Thập giá phá vỡ sự hài hòa của tự nhiên hay hoàn chỉnh nó

79

THẬP GIÁ PHÁ VỠ SỰ HÀI HÒA CỦA TỰ NHIÊN HAY HOÀN CHỈNH NÓ

NHẬP ĐỀ

Là người, ai cũng ao ước sống hạnh phúc, thích thưởng thức cái đẹp và không bao giờ thích nghĩ đến cái chết. Thế nhưng, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã dùng chính cái chết, một cái chết ô nhục trên thập giá để cứu chuộc con người, cho con người sống một đời sống mới, đời sống hạnh phúc vĩnh viễn. Như vậy, Thập Giá là một mối lợi lớn cho con người, vì nó hoàn chỉnh cái khuyết điểm lớn, nguy hiểm đối với con người là sự chết đời đời. Tuy nhiên, nếu xét cục bộ thì quả thật Thập Giá là điều đáng ghê sợ đối với con người, vì xem như nó mang đến sự đau khổ và tiêu diệt cho thế giới. Vì thế, sau biến cố Thập Giá của Đức Giêsu, đã có những chống đối mãnh liệt của người Do Thái, Rôma, đến nỗi thánh Phaolô phải viết : “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn mạnh hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25).

Trải qua hơn 2000 năm lịch sử của Kitô giáo, Thập Giá Chúa Kitô vẫn còn là một chủ đề gây nhiều thắc mắc, tốn nhiều giấy mực và sức lao động của các nhà thần học, tu đức; vẫn là đối tượng cho việc suy gẫm, chiêm niệm của các tâm hồn khao khát Thượng Đế, khao khát hạnh phúc thật. Chúng ta cùng suy tư về Thập Giá để hiểu biết hơn, yêu mến hơn Đấng Chịu-Đóng-Đinh. Và trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu xem Thập Giá phá vỡ sự hài hòa của tự nhiên hay hoàn chỉnh nó.

I.     Ý NGHĨA THẬP GIÁ CHÚA KITÔ

Với tư cách trung gian của giao ước mới, thay mặt loài người, Chúa Kitô đã hiến tế mình để chuộc tội chúng ta: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Thánh Kinh” (1Cr 15,3). Cái chết của Đức Kitô đã mặc khải về Thiên Chúa Yêu Thương.

Trước khi đi sâu vào ý nghĩa Thập Giá Chúa Kitô, chúng ta lược lại những nguyên nhân khiến  Ngài bị kết án tử hình.

1.    Từ những cuộc xung đột… đến bản án tử hình Thập Giá

Đọc kỹ Tin Mừng thứ tư, chúng ta sẽ nhận ra rằng Thánh Gioan có một cái nhìn rất rộng và rất sâu về cuộc tử nạn của Đức Giêsu Kitô. Vụ án của Đức Giêsu không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian ngắn ngủi hai ba ngày trước lễ Vượt Qua, nhưng đã trải dài suốt cuộc hành trình công khai của Đấng Mêsia, ít nhất là hơn hai năm, từ ngày Đức Giêsu Nadarét xuất hiện trên bờ sông Giođan đến ngày Người Phục Sinh quang vinh. Vụ án của Đức Giêsu cũng không chỉ giới hạn trong một khoảng không gian thu hẹp, từ vườn Cây Dầu tới nhà Thượng tế Caipha, qua dinh Philatô Tổng trấn để kết thúc ở Núi Sọ, nhưng đã trải rộng khắp các miền Galilê, Giuđê và Samari theo bước chân rao giảng của Đức Giêsu. Chính vì có cái nhìn như thế mà ngay trong lời tựa của Phúc Am Thánh Gioan đã xác định ngay rằng :

“Anh sáng chiếu soi trong bóng tối,

 và bóng tối đã không triệt được ánh sáng” (Ga 1,5)

Và vụ án Đức Giêsu chẳng qua chỉ là kết cục của một cuộc tranh chấp, mà nguyên nhân chính là người ta không chịu nhận biết Ngài:

“Người đã đến với thế gian.

  Người ở giữa thế gian,

  thế gian đã nhờ Người mà có,

  nhưng lại không nhận biết Người.

  Người đã đến nhà mình,

  Nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp”  (Ga 1,9b-11)

Như vậy, “cuộc thương khó” chỉ là đoạn chót, đoạn tóm kết của một vụ tranh chấp, xung đột giằng dai giữa Đức Giêsu và các thế lực đền thờ: thượng tế, kỳ lão, kinh sư.

Những bất đồng và xung đột thường tập trung vào những vấn đề: chọn lựa đứng về phía và bênh vực người nghèo, người tội lỗi của Đức Giêsu, ăn uống với người thu thuế, việc tha cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình… (x. Lc 21,1-4; 19.5-10; 5,29; Ga 8,1-11), cung cách sống và thái độ của Đức Giêsu trước những quy định của lề luật, tập quán, truyền thống (việc giữ luật ngày Sabát, quan niệm về sạch dơ, yêu thương kẻ thù) (x. Mt 5,43-48…). Những điều Người nói về Thiên Chúa Cha và về chính Người: Cha với Ta là một (x. Ga 10,30). Người Do Thái không chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì họ có sẵn một hình ảnh về Thiên Chúa, có thể do chính họ tạo ra, có thể vì phù hợp với quyền lợi của họ, khác hẳn với hình ảnh Thiên Chúa do Đức Giêsu trình bày. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất gây nên mối xung đột. Mâu thuẫn và xung đột càng lên cao khi Đức Giêsu “trực diện tố cáo” quan niệm và cách sống của phái Pharisiêu, thượng tế đền thờ, các kỳ lão và kinh sư. Điệp khúc “khốn cho các ngươi” được lập đi lập lại như những đợt tấn công vũ bão hòng đánh gục đối thủ, không cho họ có khả năng tự vệ, tự biện hộ hay chống đỡ. Trong bối cảnh như thế, thì điều xảy đến đã xảy đến, nghĩa là “các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi” (Mt 26,3-4). Đức Giêsu đã bị bắt, bị kết án và Ngài đã chịu vác Thập Giá, chết trên Thập Giá (x. Cv 2,23b).

“Bức màn đền thờ Giêrusalem bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung, đá vỡ, mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được sống lại” (Mt 27,51).

Những lời trên đây dù là những mô tả về một sự kiện đã xảy ra hay chỉ là một kiểu nói, một cách diễn tả một hình tượng, thì cũng chẳng ai có thể chối cãi được rằng đối với Mathêu và cộng đoàn Mathêu, từ giây phút Đức Giêsu tắt thở trên Thập Giá, trang sử tôn giáo – tức là trang sử mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người đã bước sang một giai đoạn mới, cái cũ qua đi, cái mới đã xuất hiện, chính đó là điều chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.

2.    Ý nghĩa cái chết hay Thập Giá của Đức Giêsu với chính Thiên Chúa

Nhiều nhà thần học nổi danh Công giáo cũng như Tin lành đã và đang cố gắng diễn tả những suy nghĩ, khám phá của mình, đã làm cho mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giêsu gần gũi với chúng ta hơn.

Trong tác phẩm “Thiên Chúa bị đóng đinh Thập Giá” nhà thần học tin lành Đức – J. Moltmann – đã đưa ra một nhận định đáng cho chúng ta suy nghĩ như sau:

“Ngày nay có một sự trùng hợp trong suy tư thần học, đó là tập trung vào vấn đề Thiên Chúa, vấn đề biết Thiên Chúa, vào cái chết của Đức Giêsu Kitô trên Thập Giá và vào cố gắng tìm hiểu bản tính Thiên Chúa từ cái chết Thập Giá ấy của Đức Kitô”.

Althaus viết : “Đức Giêsu đã chết cho Thiên Chúa trước khi chết cho chúng ta”.

Cha K. Rahner thì lại khẳng định : “Cái chết của Đức Giêsu là khẳng định về Thiên Chúa, là cách diễn tả Thiên Chúa”.

K. Barth thì tập trung suy nghĩ để đem “hiến tế, đau khổ và cái chết của Đấng bị đóng đinh” vào trong “mầu nhiệm nội tại của Thiên Chúa và tìm thấy trong cái chết ấy sự sung mãn của những tương quan Ba Ngôi của chính Thiên Chúa”.

Tất cả những khẳng định đó đều muốn nói lên quan điểm chủ yếu này: qua cái chết, bằng cái chết, trong cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá, Thiên Chúa bộc lộ chính bản tính sâu xa nhất, chính chân dung xác thực nhất của mình. Đó là một Thiên Chúa Tình Yêu,  Nhân Hậu yêu thương con người, “đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,31). Thánh Gioan cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến Thiên Chúa Tình Yêu, một tình yêu đi bước trước, vô điều kiện và không giới hạn.

Chính Đức Giêsu trong những năm rao giảng Tin Mừng Cứu độ trên khắp các miền Galilê, Samari và Giuđê, cũng đã dùng nhiều hình ảnh, nhiều dụ ngôn, nhiều kiểu nói để ám chỉ tình yêu của Người và của Thiên Chúa đối với con người, đối với anh em. Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). “Tôi chính là mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11). “Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đến cùng, không chỉ có nghĩa là đến giờ phút cuối cùng, nhưng còn có nghĩa là đến mức độ tột cùng của một tình yêu có thể thực hiện được (TOB).

Chấp nhận cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu tha thứ đối với tội nhân. Chấp nhận cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã bộc lộ một Thiên Chúa vì con người, sống và chết để làm cho con người được sống, được tôn trọng, được tự do, được hạnh phúc. Chấp nhận cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã mặc khải cho ta thấy dung mạo của một Thiên Chúa yêu thương tột cùng, đem sức mạnh chiến thắng tội ác, chiến thắng cái chết cho con người trở thành bạn hữu của Người. Thế nên, trước hết, cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá mặc khải về chân dung đích thực của Thiên Chúa.

3.    Ý nghĩa cái chết hay Thập Giá của Đức Giêsu với loài người chúng ta

Trong phần trên, chúng ta đã thấy những nguyên nhân chính của sự xung đột giữa đại diện đền thờ và Đức Giêsu đều tập trung vào điểm chủ yếu này. Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải, và đồng hóa với chính mình Người, không mấy giống với Thiên Chúa mà tôn giáo và đền thờ lúc bấy giờ đang thờ. Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa mà Đức Giêsu , là một Thiên Chúa gần gũi với con người, yêu thương con người, cảm thông với yếu đuối, tội lỗi của con người, nhất là những người bé nhỏ, hèn kém, thiệt thòi trong xã hội và giáo hội Do Thái lúc đó. Thiên Chúa ấy còn là một Thiên Chúa khiêm hạ, khước từ quyền lực, vinh quang để trở thành người cha, người mẹ, người chăn dắt, thậm chí người phục vụ, người tôi tớ của con người.

“Các người Pharisiêu, thông luật và Sa đốc bị Đức Giêsu đả kích như là các giai cấp thống trị, nắm giữ quyền cắt nghĩa lề luật. Đức Giêsu kết án vai trò của họ. Ngài muốn bẻ gẫy quyền lực của họ, và trong việc đó, Người tỏ ra Người tự do. Người vùng lên chống các người nắm giữ luật lệ áp đặt cho họ một gánh nặng không thể chịu đựng nổi. Họ quên rằng Thiên Chúa làm cho con người được tự do”    (Th. Rey-Mermet, Croire t. I, tr.202)

Chính vì trung thành với sứ mệnh của mình là rao giảng Tin mừng trong trần thế, thiết lập một tương quan mới giữa loài người và Thiên Chúa Tình Thương mà Đức giêsu đã bị kết án và hành hình trên Thập Giá. Cái chết của người vô tội, của người tôi trung của Thiên Chúa mang đến ơn cứu độ cho loài người, cho hết mọi con người.

Ơn cứu độ theo nghĩa Thánh kinh bao giờ cũng bao gồm hai ý nghĩa chính : “Giải phóng” và “Giao ước”. Như Thiên Chúa đã giải phóng Israen ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, để ký kết với dân một giao ước Tình Yêu, thì Thập Giá Đức Giêsu cũng giải phóng chúng ta khỏi mọi quyền lực của ích kỷ, của sự chết để đưa chúng ta vào giao ước Tình Yêu.

Hơn ai hết, thánh Phaolô Tông đồ trong các thư gửi các giáo đoàn Do Thái, Rôma, Corintô…. đã dùng nhiều kiểu nói, nhiều hình ảnh để diễn tả hậu quả mà cái chết của Đức Giêsu đem lại cho chúng ta: Sự công chính hóa, sự giải phóng, sự hòa giải, sự chuộc tội….. Nói tóm lại là “ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA”.

II.  THẬP GIÁ PHÁ VỠ SỰ HÀI HÒA CỦA TỰ NHIÊN HAY HOÀN CHỈNH NÓ

Thế giới này được tạo nên với những chuyển động, trật tự  kỳ diệu. Tất cả toàn khối đều hướng đích về phía con người, phục vụ con người. Con người dùng khả năng của mình để biến tự nhiên ngày càng tươi đẹp. Trong tiến trình phát triển đó, đấu tranh sinh tồn là bản năng mãnh liệt nhất nơi mọi sinh vật, đặc biệt nơi con người. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đều nhằm phục vụ cho các nhu cầu của con người, cho con người được thoải mái, sung sướng, hạnh phúc và sống lâu. Nhưng Thập Giá xem như phá vỡ sự hài hòa của tự nhiên, đem đến đau khổ và sự tiêu diệt. Đã có những phản kháng ngay sau khi Chúa Giêsu chịu chết và kéo dài về sau. Dưới đây chúng ta cùng nhìn lại những phản kháng đó.

1.    Quan niệm về Thập Giá của người ngoài Kitô giáo

Người ngoài Kitô hay vô thần xa lánh và gớm ghê thập giá. Đối với họ, đó là hình ảnh của sự bất khả hòa.

Theo quan niệm của người Israen: người bị treo (đóng đinh thập giá) là người mà dân Chúa gớm ghét, bị Thiên Chúa của lề luật chúc dữ và bị trục xuất khỏi giao ước “khốn thay những kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga 3,12). “Người bị treo trên cột là người bị Thiên Chúa rủa xả” (Dnl 21,23). Cũng theo họ, người bị trục xuát khỏi cộng đoàn dân Chúa là kẻ đã bị luật lên án là phạm thượng, phải chịu hình phạt bị treo. “Chúng tôi có luật và theo luật thì nó phải chết, vì nó xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19,7).

Trong thời gian bị Rôma cai trị, nhiều chiến sĩ người Israen tranh đấu cho tự do cũng bị đóng đinh thập giá. Hoặc những nô lệ bỏ trốn cũng bị hình phạt như vậy. Thời đó, đây là thứ hình phạt ghê gớm nhất.

Đối với nền nhân bản Rôma thì đạo Thập Giá là phản thẩm mỹ, gây khó chịu  và là bất chính. Ciceron viết : “Cái mà người ta gọi là thập giá, không những không được động chạm đến thân thể người công dân Rôma, mà còn phải xa lạ với tư  tưởng và thính thị của họ nữa”. Nói chuyện về cái chết đóng đinh của người nô lệ trước người lịch sự là thiếu giáo dục.

Như vậy, theo duy nhân bản và ngoài Kitô giáo, thì thập giá là một cái gì đáng ghê sợ, kinh tởm. Bởi vì trước hết, thập giá là điều ô nhục, đồng thời động chạm đến nỗi lo sợ sâu thẳm trong bản tính người của họ là sự chết.

“Trước cái chết, bí ẩn của con người lên cao đến tột độ. Con người không những bị đau khổ và suy nhược của thân xác hành hạ, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng, con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thân”  ( MV, số 18).

Như vậy, cái sợ của họ là chính đáng, nhưng họ không biết rằng: cái chết không phải là tận cùng của sự sống mà là cao điểm của sự sống. Bởi vì chỉ sau cái chết về thể xác, con người mới có đời sống hạnh phúc thực sự, hòa trong đời sống của Đức Kitô Phục Sinh – đời sống của Thiên Chúa.

Do đó, nếu xét cục bộ thì Thập Giá quả thực có phá vỡ tự nhiên. Nhưng nếu nhìn toàn bộ thì vấn đề lại khác.

2.    Thập Giá hoàn chỉnh sự hài hòa của tự nhiên

Sự chết là kẻ thù truyền kiếp của loài người và mọi sinh vật. Bao  lâu còn bóng dáng sự chết thì cuộc sống này chưa được hoàn chỉnh. Chúng ta không thể nào thấu triệt hết ý nghĩa của sự chết. Vì nó đối nghịch mạnh với khát vọng sống của chúng ta, sự chết đè nặng trên chúng ta như một hình phạt, vì thế tự nhiên chúng ta nhìn thấy nơi nó sự trừng phạt của tội. Thật vậy, Thiên Chúa không tạo nên sự chết (Kn 1,13), Ngài đã tạo dựng con người để không bị hư nát, và sự chết chỉ du nhập vào thế gian do sự ghen ghét của ma quỉ (Kn 2,23). Sự chết có một giá trị dấu chỉ: biểu lộ sự hiện diện của tội nơi trần gian.

Nếu không có cái chết của Đức Giêsu và Phục sinh của Ngài thì con người mãi mãi ở trong sự chết.

Thật vậy, cái chết thập giá của Chúa Giêsu khác hẳn những cái chết thập giá khác. “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Thánh kinh” (1Cr 15,3). Và nhờ “máu Ngài đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã làm hòa với muôn vật” (Cl 1,20). Như vậy, Chúa Giêsu đã dùng sự chết để phá hủy sự chết. Nhưng thực sự thập giá có ý nghĩa nhờ Phục sinh. Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết, để chúng ta sẽ sống lại với thân xác không hư nát nữa” (1Cr 15,54). Sự sống lại của Chúa Giêsu là sự chiến thắng lớn lao nhất. Con người đầu tiên chiến thắng sự chết. Nhờ cuọc chiến thắng này mà Thập Giá Đức Giêsu mới mang  ý nghĩa hoàn chỉnh tự nhiên. “Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta” (Ga 12,32). Hơn nữa, toàn bộ sứ mạng của Đức Kitô, và toàn bộ đức tin của người Kitô hữu nằm trong mầu nhiệm Phục sinh: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì tất cả lời giảng của chúng tôi đều là vô ích” (1 Cr 15,4).

Qua đó, ta thấy Thập Giá Đức Kitô không phá vỡ sự hài hòa của tự nhiên, nhưng hoàn chỉnh nó, bởi vì sự đau khổ cùng với cái chết thập giá của Ngài mang đến ơn cứu độ, giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi đau khổ, khỏi chết, đưa con người về với đời sống siêu nhiên, khiến được hạnh phúc và sống đời đời. Dựa trên đức tin, ta thấy sự hài hòa toàn vẹn nhất là ở cuối đường lịch sử: TRỜI MỚI ĐẤT MỚI (kh 21,1).

Như vậy, người Kitô hữu khi lãnh nhận phép rửa, được tháp nhập vào Chúa Giêsu và đồng hóa với Ngài trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Trên con đường lữ hành (Giáo hội lữ hành) họ phải sống mầu nhiệm Thập Giá (đau khổ) như dấu chỉ của một cuộc sống và một thế giới chưa được cứu rỗi hoàn toàn.

III.  ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU DƯỚI DẤU CHỈ THẬP GIÁ

Trong phần trình bày trên, chúng ta đã thấy Thiên Chúa dùng chính thập giá (sự đau khổ) như phương thế cứu rỗi loài người. Và Chúa Giêsu đã chấp nhận thập giá như là một cử chỉ liên đới với con người tội lỗi và như  thế là hiến tế để chuộc tội cho nhân loại.

1.    Cuộc sống và Thập Giá

Thiên Chúa đã dùng khổ đau để tiêu diệt khổ đau. Cũng từ ngày ấy, con đường do Chúa Giêsu khai mở, được các thánh của mọi thời đại bước theo. Cũng như thánh Phaolô, các vị xác tín rằng khi chấp nhận khổ đau trong tâm tình của Chúa Giêsu, các vị biến đổi khổ đau thành phương thế kéo ơn lành xuống trên anh chị em. Họ say mê Thánh Giá Chúa và tận dụng mọi khổ đau trong cuộc đời để mưu cầu ơn cứu rỗi cho chính mình và cho người khác.

Tuy nhiên, Kinh thánh Tân ước còn cho thấy một nhân tố khác nữa: khổ đau được coi như một phần của cuộc sống trần gian này, và nhân tố của thế giới chưa được hoàn toàn đổi mới. Nó như thống trị cuộc sống chúng ta. Trong thư  1Cr 4, 11-12, thánh Phaolô nói : “Cho đến lúc này, chúng tôi đã chịu đói khát, trần truồng, chúng tôi bị đánh đập, chúng tôi phải lang thang, phiêu bạt và làm lụng vất vả với đôi bàn tay của mình”. Vậy khổ đau là dấu chỉ của thế giới chưa đạt cứu cánh. Một đàng, khổ đau là dấu chỉ của lòng yêu thương Thiên Chúa đối với loài người trong Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Đàng khác, nó vẫn là dấu chỉ của sức kháng cự lại tình yêu thương đó. Các sinh hoạt, chữa bệnh và trừ quỉ do Chúa Giêsu làm là các hành động chống lại sự dữ và khổ đau như là dấu chứng của tội lỗi và của các lực lượng ma quỉ hoành hành trong thế giới. Chỉ trong ngày sau hết, trong thành Giêrusalem mới, Thiên Chúa mới lau khô nước mắt họ. Không còn sự chết, buồn thương, đau khổ (x. Kh 7, 16-17).

Khi nào còn sống trên trần gian này, thì con người vẫn còn khổ đau. Trong thư Philip, Thánh Phaolô coi đó là một ân huệ: anh em chẳng những được thêm lòng tin mà còn được khổ đau vì Chúa nữa (x. Pl 1m29). Kitô hữu là người đứng dưới Thập Giá, mang trong mình dấu tích Thập Giá của Chúa Kitô. Bao lâu còn sống trên trần gian, bấy lâu họ vẫn còn được kêu mời chịu đau khổ vì Chúa và với Chúa. Để khi thoát khỏi khổ đau và cái chết, ơn cứu thoát đến cho chúng ta như một hy vọng.

2. Thập Giá như một thử thách trong cuộc sống Kitô hữu

Sự dữ và khổ đau liên tục hiện diện và tung hoành trong cuộc sống con người giữa lòng thế giới, có thể khiến cho những người chủ trương xây dựng hạnh phúc ngay bây giờ sinh chán chường, vỡ mộng và khước từ chấp nhận niềm hy vọng Kitô. Đối với con người có lòng tin, thì đó là một sự thật cần phải chấp nhận và vượt thắng. “Nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc, chẳng những tin vào Ngài, mà còn chịu khổ đau vì Ngài” (Pl 1,29). Nhưng cũng chính vì đang có một cuộc chiến, nên sự dữ và khổ đau đồng thời cũng là một thử thách của lòng tin, lòng kiên trì của các tín hữu. Nhờ khổ đau, đức tin của họ sẽ được thanh luyện và họ trở thành “Người” vào ngày sau hết, khi Đức Giêsu Kitô thống trị mọi tạo vật.

3. Thánh Thần trong đời sống Thập Giá

Người tín hữu chấp nhận Thập Giá vì họ tin vào lời Chúa Giêsu hứa trao ban tràn đầy Thánh Thần cho họ. Chính Thần Linh Chúa sẽ giúp các tín hữu có khả năng gánh chịu đau khổ như Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu biết chấp nhận khổ đau đến độ trở thành tử đạo, trở thành nhân chứng Chúa Giêsu như  Stêphanô, Phêrô và các vị tử đạo khác của Giáo hội trong dòng lịch sử.

Đôi khi khổ đau còn là phương thế Thiên Chúa dùng để cảnh cáo, để sửa dạy chúng ta. Để không đi vào cái chết vĩnh viễn, thì anh chị em đừng quên lời Chúa khuyên răn anh chị em: Con ơi đừng có khinh thường việc Chúa sửa dạy, và có bị Người quở trách con đừng buông xuôi, vì Chúa thương ai Người mới sửa dạy. Con nào Người nhận, Người mới cho đòn. (x. Dt 12,6).

Mọi sửa phạt ban đầu đều khiến cho buồn tủi, nhưng có Chúa Thánh Thần soi sáng nâng đỡ, những ai vui lòng chịu thử thách sẽ được bình an.

Như vậy ta thấy rằng Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Ngài không bao giờ tạo nên thập giá cho con người, cũng như không muốn cho con người khổ đau. Nhưng vì đời sống trần thế này bất toàn, nên còn những đau khổ, thập giá. Điều cần là người Kitô hữu phải biết coi đó như những phương thế để thánh hóa mình, để thông phần đau khổ với Đức Kitô. “Tôi mang trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Do đó, thái độ thụ động và chịu trận trước khổ đau và cái chết không phải là điều Thiên Chúa muốn. Điều Thiên Chúa muốn là con người sống tràn đầy cuộc sống của mình, và vì thế Kitô hữu phải chống lại mọi khổ đau và mọi hình thức của đau khổ, nhất là khi chúng phát xuất từ bất công và thái độ sống gian ác, tội lỗi của con người. Kiôt hữu chấp nhận khổ đau không phải vì thất vọng hay lo âu trước cái vô nghĩa của nó, hay vì tâm thức bệnh hoạn muốn kiếm tìm khổ đau, mà là vì đầu hàng Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh trong cử chỉ yêu thương, tín thác và hiến dâng cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

KẾT LUẬN

Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người sống như con người, cùng thông cảm và chịu đau khổ như con người. Vì yêu thương con người và vì tùng thuận Chúa Cha, Ngài tự nguyện chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá, cái chết của những tên tử tội. Đối với nhiều người Do Thái và Rôma thời đó, thập giá là án tử đáng ghê sợ, do đó họ chống lại những ai tôn thờ Thập Giá của người tự xưng mình là Con Thiên Chúa “Cha và Ta là một” ( Ga 10,30). Bởi vì họ nhìn thấy nơi Thập Giá sự tiêu diệt.

Nhưng đối với các Kitô hữu, những người đã được tháp nhập vào Đức Kitô qua phép Rửa, thì Thập Giá Đức Kitô là một mối lợi cho con người. Vì qua cái chết và Phục sinh, Chúa Giêsu phục hồi mầm sống siêu nhiên nơi con người (bị đánh mất do tội), cho con người được sống hạnh phúc đời đời. Do đó, dựa vào đức tin, nhìn vào toàn bộ chương trình cứu độ, thì Thập Giá hoàn chỉnh sự hài hòa của tự nhiên. Bởi vì ơn cứu độ được ban ra do hậu quả Thập Giá, sự chết không còn làm chủ thế giới này, mà cái thống trị vạn vật là sự Phục Sinh vinh quang của Chúa Giêsu.

Bằng thập giá mà chúng ta chung vác với Chúa, mỗi con người chúng ta được mời gọi cộng tác vào việc hoàn chỉnh tự nhiên, để làm cho chính mình và cho mọi người đạt sự sống mới trong trời mới  đất mới.

Ngày nay, giữa một thế giới hỗn độn, hướng về vật chất, hơn lúc nào hết, người Kitô hữu bằng cuộc sống “Chịu-Đóng-Đinh”  của mình, làm chứng cho Tin mừng, và cho mọi người biết Thiên Chúa là cứu cánh duy nhất.

Hơn ai hết, vì yêu mến Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh, người nữ tu Mến Thánh Giá phải sống đúng và trọn vẹn ý nghĩa mầu nhiệm Thập Giá, luôn kiếm tìm và đem hạnh phúc đến cho mọi người.

 

                                                                                   Kim Cúc