Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn so với Giáo hội thời sơ khai

35
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 20/04/2023 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Ngày nay có rất nhiều vị tử đạo trong Giáo hội, bởi vì tuyên xưng đức tin Kitô họ bị loại khỏi đời sống xã hội, bị tống ngục…”
Từ ngữ “tử đạo” có nguồn gốc từ chữ martyria, tiếng Hy Lạp, có nghĩa chính xác là chứng nhân. Nghĩa là một vị tử đạo là một chứng nhân, đến mức đổ máu.
Đức Thánh cha cũng nói rằng: các vị tử đạo không được xem như những “anh hùng” hành động cách cá nhân, như những diễn viên cô độc hay như những bông hoa nở trong sa mạc. Nhưng họ là những hoa trái chín mọng và tuyệt vời của vườn nho Thiên Chúa.
Các vị tử đạo là những Kitô hữu sống sâu sắc mầu nhiệm Thánh Thể : “Họ sốt sắng tham dự việc cử hành Thánh Thể, họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để thiết lập đời sống của họ trên nền tảng của mầu nhiệm tình yêu: nghĩa là trên sự kiện Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì họ, và do đó, họ cũng có thể và phải hy sinh mạng sống của mình vì Người và vì anh chị em.
Và thật sai lầm khi nghĩ rằng tử đạo là chuyện của quá khứ, mà “trong thời đại của chúng ta có nhiều vị tử đạo hơn so với Giáo hội thời sơ khai… bởi vì tuyên xưng đức tin Kitô họ bị loại khỏi đời sống xã hội, bị tống ngục”.
Tuy nhiên, những điều trên không làm cho người tín hữu nao núng, vì khi hành động như vậy họ biết rằng đó là “hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và được nên đồng hình đồng dạng với Người trong việc đổ máu” (LG 42)
Theo Tổ chức phi chính phủ Open Doors, khoảng 360 triệu Kitô hữu thời nay đang bị đàn áp và phân biệt đối xử mạnh mẽ, tức là cứ 7 tín hữu thế giới thì có 1 người bị ngược đãi.
Mặc dù chỉ một số ít người được ơn tử đạo, nhưng “tất cả đều phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Người trên con đường Thập giá giữa những cuộc bách hại không bao giờ thiếu vắng trong Giáo hội” (ibid., 42). Các vị tử đạo cho chúng ta thấy rằng mọi Kitô hữu đều được kêu gọi làm chứng tá của cuộc sống, ngay cả khi không đến mức độ đổ máu, bằng cách biến mình thành quà tặng cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình, theo gương Chúa Giêsu”.
Tiếp theo, Đức Thánh cha liệt kê một số trường hợp liên quan đến tử đạo thời này, như ở Yemen, “một vùng đất đã bị thương tích trong nhiều năm bởi một cuộc chiến khủng khiếp, một cuộc chiến bị quên lãng, đã và đang gây ra rất nhiều cái chết và ngày nay vẫn còn khiến nhiều người đau khổ, đặc biệt là trẻ em”.
Trong số những người bị bách hại có các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa. “Một số các nữ tu chịu tử đạo nhưng những nữ tu khác dù mạng sống gặp nguy hiểm nhưng vẫn tiếp tục ở lại. Các chị chào đón tất cả mọi người, thuộc bất kỳ tôn giáo nào, bởi vì bác ái và tình huynh đệ không có biên giới. Vào tháng 7 năm 1998, Sơ Aletta, Sơ Zelia và Sơ Michael đã bị một kẻ cuồng tín sát hại khi đang trên đường về nhà sau Thánh Lễ, bởi vì các chị là Kitô hữu. Mới đây hơn, ngay sau khi cuộc xung đột hiện tại mới bùng nổ, vào tháng 3 năm 2016, Sơ Anselm, Sơ Marguerite, Sơ Reginette và Sơ Judith đã bị giết cùng với một số giáo dân, những người trợ giúp các chị trong công việc bác ái giúp đỡ những người rốt cùng. Các chị là các vị tử đạo của thời đại chúng ta. Trong số những giáo dân bị giết này, ngoài những Kitô hữu, còn có những tín đồ Hồi giáo cùng làm việc với các nữ tu. Chúng ta cảm động khi thấy chứng tá bằng máu có thể liên kết những người có tín ngưỡng khác nhau như thế nào. Không bao giờ được giết người nhân danh Thiên Chúa, bởi vì đối với Người, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể hy sinh mạng sống của mình cho người khác.
Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta không mệt mỏi trong việc làm chứng cho Tin Mừng ngay cả trong những lúc gian nan thử thách. Xin tất cả các thánh và các thánh tử đạo trở thành hạt giống hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc cho một thế giới nhân đạo và huynh đệ hơn, với niềm trông đợi Nước Trời được thể hiện trọn vẹn, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi người” (x. 1Cr 15 , 28).
G. Võ Tá Hoàng