Tôi là chứng nhân (Ngày 02 Tháng 01 – Mùa Giáng Sinh)

33

TÔI LÀ CHỨNG NHÂN

Ga 1, 19-28

Ga 1_19-28Trong cuộc sống có đầy những mâu thuẫn, vừa làm cho người ta lúng túng, vừa làm nên những bài học kinh nghiệm quí giá. Ca khúc “Con gái” của Ngọc Lễ nói : con gái nói có là không, nói một là hai, nói thương là ghét…thế mà lại thu hút số đông giới trẻ. Trong buôn bán làm ăn, những sản phẩm càng đắt tiền càng gây chú ý cho người tiêu dùng, nhưng nào ai ngờ hàng nhái hàng giả thường ở trong mặt hàng có giá trị cao. Đức Khổng Tử trong câu truyện “nồi cơm”, xém làm hỏng tình thầy trò với người đệ tử Nhan Hồi ! Sau khi nghe giãi bày, Khổng Tử đã phải thốt lên : ôi ! trong cuộc sống có những chuyện chính ta nhìn thấy tận mắt nhưng vẫn sai. Tí nữa thì ta hồ đồ rồi !

Ngày hôm nay, mọi người vẫn cảnh giác, cân nhắc nhiều, thế mà những lời ngọt ngào, khéo ăn khéo nói vẫn được cất nhắc, được sử dụng vào vị trí quan trọng, trong khi đó biết bao người tài, không được sử dụng, biết bao người có tình, mà bị chối từ ! Xã hội thì nói người đi trước rước người đi sau, nhờ những kinh nghiệm được sẻ chia. Còn tôn giáo vẫn cho rằng : nhân vô thập toàn, hay tất cả chỉ là người trần mắt phàm, thao thức ấy, như rất cần bài học khiêm tốn, rất cần phải đấm ngực hàng ngày, hầu kịp thời sửa chữa những sai lầm khi mắc phải.

Trong Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy một nghịch lý nơi các vị tư tế và thầy Lê vi, họ muốn biết Đấng Kitô, thế mà khi sai các thuộc hạ đi hỏi Gioan, được trả lời rồi, thì họ lại không muốn nhận Đức Giêsu là Đấng phải đến. Trong khi Gioan chối, tôi không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia…., thì xem ra họ không vui ! Vì muốn Đấng Kitô đến trần gian phải theo suy nghĩ của họ vẽ ra, họ hạch hỏi tại sao Gioan làm những việc của vị ngôn sứ ? Tuy có thắc mắc về Đấng Kitô, nhưng đúng là họ không chú ý đến câu trả lời của Gioan, cũng chẳng quan tâm đến sứ mạng làm chứng của Gioan là gì.

Tôi nói lên sự thật, lạ thay rất ít người nghe tôi, huống chi là muốn hiểu tôi làm chứng về điều gì ! Hay họ đang tìm kiếm một sự thật nào đó theo tư duy của họ ? Vâng, Gioan xưa thật bé nhỏ so với cả dân tộc Do Thái lúc bấy giờ. Chúng ta hiện tại xem ra cũng mong manh trước sóng gió cuộc đời, người nói lên sự thật đã khó, kẻ nghe được sự thật lại còn mông lung đến chừng nào !

Ông Gioan không chối, ông làm chứng rằng : tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa : hãy sửa cho ngay đường Chúa đi. Được đọc và được nghe vị Tiền hô làm chứng nhân tình yêu thật dễ mến, thật dứt khoát, thật đáng nể phục, đúng là ông đã thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình. Vào thời điểm ấy, mọi người đều xem Gioan như vị ngôn sứ, như Đấng mà họ đang trông đợi, nhưng ông không ngại nói lên sự thật, ông chỉ là người dọn đường, là chứng nhân : tôi rửa anh em bằng nước, nhưng giữa các ngươi có Đấng mà các ngươi không biết, Đấng ấy cao trọng đến độ tôi không đáng cởi dây giầy cho Người.

Cái suy nghĩ thế gian đúng là họ coi Gioan thật ngốc, vì không biết thừa thắng xông lên : miếng ngon giữa đàng, ai đàng hoàng là dại. Còn theo triết lý của Đức Khổng thì : “người quân tử biết rõ về việc nghĩa, kẻ tiểu nhân thì rành về cái lợi”. Với tâm tư của người môn đệ, hình ảnh Gioan còn đẹp còn sống mãi trong tinh thần của chứng nhân Giêsu ; lợi – danh hay nghĩa – tình, cũng chỉ là khởi đầu để người môn đệ chân chính theo Đức Kitô chu toàn sứ mạng được giao phó.

Lm. Jos. DĐH, Xuân Lộc