Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B

126

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B.

Mc 1, 1-8

Khởi đầu sách Tin Mừng, thánh sử Mátcô bắt đầu bằng lời giới thiệu: “Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”.  Tiếp sau lời ‘khởi đầu’ ấy là ‘tiếng hô’ trong sa mạc và hình dáng chủ nhân của tiếng hô, Gioan Tiền Hô xuất hiện trong trang phục và cung cách của một người của sa mạc. Tiếng của ông đã được lắng nghe, mọi cư dân vùng sông Giodan và Giêrusalem đã hoán cải, thú tội, và chịu phép rửa tỏ lòng sám hối (c.5).

Vậy sa mạc có ý nghĩa gì? Tại sao lại hô trong sa mạc? Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói gì với tôi?

Sa mạc là  nơi chốn quen thuộc của người Do Thái. Đất đai của họ phần lớn là sa mạc hay hoang địa; lịch sử đầy bi hùng của họ (40 năm) cũng diễn ra trong sa mạc. Sa mạc chính là nơi họ được kết ước với Thiên Chúa để trở nên dân riêng của Ngài, là nơi họ đã kinh nghiệm về sự đồng hành của Thiên Chúa, Đấng ở giữa họ để chăm sóc, yêu thương, dẫn dắt, an ủi và sửa dạy họ. Nơi đây, đức tin của họ vào được gieo trồng, lớn lên và được thanh luyện để từ một dân tộc hỗn độn, yếu nhược, bất trung, thất tín, cứng đầu,.. họ trở thành một dân riêng của Thiên Chúa, xứng đáng thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ của họ. Chính trong sa mạc mà họ trải nghiệm “lòng kề lòng” với Thiên Chúa và hưởng nếm thời gian trăng mật với Ngài. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đi vào hành trình sa mạc 40 ngày đêm trước khi khởi đầu sứ vụ của Ngài. Như vậy, sa mạc không chỉ là nơi nắng gió nhưng quan trọng hơn, là nơi thinh lặng ngự trị, nơi con người xa lánh mọi bon chen lo lắng của cuộc sống để một mình đối diện với chính mình, với vũ trụ và với chính Thiên Chúa sáng tạo và yêu thương.

Gioan là con người của sa mạc, ông đã vào trong sa mạc và hơn nữa, đã biến cõi lòng mình thành sa mạc để nơi ấy ông nghe được tiếng của Đức Chúa và tình nguyện trở thành “tiếng kêu trong sa mạc” để dọn đường cho Ngài. Chính trong kinh nghiệm “lòng kề lòng” với Chúa mà ông biết Đấng đến sau ông thì cao trọng hơn ông bội phần, chính Ngài là Đấng sẽ khởi đầu một Dân Mới, khi bước lên từ dòng nước sông Giođan (x. Gs 1,2) và cũng là Đấng khởi đầu một cuộc sáng tạo mới nhờ Thánh Thần (c8. x. St 1,1). Gioan đã chu toàn sứ vụ làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đời sống của ông đã tạo nên tiếng kêu âm vang vào tận cõi lòng những con người tội lỗi và có sức biến đổi giúp họ sám hối và quay về với Chúa.

Sứ điệp của Gioan là chính trong “sa mạc”, chuẩn bị con đường để đón Chúa ngự đến. Con đường trong sa mạc chẳng bao giờ phẳng, nó ghồ ghề cao thấp, cong queo, chỗ đồi cao, chỗ lại lũng sâu. Tôi chỉ có thể nghe được tiếng kêu của Gioan khi chấp nhận vứt bỏ mọi ồn ào của những bận rộn, lo toan, đam mê, tính toán của đời thường để đi vào sa mạc của cõi lòng. Chính nơi đây tôi sẽ phải đối diện với sự trần trụi của chính mình, nhận ra tâm hồn tôi là một con đường gồ ghề của những ích kỷ hẹp hòi, cong queo của sự gian dối, cao ngất của lòng kiêu ngạo và sâu hoắm và tăm tối vì những mặc cảm tự ti, những mưu mô bất chính, những ý nghĩ và toan tính đen tối. Tuy nhiên, cũng chính nơi ấy tôi kinh nghiệm về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nơi ấy cho tôi sức mạnh để san, để lấp, để bạt cho con đường tâm hồn tôi trở nên thẳng để đón Chúa đến.

Mùa Vọng, “tiếng kêu trong sa mạc” thúc dục tôi đi vào thinh lặng của cõi lòng để cùng với toàn thể nhân loan đón mừng Đấng là Tin Mừng cho trần gian.

Sr. Anna Nguyên Hiệp

HD. Mến Thánh Giá Thủ Đức