Những tật xấu và các nhân đức. Bài 13: Sự kiên nhẫn

9
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về “những tật xấu và các nhân đức”.
Bài 13: Sự kiên nhẫn
Anh chị em thân mến
Buổi tiếp kiến hôm nay đã được lên kế hoạch là ở quảng trường, nhưng do trời mưa nên được chuyển vào trong này. Đúng là hơi san sát một chút, nhưng ít ra là chúng ta không bị mắc mưa. Cám ơn vì sự kiên nhẫn của anh chị em.
Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã nghe trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Trước sự đau khổ phải chịu, Chúa Giêsu đáp lại bằng một nhân đức, mặc dù không nằm trong số những nhân đức truyền thống, nhưng rất quan trọng, đó là đức kiên nhẫn. Nó liên quan đến sự chịu đựng những gì mình phải chịu đựng: không phải tình cờ mà sự kiên nhẫn có cùng gốc rễ với niềm say mê. Và chính trong Cuộc Khổ Nạn làm trổ sinh sự kiên nhẫn của Chúa Kitô, Đấng hiền lành và ôn hòa chấp nhận bị bắt, bị đánh đập và bị kết án bất công; trước mặt Philatô, Ngài không phản bác; chịu đựng những lời lăng mạ, khạc nhổ và đánh đập của quân lính; mang vác gánh nặng của thập giá; Ngài tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài gỗ thập tự; Ngài không đáp lại những lời khiêu khích, nhưng tỏ lòng thương xót. Đây là sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu, tất cả những điều này cho chúng ta biết rằng sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu không phải là kiên nhẫn để chống lại đau khổ, nhưng là hoa trái của một tình yêu lớn lao hơn.
Thánh Tông đồ Phaolô, trong bài ca được gọi là “Bài ca bác ái” (xem 1 Cr 13,4-7), đã liên kết chặt chẽ tình yêu và sự kiên nhẫn. Thực ra, khi mô tả phẩm chất đầu tiên của đức ái, ngài dùng một từ được dịch là “cao thượng”, “kiên nhẫn”. Đức ái là cao thượng, là kiên nhẫn. Nó diễn tả một khái niệm đáng ngạc nhiên, thường được nhắc lại trong Kinh Thánh: Thiên Chúa, trước sự bất trung của chúng ta, tỏ ra là Đấng “chậm giận” (xem Xh 34,6; xem Ds 14,18): thay vì trút sự kinh tởm của mình lên điều ác và tội lỗi của con người, Ngài đã biểu lộ sự cao cả, sẵn sàng bắt đầu lại mọi lúc với sự kiên nhẫn vô hạn. Đối với Thánh Phaolô, đây là đặc điểm đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa, đề ra sự tha thứ khi đối mặt với tội lỗi. Nhưng không chỉ vậy: đó là đặc điểm đầu tiên của mọi tình yêu vĩ đại, biết đáp trả sự dữ bằng điều thiện, không thu mình trong giận dữ và tuyệt vọng, nhưng kiên trì và tái khởi động. Sự kiên nhẫn bắt đầu lại. Vì vậy, gốc rễ của sự kiên nhẫn là tình yêu, như Thánh Augustinô đã nói: “Người nào càng có sức mạnh để chịu đựng mọi sự dữ thì tình yêu Thiên Chúa nơi người ấy càng lớn” ( De Patientia , XVII).
Do đó mọi người có thể nói rằng không có lời chứng nào tốt hơn về tình yêu của Chúa Giêsu cho bằng gặp gỡ một Kitô hữu kiên nhẫn. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ đến bao nhiêu người cha, người mẹ, công nhân, bác sĩ và y tá, bệnh nhân, những người mỗi ngày kín đáo, làm đẹp thế giới bằng sự kiên nhẫn thánh thiện! Như Kinh thánh đã viết, “người chậm giận tốt hơn sức mạnh của một anh hùng” ( Pr 16,32). Tuy nhiên, thành thật mà nói: chúng ta thường thiếu kiên nhẫn. Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều mất kiên nhẫn. Chúng ta cần nó như một loại “vitamin thiết yếu” để tiến về phía trước, nhưng theo bản năng, chúng ta lại thiếu kiên nhẫn và lấy ác báo ác: thật khó để giữ bình tĩnh, kiềm chế bản năng, kiềm chế những phản ứng xấu, xoa dịu những cãi vã, những mâu thuẫn trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc trong cộng đoàn kitô hữu. Câu trả lời đến ngay lập tức, chúng ta không thể kiên nhẫn được.
Tuy nhiên, anh chị em hãy nhớ rằng kiên nhẫn không chỉ là điều cần thiết mà còn là một ơn gọi : nếu Chúa Kitô kiên nhẫn thì người Kitô hữu được mời gọi sống kiên nhẫn. Và điều này đòi hỏi chúng ta phải đi ngược với tâm lý phổ biến ngày nay, trong đó sự vội vàng và “mọi thứ ngay bây giờ” chiếm ưu thế; ở đó, thay vì đợi cho các tình huống chín muồi, mọi người lại bức xúc, mong muốn họ thay đổi ngay lập tức. Chúng ta đừng quên rằng sự vội vàng và thiếu kiên nhẫn là kẻ thù của đời sống thiêng liêng. Tại sao vậy? Thiên Chúa là tình yêu, và những ai yêu thương thì không mệt mỏi, không nóng nảy, không đưa ra tối hậu thư. Thiên Chúa kiên nhẫn. Thiên Chúa biết chờ đợi. Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện về Người Cha nhân hậu, ông chờ đợi đứa con trai của mình đã bỏ nhà ra đi: ông kiên nhẫn chịu đựng, chỉ nóng lòng ôm lấy người con ngay khi thấy nó trở về (x. Lc 15,21); hoặc chúng ta hãy nghĩ đến dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng, với Thiên Chúa, Ngài không vội vàng diệt trừ sự ác trước thời điểm của nó, để không bị mất mát gì (x. Mt 13,29-30). Sự kiên nhẫn khiến chúng ta cứu được mọi thứ.
Nhưng thưa anh chị em, làm thế nào để gia tăng lòng kiên nhẫn ? Vì như Thánh Phaolô dạy chúng ta, đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5,22), nên nó phải được cầu xin với chính Thánh Thần của Chúa Kitô. Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh hiền hòa của sự kiên nhẫn – kiên nhẫn là một sức mạnh hiền hòa – bởi vì “đặc tính của nhân đức Kitô giáo là không chỉ làm điều thiện mà còn có khả năng chịu đựng điều ác” (Thánh Augustinô, Discourses , 46,13). Đặc biệt trong những ngày này, thật tốt cho chúng ta khi chiêm ngưỡng Thánh Giá để thấm nhuần sự kiên nhẫn của Ngài. Cũng là một bài tập hay đó là đem đến cho Chúa những những người khó chịu nhất, bằng cách xin ơn biết thực thi đối với họ lòng thương xót mà mọi người đến nhưng lại bị coi thường: kiên nhẫn chịu đựng những người hay khó chịu. Và nó không dễ dàng. Hãy thử nghĩ xem liệu chúng ta có làm được điều này hay không: kiên nhẫn chịu đựng những người khó chịu. Bắt đầu bằng việc yêu cầu chúng ta nhìn họ với lòng trắc ẩn, với cái nhìn của Thiên Chúa, biết cách phân biệt khuôn mặt của họ với lỗi lầm của họ. Chúng ta có thói quen liệt kê mọi người theo những sai lầm mà họ mắc phải. Không, điều này không tốt. Chúng ta hãy tìm kiếm con người vì khuôn mặt của họ, của họ chứ không phải vì những sai lầm của họ!
Cuối cùng, để trau dồi tính kiên nhẫn, một nhân đức mang lại hơi thở cuộc sống, tốt nhất là anh chị em hãy mở rộng tầm nhìn của mình. Chẳng hạn, bằng cách không thu hẹp phạm vi thế giới vào những rắc rối của chúng ta, như bắt chước Chúa Kitô mời gọi chúng ta làm : “Do đó, điều cần thiết là bạn phải nhớ đến những đau khổ nghiêm trọng nhất của người khác, để học cách chịu đựng những đau khổ nhỏ bé của chính mình”. Hãy nhớ rằng “không có điều gì, dù nhỏ đến đâu, miễn là nó được chịu đựng vì tình yêu Thiên Chúa, bị trôi đi mà không được Thiên Chúa khen thưởng” (III, 19). Và một lần nữa, khi chúng ta cảm thấy bị kìm kẹp trong thử thách, như Gióp dạy, thật tuyệt vời khi biết mở lòng mình cho niềm hy vọng vào sự mới mẻ của Thiên Chúa, với niềm tin tưởng chắc chắn rằng Ngài sẽ không làm cho những kỳ vọng của chúng ta trở nên thất vọng. Kiên nhẫn là biết nhẫn chịu cái ác.
Và ở đây hôm nay, trong buổi tiếp kiến này, có hai người, hai người cha: một người Israel và một người Ả Rập. Cả hai đều mất con gái của mình trong cuộc chiến này và cả hai là bạn. Họ không nhìn vào sự thù địch của chiến tranh mà nhìn vào tình bạn của hai người đàn ông thương mến nhau và đã trải qua cùng một sự đau khổ. Chúng ta hãy nghĩ đến chứng tá tuyệt đẹp này của hai người đã phải chịu đau khổ vì cuộc chiến ở Thánh Địa thông qua những đứa con của họ. Anh em thân mến, cảm ơn vì lời chứng của anh em!
G. Võ Tá Hoàng