Bài suy niệm tháng 7/2011 – Nét chuyên biệt đời tu đối với sự thánh hiến phép rửa

86

 

Bài Suy Niệm

Tháng 7/2011 của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức

***

NÉT CHUYÊN BIỆT ĐỜI TU

ĐỐI VỚI SỰ THÁNH HIẾN PHÉP RỬA

 

Sự thánh hiến qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm thật vô nghĩa, nếu không có ánh sáng Thập Giá của Đức Kitô chiếu soi. Người là Đấng được xức dầu siêu việt nhất. Chính danh xưng Kitô nói lên điều đó. “Người là Con Một, là Đấng Chúa Cha đã xức dầu tấn phong và sai xuống trần gian” (Ga 10,36). Đức Giêsu thành Nazarét là Đấng “Thiên Chúa đã tấn phong trong Thánh Thần và quyền năng” (Cv 10,38). Đó là sự xức dầu thánh hiến cho sứ mệnh: “Thánh Thần Chúa đã xuống trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi…sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ…” (Lc 4,18). Đối chiếu với hành vi xức dầu nội tại này, có cả một sự tấn phong hiến thánh của Chúa Con, Đấng hằng sống trước nhan Chúa Cha và hiến mình thực thi những việc của Cha mình (x. Lc 2,49) và để thực thi thánh ý Cha cho tới nỗi bằng lòng hiến mình làm của lễ dâng lên Cha (x. Dt 10,5-9). Đó là một cuộc hiến dâng cũng gọi là tận hiến cho Cha vì các môn đệ và nhân loại: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).

Việc khấn giữ những lời khuyên Phúc Am cũng như đời thánh hiến tu trì thường được coi là đồng nghĩa. Quả vậy, trong truyền thống Công giáo, việc tuyên khấn tu trì được coi là một sự thánh hiến đặc biệt. Người được thánh hiến chỉ sống cho Chúa và dành riêng bản thân để phục vụ Người. Họ được coi như người mặc chiếc áo hồng ân ưu tuyển và là ân huệ đặc biệt của Thánh Thần. Thế nên, người được thánh hiến có khả năng sống các lời khuyên Phúc Âm  trong chính đặc sủng của mình.

Sự thánh hiến tu trì này chỉ có thể bén rễ từ chính cuộc thánh hiến của phép Rửa. Đối với phép Thánh Tẩy, mỗi Kitô hữu đều được xức dầu Thánh Thần để được hiệp thông với tình yêu của Người, với Đức Kitô và Chúa Cha. Vì thế, họ được nâng cấp để sống trọn hảo đời chứng tá cho mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Việc thánh hiến tu trì là một loại thánh hiến sâu xa hơn nữa (khẩn cầu ân huệ riêng của Thánh Thần xuống trên ứng sinh thánh hiến), để liên kết tận căn họ vào mầu nhiệm và sứ mạng của Đức Kitô. Thánh hiến con người của họ để hoàn toàn dâng hiến cho công việc làm chứng tá cũng như tông đồ, về những giá trị của  Nước Chúa.Đây là một cuộc thánh hiến sâu xa hơn, bởi vì nó không phải là thành quả của phép Rửa Tội. Đời sống thánh hiến là mầu nhiệm của giao ước giữa Thiên Chúa vơi người tu sĩ trong sự trao hiến tình yêu và lời cam kết trung thành (x. YTCY 5), xây trên nền tảng bí tích Thánh Tẩy và biểu lộ cách trọn vẹn hơn ý nghĩa của bí tích này (x. DT 5,10)(HC 120).

Trong truyền thống của Giáo Hội, việc tuyên khấn tu trì được coi như việc đào sâu duy nhất và phong phú sự thánh hiến lãnh nhận trong phép Thánh Tẩy. Nhờ việc tuyên khấn ấy, sự kết hiệp thâm sâu với Đức Kitô, đã khai mào trong bí tích Rửa Tội, được phát triển thành ân huệ, để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Điều này được diễn tả và thể hiện trọn vẹn hơn nhờ tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm.

Tuy nhiên, sự thánh hiến do tuyên khấn tu trì có một đặc điểm khác so với sự thánh hiến phép Thánh Tẩy ban cho, bởi vì thánh hiến do tuyên khấn tu trì không phải là kết quả thiết yếu do sự thánh hiến của phép Rửa. Trong thực tế, ai được tái sinh trong Đức Kitô, đều được kêu gọi sống nhờ sức mạnh Thánh Thần ban cho: sống khiết tịnh tương ứng với bậc sống mình, sống vâng phục Thiên Chúa và Giáo Hội, sống một cách hợp lý dứt bỏ mọi của cải vật chất, bởi vì mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện, đạt tới mức hoàn hảo của đức ái. Nhưng bí tích Rửa Tội tự nó không hàm chứa lời kêu gọi sống độc thân hoặc trinh khiết, từ bỏ sở hữu của cải, vâng phục một bề trên, dưới dạng cụ thể của các lời khuyên Phúc Âm.Vậy việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm giả thiết một ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban, ơn này không được ban cho tất cả mọi người (x. Mt l9,10-20) như chính Đức Giêsu đã nêu lên trong trường hợp độc thân tự nguyện (ĐSTH 30).

Nếu người được thánh hiến sống vui phận sự đời mình, với đặc sủng riêng, hiến mình một cách đặc biệt cho anh em mình được sai tới, cũng là nhờ hồng ân đặc biệt Thánh Thần ban cho vào lúc tuyên khấn. Trong chính Thánh Thần họ lãnh nhận như hồng ân đặc biệt, người được thánh hiến cũng nhận hồng ân liên kết giữa sự thánh hiến và sứ mạng. Thế nên, đây là một hồng ân riêng biệt dành cho người được thánh hiến. Hồng ân ấy, chưa được lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy, nhưng chỉ dành cho một số người được Chúa kêu mời cách đặc biệt. Họ sẽ tạo lập nên nét duy nhất của hồng ân này với hồng ân thánh hiến qua phép Rửa và Thêm Sức, rồi đối với một số người qua bí tích Truyền Chức nữa.

Thật ra, ai nghe được tiếng Chúa gọi thì cũng nhận được ơn đặc biệt do Chúa Thánh Thần ban. Nhờ đó, để người được thánh hiến có thể đáp trả ơn gọi và chu toàn sứ mạng của mình. Chính vì thế, theo Phụng vụ phương Đông và phương Tây, trong nghi lễ tuyên khấn đan tu hoặc tu trì, và trong nghi lễ thánh hiến trinh nữ, Giáo Hội kêu cầu Thánh Thần ban ơn xuống trên những người được chọn, liên kết lễ dâng của họ với lễ hy sinh của Đức Kitô.

Việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm  cũng là việc triển khai ân sủng của bí tích Thêm Sức, nhưng điều này vượt qúa những đòi hỏi thông thường của việc thánh hiến nhận trong bí tích Thêm Sức. Do đó cần một ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để phát triển những khả năng mới và sản sinh những hoa trái thánh thiện và tông đồ như lịch sử đời sống thánh hiến đã chứng tỏ (ĐSTH 30).

Gợi ý:

Trong Bức Tâm Thư gửi hai nữ tu Anê và Paula, Đức cha Lambert de la Motte đã viết những lời thật tâm huyết như sau: các con là những nữ tu thân mến của cha, chắc hẳn các con nhận thấy được rằng ơn gọi của mình thật là cao cả và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ còn sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Vậy, đời sống thánh hiến, qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, mời gọi chị em chúng ta đào sâu ơn bí tích Thánh Tẩy và sống triệt để hơn trong việc vươn tới đức ái hoàn hảo, chị em chúng ta có ý thức thường xuyên nhiệm vụ này không? 

Sr. Anna Hoàng Mai