Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 21 Thường Niên

251

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Tuần XXI Thường Niên

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Chúa Nhật Tuần XXI – Mùa Thường Niên

TUYÊN XƯNG CHÚA GIÊSU VỚI TRỌN NIỀM TIN

(Is 22:19-23; Rm 11:33-36; Mt 16:13-20)

Trong những tuần vừa qua, lời Chúa trình bày cho chúng ta tầm quan trọng của đức tin khi bước đi trong bóng đêm của khó khăn và thử thách. Câu chuyện của Phêrô đi trên mặt biển, người phụ nữ Canaan chứng minh cho chúng ta điều này. Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay đưa chúng ta đến một khía cạnh khác của đức tin, đó là tuyên xưng. Đức tin không chỉ là một hành động nội tại cá nhân gắn chặt cuộc đời của mình với Chúa Giêsu, nhưng còn là một thái độ sống được diễn tả qua những hành động trong đời sống thường ngày. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia nói về việc Đức Chúa “truất phế” Sépna, vị tể tướng triều đình và chọn một người khác là Engiakim để thay thế: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là Engiakim, con của Khinkigiahu. Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mạc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa. Chìa khoá nhà Đavít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó” (Is 22:19-23). Đức Chúa chọn người đẹp lòng Ngài để trao cho người đó “chìa khoá nhà Đavít.” Đây chính là dấu hiệu của quyền bính chân thật: quyền bính để đóng và mở cửa nhà Đavít. Hình ảnh này tiên báo về hình ảnh chìa khoá mà Chúa Giêsu sẽ trao chìa khoá Nước Trời cho Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay. Có thể nói, chúng ta không được trao cho chìa khoá của nhà Đavít hay chìa khoá Nướd Trời, nhưng mỗi người chúng ta cũng được Đức Chúa trao cho chìa khoá của con tim mình. Chúng ta mở cho Chúa hoặc cho anh chị em mình hay chúng ta đóng trước Chúa hoặc anh chị em là quyền của chúng ta. Hãy luôn mở cánh cửa con tim cho Chúa và cho anh chị em mình và hãy đóng trước những điều làm con tim mình trở nên chua chát và ghen ghét, thù hận.

Về phần mình, Thánh Phaolô nói cho các tín hữu Rôma về vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong tương quan với muôn loài: “Thưa anh em, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?” (Rm 11:33-35). Qua những lời này, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa cũng như trở nên khiêm nhường trước mặt Ngài. Không ai trong chúng ta biết được Thiên Chúa giàu có, khôn ngoan và thông suốt như thế nào vì trí hiểu của chúng ta giới hạn, còn Thiên Chúa thì vô hạn. Điều này nói lên rằng chúng ta đừng tự phụ và kiêu ngạo về trí hiểu của mình. Những thứ mình biết chỉ là hạt cát trong sa mạc so với những gì mình không biết. Nếu chúng ta muốn biết quyết định, đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa, chúng ta phải kết hợp mật thiết với Ngài, có thể nói đến độ nên một với Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời tuyên xưng của Phêrô. Trình thuật này cũng được Thánh Máccô (8:27-30) và Thánh Luca (9:18-21) thuật lại. Trong Tin Mừng của Thánh Máccô, trình thuật này là đỉnh cao của toàn bộ Tin Mừng, cùng với 8:31-9:13. Thánh Mátthêu thêm vào câu 16b-19 để mang lại một sự bổ sung mang tính Giáo Hội học cho lời tuyên xưng của Phêrô. Cấu trúc của Tin Mừng hôm nay được sắp xếp theo ba phần: Chúa Giêsu với các môn đệ (câu 13-16), Chúa Giêsu với Phêrô (câu 17-19) và Chúa Giêsu với các môn đệ (câu 20). Trong câu 13 đến 16, chúng ta thấy nội dung chính xoay quanh câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu, “Ngài là ai?”: “Khi ấy, Đức Giêsu đến miền Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.’ Đức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?’ Ông Simôn Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’.” Trong câu hỏi về căn tính của mình, Chúa Giêsu đưa các môn đệ đi qua hai giai đoạn: trong giai đoạn 1, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về “ý kiến chung” của mọi người về “Con Người.” Cách xưng hô này là đặc trưng của Thánh Mátthêu, thay cho cách xưng hô “Thầy” trong Tin Mừng Thánh Máccô. Còn trong gian đoạn 2, Chúa Giêsu hỏi “ý kến riêng” của các ông về “chính Ngài.” Chúng ta thấy trong chi tiết này, Thánh Mátthêu thừa hưởng niềm tin đồng hoá Chúa Giêsu với “Con Người” trong sách Ngôn sứ Đanien (7:13). Trong câu hỏi về “ý kiến chung” của người khác, Chúa Giêsu được đồng hoá với các ngôn sứ. Tuy nhiên, ngôn sứ Giêrêmia được Thánh Mátthêu nêu ra ở đây với mục đích chỉ cho thấy đây là vị ngôn sứ mà trong chính kinh nghiệm về sự bị loại trừ, chống đối và đau khổ báo trước sự bị loại trừ, chống đối và đau khổ của Đấng Messia. Trong câu hỏi về “ý kiến riêng” của các ông, những người đã theo và ở lại với Ngài, Chúa Giêsu mong chờ một câu trả lời mang tính cá nhân. Thánh Phêrô đã đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thánh Mátthêu đã thêm vào cụm từ “Con Thiên Chúa hằng sống” [trong khi đó trong Tin Mừng Thánh Maccô, Phêrô chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô]. Thánh Mátthêu thêm điều này vào ám chỉ việc Chúa Giêsu luôn ý thức mình là Con (x. 11:27). Qua việc sử dụng mối tương quan cha-con, Thánh Mátthêu đưa người đọc ra khỏi cái nhìn mang tính dân tộc và chính trị của tước hiệu “messia.” Những chi tiết trên mời gọi chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Thiên Chúa [Chúa Giêsu]. Câu trả lời của chúng ta về Thiên Chúa [hay Chúa Kitô] có chính xác hay không tuỳ thuộc vào mối tương quan của chúng ta với Ngài. Chỉ những ai trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô mới có thể đưa ra một câu trả lời chính xác về Ngài. Đây là một câu trả lời mang tính cá nhân và được mạc khải trong tương quan thân tình với Thiên Chúa.

Sau khi nghe Phêrô đại diện các môn đệ tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” Chúa Giêsu đáp lại Phêrô: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:17-19). Trong Tin Mừng của Thánh Máccô, chúng ta chỉ thấy mệnh lệnh giữ im lặng sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Thánh Mátthêu thêm vào phần Chúa Giêsu đổi tên và trao cho Phêrô chìa khoá Nước Trời. Theo các học giả Kinh Thánh, câu 17 là một câu chúc phúc, trong khi câu 18-19 có thể được xem là phần ghi chú giải thích nguyên nhân việc đổi tên của Phêrô. Toàn bộ những câu này cung cấp nền tảng vững chắc cho câu chuyện về quyền bính hậu phục sinh trong Giáo Hội và việc sai đi để lãnh đạo. Điều đáng để chúng ta lưu ý và suy gẫm trong phần này là việc “ràng buộc – tháo cởi.” Mệnh lệnh “ràng buộc – tháo cởi” được sử dụng ở thế bị động mang tính thần học: Thiên Chúa là Đấng ràng buộc hoặc tháo cởi những gì Phêrô ràng buộc hoặc tháo cởi. Câu này cho thấy Phêrô có một quyền bính rất lớn. Nhưng bản chất của quyền bính này là gì? Ràng buộc hay tháo cởi là những thuật ngữ của các thầy rabbi ám chỉ đến việc ràng buộc hay tháo cởi ma quỷ trong trừ quỷ, đến những hành động mang tính pháp lý của việc cắt phép thông công và của việc đưa ra quyết định tuyệt đối (một hình thức của giảng dạy qua pháp luật, đặt ra những chính sách). Quyền ràng buộc và tháo cởi được ban cho các môn đệ trong 18:18, nhưng chỉ mình Phêrô được ban cho mạc khải, vai trò của viên đá tảng (x. Ep 2:20), và đặc biệt là chìa khoá. Hình ảnh ràng buộc và tháo cởi giúp chúng ta xem xét lại đời sống của mình trong lãnh vực tha thứ và cảm thông. Thiên Chúa ban cho chúng ta “quyền để tha hoặc cầm giữ” khi anh chị em xúc phạm đến mình. Liệu chúng ta sử dụng quyền bính này theo ý Chúa muốn không hay theo cảm tính của chúng ta?

Bài Tin Mừng kết với việc Chúa Giêsu trở về lại với các môn đệ “rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô” (Mt 16:20). Qua câu này, Thánh Mátthêu tóm tắt mạc khải chính yếu vào đoạn kết của trình thuật nhằm nối kết toàn bộ trình thuật với nhau. Nói cách khác, trong câu này, qua việc nghiêm cấm các môn đệ không được nói với ai về căn tính của mình Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Đấng Kitô, nhưng không theo quan niệm mang tính dân tộc và chính trị như những người đương thời nghĩ, mà theo mối tương quan của Ngài với Chúa Cha. Chi tiết này mời gọi chúng ta đặt lại những giá trị trong cuộc sống của mình. Sự vĩ đại không hệ tại những gì người khác nghĩ về chúng ta. Sự vĩ đại hệ tại việc Chúa nhìn chúng ta thế nào và chúng ta có mối tương quan mật thiết với Ngài như thế nào.

 

Thứ Hai Tuần XXI – Mùa Thường Niên

DẪN NGƯỜI KHÁC BẰNG ĐỜI SỐNG THẬT

(1 Tx 1:1-5.8b-10; Mt 23:13.15-22)

Chúng ta bắt đầu lắng nghe thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi Tín Hữu Thessalônica. Lời đầu tiên của lá thư, thánh Phaolô cầu chúc cho họ được ân sủng và bình an. Sau đó, thánh nhân khuyến khích họ với những lời thật đượm tình: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1Tx 1:2-3). Nghe những lời này, chúng ta cảm nhận được một sự an ủi và thách đố: an ủi vì biết rằng chúng ta được các thánh [những người yêu thương chúng ta] nhớ đến trong lời cầu nguyện; nhưng là thách đố vì chúng ta phải kiên nhẫn giữ vững đức tin và kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống.

Ông bà ta thường nói: “Sai một ly, đi một dặm.” Trong bất kỳ hành trình nào, người dẫn đường hay người hướng dẫn viên rất quan trọng. Nếu người dẫn đường đi sai, thì tất cả những người đi theo cũng đi sai. Đây là điều mà Chúa Giêsu nói đến khi Ngài “khiển trách” các kinh sư và những người Pharisêu. Ngài cũng mời gọi chúng ta xem xét lại lối sống của mình vì chúng ta cũng đang dẫn người khác đến với Chúa [hành trình về Thiên Đàng] qua lối sống của chúng ta. Khốn cho chúng ta nếu chúng ta là những người “dẫn đường mù quáng” Chúng ta cũng sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách như Ngài đã làm với các kinh sư và những người biệt phái.

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn, chúng ta cần đặt nó vào trong bối cảnh của những lời “khiển trách” và lời dạy mang tính cánh chung của Chúa Giêsu. Chương 23 là điểm mấu chốt để kết luận một chuỗi những dụ ngôn về phán xét và tranh luận với những người lãnh đạo Do Thái [đã bắt đầu từ chương 21:23]. Chương này cũng nhằm mục đích giới thiệu bài giảng quan trọng cuối cùng của Chúa Giêsu trong chương 24 và 25 về ngày cánh chung. Mặc dù chương này trình bày một Chúa Giêsu dường như “khó chịu” với các kinh sư và những người Pharisêu được diễn tả qua những lời “khiển trách,” nhưng nó lại quan trọng vì hai lý do: (1) Nó giúp chúng ta nhận ra bối cảnh của việc Chúa Giêsu bị đóng đinh, và (2) nó chỉ ra cho chúng ta một cuộc đối thoại mang tính “luận chiến” giữa cộng đoàn của thánh Mátthêu và những “chuyên viên” ở Jamnia.

Sau khi hướng dẫn các môn đệ và dân chúng làm theo những gì các kinh sư và những người Pharisêu dạy, đồng thời mời gọi họ hướng về Ngài như là Người dạy đích thật (x. Mt 23:1-12), Chúa Giêsu bắt đầu khiển trách các kinh sư và những người Pharisêu. Đoạn trích Tin Mừng hôm nay gồm ba lời khiển trách: Hai lời về sự giả hình [đạo đức giả] và một lời về sự dẫn đường mù quáng. Trong lời khiển trách về giả hình thứ nhất, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc các kinh sư và biệt phái không chấp nhận sứ mệnh rao giảng Nước Trời của Ngài như là Đấng Kitô. Điều này được diễn tả qua lời họ “khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23:14). Nói cách khác, họ không chấp nhận Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Họ tìm cách chống lại Chúa Giêsu. Điều này cũng nhiều lần xảy ra trong ngày sống khi chúng ta không làm chứng cho Chúa Giêsu qua những lời mình nói và qua những việc mình làm.

Điều thứ hai Chúa Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu là trong sứ vụ truyền giáo của họ, họ làm cho người khác tin vào Chúa, rồi sau đó lại làm cho người đó trở nên những người “đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người” (Mt 23:15). Điều này ám chỉ đến việc lời khiển trách thứ ba đó là việc dẫn đường mù quáng của các kinh sư và người Pharisêu. Điều mù quáng ở đây là họ bỏ qua những việc quan trọng [thánh ý Chúa hoặc luật của Thiên Chúa] để làm những việc không quan trọng [giữ luật của con người]. Điều này được Chúa Giêsu dẫn chứng trong việc thề hứa (x. Mt 23:16-22). Nhiều lần chúng ta cũng bỏ qua những việc quan trọng để rồi thề hứa và cố gắng thực hiện những điều không quan trọng. Chúng ta phải cẩn thận trong mọi sự vì những gì chúng ta nói hoặc làm luôn có ảnh hưởng trên người khác: hoặc đem họ đến gần Chúa hoặc đưa họ xa Chúa.

Ba lời khiển trách của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay liên kết với nhau rất chặt chẽ. Vì các kinh sư và người Pharisêu không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, nên họ không chấp nhận Ngài và ngăn cản những người khác muốn tin và đón nhận Ngài. Để thực hiện điều này, họ cố gắng thuyết phục người khác theo họ để chống lại Chúa Giêsu. Nói cách khác, họ làm cho người khác tuân giữ luật con người, tức là làm theo điều họ muốn hơn là điều Chúa muốn. Những lời khiển trách này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa hứa ban cho nước trời. Nhưng nhiều người lại không muốn vào. Chúng ta sống theo ý mình và người khác nhiều hơn là theo ý Chúa. Chính điều này đã làm chúng ta nhiều lần trở nên gương mù gương xấu cho người khác. Những lúc như vậy, chúng ta đã trở thành những người dẫn đường mù quáng. Hãy sống một đời sống trọn vẹn trong Đức Giêsu qua đời sống gương mẫu của mình hầu giúp người khác vào được Nước Trời nơi chúng ta cũng hy vọng sẽ tới.

 

Thứ Ba Tuần XXI – Mùa Thường Niên – Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT DÙ BỊ NGƯỢC ĐÃI

 (Gr 1:17-19; Mc 6:17-29)

Lời thề trong lúc say sưa với cảm thức nông cạn về sự tôn trọng của vị vua, một điệu nhảy quyến rũ và một con tim tràn đầy sự căm hận kết lại tạo nên thảm cảnh bị trảm quyết của Thánh Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại chấp nhận số phận bị bách hại của các ngôn sứ trong Cựu Ước: sự loại trừ, chống đối và giết chết. “Tiếng kêu trong hoang địa” không ngại ngùng tố cáo tội ác, không ngại ngùng nói sự thật. Nhưng tại sao? Cái gì làm cho thánh nhân sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình? Thánh nhân ý thức mình được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Đấng Messia. Ơn gọi của thánh nhân là ơn gọi trao ban chính mình cách trọn vẹn. Quyền năng duy nhất thánh nhân sở hữu là Thần Khí của YHWH. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, nhiều người theo thánh nhân để tìm hy vọng. Thánh nhân không bao giờ để cho mình bị những vinh hoa hào nhoáng chiếm lấy mà đánh mất chân tính của mình. Kiểu sống đơn sơ của thánh nhân là kiểu sống hoàn toàn không dính bén với của cải trần thế. Con tim của thánh nhân tập trung vào Chúa và tiếng gọi mà thánh nhân nghe được từ Thánh Khí của Thiên Chúa nói trong con tim của mình. Tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa, thánh nhân có đủ can đảm để nói lời tố cáo hoặc sám hối của ơn cứu độ. Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng lễ kính nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Có thể nói rằng, Thánh Gioan là người, sau các Thánh Anh Hài, đã đổ máu mình ra làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu trong cuộc sống cũng như trong sự chết. Lời Chúa hôm nay trình bày số phận của thánh nhân giống số phận của các ngôn sứ, nhất là ngôn sứ Giêrêmia. Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong suy gẫm hầu có thể học được gương sáng của thánh Gioan trong việc dám hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Trong bài đọc 1, Đức Chúa ra lệnh cho Giêrêmia phải nói cho con cái Israel tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gr 1:17). Ngôn sứ phải nói những gì “Chúa muốn nói,” chứ không phải những gì mà mình muốn nói. Khi nói những điều Chúa truyền phải nói, ngôn sứ không còn sợ hãi vì “hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ” (Gr 1:18). Tuy nhiên, một điều Đức Chúa tiên báo trước cho ngôn sứ là sẽ bị chống đối. Nhưng dù bị chống đối, vị ngôn sứ sẽ không run sợ vì có Đức Chúa ở với mình để giải thoát [“Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì – sấm ngôn của Đức Chúa – có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:19). Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lần chúng ta cũng sợ hãi, không làm chứng cho sự thật, không nói sự thật vì một vài “bất tiện,” hoặc lợi ích cá nhân, hoặc sợ bị chê cười. Tuy nhiên, khi nói sự thật hoặc làm chứng cho sự thật, chúng ta phải nói “với lời của Đức Chúa” chứ không nói “với lời từ cảm xúc tự nhiên” của mình. Những lời từ cảm xúc tự nhiên thường chen lẫn với cay đắng, chê cười hoặc đạo đức giả [xem mình hơn người khác]. Chỉ khi nói với lời của Đức Chúa, thì lời chứng của chúng ta mới được thấm nhiễm bởi tình yêu, kiên định, cảm thông và tha thứ.

Câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy giả được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về số phận của những ngôn sứ “chỉ nói cách trung thực” những lời Đức Chúa truyền cho mình. Chúng ta cùng nhau phân tích câu chuyện này theo lối kịch nghệ, đó là phân tích đặc tính của từng nhân vật trong vở “bi kịch” mang tên “Sự trảm quyết của Gioan Tẩy Giả” để xem chúng ta đang đóng vai nào trong vở bi kịch này.

Nhân vật đầu tiên là vua Hêrôđê: Đây là Hêrôđê Antipa, một trong những người con của Hêrôđê cả. Câu chuyện cho thấy việc ông làm là “sai người đi bắt Gioan và xiềng ông trong ngục” (Mc 6:17). Chúng ta vẫn tìm thấy trong vua Hêrôđê hai điều tích cực, đó là (1) vẫn còn “kính sợ” dành cho “người công chính thánh thiện” (Mc 6:20) và (2) vẫn thích nghe và muốn che chở Gioan. Nhưng hai điều tích cực này không chiến thắng được hai điều tiêu cực trong ông, đó là (1) lạm dụng quyền lực cho lợi ích riêng của mình (x. Mc 6:17) và (2) thề hứa “một cách thiếu suy nghĩ”(x. Mc 6:21-23). Trong cuộc sống của chính mình, điều gì đang chiến thắng: khuynh hướng tích cực hay tiêu cực?

Nhân vật thứ hai là Hêrôđia: Kinh Thánh cho biết bà là vợ của Philíphê, anh trai của vua Hêrôđê. Bà bỏ chồng, lấy em trai của chồng (x. Mc 6:17). Một trong những đặc tính làm cho nhiều người “nhớ” bà nhiều nhất, đó là bà luôn “căm thù ông Gioan và muốn giết ông,” vì ông chống lại những việc sai trái của bà (x. Mc 6:19). Lòng căm thù đó khiến cho bà tìm đủ mọi cách để giết chết Gioan và khi có cơ hội bà liền nắm lấy để thực hiện điều toan tính của bà mà không suy nghĩ (x. Mc 6: 24-28). Trong lòng bà chỉ có một điều, đó là đạt được mục đích của mình bằng mọi cách dù phải “hy sinh” người khác. Chúng ta có giữ thái độ thù hằn như thế này với một ai không?

Nhân vật thứ ba là con gái của Hêrôđia: Bài Tin Mừng cho thấy cô dùng tài năng của mình để làm vui lòng người khác (x. Mc 6:22). Cô không có lập trường cho riêng mình. Cô chỉ làm theo điều người khác muốn dù cô biết điều đó là sai. Hình ảnh này cũng rất quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta biết rằng, tài năng Chúa ban cho không chỉ để làm vui lòng người khác, nhưng tiên vàn để làm vinh danh Chúa qua việc phục vụ anh chị em của mình. Nói cách khác, chúng ta phải sử dụng tài năng thế nào để không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Nhưng qua tài năng của mình Thiên Chúa được tôn vinh và anh chị em của mình được hưởng hoa lợi. Bên cạnh đó, nhiều lần chúng ta cũng đóng vai diễn này. Chúng ta không có lập trường cho riêng mình khi biết người khác sai. Chúng ta sống cho giấc mơ của người khác hơn là giấc mơ của Chúa; chúng ta cố gắng làm vui lòng người khác hơn là làm vui lòng Chúa. Nhưng nên biết rằng, không ai có thể làm vui lòng người, vì “lòng tham” của con người thì vô đáy.

Nhân vật cuối cùng là Gioan Tẩy Giả: Ông không sợ nói lên sự thật dù biết khi nói sự thật sẽ phải trả một giá thật đắt, đó là phải hy sinh mạng sống mình. Chúng ta thường nghe rằng: sự thật thì mất lòng. Nhưng nếu chúng ta không nói sự thật hoặc đối diện với sự thật để sự thật chất vấn mình, thì chúng ta đi ngược lại “khát vọng tự nhiên” của lý trí con người, đó là tìm đến sự thật. Ai trong chúng ta cũng muốn hàng thật; không ai muốn mua một món đồ giả. Ai cũng muốn người khác nói thật, sống thật với mình, nhưng tại sao lại có nhiều gian dối trong cuộc sống mỗi ngày? Chúng ta cần bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả, đó là sống thật và nói thật dù phải hy sinh mạng sống mình, cũng như làm mọi sự cách hiền lành và khiêm nhường.

 

Thứ Tư Tuần XXI – Mùa Thường Niên

SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH

(1 Tx 2:9-13; Mt 23:27-32)

Bài đọc 1 tiếp tục trình bày cho chúng ta về việc thánh Phaolô đang trình bày chính ngài như mẫu gương cho các tín hữu Thessalônica. Thánh nhân nói về lối sống mà ngài đã thể hiện khi rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa giữa họ. Trong bài đọc 1, chúng ta nhận ra ba điều mà thánh Phaolô mời gọi tín hữu Thessalônica suy gẫm: (1) ngài mời gọi họ nhớ lại những nỗi khó nhọc vất vả mà ngài và các cộng sự phải chịu: “đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em” (1 Tx 2:9); (2) ngài mời gọi họ làm chứng cho lối sống tốt đẹp của ngài: “Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được” (1 Tx 2:10); (3) cuối cùng, ngài muốn họ phải biết cách cư xử đầy tình phụ tử của ngài dành cho họ: “Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người” (1 Tx 2:11-12).

Sau khi nói về những điều các tín hữu Thessalônica cần suy gẫm, thánh Phaolô trình bày cho họ về những điều các ngài thực hiện mỗi khi nghĩ đến họ, đó là các ngài “không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1 Tx 2:13). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ ra cho chúng ta thấy lý do tạ ơn của ngài và các cộng sự, đó là việc các tín hữu Thessalônica đón nhận lời họ rao giảng như lời của Thiên Chúa. Chi tiết này cho thấy các ngài không để cho những “lời của mình” lấn át “Lời Thiên Chúa.” Hơn thế nữa, những lời rao giảng của các ngài không trở nên vô hiệu, nhưng mang lại sự biến đổi [có tác động] nơi người nghe. Điều này xảy ra vì họ không rao giảng cho người khác lời của họ, nhưng là “Lời của Chúa,” Lời đó có sức biến đổi cõi lòng chai đá của con người. Những điều này nhắc nhở chúng ta về đời sống chứng tá của mình. Nhiều khi chúng ta để cho người khác “nghe tiếng mình” nhiều hơn “nghe tiếng Chúa.” Thay vì là người mang sứ điệp Tin Mừng, chúng ta biến mình thành “sứ điệp.” Lý do mỗi ngày chúng ta tạ ơn Chúa không hệ tại việc có bao nhiêu người nghe chúng ta, nhưng hệ tại việc có bao nhiêu người nhờ chúng ta mà nghe tiếng Chúa và được biến đổi bởi lời Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời khiển trách của Chúa Giêsu về việc “lời nói phải đi đôi với hành động,” hay đúng hơn “vẻ đẹp bên ngoài phải phản chiếu vẻ đẹp bên trong.” Hai lời khiển trách hôm nay sử dụng chung một hình ảnh, đó là hình ảnh mồ mả. Chúng ta lưu ý đến câu điệp khúc: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả!” (Mt 23:27,29). Những người đạo đức giả là những người “thờ phượng Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng thì lại xa Ngài.” Họ là những người chỉ lưu ý đến vẻ bên ngoài để che lấp những điều xấu xa bên trong. Nếu thành thật với lòng mình, chúng ta nhiều lần cũng là những người đạo đức giả. Chúng ta đi nhà thờ, làm việc lành bố thí cũng chỉ để cho người khác biết để ngợi khen mình, nhưng lòng chúng ta lại rất xa Chúa vì cuộc sống của chúng ta không có thay đổi gì theo năm tháng. Chúng ta vẫn còn đó những giận hờn ghen ghét, tự ái tự kiêu, nói hành nói xấu hoặc không tha thứ cho anh chị em mình.

Trong lời khiển trách đầu tiên, Chúa Giêsu khuyến cáo các kinh sư và những người Pharisêu về việc không đồng nhất giữa bên trong và bên ngoài [giữa động lực và hành động] qua hình ảnh họ giống “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27). Hơn thế nữa, lời của Ngài rất thẳng thắn và trực tiếp: “Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác!” (Mt 23:28). Lời khiển trách này cũng nhắm đến mỗi người chúng ta. Không ít lần trong cuộc sống, chúng ta “bằng mặt” [bên ngoài] chứ không “bằng lòng” [bên trong]. Một người sở hữu sự thống nhất giữa vẻ đẹp bên trong và bên ngoài luôn sống thật, nói thật, yêu thật và tha thứ thật. Khi không có sự thống nhất giữa bên trong và bên ngoài, thì chính chúng ta đã sống trong sự lừa dối chính mình trước khi lừa dối người khác. Hãy trang điểm cho vẻ đẹp bên ngoài với những cử chỉ và lời nói nhã nhặn ôn hoà và trang điểm vẻ đẹp bên trong với nhân đức và tình yêu vô điều kiện của Chúa.

Trong lời khiển trách thứ hai, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta vấn đề “cộng tác vào sự dữ” người khác làm. Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn nói với họ [và chúng ta] rằng: tránh làm điều xấu cách trực tiếp thì chưa đủ, nhưng còn phải tránh cộng tác vào việc xấu của người khác. Một ví dụ cụ thể để chúng ta dễ hiểu là: tránh không nói xấu người khác là điều cần, nhưng cũng cần là “không thêm dầu vào lửa khi nghe người khác nói xấu một ai đó.” Chúa Giêsu dùng việc xây dựng mồ mả cho các ngôn sứ như là việc cộng tác vào “việc đổ máu các ngôn sứ” mà cha ông họ đã làm. Nói cách cụ thể là: người giết, kẻ xây mồ. Chúa Giêsu lên án hành động cộng tác này, vì qua hành động đó họ chỉ ra mối liên hệ không thể tách rời giữa người làm điều xấu với họ: “Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!” (Mt 23:31-32). Một lối sống hoàn hảo là lối sống không đơn giản chỉ tránh làm việc xấu, nhưng còn không cộng tác vào trong việc xấu của người khác. Một cách cụ thể hơn, sống hoàn hảo là tránh phạm tội và tránh trở thành dịp tội cho người khác.

 

Thứ Năm Tuần XXI – Mùa Thường Niên

SỐNG KHÔN NGOAN VÀ CANH THỨC

(1 Tx 3:7-13; Mt 24:42-51)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta nguồn gốc của niềm an ủi mà Thánh Phaolô cảm nhận, đó là việc các tín hữu Thêxalônica đứng vững trong Chúa (x. 1 Tx 3:8). Đây cũng chính là điều mà thánh nhân tạ ơn Thiên Chúa: “Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta? Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em” (1 Tx 3:9-10). Bên cạnh đó, Thánh Phaolô còn cầu xin Thiên Chúa làm cho tình thương giữa các tín hữu Thêxalônica “đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (1 Tx 3:12). Chỉ khi tình yêu dành cho nhau trở nên thắm thiết, các tín hữu Thêxalônica mới được Chúa làm “cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3:13).

Bài Tin Mừng hôm nay gồm những lời Chúa Giêsu dạy các môn về sự tỉnh thức (Mt 24:42-44) và một “dụ ngôn” để minh hoạ điều Ngài giảng dạy (Mt 24:45-51). Trong lời dạy của mình, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết lý do phải canh thức là vì họ không biết khi nào Chúa sẽ đến: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Trong những lời day này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự canh thức, đây là sự tỉnh thức mang tính cánh chung trước thánh ý Thiên Chúa. Đây chính là đề tài chính của 25:13. Ở giữa những lời dạy của mình, Chúa Giêsu chen vào một dụ ngôn nhỏ qua việc sử dụng hình ảnh chủ nhà. Khi một chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến ông sẽ luôn canh thức để không có tổn hại nào xảy ra cho ông [và những gì/những người thuộc về ông]. Chúa Giêsu sử dụng thái độ canh thức của người chủ để nói cho các môn đệ. Đây không phải là thái độ chờ đợi bị động, nhưng là rất chủ động để tìm cách ngăn chặn những gì làm nguy hại đến chính mính, đến đức tin, đến đời sống cảm thông yêu thương tha thứ.

Trong phần “dụ ngôn” làm sáng tỏ lời dạy của mình Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh người đầy tớ [đối nghịch với hình ảnh ông chủ trong dụ ngôn ngắn nêu trên] để làm sáng tỏ điều Ngài dạy họ về thái độ thức tỉnh. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Luca (21:41-48). Trong dụ ngôn này, Thánh Mátthêu trình bày hai cách thức khác nhau của người đầy tớ của Thiên Chúa trong thời gian chờ đợi Ngài đến. Chúng ta có thể nghĩ về họ như là hai người, hoặc tốt hơn, là cùng một người nhưng phản ứng với hoàn cảnh của mình theo hai cách thức khác nhau. Hình ảnh người đầy tớ đầu tiên là người trung tín và khôn ngoan: “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình” (Mt 24:45-47). Trong bối cảnh của chương 24, trung tín và khôn ngoan ám chỉ đến thái độ tỉnh thức hay sẵn sàng. Khi sống trung thành với ơn gọi của mình trong thời gian chờ đợi Chúa đến, người đầy tớ sẽ được khen thưởng. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là việc người đầy tớ làm gì để được khen thưởng. Công việc người đầy tớ làm là “lấy của ông chủ” mà cấp phát cho những người giao cho mình coi sóc. Nói cách cụ thể, người đầy tớ không tìm gì lợi ích cho chính mình, nhưng mang lợi ích cho người khác qua việc chu toàn sứ vụ được giao cho mình. Chúng ta đang thực hiện công việc của mình như thế nào: Tìm lợi cho chính mình hay tìm lợi cho người khác?

Hình ảnh thứ hai của người đầy tớ mang tính rất tiêu cực, đó là việc anh ta nghĩ bụng,  “‘Còn lâu chủ ta mới về,’ thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại trừ hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 24:48-51). Trong những lời này chúng ta thấy hành trình từ tư tưởng đến hành động, từ ý hướng đến hành vi. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là cũng giống như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thánh Mátthêu gọi người đầy tớ là xấu xa trước khi chỉ ra hành động bất chính. Vấn đề chính trong dụ ngôn này là sự trì hoãn trở về của người chủ. Điều này tạo nên mấu chốt cho hành động “xấu xa” của người đầy tớ. Anh ta “tính sai” ngày chủ về như là anh ta biết chắc chắn khi nào ông chủ sẽ về hoặc sự trì hoãn của ông chủ sẽ rất dài. Tuy nhiên, việc tính sai thời gian ông chủ về không quan trọng bằng thái độ thiếu bác ái và trách nhiệm của người đầy tớ. Người đầy tớ đã không noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa trong cách đối xử với anh chị em mình. Đây chính là lý do dẫn đến việc người đầy tớ bị ông chủ loại trừ và bắt chung số phận với những người đạo đức giả. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu cũng khuyến cáo chúng ta về thái độ sống thiếu bác ái và tránh nhiệm của mình với anh chị em. Thời gian sống trên trần gian này là thời gian chúng ta noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với anh chị em mình. Hãy sử dụng từng thời khắc thật tốt để không bị luận phạt đời đời nơi chốn tối tăm và nghiến răng.

Thứ Sáu Tuần XXI – Mùa Thường Niên

SN SÀNG ĐÓN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH

(1 Tx 4:1-8; Mt 25:1-13)

Ai trong chúng ta cũng được nghe nhiều về việc làm thế nào để sống đẹp lòng Chúa. Nhiều người đã cố gắng sống theo những điều được dạy, nhưng cũng không ít người nghe rồi để qua một bên. Trong bài đọc 1 hôm nay, thánh Phaolô nhắc nhở và khuyến khích các tín hữu Thessalônica về việc làm thế nào để sống đẹp lòng Chúa. Thánh Phaolô chỉ ra cho biết là họ đã sống điều đó, nhưng thánh nhân “khuyên nhủ họ hãy tấn tới nhiều hơn nữa” (1 Tx 4:1). Để tấn tới trên đường nhân đức [sống đẹp lòng Chúa hơn], thánh nhân đưa ra những việc cụ thể sau: (1) nên thánh [tức là xa lánh gian dâm]; (2) không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại [sống như không biết Thiên Chúa]; (3) đừng làm tổn thương hay lừa dối anh chị em mình. Trong ba việc cụ thể này, chúng ta thấy hai việc sau là hiệu quả của việc nên thánh. Nói cách cụ thể hơn, thánh ý Thiên Chúa là chúng ta phải nên thánh. Nhưng để nên thánh, chúng ta không được buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại và không làm tổn thương hay lừa dối anh chị em mình. Thánh Phaolô kết thúc lời khuyến dụ của mình với những lời rất cứng rắn như sau: “Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người” (1 Tx 4:8). Trong những lời này, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta tập trung vào Thiên Chúa để làm vui lòng Ngài hơn là làm vui lòng người. Vì vậy, chúng ta cần ý thức rằng sống theo ý mình hoặc theo ý người khác thì dễ, nhưng thường làm mất lòng Chúa. Sống theo thánh ý Chúa thì khó [vì nhiều khi không vừa lòng mình và người khác], nhưng mang lại cho chúng ta niềm vui vì đẹp lòng Chúa.

Dụ ngôn Mười Trinh Nữ trong Tin Mừng hôm nay được xem là dụ ngôn bổ xung cho dụ ngôn đầy tớ trung thành và không trung thành trong Mt 24:45-51. Nó bổ sung theo nghĩa là dụ ngôn trước nhìn vấn đề từ khía cạnh nam nhi, còn dụ ngôn này nhìn từ khía cạnh nữ nhi. Dụ ngôn này chỉ một phần mang tính hình tượng. Đây là một câu chuyện được Thánh Matthêu phát triển từ yếu tố tìm thấy trong Tin Mừng Luca [12:35-38] và thêm vào đó giáo huấn tổng quát về cánh chung của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, chúng ta không thể tái thiết lại bối cảnh cụ thể của đám cưới. Những câu hỏi phải đối diện như: Có mười cô trinh nữ đính hôn với một chàng rể sao? Chàng rể ở đâu? Nhưng theo truyền thống Kinh Thánh, hình ảnh cưới thường được sử dụng để áp dụng cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài (x. Mt 19:14-15; 22:1-14).

Hình ảnh đầu tiên chúng ta lưu ý đó là hình ảnh “mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể” (Mt 25:1). Họ đại diện cho các môn đệ của Chúa Giêsu và những người tin sau này (x. 2 Cr 11:2). Theo truyền thống Kitô Giáo, “đèn” là ngọn lửa đức tin mà chúng ta lãnh nhận trong ngày rửa tội. Ngọn lửa đức tin này phải luôn luôn cháy sáng. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần. Nó giúp chúng ta đi vào mối tương quan mật thiệt với Thiên Chúa. Nhìn tứ khía cạnh luân lý, đức tin là cuộc gặp gỡ cá vị giữa chúng ta với Thiên Chúa. Nói cách khác, đây là cuộc gặp gỡ cá vị giữa hai người yêu nhau. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là sự lớn lên cách sâu đậm hơn trong tình yêu. Ngọn đèn đức tin của chúng ta thế nào?

Hình ảnh thứ hai là cặp từ đối kháng giữa “năm cô dại” và “năm cô khôn” (Mt 25:3). Hình ảnh này gợi cho chúng ta về hình ảnh lúa và cỏ lùng cùng mọc lên trong một thửa ruộng. Ở đây, các cô dại và các cô khôn đều chờ đợi chàng rể đến. Sự khôn ngoan được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là thứ khôn ngoan của triết học hay của người đời, hay mang tính lý thuyết, nhưng là sự khôn ngoan thực tế cần thiết cho ơn cứu độ. Điều này được diễn tả trong hình ảnh các cô khôn vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo, trong khi các cô dại mang đèn mà không mang dầu. Điều phân biệt các cô dại với những cô khôn là “bình dầu” (x. Mt 25:3-4). Bình dầu là biểu tượng của những việc tốt. Chính những công việc tốt nhỏ bé hằng ngày chúng ta làm với trọn tình yêu là chất liệu giúp cho ngọn đèn đức tin cháy sáng. Dầu [việc tốt] và ngọn đèn [đức tin] là hai yếu tố không thể tách rời trong việc tím kiếm sự khôn ngoan cần thiết cho ơn cứu độ.

Hình ảnh thứ ba là việc “chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (Mt 25:5). Những lời này ám chỉ đến việc vì “ngày cánh chung đến chậm,” nên tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và cho nhau dần dần trở nên lạnh nhạt. Chúng ta thấy, ngay cả các cô khôn cũng rơi vào tình trạng thiếp đi và ngủ. Điều này cho thấy việc hoàn toàn tỉnh thức tuyệt đối không phải là điểm nhấn của dụ ngôn. Chúng ta có thể nói rằng, dụ ngôn này ám chỉ đến thân phận yếu đuối mà tất cả chúng ta [người khôn kẻ dại] đều chia sẻ. Tuy nhiên, điều phân biệt chúng ta là khi Chúa đến, chúng ta sẽ như thế nào? Câu chuyện kể cho chúng ta hay rằng: Khi biết chú rể đến, tất cả mười cô đều thức dậy, và sửa soạn đèn (Mt 26: 6-7). Đến đây chúng ta vẫn thấy mười cô [tất cả các môn đệ] đều giống nhau. Nhưng sao chàng rể lại đến trễ? Như chúng ta biết, hình ảnh chàng rể là Con Người, Ngài là Thiên Chúa của sự ngạc nhiên. Tiếng kêu trong đêm vắng diễn tả sự chờ mong Nước Trời đến của Giáo Hội sơ khai. Trong sự mong chờ đó, mười trinh nữ [các môn đệ] mệt mỏi, thiếp đi và ngủ. Khi Con Người đến, đèn của tất cả sắp tắt (x. Mt 25:8). Đến đây, người khôn kẻ dại được phân biệt: người khôn đem theo dầu, còn kẻ dại thì không. Hình ảnh dầu, trong Kinh Thánh, là những công việc bác ái: người khôn ngoan có dư thừa việc lành, còn người dại thiếu việc lành việc tốt. Việc các cô khôn không chia sẻ dầu cho các cô dại ở đây không phải là việc thiếu bác ái hay hữu dụng. Chi tiết này đơn giản nói rằng việc tốt của họ không thể chuyển cho người khác. Người khác có thể giúp, nhưng sự sẵn sàng để đón nhận ơn cứu độ thì tuyệt đối là trách nhiệm cá nhân. Sự sẵn sàng ở đây là dành cho chàng rể. Đây chính là điểm quan trọng của dụ ngôn.

Hình ảnh cuối cùng chúng ta suy gẫm là hình ảnh Con Người từ chối mở cửa cho các cô dại khi họ mua được dầu và trở lại. Lý do của chàng rể đơn giản là: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 25:12). Những lời này gợi lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu nói về những người “tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng chúng lại xa ta,” họ là những người cùng ăn cùng uống với Ngài, nhưng lòng họ thì xa Ngài. Đóng cửa lại cho thấy rằng để được vào không phải là chuyện tự nhiên. Nói cách khác, ơn cứu độ được ban cho chúng ta nhưng không, nhưng để được ơn cứu độ, chúng ta phải tìm cách để chiếm lấy bằng việc canh thức, luôn sẵn sàng.

 

Thứ Bảy Tuần XXI – Mùa Thường Niên

SINH LỢI CHO CHÚA VỚI NHỮNG KHẢ NĂNG ĐƯỢC TRAO BAN

(1 Tx 4:9-11; Mt 25:14-30)

Kinh nghiệm trong cuộc sống dạy chúng ta rằng: để có được một điều gì đã là khó, nhưng để giữ được điều mình có thì lại khó hơn. Ví dụ, rất khó để có được một tình bạn hoặc tình yêu chân thật, nhưng cũng rất khó để giữ tình bạn hoặc tình yêu đó cách bền vững và sắt son. Chúng ta nhận ra điều này trong những lời nhắn nhủ của thánh Phaolô cho các tín hữu Thessalônica trong bài đọc 1. Thánh nhân mong muốn các tín hữu Thessalônica “tiến tới nhiều hơn” trong việc thực hành lời dạy của Thiên Chúa, đó là yêu thương nhau. Không những thế, họ còn phải “gắng giữ hoà khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình, như chính tôi đã truyền cho anh em” (1 Tx 4:11). Tình yêu chỉ triển nở nơi đâu có sự hoà thuận [hoa quả của sự cảm thông và tha thứ] và cố gắng làm việc để không lệ thuộc vào ai cũng như qua đó giúp đỡ người khác.

Dụ ngôn về những nén bạc trong Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn tuyệt vời và có những câu chuyện bên lề đi kèm. Mặc dù có mầm mống trong Tin Mừng Thánh Máccô (13:34), dụ ngôn này bắt nguồn từ nguồn Q. Dụ ngôn này cũng có thể được hiểu như là bản chú giải của Máccô 4:25. Thánh Mátthêu bảo tồn bản văn này trong hình thức đơn giản và nguyên thuỷ hơn so với bản văn Thánh Luca, bản văn mà trong đó việc xưng vương được thêm vào. Nhưng có lẽ thánh Luca trình thuật cách chính xác hơn về số tiền liên quan [pound hoặc minas có giá trị khoảng $20, so với nén hoặc yến có giả trị khoảng $1,000]. Sứ điệp của dụ ngôn có thể được đọc từ nhiều cách. Trong bối cảnh hiện tại của nó, dụ ngôn đề nghị một lối sống thích hợp trong thời gian chờ đợi Con Người lại đến. Dụ ngôn mời gọi chúng ta phải sống có trách nhiệm trên những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta. Những điểm luân lý sau có thể được rút ra từ bối cảnh câu chuyện như trong dụ ngôn đầy tớ trung thành và không trung thành (x. Mt 23:48-51).

Mới đọc câu chuyện, chúng ta có thể chú ý ngay đến lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho những người có thái độ sống không thay đổi hay không sinh lợi những gì đã được “trao cho” [giao phó]. Ở đây, Chúa Giêsu ám chỉ đến truyền thống tôn giáo tốt đẹp của người Do Thái đã được “trao cho” mà họ phải sinh lợi. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ của chúng ta trước những giá trị truyền thống tôn giáo được trao cho qua Giáo Hội [hay hội dòng]. Chúng ta có làm sinh lợi không? Hay nói đúng hơn, chúng ta có trình bày những giá trị này cách sinh động và hợp thời cho con người ngày hôm nay không hay chúng ta để những giá trị đó trong “bảo tàng” mà lâu lâu chỉ đem ra ngắm chứ không có một ảnh hưởng gì trên cuộc sống thường ngày của chúng ta?

Chi tiết thứ nhất mà chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là câu: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi” (Mt 25:14-15). Trong những lời này, có hai thuật ngữ đi chung mà Thánh Mátthêu rất ưa thích, đó là “của cải” và “khả năng riêng.” Qua hai thuật ngữ này, Thánh Mátthêu ám chỉ đến tính đa dạng trong khả năng và phần thưởng của con người. Mỗi người có những khả năng và phần thưởng riêng biệt. Sự khác biệt này ám chỉ khả năng [hay vẻ đẹp] của mỗi người trong tương quan với chủ [Thiên Chúa] chứ không phải trong tương quan so sánh với nhau. Nói cách cụ thể hơn, mỗi người chúng ta được Chúa ban cho những khả năng riêng biệt. Những khả năng này phải được khám phá và phát triển trong tương quan với Thiên Chúa chứ không phải để cạnh tranh với người khác. Chỉ những ai nhận ra khả năng của mình trong tương quan với Thiên Chúa chứ không so sánh với người khác mới có khả năng làm lợi những gì mình được giao phó. Điều này được diễn tả qua hình ảnh những người lãnh tiền trong bài Tin Mừng hôm nay. Mỗi người cố gắng làm sinh lợi cho chủ, chứ không sinh lợi để cạnh tranh với người khác. Và như vậy, phần thưởng của họ được quyết định bởi mối “tương quan sinh lợi cho chủ” này, đó là họ được chia sẻ trong niềm vui của ông chủ. Trong bối cảnh tôn giáo, chữ “làm lợi” ám chỉ đến việc làm cho người khác theo đạo [tin vào Chúa]. Nhìn từ khía cạnh này, những khả năng Chúa ban là để chúng ta giúp anh chị em tin vào Chúa hay đúng hơn chiến thắng anh chị em mình cho Chúa. Thành thật mà nói, nhiều người trong chúng ta sử dụng tài năng của mình hoặc để sinh lợi về vật chất hay danh tiếng cho mình hoặc để cạnh tranh với người khác. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy sử dụng những khả năng của mình để đem anh chị em đến với Chúa hoặc trở về với Chúa.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy niệm là hình ành người dấu yến bạc được trao: “Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ” (Mt 25:18). Hành động “đào lỗ chôn” ám chỉ việc đem giấu “ánh sáng” của đèn mà đúng ra phải đặt trên giá. Bên cạnh đó, hành động này cũng ám chỉ việc “bảo vệ truyền thống theo một cách thức cố định.” Một cách cụ thể hơn, hành động này ám chỉ những người đón nhận khả năng từ Thiên Chúa nhưng lại giữ riêng cho chính mình. Với những người này, ông chủ nói: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (Mt 25:26-27). Họ bị trách vì họ “biết ý chủ” nhưng không làm theo. Ý của chủ là họ phải làm lợi từ những gì họ được trao cho. Cách thức làm lợi thế nào thì tuỳ sáng kiến và điều kiện sống của mỗi người. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta phải sinh lợi cho Chúa bằng sáng kiến và trong môi trường sống của mình. Đừng chôn vùi những món quà Chúa trao hoặc chỉ giữ riêng cho chính mình.