Những tật xấu và các nhân đức. Bài 17: Đời sống ân sủng theo Thánh Thần

1
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về những tật xấu và các nhân đức. 
Bài 17: Đời sống ân sủng theo Thánh Thần
 

Anh chị em thân mến!
Trong những tuần gần đây, chúng ta đã suy gẫm về các nhân đức cột trụ: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ. Đó là bốn đức tính cốt yếu. Như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, bốn đức tính này thuộc về sự khôn ngoan rất cổ xưa, thậm chí có trước cả Kitô giáo. Ngay cả trước Chúa Kitô, lòng trung thực được rao giảng như một nghĩa vụ dân sự, sự khôn ngoan như một quy luật hành động, lòng can đảm như một thành phần cơ bản cho một cuộc sống hướng tới điều thiện, sự tiết chế như một biện pháp cần thiết để tránh không bị lôi kéo bởi những thái quá. Di sản rất cổ xưa này, di sản của nhân loại, đã không bị Kitô giáo thay thế, nhưng được xác định rõ ràng, được đánh giá, thanh lọc và hội nhập vào đức tin.
Vì vậy, trong tâm hồn của mỗi người đều có khả năng tìm kiếm điều thiện. Chúa Thánh Thần được ban để những ai đón nhận Người có thể biện phân rõ ràng điều thiện và điều ác, có sức mạnh để gắn bó với điều thiện bằng cách tránh điều ác, và khi làm như vậy họ đạt được sự phát triển bản thân trọn vẹn.
Nhưng trong lộ trình mà tất cả chúng ta đang thực hiện hướng tới đời sống thiện hảo, vốn thuộc về số mệnh của mỗi người – số mệnh của mỗi người là sự viên mãn, là sự sống tràn đầy -, người Kitô hữu được hưởng sự trợ giúp đặc biệt từ Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của Chúa Giêsu. Đời sống thiện hảo được thực hiện cùng với ân sủng của ba nhân đức khác, thuần túy Kitô giáo, thường được nói đến trong các tác phẩm của Tân Ước. Những thái độ nền tảng này, biểu thị đặc tính đời sống của người Kitô hữu, là ba nhân đức mà bây giờ chúng ta sẽ nói đến: đức tin, đức cậy và đức mến. [Anh chị em chúng ta cùng nói lớn: đức tin, đức cậy, đức mến]. Các tác giả Kitô giáo đã sớm gọi chúng là những nhân đức “đối thần”, vì chúng được tiếp nhận và được sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, để phân biệt chúng với bốn nhân đức còn lại được gọi là “cột trụ”, vì chúng tạo nên “bản lề” của một cuộc sống tươi đẹp. Ba nhân đức đối thần này chúng ta được lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội và chúng đến từ Chúa Thánh Thần. Do đó, cả hai loại, nhân đức đối thần và các nhân đức cột trụ, kết hợp với nhau trong các suy tư có hệ thống, đã tạo nên bảy điều tuyệt diệu, thường đối lại với danh sách bảy mối tội đầu. Do đó, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa hành động của các nhân đức đối thần rằng: “Chúng định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý. Các nhân đức này được Thiên Chúa phú bẩm trong linh hồn của các tín hữu, giúp họ có khả năng hành động như con cái của Ngài và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu. Các nhân đức đối thần là bảo chứng cho sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần trong các năng lực của con người” ( GLCG 1813 ).
Trong khi các nhân đức căn bản có nguy cơ tạo ra những người nam nữ anh hùng trong việc làm điều tốt, nhưng nhìn chung là cô độc, cô lập, thì hồng ân lớn lao của các nhân đức đối thần là sự hiện hữu sống động trong Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu không bao giờ cô đơn. Họ làm điều tốt không phải bằng nỗ lực lớn lao của sự dấn thân cá nhân, mà bởi vì, với tư cách là một môn đệ khiêm nhường, họ bước theo Thầy Giêsu, lên đường tiến về phía trước. Người Kitô hữu có các nhân đức đối thần làm thuốc giải độc tuyệt vời cho sự tự mãn. Biết bao người không thể chê trách được về mặt đạo đức lại có nguy cơ trở thành những người tự phụ và kiêu ngạo trong mắt những người họ quen biết! Đó là một mối nguy hiểm mà Tin Mừng cảnh báo chúng ta, khi Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người: “Anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Kiêu ngạo là một chất độc, nó là một chất độc cực mạnh: chỉ một giọt thôi cũng đủ hủy hoại cả một cuộc đời được đánh dấu bằng sự thiện lành. Một người có thể đã làm cả núi việc thiện, có thể được ghi nhận và khen thưởng, nhưng nếu làm tất cả những điều đó chỉ vì bản thân, để đề cao bản thân thì liệu người đó có còn được coi là người có đạo đức không? KHÔNG!
Điều thiện không chỉ là mục đích mà còn là cách thức. Điều thiện cần rất nhiều sự thận trọng, cần nhiều tử tế. Trên hết, làm điều tốt cần phải loại bỏ diện mạo đôi khi quá cồng kềnh đó là cái tôi của chúng ta. Khi cái “tôi” của chúng ta đặt ở trung tâm của mọi thứ thì mọi thứ sẽ bị hủy hoại. Nếu mọi hành động chúng ta thực hiện trong cuộc sống để cho bản thân mình thì liệu động lực này có thực sự quan trọng đến vậy không? Cái “tôi” tội nghiệp chiếm hữu mọi thứ và từ đó sinh ra kiêu ngạo.
Để sửa chữa tất cả những tình huống đôi khi trở nên đáng thương này, các nhân đức đối thần sẽ giúp ích rất nhiều, đặc biệt trong những lúc sa ngã, bởi vì ngay cả những người có ý hướng ngay lành đôi khi cũng sa ngã. Tất cả chúng ta đều sa ngã trong cuộc sống vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Cũng như những người thực hành nhân đức hàng ngày đôi khi cũng mắc sai lầm – trong cuộc sống ai cũng mắc sai lầm -: trí khôn không phải lúc nào cũng sáng suốt, ý chí không phải lúc nào cũng vững vàng, đam mê không phải lúc nào cũng được kiềm chế, lòng dũng cảm không phải lúc nào cũng vượt qua được nỗi sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta mở lòng cho Chúa Thánh Thần, để Ngài phục hồi các nhân đức đối thần trong chúng ta: khi đó, nếu lỡ mất niềm tin, Thiên Chúa sẽ mở cửa đức tin cho chúng ta; nếu chúng ta nản lòng, Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng trong chúng ta; và nếu con tim chúng ta chai đá, Thiên Chúa sẽ làm dịu nó bằng tình yêu của Ngài.
G. Võ Tá Hoàng