“Chối” nhưng không “Bỏ”

377

       “Không một vị thánh nào không có quá khứ, không có tội nhân nào lại không có tương lai”. Phêrô cũng có một quá khứ chẳng mấy huy hoàng. Khi khắc đến ông, người ta nhớ ngay đến ông là môn đệ chối thầy.

       Sự kiện chối Thầy như là một vết đen trong cuộc đời của Phêrô, mà có lẽ, chẳng bao giờ ông muốn nhắc lại. Khi nhìn Phêrô, chúng ta sẽ thường hay trách ông, tại sao ông lại chối Thầy, chẳng phải ông được Thầy thương nhiều lắm sao? Sao ông lại chối Thầy trước một đầy tớ gái, ông không thấy nhục sao?… Khi nhớ đến những lời ông từng thề thốt với Chúa, có khi ta thấy thật nực cười,vì ông đã từng thề: “Con sẽ thí mạng vì Thầy”, thế mà, gà chưa kịp gáy, ông đã chối Thầy đến ba lần.

       Phêrô rất gần gũi với Đức Giêsu. Ông thuộc nhóm môn đệ thân cận của Người. Trong các biến cố quan trọng, Chúa đều mang ông đi theo, như khi Chúa biến hình trên núi, hay ngay trong đêm Vườn Dầu, để ông cùng cầu nguyện với Người. Những điều ấy cho thấy Chúa yêu và tin tưởng Phêrô chừng nào! Ai được yêu nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều. Chúa đã nhìn thấy trước sự sa ngã của Phêrô, Chúa báo trước, ông sẽ bị Satan sàng như người ta sàng gạo. Nhưng Người không cản lại, vì Người muốn Phêrô, qua vấp ngã, ông thấy được sự yếu đuối của mình và trưởng thành hơn.

       Trong đêm Chúa bị trao nộp, Phêrô đã mất nhiều thứ, dường như là mất tất cả. Phêrô mất Thầy, mới hôm nào Thầy còn giảng dạy như một Rabbi, làm bao nhiêu phép lạ, chữa lành cho bao nhiêu người, mới hôm nào người ta trải áo, trải lá rước Thầy vào thành như một vị vua. Vậy mà, giờ đây, Thầy bị trói đem đi như một kẻ xấu xa, bị sỉ nhục mà không một lời bào chữa. Phêrô còn mất anh em. Các môn đệ tan tác, bỏ chạy thoát thân, trong số ấy còn có kẻ đang tâm bán thầy của mình. Phêrô còn bị mất mặt, mất danh dự, mất cái tôi tự cao,…

        Khi đặt mình vào vị trí của Phêrô, liệu ta có thể thông cảm cho ông phần nào? Trước sự hoảng loạn, sợ hãi, ông không biết phải làm gì. Phêrô yêu Chúa thật, nhưng tình yêu của ông có gì đó xốc nổi, vụng về và cũng đầy yếu đuối. Khi các môn đệ bỏ chạy hết, Phêrô vẫn lẽo đẽo theo Chúa, nhưng chỉ dám theo xa xa! Ông cố trà trộn vào đám đông, để dõi theo Thầy mà không bị phát hiện. Khi bị chất vấn, ông sợ hãi, vội vàng phủi bỏ mối quan hệ của mình với Thầy để không bị liên lụy.

       Nhìn Phêrô lúc ấy, vừa đáng thương, vừa đáng giận. Ông sợ, rất sợ là đàng khác, ông có chối Chúa không? – đã chối, không những thế còn chối tận ba lần. Nhưng, ông có bỏ Chúa không? – ông không bỏ. Sau khi chối Chúa, ông vội vàng ăn năn. Thường thì, sau khi phạm lỗi đến một ai, chúng ta sẽ tránh né, không dám đối diện với người ấy. Nhưng Phêrô thì khác, sau khi chối Chúa, ông lập tức nhìn lên Chúa, ông bắt gặp ánh mắt Chúa đang nhìn mình, không phải ánh mắt trách móc, nhưng là ánh mắt yêu thương, ánh mắt nhắc nhở. Ánh mắt Chúa đã chạm đến trái tim của Phêrô, chạm đến những yếu đuối nhất của ông, và, ánh mắt ấy… làm ông thay đổi. Từ đây, Phêrô sẽ được tái sinh, qua kinh nghiệm sa ngã, ta sẽ gặp được một Phêrô khác – một Phêrô đầy lòng yêu mến và sẵn sàng chết để làm chứng cho Tin Mừng.

       Lạy Chúa, Chúa đã dùng một con người như Phêrô để làm nền móng cho Giáo Hội. Qua Phêrô, Chúa cho con một kinh nghiệm rằng, con có thể mất tất cả, nhưng con không được mất lòng tin, chỉ cần có lòng tin, Chúa sẽ cứu được con. Xin cho con luôn xác tín rằng “Ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong chính sự yếu đuối của con”. Amen.

Anna Nguyễn Lan, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức