hiệp thông với họ sâu xa hơn trong kinh nguyện vì tin rằng “trong mọi hình thức kinh nguyện, điểm đặc sắc nhất là thái độ nài xin trước mặt Thiên Chúa” (Ts 12a). Lời van nài tha thiết hoà lẫn với hy sinh chắn chắn mang nhiều lợi ích lớn lao cho dân Chúa. Đừng bao giờ thiếu lời cầu nguyện trước, đang và sau khi làm một việc tông đồ.

Ngoài việc kết hợp thân tình với Chúa, chúng ta cũng cần hoán cải thường xuyên mỗi ngày, thanh tẩy mình khỏi mọi nô lệ trần gian và hết lòng trông cậy vào Chúa. Giữa một thế giới đầy cám dỗ hưởng thụ, chúng ta rất cần phải bám víu vào Chúa và thật dũng cảm mới có thể vững tâm bước theo Chúa. Nhớ rằng, Chúa sẽ luôn ở với chúng ta, lôi kéo trái tim và ban sức mạnh giúp chúng ta vượt thắng khó khăn để thực hiện việc đổi mới tâm hồn mỗi ngày.

Nguyện xin Mẹ Maria Mân Côi và Đức Cha Lambert cầu bầu cho chúng ta, để trái tim chúng ta được tình yêu Chúa chạm đến, biến đổi chúng ta thành những chứng nhân sống động của lòng thương xót Chúa cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, Đức Cha Lambert, Đấng Sáng lập đã chỉ dạy chúng con: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng” (Ts 31). Chúng con nhìn nhận rằng: chúng con sẽ chẳng thể làm phát ngôn viên của Chúa nếu thiếu đời sống cầu nguyện. Xin cho chúng con luôn biết đổi mới trái tim tông đồ của chúng con qua việc luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, liên lỉ kết hợp mật thiết với Chúa, đồng thời biết chạnh lòng thương và trở thành người mang lòng thương xót của Chúa đến cho những người chúng con gặp gỡ và phục vụ. Như thế, đời sống và sứ vụ của chúng con chắc chắn sẽ mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho Nước Chúa và ơn cứu độ cho tha nhân. Amen!

Maria Ngọc Yến, MTG. Thủ Đức