SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 4 Mùa Chay

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 4 Mùa Chay

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN IV MÙA CHAY

THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY

HÃY ĐẶT NIỀM TIN VÀO “LỜI” CỦA CHÚA GIÊSU

(Is 65:17-21; Ga 4:43-54)

Sau Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật của niềm vui trở về với Chúa, lời Chúa trong tuần này mang tính chất an ủi và tràn đầy niềm hy vọng. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia nói về viễn cảnh ngày dân Israel trở về từ lưu đày Babylon. Ngày đó được so sánh như là sáng tạo mới và “không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí” những lỗi phạm của con người (x. Is 65:17). Trong ngày đó, mọi người sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính [Thiên Chúa] sáng tạo” (Is 65:18). Không chỉ muôn dân sẽ hân hoan trong ngày đó, mà Thiên Chúa cũng sẽ vì Giêrusalem mà hoan hỷ và vì dân Israel, Ngài sẽ nhảy mừng (x. Is 65:19). Trong ngày đó, Thiên Chúa sẽ biến tiếng khóc của mọi người thành tiếng cười. Tuy nhiên, niềm vui đích thật chỉ đạt được trên thiên đàng. Đây chính là điều chúng ta tìm thấy trong hai câu cuối.

Thật vậy, trong hai câu cuối của bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia dùng hình ảnh thiên đàng, vùng đất của hạnh phúc để diễn tả ngày dân Israel trở về. Trong vùng đất hạnh phúc đó, không ai còn nghe tiếng than khóc kêu la. Và cũng trong vùng đất đó, con người sẽ tận hưởng hai món quà mà dân Israel xem như dấu chỉ của những người được chúc lành, đó là, sống lâu và an cư lạc nghiệp với một cuộc sống sung túc, giàu sang: “Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái” (Is 65:20-21). Trong Cựu Ước, hai món quà sống lâu và giàu sang là dấu chỉ của phúc lành mà Thiên Chúa ban cho những ai sống đẹp lòng Ngài. Đây cũng chính là hai món quà mà mỗi người chúng ta mong ước: ai cũng muốn sống lâu và giàu sang. Nhưng sống lâu và giàu sang có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là có một cuộc sống “trong” Thiên Chúa, vì chỉ trong Thiên Chúa mà chúng ta có sự sống đời đời và có tất cả mọi sự. Cuộc sống và của cải trần thế luôn có giới hạn: không ai sống hơn 200 tuổi mà cũng không ai có mọi sự trên thế gian này. Vì vậy, hãy sống trong Thiên Chúa để được hưởng những tháng ngày an vui và hạnh phúc.

Bài đọc 1 nói về cuộc trở về của dân Israel từ lưu đày Babylon, còn bài Tin Mừng hôm nay trình bày cuộc trở về Galilê của Chúa Giêsu sau hành trình rao giảng ở vùng Samaria và Galilê. Cuộc trở về này kết thúc với “dấu lạ” thứ hai tại Cana: chữa lành con của một sĩ quan cận vệ của nhà vua, dấu lạ mà thánh Gioan trình thuật lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng. Chúng ta biết điều này qua câu cuối cùng của Tin Mừng hôm nay: “Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê” (Ga 4:54). Sự kiện chữa lành này tương đương với sự kiện chữa lành người con nhỏ của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (8:5-13), hay sự kiện chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng Thánh Luca (7:1-10). Các tác giả của Tin Mừng Nhất Lãm kết thúc câu chuyện chữa lành với hình ảnh đối ngịch giữa đức tin của viên đại đội trưởng và lòng tin yếu kém của dân Israel. Hình ảnh đối nghịch này không được Thánh Gioan trình bày trong cùng câu chuyện như các tác giả của Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng trong sự liên kết giữa dấu lạ thứ hai và thứ ba [chữa lành người bệnh ở Hồ Bethzatha trong Ga 5:1-18). Qua dấu lạ thứ hai, viên sĩ quan cận vệ của nhà vua và cả nhà ông đều tin vào Chúa Giêsu  (x. G 4:53); trong khi đó qua dấu lạ thứ ba, người Do Thái bắt đầu bắt bớ Chúa Giêsu vì Ngài chữa lành trong ngày Sabbath (Ga 5:16).

Câu mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta ngạc nhiên: “Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.” Chúng ta ngạc nhiên không phải vì nó mới lạ [chúng ta đã nghe nó trong các Tin Mừng Nhất Lãm], nhưng vì lý do nó được đưa vào đoạn Tin Mừng này. Các học giả Kinh Thánh thắc mắc về lý do tại sao Gioan đặt câu này trong một bối cảnh rất tích cực khi mọi người ở Galilê đều đón tiếp Ngài: “Khi Người đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ” (Ga 4:45). Tại sao có điều này? Câu trả lời được tìm thấy trong chương 6, chương nói việc những người Galilê chống đối và bỏ Chúa Giêsu. Như vậy, Thánh Gioan báo trước sự thay đổi thái độ của những người Galilê từ đón nhận đến chống đối Chúa dù đã chứng kiến tất cả những phép lạ Ngài làm. Chúng ta cũng có thể thay đổi thái độ với Chúa: Chúng ta có thể rất mặn nồng với Chúa ban sáng, nhưng lại trở nên lạnh nhạt với Ngài ban chiều.

Chúng ta cùng nhau tập trung vào một vài chi tiết của câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay để nghe Chúa muốn gì ở chúng ta. Như chúng ta đã trình bày ở trên, trình thuật này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu và Luca với nhiều điểm tương đồng và khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tập trung vào một điểm khác biệt rõ ràng nhất, đó là, người xin và người được chữa lành: “viên đại đội trưởng” là người xin và “người đầy tớ” là người được chữa lành trong trình thuật của Mátthêu và Luca; còn trong Tin Mừng Thánh Gioan, “người sĩ quan cận vệ của nhà vua là người xin, “người con” là người được chữa lành. Nói cách cụ thể, điểm khác biệt tập trung vào “người xin”: trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu và Luca, người xin là người ngoại giáo [viên đại đội trưởng], còn trong Tin Mừng Thánh Gioan, người xin là người do thái [viên sĩ quan cận vệ của vua Hêrôđê]. Điều này giúp chúng ta nhận ra người nghe của các Tin Mừng là ai và mục đích của Tin Mừng được viết ra nhắm đến những người nào: người ngoại giáo trong Tin Mừng của Luca và người Do Thái trong Tin Mừng của Gioan. Tuy nhiên, đây là những thông tin chúng ta cần biết đến để hiểu hơn Tin Mừng hôm nay. Điều chúng ta quan tâm là chúng ta rút ra được điều gì trong trình thuật chữa lành này? Chúng ta có thể rút ra hai điều sau từ thái độ của Chúa Giêsu và của viên sĩ quan cận vệ.

Thái độ thứ nhất [từ Chúa Giêsu] là dùng lời nói để nói tốt và làm điều tốt cho người khác. Dù Chúa Giêsu khuyến cáo rằng: “nếu các ông không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” (Ga 4:48). Trong câu này, Chúa Giêsu dường như lưỡng lự và không muốn làm dấu lạ. Tuy nhiên, phép lạ xảy ra với “Lời” của Chúa Giêsu: “Ông cứ về đi, con ông sống” (Ga 4:50). Điều này đưa chúng ta về với đề tài “Lời” trong Tin Mừng Thánh Gioan. Điều cần thiết là tin vào “Lời” của Chúa Giêsu và từ đó tin Ngài là “Lời” nhập thể. Như Chúa Giêsu đã khuyến cáo, chúng ta là những con người, chúng ta cần “dấu lạ” để tin. Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta nhìn thấy nhiều dấu lạ, nhưng chúng ta không tin. Chúng ta không tin vì chúng ta không để cho Lời Chúa Giêsu chữa lành chúng ta. Hãy để cho Lời Chúa tác động và chữa lành những thói hư tật xấu của chúng ta. Đó là những phép lạ giúp chúng ta tin vào Ngài.

Thái độ thứ hai là tin [viên sĩ quan cận vệ của nhà vua] ngay cả khi chưa hoặc không nhìn thấy kết quả. “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về” (Ga 4:50). Niềm tin của ông đã trở nên nền tảng cho niềm tin của cả nhà ông (x. Ga 4:54). Chúng ta thường muốn nhìn thấy kết quả theo kiểu “ăn liền.” Khi cầu nguyện để được một ơn gì, hay cầu nguyện cho một ai đó, chúng ta thường muốn nhìn thấy kết quả ngay. Chúng ta thấy, viên sĩ quan đặt trọn niềm tin vào Lời của Chúa Giêsu và ra về, dù ông chưa thấy kết quả của điều ông xin. Ông không nghi ngờ. Chính đức tin vững mạnh này trở nên nền tảng cho các thành viên của gia đình ông. Chúng ta có thể nói, ông có niềm tin như hạt cải, và khi nó mọc lên, nó trở thành một cây lớn đến nỗi chim trời đến nương náu trên cành nó. Chúng ta cũng được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Chúa, để khi đứng vững trong đức tin của mình, chúng ta có thể nâng đỡ đức tin yếu kém của anh chị em chúng ta.

*****************

THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY

XIN CHÚA CHỮA LÀNH BẠI LIỆT TÂM HỒN

(Ed 47:1-9.12; Ga 5:1-3a.5-16)

Như chúng ta biết, Mùa Chay là mùa nhắc lại cho chúng ta ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận; qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn lời tuyên hứa thuộc trọn về Thiên Chúa và từ bỏ ma quỷ và những việc làm của chúng. Hai bài đọc hôm nay nói lên hình ảnh của bí tích khai tâm này và hiệu quả của nước rửa tội.

Chúng ta chỉ hiểu rõ hơn bài đọc 1 hôm nay khi chúng ta liên kết nó với các chương đi trước, nhất là từ chương 40-46, những chương nói về nơi chốn, đồ dùng và nghi lễ thánh trong Đền Thờ. Đỉnh cao của những điều này là thị kiến được trình thuật về sức mạnh của suối nước mang lại sự sống chảy từ Đền Thờ. Ngôn sứ Êdêkien diễn tả một dòng sông với nước trong lành từ phía đông của Đền Thờ chảy dọc xuống phía nam, qua thung lũng Kidron và xuống tới Biển Chết. Ở đó, nó biến nước mặn không có sự sống thành một nơi mà cá nhiều vô kể và nhiều cây sẽ mọc trên bờ. Thị kiến này được xem là phép lạ để chứng minh sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đang ngự trong Đền Thờ, đã mang lại sự sống cho nơi mà chỉ thấy sự hủy diệt. Ngôn ngữ sử dụng trong thị kiến được gọi là “ngôn ngữ thiên đàng” được tìm thấy trong sách Sáng Thế (2:10-14), đoạn nói về dòng nước đã tưới mát vườn Êđen. Theo các học giả Kinh Thánh, Êdêkien không mong thị kiến này xảy ra cách thể lý. Nó mang tính cách tượng trưng để nói đến sức mạnh mang lại sự sống: ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có sự sống. Đây chính là chủ đề chính của lời Chúa ngày hôm nay.

 Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êdêkien tường thuật cho chúng ta nghe về một trong những thị kiến của mình, thị kiến về dòng nước từ cửa đông của Đền Thờ. Phần đầu nói về xuất xứ và những độ sâu khác nhau của mức nước. Điều làm chúng ta lưu ý ở đây là những cấp độ sâu khác nhau của nước: “Người ấy đi ra phía đông, tay cầm dây đo, đo năm trăm thước rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến mắt cá chân. Người ấy đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến đầu gối. Người ấy lại đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến ngang lưng. Người ấy còn đo năm trăm thước nữa: đó là một con sông, tôi không thể đi qua được vì nước đã dâng cao, khiến không thể đi qua mà chỉ bơi mới được thôi” (Ed 47:3-5). Có bốn cấp độ nước sâu khác nhau; và điều này tương đồng với chương trình giáo huấn để chuẩn bị dự tòng lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội theo truyền thống của Giáo Hội: giáo huấn, đón nhận, chọn hoặc ghi danh, và cử hành bí tích. Nhiều người nghĩ rằng, sau khi rửa tội, họ đã là Kitô hữu, điều đó không sai. Nhưng theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, “là Kitô hữu” có nghĩa là “trở thành Kitô hữu” mỗi ngày. Nói cách khác, mỗi ngày chúng ta phải đào sâu hơn sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa, về niềm tin của mình; và điều quan trọng là, mỗi ngày qua đi, chúng ta có tương quan sâu đậm hơn với Chúa và anh chị em của mình. Chúng ta có đang sống điều này không?

Phần 2 nói về hiệu quả của nước từ Đền Thờ mang lại. Chi tiết quan trọng nhất là việc nước làm cho nước của biển chết hoá lành (Ed 47: 8). Và “sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc.” Như chúng ta đã trình bày, hình ảnh dòng nước mang lại sự sống này nói lên sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng ngự trong Đền Thờ và có thể mang lại sự sống nơi không có sự sống. Chúng ta đang sống hay đã chết? Nhiều người trong chúng ta có một cuộc sống thể lý thật tốt, nhưng đời sống yêu thương và tha thứ [đời sống luân lý] thì èo uột hoặc đã chết từ lâu. Nếu chúng ta đang ở trong tình trạng không có sức sống, đang sống trong tình trạng giận hờn, oán ghét, nói xấu nhau và không tha thứ, chúng ta hãy xin Thiên Chúa chạm đến con tim và mang lại cho chúng ta sự sống sung mãn của Ngài.

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra một trong những nghệ thuật Thánh Gioan sử dụng để viết: nghệ thuật “kịch nghệ” Hy Lạp. Bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay theo một bản kịch như sau: (1) dàn cảnh (Ga 5:1-3a, 5); (2) cảnh 1: Chúa Giêsu và người đau ốm [trước khi được chữa lành] (Ga 5:6-9); cảnh 2: người Do Thái và người đau ốm (Ga 5:9-12); cảnh 3: Chúa Giêsu và người đau ốm [sau khi được chữa lành] (Ga 5:14); cảnh 4: người đau ốm và người Do Thái (Ga 5:15-16). Chúng ta cùng nhau phân tích các cảnh này để rút ra những bài học hữu ích cho ngày sống của mình.

(1) Dàn cảnh (Ga 5:1-3a, 5): “Nhân một dịp lễ của người Do thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.” Hình ảnh hồ nước nối kết chúng ta với thị kiến của dòng sông từ bên phải Đền Thờ của Êdêkien trong bài đọc 1. Chúng ta tìm thấy chung quanh hồ nhiều người bệnh tật đau ốm vì họ mong ước được nước hồ khi khuấy lên sẽ chữa họ. Cuối cùng hình ảnh của một người đã đau ốm ba mươi tám năm được chọn ra trong số những người đau ốm đang hiện diện ở đó. Chúng ta cũng như bao nhiêu người khác, cũng có thói hư tật xấu. Nhưng tật xấu nào mà chúng ta khó bỏ mà vẫn được chúng ta “nuôi dưỡng” cho đến ngày hôm nay? Hãy thinh lặng và xem loại bệnh nào mà chúng ta đã bị rất lâu cần được chữa lành.

(2) Cảnh 1: Chúa Giêsu và người đau ốm [trước khi được chữa lành] (Ga 5:6-9): “Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: ‘Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân đáp : “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!’ Đức Giêsu bảo: ‘Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!’” Như chúng ta đã biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu luôn luôn đi bước trước. Ngài luôn là người bắt đầu cuộc đối thoại, chẳng hạn như với các môn đệ đầu tiên hoặc người phụ nữ Samaria. Chúng ta lại thấy điều này trong câu chuyện hôm nay. Chúa Giêsu cũng bắt đầu hỏi về điều anh hằng mơ ước và tìm kiếm. Cuộc đối thoại ngắn ngũi của Chúa Giêsu với anh đã chữa lành anh. Chỉ đơn giản một cuộc đối thoại trong đó người bệnh nêu lên lý do tại sao lâu nay anh không được chữa lành và lời nói đầy uy quyền của Chúa Giêsu đã chữa lành anh. Ở cảnh này, qua hành động chữa lành, Chúa Giêsu cho bệnh nhân và cả chúng ta nữa thấy sức mạnh chữa lành không phải là nước chảy từ Đền Thờ, nhưng là Đấng ngự trong đền thờ. Nói cách khác là chính Chúa Giêsu, Người là Đền Thờ, như trong thần học của Thánh Gioan.  Chính Lời của Ngài đã chữa lành anh. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta đã đối thoại với Chúa nhiều lần, nhưng chúng ta có được chữa lành không? Chúng ta không được chữa lành vì chúng ta “không thật sự ao ước,” “không nói thật” và không “cho phép” sức mạnh của “Lời” chữa lành chúng ta.

(Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.)

Cảnh 2: Người Do Thái và người đau ốm (Ga 5:9-12): “Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: ‘Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!’ Nhưng anh đáp: ‘Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’ Họ hỏi anh: ‘Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’?’ Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.” Người Do Thái ở đây ám chỉ nhóm kinh sư và biệt phái. Cuộc gặp gỡ này mang tính chuyển tiếp như là một tiền đề cho những điều sẽ xảy ra trong hai câu sau. Hai chi tiết mang tính tiền đề trong cảnh này là việc anh ta được chữa lành trong ngày sabát và việc người Do Thái muốn biết ai là người chữa anh ta [và người được chữa lành không biết Chúa Giêsu là ai]. Việc người được chữa lành không biết Chúa Giêsu là Đấng chữa lành cho anh khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng vô tình không biết Chúa Giêsu là Người đã làm những điều trọng đại cho và trong chúng ta. Chúng ta quá vui sướng với thành quả và ở lại trong vinh quang mà quên mất Đấng đã giúp cho mình đạt đến vinh quang. Đừng quá tìm vui trong mùa gặt mà quên “Chúa của mùa gặt.”

(Quả thế, Đức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.)

Cảnh 3: Chúa Giêsu và người đau ốm [sau khi được chữa lành] (Ga 5:14): “Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: ‘Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!’” Một lần nữa, chúng ta lại thấy Chúa Giêsu đi bước trước để bắt đầu cuộc đối thoại. Nhưng khác với những lần trước, thay vì nói lời chữa lành, Chúa Giêsu khuyên cáo anh ta về một bệnh tật khốn khổ hơn mà anh phải chịu nếu anh ta phạm tội. Trong lời khuyến cáo của Chúa Giêsu, chúng ta thấy phản chiếu thần học của người Do Thái thời đó: nguyên nhân của bệnh tật là tội lỗi. Chúa Giêsu nói đến nỗi khốn khổ hơn mà anh phải chịu, đó là sự hư mất của linh hồn. Quả thế, anh đã đi tố cáo Chúa Giêsu cho những người Do Thái là Chúa Giêsu đã chữa lành anh trong ngày Sabát. Hành động này ám chỉ việc “trao nộp” Chúa Giêsu cho người Do Thái mà Giuđa sẽ làm. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng trao nộp Chúa Giêsu cho người khác đóng đinh khi chúng ta trình bày cho người khác một hình ảnh sai lạc về Ngài. Thay vì chúng ta trình bày cho họ về một Thiên Chúa của tình yêu thì chúng ta lại trình bày một Thiên Chúa đặt ra nhiều luật và bắt chúng ta phải theo, hay một Thiên Chúa tạo ra nhiều thập giá và bắt chúng ta phải vác. Hãy cẩn thận! Khi bạn sống không trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu hoặc ơn gọi thánh hiến của mình là bạn đang nộp Chúa Giêsu để bị kết án.

Cảnh 4: người đau ốm và người Do Thái (Ga 5:15-16): “Anh ta đi nói với người Do thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.” Cảnh cuối cùng tạo nên bối cảnh và lý do cho cuộc thương khó của Chúa Giêsu: một bên trao nộp và một bên chống đối và kết án Chúa Giêsu. Cảnh này nói lên “sự cộng tác vào sự dữ” của chúng ta: người khua chiêng, kẻ đánh mõ. Điểm này khuyến cáo chúng ta về thái độ “châm dầu vào lửa”. Khi một người nói xấu người khác hoặc đang làm việc gì xấu, đừng cộng tác vào việc xấu đó bằng cách “châm dầu vào lửa,” nhưng hãy thinh lặng và cầu nguyện để khỏi xa “chước cám dỗ”, làm mất lòng Chúa và mất lòng nhau.

 

*****************

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY

THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ BỎ RƠI CHÚNG TA

(Is 49:8-15; Ga 5:17-30)

Bài đọc 1 nói về sự chấm dứt cảnh nô lệ của dân Israel, và dân trở về quê nhà từ nhiều phương xa. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích trong bài đọc 1 hôm nay là một “bản cắt ghép” của những ý tưởng và câu văn đã được viết chỗ này hay chỗ khác trong sách của Ngôn sứ Isaia (x. 40:1, 11; 41:18; 43:5-6; 45:14; 49: 4,6,21; 61:2). Chúng ta thường thấy đoạn này được đọc trong mùa vọng, nói về việc chuẩn bị để đón Chúa đến.

Điều đáng để chúng ta suy gẫm đó là thái độ của Thiên Chúa khi đối xử với dân Israel được trình bày trong bài đọc 1. Thiên Chúa luôn nhận lời cầu xin của Israel và cứu độ họ. Ngài gìn giữ và ký kết giao ước với Israel. Ngài phục hồi khi Israel không trung thành với giao ước và chia lại cho họ gia sản Ngài đã hứa ban mà đã bị tàn phá. Ngài phục hồi họ bằng cách nào? Bằng cách giải phóng cho những người ngồi trong bóng tối của nhà tù tội lỗi; Ngài chăm sóc họ như bầy chiên của Ngài; Ngài an ủi họ trong cảnh sầu thương và thương xót họ trong cảnh khó nghèo. Tóm lại, Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta một hình ảnh tuyệt đẹp về Thiên Chúa. Đây chính là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ; và đây chính là Thiên Chúa mà nhiều khi chúng ta kết án và giết chết qua những lỗi phạm của chúng ta.

Điểm cuối cùng trong bài đọc 1 đáng làm chúng ta suy gẫm là hai câu cuối. Đây là những câu an ủi tuyệt vời nhất được hát cho Xion [Giêrusalem], khi con cái của thành bị phân tán. Dù có thế nào, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi thành và con cháu của thành: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!’ Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:14-15). Theo các học giả Kinh Thánh, câu 15 là câu diễn tả tuyệt hảo nhất và giàu cảm xúc nhất về tình yêu của Thiên Chúa trong toàn bộ Kinh Thánh. Hình ảnh Thiên Chúa như người Mẹ là một hình ảnh tự nhiên để tượng trưng cho thành được bao bọc bởi những bức tường như người mẹ mang thai con cái. Đọc câu này, ai trong chúng ta lại không thấy được an ủi và được yêu thương. Hãy luôn nhớ rằng: khi mọi tình cảm, mọi sự trên thế gian này bỏ rơi chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Tin Mừng ngày hôm qua kết thúc với việc người Do Thái muốn tìm cách giết Chúa Giêsu; và đó cũng là khởi điểm cho cuộc gặp gỡ hôm nay của Chúa Giêsu và người Do Thái. Đề tài xét xử xuất hiện trong ngày hôm qua nơi hình ảnh của người đau ốm được chữa lành trở thành nội dung chính của “bài giảng” của Chúa Giêsu hôm nay. Hai câu đầu tiên liên kết chúng ta với ngày hôm qua và những gì sẽ được trình bày tiếp theo: “Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày Sabát, Đức Giêsu tuyên bố với người Do Thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5:17-18). Hai câu này nêu lên hai lý do mà người Do Thái tìm cách giết Chúa Giêsu: (1) phá luật ngày sabát, (2) coi mình ngang hành với Thiên Chúa. Trong bối cảnh bị chống đối, Chúa Giêsu bắt đầu nói về mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha, mối tương quan mang cho Ngài sức mạnh để đối diện với sự chống đối, và cũng chính mối tương quan này mà Ngài sẽ bị kết án là phạm thượng và bị giết chết. Như vậy, vấn đề chính mà Chúa Giêsu bị chống đối là việc Ngài đặt mình ngang hàng với Chúa Cha. Điểm này khác với trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:7): Chúa Giêsu bị kết án là phạm thượng vì tha tội, điều mà chỉ thuộc về Thiên Chúa.

Chúng ta cùng nhau suy gẫm về tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Qua tương quan này, Chúa Giêsu nhận được hai quyền: xét xử và ban sự sống. Đây chính là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay. Hai hoạt động của Người Con: ban sự sống và xét xử, là sự phản chiếu những gì Chúa Cha đang làm. Hai câu 19-20 có thể được xem như dụ ngôn, rút ra từ đời sống thường ngày giữa người con đang cố gắng làm lại những gì cha mình đã làm: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5:19-20). Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Người được Chúa Cha sai đến để làm những công việc mà Chúa Cha muốn thực hiện. Ngài không tự mình làm gì, nhưng chỉ làm những gì Ngài nghe được từ Cha Ngài. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Trước khi thực hiện bất cứ điều gì, chúng ta có dành giây phút thinh lặng để lắng nghe điều Chúa muốn chúng ta thực hiện không? Những việc chúng ta làm có phản chiếu những gì Thiên Chúa làm không? Hay nói cách khác, chúng ta có làm những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm không? Điều thứ hai chúng ta cần lưu ý trong những lời trên là: “những việc lớn lao hơn nữa.” Những việc này là gì? Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, những việc lớn lao diễn tả mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Những việc lớn lao được định nghĩa trong những câu tiếp theo của bài Tin Mừng, đó là, ban sự sống và xét xử.

Đề tài về sứ mệnh của Người Con—ban sự sống cho những ai tin và những ai không tin đã bị xét xử–đã được Thánh Gioan bắt đầu trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô (x. Ga 3:31-36). Viễn cảnh mang tính cánh chung này được lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu nói đến sự sống đời đời; còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sát nhập đề tài này với việc phục hồi lại sự sống qua việc làm cho người chết sống lại. Cả hai lối diễn tả này đưa chúng ta trở về với công việc lớn lao hơn mà người Do Thái sẽ chứng kiến Chúa Giêsu thực hiện, nhất là trong việc cho Lazarô sống lại (Ga 11:1-44). Chính “công việc lớn lao” chứng minh rằng Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến. Thánh Gioan áp dụng điều này vào bối cảnh tôn kính: “Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” Ga 5:23). Hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng để nói đến việc ai tôn kính Chúa Con thì tôn kính Chúa Cha (x. Ga 5:23) nhằm nói lên việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến, nghĩa là Ngài xứng đáng được đón nhận giống như Đấng sai Ngài đến.

Chúng ta thấy trong hai câu 23-24, Chúa Giêsu sử dụng hai lần “Amen” (“Thật”) để nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu đang hiện thực hoá những gì sẽ xảy ra trong thời cánh chung: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. “Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5:24-25).  Những ai “nghe và tin vào Ngài sẽ có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử” (Ga 5:24). Sự sống và phán xét không phải là một điều gì xảy ra trong tương lai đối với những người nghe và tin vào Chúa Giêsu. Nhưng là những người đi từ sự chết sang sự sống: chết cho chính mình và sống cho Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, chúng ta đang bị xét xử mỗi ngày, khi chúng ta sống theo khuynh hướng tự nhiên của mình, không chết đi cho chính mình để sống cho Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Điểm cuối cùng chúng ta có thể rút ra để suy gẫm là câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5:30). Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài không tự ý mình làm gì và không tìm cách để làm theo ý riêng của Ngài, nhưng làm theo ý của Chúa Cha. Điều này là một thách đố lớn cho chúng ta ngày hôm nay, những người luôn muốn khẳng định chính mình, muốn được tự do và không lệ thuộc. Sống trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh qua việc tôn vinh cái gọi là: “luật bảo vệ những điều riêng tư.” Chúng ta thường xem trọng chính mình, ý kiến riêng của mình đến độ xem ý kiến của người khác như những mối đe doạ hơn là sự bổ sung. Lời Chúa Giêsu nhắc chúng ta trở về lại với căn tính của mình: chúng ta là những môn đệ, những tông đồ của Ngài, là những người học từ Ngài những điều cần thiết để rồi được sai đi làm những điều Ngài đã làm. Hãy để Chúa thực hiện trong bạn những gì Ngài muốn hơn là thực hiện những gì bạn muốn và gán cho Chúa.

*****************

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY

HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA TÔN VINH CHÚNG TA

(Xh 32:7-14; Ga 5:31-47)

Khi một người mình yêu thương có nhiều lỗi phạm với mình, chúng ta sẽ có thái độ thế nào? Chắc chắn chúng ta sẽ rất buồn và giận. Đây cũng là thái độ của Thiên Chúa khi dân Israel tôn thờ ngẫu tượng mà chúng ta thấy trong bài đọc 1 hôm nay. Chúng ta có thể chia bài đọc 1 ra làm hai phần: phần đầu (Xh 32:7-10) là phản ứng của Thiên Chúa trước sự bất trung của dân Israel, và phần hai (Xh 32:11-13) nói đến việc Môsê cố làm nguôi lòng Thiên Chúa. Bài đọc 1 kết với việc Chúa Giêsu nghe lời chuyển cầu của Môsê và không giáng phạt dân (x. Xh 32:14).

Sự bất trung của dân Israel bắt đầu với việc “vội quên” những điều Thiên Chúa đã làm cho họ. Chính sự mau quên đã làm cho họ vội đi ra ngoài con đường Thiên Chúa truyền cho họ phải đi: “Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai cập’” (Xh 32:8). Chúng ta cũng thế, chúng ta rất mau quên những ơn lành Chúa ban cho chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp khó khăn và thử thách. Mau quên những việc tốt người khác làm cho mình đồng nghĩa với việc vô ơn hay là không biết ơn. Biết ơn là “thái độ yêu thương và cảm mến” của một người dành cho người làm một việc gì đó cho mình. Như vậy, vô ơn đồng nghĩa với việc không có tình thương và lòng cảm mến. Và khi không có tình thương và lòng cảm mến, thì việc “bỏ để theo người khác [chúa khác]” là chuyện hiển nhiên. Điều này nhắc nhở chúng ta phải luôn tỏ lòng biết ơn với Thiên Chúa và với nhau, vì đó là chìa khoá mang laị hạnh phúc và giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu dành cho Chúa và người khác.

Điểm thứ hai chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là thái độ của Môsê. Một cách cụ thể, nếu chúng ta ở trong trường hợp của Môsê, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào khi Thiên Chúa nói những lời này: Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32:10). Nói cách khác, thái độ của chúng ta sẽ vui hay buồn khi Thiên Chúa sẽ phạt và tiêu diệt những kẻ thù của chúng ta là những người làm chúng ta đau khổ, và sẽ làm cho chúng ta trở thành một dân lớn (x. Xh 32:10)? Trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Môsê đã chuyển cầu cho dân: “Ông Môsê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại” (Xh 32:11). Ông thuyết phục Thiên Chúa bằng cách kể lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện để đưa dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ. Nói cách khác, ông nhắc lại tình yêu vô biên Thiên Chúa dành cho dân. Ông Môsê đã thuyết phục được Thiên Chúa. Thiên Chúa dễ thuyết phục vậy sao? Chỉ một vài lời “ngon ngọt” là Ngài đã bị thuyết phục? Thiên Chúa bị thuyết phục không phải vì những lời “ngon ngọt” của Môsê, nhưng vì Ngài trung thành với lời hứa của Ngài cho Ápraham và con cháu của ông. Chúng ta nhận ra điều này trong lời cầu xin của Môsê: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Ápraham, Ixaác và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (Xh 32:13). Chúa luôn trung thành với lời hứa của mình. Còn chúng ta thì sao?

Lời Chúa trong bài đọc 1 mời gọi chúng ta học ở Môsê sự bao dung và yêu thương dành cho những người đã làm Thiên Chúa và chính ông phải buồn lòng. Ông đã cầu xin Thiên Chúa cho dân. Chúng ta cũng tập để cầu nguyện và chuyển cầu cho những người làm chúng ta đau khổ và phiền lòng.

Chúa Giêsu tiếp tục nói về mối tương quan của mình với Chúa Cha (Thiên Chúa của Israel) trong bài Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật” (Ga 5:31). Vì vậy, Ngài nêu ra những nhân vật khác để làm chứng về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha: (1) Chúa Cha là Đấng làm chứng cho Ngài: “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người” (Ga 5:37) và “lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật” (Ga 5:32); (2) Gioan Tẩy Giả: “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật” (Ga 5:33); (3) những công việc của Ngài: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5:36); (4) Kinh Thánh: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5:39). Chúng ta thấy những lời chứng thật hoàn hảo: Thiên Chúa, con người, công việc của chính mình và Kinh Thánh [những gì được ghi chép lại]. Tuy nhiên, bên cạnh nêu ra những nhân chứng làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta hai điều: (1) đừng dựa vào lời chứng của phàm nhân (x. Ga 5: 34), và (2) nguyên nhân khiến chúng ta không nghe tiếng Chúa và không thấy tôn nhan Ngài vì chúng ta không tin và không để cho lời Chúa Giêsu ở mãi trong lòng chúng ta (x. Ga 5:37-38).

Một trong những hình ảnh tương phản mà Thánh Gioan sử dụng trong Tin Mừng của Ngài là tin-không tin. Chúa Giêsu không dựa vào lời chứng của con người vì Ngài không cần người đời tôn vinh. Chúa Giêsu nêu ra lý do tại sao chúng ta đi tìm sự tôn vinh từ người đời mà không tìm sự tôn vinh từ Thiên Chúa: đó là vì chúng ta không có lòng mến dành cho Thiên Chúa (x. Ga 5:41-42). Những lời sau đây làm chúng ta đáng suy gẫm: “Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5:43-44). Chúng ta thường đi tìm tôn vinh từ người đời và tôn vinh lẫn nhau. Chúng ta không đi tìm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã không tin vào Chúa Giêsu. Hãy tìm vinh quang từ Thiên Chúa, vì vinh quang từ con người rất giới hạn và chóng tàn.

Cuối cùng, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta rằng: những gì chúng ta cậy dựa vào sẽ là thứ tố cáo chúng ta trong Ngày sau hết. Chúa Giêsu không phải là Người tố cáo chúng ta, nhưng chính là những gì chúng ta đã dựa vào trong cuộc sống này. Người Do Thái cậy dựa và tự hào về Môsê, người chuyển cầu cho họ trong bài đọc 1 sẽ là người tố cáo họ: “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?” (Ga 5:45-47). Chúa Giêsu muốn chúng ta cậy dựa vào Ngài, vì Ngài không bao giờ tố cáo những ai cậy dựa vào Ngài. Ngài luôn yêu thương họ và xin Chúa Cha ban cho họ những ơn họ cần để sống đẹp lòng Chúa Cha.

 

*****************

THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY

CHÚNG TA BIẾT CHÚA GIÊSU KHÔNG?

(Kn 2:1a.12-22; Ga 7:1-2.10.25-30)

Lời Chúa trong thánh vịnh đáp ca hôm nay đem lại một sự an ủi thật dịu êm và nhẹ nhàng cho những tấm lòng tan vỡ vì tội lỗi: “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 33:19). Hãy luôn tâm niệm rằng: Chúa luôn gần chúng ta, ngay cả khi chúng ta tội lỗi.

Hai bài đọc hôm nay được nối kết với nhau bởi chữ “biết.” Khi nói đến cái “biết”, chúng ta cần phân biệt hai loại biết sau đây: “biết về” một ai đó hoặc một cái gì đó và “biết đích thân” một ai đó hay một vật gì đó. Loại “biết” thứ nhất không cần phải có sự gặp gỡ trực tiếp giữa người biết và đối tượng được biết. Loại “biết” này là biết mang tính cách “gián tiếp” qua sách vở, qua người khác, qua các phương tiện truyền thông; còn loại “biết” thứ hai đòi buộc phải có sự gặp gỡ cá vị giữa người biết và đối tượng được biết. Đây là loại “biết” mang tính cách trực tiếp. Trong hai loại biết này, loại thứ hai chắc chắn hơn loại thứ nhất vì nó được xây dựng trên “kinh nghiệm gặp gỡ trực tiếp.” Chúng ta sẽ suy gẫm hai bài đọc lời Chúa hôm nay dưới lăng kính hai loại “biết” này để xem mình đang biết Chúa theo loại nào.

Trong bài đọc 1, tác giả sách Khôn Ngoan nói về cái biết của “quân vô đạo,” cái biết mà dẫn họ đến “suy tính sai lầm.” Đây là cái biết của những người “biết về” Thiên Chúa, chứ không “biết Thiên Chúa.” Đâu là những đặc tính để nhận ra những người chỉ “biết về” Thiên Chúa? Những người chỉ “biết về” Thiên Chúa là những người chỉ theo Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, con lòng họ thì xa Thiên Chúa; họ là những người vui thích nói về Chúa, nhưng không sống theo những mệnh lệnh của Ngài (x. Kn 2:13); những người chỉ “biết về” Thiên Chúa là những người có lối sống và “lối cư xử hoàn toàn lập dị” (Kn 2:16); cuối cùng, những người chỉ biết về Thiên Chúa, là những người luôn tìm cách hãm hại người công chính. Điểm cuối cùng này là điểm nối kết bài đọc 1 với bài Tin Mừng: “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” (Kn 2:18-20).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy hình ảnh người công chính bị kết án do những người “nghĩ” mình biết Thiên Chúa, nơi hình ảnh Chúa Giêsu. Sau khi “bị nộp” bởi người bị bệnh được chữa lành ở hồ Bếtdatha, Chúa Giêsu không còn đi lại cách công khai trong miền Giuđê vì “người Do Thái tìm giết Người,” nên Ngài phải đi lại cách bí mật (Ga 7:1-2). Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu can đảm đối diện với sự chống đối qua những lời lẽ thật hùng biện của Ngài. Đề tài về ban sự sống và xét xử, đề tài về phạm luật ngày Sabát và việc đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa đã nhường chỗ cho đề tài về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Chính đề tài về nguồn gốc này giúp chúng ta phân biệt được hai loại biết: “biết về “Thiên Chúa của người Do Thái và “biết Thiên Chúa” của Chúa Giêsu.

Cái biết của người Do Thái về Chúa Giêsu được tìm thấy trong câu: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7:27). Đây là một cái biết dựa trên sự “quan sát thể lý.” Điều này thường xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta thường dựa vào cái biết mang tính thể lý mà chúng ta đạt được qua giác quan để đánh giá một con người hoặc sự kiện. Tuy nhiên, cái biết này chỉ giới hạn ở những gì bên ngoài, còn những gì kín ẩn bên trong chúng ta không thể biết. Để biết một sự vật hoặc một con người, chúng ta cần cả cái nhìn bên ngoài và bên trong. Chỉ khi có được cái nhìn như thế, chúng ta mới có thể nói rằng, chúng ta đã biết. Cũng vậy, chúng ta chỉ biết Thiên Chúa [Chúa Giêsu] khi chúng ta không chỉ “nghe lời Ngài” [biết thể lý], nhưng còn “đem ra thực hành” [biết của nội tâm hoá].

Chúa Giêsu phê bình cái biết của người Do Thái về Thiên Chúa và trình bày cái “biết Thiên Chúa” của Ngài: “Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7:28-29). Chúa Giêsu chỉ ra cái sai trong cái biết của những người Do Thái, đó là, họ chỉ dừng lại ở “nguồn gốc con người” của Chúa Giêsu: nguồn gốc mà họ có thể quan sát bằng con mắt thể lý. Họ không biết “nguồn gốc Thiên Chúa” của Ngài, vì nguồn gốc thần linh này chỉ có thể quan sát bằng “con mắt đức tin”. Cái biết của Chúa Giêsu khác với các biết của người Do Thái ở chỗ là: Ngài và Chúa Cha là một. Điều này được diễn tả qua tương quan của Ngài như “Người được sai” và Chúa Cha như “Người sai.” Tương quan giữa người sai và người được sai là tương quan không thể tách rời. Nói cách khác, sẽ không có người được sai nếu không có người sai và ngược lại, sẽ không có người sai nếu không có người để được sai. Như vậy, chính tương quan không thể tách rời này làm cho cái biết của Chúa Giêsu về Thiên Chúa khác với cái biết của người Do Thái. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta chỉ có thể “biết Thiên Chúa [Chúa Giêsu] cách cá vị” khi chúng ta có mối tương quan không thể tách rời với Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với câu quen thuộc của Thánh Gioan: “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến” (Ga 7:30). Giờ của Chúa Giêsu chưa đến! Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu không thể được định đoạt bằng bất kỳ con người hay bất kỳ yếu tố con người nào, nhưng chính Chúa Cha là Người định đoạt mọi sự. Giờ của Ngài được tôn vinh trên thập giá cũng được Chúa Cha quyết định. Không có gì xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu mà không có bàn tay đầy yêu thương của Chúa Cha. Cuộc đời của chúng ta thế nào? Chúng ta có để cho Chúa định đoạt và hướng dẫn cuộc đời của chúng ta không? Cám dỗ lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta là việc chúng ta tự định đoạt về “giờ” của mình, tức là, làm theo điều chúng ta muốn hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa thực hiện “giờ” của Ngài trên cuộc đời chúng ta và mang giờ đó đến sự hoàn thành trong vinh quang của Ngài hơn là tự mình thực hiện “giờ” của chúng ta và chiếm lấy vinh quang cho chính mình.

*****************

THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY

ĐỪNG VỘI LÊN ÁN

(Gr 11:18-20; Ga 7:40-53)

Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta thường tìm nương tựa ở đâu? Rất nhiều người trong chúng ta đi tìm nương tựa nơi công việc, trong các phương tiện truyền thông, các tương quan không lành mạnh, hay trong niềm vui chóng qua. Lời thánh vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở chúng ta về một nơi nương ẩn mà nhiều khi chúng ta không tìm đến: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.” Nương ẩn bên Thiên Chúa là nơi nương ẩn an toàn và an ủi nhất vì Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta bao giờ. Hãy đến nương ẩn bên Ngài, bạn sẽ không bao giờ thất vọng.

Bài đọc 1 hôm nay nói về hình ảnh của Ngôn sứ Giêrêmia bị những người trong gia đình và những người thân tìm cách hãm hại. Ngôn sứ đã khám phá ra điều này qua sự can thiệp của Đức Chúa: “Đức Chúa đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng” (Gr 11:18). Đối diện với việc hãm hại, Ngôn sứ đã chạy đến tìm ẩn náu bên Đức Chúa. Ông đã “tâm sự” với Chúa về những gì đang xảy ra cho mình: “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: ‘cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!’” (Gr 11:19). Và ông đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Chúa, Đấng công minh khi xét xử: “Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài” (Gr 11:20). Mẫu gương của Giêrêmia khi đối diện với chống đối thật đáng để chúng ta suy gẫm và học hỏi. Từ cuộc sống thường ngày chúng ta nhận ra rằng, khi bị chống đối chúng ta thường có những phản ứng tiêu cực với những người chống đối chúng ta: nghĩ xấu, nói xấu, giữ lòng hận thù v.v. Giêrêmia dạy chúng ta chạy đến với Đức Chúa và nói với Ngài về những điều đang làm chúng ta lo lắng và cướp đi sự bình an và niềm vui trong tâm hồn chúng ta. Hãy nói với Chúa tất cả vì Ngài lắng nghe và chăm sóc chúng ta.

Trong bài đọc 1, chúng ta đã nhận thấy hình ảnh Giêrêmia bị hãm hại thế nào, thì trong bài Tin Mừng, cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang bị mưu hại như vậy. Đề tài “biết” về nguồn gốc của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm qua được tiếp tục trong bài Tin Mừng hôm nay. Điều chúng ta sẽ chứng kiến trong Tin Mừng hôm nay là chính đề tài “biết” trở thành nguyên nhân chia rẽ giữa những người Do Thái. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: nguyên nhân chia rẽ giữa người Do Thái và âm mưu bắt Chúa Giêsu của các thượng tế và người Pharisêu.

Câu đầu tiên của bài Tin Mừng tạo nên bối cảnh của toàn bộ những gì sẽ xảy ra: “Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem” (Ga 7:40). Việc giảng dạy của Chúa Giêsu đã làm cho người nghe “biết” về Ngài: họ biết Ngài như là ngôn sứ (Ga 7:40), như là Đấng Kitô (Ga 7:41). Hai danh hiệu này là nội dung câu trả lời của các môn đệ và của Phêrô khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “người ta bảo Thầy là ai?” và “còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” Đâu là nguyên nhân của sự chia rẽ? Câu trả lời được tìm thấy trong những lời sau: “Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giêsu thì nói: ‘Ông này thật là vị ngôn sứ.’ Kẻ khác rằng: ‘Ông này là Đấng Kitô.’ Nhưng có kẻ lại nói: ‘Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ” (Ga 7:40-43). Nguyên nhân làm họ chia rẽ vẫn là đề tài về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là sự khác biệt trong sự hiểu biết về nguồn gốc của Ngài. Trong những câu trên, Thánh Gioan chỉ ra cho chúng ta thấy lý do tại sao người Do Thái có sự hiểu biết khác nhau về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Đó là vì họ sử dụng hai phương tiện khác nhau để “biết.” Một số người biết qua việc “nghe Chúa Giêsu giảng” trực tiếp, còn một số khác biết qua việc “đọc Kinh Thánh.” Chính phương pháp được sử dụng để “biết” dẫn đến sự khác biệt trong hiểu biết, và sự khác biệt trong hiểu biết dẫn đến sự chia rẽ. Qua điều này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì? Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý này: trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta chia rẽ chỉ đơn giản vì chúng ta nhìn vấn đề từ những góc cạnh khác nhau. Để không chia rẽ, chúng ta cần phải biết rằng, cái biết của chúng ta luôn giới hạn và “phiến diện,” không diễn tả hết thực tại. Chúng ta cần đến sự bổ sung của người khác. Vì vậy, đừng để sự khác biệt trong ý tưởng, cách suy nghĩ, hay lối làm việc trở thành nguyên nhân chia rẽ, nhưng phải là cơ hội để chúng ta đến gần nhau, học hỏi ở nhau và bổ sung cho nhau. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa tạo dựng chúng ta cách khác biệt, không ai giống ai; đó là vì Ngài muốn chúng ta trở nên “trợ tá tương xứng” của nhau (x. St 2:18).

Câu 44 mang tính cách chuyển tiếp để đưa chúng ta đến phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay: “Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt” (Ga 7:44). Phần 2 là cuộc tranh luận về việc “tra tay bắt Chúa Giêsu” giữa những thành phần khác nhau của người Do Thái. Và cuộc tranh luận này lại dẫn đến một cuộc chia rẽ sâu đậm hơn trong cùng một nhóm [nhóm Pharisêu]. Như vậy, nguyên nhân sự chia rẽ mà Chúa Giêsu khuyến cáo trong Tin Mừng Nhất lãm đang xảy ra ở đây. Trong phần này, chúng ta có thể học được những bài học từ hai thái độ sau:

Thái độ của các vệ binh: họ được sai đi để bắt Chúa Giêsu. Nhưng khi nghe người giảng, họ đã để cho lời Ngài chiếm lấy họ và thay đổi họ: từ những người không có cảm tình thành những người “ngưỡng mộ” Ngài, đến độ tôn vinh Ngài: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7:46). Liệu chúng ta có để việc nghe Lời Chúa mỗi ngày biến đổi thái độ sống của chúng ta không? Biến đổi từ thái độ không thiện cảm của chúng ta dành cho người khác thành thái độ ngưỡng mộ và yêu mến không? Hãy cho Chúa cơ hội để thay đổi bạn!

Thái độ của Nicôđêmô: ông không vội lên án. Điều này không phải là vì ông đã có thiện cảm với Chúa Giêsu vì “trước đây đã đến gặp Đức Giêsu” (Ga 7:50); nhưng là vì ông không để “đám đông” ảnh hưởng đến sự công bình trong tiến trình kết án người khác: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7:51). Ông là người không để cho tiếng nói lương tâm và luật lệ bị bóp méo bởi đám đông. Ông sống đúng với nguyên tắc khách quan của lề luật dù có thể gặp nguy cơ bị “người cùng nhóm” loại trừ. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: đôi khi chúng ta cũng phải can đảm để lội ngược dòng, để sống đúng với những gì Chúa muốn chúng ta phải sống, dù biết rằng nếu sống như thế chúng ta có thể bị loại trừ. Nhưng thà bị loại trừ bởi con người trong cuộc sống này, còn hơn là bị Thiên Chúa loại trừ khỏi sự sống đời đời.

Exit mobile version