Sự khác biệt

83

Tôi là đứa con thứ trong một gia đình trung lưu, là người đầu tiên trong cây gia phả gia đình chọn con đường hiến dâng cho Chúa – con đường mà người ta vẫn thường nói là “chẳng mấy ai đi”. Vì thế, tôi có cơ hội được sống chung với rất nhiều chị em, mỗi người đến từ những vùng miền khác nhau, với nhiều lứa tuổi, nơi đó thể hiện rõ sự khác biệt.

Trong một quyển sách, tôi bắt gặp câu nói của Einstein: “Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid.” Tôi suy tư và rất thú vị khi khám phá ra sự khác biệt kỳ lạ Chúa làm nơi con người.

Vừa qua, tôi có dịp thật sự ý nghĩa và tràn đầy cảm xúc khi tôi cùng các chị em được ngồi lại bên Chúa và bên nhau trong một buổi tối “chia sẻ thiêng liêng”. Lắng nghe những khó khăn, những áp lực, những giằng co hay bị dồn nén của chị em, tôi cảm thấy mình cần lắng nghe nhiều hơn. Bởi đằng sau đó là những sự thật khác hẳn với sự suy diễn của tôi.

Thêm vào đó, thời gian này, tôi cũng thật sự biết ơn bởi tôi được tiếp cận với một môn học khá thú vị – “Tâm lý học khác biệt”. Tôi nhận ra, trong cuộc sống, mỗi người có tần suất và mức độ tiếp xúc với các loại vấn đề khác nhau. Có những người vừa sinh ra thì gia đình đổ vỡ, nhu cầu được yêu thương, tôn trọng không được đáp ứng và phải trải qua rất nhiều vấn đề phức tạp nên khi lớn lên họ rất bình tĩnh khi một điều tương tự xảy ra với bạn bè họ. Có những người có một gia đình yên ấm hơn, được học hành tử tế, và có điều kiện tham gia nhiều cuộc thi. Vì thế, họ giỏi trong việc giải các bài toán hóc búa, nhưng chưa chắc biết cách giải quyết các vấn đề thường nhật, vì cuộc sống của họ chưa phải tiếp xúc với các vấn đề đó. Họ cũng có thể là một sinh viên “first-gen” trong gia đình chưa có ai tốt nghiệp đại học. Gia đình không có điều kiện nên từ đầu, lựa chọn tiên quyết dành cho họ là bỏ học, đi làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, một số người trong hoàn cảnh đó vẫn chọn phấn đấu để tìm lấy cơ hội được học cho mình và phá lệ “không có bằng đại học” của gia đình. Hay những chuyên gia là những người giỏi trong lĩnh vực hay vấn đề mà họ dành cả đời để nghiên cứu, nhưng không có nghĩa họ giỏi trong tất cả các lĩnh vực khác… Mỗi người đều có một câu chuyện ý nghĩa đến nỗi bộ hồ sơ của họ sẽ mãi không hoàn thiện nếu không có câu chuyện ấy…

Lắng nghe những câu chuyện, mảnh đời của người khác, tôi thấy người ta đang dùng “sự khác biệt” để chiến đấu, quyết liệt đối mặt với những nghịch cảnh, và những gì họ không có… hay đôi khi chỉ để chứng minh rằng: “tôi cũng khác biệt”. Tôi cũng thấy mỗi con người là một tiểu vũ trụ được Chúa tạo dựng nên một cách đặc biệt, không ai giống ai.

Điều này thức tỉnh tôi rằng trước khi chúng ta đánh giá một ai đó, thì tiên quyết, lắng nghe và thấu hiểu họ là rất cần thiết. Bởi mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, tâm thế khác nhau, và trên hết là kinh nghiệm sống khác nhau.

Thiết nghĩ, sự khác biệt là một hồng ân độc đáo mà Chúa ban cho con người. Không phải sự khác biệt vạch biên cương ngăn cách con người đến với nhau, nhưng nó cần là sợi chỉ hồng gắn kết người với người, là bộ họa cụ hữu dụng giúp mỗi chúng ta vẽ nên chân dung thực của chính mình, để rồi chúng ta đủ tự tin mà hòa nhập vào một thế giới với bao mối tương quan đa sắc và đa dạng.

Maria Đặng Xuân, Thanh tuyển sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức