Từ vựng Thần học Thánh kinh: Ơn Gọi

119

Từ Vựng Thần Học Thánh Kinh: Ơn Gọi

 

Ơn Gọi

Những biến cố nói về ơn gọi thì nằm trong số các trang ấn tượng nhất của Kinh Thánh. Môisen được gọi ở giữa Bụi Gai bốc cháy (Xh 3), Isaia thì được gọi ở Đền Thờ (Is 6), Đức Giavê trò chuyện với Giêrêmia trẻ tuổi (Gr 1), tất cả đều cho thấy Thiên Chúa trong sự siêu vượt và mầu nhiệm của Ngài hiện diện trước mặt con người trong toàn bộ sự thật của nó, sợ hãi và quảng đại, khả năng từ chối hay đón nhận. Để hiểu những trình thuật này chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong Kinh Thánh thì ơn gọi, trong sự Mặc Khải của Thiên Chúa và ơn cứu độ của con người, phải là một thời điểm quan trọng.

I. ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG TRONG CỰU ƯỚC

Tất cả ơn gọi trong Cựu Ước đều nhắm đến việc thực hiện những sứ mạng: nếu Thiên Chúa gọi thì tức là để sai đi; nơi Abraham (St 12,1), Môisen (Xh 3,10.6), Amos (Am 7,15), Isaia (Is 6,9), Giêrêmia (Gr 1,7), Êdêkien (Ed 3,1.4), Thiên Chúa lập lại cùng mệnh lệnh: Hãy đi! Ơn gọi là tiếng gọi mà Thiên Chúa muốn cho con người lắng nghe rằng họ được chọn và được định sẵn một công trình cụ thể trong kế hoạch cứu độ của Ngài và qua số phận của dân Ngài. Cội nguồn của ơn gọi chính là sự chọn lựa của Thiên Chúa; nói theo cách của Thiên Chúa thì ý Ngài được thực hiện. Tuy nhiên ơn gọi còn thêm một điều gì đó vào sự chọn lựa và sứ mạng: tiếng gọi riêng tư hướng đến ý thức sâu thẳm nhất của bản thân, làm xáo trộn cuộc đời người ấy, không chỉ qua những điều kiện bên ngoài nhưng còn đến tận tâm hồn, và biến đổi họ thành một người mới.

Khía cạnh cá nhân này của ơn gọi được dịch trong các bản văn: người ta thường nghe Thiên Chúa kêu tên người mà Ngài gọi (St 15,1; 22,1; Xh 3,4; Gr 1,11; Am 7,8; 8,2). Đôi khi, Thiên Chúa ban cho kẻ được tuyển chọn một tên mới (St 17,1; 32,29; x.Is 62,2) để ghi dấu ấn trên người được Ngài sở hữu và sự đổi thay cuộc đời của người đó. Và Thiên Chúa chờ đợi kẻ Ngài gọi một câu trả lời, một sự ưng thuận có ý thức từ đức tin và vâng phục. Đôi lúc con người ưng thuận ngay tức thời (St 12,4; Is 6,8), nhưng thường thì sợ hãi và tìm cách trốn tránh (Xh 4,10; Gr 1,6; 20,7). Đó là vì ơn gọi thường đặt ra sự tách biệt và làm cho kẻ được gọi trở nên kẻ xa lạ giữa những người thân thuộc của mình (St 12,1; Is 8,11; Gr 12,6; 15,10; 16,1-9; x. 1 V 19,4).

Tiếng gọi này không được nói cho tất cả những ai Thiên Chúa chọn để làm công cụ của Ngài. Chẳng hạn các vua, mặc dù là những người được Chúa xức dầu, nhưng họ không nghe tiếng gọi như thế, bởi vậy Sa-mu-en (Samuel) đã báo cho Sa-un (1 Sm 10,1) và Đavit (16,12) biết về tiếng gọi ấy. Các tư tế cũng không giữ chức thánh của mình nhờ tiếng gọi nhận được từ Thiên Chúa nhưng từ khi họ sinh ra. Mặc dù thư gửi tín hữu Do thái (5, 4) nói A-a-ron (Aaron) “được Thiên Chúa gọi”, nhưng ông chỉ đón nhận lời gọi này qua trung gian Môisen (Xh 28,1) và không có gì nói đến sự đón nhận từ trong tâm hồn. Nếu thư gửi tín hữu Do thái không nói rõ ràng điều này thì đó không phải là không trung thành với tư tưởng của tác giả để nhìn ra trong đặc tính trung gian của tiếng gọi này một dấu chỉ của sự thấp hèn, ngay cả nơi A-a-ron, một dấu chỉ của chức tư tế Lêvi liên quan đến chức tư tế của người mà Thiên Chúa đã nói trực tiếp: “Con là Con Ta… Con là tư tế….theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Melchi sédech)” (Dt 5,5).

II. ƠN GỌI CỦA ISRAEL VÀ ƠN GỌI CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ

Israel đã nhận lãnh một ơn gọi? Theo nghĩa thông thường của từ ngữ thì hiển nhiên là thế. Theo nghĩa cụ thể của Kinh Thánh, mặc dù một dân tộc rõ ràng không thể được đối xử như một người cụ thể và không thể có những phản ứng, tuy nhiên Thiên Chúa đối xử đối với dân ấy như đối với những người Ngài gọi. Chắc chắn là Ngài nói với dân ấy qua những trung gian, đặc biệt qua trung gian Môisen, thế nhưng nếu tách sự khác biệt này vốn bị áp đặt bởi bản chất của sự vật, thì Israel có tất cả những yếu tố của một ơn gọi. Trước hết, Giao Ước là tiếng gọi của Thiên Chúa, là lời nói với trái tim; Lề Luật và các tiên tri thì đầy rẫy tiếng gọi này: “Hãy nghe đây, hỡi Israel!” (Đnl 4,1; 5,1; 6,4; 9,1; Tv 50,7; Is 1,10; 7,13; Gr 2,4; x. Hs 2,16; 4,1). Lời này được Thiên Chúa cam kết bảo đảm cho dân tộc tồn tại cách riêng (Xh 19,8; Đnl 7,6) và cấm họ dựa giẫm vào một ai khác ngoài Thiên Chúa (Is 7,4; x. Gr 2,11). Tiếng gọi này chờ đợi một câu trả lời, một sự cam kết của tâm hồn (Xh 19,8; Gs 24,24) và của cả cuộc đời. Đó là tất cả những đặc điểm của ơn gọi.

Theo một nghĩa nào đó, đúng là ta tìm thấy những nét này đầy đủ hơn nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Người Tôi Tớ hoàn thiện của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn nghe tiếng của Cha và vâng phục Cha. Tuy nhiên, Tân ước hầu như không sử dụng ngôn ngữ đặc thù của ơn gọi trong trường hợp của Chúa. Nếu có thì Đức Giêsu luôn nhắc đến sứ mạng mà Ngài nhận lãnh từ Cha, không thấy chỗ nào nói đến Ngài được Thiên Chúa gọi, và điều này hẳn có ý nghĩa. Ơn gọi đòi hỏi một sự đổi đời; tiếng gọi của Thiên Chúa lôi kéo người ta ra khỏi thói quen của họ, khỏi môi trường thân thuộc của họ và dẫn họ đến một nơi bí mật mà Thiên Chúa đã dành sẵn, đến “đất ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 22,1). Dẫu thế không gì chỉ cho thấy có một sự ý thức về tiếng gọi nơi Đức Giêsu Kitô; phép rửa của Ngài cũng đồng thời là biến cố tấn phong: “Con là Con Ta” (Mc 1,11) và Thiên Chúa giới thiệu Người Tôi Tớ mà Ngài cảm thấy hoàn toàn hài lòng; nhưng ở đây không có gì gợi cho thấy những biến cố nói về ơn gọi: từ quyển này đến quyển khác của các sách Tin Mừng, Đức Giêsu biết mình đến từ đâu và đi về đâu (Ga 8,14) và nếu Ngài đi đến nơi người ta không thể theo Ngài, nếu số phận của Ngài mang một nét đặc thù, thì đó không phải căn cứ vào ơn gọi nhưng là chính con người của Ngài.

III. ƠN GỌI CỦA CÁC MÔN ĐỆ VÀ ƠN GỌI CỦA KITÔ HỮU

Nếu Đức Giêsu không nghe tiếng gọi của Thiên Chúa vì sự cân nhắc của Ngài thì trái lại Ngài gia tăng những tiếng gọi theo Ngài; ơn gọi là phương tiện mà nhờ đó Ngài quy tụ được Nhóm Mười Hai (Mc 3,13), nhưng Ngài làm cho những người khác nghe thấy tiếng gọi giống nhau của họ (Mc 10,21; Lc 9,59-62); và tất cả giáo huấn của Ngài có cái gì đó nó bao gồm luôn ơn gọi: lời gọi hãy theo Ngài bằng một con đường mới mà Ngài cất giữ bí mật: “Nếu ai muốn đến theo ta…..” (Mt 16,24; x, Ga 7,17). Và nếu có “nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn” thì vì lời mời tham dự vào Vương Quốc là tiếng gọi riêng tư: “Anh em hãy thoát khỏi thế hệ gian tà này” (Cv 2,40). Đối với Phaolô có mối tương đồng đích thực giữa ngài, “được gọi làm Tông Đồ”, với những Kitô hữu thành Rôma hay ở Cô-rin-tô, “được gọi làm dân thánh” (Rm 1,1.7; 1 Cr 1,1…). Để trả lại những người Cô-rin-tô về với sự thật, thánh Phaolô nhắc họ nhớ lại ơn gọi của họ, vì chính ngài thiết lập nên cộng đoàn Cô-rin-tô như nó là: “Hãy xem lại ơn gọi của anh em, có mấy ai khôn ngoan theo xác thịt” (1 Cr 1,26). Để cho họ một quy tắc hành xử trong một thế giới muôn hình vẻ, ngài khuyến khích họ mỗi người hãy ở “đúng địa vị mà mình được gọi” (7,24). Cuộc sống của người Kitô hữu là một ơn gọi bởi vì ơn gọi ấy là một cuộc sống trong Thần Khí, vì Thần Khí là một thế giới mới, vì Ngài “kết hợp với thần trí của chúng ta” (Rm 8,16) để làm cho chúng ta nghe Lời của Cha và đánh thức nơi chúng ta tâm tình đền đáp.

Bởi vì ơn gọi của người Kitô hữu bắt nguồn từ Thánh Thần, và vì chỉ có Thánh Thần hoạt động nơi Thân Thể của Đức Kitô, nên ở trong ơn gọi duy nhất này, có “nhiều ơn sủng… nhiều việc phục vụ…. nhiều hoạt động”, nhưng trong sự đa dạng đặc sủng này chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần (1 Cr 12,4-13). Bởi vì Giáo Hội, cộng đoàn những người được gọi, làl’Ekklèsia “Người Được Gọi”, cũng như Giáo Hội là l’Eklektè “Người Được Chọn” (2 Ga 1), nên tất cả những ai ở trong Giáo Hội nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì tùy theo vị trí của mình mà đáp lại theo ơn gọi duy nhất của Giáo Hội, nghe tiếng Chàng Rể và đáp lại: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” (Kh 22,20).

nguon: daminhvn