Người Mẹ Già

102

NGƯỜI MẸ GIÀ

 “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”. Lời bài hát Mừng Tuổi Mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn làm cho tôi nghĩ về hình ảnh một người mẹ già đã ngoài 70 tuổi nuôi ba người con trai đều không được bình thường như bao người khác. Giả như bà mất đi thì những người con này sẽ sống ra sao ?

Người mẹ ấy sống ở vùng Cái Su thuộc Giáo hạt Vị Thanh – Cần Thơ. Bà được mọi người gọi với cái tên rất dễ thương : bà Sáu Bến Tre. Căn nhà của bà nằm lẻ loi bên kia sông. Khi chúng tôi muốn đến thăm bà, cậu con trai út đã đem xuồng sang đón chúng tôi. Một bà cụ lom khom bước ra, vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Dường như lâu rồi đã không có ai đến thăm bà nên khi thấy chúng tôi, bà vui lắm và miệng thì không ngớt nói lời cảm ơn.

Gia đình bà rất tội nghiệp. Chồng bà mất sớm, bà ở vậy nuôi ba người con trai. Một người vừa câm vừa điếc, tay thì bị tật, lại còn mắc chứng tâm thần. Một người con khác cũng bị tâm thần và chỉ thích bỏ nhà đi ngủ nơi mồ mả ; có lần cậu bỏ đi khá lâu, bà cụ đã phải khấn xin Đức Mẹ đưa cậu về với bà. Chỉ còn cậu con trai út khôn hơn chút nhưng lại bị động kinh, cậu là người hằng tuần đạp xe chở mẹ đi Nhà thờ.

Khi Cha Sở hỏi bà làm gì để nuôi mấy người con, với lời nói đầy nghị lực, pha trộn chút hài hước, bà kể : Hồi con 70 tuổi, con mần chuối hột, phơi khô rồi gánh lên Cần Thơ để bán. Bây giờ con già yếu rồi, mắt thì mờ, tai thì điếc nên con không mần được gì hết. Con đói thì con ra xin gạo của hội từ thiện và các Dì cũng hay cho con cái này cái kia sống qua ngày. Con biết ơn các Dì lắm !

Rồi bà kể tiếp : Tuy con nghèo, con già yếu, tai điếc, nhưng con không bỏ Chúa đâu. Con vẫn bắt thằng út nó chở con đi Nhà thờ. Con không nghe được Cha giảng cái gì thì tan lễ con hỏi bà con, họ nói to cho con nghe.

Nhìn quanh nhà bà chẳng có gì quí giá, vật dụng hư cũ, méo mó, chỉ có bàn thờ Chúa là trang trọng nhất. Căn nhà nhỏ chỉ có ba cái giường cho ba người con và góc bếp lụp xụp là nơi ngả lưng của bà. Quan sát nơi bà ở và nghe câu chuyện bà kể, lòng tôi không kiềm được xúc động. Những món quà vật chất chúng tôi tặng bà chẳng đáng là bao so với hoàn cảnh thiếu thốn của bà. Tôi thiết nghĩ, điều mà bà mong ước là được mọi người đến thăm, được trò chuyện, được trải lòng để bà cảm thấy bớt cô đơn, phiền muộn.

Chúng tôi thăm bà cũng khá lâu nhưng cũng đến lúc chúng tôi phải ra về. Cuộc chia tay nào cũng không tránh khỏi những bịn rịn, quyến luyến. Bà cụ cứ ngồi mãi bên sông với đôi mắt đượm buồn dõi theo chiếc xuồng đưa chúng tôi sang sông, Hình ảnh đó, bóng người mẹ già đó vẫn cứ mãi đọng lại trong tâm trí tôi. Tôi chẳng giúp gì được cho bà ngoài lời nguyện cầu cho bà có được niềm vui trong cuộc sống, và ước mong rằng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến bà, san sẻ bớt chút lo âu gánh nặng cho người mẹ già này.

Sr. Maria Ngọc Phượng 

MTG Thủ Đức