Mẫu gương đời sống thanh bần

94

Nữ tu ANN NGUYỄN THỊ YÊN

MẪU GƯƠNG ĐỜI SỐNG THANH BẦN

Vậy là bà Anna Nguyễn Thị Yên đã lìa bỏ chúng tôi để về với Đức Giêsu trước. Chiếc lá cuối cùng trong những mầm non đầu tiên của cây gia phả Hội dòng đã rụng. Bà về với Chúa ngay đầu tháng Mân Côi, vào Thứ Bảy đầu tháng, lễ Thánh Francis of Assisi. Sự ra đi của bà, được chị em chúng tôi ví là “siêu tốc”. Mới sáng sớm nay Bà được đón nhận Bí tích Xức Dầu, trưa nay bà đã hăng hái lên đường. Mới cách đây một hôm, tôi còn ghé thăm bà, trêu đùa bà. Bà còn nói: “Đừng động vào đầu, nhức đầu lắm. Đừng động vào người, buồn lắm.” Kết cục là bà chỉ cho đụng vào cẳng chân sưng phù. Ấy thế mà hôm nay thân xác ấy đã nằm bất động, hết buồn- hết nhức- thôi đau. Tâm trạng của tôi trước sự mau mắn lên đường của bà là tâm tình “tạ ơn” và sự “tiếc nuối”.

 photo_1   photo_2

Với tâm tình tạ ơn, có vài lý do để tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì sự ra đi rất thanh thản của bà. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã “xức dầu” và “sai đi” bà đi. Tạ ơn Chúa vì bà đã “mau mắn đáp lại tiếng Chúa” và “lên đường”. Tạ ơn Chúa đã đưa bà về Trời để được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Tạ ơn Chúa đã cho tôi biết đến và học hỏi những nhân đức tốt lành nơi người nữ tu này. Ngoài tâm tình tạ ơn, tôi cũng cảm thấy tiếc nuối. Tiếc nuối vì từ nay tôi không còn nhìn thấy và ghé thăm bà nữa. Tiếc nuối vì từ nay chẳng còn bà để tôi “soi gương” nữa. Với tôi, bà luôn là người nữ tu mẫu gương đời sống bé nhỏ, hiền lành, và khiêm nhường. Và càng tiếc nuối hơn nữa vì Hội dòng mừng 50 tuổi nhưng chẳng còn lấy một bà gốc nhà Phước nào. Tạ ơn và tiếc nuối, hai tâm trạng ấy vừa thiêng liêng vừa rất người.

Đời sống của bà cũng giống như dáng người nhỏ bé của bà. Bà là con người không chỉ sống đời sống nghèo khó, bé nhỏ triệt để, nhưng cũng là người nữ tu dạt dào đam mê truyền giáo và phục vụ người nghèo. Tôi nghe kể, hồi còn trẻ bà đã từng làm bà giáo đệ tử, giữ cương vị  Phụ trách cộng đoàn trong nhiều năm liền. Từ ngày tôi bước chân vào nhà dòng đến nay đã ngót 22 năm, là từng đó năm được biết bà là con người như ngày hôm nay.

DSC04911Một trong những nét nổi bật nơi bà mà dường như ai cũng công nhận là nhân đức nghèo khó. Sự nghèo khó mà từ thuở còn thơ bà đã đọc được trong Thánh Kinh, một Thiên Chúa giàu sang phú quý hạ mình xuống trở nên nghèo khó tột cùng (x. 2Cr 8, 9). Thiên Chúa ấy không chỉ sống, mà còn dạy người ta sống nghèo và hứa ban thưởng cho ai sống như thế: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Chính tin vào lời hứa ấy mà bà dám từ bỏ mọi sự để đi theo sát dấu chân Người trên đường Mến Thánh Giá.  Sự nghèo khó ấy càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi bà quyết đi trên con đường Mến Thánh Giá theo chân Đức Cha Lambert. Bà đã học nơi Đấng Sáng Lập sự nghèo khó cụ thể. Đời sống đạm bạc và cần mẫn của Đức Cha đã đánh động và gieo vào bà lòng khát khao sống nghèo khó vì Đức Kitô (x. HC 20). Nhân đức nghèo khó nơi bà được thể hiện qua từ nếp sống, cách ăn cách mặc của bà. Suốt mười mấy năm trời, bà luôn tay móc những chiếc áo, chiếc mũ, chiếc khăn len để đem tặng cho những người nghèo vùng cao nguyên. Những sợi len rối bời tưởng chừng như những thứ vô dụng bỏ đi, được góp nhặt về từ những sự quảng đại của các vị ân nhân đã được bà gỡ rối, nối lại, và đan thành những chiếc khăn chiếc áo giữ ấm cho người nghèo. Bà lấy đó làm niềm vui. Vì thế vật bà quý nhất không gì khác là cây kim dùng để móc. Bà giữ đức thanh bần nhiệm ngặt đến mức hầu như chẳng mấy khi may sắm quần áo mới. Quần áo giày dép của bà không xác định được may từ năm nào. Những chiếc áo bà mặc lâu năm đến mức chúng mỏng như vải mút-xơ-lin. Bà luôn miệng bảo: “Mặc thế cho mát!” Mà cũng mát thật vì trên tay bà chẳng mấy khi không có chiếc quạt lá tròn. Chiếc khăn quấn trên đầu bà vì thế cũng đi theo tông-xẹc-tông. Khi bà yếu dần vì bệnh mục xương, bà không còn đi lại được nữa, bà cũng cố gắng tự mình vệ sinh cá nhân.

IMG_1892Với tôi, vài kỉ niệm đáng nhớ khác về bà là những buổi tối tôi ghé phòng bà. Thỉnh thoảng đi đâu về mà có vài phút nghỉ ngơi tôi cũng thích ghé chơi với bà. Bà cũng là người giữ giỏ cho tôi. Nếu đi đâu về gặp giờ kinh chung, tôi hay gửi giỏ hoặc túi xách ở phòng bà. Bà thích nghe đọc sách thiêng liêng, những hôm rảnh tôi thường đọc cho bà nghe. Bà còn thích nghe kể chuyện truyền giáo và về công việc phục vụ các em khiếm thị của Hội dòng lắm. Dường như không ngày nào đi Nhật Hồng về mà có vài phút ghé bà, bà lại không hỏi thăm xem công việc và các em bên trung tâm thế nào. Tôi tin bà luôn âm thầm cầu nguyện và kết hợp với những hi sinh để chuyển cầu cùng Chúa cho những sứ mạng hoạt động của Hội Dòng, cách riêng với việc loan báo Tin Mừng cho lương dân và phục vụ người khuyết tật.

Những lời cầu nguyện của bà được kết hợp bằng những hi sinh và việc ăn chay. Những năm tháng ở nhà hưu Bà đã triền miên ăn chay. Chúng tôi thường hay hỏi nhau: Không biết bà sống cách nào vì lượng thực phẩm bà dùng quá ít ỏi. Mỗi bữa bà chỉ dùng một chén cơm, không cần biết cơm ngon hay không. Cái chén ăn cơm của bà là cái chén nhỏ nhất trong cộng đoàn.

Bên linh cữu bà trong Thánh lễ Đưa chân, bao kỉ niệm về bà của ngày hôm qua chợt ùa về trong tôi. Mới sáng nay thôi, tôi còn đút cho bà những muỗng sữa cuối cùng. Bà vẫn cứ nuốt sữa mỗi khi sữa được đưa vào miệng. Điều ấy khiến tôi có cảm giác như bà còn sức để tiếp tục sống với chúng tôi vài ba hôm nữa. Nhưng cuối cùng thì bà cũng đã đi. Giờ đây, với niềm xác tín vào lời hứa của Đức Kitô cho những ai sống nghèo khó, cho những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (x. Mt 7, 7), tôi hi vọng bà đang được hưởng nhan Chúa. Bà ơi! ở bên nhan Chúa bà đừng quên cầu bầu cho Hội dòng và từng người chúng con bà nhé. Con ước gì những kí ức đẹp về bà và các nhân đức nổi bật nơi bà luôn sống mãi trong con và là tấm gương để con học tập và chuyên chăm rèn luyện. Ước gì con mỗi ngày được trở nên một đứa con ngoan hơn của Dòng Mến Thánh Giá. Vì “truyền thống nhiều thế kỷ của Dòng cũng đã nắn đúc nên mẫu người nữ tu Mến Thánh Giá cần cù lao động và sống giản dị, khiêm tốn giữa những người nghèo khổ” (HC 20).

Nt. Therese Kim Phụng, MTG. Thủ Đức