Vài Tâm Tình (Lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM)

307

Sau Ba Mươi Năm Đồng Hành Với Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam

Kính thưa Chị Tổng Phụ trách và quý Chị trong Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức thân mến,

Triết gia Blaise Pascal (1623-1662), sống đồng thời với Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679), có nói một câu làm tôi không ngớt suy ngẫm: “Cái tôi đáng ghét”. Vì thế tôi ngại nói về mình. Nhưng nhiều nữ tu Mến Thánh Gía nơi nọ nơi kia, kể cả trong Hội dòng của quý chị, đã nhiều lần hỏi tôi: “Cái gì làm cho cha gắn bó với Đức cha Lambert và Dòng Mến Thánh Giá lâu như vậy?”. Trước một câu hỏi chân tình như thế, tôi thường mỉm cười, thinh lặng vì khó trả lời. Năm 2015 này Hội dòng Mến Thánh Gía Thủ Đức tổ chức lễ mừng năm mươi năm thành lập (1965-2015), và Ban Đặc trách Kỷ Yếu xin tôi viết ít lời cho Tập Kỷ Yếu, nên tôi dùng dịp này để trả lời câu hỏi trên đây một cách thân tình như trong gia đình vậy.

  1. Có một lý do đến từ bên ngoài mà nhiều người đã biết: do sự quan phòng bất ngờ của Chúa, tôi được gặp Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tại Nhà dòng các Chị Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Xóm Gà, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, vào đầu tháng 08 năm 1985. Đức Tổng yêu cầu tôi giúp cho bảy Hội dòng Mến Thánh Gía có Nhà Mẹ trong Tổng giáo phận Sài Gòn của ngài: nghiên cứu cuộc đời Đức cha Lambert và lịch sử Dòng Mến Thánh Gía để có thể viết lại và thống nhất quyển Hiến chương của bảy Hội dòng. Sau khi giải thích cho cha Giám tỉnh của tôi và nhận được sự đồng thuận của cha Giám tỉnh, Đức Tổng Giám mục triệu tập bảy Bề trên và các Tổng Thư ký của bảy Hội dòng, cùng với tôi, đến họp tại Tòa Tổng Giám mục ngày 25 tháng 08 năm 1985. Hôm đó, ngài chính thức thành lập Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá và đặt tôi làm Cố vấn cho Nhóm. Phần tiếp theo, nghĩa là sinh hoạt của Nhóm Nghiên cứu từ cuối năm 1985 đến nay (2015), tất cả các nữ tu Mến Thánh Gía đều biết rồi. Phía tôi, tôi xem cuộc gặp gỡ tình cờ với Đức Tổng Giám mục Phaolô và lời mời gọi của ngài như một sự an bài bất ngờ nhưng thật kỳ diệu của Chúa và như một cách bày tỏ thánh ý Chúa cho tôi. Xác tín đó là một động lực quan trọng thúc đẩy tôi dấn thân đồng hành trực tiếp với bảy Hội dòng Mến Thánh Gía Sài Gòn, và gián tiếp với các Hội dòng Mến Thánh Gía thuộc các giáo phận khác, vì kết quả công việc của Nhóm được toàn thể gia đình Mến Thánh Gía, không những ở Việt Nam, mà tại Thái Lan và Hoa Kỳ nữa, hoan hỷ đón nhận từ rất sớm. Công việc được thực hiện trong đức vâng lời – vâng lời Bề trên trong Dòng và Bề trên của Giáo hội địa phương – bảo đảm cho tâm hồn tôi có được sự bình an, đúng như xác tín và kinh nghiệm của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thể hiện trong châm ngôn của ngài: “Obedientia et Pax: Vâng lời thì được an bình”.
  2. Một yếu tố thứ hai, vô hình và nội tâm hơn, và vì thế quan trọng hơn, khiến tôi gắn bó sâu sắc và lâu dài với Dòng Mến Thánh Gía, đó là linh đạo Mến Thánh Gía của Đức cha Lambert và con cái tinh thần của ngài có chung một hướng nhìn như Thánh Phanxicô (1182-1226) và Dòng Anh Em Hèn Mọn chúng tôi. Thánh Phanxicô được tác giả viết hạnh đầu tiên của ngài và của Thánh Clara gọi là “người mến Thánh Giá” (“amator Crucis”: x. Tôma Celano, Hạnh Thánh Clara Trinh nữ, năm 1260, số 30). Tôi lý luận cách đơn sơ như vầy: Cha mến Thánh Giá, thì con cũng phải mến Thánh Giá chứ! Khi tiếp xúc với các di cảo (hoặc tiểu phẩm) của Thánh Phanxicô và Đức cha Lambert, tôi khám phá ra nhiều điểm tương đồng giữa hai Đấng Sáng lập Dòng: tuy sống cách nhau bốn thế kỷ, với một lộ trình thiêng liêng riêng, trong những bối cảnh lịch sử rất khác nhau, nhưng lòng trí các ngài luôn gắn bó với Gương Mặt Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh biểu lộ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha dành cho loài người. Trong bài viết này, tôi không thể triển khai việc đối chiếu tỉ mỉ hai chân dung và hai nền linh đạo của hai Đấng Sáng lập Dòng. Tôi chỉ có thể nêu lên điểm tương đồng chính yếu và cơ bản giữa hai nhân vật, đó là: cả hai vị, không những sống lời dạy của Chúa Giêsu trong Phúc Âm về việc “vác thập giá của mình từng ngày mà đi theo Chúa để trở thành môn đệ của Người” (x. Lc 9,23; 14,27 //), nhưng còn tự nguyện “vác và yêu mến Thánh Giá của Chúa, vì yêu mến Đấng Chịu-Đóng-Đinh trên Thánh Giá đó”. Trong lịch sử Giáo hội, chủ đề thứ hai này hầu như không được triển khai trong các sách tu đức và thần học, cho đến thế kỷ XIII, khi Thánh Phanxicô Assisi nói với các Anh Em Hèn Mọn của ngài trong một bài huấn đức rằng: “Chúng ta có thể lấy làm vinh dự vì chúng ta yếu đuối (x. 2Cr 12, 5)hằng ngày được vác Thánh Giá của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta” (Huấn ngôn 5). Sau Thánh Phanxicô, là người đầu tiên trong lịch sử Giáo hội được mệnh danh “Người Mến Thánh Giá”, tác giả Sách Gương Phước ở đầu thế kỷ XV cũng đề cao tinh thần của những người mến Thánh Giá (x. Sách Gương phước, quyển II, chương 11 và 12). Nhưng Đức cha Lambert triển khai chủ đề này một cách chi tiết và sâu sắc hơn Thánh Phanxicô và tác giả sách Gương Phước, bằng cách phân biệt hai khía cạnh: vác Thánh Giá Chúa trong tâm hồn chúng ta, nghĩa là suy gẫm cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa trên Thánh Giá, thậm chí cả cuộc đời đau khổ, lữ thứ hy sinh của Người; và vác Thánh Giá của Chúa ngoài thể xác chúng ta, tức là thể hiện sự suy gẫm ấy ra bên ngoài bằng một hành động hãm mình phạt xác” (x. Bts II,3 // Ltt I,3; Bts III,1-3 // Ltt II,1-2; Btt 5 và 8-9). Ngoài ra, chính ngài làm chứng rằng, lúc lên chín tuổi, ngài đã nhận được một ơn soi sáng đặc biệt về đời sống hoàn thiện vượt bậc của “những Người Mến Thánh Giá mà ngài ngưỡng mộ và tha thiết muốn noi gương họ. Hình ảnh những người này đeo đuổi ngài trong suốt cuộc đời còn lại.

Thánh Phanxicô tuy được gọi là “người Mến Thánh Giá”, nhưng khi lập một Hội dòng mới trong Giáo hội, thì ngài chọn danh xưng chính thức là “Dòng Anh Em Hèn Mọn”, với định hướng sống tình huynh đệ phổ quát trong hành trình bước theo dấu chân Chúa Giêsu-Kitô Nghèo Khó, Khiêm Hạ và Chịu- Đóng-Đinh, và được sai đến với mọi người để dùng lời nói và việc làm mà làm chứng cho tiếng nói của Chúa. Còn Đức cha Lambert, không những say mê sống linh đạo Mến Thánh Giá trong hành trình bước theo Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, mà còn quyết định chọn tên gọi “Những Người Mến Thánh Giá” đặt cho một hiệp hội tín hữu sống giữa đời (Hiệp hội nam nữ tín hữu Mến Thánh Giá: 1668) và một Dòng nữ do chính ngài thành lập (Dòng nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta: 1670). Đây là trường hợp duy nhất xảy ra trong lịch sử Giáo hội. Điểm nổi bật trong đặc sủng và linh đạo của Dòng nữ này là chuyển cầu cho thế giới và Giáo hội: chuyển cầu trong nguyện đường bằng sự cầu nguyện, chiêm niệm và hy sinh, hãm mình; và chuyển cầu trong cuộc sống bằng sự dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới trẻ trong lãnh vực văn hóa, xã hội, ý tế, luân lý và đức tin (x. Ltk II và III; Btt 8-9; Hiến chương, điều 4).

Tuy nhiên, bên cạnh nét tương đồng cơ bản vừa nêu là “vác mến Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta”, nền linh đạo của mỗi Hội dòng vẫn mang một sắc thái riêng, gắn liền với tâm tính và kinh nghiệm sống của mỗi Đấng Sáng lập.

– Đức cha Lambert vốn là một con người khắc khổ và khát khao sự trọn lành từ thời niên thiếu, rồi lại học chuyên và hành nghề trong ngành luật, và sau đó sống chức Linh mục, Giám mục trong cơ cấu phẩm trật của Giáo hội để phục vụ Dân Chúa và truyền giáo cho lương dân, nên tình yêu ngài dành cho Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Thánh Giá cứu độ của Người mang đậm nét khổ chế và ý hướng tông đồ. Chân dung Chúa Kitô mà ngài luôn có trước con mắt thể xác và tâm hồn là hình tượng Đấng Chịu-Đóng-Đinh như được trình bày nơi những tượng Thánh Giá phổ biến trong các nhà thờ Công giáo ở khắp mọi nơi: một Chúa Giêsu đã chết thảm thương sau cuộc Khổ Nạn và hành hình tàn bạo nhất. Đó là hình ảnh Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh theo cách trình bày của ba Phúc Âm Nhất Lãm – dĩ nhiên sau cái chết trên thập giá, ba Phúc Âm này cũng như Phúc Âm theo Thánh Gioan đều tường thuật sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu như là triều thiên của Thánh Giá và cánh cửa mở ra một chân trời hy vọng cho các Kitô hữu.

– Thế nhưng, về phần mình, Thánh Gioan có một cái nhìn rất đặc biệt và hơi khác với ba Phúc Âm Nhất Lãm về Thánh Giá Chúa Giêsu: Thánh Giá là nơi biểu lộ căn tính thần linh và nguồn gốc siêu việt của Đức Giêsu (x. Ga 8, 28), là nơi Đức Giêsu kéo mọi người lên với mình (x. Ga 12,32-33), để thông dự vào mầu nhiệm Thánh Giá và Phục Sinh của Người và để được Người ban cho sống muôn đời (x. Ga 3,14-25). Thánh Gioan cũng tường thuật cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, như ba Phúc Âm Nhất Lãm, nhưng hàm ý đặc biệt nêu bật ý nghĩa cuộc Thương Khó và Thánh Giá như hành trình và chiếc thang đưa Đức Giêsu lên cao trong cuộc trở về với Chúa Cha như một cuộc vinh thắng (x. Ga 13,1), trong đó Người hoàn toàn tự chủ, chủ động và đầy quyền uy (x. Ga 10,17-18; 18,1-6). Cuộc hoán cải của chàng thanh niên Phanxicô hai mươi lăm tuổi diễn ra qua nhiều sự kiện, trong số đó tiếng nói của Chúa Giêsu từ trên tượng Thánh Giá trong nguyện đường Đamianô mang một ý nghĩa đặc biệt. Tiếng nói ấy chỉ thị cho chàng: Hãy đi sửa lại ngôi nhà của Ta đang đổ nát. Chàng đã vâng nghe và thi hành ngay. Sự kiện này đánh dấu việc Phanxicô tự nguyện tận hiến cho Chúa Giêsu Chịu- Đóng-Đinh để phụng sự Người. Tượng Thánh Giá Đamianô đã để lại một dấu ấn sâu sắc trên tâm hồn Phanxicô trong suốt cuộc đời đi theo dấu chân Chúa Kitô Nghèo Khó, Khiêm Hạ và Chịu-Đóng-Đinh. Và tượng Thánh Giá lừng danh này mang đặc điểm là một i-kôn, một bức họa với gam màu phong phú theo phong cách By-dăng-tin của Giáo hội Chính Thống giáo, được nghệ nhân là một đan sĩ ẩn danh gốc Syria sáng tác theo cách nhìn của Thánh Gioan về Chúa Giêsu trong Phúc Âm thứ tư: Chúa Giêsu được nghệ nhân trình bày như một vị Vua Tư Tế đăng quang trên ngai vàng là Thánh Giá. Phanxicô hằng ngày chiêm ngắm tượng Thánh Giá Vinh Quang này tại nguyện đường Đamianô trong ba năm sống đời ẩn sĩ để tu sửa những nhà nguyện xuống cấp ở Assisi. Vào cuối đời (năm 1225), ngài ghé thăm cộng đoàn Thánh Clara tại chính nguyện đường do tay ngài đã tu sửa và nới rộng thành một đan viện. Tại đây, tuy thân xác bị bệnh tật dày vò và hai mắt hầu như đã bị mù, Phanxicô vẫn chiêm ngắm bằng con mắt tâm hồn và bằng ký ức bức tượng i-kôn Thánh Giá Đamianô và nhận được một cảm hứng đặc biệt để sáng tác ra bài ca Anh Mặt Trời lừng danh bằng tiếng Ý của vùng Umbria, kèm theo làn điệu cũng do ngài ngẫu hứng. Nhắc lại những sự kiện lịch sử này, là để nói lên rằng Thánh Phanxicô sống linh đạo Mến Thánh Giá theo cung cách riêng của mình, dựa trên ý nghĩa của tượng Thánh Giá Đamianô: ngài vốn là một con người đầy tính nghệ sĩ, thích ca hát và ngâm thơ, và ân sủng hoán cải đã thăng hoa tâm tính tự nhiên ấy, biến ngài thành một ca sĩ và thi sĩ tâm linh, chuyên ca ngợi vẻ đẹp của Thiên Chúa khắp mọi nơi, đặc biệt trong thiên nhiên, và tôn vinh, thờ lạy sự thiện hảo của Thiên Chúa trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, với đỉnh cao là Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh trên đồi Sọ. Nhưng Đức Giêsu trên tượng Thánh Giá Đamianô là một Đức Giêsu hiển vinh, thanh thản, lan tỏa sự bình an, sự sống và vinh quang của Thiên Chúa theo nhãn quan của Thánh Gioan trong sách Phúc Âm thứ tư.

Nếu muốn so sánh hai con người Mến Thánh Giá của Chúa Giêsu-Kitô, tôi sẽ mạo muội gói ghém trong câu sau đây: Đức cha Lambert (và con cái tinh thần của ngài) mến Thánh Giá bằng một “tình yêu thực tiễn” (x. Bts III,1 // Ltt II,1) được thể hiện trong đời sống khổ chế và sứ vụ chuyển cầu cho thế giới và Giáo hội – chuyển cầu trong nguyện đường và trong cuộc sống -; còn Thánh Phanxicô (và các Anh Em Hèn Mọn) mến Thánh Giá bằng một tình yêu cảm ái, chiêm ngưỡng, thờ lạy và ca ngợi, nhưng cũng dẫn tới việc chu toàn sứ vụ thực tiễn là dùng việc làm và lời nói làm chứng cho tiếng nói của Chúa giữa muôn dân. Nhưng cả hai nền linh đạo đều tập trung vào trọng tâm là Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí mỗi người.

Tôi chân thành cảm tạ Chúa Quan Phòng đã cho tôi biết Đức cha Lambert và Dòng Mến Thánh Giá. Điều đó giúp tôi sống một cách phong phú hơn linh đạo của Cha Thánh Phanxicô, “một người Mến Thánh Giá” bốn thế kỷ trước Đức cha Lambert.

Và cuối bài chia sẻ này, tôi xin kính chúc Chị Tổng Phụ trách và mỗi Chị Em, hiện tại và tương lai, của Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức được ơn sống đặc sủng và linh đạo Dòng nữ Mến Thánh Giá một cách thật xác tín và hạnh phúc. Nguyện xin Chúa Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh-Và-Phục-Sinh-Hiển-Vinh ban tràn đầy phúc lành cho qúy Chị không những trong Năm Kim Khánh của Hội dòng, cũng là Năm Đời Sống Thánh Hiến, mà trong suốt cuộc đời thánh hiến của qúy Chị.

Lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM

                                                                  Đà lạt ngày 01-01-2015