Suy niệm mỗi ngày: Tuần 11 Thường niên

26

SUY NIỆM MỖI NGÀY TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

SỐNG TRAO BAN VÔ ĐIỀU KIỆN

(2 Cr 6:1-10; Mt 5:38-42)

Khi nhìn lại cuộc sống của riêng mình, ai trong chúng ta cũng phải chân nhận rằng, mình đã nhận được thật nhiều ân huệ từ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đã sử dụng những ân huệ đó như thế nào? Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay mời gọi tín hữu Côrintô sử dụng những ân huệ Thiên Chúa ban để phục vụ anh chị em của mình: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu” (2 Cr 6:1).

Những lời tâm tình tiếp theo của Thánh Phaolô đáng để chúng ta suy gẫm. Ngài nói về gương sáng của ngài và những cộng sự viên của ngài, những người đã sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, đã thuộc trọn về Chúa Giêsu và đã hoàn toàn dấn thân cho sứ điệp Tin Mừng. Chúng ta có thể chia tâm tình của Thánh Phaolô thành hai phần: phần 1 (2 Cr 6:3) nói về việc Thánh Nhân khẳng định ngài và những người cộng sự viên luôn sống ngay thẳng để không trở nên gương mù gương xấu cho người khác, và trong phần 2 (2 Cr 6:4-10) Thánh Phaolô trình bày những gì mà ngài và các cộng sự viên muốn chứng tỏ.

Trong phần 1, Thánh Phaolô nói: “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi” (2 Cr 6:3), Thánh Phaolô hướng các tín hữu Côrintô về gương sáng của mình và những cộng sự viên của ngài. Những lời này chỉ được tìm thấy trên môi miệng của những người “không để cho ân huệ của Chúa trở nên vô hiệu.” Về phần mình, chúng ta có thể thốt lên như Thánh Phaolô không? Nếu thành thật với lòng mình, không ai trong chúng ta dám nói như vậy vì chúng ta đã nhiều lần làm cho ân huệ của Thiên Chúa trở nên vô hiệu. Đây là lời mời gọi chúng ta bắt đầu lại: bắt đầu làm gương sáng cho nhau; bắt đầu ngừng làm những việc, nói những lời làm người khác đàm tiếu về mình.

Trong phần 2, Thánh Phaolô muốn chứng tỏ một điều: (1) “Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa. Để đạt được điều này, các ngài có hai thái độ: thái độ “tiêu cực,” đó là “rất mực kiên trì chịu đựng gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ.” Và thái độ “tích cực” là  “ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.”

Chúng ta thường có khuynh hướng muốn trả thù khi một người nào đó xúc phạm đến mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta về luật “trả thù.” Tuy nhiên, theo đúng nghĩa, lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay liên quan chặt chẽ với luật yêu thương kẻ thù trong phần kế tiếp của Tin Mừng. Tương quan giữa hai luật này và truyền thống trước của chúng sẽ được trình bày sau câu 48. Phần này mở rộng câu nói trong “nguồn Q” (x. Lc 6:29-30).

Theo luật cũ, “anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5:38). Câu trích này là một luật mang tính pháp lý để quy định việc trả thù và trả miếng cho những thiệt hại [tổn hại] (x. Xh 21:22-25; Lv 24:20; Đnl 19:21). Nếu đặt trong bối cảnh hôm nay, luật này có vẻ man rợ và tàn ác. Nhưng trong bối cảnh thời đó, ý định nguyên thuỷ của nó mang tính rất nhân bản, đó là để hạn chế sự trả thù đến đúng mức độ tương đồng (chỉ một mắt cho một mắt, không được lấy hơn). Nói một cách nào đó, luật này dựa trên đức công bình. Khi nó được giới thiệu vào trong xã hội thời đó, nó trợ giúp rất lớn trong quá trình phát triển đời sống luân lý của con người. Vào thời Chúa Giêsu, các luật sĩ cảm thấy luật này quá “tàn nhẫn” và bắt đầu tiến trình thay đổi nó bằng những hình phạt khác, nhưng nguyên tắc bồi thường tương xứng vẫn thịnh hành trong lối suy nghĩ mang tính pháp lý của những người lập pháp thời  đó. Đứng trước lối suy nghĩ này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-42). Chúng ta có thể rút ra những ý sau đây trong lời dạy của Chúa Giêsu để suy gẫm:

Thứ nhất, Chúa Giêsu dạy về việc “không chống cự” với sự dữ theo nghĩa tránh những bạo lực và tổn hại mang tính thể lý. Điều này có thể dẫn đến lối suy nghĩ rằng Chúa Giêsu cho phép khả năng chống cự mang tính tâm lý hoặc luân lý như Mahatma Gandhe hoặc Martin Luther King. Nhưng nếu chúng ta xem bản văn song song với bản văn hôm nay trong Rm 12:19-21, bản văn được đặt nền trên sách Cn 25:21-22, chúng ta nhận ra rằng lời dạy của Chúa Giêsu là một chiến lược để chiến thắng, không phải theo sự nhẫn nhục mang tính thụ động hoặc dửng dưng đối với sự dữ. Mục đích ở đây là làm cho kẻ thù phải xấu hổ và thay đổi cõi lòng. Điều này giả định một thái độ cần thiết trước kẻ thù, là những người không luôn hiện diện. Trong những trường hợp khó như thế, việc cậy nhờ đến những bản văn Kinh Thánh khác là điều cần thiết.

Thứ hai, còn việc “ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” là câu nói mang tính tượng hình của Chúa Giêsu. Đối với lối suy nghĩ của người Do Thái, vả má bên phải với phía sau của bàn tay được xem là một điều sỉ nhục làm mất danh dự (x. jn 18:22-23; Is 50:6). Nói cách cụ thể, nếu đã chịu được nỗi sỉ nhục lớn, thì nỗi sỉ nhục nhỏ có đáng là gì.

Thứ ba, qua lời dạy “nếu ai muốn kiện anh [chị] em,” Chúa Giêsu muốn các môn đệ và chúng ta phải cố gắng tránh việc kiện tụng hay tranh chấp (x. câu 25). Chúa Giêsu muốn chúng ta tránh thái độ “ăn thua.” Nếu có thắng thêm một cái gì mà đánh mất tình bằng hữu hay tình thân thì có đáng không?

Thứ tư, “nếu ai bắt anh [chị] em đi một dặm…” ám chỉ đến việc sứ giả phục vụ trong cung vua. Người này có thể lấy ngựa của một người nhằm mục đích phục vụ cho việc mang tin của vua đi mà không cần phải trả tiền cho con ngựa. Qua điều này, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải có lòng quảng đại với những ai dấn thân phục vụ cho Tin Mừng.

Thứ năm, câu cuối cùng nói đến việc “cho đi” và “vay mượn.” Đề tài về việc cho người ăn xin hoặc người khác vay mượn trong câu này được Chúa Giêsu đưa ra vượt qua giới hạn “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” để khơi dậy lòng tốt, sự chịu đựng, lòng quảng đại và thái độ cởi mở trước người khác. Nói cách khác, khi một người nào đó cần đến sự giúp đỡ, chúng ta không tập trung vào việc người kia sẽ mang lại gì cho chúng ta, nhưng tập trung vào lòng tốt của mình. Giá trị lòng tốt của chúng ta đáng giá hơn những gì chúng ta cho người khác hay những gì người khác vay mượn từ chúng ta. Nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta có được thái độ này chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay hôm nay.

THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG HOÀN HẢO

(2 Cr 8:1-9; Mt 5:43-48)

Tình yêu luôn là động lực giúp con người làm những điều dường như vượt sức của mình. Ở đâu không có tình thương, ở đó không có sự hy sinh, quảng đại và trao ban. Ở đâu không có tình yêu, ở đó không có sự kiên nhẫn để chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống. Một người cha, người mẹ sẽ xem công việc mình làm là một gánh nặng khi không có tình yêu dành cho con cái và gia đình; khi không có tình yêu, một người thánh hiến cho Thiên Chúa sẽ thấy ngày sống trở nên vô nghĩa và những công việc mình làm không phải là sự cộng tác vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tình yêu là sợi dây nối kết hai bài đọc lời Chúa ngày hôm nay: trong bài đọc 1, tình yêu làm chúng ta trở nên quảng đại; trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng sự quảng đại của tình yêu không phải chỉ được tỏ ra cho những người chúng ta yêu mến, nhưng còn cho cả kẻ thù.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô kể cho các tín hữu Côrintô biết về Hội Thánh ở Makêđônia. Những tín hữu ở đây với ân huệ của Thiên Chúa đã chứa chan niềm vui dù phải trải qua nhiều nỗi gian truân, trở nên những người giàu lòng quảng đại giữa cảnh khó nghèo cùng cực (x. 2 Cr 8:2). Qua hình ảnh này, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô trở nên quảng đại trong việc đóng góp cho công việc phục vụ Tin Mừng. Nếu chúng ta đọc kỹ bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phaolô dùng hai hình ảnh cụ thể để mời gọi tín hữu Côrintô trở nên quảng đại trong việc lạc quyên, đó là ngài mở đầu với gương sáng của Hội Thánh ở Makêđônia và kết với lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 8:9). Điều này có gì đáng để chúng ta suy gẫm không? Chi tiết này ngụ ý rằng: những gương sáng cụ thể trong đời sống thường ngày là một luận chứng hùng hồn nhất để mời gọi người khác đóng góp vào công việc phục vụ dân thánh. Hãy nên gương sáng cho nhau vì chính Chúa Giêsu cũng đã để lại cho chúng ta một gương sáng trong yêu thương: Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là những tội nhân.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ về yêu thương bằng việc trích một câu trong sách Lêvi (19:18): “Hãy yêu thương đồng loại.” Tuy nhiên, Ngài bỏ đi phần quan trọng nhất, đó là “như chính mình.” Đồng thời Ngài thêm vào một câu không có trong câu trích trên, đó là “hãy ghét kẻ thù.” Điều này nhằm giới hạn tình yêu của chúng ta vào một nhóm người. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu đang “tấn công” lối giải thích Cựu Ước cách sai lạc. Cách cụ thể, lời trích của Chúa Giêsu không tìm thấy trong Cựu Ước, nhưng tìm thấy trong các lời dạy của các luật sĩ và biệt phái. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa muốn dân Israel có một tình yêu dành cho mọi người, không phân biệt. Nhưng trong các lời dạy của các luật sĩ và biệt phái, tình yêu này chỉ được giới hạn trong những người “cùng là con cháu của Abraham.” Tình yêu này không thể được mở rộng cho kẻ thù. Đây là điều Chúa Giêsu muốn kiện toàn khi Ngài dạy các môn đệ về giới luật yêu thương.

Một cách tự nhiên, chúng ta thường yêu thương những người thân và ghét kẻ thù của mình (Mt 5:43). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ vượt qua bản tính tự nhiên để yêu với một tình yêu cao cả hơn, đó là: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Đây không phải là một lý tưởng mà chúng ta không thực hiện được, nhưng là một chiến lược khôn ngoan để chiến thắng những người ngược đãi chúng ta. Lời dạy này nói về thực tế bị ngược đãi và bắt bớ mà các Kitô hữu đang phải đối diện thời đó. Lập trường đầy anh hùng của các thánh tử đạo làm cho những người bắt bớ nhận ra rằng họ đang làm sai vì họ có một lương tâm sai lạc. Những người Kitô hữu không phải là những người chống đối, nhưng sự “chống đối” của họ được thể hiện qua một chiến thuật dùng sự khôn ngoan của tình yêu để chiến thắng kẻ thù.

Khi chúng ta dùng tình yêu để chiến thắng sự ghen ghét và bắt bớ, chúng ta “được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Đây là phần thưởng lớn nhất mà chúng ta nhận được, đó là trở nên con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự kiện được trở nên con cái Thiên Chúa cũng là một lời mời gọi để chúng ta trở nên giống Thiên Chúa trong mọi sự, nhất là trong cách thức yêu thương của Ngài. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Thiên Chúa “cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” để dạy các môn đệ về một tình yêu tuyệt đối, không phân biệt, không loại trừ. Mọi người đều được nhận từ Thiên Chúa những điều thiện hảo giống nhau. Thiên Chúa không vì họ tốt mà yêu họ nhiều hơn hay họ xấu mà lấy lại tình yêu của Ngài dành cho họ. Đây là tình yêu mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải có. Ngài giải thích với các môn đệ lý do họ cần phải có tình yêu như sau: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có một lối cư xử, một lối yêu thương khác với những người khác. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã thực hiện điều này như thế nào?

Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của Ngài bằng lời mời gọi các môn đệ trở nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này bao gồm hai câu trong Cựu Ước, đó là Đnl 18:13 và Lv 19:2. Thánh Luca (6:36) không sử dụng từ “hoàn thiện,” nhưng dùng từ “nhân từ/thương xót.” Dù từ “hoàn thiện” được Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê sử dụng trong thư của mình, từ này rất ít được sử dụng trong các Tin Mừng. Chúng ta chỉ tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay và trong Mt 19:21. Từ này thường dùng trong tư tưởng Hy Lạp và có nghĩa là “đồng nhất với ý định của Thiên Chúa.” Nhìn từ khía cạnh này, người hoàn thiện là người có cuộc đời đồng nhất với ý định của Thiên Chúa. Như vậy, sống hoàn thiện không phải là không phạm lỗi hay phạm tội, nhưng là cố gắng làm cho ngày sống của mình trở nên “đồng nhất” với ý định của Thiên Chúa. [Khi đạt được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình sẽ không còn phạm tội nữa].

THỨ TƯ TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

LÀM VIỆC LÀNH TRONG ÂM THẦM

(2 Cr 9:6-11; Mt 6:1-6.16-18)

Thánh Phaolô bắt đầu với một định luật bình thường trong cuộc sống để dạy các tín hữu Côrintô về lòng quảng đại: “Thưa anh em, tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều” (2 Cr 9:6). Hơn nữa, theo Thánh Phaolô, việc trao ban là một quyết định của cõi lòng. Ngài muốn các tín hữu Côrintô có những thái độ sau đây khi tỏ lòng quảng đại với anh chị em mình: “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9:7). Trao ban một cái gì đó phải đến từ sự tự nguyện, đến từ niềm vui của cõi lòng. Thực tế mà nói, chúng ta thường tìm thấy niềm vui khi trao ban cho những người chúng ta yêu mến; còn những người không có chỗ trong con tim của chúng ta chỉ nhận được những “của dư thừa” từ lòng “thương hại.” Hơn nữa, chúng ta thường quảng đại với “con người” hơn với Thiên Chúa. [Chúng ta có thể vui vẻ ngồi “tán” với những người khác từ giờ này sang giờ khác; nhưng lại “càm ràm” hoặc thấy “nặng nề” khi đến với Chúa vài phút]. Nhìn lại cuộc đời của mình, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã nhận được mọi sự từ Thiên Chúa. Khi sinh ra, chúng ta vào đời với hai bàn tay trắng; và chúng ta cũng sẽ lìa đời với hai bàn tay trắng. Điều chúng ta đáng để lại cho đời là một cuộc sống công chính (x. 2 Cr 9:9-10). Đời sống công chính này được diễn tả trong ba việc mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba việc đạo đức mà một người Do Thái phải thực hiện, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đây là ba điều mà chúng ta được kêu gọi thực hiện trong mùa chay. Ba công việc đạo đức này liên quan đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tạo nên một sự biến đổi trong thái độ sống với tha nhân. Ba việc đạo đức này có thể được đặt nền tảng trên Đnl 6:5 – “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hế dạ, hết sức anh em.” Sau câu mở đầu, “khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1), để giới thiệu cách chung chung về lý do và ý nghĩa của đời sống tương quan với Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy về ba công việc đạo đức với cùng một cấu trúc giống nhau: câu 2-4, 5-6 và 16-18. Đoạn trích trong Tin Mừng hôm nay chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu. Cấu trúc này bị cắt ngang bằng cách thêm vào một bản văn cổ hơn, đó là câu 7-15, bao gồm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu [Kinh Lạy Cha].

Trong cấu trúc của ba việc đạo đức, chúng ta thấy có những yếu tố sau: (1) khi làm việc đạo đức, đừng như bọn đạo đức giả [phải thành thật]; (2) dù đạo đức giả cũng được thưởng [nhưng ở đời này, đó là tiếng khen ngợi của người khác]; (3) phải âm thầm và kín đáo khi làm việc đạo đức; (4) mong chờ phần thưởng từ Thiên Chúa [chứ không từ con người].

Việc đạo đức đầu tiên là “bố thí.” Bố thí là một hành vi dễ dàng được người khác quan sát. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài thực hiện việc bố thí cách kín đáo: “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6:4),  phải tránh mọi hình thức gây chú ý cho người khác về việc bố thí của mình. Chúa Giêsu đưa các môn đệ đi vào trong con tim của họ để xem ý hướng bố thí của họ là gì: làm vì yêu thương [vì Chúa] hay để người ta khen. Trong luân lý, ý hướng là một trong những yếu tố quyết định tính luân lý [tính tốt xấu] của hành vi. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm mọi việc với ý hướng để nhận lãnh những phần thưởng bất diệt từ Thiên Chúa, hơn là những phần thưởng chóng qua từ con người. Đừng vì một chút hào nhoáng trước mắt mà đánh mất đi vinh quang ngàn đời trong Chúa.

Việc đạo đức thứ hai là cầu nguyện. Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta về việc quan trọng hoá nơi chốn và những yếu tố bên ngoài của cầu nguyện. Những người đạo đức giả là những người xem cầu nguyện như là phương tiện để chứng minh mình đạo đức hơn người khác. Còn theo Chúa Giêsu, sự đạo đức được đánh giá bởi tương quan của một người với “Cha.” Đây là mối tương quan chân thật. Điều này được diễn tả qua hình ảnh “vào trong phòng, đóng của lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em” (Mt 6:6). Từ những lời này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng: Cầu nguyện là cuộc trò chuyện “chân thành” với Cha của mình. Trong cầu nguyện, không có gì giả dối. Nói cách cụ thể hơn, người cầu nguyện là người sống thật trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em.

Việc đạo đức thứ ba thường khó quan sát hơn, đó là việc ăn chay, nhất là việc ăn chay lòng. Theo người Do Thái, ăn chay là lối diễn tả của lòng sám hối hay sự thương tiếc cho những mất mát. Từ khía cạnh này, ăn chay luôn được thực hiện trong bối cảnh đau buồn. Điều này giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6:16). Theo Chúa Giêsu, ăn chay phải là biểu hiện của cõi lòng sám hối. Nó mang lại sự “trong sạch” [rửa mặt cho sạch] và “thơm tho” cho cuộc sống [chải đầu cho thơm]. Như vậy, ăn chay mang lại cho chúng ta niềm vui hơn là sự buồn rầu. Niềm vui được nhìn thấy Chúa vì chúng ta có một tâm hồn trong sạch; niềm vui được sống an bình với anh chị em qua đời sống đầy hương thơm của mình.

Tóm lại, qua ba việc đạo đức trên, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ một điều, đó là trong các việc đạo đức, họ không được giả hình. Họ nên chú trọng đến cõi lòng trong tương quan với Thiên Chúa hơn là những biểu hiện bên ngoài để người khác nhìn thấy.

THỨ NĂM TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

CHÂN THẬT TRONG LỜI CẦU NGUYỆN

(2 Cr 11:1-11; Mt 6:7-15)

Ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần phải chịu đựng. Chịu đựng là một trong những nhân đức mà mỗi người phải cố gắng để thủ đắc. Chịu đựng một cái gì thì dễ hơn chịu đựng một người nào đó; chịu đựng người thân quen thì dễ hơn chịu đựng “người dưng nước lã.” Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô mong các tín hữu Côrintô chịu đựng ngài, đúng hơn là sự điên rồ của ngài: “Thưa anh em, phải chi anh em chịu đựng được một chút điên rồ của tôi! Mà hẳn anh em chịu đựng được tôi” (2 Cr 11:1). Sự điên rồ của Thánh Phaolô là gì? Đó là sự nhiệt thành với Tin Mừng đến nỗi ngài phải “ghen cái ghen của Thiên Chúa” vì ngài không thể chịu được việc các tín hữu Côrintô bỏ Đức Kitô mà ngài đã rao giảng để tin vào một Đức Kitô khác. Thánh Phaolô đã “đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2 Cr 11:2). Vì vậy, ngài không muốn các tín hữu Côrintô “phản bội lời thề ước chung thuỷ” của mình với Đức Kitô. Đây là điều đáng để chúng ta suy gẫm vì chúng ta cũng đã “đính hôn” với Đức Kitô khi chúng ta chịu Bí Tích Rửa Tội [và “canh tân” trong ngày khấn dòng]. Nhưng chúng ta cũng đã bao lần phản bội lời thề. Chúng ta nghĩ rằng mình đã chịu đựng nhiều trong đời sống Kitô hữu hay trong đời tu, nhưng chúng ta đâu biết Chúa và người khác đã “chịu đựng” chúng ta thật nhiều. Chìa khoá để sống vui và hạnh phúc là: Đừng bao giờ nghĩ mình phải chịu đựng người khác. Nhưng hãy nghĩ vì mình yêu với tình yêu của Chúa, nên mình phải “đón nhận” những trái ý phật lòng, là những điều hiển nhiên trong cuộc sống. Để làm được điều này, chúng ta phải chìm sâu trong tình yêu của Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện là một trong những yếu tố không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Người ta thường nói: không có một công thức cố định trong cầu nguyện hay đúng hơn, không có công thức đúng hoặc sai trong cầu nguyện, chỉ có thái độ đúng hoặc sai khi cầu nguyện mà thôi. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dường như đưa ra cho các môn đệ một “công thức cố định” để cầu nguyện. Những lời “khuyến cáo” của Chúa Giêsu trước khi đề nghị với các môn đệ về lời Kinh Lạy Cha đáng để chúng ta suy gẫm: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin’” (Mt 6:7-8). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra những thái độ cần thiết khi cầu nguyện. Ngài muốn các môn đệ của Ngài (1) không lải nhải như dân ngoại hoặc đừng bắt chước họ và (2) hãy tin rằng Chúa Cha biết những điều gì chúng ta xin. Mỗi người được tạo dựng nên “cách độc nhất vô nhị.” Thiên Chúa yêu chúng ta cách cá vị và Ngài cũng muốn chúng ta đến với Ngài và yêu Ngài cách cá vị. Chúng ta thường có khuynh hướng so sánh mình với người khác. Hệ quả là chúng ta bắt chước và mong ước những gì người khác có mà mình không có. Chúng ta ít khi khám phá ra những gì chúng ta có mà người khác không có để tạ ơn Thiên Chúa và sử dụng những điều Ngài ban để làm vinh danh Ngài. Bí quyết trong cầu nguyện là “đừng nhìn chung quanh,” nhưng “hãy nhìn lên Chúa” và “nhìn vào trong con tim” của mình. Chỉ khi biết nhìn lên Chúa và nhìn vào trong con tim của mình khi cầu nguyện, chúng ta mới biết làm thế nào để nhìn và thay đổi môi trường và những người chung quanh.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ rằng cầu nguyện phải là một sự hiệp thông cá vị cách chân thành với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta phải ngắn gọn vì lời cầu nguyện mang lại lợi ích cho chúng ta chứ không phải cho Thiên Chúa, bởi vì Ngài biết tất cả những gì chúng ta cần. Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng: cầu nguyện là thức ăn của đức tin. Những lời dạy của Chúa Giêsu không nhằm mục đích xem thường việc thờ phượng công khai vì chính Ngài cũng tham dự các buổi thờ phượng này và chính Ngài xây dựng lời Kinh Lạy Cha trên những việc thờ phượng đó, dù Ngài cũng cầu nguyện cách cá nhân.

Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng lời Kinh Lạy Cha. Trong bối cảnh lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện, Kinh Lạy Cha được xem là ví dụ của một lời cầu nguyện ngắn, giống với 18 lời chúc tụng và Quaddish của phụng vụ người Do Thái cử hành trong hội đường. Chúa Giêsu thêm phần gọi Thiên Chúa là Cha, là một đặc tính trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và phần nói về tha thứ. Theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Mátthêu có thể đã thêm vào trong hình thức sớm nhất về lời kinh này được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (11:2-4). So sánh hai bản văn, chúng ta nhận ra những khác biệt sau: (1) Trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta đọc thấy: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh cha vinh hiển.” Thánh Mátthêu thêm vào: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”; (2) Tin Mừng Thánh Luca không có câu: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; (3) Thánh Mátthêu thêm vào phần cuối câu “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Tóm lại, ba điểm mà Thánh Mátthêu thêm vào trong lời Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu là: (1) khẳng định Thiên Chúa là Cha chúng con và đang ngự trên trời; (2) xin cho ý Ngài được thể hiện dưới đất cũng như trên trời; và (3) xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Chúng ta thấy câu 1 (khẳng định về Thiên Chúa) chi phối hai câu sau. Điều này ngụ ý rằng lời cầu nguyện của chúng ta phải hàm chứa mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và hoa trái của mối tương quan này là thánh ý Ngài được thể hiện “dưới đất cũng như trên trời” và chúng ta được cứu khỏi mọi sự dữ [sự dữ nguy hiểm nhất chính là cái chết muôn đời].

Lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện được kết với những lời thật đáng để chúng ta suy gẫm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Chúa Giêsu kết với hai câu mệnh đề có điều kiện kèm theo hệ quả của nó: một mệnh đề tích cực [tha thứ cho người khác để được Thiên Chúa tha thứ] và một mệnh đề tiêu cực [không tha thứ cho người khác nên không được Thiên Chúa thứ tha]. Trong hai mệnh đề này, chúng ta đang sống mệnh đề nào: chúng ta đang tha thứ hay không tha thứ? Hãy chọn sống tha thứ ngay giây phút này để cảm nghiệm được tình yêu, niềm vui khi được Thiên Chúa thứ tha.

THỨ SÁU TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

CHÂN THẬT TRONG LỜI CẦU NGUYỆN

(2 Cr 11:1-11; Mt 6:7-15)

Ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần phải chịu đựng. Chịu đựng là một trong những nhân đức mà mỗi người phải cố gắng để thủ đắc. Chịu đựng một cái gì thì dễ hơn chịu đựng một người nào đó; chịu đựng người thân quen thì dễ hơn chịu đựng “người dưng nước lã.” Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô mong các tín hữu Côrintô chịu đựng ngài, đúng hơn là sự điên rồ của ngài: “Thưa anh em, phải chi anh em chịu đựng được một chút điên rồ của tôi! Mà hẳn anh em chịu đựng được tôi” (2 Cr 11:1). Sự điên rồ của Thánh Phaolô là gì? Đó là sự nhiệt thành với Tin Mừng đến nỗi ngài phải “ghen cái ghen của Thiên Chúa” vì ngài không thể chịu được việc các tín hữu Côrintô bỏ Đức Kitô mà ngài đã rao giảng để tin vào một Đức Kitô khác. Thánh Phaolô đã “đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2 Cr 11:2). Vì vậy, ngài không muốn các tín hữu Côrintô “phản bội lời thề ước chung thuỷ” của mình với Đức Kitô. Đây là điều đáng để chúng ta suy gẫm vì chúng ta cũng đã “đính hôn” với Đức Kitô khi chúng ta chịu Bí Tích Rửa Tội [và “canh tân” trong ngày khấn dòng]. Nhưng chúng ta cũng đã bao lần phản bội lời thề. Chúng ta nghĩ rằng mình đã chịu đựng nhiều trong đời sống Kitô hữu hay trong đời tu, nhưng chúng ta đâu biết Chúa và người khác đã “chịu đựng” chúng ta thật nhiều. Chìa khoá để sống vui và hạnh phúc là: Đừng bao giờ nghĩ mình phải chịu đựng người khác. Nhưng hãy nghĩ vì mình yêu với tình yêu của Chúa, nên mình phải “đón nhận” những trái ý phật lòng, là những điều hiển nhiên trong cuộc sống. Để làm được điều này, chúng ta phải chìm sâu trong tình yêu của Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện là một trong những yếu tố không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Người ta thường nói: không có một công thức cố định trong cầu nguyện hay đúng hơn, không có công thức đúng hoặc sai trong cầu nguyện, chỉ có thái độ đúng hoặc sai khi cầu nguyện mà thôi. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dường như đưa ra cho các môn đệ một “công thức cố định” để cầu nguyện. Những lời “khuyến cáo” của Chúa Giêsu trước khi đề nghị với các môn đệ về lời Kinh Lạy Cha đáng để chúng ta suy gẫm: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin’” (Mt 6:7-8). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra những thái độ cần thiết khi cầu nguyện. Ngài muốn các môn đệ của Ngài (1) không lải nhải như dân ngoại hoặc đừng bắt chước họ và (2) hãy tin rằng Chúa Cha biết những điều gì chúng ta xin. Mỗi người được tạo dựng nên “cách độc nhất vô nhị.” Thiên Chúa yêu chúng ta cách cá vị và Ngài cũng muốn chúng ta đến với Ngài và yêu Ngài cách cá vị. Chúng ta thường có khuynh hướng so sánh mình với người khác. Hệ quả là chúng ta bắt chước và mong ước những gì người khác có mà mình không có. Chúng ta ít khi khám phá ra những gì chúng ta có mà người khác không có để tạ ơn Thiên Chúa và sử dụng những điều Ngài ban để làm vinh danh Ngài. Bí quyết trong cầu nguyện là “đừng nhìn chung quanh,” nhưng “hãy nhìn lên Chúa” và “nhìn vào trong con tim” của mình. Chỉ khi biết nhìn lên Chúa và nhìn vào trong con tim của mình khi cầu nguyện, chúng ta mới biết làm thế nào để nhìn và thay đổi môi trường và những người chung quanh.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ rằng cầu nguyện phải là một sự hiệp thông cá vị cách chân thành với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta phải ngắn gọn vì lời cầu nguyện mang lại lợi ích cho chúng ta chứ không phải cho Thiên Chúa, bởi vì Ngài biết tất cả những gì chúng ta cần. Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng: cầu nguyện là thức ăn của đức tin. Những lời dạy của Chúa Giêsu không nhằm mục đích xem thường việc thờ phượng công khai vì chính Ngài cũng tham dự các buổi thờ phượng này và chính Ngài xây dựng lời Kinh Lạy Cha trên những việc thờ phượng đó, dù Ngài cũng cầu nguyện cách cá nhân.

Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng lời Kinh Lạy Cha. Trong bối cảnh lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện, Kinh Lạy Cha được xem là ví dụ của một lời cầu nguyện ngắn, giống với 18 lời chúc tụng và Quaddish của phụng vụ người Do Thái cử hành trong hội đường. Chúa Giêsu thêm phần gọi Thiên Chúa là Cha, là một đặc tính trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và phần nói về tha thứ. Theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Mátthêu có thể đã thêm vào trong hình thức sớm nhất về lời kinh này được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (11:2-4). So sánh hai bản văn, chúng ta nhận ra những khác biệt sau: (1) Trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta đọc thấy: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh cha vinh hiển.” Thánh Mátthêu thêm vào: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”; (2) Tin Mừng Thánh Luca không có câu: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; (3) Thánh Mátthêu thêm vào phần cuối câu “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Tóm lại, ba điểm mà Thánh Mátthêu thêm vào trong lời Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu là: (1) khẳng định Thiên Chúa là Cha chúng con và đang ngự trên trời; (2) xin cho ý Ngài được thể hiện dưới đất cũng như trên trời; và (3) xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Chúng ta thấy câu 1 (khẳng định về Thiên Chúa) chi phối hai câu sau. Điều này ngụ ý rằng lời cầu nguyện của chúng ta phải hàm chứa mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và hoa trái của mối tương quan này là thánh ý Ngài được thể hiện “dưới đất cũng như trên trời” và chúng ta được cứu khỏi mọi sự dữ [sự dữ nguy hiểm nhất chính là cái chết muôn đời].

Lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện được kết với những lời thật đáng để chúng ta suy gẫm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Chúa Giêsu kết với hai câu mệnh đề có điều kiện kèm theo hệ quả của nó: một mệnh đề tích cực [tha thứ cho người khác để được Thiên Chúa tha thứ] và một mệnh đề tiêu cực [không tha thứ cho người khác nên không được Thiên Chúa thứ tha]. Trong hai mệnh đề này, chúng ta đang sống mệnh đề nào: chúng ta đang tha thứ hay không tha thứ? Hãy chọn sống tha thứ ngay giây phút này để cảm nghiệm được tình yêu, niềm vui khi được Thiên Chúa thứ tha.

THỨ BẢY TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

NGÔN SỨ: NGƯỜI THUỘC TRỌN VỀ THIÊN CHÚA

Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

(Is 49,1-6; Cv 13:22-26; Lc 1:57-66.80)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta có thể nói rằng, thánh nhân là một “người canh tân tôn giáo” được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân đón mừng Đấng Messia. Ơn gọi của thánh nhân là ơn gọi hoàn toàn trao ban chính mình, không giữ lại gì. Sức mạnh thánh nhân có duy nhất đó chính là Thần Khí của Giavê (x. Mt 3:11). Kinh Thánh cho chúng ta thấy có rất nhiều người theo thánh nhân, nhìn ngài như một hình ảnh niềm hy vọng của dân Israel. Điều đáng để chúng ta lưu ý và học hỏi ở thánh nhân là việc ngài không bao giờ để cho mình rơi vào tình trạng tìm kiếm vinh quang và danh dự cho chính mình. Thánh nhân biết ơn gọi của mình là chuẩn bị dân đến với Đấng Messia. Ngài rất rõ ràng về ơn gọi và sứ mệnh của mình. Khi thời gian đến, chính thánh nhân đã dẫn hai môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu (x. Ga 1:35-37). Chính thánh nhân đã chỉ ra con đường để đến với Chúa Giêsu. Sự sống và sự chết của thánh nhân là sự trao ban trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa và người khác. Lối sống đơn sơ của thánh nhân là một lối sống hoàn toàn không dính bén với của cải trần thế. Con tim của Ngài hoàn toàn bị Thiên Chúa chiếm lấy. Noi gương thánh nhân, chúng ta được mời gọi để cho con tim mình được Thiên Chúa chiếm lấy. Để làm được điều này, chúng ta cần sống một đời sống đơn sơ, không dính bén với những của cải và lợi lộc trần thế. Chỉ có những con tim thanh sạch, không chứa đựng những lo lắng về của cải trần thế mới có thể nhận ra cách rõ ràng ơn gọi và sứ mệnh của mình như Thánh Gioan Tẩy Giả.

Trong bài đọc 1, chúng ta nghe về ơn gọi của một vị ngôn sứ. Ngôn sứ là người đã được “gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49:1-2). Không những thế, Đức Chúa sử dụng vị ngôn sứ để biểu lộ vinh quang của Ngài. Đây là hình ảnh của Gioan Tẩy Giả, “vị ngôn sứ sau cùng” được Đức Chúa sai đến dọn đường cho Đấng Messia. Thánh nhân là tôi trung của Đức Chúa, qua thánh nhân, Đức Chúa “tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6). Chúng ta cũng là những ngôn sứ của Đức Chúa. Chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng và người mang ơn cứu độ đến cho anh chị em mình qua đời sống thánh thiện và tốt lành của chúng ta.

Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dùng lịch sử của dân Israel để chỉ cho thính giả của mình thấy bàn tay Thiên Chúa luôn hoạt động trong từng giai đoạn lịch sử của dân. Giai đoạn lịch sử tuyệt hảo nhất là việc đến của Đấng Cứu Độ. Để chuẩn bị cho sự kiện này, “ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: ‘Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người” (Cv 13:25). Thánh Phaolô đã cho thấy sứ điệp Gioan Tẩy Giả rao giảng là chính sứ điệp của Đấng Cứu Thế. Thánh nhân là người khiêm nhường. Sống hoàn toàn cho sứ vụ và cho Thiên Chúa. Thánh nhân là gương sáng để chúng ta noi theo: sống trọn vẹn cho Chúa và trọn vẹn cho anh chị em mình.

Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta nghe về việc hạ sinh và đặt tên của Gioan Tẩy Giả. Sự kiện hạ sinh của Gioan Tẩy Giả là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa và đã mang lại nhiều niềm vui cho mọi người: “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1:57-58). Sự kiện sinh hạ người con là sự kiện của lòng thương xót của Thiên Chúa. Nói cách khác, sự hiện diện của mỗi người trên trái đất là một diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta có sống thái độ này khi nhìn thấy anh chị em mình không?

Sự kiện đặt tên của Gioan Tẩy Giả đã vén mở về ơn gọi và sứ mệnh của thánh nhân. Việc đặt tên được đặt trong bối cảnh cắt bì, dấu hiệu giao ước thuộc về dân riêng, thuộc về Thiên Chúa. Sự kiện cắt bì và đặt tên của Gioan Tẩy Giả được viết theo giống kiểu mẫu với sự kiện cắt bì và đặt tên của Chúa Giêsu trong Lc 2:21. Qua việc cắt bì, cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu được hội nhập vào trong dân thánh Israel. Bởi vì đối với Thánh Luca, Kitô giáo là tôn giáo có khởi nguồn từ Do Thái Giáo, thì những ai tìm thấy và tháp nhập vào trong đó sẽ phải là thành phần của Do Thái Giáo. Chi tiết này mời gọi chúng ta tôn trọng những di sản thánh thiêng mà Kitô giáo thừa hưởng. Đồng thời chúng ta nhìn thấy bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa trong việc hướng dẫn lịch sử nhân loại hầu hoàn thành lời hứa của Ngài. Bàn tay Ngài cũng hướng dẫn lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta. Liệu chúng ta có để cho Ngài hướng dẫn như cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả được thuật lại cho chúng ta không?

Trong Kinh Thánh, việc đặt tên mang một ý nghĩa quan trọng, nó khẳng định quyền sở hữu của người đặt tên trên người hoặc vật được đặt tên. Chúng ta thấy điều này trong những trang đầu của Kinh Thánh khi Adam đặt tên cho mọi loài Thiên Chúa tạo dựng. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, việc đặt tên được lặp lại theo cùng truyền thống đó: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: ‘Không được! Phải đặt tên cháu là Gioan.’ Họ bảo bà: ‘Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.’ Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: ‘Tên cháu là Gioan.’ Ai nấy đều bỡ ngỡ” (Lc 1:59-63). Theo cái nhìn của người đến là phép cắt bì cho Gioan, việc đặt tên là Dêcaria nhằm khẳng định quyền sở hữu của cha mẹ trên con cái. Điều đáng ngạc nhiên trong mắt mọi người là Êlizabét rồi Dêcaria cả hai đều đặt tên con của mình là Gioan, có nghĩa là: Đức Chúa tỏ lòng nhân hậu. Nói cách cụ thể hơn, việc Dêcaria và Êlizabét quyết đặt tên con theo như tên Thiên Thần truyền khẳng định Gioan Tẩy Giả hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Điều này đã được sáng tỏ trong sự kiện thụ thai của Gioan Tẩy Giả.

Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả là một sự kiện đáng kinh ngạc. Điều này được chứng tỏ qua những phản ứng khác nhau của những người chứng kiến. Trước tiên là Dêcaria, “ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1:64). Lời đầu tiên Dêcaria thốt lên khi chứng kiến điều kỳ diệu của Thiên Chúa là lời chúc tụng. Việc ông mở lời chúc tụng Thiên Chúa là sự hoàn thành của điều Thiên Thần đã nói với ông là ông sẽ câm cho đến khi ngày con ông sinh ra (x. Lc 1:20). Thành phần thứ hai là những láng giềng: “Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1:65-66). Những lời này chứa đựng câu hỏi về vai trò tương lai của Gioan. Câu hỏi này sẽ được trả lời cách chung chung trong Lc 1:76-79 và chi tiết hơn trong 3:1-20. Câu hỏi trong những lời trên nhắc nhở chúng ta về huyền nhiệm của mỗi người mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết rõ. Vì vậy, chúng ta không nên xét đoán và xem thường người khác. Cuối cùng là bản thân của Gioan Tẩy Giả: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1:80). Vì có bàn tay Chúa phù hộ, nên Gioan càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Điều này giúp chúng ta nhìn lại niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Nhiều lần, chúng ta không vững mạnh trong tinh thần vì chúng ta không để cho bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn. Hãy để Chúa hướng dẫn hành trình chúng ta đi, chỉ như thế chúng ta mới đạt đến đích là Thiên Đàng.