Sống Mầu Nhiệm Nhập Thể Theo Gương Đức Cha Lambert

354

Chị Tổng Phụ trách gởi đến quí Chị Em toàn Hội dòng món quà mừng lễ Giáng sinh, bài suy niệm : Sống Mầu Nhiệm Nhập Thể Theo Gương Đức Cha Lambert. 

Kính chúc quý chị em luôn cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể, và theo gương Đức Cha Lambert sống mầu nhiệm Nhập Thể qua sự tự hạ khiêm tốn, hy sinh bỏ mình và đơn sơ như trẻ thơ.

 

 

Đức Cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, đã vạch ra một Linh đạo tập trung vào Chúa Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Tuy nhiên, Tình Yêu Cứu Độ của Con Thiên Chúa đã khởi đi từ Mầu Nhiệm Nhập Thể, nên Đức Cha Lambert cũng sống Mầu nhiệm Nhập Thể với một tình yêu phi thường, và mời gọi con cái ngài cũng sống mầu nhiệm ấy theo linh đạo Mến Thánh Giá.

Quả vậy, ngay từ thời còn niên thiếu, cậu bé Lambert đã chú tâm tới mầu nhiệm Nhập Thể trong khi đọc sách Gương Chúa Giêsu, đã chọn theo Chúa Kitô và noi gương Người, cách riêng trong hai điểm nổi bật trong cuộc đời dương thế của Người: việc Người sinh ra, sống hạ mình, khiêm tốn, từ bỏ, tinh thần trẻ thơ; và việc Người chết bởi sự tự hủy, tình yêu, đau khổ, hy sinh và ao ước “cứu các linh hồn”[1]

Thời học sinh, cùng với các hội viên của Hiệp hội Thánh Mẫu, Lambert đã sống Mùa Vọng như thời gian đổi mới nội tâm, chuẩn bị đón chào Chúa Cứu Thế ra đời, và cử hành Lễ Giáng Sinh trong hân hoan vui mừng.[2] Trong suốt cuộc đời sau này, ngài luôn mừng long trọng Lễ Giáng Sinh với tâm tình vui mừng và tạ ơn (2Nng, 4b).[3]

Ngay từ lúc còn trẻ, Lambert đã thao thức tìm cách thực hiện được ước ao của mình khi còn thơ ấu, ước ao nên trọn lành và được sống trong Chúa. Niềm mơ ước đó được trở thành hiện thực khi ngài cảm nghiệm được “nhờ ý thức được sự cao trọng khôn lường của Thiên Chúa và chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả khôn lường của việc Nhập Thể, đạt tới sự kết hiệp gắn bó với con người Chúa Kitô.” Nhờ ảnh hưởng của những bậc thầy tu đức, Lambert đã nhận ra rằng từ biến cố Truyền tin ngang qua việc Giáng Sinh tới sự kiện Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá, tất cả các mầu nhiệm Cứu Độ trong đó có sự hợp tác của Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ được trình bày bằng những từ chấp nhận, từ bỏ, cho đi.[4]

Lambert đã gia nhập gia đình Chúa Hài Đồng khi ở Ẩn viện Caen.[5] Khi trở về Rouen, ngài cộng tác trong việc phổ biến lòng tôn sùng đó và một Hội Chúa Hài Đồng được lập tại nhà nguyện các cha Dòng Oratoire ở Rouen. Hẳn là lòng sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng đã làm cho ngài nhạy cảm hơn với những kẻ yếu ớt nhất trong số những người nghèo, vì chúng dễ bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Là Giám đốc Trung tâm Xã Hội Rouen, chính lòng yêu mến Mầu nhiệm Nhập thể đã làm cho ngài phục vụ tận tâm với đầy tình yêu mến. Yves Poutet ghi nhận: “Hướng về Thiên Chúa, ngài vẫn nhắc tới Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Hài Đồng, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse… Hướng về tha nhân, ngài ủng hộ tất cả những gì giúp nâng con người lên, ngài chìa tay nhân ái cho kẻ khốn cùng bất hạnh bị xã hội bỏ rơi, cho người dốt nát. Không khoe khoang, ngài khuyến khích, gợi ý cung cấp tài chính, chuẩn bị người thay thế…”[6]

Để thuộc trọn về Chúa, Lambert đã từ bỏ tất cả địa vị, danh vọng, giàu sang để trở thành một nhà thừa sai, mang Tin Mừng Chúa Ki-tô đến cho vùng Đông Á xa xôi, với một ý chí anh hùng và một thái độ đơn sơ khiêm nhường. Trong hành trình truyền giáo, khi gặp những mâu thuẫn giữa hoàn cảnh sống thực tế và các chỉ thị của Tòa Thánh, Đức Cha Lambert đã nhìn ngắm Hài Nhi Giê-su để trở về với sự đơn sơ và triệt để của Phúc Âm: Đối mặt với những lý giải tinh vi và với những lập luận khéo léo, nhằm biện minhcho sự không vâng phục, Đức Cha Lambert đã xác quyết: “Chính khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô Nhập Thể, bắt chước Người và thuần phục những điều Người truyền dạy mà nhà truyền giáo được bảo đảm mình đã vâng phục trọn hảo.”[7] Đức Cha Lambert đã nêu gương trong việc hạ mình và từ bỏ mình, ngài cũng luôn mời gọi các nhà truyền giáo từ bỏ mình hoàn toàn để cho Chúa hoàn toàn làm chủ. Ngài nói: “một tâm hồn tan biến như thế thì tiếp nối hy lễ mà Chúa Cứu Thế đã khởi sự khi Nhập Thể và sẽ kéo dài một cách tuyệt diệu trong tâm hồn các tín hữu cho đến tận thế, nhờ hoạt động mà Người tự mình thực hiện trong những tâm hồn ấy.” (1Sn 7)[8]. Các thừa sai được tuyển chọn để trở nên những lễ vật thánh kết hiệp với Chúa Kitô, để “Chúa Giêsu Kitô tiếp nối mầu nhiệm Nhập thể, tiếp nối cuộc đời đau khổ và cái chết ô nhục của mình cho đến tận thế » (Hđ 3)[9] . Trong bài nói về Việc Nguyện ngắm của một thừa sai Tông tòa, Đức Cha Lambert đã xác quyết: “điều lớn nhất do Thiên Chúa thông truyền cho linh hồn là việc Ngài thông truyền các mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của loài người, đó là mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Thánh Giá mà linh hồn tha thiết xin ơn thông dự vào, hầu có thể tiếp nối hết sức mình các mầu nhiệm đáng tôn thờ ấy theo cách nhìn của Chúa Kitô” (4Nng 9)[10]. Do đó, ngài đã mời gọi các thừa sai phải xét mình hàng ngày: “Chúng ta có những tâm tình nào đối với các mầu nhiệm khôn tả: việc Nhập thể, cuộc đời và cái chết của Chúa Kitô trên giá gỗ để cứu chuộc chúng ta? (Xm16)[11].

Câu hỏi này cũng được đặt ra cho mỗi nữ tu Mến Thánh Giá hôm nay, chúng ta có những tâm tình nào đối với mầu nhiệm Nhập Thể, có sống khiêm tốn, hạ mình, từ bỏ và có tinh thần trẻ thơ để thuộc trọn về Chúa, nên một với Chúa, nhờ đó Thiên Chúa dùng chúng ta để tiếp tục thực hiện chương trình cứu độ đầy yêu thương của Ngài? Hiến chương mời gọi chị em làm việc với sự tự do của trí tuệ và tất cả nghị lực yêu thương của trái tim luôn gắn bó với Đức Ki-tô, trong niềm tin vào mầu nhiệm Nhập thể (x.HC 26,2). Đồng thời, trong đời sống hàng ngày, chúng ta « tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Ki-tô » (Btt 9), cuộc đời khởi sự từ Giáng Sinh cho đến kết thúc trên Thập giá.

Ngắm nhìn hang đá Giáng Sinh, chúng ta cùng nhau :

Quyết tâm theo Chúa Bé Thơ,

Hy sinh, từ bỏ, đơn sơ, khiêm nhường.

                                               

Nt. Anna Vân Nga

Tổng Phụ trách MTG.Thủ Đức

——-

[1]   Francoise Fauconnet-Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên,Thư khố Hội Thừa sai Hải ngoại, Paris 2006, Bản dịch Việt ngữ của Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng,  tr.686.

[2] Buzelin, sdd, tr.58.

[3] Đức cha Lambert de la Motte, Bài Nguyện ngắm ngày 07.9.1662. AMEP, vol.116, tr. 553-554.559

[4] Buzelin, sdd, tr.134.

[5] Bzelin, sdd, tr.101.

[6] Yves Poutet, Le XVIIe siecle et lé origines lasalliennes, Rennes, 1970, tr.490-494.

[7] Đức Cha Lambert de la Motte, Thư gửi em là cha Nicolas, tháng 07 năm 1663, AMEP, c.121, tr.545.

[8] Đức Cha Lambert de la Motte, Suy nghĩ về các đức tính của những thừa sai đi Trung Hoa, số 7. AMEP, vol.121, tr. 609-610; Les Relations, tr. 19-20.

[9] Đức Cha Lambert de la Motte, Một Thừa sai Tông tòa phải hành động như thế nào?, số 3. AMEP, vol.121, tr.681-682; Les Relations, tr.118-120.

[10] Đức Cha Lambert de la Motte, Việc Nguyện ngắm của một Thừa sai Tông tòa tại những nơi truyền giáo của mình, số 9. AMEP, vol.121,tr.664-666; Les Relations, tr.98-100.

[11] Đức Cha Lambert de la Motte, Bản Xét mình của một Thừa sai Tông tòa, số 16. AMEP vol.121, tr.717-720 ; Les Relations, tr.170-174.