Suy niệm chung tháng 03/2024 – Ân Huệ, Thánh Thiện và Tội Lỗi

39

ÂN HUỆ, THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI

Mùa chay là thời gian để chúng ta nhìn lại mình nhiều hơn, xét mình nhiều hơn, sửa đổi nhiều hơn để xứng đáng lãnh nhận những ơn Chúa ban. Tuy vậy, khi sửa đổi được nhiều ta lại nghĩ mình đáng được hưởng những ân huệ đó, khi không sửa đổi được, ta chán nản. Như thế, khi dựa trên sức riêng, con người làm lu mờ bản chất của ân huệ.

Ân huệ luôn vượt trên mọi lý giải. Ân huệ chỉ có thể là sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng đến tận cùng. Làm sao chúng ta lý giải nổi ân huệ của việc được sinh ra, được hiện hữu, được nhận tình thương của ba mẹ? Mình được thương vì mình làm cái này cái kia ư? Chẳng phải thế đâu. Ân huệ của Chúa, tình thương của Chúa cũng thế, vượt mọi lý giải. Đành rằng phải sửa đổi bản thân, cải thiện cách sống, nhưng đừng xem đấy là lý do để giải thích ân huệ và tình thương của Chúa.

Chẳng có lý do nào giải thích được việc Chúa chết cho tôi là một tội nhân. Nếu muốn giải thích thì chỉ có thể giải thích được rằng vì Chúa là Chúa, vì Chúa thương chúng ta vô điều kiện. Mà giải thích như thế cũng như chưa giải thích.

Khi người con thứ đi hoang trở về, người cha giết bê béo ăn mừng, ân huệ này vượt khỏi mọi giải thích của hai người con. Người con thứ chỉ biết ngỡ ngàng và cảm động. Người con cả cố lý luận theo kiểu: con bao nhiêu năm hầu hạ cha, mà cha không cho con một con dê nhỏ. Anh ta lý luận và không hiểu được cha mình, bởi anh ta không hiểu ân huệ. Khi hiểu được ân huệ, chúng ta đơn giản thưa lên theo lời của bài hát: “Ngài thương con đi!”

Sự Thánh Thiện

Ai cũng thích sự thánh thiện. Sống thánh chẳng phải sống “trên mây trên gió”, siêu thoát không màng thế sự, cũng không nhất thiết phải sống ăn chay nhiệm nhặt, sớm hôm kinh sách.

Từ rất xưa triết gia Plato hiểu sự Thiện theo nghĩa là thiện ích hay hữu ích. Tức đây là việc làm cho mọi sự, mọi loài đạt đến cùng đích của chúng cách tốt nhất. Theo nghĩa này, Chúa là Đấng thánh thiện vì Chúa không những sáng tạo ra muôn loài mà còn giúp muôn loài đạt đến đích điểm của chúng. Sống thánh thiện là sống sao để mình và mọi người đạt đến đích điểm cuộc đời. Thánh thiện là chăm lo cho mình và người khác cả hồn lẫn xác, thương xác bảy mối và thương linh hồn cũng bảy mối. Sống thánh thiện cũng là sống khăng khít với Chúa, vì chỉ có Chúa mới có thể giúp đỡ.

Chúa Giêsu, Ngài sống thánh thiện, lo cho người ta cả xác lẫn hồn. Ngài đồng bàn với tội nhân, hóa bánh ra nhiều, chữa lành bệnh tật. Ngài giảng giải để dân chúng biết đường lối sống đạo. Đó cũng là những ngày tháng sống ẩn dật, ăn chay, hay khi lên núi cầu nguyện một mình.

Khi hiểu như thế, bất cứ hành động nào không giúp mình và người khác sống hạnh phúc và đạt tới cứu cánh, đều là sự gian ác. Mùa chay là mùa sống thánh thiện, mùa nhận ra và sửa đổi những gì không giúp mình và người khác đạt tới đích điểm.

Tội lỗi

Tội là việc ngăn cản bản thân hay người khác đạt tới đích điểm mà Chúa mời gọi. Cần phân biệt “dấu chỉ” về tội và thực chất của tội.

Có một vùng đất bị nhiễm phóng xạ rất nặng, ai đi vào cũng sẽ bị bệnh. Nhưng mảnh đất này nhìn bình thường, mắt thường không phân biệt được. Người ta mới giăng dây và đề bảng cấm vào. Giả sử, có người bất chấp lệnh cấm đi vào. “Dấu chỉ” của tội chính là việc đã đi vào nơi có lệnh cấm, đã vi phạm lệnh cấm. Và nhiều người hiểu tội ở mức này, cho rằng tội là vi phạm lệnh cấm, lỗi giới răn. Về nhà người đó hết sức đau buồn vì đã vi phạm lệnh cấm. Nhưng việc vi phạm lệnh cấm không nói lên thực chất của tội. Thực chất của tội là việc người đó đã bị nhiễm phóng xạ.

Thế nên tội bao giờ cũng là sự phá hủy, thiệt hại, và cuối cùng là sự chết. Thiệt hại cho mình, và cho người, cả về mặt thể xác và tâm linh. Lệnh cấm chỉ là dấu hiệu để báo thôi; nếu không thiệt hại, chắc chắn không có lệnh cấm. Thế nên cần coi trọng giới răn của Chúa. Khi phạm tội, hãy nghĩ tới một sự thiệt hại ở hiện tại và tương lai. Và vì trong hiện tại và tương lai, nên tôi hoàn toàn có thể làm gì đó để giảm bớt sự tác hại của nó. Chính khi ra sức khắc phục, ta vừa giảm được tác hại, vừa đó động lực để chừa tội hơn.

Khắc phục hậu quả rất khó khăn, chính khó khăn làm ta sáng mắt ra. Khi ý thức tội là những gì gây thiệt hại cho mình và người khác, tội là những gì phá hủy hạnh phúc và an vui, chúng ta có lý do để sám hối thực sự.

Tuy nhiên, còn có một lý do, một lý do chính yếu, để chúng ta sám hối chính là tình thương Chúa. Một tình thương bị xúc phạm do tội lỗi và cũng là một tình thương cứu vớt và chữa lành những thương tích và đổ vỡ. Tình thương Chúa, hơn là những đổ vỡ, là điều khiến chúng ta sám hối. Tình thương Chúa cho chúng ta niềm tin và hi vọng trước yếu đuối dai dẳng của phận người. Con người được cứu độ nhờ tín thác vào lòng thương xót Chúa, chứ không chỉ do sức mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn ngắm ân huệ và sự thánh thiện của Chúa để con biết sám hối, chừa tội và hết lòng gắn bó với Chúa.

 

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ