Sống trọn vẹn đức tin được lãnh nhận và thông truyền đức tin cho con cái

125
Sáng Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, tại nhà nguyện Sistine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rửa tội cho một số trẻ em. ĐTC vẫn cử hành bí tích rửa tội hằng năm tại đây cho các trẻ em vào dịp lễ này. Trong bài giảng, ĐTC nhấn mạnh đến vai trò của cha mẹ đối với việc thông truyền đức tin con cái. Đó là điều quan trọng, trước hết cần phải thực hiện trong môi trường gia đình, tiếp theo là tham gia vào các lớp giáo lý. Và hơn bao giờ hết đó là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Sau đây là bài giảng của ĐTC cha.

LÃNH NHẬN VÀ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN

1

Anh chị em thân mến

Lúc bắt đầu nghi lễ, có một câu hỏi tôi đã đặt ra cho anh chị em: “Anh chị em xin điều gì cho con cái của mình?”. Và tất cả mọi người đều nói: “xin đức tin”. Anh chị em xin Giáo hội đức tin cho con cái mình. Hôm nay chúng sẽ lãnh nhận Thánh Thần, lãnh nhận ơn đức tin trong tâm hồn của chúng. Nhưng đức tin này cần phải được phát triển, phải được lớn lên. Vâng, có thể có người nói với tôi: “Đúng rồi, chúng phải học điều đó…”. Đúng vậy, khi các em đi học giáo lý, chúng sẽ học giỏi về đức tin, chúng sẽ học biết giáo lý. Thế nhưng trước khi được học, đức tin phải được thông truyền, và đó là một công việc thuộc về anh chị em. Đó là nhiệm vụ mà hôm nay anh chị em đảm nhận là : thông truyền đức tin, chuyển tải đức tin cho con cái. Điều này phải được thực hiện ở nhà. Bởi vì đức tin luôn được thông truyền bằng “phương ngữ”: ngôn ngữ của gia đình, trong mái nhà, trong bầu khí gia đình. Đây là nhiệm vụ của anh chị em. Hãy thông truyền đức tin bằng gương sáng, bằng lời nói, dạy cho chúng biết cách làm Dấu Thánh giá. Điều ấy rất quan trọng. Anh chị em nhìn xem, có nhiều những đứa trẻ không biết làm dấu thánh giá. Anh chị em làm dấu Thánh giá, và các em thì làm như vậy [đoạn này ĐTC họa lại cử chỉ làm dấu của các em, cách lẹt quẹt], ta không hiểu gì. Nhưng trước hết là phải dạy cho chúng làm việc ấy.

Điều quan trọng hơn hết vẫn là thông truyền bằng đời sống đức tin của anh chị em để khi con cái thấy được tình yêu của vợ chồng, chúng sẽ thấy được bình an trong gia đình, thấy được Chúa Giêsu đang ở đó. Cho phép tôi được khuyên điều này: đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con cái, xin đừng bao giờ. Việc vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường; Còn không cãi nhau là chuyện lạ. Khi vợ chồng cãi nhau thì đừng để con cái nghe, đừng để chúng thấy. Anh chị em không biết nỗi thống khổ mà một đứa trẻ phải gánh chịu khi thấy cha mẹ của chúng cãi nhau. Cho phép tôi nói rằng đây là lời khuyên sẽ giúp cho anh chị em thông truyền đức tin. Cãi nhau là điều không tốt, nhưng không luôn luôn là như vậy, đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên đừng để con trẻ nghe thấy, để chúng không phải chịu thống khổ.

Giờ đây chúng ta tiếp tục nghi thức Rửa tội, nhưng anh chị em phải nhớ điều này: nhiệm vụ của anh chị em là thông truyền đức tin cho con cái. Thông truyền đức tin ở nhà, vì cũng ở đó ta học được đức tin, sau đó là đi học các lớp giáo lý.

Trước khi tiếp tục, tôi muốn nói với anh chị em một điều khác nữa : Anh chị em biết rằng các em bé ngày hôm nay cảm thấy mình ở trong một môi trường rất lạ: quá nóng, được bọc tả, quấn khăn kỹ càng… Chúng cảm thấy không khí oi bức… Rồi chúng khóc. Có thể khóc vì chúng đói. Và lý do thứ ba để khóc đó là “khóc phòng ngừa”. Đó là điều lạ. Vì chúng không biết chuyện gì sẽ xảy ra, và chúng nghĩ : “Thôi mình khóc trước đã, rồi chúng ta sẽ thấy”…. Đó là sự phòng thủ. Tôi nói rằng chúng rất thoải mái. Anh chị em lưu ý, đừng bọc chúng kỹ quá. Nếu chúng khóc vì đói thì cứ cho nó bú. Đối với các bà mẹ tôi khuyên cứ cho nó bú đi, cứ tự nhiên, Chúa muốn vậy mà. Bởi vì mối nguy hiểm nằm ở chỗ các bé có thiên hướng đa âm. Khi một đứa bắt đầu khóc, đứa khác sẽ hòa bè đối ấm, và đứa khác nữa bắt chước, cuối cùng thành một đội hợp xướng khóc.

Vì vậy chúng ta tiếp tục nghi lễ này trong bình yên, với ý thức rằng, đến lượt mình, anh chị em hãy thông truyền đức tin cho con cái.

Trong buổi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh cha lặp lại lời kêu gọi các tín hữu nhớ lại ngày mình được rửa tội để kỷ niệm ngày ấy mỗi năm. Ngài cũng mời gọi mỗi người đổi mới và xác tín thêm những lời hứa đối với Bí tích rửa tội của mình, bằng cách dấn thân sống gắn kết với Chúa mỗi ngày.

Anh chị em thân mến

Hôm nay, kết thúc phụng vụ mùa Giáng sinh, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Phụng vụ mời gọi chúng ta nhận biết trọn vẹn hơn về Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta vừa cử hành lễ Giáng sinh. Vì thế, Tin mừng (Lc 3,15-16.21-22) minh họa cho thấy hai yếu tố quan trọng đó là : tương quan giữa Chúa Giêsu với dân và với Chúa Cha.

Trong trình thuật về việc Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan, trước hết chúng ta thấy vai trò của dân chúng. Chúa Giêsu ở giữa dân. Ngài không phải chỉ là một cái phông nền sân khấu, mà là một thành phần thiết yếu của một sự kiện. Trước khi dìm mình trong nước, Chúa Giêsu “dìm mình” trong đoàn người, kết hợp với họ bằng cách nhận lấy trọn vẹn thân phận con người, chia sẻ trong tất cả mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.

Trong đời sống thần linh, tràn đầy ân sủng và lòng thương xót, Con Thiên Chúa đã nhập thể để gánh lấy và tẩy trừ tội lỗi thế gian: nhận lấy những khốn cực và nhận lấy thân phận loài người chúng ta. Cũng thế, hôm nay là một cuộc hiển linh, vì Chúa đến để được chịu phép rửa bởi Gioan giữa đoàn người sám hối, Chúa Giêsu cho thấy cái logic và ý nghĩa sứ mạng của Ngài.

Bằng cách gắn kết với dân tộc đang xin Gioan làm Phép rửa hoán cải, Chúa Giêsu cũng chia sẻ khát khao sâu thẳm của việc đổi mới nội tâm. Và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài “dưới hình chim bồ câu” (c22) là dấu chỉ cho thấy rằng cùng với Chúa Giêsu một thế giới mới, một “sự tạo dựng mới” bắt đầu, qua đó làm nên tất cả mọi thành phần của những người đón nhận Chúa Kitô trong cuộc sống. Cũng vậy, mỗi người trong chúng ta được tái sinh cùng với Chúa Kitô trong Phép rửa, hướng về những lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (c 22). Đây là tình yêu của Chúa Cha, tình yêu mà tất cả chúng ta đã nhận lãnh trong ngày rửa tội của mình, là ngọn lửa được thắp lên trong con tim chúng ta, và cần phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và đức ái.

Yếu tố thứ hai được thánh sử Luca nhấn mạnh là sau việc dìm mình của đám đông dân chúng trong sông Giođan, Chúa Giêsu “đắm chìm” trong lời cầu nguyện, tức là trong sự hiệp thông với Chúa Cha. Phép rửa là khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu, khởi đầu cho sứ mạng của Ngài trong thế gian, như một sứ giả của Cha, để bày tỏ lòng từ ái và tình yêu của Cha dành cho nhân loại. Sứ mạng ấy được hoàn tất trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Đó là sứ mạng của Giáo hội và cũng sứ mạng của mỗi người chúng ta, để sống trung thành và hiệu quả, chúng ta được kêu mời “tháp nhập” vào sứ mạng của Chúa Giêsu. Đó là tái sinh cách liên tục trong lời nguyện phúc âm hóa và hoạt động tông đồ, để đem đến bằng chứng kitô giáo rõ ràng không theo những dự định của con người nhưng theo chương trình và đường lối của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa là thời cơ thuận lợi để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín thêm những lời hứa đối với Bí tích rửa tội của mình, bằng cách dấn thân sống gắn kết với Chúa mỗi ngày. Điều đó rất quan trọng. Như tôi đã nói rất nhiều lần, là cần nhớ lại ngày chúng ta rửa tội. Cho tôi hỏi : “Ai trong anh chị em biết được ngày rửa tội của mình?”. Chắc chắn là không phải tất cả. Nếu trong anh chị em không biết ngày đó thì ngay khi trở về nhà, phải hỏi cha mẹ, ông bà nội ngoại, cậu dì, người đỡ đầu, bạn hữu của mình…: “Ngày tôi được rửa tội là ngày nào?”. Và đừng quên ngày đó: đó là một ngày phải được lưu nhớ trong lòng để mừng lễ rửa tội mỗi năm.

Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng ta không phải vì công trạng của chúng ta mà là để thực hiện lòng từ ái vô biên của Cha, đem đến cho chúng ta lòng thương xót hướng đến tất cả mọi người. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, luôn là người hướng dẫn và là mẫu gương của chúng ta.

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: Vatican.va: