Suy niệm Đàng Thánh Giá của ĐTC Gioan Phaolô Đệ Nhị

161

SUY NIỆM ĐƯỜNG THÁNH GIÁ
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
(trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 21/4 Năm Thánh 2000)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10/5/2000, trang 6-9)

 

DẪN NHẬP VÀ KHAI NGUYỆN:

“Ai muốn theo Thày hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Thày” (Mt 16:24).

Tối Thứ Sáu Tuần Thánh.

Hai mươi thế kỷ qua Giáo Hội vẫn tụ họp nhau vào buổi tối như thế này để tưởng nhớ và làm sống lại các biến cố của giai đoạn cuối cùng trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa.

Năm nay, một lần nữa, Giáo Hội ở Rôma lại tụ họp nhau tại Hí Viện Trường này để theo chân Chúa Giêsu, Đấng “lên đường vác thập giá trên vai đến nơi gọi là sọ trường, tiếng Do Thái kêu là Gôngôta” (Jn 19:17).

Chúng ta đến đây là vì chúng ta thâm tín rằng, Đường Thánh Giá của Con Thiên Chúa không phải chỉ là một cuộc hành trình đi đến nơi hành quyết. Chúng ta tin rằng, hết mọi bước chân của Chúa Kitô bị án tử, hết mọi hành động và hết mọi lời nói, cũng như hết mọi sự được thành phần tham dự vào thảm kịch tang thương này cảm thấy và tỏ ra, đều tiếp tục nói với chúng ta. Trong cả việc chịu khổ đau và tử nạn của mình, Đức Kitô cũng tỏ ra cho chúng ta thấy sự thật về Thiên Chúa và về con người.

Trong Năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta muốn chú tâm đến tất cả ý nghĩa của biến cố này, để những gì đã xẩy ra có thể lên tiếng nói với tâm trí chúng ta bằng một quyền lực mới mẻ, và trở nên nguồn mạch ân sủng cho việc chúng ta thực sự tham phần vào biến cố ấy.

Chia sẻ nghĩa là tham phần. Vậy việc tham phần vào thập giá của Chúa Kitô nghĩa là gì?

Nghĩa là, trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu chất chứa nơi thập giá của Chúa Kitô. Nghĩa là, theo chiều hướng của tình yêu này, chúng ta chấp nhận thập giá riêng của mình. Nghĩa là, một lần nữa, chúng ta hãy vác thập giá của mình, để rồi, được tăng cường bởi tình yêu ấy, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của mình…

Chúng ta hãy thực hiện hành trình suốt cả đời sống, theo gương của Đấng “đã bất chấp nhục nhã chịu đựng thập giá và đã ngự bên hữu ngai tòa của Thiên Chúa” (Heb 12:2).

“Ai muốn theo Thày hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Thày” (Mt 16:24).

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy tràn đầy lòng chúng con ánh sáng của Thần Linh Chúa, để theo chân Chúa trên đoạn hành trình cuối cùng của Chúa, chúng con có thể nhận ra giá ơn cứu chuộc của chúng con, hầu trở nên xứng đáng tham phần vào hoa trái của cuộc Chúa khổ nạn, tử giá và phục sinh.

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

1- CHÚA GIÊSU BỊ LÊN ÁN TỬ

“Ngươi có phải là Vua dân Do Thái không?” (Jn 18:33)

“Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này; nếu vương quốc của Tôi thuộc về thế gian này thì các thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không lọt vào tay các người Do Thái; thế nhưng vương quốc của Tôi lại không thuộc về thế gian này” (Jn 18:36).

Philatô nói cùng Người: “Thế thì ngươi là vua chứ gì?”

Chúa Giêsu trả lời: “Quan đã nói rằng Tôi là vua. Vì lý do này mà Tôi đã được sinh ra, và cũng vì thế mà Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Ai sống bởi chân lý thì sẽ nghe thấy tiếng Tôi”.

Philatô đáp lại: “Chân lý là gì?”

Tới đây, nhà cầm quyền Rôma thấy không cần hỏi Người thêm điều gì nữa. Ông ra với dân Do Thái mà nói với họ rằng: “Ta chẳng thấy người này có tội ác nào hết” (xem Jn 18:37-38).

Thảm trạng của Philatô nằm ở ngay trong vấn nạn: Chân lý là gì?

Đây không phải là vấn nạn triết lý về bản chất của chân lý mà là vấn nạn hiện hữu về mối liên hệ giữa ông ta và chân lý. Đó là một nỗ lực tẩu thoát cho khỏi tiếng nói của lương tâm đang thôi thúc ông nhìn nhận chân lý và theo chân lý. Khi người ta không chịu để chân lý hướng dẫn thì cuối cùng họ cũng đành lên án tử cho cả người vô tội.

Thành phần tố cáo nhận thấy yếu điểm này nơi Philatô nên đã lấn tới. Họ đòi phải đóng đanh cho chết mới thôi. Những cố gắng nửa vời của Philatô cũng không giải quyết được gì cả. Hình phạt dữ tợn của cuộc hành hạ giáng xuống trên Kẻ Bị Cáo vẫn chưa đủ. Khi nhà cầm quyền mang Chúa Giêsu bị hành hạ và đội mạo gai ra trước đám dân chúng, ông dường như muốn tìm những lời lẽ nào đó theo ông nghĩ có thể xoa dịu bớt tình trạng khăng khăng của đám loạn dân.

Chỉ vào Chúa Giêsu ông nói: “Ecce homo!”. Này là người!

Thế nhưng, câu đáp lại là: “Đóng đanh hắn vào thập giá, đóng đanh hắn vào thập giá!”.

Bấy giờ Philatô cố gắng vớt vát: “Các ngươi hãy cứ mang hắn đi mà đóng đanh vào thập giá, vì ta chẳng thấy hắn có tội ác nào cả” (Jn 19:5-7).

Ông càng tin rằng Kẻ Bị Cáo vô tội, nhưng điều này vẫn không đủ để ông ngả về phía người bị cáo. Thành phần tố cáo đã vận dụng đến lập luận cuối cùng của mình: “Nếu ông thả người này ra thì ông không phải là người của Cêsa; ai tự cho mình là vua tức là tự mình chống lại Cêsa” (Jn 19:12).

Rõ ràng đây chỉ là lời đe dọa. Nhận thấy nguy hiểm, cuối cùng Philatô đành chịu thua và tuyên án. Tuy nhiên, ông đã không quên thực hiện cử chỉ rửa tay tỏ vẻ khinh bỉ: “Ta vô tội về máu của người này; các người hãy chịu trách nhiệm lấy!” (Mt 27:24). Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng Cứu Chuộc thế gian, đã bị lên án tử thập giá là như thế.

Trải qua các thế kỷ, việc chối bỏ chân lý vẫn gây ra khổ đau và chết chóc. Chính người vô tội phải trả giá cho thái độ giả hình của con người ta. Tình trạng nửa vời chẳng bao giờ trọn vẹn. Việc rửa tay cũng không xong nữa. Trách nhiệm về việc đổ máu người lành vẫn còn đó.

Đó là lý do tại sao Chúa Kitô đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ của mình sống trong mọi thời đại là Lạy Cha, “xin hãy thánh hóa họ trong chân lý; lời của Cha là chân lý” (Jn 17:17).

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chấp nhận một phán quyết bất công. Xin hãy ban cho chúng con cũng như cho tất cả mọi con người nam nữ trong thời đại chúng con đây ơn trung thành với chân lý. Xin đừng để cho gánh nặng trách nhiệm về những khổ đau của kẻ vô tội đè xuống trên chúng con và trên những người đến sau chúng con.

Ôi Chúa Giêsu, Vị Thẩm Phán chân chính, nguyện Chúa được vinh dự và vinh quang muôn đời. Amen.

 

2- CHÚA GIÊSU VÁC CÂY THẬP GIÁ

Thập giá. Khí cụ của một cái chết ô nhục.

Kết án tử giá cho một công dân Rôma là một điều bất hợp pháp, vì nó quá ư là hèn hạ. Lúc Chúa Giêsu Nazarét vác cây thập giá lên Canvê là giây phút đánh dấu khúc quanh lịch sử của cây thập tự. Là biểu hiệu của một cái chết ô nhục dành cho tầng lớp thấp kém nhất, cây thập giá đã trở nên một chiếc chìa khóa. Từ đó trở đi, nhờ chiếc chìa khóa này, con người mới mở được cánh cửa của mầu nhiệm sâu thẳm nhất nơi Thiên Chúa. Qua việc Chúa Kitô chấp nhận cây thập giá, khí cụ tự hủy mình ra như không của Người, con người mới nhận thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu.

Tình yêu vô giới hạn, ở chỗ: “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến ban Người Con duy nhất của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn 3:16).

Chân lý về Thiên Chúa này được mạc khải nơi cây thập giá. Chân lý này còn có thể tỏ ra bằng một đường lối nào khác hay chăng? Cũng có thể lắm. Thế nhưng, Thiên Chúa đã chọn cây thập giá. Chúa Cha đã chọn cây thập giá cho Con mình, và Con Ngài đã gánh trên vai, vác lên Núi Canvê và hiến sự sống mình trên cây thập giá ấy. “Đau khổ ở nơi cây thập giá, ơn cứu độ ở nơi cây thập giá, bài học yêu thương ở nơi cây thập giá. Ôi Thiên Chúa, ai mà hiểu được Ngài thì họ sẽ không còn mong ước gì hơn, không còn tìm kiếm gì nữa” (Thánh Ca Balan Mùa Chay).

Thập giá là dấu hiệu yêu thương vô giới hạn!

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chấp nhận cây thập giá nơi tay con người để làm cho nó trở thành dấu hiệu cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người, xin ban cho chúng con cũng như cho tất cả mọi con người nam nữ trong thời đại chúng con đây ơn biết tin tưởng vào tình yêu vô cùng này. Chớ gì chúng con trở thành những chứng nhân đích thực của Ơn Cứu Chuộc bằng việc truyền lại cho tân thiên niên kỷ dấu hiệu của cây thập giá.

Ôi Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế và là Vật Hy Tế, nguyện Chúa được chúc tụng và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

3- CHÚA GIÊSU NGÃ LẦN THỨ NHẤT

“Thiên Chúa đã đặt lên Người các tội lỗi của tất cả chúng ta” (xem Is 53:6).

“Tất cả chúng ta như chiên hoang lạc; chúng ta đã lang thang mỗi người một ngả; song Chúa đã đặt lên Người lầm lỗi của tất cả mọi người chúng ta” (Is 53:6).

Chúa Giêsu ngã xuống đất dưới cây thập tự giá. Điều này xẩy ra ba lần trên “đoạn đường đau thương” tương đối ngắn. Tình trạng kiệt sức đã khiến Người ngã xuống. Thân xác của Người vấy máu bởi cuộc hành hình, đầu Người đội triều thiên gai. Tất cả những điều này làm cho Người yếu đi. Do đó Người đã ngã xuống và sức nặng của cây thập giá đè Người xuống mặt đất.

Chúng ta phải nhớ lại những lời của vị Tiên Tri đã thấy trước được việc ngã này từ nhiều thế kỷ trước. Như chính mắt mình thấy được việc ngã này, thấy được Người Tôi Tớ Chúa nằm trên mặt đất dưới sức nặng của cây thập giá, vị tiên tri đã nói cho chúng ta biết lý do thực sự khiến Người ngã xuống. Lý do đó là thế này: “Thiên Chúa đã đặt lên Người các tội lỗi của tất cả chúng ta”. Chính tội lỗi của chúng ta đã đè bẹp Đấng thần linh Bị Kết Án xuống đất. Chính tội lỗi của chúng ta làm nên sức nặng của cây thập giá Người vác trên vai. Chính tội lỗi của chúng ta làm cho Người ngã xuống đất.

Chúa Kitô chỗi dậy một cách khó khăn để lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Những người lính kèm theo Người thôi thúc Người đi bằng những lời quát tháo và đánh đập. Một lúc sau, cuộc tiến hành lại được tiếp tục.

Chúa Giêsu ngã xuống đất và lại chỗi dậy đứng lên.

Bằng cách này, Đấng Cứu Chuộc thế gian muốn âm thầm nói với tất cả mọi người sa ngã. Người khuyến dụ họ hãy lại chỗi dậy đứng lên. “Chính Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân xác của Người trên cây thập giá, để chúng ta không còn sống cho tội lỗi nữa mà là sống chính trực – chúng ta đã được chữa lành bởi các thương tích của Người” (xem 1Pt 2:24).

*******

Ôi Chúa Kitô, vì Chúa đã ngã xuống dưới sức nặng của tội lỗi của chúng con và đã chỗi dậy cho chúng con được công chính, chúng con cầu xin Chúa hãy giúp chúng con cũng như tất cả mọi người nam nữ trong thời đại của chúng con đây biết lại đứng lên và tiếp tục cuộc hành trình. Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh của Thần Linh để cùng Chúa vác thập giá yếu hèn của chúng con.

Ôi Chúa Giêsu đã bị đè bẹp bởi sức nặng của lầm lỗi chúng con, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

4- CHÚA GIÊSU GẶP MẸ CỦA MÌNH

“Xin Maria đừng sợ, vì người đã được ơn nghĩa trước mặt Chúa. Và này người sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai mà người sẽ đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu của Đavít tổ phụ Ngài, và Ngài sẽ cai trị nhà Giacóp đến muôn đời; vương quốc của Ngài sẽ vô tận” (Lk 1:30-33).

Mẹ Maria đã ghi nhớ những lời này. Mẹ thường âm thầm nhớ lại những lời ấy trong lòng mình. Khi Mẹ gặp Con Mẹ trên con đường thập giá thì có thể chính những lời này lại hiện lên một cách đặc biệt mãnh liệt trong tâm trí của Mẹ. “Ngài sẽ cai trị… Vương quốc của Ngài sẽ vô tận”, vị thiên sứ đã nói như thế. Giờ đây, khi thấy Con mình, bị kết án tử, vác cây thập giá mà Ngài sẽ bị chết trên đó, Mẹ có thể hoàn toàn theo cách thế loài người tự hỏi mình: Thế thì những lời ấy sẽ được nên trọn sao đây? Ngài sẽ cai trị Nhà Đavít ở chỗ nào? Làm sao vương quốc của Ngài có thể sẽ vô tận? Nói theo kiểu loài người thì đây là những vấn nạn hợp tình hợp lý. Thế nhưng, Mẹ Maria vẫn nhớ rằng, khi Mẹ vừa nghe sứ điệp của Thiên Thần, Mẹ đã thân thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời ngài truyền” (Lk 1:38). Giờ đây, Mẹ thấy rằng lời của Mẹ đã được nên trọn như lời của cây thập giá. Vì là một người mẹ, Maria đã hết sức khổ đau. Thế nhưng, bấy giờ Mẹ đã đáp lại như Mẹ đã thân thưa ngày xưa vào lúc Truyền Tin: “Tôi xin vâng như lời ngài truyền”. Như thế, với tư cách là một người mẹ, Mẹ đã ôm lấy cây thập giá cùng với Đấng Thần Linh Bị Lên Án. Trên con đường thập giá, Mẹ Maria chứng tỏ cho thấy mình là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc thế gian.

“Hỡi tất cả quí vị là những người qua đường, hãy trông nhìn mà xem còn có đớn đau nào như đau đớn như tôi phải chịu hay chăng” (Lam 1:12). Chính Người Mẹ Đau Thương, Người Tôi Tớ vâng phục cho tới cùng, Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc thế gian, đã nói lên như thế.

*******

Ôi Maria, Mẹ đã bước đi trên con đường thập giá với Con Mẹ, tấm lòng từ mẫu của Mẹ tuy bị sầu thương xâu xé, nhưng vẫn luôn luôn nhớ đến lời xin vâng của Mẹ và hoàn toàn tin tưởng rằng Đấng không có gì lại không làm được vẫn có thể hoàn tất lời hứa của Ngài, xin khẩn cầu cho chúng con và cho các thế hệ tương lai ơn biết qui thuận tình yêu Thiên Chúa. Xin Mẹ hộ giúp chúng con, để khi đối diện với khổ đau, ruồng bỏ và thử thách, cho dù có kéo dài và trầm trọng đến đâu đi nữa, chúng con cũng không bao giờ nghi ngờ tình yêu của Ngài.

Nguyện Chúa Giêsu, Con Mẹ, được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

5- ÔNG SIMON VÁC THẬP GIÁ ĐỠ CHÚA GIÊSU

Họ bắt ông Simon (x Mk 15:21).

Những người lính Rôma làm điều này là vì sợ rằng nếu bị kiệt sức, Con Người Bị Kết Án sẽ không thể nào vác nổi cây thập giá lên đến Golgotha. Như thế thì họ không thi hành được bản án tử giá.

Họ tìm kiếm một người để vác đỡ cây thập giá. Họ thấy được Simong. Họ bắt ông ghé vai vác lấy gánh nặng. Chúng ta có thể cho rằng Simong chống cự không muốn làm điều này. Vác thập giá với một can phạm được coi là một hành động phạm đến nhân phẩm của một con người tự do. Mặc dù không muốn, Simong cũng vác lấy cây thập giá đỡ Chúa Giêsu.

Trong bản thánh ca Mùa Chay chúng ta đã nghe thấy những lời: “Dưới gánh nặng của cây thập giá, Chúa Giêsu tiếp nhận một người thành Cyrênê”. Những lời này giúp chúng ta thấy được một cái nhìn hoàn toàn mới, đó là Đấng Bị Kết Án là vị một cách nào đó đã làm cho cây thập giá của mình “trở thành một món quà tặng”. Ngài đã chẳng phán hay sao: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thày thì không xứng đáng với Thày” (Mt 10:38)?

Simong đã nhận được một món quà tặng. Ông đã trở nên “xứng đáng” với món quà tặng này. Những gì dân chúng cho là xúc phạm đến phẩm giá của ông, thì theo quan điểm cứu chuộc, lại ban cho ông một phẩm giá mới. Bằng một đường lối chuyên biệt, Con Thiên Chúa đã làm cho ông trở thành một người được thông phần vào công cuộc cứu độ của Ngài.

Simong có nhận ra điều này chăng? Thánh ký Marcô đã cho thấy Simong người Cyrênê là “cha của Alexander va của Rufus” (15:21). Nếu những người con của Simong người Cyrênê được cộng đồng Kitô hữu tiên khởi nhận biết thì có thể cho rằng cả Simong nữa, trong khi vác thập giá, đã tin vào Chúa Kitô. Từ việc bị ép buộc, ông đã tự nguyện chấp nhận, như thể ông đã bị xúc động sâu xa bởi những lời: “Ai không vác thập giá mình cùng Thày thì không xứng với Thày”.

Bằng việc vác lấy cây thập giá, Simong đã nhận biết Phúc Âm thập giá.

Từ đó, Phúc Âm này đã nói với nhiều người, với vô số nhân vật Cyrênê, được kêu gọi trong giòng lịch sử để vác thập giá với Chúa Giêsu.

*******

Ôi Chúa Kitô, Chúa đã ban cho Simong người Cyrênê vinh dự được vác lấy cây thập giá của Chúa. Xin hãy tiếp nhận cả chúng con nữa dưới gánh nặng của thập giá Chúa, tiếp nhận tất cả mọi con người nam nữ và ban cho hết mọi người ơn sẵn sàng phục vụ. Xin Chúa đừng để chúng con quay lưng với những ai đang bị đè bẹp bởi thập giá bệnh hoạn, cô đơn, đói khát hay bất công. Trong khi chúng con vác lấy gánh nặng của nhau, xin Chúa cũng giúp chúng con biết trở nên những chứng nhân cho Phúc Âm thập giá và trở nên những chứng nhân cho Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

6- BÀ VÊRÔNICA LAU MẶT CHÚA GIÊSU

Vêrônica không có trong các sách Phúc Âm. Tên của bà không được nói tới trong số những tên của các người phụ nữ khác đi theo Chúa Giêsu. Bởi thế, danh xưng này có thể chỉ về việc làm của người phụ nữ ấy mà thôi. Thật vậy, theo truyền thống, trên đường lên Canvê, có một người phụ nữ đã xô đẩy những người lính đi kèm theo Chúa Giêsu ra để tiến đến lau mồ hôi máu trên khuôn mặt Chúa bằng tấm khăn chùm đầu của mình. Khuôn mặt đã được in trên tấm khăn chùm đầu này là một phản ảnh trung thực, một “ảnh tượng chân dung”. Đây có thể là lý do có cái tên Vêrônica. Nếu là thế thì một tên gọi gợi nhớ đến những gì người phụ nữ này làm là một tên gọi có chất chứa một sự thật sâu xa nhất về người nữ ấy. Chúa Giêsu một hôm đã đẩy lui lời bình phẩm của những quan sát nhân, khi Ngài bênh chữa cho một người nữ tội lỗi, người nữ đã đổ dầu thơm lên chân Ngài và lau khô bằng tóc của cô. Với những kẻ phản đối việc cô làm, Ngài đã đáp lại là: “Tại sao quí vị lại bận tâm về người phụ nữ này như thế? Vì cô đã thực hiện một việc làm tốt đẹp cho Tôi… Bằng việc đổ dầu thơm này trên thân thể của Tôi là cô đã làm để sửa soạn cho việc mai táng Tôi vậy” (Mt 26:10,12). Những lời này cũng có thể áp dụng vào trường hợp của bà Vêrônica.

Như thế, chúng ta đã thấy được ý nghĩa sâu xa của biến cố này. Đấng Cứu Chuộc thế gian đã tặng cho Vêrônica hình ảnh dung nhan đích thực của Ngài.

Tấm khăn chùm đầu có in dung nhan của Chúa Kitô đã trở thành một sứ điệp cho chúng ta. Sứ điệp đó như thể nói lên rằng: Đây là cách thức mà mọi tác động thiện hảo, mọi cử chỉ yêu thương chân thực đối với tha nhân, đã làm rõ nét hơn hình ảnh của Đấng Cứu Chuộc thế gian nơi con người tác hành như thế.

Những tác động yêu thương sẽ không qua đi. Mọi tác động thiện hảo, thông cảm, phục vụ đều để lại nơi cõi lòng con người một dấu ấn không thể nhạt phai, và làm cho chúng ta càng giống như Đấng “đã tự hủy mình, mặc lấy thân phận tôi đòi” (Phil 2:7). Đó là những gì làm nên căn tính của chúng ta và ban cho chúng ta một tên gọi đích thực.

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chấp nhận cử chỉ yêu thương vô tư của một người phụ nữ, và để đáp lại, Chúa đã muốn các thế hệ về sau phải nhớ đến bà bằng tên gọi lên dung nhan của Chúa. Xin Chúa hãy ban cho các việc làm của chúng con, cũng như các việc làm của tất cả những ai đến sau chúng con, biến chúng con nên giống như Chúa và lưu lại trên thế gian phản ảnh của tình yêu thương vô cùng của Chúa.

Ôi Chúa Giêsu là ánh quang rạng ngời của vinh hiển Chúa Cha, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

7- CHÚA GIÊSU NGÃ LẦN THỨ HAI

“Tôi là sâu bọ đất chứ không phải là người; bị người ta nhạo báng và bị dân chúng khinh khi” (Ps 22:6). Những lời Thánh Vịnh này hiện lên trong tâm trí chúng ta khi chúng ta thấy Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai dưới cây thập tự giá.

Ở đây, Đấng Bị Kết Án ngã nằm xuống trên bụi đất. Ngài bị đè bẹp dưới sức nặng của cây thập tự giá Ngài vác. Sức lực của Ngài càng ngày càng mòn mỏi. Thế nhưng, với hết sức cố gắng, Ngài lại chỗi dậy tiếp tục tiến bước.

Đối với tội nhân chúng ta thì lần ngã thứ hai này có ý nghĩa gì? Hơn cả lần ngã thứ nhất, lần này như thể thôi thúc chúng ta hãy chỗi dậy đứng lên, hãy chỗi dậy đứng lên một lần nữa trên con đường thập giá của chúng ta.

Cyprian Norwid đã viết: “Đừng để thập giá của Đấng Cứu Thế theo sau chúng ta, song hãy vác thập giá của chúng ta theo Chúa Kitô”. Một câu nói ngắn ngủi song chuyên chở đầy những sự thật. Nó nói lên cho thấy Kitô Giáo là một tôn giáo của thập giá ra sao.

Qua 2000 năm, Phúc Âm thập giá đã nói với con người. Qua 20 thế kỷ, Chúa Kitô gặp gỡ những ai ngã gục bằng việc ngã rồi chỗi dậy của Ngài.

Hai thiên niên kỷ vừa rồi, nhiều con người đã biết được rằng, việc ngã gục không có nghĩa là tận cùng của đường đi nước bước. Trong việc gặp gỡ Đấng Cứu Thế, họ đã nghe thấy những lời tái bảo đảm của Ngài: “Ơn Ta đủ cho con; vì quyền năng của Ta được trọn vẹn nơi nỗi hèn yếu” (2Cor 12:9). Được an ủi, họ lại chỗi dậy để mang đến cho thế giới lời hy vọng phát xuất từ thập giá. Hôm nay đây, vượt qua ngưỡng cửa của một tân thiên niên mới, chúng ta được kêu gọi để đi sâu hơn nữa vào ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này. Thế hệ của chúng ta phải truyền lại cho các thế kỷ tương lai tin mừng là chúng ta đã được tái nâng dậy trong Chúa Kitô.

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa ngã gục dưới sức nặng của tội lỗi loài người và Chúa đã chỗi dậy để gánh vác nó mà hủy bỏ nó đi. Xin cho chúng con là những con người nam nữ yếu hèn sức mạnh để vác lấy thập giá hằng ngày, cũng như để chỗi dậy sau khi sa ngã, nhờ đó, chúng con có thể mang lại cho thế hệ sau này Phúc Âm quyền năng cứu độ của Chúa.

Ôi Chúa Giêsu là sức nâng đỡ của chúng con khi chúng con yếu đuối, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

8- CHÚA GIÊSU NÓI VỚI CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊRUSALEM

“Hỡi các nử tử thành Giêrusalem, chớ có khóc thương Ta, một hãy khóc thương các người và con cháu các người. Vì này đây sẽ có những ngày người ta nói rằng ‘Chúc tụng cho kẻ son sẻ, cho lòng dạ không hề cưu mang, và cho vú không hề cho bú!’ Bấy giờ họ sẽ bắt đầu nói với những ngọn núi rằng, ‘Hãy đổ xuống trên chúng tôi đi’, cũng như nói với các ngọn đồi rằng: ‘Hãy vây bọc chúng tôi đi’. Vì nếu gỗ tươi người ta còn như thế thì cây khô sẽ như thế nào?” (Lk 23:28-31).

Đây là những lời Chúa Giêsu nói với các người phụ nữ thành Giêrusalem đang khóc thương Đấng Bị Kết Án.

“Chớ có khóc thương Ta, một hãy khóc thương các người và con cháu các người”. Thực sự có lúc cũng khó lòng mà hiểu được ý nghĩa của những lời này. Chúng chất chứa một lời tiên tri chẳng mấy chốc sẽ nên trọn.

Trước đó ít lâu, Chúa Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem, tiên báo về số phận kinh hoàng đang chờ đợi xẩy đến cho thành này. Giờ đây, hình như Ngài muốn ám chỉ đến số phận đó một lần nữa: “Hãy khóc thương con cháu các người…”.

Các người hãy khóc thương, vì những người này, tức là chính con cháu của các người, sẽ là những chứng nhân nhìn thấy và tham dự vào cuộc tàn phá của thành Giêrusalem, một Giêrusalem “đã không nhận biết thời điểm mình được viếng thăm” (x Lk 19:44).

Khi chúng ta theo Chúa Kitô trên con đường thập giá, nếu lòng chúng ta được đánh động bởi nỗi khổ đau của Ngài, chúng ta sẽ không thể nào quên được lời khuyến dụ ấy. “Vì nếu gỗ tươi người ta còn như thế thì cây khô sẽ ra như thế nào?”. Đối với thế hệ của chúng ta, một thế hệ vừa bỏ lại sau lưng một thiên niên kỷ, thay vì khóc thương Chúa Kitô tử giá, thì đây là lúc chúng ta nhận biết “thời gian chúng ta được viếng thăm”. Hừng đông của một cuộc phục sinh đang chiếu sáng. “Này đây là lúc thuận lợi, này đây là ngày cứu độ” (2Cor 6:2).

Chúa Kitô muốn ngỏ với mỗi một người trong chúng ta những lời trong Sách Khải Huyền này: “Này Ta đứng ở cửa mà gõ; ai nghe thấy tiếng của Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với họ và ăn uống với họ, rồi họ ở với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ đặt họ ngồi trên ngai với Ta, như chính Ta đã chiến thắng và đã ngồi trên ngai với Cha của Ta” (3:20-21).

*******

Ôi Chúa Kitô, Chúa đã đến thế gian này để viếng thăm tất cả những ai trông đợi ơn cứu độ. Xin ban cho thế hệ của chúng con biết nhận ra thời của mình được thăm viếng và thông phần vào các hoa trái cứu chuộc của Chúa. Xin đừng để cho chúng con phải than khóc về việc chúng con và những con người nam nữ của tân thế kỷ này ruồng bỏ bàn tay Chúa Cha nhân hậu của chúng con.

Ôi Chúa Giêsu được hạ sinh bởi Nữ Tử Đồng Trinh Sion, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

9- CHÚA GIÊSU NGÃ LẦN THỨ BA

Một lần nữa, Chúa Kitô lại ngã xuống đất dưới sức nặng của cây thập giá. Đám đông dân chúng nhìn thấy thì nghĩ thầm không biết Ngài còn đủ sức để chỗi dậy nữa chăng.

Thánh Phaolô viết: “Mặc dầu thân phận là Thiên Chúa, Ngài cũng không tự coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, song Ngài đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra theo hình ảnh con người. Để rồi, với thân phận con người, Ngài đã tự hạ vâng lời cho đến chết, dù chết trên thập giá” (Phil 2:6-8). Lần ngã thứ ba như thể nói lên điều ấy, nói lên việc tự hủy mình của Con Thiên Chúa, việc Ngài tự hạ dưới cây thập tự giá. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Ngài đã đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ (x Mt 20:28).

Trên Căn Thượng Lầu, khi cúi mình xuống đất để rửa chân cho họ, thực sự là Ngài muốn sửa soạn cho các vị việc Ngài hạ mình ấy. Khi ngã xuống đất lần thứ ba trên con đường thập giá, Ngài đã kêu lên một lần nữa cho chúng ta nghe thấy mầu nhiệm của chính bản thân Ngài. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng Ngài! Con Người Bị Kết Án này, bị đè bẹp xuống đất dưới sức nặng của cây thập tự giá, bấy giờ đã gần tới nơi hành xử, muốn nói với chúng ta rằng: “Thày là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). “Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ có ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).

Chúng ta đừng thất kinh khi nhìn thấy một con người bị kết án, con người bị kiệt sức ngã xuống đất dưới cây thập giá. Ánh sáng sự sống ẩn nấp bên trong dấu hiệu bề ngoài của sự chết ấy đang le lói.

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, qua việc Chúa hạ mình dưới cây thập tự giá, Chúa đã tỏ cho thế gian biết cái giá cứu chuộc của việc hạ mình này. Xin ban cho những con người nam nữ của thiên niên kỷ thứ ba được ánh sáng đức tin, để khi họ nhận ra Chúa nơi Người Tôi Tớ Thương Đau của Thiên Chúa và của con người, họ được can đảm, nhờ thập giá và việc tự hủy bỏ bản thân mình, tiến bước trên cùng một con đường dẫn đến sự sống không cùng.

Ôi Chúa Giêsu là sức nâng đỡ của chúng con khi chúng con yếu đuối, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

10- CHÚA GIÊSU BỊ LỘT TRẦN VÀ CHO UỐNG DẤM CHUA MẬT ĐẮNG

“Ngài chỉ nếm chứ không uống” (Mt 7:34). Ngài không muốn được mê dịu đi trong một tình trạng ý thức của Ngài bị lờ đờ trong cuộc thống khổ.
Ngài muốn hoàn toàn ý thức được việc Ngài chịu khổ trên cây thập giá để hoàn thành sứ vụ Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha.

Đó không phải là những gì các người lính phụ trách cuộc hành quyết quen làm. Vì phải đóng đanh người bị kết án vào thập giá nên họ cố gắng làm sao cho các giác quan và ý thức của người ấy trở nên lờ đờ. Thế nhưng, điều này không thể xẩy ra nơi trường hợp của Đức Kitô. Chúa Giêsu biết rằng cái chết trên thập giá của Ngài phải là một hy tế đền tội. Đó là lý do tại sao Ngài muốn giữ mình tỉnh táo cho đến cùng. Mất ý thức thì Ngài không thể nào hoàn toàn tự do chấp nhận được trọn vẹn mức độ khổ đau.

Đấy, để hiến dâng lễ vật hy sinh của Tân Ước, Ngài cần phải được treo lên thập giá.

Ngài là vị Tư Tế. Bằng máu của mình, Ngài cần phải vào nơi trú ngự trường sinh, khi hoàn tất việc cứu chuộc thế gian (x Heb 9:12).

Lương tâm và tự do là hai yếu tố chính yếu làm nên trọn vẹn tác hành của con người.

Thế gian có nhiều cách thế để làm suy yếu đi ý muốn và làm mờ tối mất lương tâm. Cần phải cẩn thận bảo vệ chúng khỏi mọi tấn công. Ngay cả nỗ lực hợp pháp để kiềm chế khổ đau cũng phải luôn luôn thực hiện xứng với phẩm vị của con người.

Nếu muốn giữ được giá trị đích thực của sự sống và sự chết, chúng ta cần phải hiểu sâu xa hy tế của Chúa Kitô, và nếu chúng ta cần kiên vững chúng ta phải liên kết mình với hy tế đó.

*******

Lạy Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn tự hiến trong việc chấp nhận cái chết trên thập giá vì phần rỗi của chúng con, xin ban cho chúng con cũng như cho tất cả mọi người trên thế gian được thông phần vào hy tế của Chúa trên thập giá, để những gì chúng con là và những gì chúng con làm luôn trở thành một chia sẻ tự do và ý thức với công cuộc cứu độ của Chúa.

Ôi Chúa Giêsu là Tư Tế và là Tế Vật, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

11- CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐANH VÀO THẬP GIÁ

“Chúng đâm thủng tay chân tôi; tôi có thể đếm được từng đốt xương tôi” (Ps 21:17-18). Những lời tiên tri này đã được nên trọn. Cuộc hành quyết bắt đầu. Các kẻ hành quyết nện những cú búa trên gỗ của cây thập giá làm nát cả tay chân của Đấng Bị Kết Án. Những đanh nhọn cắm sâu vào hai cổ tay của Ngài. Những đanh nhọn ấy sẽ giữ con người bị kết án treo lơ lửng giữa những cực hình khôn xiết của cơn thống khổ. Chúa Kitô đã chịu khổ ngoài sức tưởng tượng, nơi thân xác của Ngài cũng như nơi tâm thần hết sức nhậy cảm của Ngài.

Cùng bị đóng đanh với Ngài là hai người tử tội thực sự, một người ở bên phải Ngài và một người ở bên trái Ngài. Vậy là nên trọn lời tiên tri: “Ngài đã bị liệt vào số những kẻ phạm nhân” (Is 53:12).

Khi những người hành quyết dựng cây thập tự giá lên là lúc cơn thống khổ bắt đầu kéo dài ba tiếng đồng hồ. Cả lời này nữa cũng được nên trọn: “Khi Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32).

Cái gì “kéo” chúng ta lên cùng Đấng Bị Kết Án trong cơn thống khổ trên cây thập giá? Chắc là cảnh tượng đầy những khổ đau ấy đã đánh động tấm lòng thương hại của chúng ta. Nhưng lòng thương hại ấy vẫn chưa đủ để dẫn chúng ta đến chỗ gắn bó chính đời sống của mình với Đấng bị treo trên thập giá.

Làm thế nào mà, cảnh tượng xúc động ấy, từ thế hệ này đến thế hệ kia, đã lôi kéo được muôn vàn con người đã lấy thập giá làm ấn tín cho đức tin của mình? Làm thế nào mà biết bao con người nam nữ, qua các thế kỷ, đã sống và hiến cuộc sống mình khi nhìn lên dấu chỉ này?

Từ cây thập giá, Chúa Kitô đã lôi kéo chúng ta bằng quyền năng của tình yêu, một Tình Yêu thần linh, tình yêu không tiếc nuối trong việc ban tặng bản thân mình; một Tình Yêu vô tận, tình yêu cân bằng sức nặng của thân thể Chúa Kitô trên cây thập giá được dựng nên từ mặt đất với sức nặng của tội lỗi ban đầu; một Tình Yêu vô tận, tình yêu hoàn toàn làm tràn đầy tất cả mọi hụt hẫng yêu thương và khiến con người một lần nữa lại tìm thấy chỗ trú ẩn nơi cánh tay của Chúa Cha nhân hậu.

Xin Chúa Kitô bị treo cao trên cây thập giá kéo cả chúng ta là những con người nam nữ của một tân thiên niên kỷ lên nữa! Trong bóng thập giá, chúng ta hãy “bước đi trong yêu thương, như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta và hiến bản thân mình vì chúng ta như một hiến vật và hy tế thơm tho dâng lên Thiên Chúa” (Eph 5:2).

*******

Ôi Chúa Kitô bị treo lên cao, Ôi Tình Yêu tử giá, xin hãy làm cho cõi lòng chúng con tràn đầy tình yêu của Chúa, để chúng con thấy được nơi thập giá của Chúa dấu chỉ ơn cứu chuộc của chúng con, và nhờ được các thương tích của Chúa lôi kéo, chúng con có thể sống chết với Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị với Chúa Cha cùng với Thần Linh bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.

 

12- CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN CÂY THẬP GIÁ

“Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lk 23:34). Vào lúc cao điểm của cuộc khổ nạn của mình, Chúa Kitô cũng không quên con người, nhất là những ai trực tiếp nhúng tay vào việc hành khổ Ngài. Chúa Giêsu biết rằng con người cần yêu thương hơn bất cứ cái gì khác; họ cần lòng xót thương mà ngay lúc ấy được tuôn đổ xuống trên thế gian.

“Thật vậy, Tôi cho anh biết, hôm nay đây anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Đàng” (Lk 23:43). Đó là cách Chúa Giêsu đáp lại lời kêu xin của một người tử tội bị treo ở bên tay phải Ngài: “Hỡi Ngài Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi Ngài vào vương quốc của Ngài” (Lk 23:42). Lời hứa hẹn cho một sự sống mới. Đó là hoa trái đầu tiên của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và của cái chết sắp xẩy ra cho Ngài. Một lời hy vọng cho con người.

Mẹ Maria đứng dưới chân cây thập giá, bên cạnh Mẹ là môn đệ Gioan Thánh Ký. Chúa Giêsu nói với Mẹ mình rằng: “Hỡi bà, đó là con của bà!”, rồi nói cùng người môn đệ: “Người Mẹ của con đó!” (Jn 19:26-27).

“Và từ lúc ấy người môn đệ mang Mẹ về nhà mình” (Jn 19:27). Đó là lời trăn trối của Ngài cho những người thân yêu nhất của lòng mình. Lời Ngài di chúc cho Giáo Hội. Ước vọng của Chúa Giêsu khi chết đó là tình yêu thương từ mẫu của Mẹ Maria phải bao gồm tất cả mọi người Ngài hiến mạng sống của Ngài cho, tức là toàn thể nhân loại. Ngay sau đó, Chúa Giêsu kêu lên: “Tôi khát” (Jn 19:28). Lời này nói lên cho thấy cái nóng rùng rợn làm tiêu hao cả thân thể của Ngài. Đó là lời nói duy nhất trực tiếp liên quan đến nỗi khổ đau về thể lý của Ngài.

Đoạn Chúa Giêsu nói thêm: “Chúa Trời Con ơi, Chúa Trời Con ơi, tại sao Chúa lại bỏ rơi Con?” (Mt 27:46; x Ps 22:2). Những lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện của Ngài. Cho dù nói lên một giọng điệu như vậy, những lời ấy cũng tỏ ra cho thấy việc Ngài kết hiệp sâu xa với Chúa Cha. Vào những giây phút cuối cùng của cuộc sống của mình trên trái đất, Chúa Giêsu đã nghĩ đến Chúa Cha. Từ lúc ấy trở đi, chỉ có cuộc trao đổi giữa Người Con hấp hối với Người Cha chấp nhận hy sinh yêu thương của Con mình.

Tới giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lên: “Đã hoàn tất!” (Jn 19:30). Công cuộc cứu chuộc bấy giờ đã nên trọn. Sứ vụ mà Ngài thực hiện khi đến thế gian đã đạt được mục đích của nó.

Phần còn lại thuộc về Chúa Cha: “Lạy Cha, Con xin phó thần trí Con trong tay Cha” (Lk 23:46). Nói thế rồi, Ngài thở hơi cuối cùng. “Bức màn ngăn trong đền thờ bị xé ra làm đôi…” (Mt 27:51). Phần “Chí Thánh” của đền thờ Giêrusalem được mở ra vào lúc Vị Tư Tế của Tân Ước và Vĩnh Ước tiến vào.

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, vào lúc thống khổ của mình, Chúa đã không xa lìa số phận của con người, và với hơi thở cuối cùng của Chúa, Chúa đã ký thác cho tình thương của Chúa Cha các con người nam nữ của hết mọi thời, cùng với tất cả mọi yếu hèn và tội lỗi của họ. Xin Chúa hãy làm cho chúng con và các thế hệ sau này tràn đầy Thần Linh yêu thương của Chúa, để việc chúng con khô khan lạnh lùng không làm hư đi nơi chúng con các hoa trái tử nạn của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu tử giá là khôn ngoan và là quyền năng của Thiên Chúa, nguyện Chúa được kính tôn và hiển vinh muôn đời. Amen.

 

13- CHÚA GIÊSU ĐƯỢC HẠ XÁC XUỐNG KHỎI THẬP GIÁ VÀ TRAO CHO MẸ CỦA NGƯỜI

Họ đã đặt thân xác vô hồn của Người Con trong vòng tay của Mẹ Ngài. Các Phúc Âm không nói gì về cảm giác của Mẹ lúc ấy cả. Bằng việc im lặng của mình, các vị Thánh Ký như muốn tỏ ra tôn trọng nỗi sầu bi của Mẹ, những cảm giác của Mẹ và những hoài niệm của Mẹ. Hay các vị chỉ biết tỏ ra cho thấy cái bất lực của mình trong việc diễn tả những điều ấy ra. Việc tôn sùng qua các thế kỷ mới là những gì còn giữ lại hình ảnh “Sầu Bi” û, mới gợi cho Kitô hữu nhớ lại hình ảnh sầu thương nhất nơi mối liên hệ yêu thương không thể phai mờ, mối yêu thương được nẩy nở nơi tấm lòng của Người Mẹ vào ngày Truyền Tin và được chín mùi khi Mẹ đợi chờ hạ sinh Người Con thần linh.

Tình yêu đó được bộc lộ nơi hang Bêlem và được thử nếm trong việc hiến dâng trong đền thờ. Tình yêu này càng sâu đậm hơn khi Mẹ Maria giữ suy trong lòng tất cả những gì xẩy ra (x Lk 2:51). Giờ đây mối liên hệ yêu thương thâm sâu này cần phải được biến đổi thành mối hiệp nhất vượt trên biên giới giữa sự sống và sự chết.

Và như thế, trải qua các thế kỷ: con người sẽ thinh lặng trước tượng Mẹ Sầu Bi của Michelangelo; họ sẽ quì trước bức ảnh Mẹ yêu thương sầu bi trong Nhà Thờ dòng Phanxicô ở Krakow, trước Người Mẹ Bảy Sự Thương Khó, quan thày của Slovakia; họ tôn kính Đức Mẹ Những Niềm Đau ở vô số các đền thờ khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó, họ học biết yêu thương gian khó mà không tránh né khổ đau, song tin tưởng phó mình cho lòng nhân ái của Thiên Chúa, Đấng làm được tất cả mọi sự (x Lk 1:37).

*******

Salve, Regina, Mater misericordiae; vita dulcedo et spes nostra, salve. Ad te clamamus… illos tuos misericordes oculos ad nos converte. Et Iesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exilium ostende.

Xin Mẹ cầu cho chúng con ơn đức tin, đức cậy và đức mến, để như Mẹ, chúng con có thể vững vàng đứng dưới chân thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.

Chúng con xin tôn kính và tôn vinh Chúa Giêsu là Con của Mẹ và là Đấng Cứu Thế của chúng con, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen.

 

14- CHÚA GIÊSU ĐƯỢC MAI TÁNG TRONG MỒ

“Ngài bị đóng đanh, chịu chết và được mai táng…”. Thân xác vô hồn của Chúa Kitô được táng trong một ngôi mồ. Thế nhưng, tảng đá của ngôi mộ không phải là ấn tín cuối cùng đóng trên công việc làm của Ngài. Lời nói cuối cùng không thuộc về sự gian trá, hận ghét và bạo lực. Lời nói cuối cùng phải được phát ngôn từ Tình Yêu, một tình yêu mạnh hơn sự chết.

“Nếu hạt lúa miến rơi xuống đất không chết đi thì nó vẫn còn nguyên như vậy; song một khi bị mục nát đi nó mới sinh nhiều hoa trái” (Jn 12:24). Ngôi mộ là giai đoạn cuối cùng của việc Chúa Kitô chết đi, kết thúc cả cuộc sống trần gian của Ngài; nó là một dấu hiệu nói lên việc hy sinh cao cả của Ngài cho chúng ta và phần rỗi của chúng ta.

Chẳng bao lâu ngôi mộ này sẽ trở thành lời công bố tiên khởi để chúc tụng và tôn vinh Con Thiên Chúa trong vinh quang của Chúa Cha.

“Ngài bị đóng đanh, chịu chết và được mai táng, … ngày thứ ba Ngài sống lại từ trong kẻ chết”.

Khi thân xác vô hồn của Chúa Giêsu được mai táng trong một ngôi mộ ở dưới chân đồi Golgotha là lúc Giáo Hội bắt đầu ở vào ngày vọng Thứ Bảy Tuần Thánh. Trong thẳm cung của lòng mình, Mẹ Maria giữ suy cuộc khổ nạn của Con Mẹ; các người phụ nữ hẹn gặp nhau vào buổi sáng sau Ngày Hưu Lễ để xức dầu thơm cho thân thể của Chúa Kitô; các môn đệ thì âm thầm tụ họp nhau lại trên Căn Thượng Lầu đợi cho qua Ngày Hưu Lễ.

Ngày vọng canh thức này được chấm dứt ở cuộc gặp lại ngôi mộ, một ngôi mộ trống của Đấng Cứu Thế. Bấy giờ ngôi mộ, một nhân chứng thầm lặng của cuộc phục sinh, mới lên tiếng. Tảng đá đã được đẩy lui, bên trong rỗng không, những khăn vải nằm trên nền, đó là những gì Thánh Gioan đã thấy khi ngài cùng Thánh Phêrô đến mồ: “Ông đã thấy và đã tin” (Jn 20:8). Cùng với thánh nhân Giáo Hội cũng tin như thế, để rồi từ lúc ấy, Giáo Hội không bao giờ thôi loan truyền cho thế giới sự thật nền tảng cho đức tin của Giáo Hội ấy: “Chúa Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết là hoa trái đầu mùa cho những ai đang thiếp ngủ” (1Cor 15:20).

Ngôi mộ trống là dấu hiệu chiến thắng tối hậu của sự chân thật trên sự giả dối, của sự thiện hảo trên sự gian ác, của tình thương trên tội lỗi, của sự sống trên sự chết. Ngôi mộ trống là dấu hiệu hy vọng “không lừa dối” (Rm 5:5). “Niềm hy vọng (của chúng ta) đầy những bất tử tính” (x Wis 3:4).

*******

Lạy Chúa Giêsu Kitô, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa đã được Chúa Cha đưa từ tối tăm của sự chết đến ánh sáng của sự sống mới trong vinh quang. Xin làm cho dấu hiệu của ngôi mộ trống có thể lên tiếng nói với chúng con cũng như với các thế hệ sau này, và làm cho nó trở nên một mạch suối đức tin sống động, đức mến bao dung và đức cậy kiên cường.

Ôi Chúa Giêsu là Đấng hiện diện tràn đầy trong lịch sử thế giới một cách ẩn kín và vinh thắng, nguyện Chúa được kính tôn và vinh hiển muôn đời. Amen.