Người bạn hiền của Chúa (Lm. Giuse Nguyễn Hồng Ánh)

62

Các soeurs Mến Thánh Giá có một cách sống và mục vụ theo đường hướng và linh đạo riêng của mình. Điều riêng biệt này là món quà Thiên Chúa ban tặng cho các soeurs để tạo nên sự phong phú và hiệp nhất trong Giáo hội. Món quà riêng biệt ấy không phải để làm cho các soeurs Mến Thánh Giá trổi vượt hơn hay thấp hèn hơn so với những thành phần khác trong Giáo hội, nhưng tạo nên một sự khác biệt và sự khác biệt đó chính là căn tính của các soeurs Mến Thánh Giá, những Người Bạn Hiền của Chúa.

Tôi luôn dành cho các soeurs một tình cảm và sự kính trọng đặc biệt, một trong nhiều lý do chính đáng là bởi vì ngày xưa hiền mẫu của tôi cũng đã từng đi theo ơn gọi này.  Nhưng sau một thời gian sống  trong Đệ Tử viện người  đã “sang ngang” và nhờ đó mà tôi mới được sinh ra trên cõi đời này, được nuôi dưỡng và giáo dục để trở thành một Linh mục. Tôi luôn xem mình như là một người suốt đời mang ơn các soeurs như mang ơn hiền mẫu của mình. Có những lúc “chiêm ngắm” các soeurs mà lòng tôi cứ  thầm ước một điều: phải chi mà mẹ của mình cũng là một trong các soeurs đó! Dù cho điều ước này vẫn luôn mãi chỉ là một ước mơ, nhưng lại rất có ích cho bản thân tôi. Mỗi lúc nghĩ về các soeurs là lúc tôi nhớ đến mẹ mình và những lúc nghĩ về mẹ mình là tôi lại nhớ về các soeurs để cám ơn và cầu nguyện cho các ngài.

Khi mà Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức long trọng mừng năm mươi năm thành lập thì cũng là lúc mà tôi sẽ âm thầm kỷ niệm năm năm ngày tôi diễm phúc được đến thăm Hội dòng lần đầu tiên và làm quen với các soeurs. Do đó, khi viết đôi lời tâm sự nhân dịp sự kiện trọng đại của Hội dòng, tôi tin rằng diễm phúc này sẽ không đến vời mình lần thứ hai. Đây cũng là cơ hội để bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình đối với các soeurs và có thể cũng như lòng biết ơn của rất nhiều người đã thụ ơn các soeurs nhưng chưa có cơ hội để bộc lộ. Tạ ơn Chúa đã trao tặng cho tôi “mối duyên” có một không hai này.

Nếu như nhìn vào Hội dòng một cách tổng thể thì những gì mà chúng ta thấy hôm nay hoàn toàn khác với năm mươi năm trước. Cơ sở Nhà Mẹ lúc bấy giờ có thể là chưa bằng hay may mắn lắm thì cũng chỉ bằng một cơ sở nhỏ nhất trong nhiều cơ sở của Hội dòng hiện tại, về con số cũng như cơ sở vật chất. Điều đó có nghĩa là Hội dòng đã “ăn nên làm ra” trong suốt năm mươi năm qua.

Hai con số 40 và 50 có ý nghĩa rất quan trọng trong truyền thống của Kinh Thánh. Hai con số này cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong sự hiện diện và phát triển của Hội dòng. Nếu như con số 40 đã đem lại cho Hội dòng hầu hết những gì mà chúng ta đang thấy: nguyện đường, cơ sở Nhà Mẹ, các trường học cũng như các cơ sở nuôi dạy người khiếm thị, các cộng đoàn đang hiện diện nơi vùng truyền giáo xa xôi cũng như các cộng đoàn đang cộng tác trong công việc mục vụ tại các xứ đạo… thì con số 50 lại đem đến cho Hội dòng nhiều hơn gấp bội. Đây là một điều hết sức tự nhiên vì trong Kinh Thánh, con số 50 xuất hiện tới 154 lần trong khi con số 40 chỉ xuất hiện 146 lần. Một trong những lần xuất hiện quan trọng và phổ biến nhất của con số 50 trong Kinh Thánh là Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Giáo hội được sinh ra, lớn lên và không ngừng trưởng thành. Chắc chắn đây cũng là một dịp Lễ Ngũ Tuần của Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

So với gần hai ngàn năm lịch sử của Giáo hội hay hơn ba trăm bảy mươi năm lịch sử của Giáo hội Việt Nam và năm mươi năm lịch sử của Hội dòng quả là quá khập khiễng. Thế nhưng phải nói một cách công bằng rằng không ai có thể hiểu và giải thích nổi sự hình thành và phát triển của Hội dòng trong nửa thể kỷ vừa qua nếu người đó không có đức tin. Bởi vì trên hết và trước hết Hội dòng là một cộng đoàn đức tin và chính nhờ trên nền tảng đức tin đó mà Hội dòng đã được sinh ra và lớn lên. Đức tin đã gắn kết đời sống và tất cả mọi sinh hoạt của các soeurs vào sự quan phòng của Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đã được khởi đầu trên nền tảng của đức tin giống như cách đây gần hai ngàn năm Giáo hội cũng đã được khởi đầu trên nền móng đức tin, hay cách đây hơn ba trăm bảy mươi năm các vị thừa sai đã đặt chân tới quê hương Việt Nam và gieo vãi hạt giống đức tin vào lòng dân tộc này, để từ đó Giáo hội Việt Nam đã được sinh ra và không ngừng lớn lên. Trong số đông đảo các vị thừa sai đặt chân đến Việt Nam trong suốt mấy thế kỷ truyền giáo, không thể không kể đến Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Đấng Sáng lập khả ái của Dòng Mến Thánh Giá, ngài là nhà thừa sai vĩ đại, đã đóng góp nhiều công sức cho Giáo hội Việt Nam.

Nói như vậy không có nghĩa là suốt nửa thế kỷ vừa qua tất cả mọi cộng việc của Hội dòng đều suông sẻ. Chắc chắn ít hay nhiều thì cũng có những thách đố, những trắc trở… Điều này làm tôi nhớ lại câu chuyện do Thomas Merton là một đan sĩ nổi tiếng của thế kỷ XX đã kể lại. Một đan sĩ trẻ được Bề trên đan viện gọi tới để kể tội và yêu cầu rời khỏi cộng đoàn về hành động mà vị đan sĩ trẻ này đã phạm. Chứng kiến cảnh đó, một vị đan sĩ cao niên, đã sống trong đan viện từ những ngày sơ khai, tên là Bessarion khiêm tốn đứng lên và xin rời khỏi đan viện. Vị đan sĩ lão thành giải thích rằng thầy cũng vậy, thầy là một tội nhân. Nếu như một lúc nào đó các soeurs có vấn đề, thì vấn đề là không phải vì các soeurs là những nữ tu, nhưng vì các soeurs cũng là những con người. Nhưng con người của các soeurs cũng có những khác biệt với con người của những người khác. Các soeurs là những tội nhân biết sám hối, là những con người cầu nguyện; bởi lẽ nếu như các soeurs mà không cầu nguyện hay không còn thời gian cầu nguyện thì đương nhiên các soeurs cũng đã không có thời gian để làm nữ tu. Các soeurs là những con người hy sinh sống đời tận hiến và là những con người phục vụ vô vị lợi, phục vụ với tất cả tình yêu và lòng cảm mến đúng như lời dạy của thánh Augustinô: “yêu rồi hãy làm”.

Nếu như được làm một điều ước trong lúc này thì tôi sẽ đề nghị Hội dòng bắt đầu từ “Lễ Ngũ Tuần” năm nay, dành ra mỗi năm viết ra mỗi chương, hoặc mỗi ngày viết ra mỗi trang để năm mươi năm sau khi Hội Dòng mừng trăm tuổi, các thế hệ con cháu sẽ có măm mươi chương giống như năm mươi chương trong cuốn sách Sáng Thế Ký, cuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn sách dài nhất trong Kinh Thánh để học hay 18.250 trang (365 ngày X 50 năm) để suy gẫm và chiêm ngắm rõ nét hơn vẻ đẹp và sự dịu hiền nơi gương mặt những Người Bạn Hiền của Chúa.

Kính chúc các soeurs luôn sống trong ân sủng và bình an.

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Ánh

Chánh xứ Giáo xứ Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Parish)

Melbourne – Australia