Lễ suy tôn Thánh Giá

811

I. NGUỒN GỐC LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU

Hằng năm chúng ta cử hành Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su, được phụng vụ của Hội Thánh quy định là lễ kính, vào ngày 14 tháng Chín.

Theo truyền thuyết, cây thánh giá của Chúa Giê-su đã được bà thánh Hê-lê-na (255-328, lễ kính ngày 18-8), mẹ của hoàng đế Công-tăng-ti-nô I (288-337) tìm được và dựng lại tại nơi Chúa Giê-su đã bị đóng đinh, tức là trên đồi Can-va-ri-ô, vào khoảng cuối thập niên thứ hai của thế kỷ IV.

Để ngăn cấm các Ki-tô hữu đến viếng mộ Chúa Giê-su và nơi Chúa chịu đóng đinh, vào năm 135, hoàng đế La-mã đã cho dựng đền Capitole với các bàn thờ kính thần Jupiter và thần Vénus bao trùm hết các nơi thánh. Sau khi trở thành Ki-tô hữu, hoàng đế Công-tăng-ti-nô I đã phá đền thờ Capitole và thay thế bằng những đền thờ Ki-tô giáo (nổi tiếng nhất là Vương cung thánh đường Anastasis, kính nhớ việc Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông).

Các đền thờ này được cung hiến ngày 13 tháng Chín năm 335. Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su ngày 14 tháng Chín được lập ra để kỷ niệm ngày cung hiến đó.

Trên đây là nguồn gốc Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su được Bách khoa từ điển Quid 1998 nêu lên ở trang 477. Còn có một nguồn gốc khác, xin được giới thiệu thêm sau đây, được ghi lại theo sách “Theo vết chân Ngài” (tập 3, trang 145-147):

Vào thế kỷ VII, vua Ba-tư là Khosroês đã chiếm thánh địa Giê-ru-xa-lem, và chuyển về vương quyền của mình cây thánh giá đã được bà thánh Hê-lê-na tìm lại được và dựng trên đồi Can-va-ri-ô. Hoàng đế Hê-ra-cơ-li-ô I (La-mã Đông phương, 610-641) sau mười bốn năm vừa thương thuyết vừa giao chiến với vua Ba-tư, đã lấy lại được cây thánh giá và rước về kinh đô (phương Đông) là Constantinople, rồi một năm sau đưa trả lại chỗ cũ.

Khi tới Giê-ru-xa-lem, hoàng đế đích thân vác thánh giá trên vai tiến tới nhà thờ trên đồi Can-va-ri-ô. Nhưng trong khi đang tiến lên giữa bầu khí thinh lặng đầy cung kính, thì bỗng hoàng đế cảm thấy không thể bước đi được nữa. Ngài bày tỏ nỗi kinh ngạc với vị thượng tế Da-ca-ri-a đi bên cạnh. Vị thượng tế thưa: “Hoàng thượng mặc cẩm bào trong khi Chúa Giê-su ăn mặc nghèo khó đã rảo qua các đường phố của thành này để tiến tới lễ hy sinh; Hoàng thượng đầu đội triều thiên vinh quang trong khi Ngài phải đội mão gai ô nhục; Hoàng thượng đi giày trong khi Ngài phải lê bước chân không…” Nghe vậy, hoàng đế liền cởi bỏ phẩm phục sang trọng, bỏ giày, bỏ mũ, và tiếp tục vác thánh giá lên đỉnh núi Sọ một cách dễ dàng.

Biến cố lạ lùng này là nguồn gốc của Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su ngày nay.

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con thờ lạy Chúa,
chúng con chúc tụng Ngài,
vì Ngài đã dùng cây thánh giá mà cứu chuộc thế gian.

II. Các bài chia sẻ

BIẾT ƠN ĐẤNG CỨU CHUỘC

Vì tội nguyên tổ, con người bị án phạt là phải chết muôn đời. Nhưng con người được Cứu Chuộc nhờ Tình Yêu của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su nói: “Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. (x. Ga 3, 13-17)

Thánh Giá, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, là cách mà Thiên Chúa yêu thương và Cứu Chuộc loài người. Không có cách nào khác.

Chúa Giêsu, thân phận là Thiên Chúa, nhưng phải làm “thân phận tôi đòi” của một người phàm, và hơn thế nữa, một người phàm sinh ra tầm thường nhất, nhận một án tử hình nhục nhã nhất trong nhân loại: chết trên thập giá… “Chúa Ki-tô, vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. (x. Pl 2, 6-11) Đó là cách cứu chuộc. Không có cách nào khác!

Và nếu chỉ có cách ấy mà không có cách nào nhẹ nhàng hơn, thì phía người được cứu, được chuộc hẳn phải ngộ ra rằng tội lỗi của mình nặng nề là chừng nào. Vì rõ ràng là, cái giá để được chuộc lại không phải là một đôi năm đọa đày nô lệ, mà là một kiếp người, cái giá cứu chuộc càng không phải là một vài tấn vàng, nhưng là một sinh mạng, không phải là sinh mạng của con người kiếp bụi phong trần mà là sinh mạng Con Thiên Chúa Làm Người.

Ai đã hy sinh mạng sống mà cứu cho bạn được sống, hẳn bạn phải tri ân họ biết chừng nào. Ai đã cứu bạn, vợ chồng con cái bạn khỏi chết ngạt, khỏi chết nước, khỏi chết cháy, khỏi cảnh nghèo khổ, nợ nần, khỏi cảnh làm thuê đày đọa, khỏi bị cảnh buôn bán người sang Trung Quốc, Hàn Quốc, khỏi cảnh tù đày, nô lệ, vong thân… hẳn là phải biết ơn và đền ơn họ đến muôn đời. Có người họa hình, tạc tượng người cứu sống mình và đặt ở nơi xứng đáng mà ghi ơn, nhớ tưởng như một vị đại ân nhân, vị đại thánh. Cũng đã có người nguyện làm kiếp tôi tớ phục vụ hầu hạ người thi ân suốt đời để đền ơn.

Vẫn còn lòng biết ơn nơi mỗi con người chúng ta đấy chứ! Nhưng cũng còn có cả những lòng biết ơn thật chua chát: Chúng ta vẫn thấy những nhang hương đèn khói, những cái sấp mình cúi lạy trước những bia tưởng niệm các anh hùng chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc. Chẳng biết cái sấp nào giả hình, cái cúi nào thật tình và cũng không biết đó có phải là cách tỏ bày lòng biết ơn đích thực không. Bởi vì, cũng có người biết ơn vì ‘nhờ những những người nằm trong bia mộ kia mà nay tôi được làm ông kia bà nọ, lương tuy ít, nhưng bỗng nhiều, không tham lam không nhũng nhiễu nhưng tự nhiên mà thiên hạ cứ đút vào túi họ bạc tỷ!’. Hoặc phải biết ơn vì ‘nhờ các ông mà nay tôi có cái để xài, có cả cái để dành và nhất là có cái để bán cho có thêm tiền thêm vàng gửi ngân hàng nước ngoài nước trong!’ Ôi! chuyện thế gian! Thật là tồi tệ! Người ta đang biết ơn những người hy sinh xương máu, mạng sống để cho họ được cái lợi, cái lộc ở đời này hơn là biết ơn những người hy sinh chiến đấu cho một nền hòa bình công chính! Ai đã nằm xuống cho lý tưởng hòa bình công chính sẽ không được ca tụng bằng người nằm xuống để họ có cơ hội giàu có và thao túng quyền lực! Họ chẳng cần biết chung cuộc đời họ sẽ ra sao!

Cũng bởi vì nghĩ đến cái lợi trước mắt ở trần gian mà trong chúng ta cũng có người không khác người duy vật kia bao nhiêu: không bao giờ biết ơn Đấng đã cứu chuộc chúng ta ra khỏi những điều tội lỗi, ra khỏi sự chết trầm luân muôn đời, dẫn đưa chúng ta đến đời sống công chính hôm nay trên trần gian, và đời sống vĩnh cửu mai sau trên thiên quốc.

Lễ Suy tôn Thánh Giá nhắc nhớ chúng ta suy tôn và biết ơn Tình Yêu của Thiên Chúa: Tình Yêu Cứu Chuộc. “Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian”.

Quả thực, nếu không có Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô, không có ơn cứu chuộc, thì cả và nhân loại này sẽ mãi mãi trầm luân trong cuộc sống giả trá điêu ngoa, bất công và hủy diệt muôn đời. Cũng vậy, ai không tin và biết ơn, đền ơn Chúa cứu chuộc cũng sẽ nhận một án phạt bị hủy diệt muôn đời. Còn số phận của những người chà đạp Thánh Giá Chúa, hẳn nhiên thật là bi đát, họ sẽ chết muôn đời với lũ Satan, con rắn độc cắn người, con rắn bại trận!

Ước gì những người đã xem thường Thánh Giá Chúa, xúc phạm đến Thánh Giá Chúa ngộ ra tội lỗi mình mà đến cùng Hội Thánh như dân xưa đã đến cùng Môi-sê và thưa rằng“Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. (x. Ds 21, 4-9).

Lạy Chúa Giê-su, chúng con là những người bị án tử hình, mà Chúa đã vì yêu thương đến nhận thay án tử hình ấy cho chúng con bằng cái chết nhục nhã trên Thánh Giá để chúng con được sống. Xin cho chúng con biết tin tưởng, mến yêu Thánh Giá Chúa, biết ơn Tình Yêu Chúa và đền đáp ơn ấy bằng cách nguyện suốt đời phục vụ Chúa. Amen.

 PM. Cao Huy Hoàng

Lễ Suy tôn Thánh giá phong phú về lịch sử và biểu tượng.

Về biểu tượng, trước hết chúng ta biết rằng các Kitô hữu đầu tiên rất xấu hổ về thập giá đến nỗi không bao giờ dùng làm biểu tượng đức tin. Vì thập giá, như giá treo cổ, bị khinh thường, là hình phạt dành cho những người xấu xa và nô lệ. Ngược lại, Chúa Giêsu chứng tỏ đó là thiêng liêng và lộng lẫy, không phàm tục và tuyệt vọng.

Thiên Chúa muốn rằng dụng cụ rất nhục nhã này trở nên phương tiện vinh quang và ơn cứu độ của chúng ta. Việc ám chỉ con rắn đồng của lịch sử trong sách Dân Số làm bài học. Trong thời gian họ đi đày trong sa mạc, Thiên Chúa đã phạt dân Israel về tội ngoan cố bằng đại dịch rắn. Lúc đó, khi dân chúng quằn quại trong đau khổ và kêu xin Môsê cứu vớt, vị tiên tri này đã đúc một con rắn đồng và đặt trên cột cao ở giữa đồng trống: “Những ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu. Những ai chỉ nhìn vết thương và chống lại rắn đều bị bất hạnh”.

Đây là bí ẩn về Con Rắn Đồng: Những gì hủy diệt chúng ta cũng có sức mạnh chữa lành và biến đổi chúng ta. Nhưng về điều này, chúng ta phải thôi nhìn vào chính mình, và ngước nhìn Ccon Người trên Thánh giá: “Khi Tôi bị treo trên Thập giá, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12:32).

Một chút lịch sử: Chính hoàng hậu Helena, mẫu hậu của hoàng đế Constantine, đã phát hiện Thánh giá của Chúa Giêsu ở giữa đống xà bần của thành Giêrusalem năm 326. Đại giáo đường Thánh Mộ Cổ (Holy Sepulchre) đã được xây dựng ngay tại đó, và thánh tích Thánh giá thật được đặt tại đó cho mọi người kính viếng. Khi vua Ba Tư Khushru xâm lăng Giêrusalem năm 614, Thánh giá thật bị lấy mất; nhưng khoảng 50 năm sau, hoàng đế Heraclius (là Kitô hữu) đã chiến thắng vua Khushru và lấy lại Thánh giá thật.

Lễ Suy tôn Thánh giá bắt đầu có từ thời gian đó.

Thánh Phaolô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). Một mong ước rất “ngược đời”, và chỉ những ai cảm nghiệm được “sự ngọt ngào kỳ diệu của đau khổ” mới dám ước mong như vậy. Tuy nhiên, “ước mong ngược đời” đó lại hợp với ý của Đức Kitô: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38), và Ngài xác định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24).

Như vậy, chắc chắn thập giá (khổ giá, đau khổ) không là điều bất hạnh, không là điều nhục nhã, không là sự thua thiệt, mà là niềm vinh dự, là tiêu chí hàng đầu, là điều-kiện-ắt-có-và-đủ, và là “giấy thông hành” (visa) để bước vào cõi vĩnh hằng, được làm công dân Nước Trời.

Lễ Suy tôn Thánh giá là lễ bổn mạng của Hội Dòng Mến Thánh Giá. ĐGM Phêrô Maria Lambert de la Motte (*) là người sáng lập Dòng Mến Thánh Giá và đã chọn Thánh Giá làm “kim chỉ nam” cho các chị em muốn sống đời tận hiến theo tu luật dòng này.

————————-

(*) Sinh ngày 16-01-1624, qua đời ngày 15-1-1679, nhà truyền giáo người Pháp, thành viên sáng lập Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris, viết tắt: M.E.P.) ở Việt Nam. Ngài đã một mình điều hành công việc truyền giáo cho cả vùng Đông Á; và đã thực hiện được những chương trình sau đây:

– Kinh lý các miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.
– Truyền chức cho các linh mục bản xứ.
– Triệu tập công đồng Juthia năm 1664; soạn thảo huấn thị gửi các vị Thừa Sai.
– Thành lập Hội Tông Đồ năm 1665 (1669: Tòa Thánh không phê chuẩn vì kỷ luật quá nghiêm khắc).
– Thành lập chủng viện Thánh Giuse cho vùng Đông Nam Á năm 1667
– Lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế.
– Triệu tập công đồng Phố Hiến (14-2-1670).
– Thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá Đàng Ngoài và Đàng Trong (năm 1670 – 1671).
– Triệu tập công đồng Hội An (1672).
– Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan (1672).
– Tấn phong Giám mục và bổ nhiệm LM Laneau làm Giám mục Tông tòa thay cho ĐGM Cololendi (1674).

Trầm Thiên Thu

TIN” là điều Thiên Chúa mặc khải, thông ban cho con người về chính Thiên Chúa. Như vậy, “tin” là tin tức từ một phía cho phía bên kia. Điều kiện duy nhất là một bên vắng mặt, một bên có mặt là bên nhận “tin”, (hay là một sực việc chưa được hé lộ, như thế gọi là “tin”. Rõ ràng “tin” là điều ta chưa nhìn thấy, chỉ là lời nói ta đón nhận. Còn lòng “tin” là khi nhận được tin thì phải làm theo mệnh lệnh của thông tin ấy. Xem ra giải thích như vậy thì dễ hiểu, nhưng đối với những mầu nhiệm từ Thiên Chúa, thì không đơn giản như vậy. Sự mặc khải từ Thiên Chúa cho con người là sự cam kết (giao ước) vô điều kiện, là điều minh nhiên, không thể phủ nhận, bởi vì một bên vô hình là Thiên Chúa và một bên hữu hình là con người, như vậy là hoàn toàn hữu lý và thỏa mãn được điều kiện thông tin (ngoại trừ các ngôn sứ của Thiên Chúa).

Thông tin là một sự liên lạc, kết nối giữa một bên vắng mặt và một bên có mặt. Và một phương tiện chuyển giao, gọi là trung gian. Đó là các ngôn sứ của Thiên Chúa.

Muốn nhận được tin thì phải có nguồn, nguồn tin đến từ Thiên Chúa là nguồn tin xác thực, đáng tin cậy, vì Thiên Chúa là chân lý và là Thánh Thiêng ,như vậy, gọi là “Đức Tin”, khác với tin tức giữa con người với nhau. Khi ta nhận được những điều mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho thì ta có một trong hai thái độ, đón nhận hay từ chối. Tin là điều kiện tự nguyện đón nhận, không miễn cưỡng để tin.

Đức tin là sự ký kết (giao ước) nhưng không duy nhất giữa Đấng vô hình là Thiên Chúa và phàm nhân hữu hình. Vì vậy, Đức tin là hồng ân, là quà tặng xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8.16).

Vâng! định nghĩa căn bản trên cho thấy tin là điều huyền nhiệm từ Thiên Chúa muốn cho con người “biết”. Như vậy, đức tin muốn thành sự phải đến từ hai phía, mặc nhiên phải có sự giao kết và trung tín của hai phía. Và phương tiện trung gian, đó là các ngôn sứ của Thiên Chúa.

Nên chi Thập giá là mầu nhiệm mặc khải từ Thiên Chúa dành cho nhân loại một cách trực tiếp, do bởi chính Đấng Cứu Thế Giêsu-Kitô, Con Một Thiên Chúa. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2a).

Như vậy, Thánh Tử của Thiên Chúa chính là Thập giá và nơi đó Người đã chịu treo lên, để trở nên hy lễ cứu chuộc cho kẻ tin, gọi là Thánh giá, là dấu chỉ phán dạy của Thiên Chúa, Người là ngôn sứ, là hy lễ, là bàn thờ. Không còn Lời lẽ nào tốt đẹp hơn và sáng giá hơn giá chữ Thập là Thập giá của Thánh Tử Giêsu. Nơi đây Thiên Chúa, đã không dùng ngôn sứ để loan báo, mà Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời đã làm Người của Ngài để phán dạy cho phàm nhân (Dt 1,1-2a).

Nhưng đối với sự khôn ngoan của thế trần, thì họ không đón nhận Thập giá, vì thập giá là sự đau khổ và hy sinh quá lớn, vì vậy thế gian cho là điên rồ (1 Cr 1,27). Sự khôn ngoan cuả trần gian là từ chối thập giá, vì thập giá không mang lại cho họ điều mà họ mong muốn (1Cr 1,23).

Vì vậy dấu chỉ Thập Giá là sự mặc khải hữu hình, không còn kín ẩn nữa, vì Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn vào ngày sau hết nầy, để phàm nhân biết rõ Thiên Định của Thiên Chúa.

Thập giá là dấu chỉ của niềm tin Kitô giáo, vì không có Thập giá thì không có ơn Cứu Độ, một sự trao đổi quá lạ lùng, Thiên Chúa đã dùng sự ô nhục của loài người để làm nên ơn Cứu Độ. Quả thật là Thiên Chúa vô biên, Ngài muốn dùng những gì đi ngược lại với thế gian, để những gì mà thế gian cho là tồn tại thì nó sẽ tiêu tan trước Thánh Nhan Thiên Chúa. Nghĩa là sự hư vô của trần gian, là sự vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Đức tin ngày xưa là chỉ biết Thiên Ý qua các ngôn sứ và những lời ghi chép lại, hầu để minh chứng ơn Cứu Độ đến với nhân loại qua Thánh Tử Giêsu. Đức tin ngày nay hiện thực và sống động hơn, vì chính Thiên Chuá đã hành động, một hành động có ý nghĩa minh nhiên, là Lời phán dạy của Thiên Chúa đã quá tỏ tường. Như vậy niềm tin thời nay là Thập giá vinh quang của Thiên Chúa qua Đức Kitô–Giêsu và Lời giáo huấn của Người. Nơi đó Thiên Chúa thể hiện tình yêu duy nhất và ơn Cứu Độ vĩnh cửu của Ngài cho nhân loại tội lỗi, nhưng những ai muốn đón nhận thì cần phải có lòng tin (Ga 3,16).

Lạy Thiên Chúa là Cha, Cha đã ban Thánh Tử là Đức Kitô–Giêsu cho nhân loại, nhưng Thiên Ý nhiệm mầu của Cha là Chúa Cả trời đất, muốn cho nhân loại hiểu rằng, không có vinh quang nào mà không có Thập giá. Như vậy, Thánh Tử Giêsu đã chịu treo lên để kéo những ai tin vào Người là Đấng Cha đã sai đến, được lên cùng Cha là Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu và duy nhất cùng với Thánh Tử Giêsu và Thần Chân Lý là Thánh Thần của Cha muôn đời./. Amen

P. Trần Đình Phan Tiến

 Chuyện ngược đời

Thánh Phaolô có một ước muốn làm “nổi da gà” và “rợn tóc gáy”, hoàn toàn không giống ai: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Hãnh diện về thập giá? Hãnh diện vì gặp đau khổ? Hãnh diện vì bị nhục nhã? Thật là chuyện ngược đời!

Cố giám mục Lambert de la Motte (16/1/1624-15/1/1679), vị thừa sai người Pháp, cũng đã có ý tưởng “không giống ai” nên mới sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài phải cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới dám có “sở thích” kiểu đó!

Thập giá là biểu tượng của sự đau khổ hoặc bất hạnh, vì đó là hình phạt tồi tệ và ghê gớm nhất thời đó, như ngày nay là án tử hình. Cuộc sống thường nhật cũng chẳng ai “mê” đau khổ, mà cố tránh như tránh quái vật hoặc ma quỷ vậy. Thế mà những người thực sự yêu mến Đức Kitô lại “khoái” đau khổ. Quá ngược đời! Với người không có niềm tin vào Đức Kitô, thậm chí có thể ngay cả một số người nhận mình là người Kitô giáo, không thể hiểu được ý nghĩa của thập giá. Họ cho đó là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, là… “bó tay chấm com”.

Trách nhiệm và bổn phận là “gánh nặng” hằng ngày mà ai cũng có, mỗi người mỗi kiểu và mỗi mức độ khác nhau. Thánh Phaolô tâm sự: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16). Rao giảng Tin Mừng là một trách nhiệm, kính mến Chúa và yêu thương tha nhân là bổn phận khác – nhưng vẫn song song. Chẳng có trách nhiệm và bổn phận nào dễ dàng, vì thế mà luôn phải cố gắng. Mệt lắm! Thánh Phaolô cho biết phải “tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó” (1 Cr 9:17). Làm vì bị bắt buộc, vì miễn cưỡng, thì cũng tốt, nhưng tự nguyện bao giờ cũng tốt hơn. Cái khó đối với chúng ta là Thiên Chúa cho chúng ta hoàn toàn tự do hành động.

Vậy đâu là phần thưởng? Thánh nhân trả lời: “Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9:18-19). Hoàn toàn tự nguyện. Thánh nhân kể: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9:22-23).

Cũng như “trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải”, vì thế mà ai cũng phải cố gắng hết sức để “chiếm cho được phần thưởng”. Không chỉ vậy, trước đó còn “phải kiêng kỵ đủ điều”. Nghề nào cũng khó, ngành nào cũng mệt, muốn “chuyên nghiệp” về lĩnh vực nào thì phải khổ luyện không ngừng. Người viết lách mà không viết thì bị “xuống tay”, các văn nghệ sĩ không khổ luyện hằng ngày thì chẳng làm được trò trống gì, các vận động viên không cố gắng khổ luyện thì đừng mong tranh tài,… Đơn giản như học sinh đi học mà không chăm chỉ luyện tập thì không thể hoàn thiện bản thân và không mong gì tươi sáng và đầy trách nhiệm như tục ngữ Việt Nam: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”.

Nhưng tất cả mọi hoạt động đó chỉ là để đoạt “phần thưởng chóng hư”. Còn chúng ta, những người Kitô giáo, có một mục đích cao hơn, đó là “phần thưởng không bao giờ hư nát”, là phúc trường sinh trên Thiên quốc. Không đạt được “phần thưởng” Nước Trời là chúng ta phụ Tình Chúa, làm lãng phí giá Máu Cứu Độ của Đức Kitô, là coi thường Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Phaolô nói: “Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9:26-27). Chúng ta cũng phải quyết tâm vậy!

Chính Chúa Giêsu đã từng bảo chúng ta phải “từ bỏ mình” và “vác thập giá mình hằng ngày” (Mt 10:37-38; Mc 8:34; Lc 14:26-27), phải “qua cửa hẹp” (Mt 7:13), phải ăn chay, phải hãm mình,… Toàn những điều “làm khổ mình” thôi. Khó lắm! Chúa không “chơi khăm” chúng ta mà chỉ muốn chúng ta “nên người”. Chứ Ngài “hô biến” một cái là chúng ta vào Thiên đàng cả đám ngay, nhưng Chúa muốn chúng ta tự thân cố gắng để có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa và giá trị của sự đau khổ, đồng thời mới xứng đáng nhận phần thưởng. Có ăn lạt mới biết thương mèo. Có khổ mới biết thương người khác.

Khổ luyện mình hằng ngày mới là thật lòng theo Chúa, chứ không thể ung dung tự tại. Có chờ sung rụng thì cũng phải nhặt lấy, bỏ vô miệng, chứ chẳng bao giờ có trái sung nào có thể rơi trúng ngay miệng mình – mà có trúng ngay miệng cũng vẫn phải nhai, nuốt, và tiêu hóa. Việc đơn giản thế mà vẫn… mệt!

Có gian nan mới thành nhân, có đau khổ mới nên khôn, có thất bại mới biết cố gắng vươn lên: “Thất bại là mẹ thành công” (Tục ngữ Việt Nam). Đức Phật được người ta kính trọng vì ông đã cảm được nỗi đau khổ qua Tứ Diệu Đế. Các vĩ nhân đều là những người đã từng nếm mùi gian khổ, các chính khách được thế giới tôn vinh đều là những người đã kiên trì “nằm gai nếm mật”. Thật vậy, chẳng nếm mùi gian khổ thì khó nên bậc siêu quần!

Nhưng phàm nhân chúng ta quá yếu đuối, ưa nhàn rỗi chứ không muốn “động chân, động tay”. Kinh Phật nói: “Con người là nô lệ vì chưa hủy diệt được ý tưởng về bản ngã trong nội tâm”. Đời là bể khổ. Có lúc chính chúng ta tự làm khổ mình. Đời càng khổ thì chúng ta càng cần Chúa: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 84:3). Ngài là Chúa Tể càn khôn, là Đức Vua, là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ, “ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con bên bàn thờ của Chúa” (Tv 84:4), thế chúng ta lại không đáng hơn chim sẻ ư?

Phúc thay người ở trong thánh điện và luôn được hát mừng Ngài. Nhưng muốn vậy thì phải khổ luyện, phải dám “ngược đời” như Chúa Giêsu. Nói dễ, làm khó. Ráng mãi vẫn chưa được. Phàm nhân khốn nạn vậy đó. Hứa nhiều mà chẳng giữ bao nhiêu. Trăm voi không được bát nước xáo! Do đó chúng ta phải không ngừng kêu van: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin đoái nghe lời con cầu nguyện. Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp. Lạy Chúa là khiên mộc chở che, xin thương xem nhìn đến gương mặt đấng Ngài đã xức dầu” (Tv 84:9-10). Nước Trời cực kỳ quý báu, không thể ví với bất kỳ thứ gì. Thật vậy, “một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84:11a). Người đời cũng nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù dài đằng đẵng như ngàn năm), nói lên sự hạnh phúc của cuộc sống tự do. Còn tác giả Thánh vịnh so sánh: “Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!” (Tv 84:11b).

Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ, là khiên che, và tặng ban ân huệ với vinh quang. Thế nên “ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối ơn lành” (Tv 84:12). Đó không là “dụ dỗ” hoặc “mồi chài” mà chắc chắn như vậy: “Trước khi trời đất qua đi, một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).

Vào một ngày đẹp trời, Đức Giêsu tỉ tê tâm sự với các môn đệ thế này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6:39). Rồi Ngài nói thêm: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6:40). Chúa Giêsu rất bình dân, Ngài thực tế mà có duyên, nghiêm chỉnh mà cũng có “máu” hài hước. Ngài đặt vấn đề: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (Lc 6:41-42a). Lúc vui thì vui hết mình, mà lúc làm việc thì đâu ra đó. Cười cười mà “chết người” chứ chẳng chơi. Đừng thấy Chúa “nói nhẹ” mà tưởng Ngài “cho qua phà” rồi cả gan “được đằng chân, lân đằng đầu”!

Chúa Giêsu nói thẳng: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6:41-42b). Lại chuyện đạo đức giả. Thế gian nhiều loại người này, dù mức độ khác nhau, nên Chúa Giêsu rất ghét loại người “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”.

Không sống giả nhân giả nghĩa, sống trong sạch và cương trực, đó cũng là “vác thập giá mình” mà theo bước Chúa Giêsu lên Can-vê. Lên đó không phải để ngắm trời, ngắm đất, hoặc hóng gió mát rồi ngâm thơ và ca hát, hoặc lên đó đốt lửa trại, mà lên đó để “chết”. Chết thật chứ không chết giả!

Nhưng rồi mọi đau khổ sẽ biến thành vinh quang, và người chết sẽ sống lại và trường sinh. Trên cả tuyệt vời!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đủ can đảm mà sống “ngược đời” như Con Chúa đã tiên phong nêu gương, biết yêu mến Thánh Giá mà dám chết cho tội mình và chết vì chân lý. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Kha Đông Anh

Nhà Dòng Cistaciens cũ ở Oliva gần Danzier trên biển Baltique có một nhà nguyện. Đặc sắc của nó là có một cây Oliva lạ lùng. Thân cây là một ống chì to có rất nhiều chi nhánh và lá to nhỏ bằng đồng. Cây ấy được thông với một ống dẫn thủy đêm ngày luôn tung tóe ra muôn vàn tia nước rất đẹp. Ngày nay nó đã mất tích vì tai họa chiến tranh. Nhưng khắp Giáo Hội trong các nguyện đường, thánh đường của ta lại còn có một thứ cây trên mọi thứ cây lạ lùng hơn gấp bội – lạ lùng vì cái tuổi thời gian của nó: đã hơn 2000 năm nay mà vẫn tươi xanh mãnh liệt như hôm qua và sẽ ngày càng phát triển mãi cho đến tận thế – lạ lùng nữa vì những hiệu quả vô cùng sung mãn và tác động hữu hiệu trên toàn cõi nhân loại. Thứ cây lạ lùng ta đã thấy, đã dùng và đã nếm qua bao nhiêu ảnh hưởng tốt đẹp của nó. Thứ cây lạ lùng ấy chính là cây Thánh Giá của Chúa, thứ cây mà hôm nay cùng toàn thể Giáo Hội ta đang trọng thể suy tôn và sốt sáng ngưỡng vọng.

Để chúng ta thêm lòng yêu mến cây Thánh Giá lạ lùng đó và để thu nhiều kết quả tốt đẹp bổ ích cho đời sống hằng ngày, giờ đây ta cùng nhau suy về 2 cái tia đặc sắc hơn của nó: Cây Thánh Giá tràn chảy tình thương cho nhân loại; Cây Thánh Giá tuôn đổ nguồn sinh lực cho ta.

1/ Cây Thánh Giá chính là biểu hiệu rõ rệt nhất của tình Chúa yêu ta. Chính người đã nói: “Không ai yêu bạn mình cho bằng kẻ hy sinh mạng sống vì bạn”, thì đây chính Chúa tự nguyện xác minh lời đó trước nhất: Chúa đã chết thay cho nhân loại. Ôi, ai trong chúng ta khi chăm chú nhìn lên Thánh Giá mà không cảm thấy được điều đó. Lời Dym Bossence nói: Sao? Không phải chính ở Thánh Giá mà Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc, đã dâng hiến lên trước tòa Chúa Cha, không phải những của lễ vô linh tính mà chính là xác Thánh của Người để làm của lễ đền tội cho ta. Không phải chính ở trên Thánh Giá mà Ngài đã giao hòa ta cùng Thiên Chúa bằng sự tẩy sạch tâm hồn ta với dòng máu đào của Ngài ư? Loài người đã phản nghịch với Thiên Chúa. Phép công thẳng Chúa đang sẵn sàng tràn đổ xuống để gìm họ xuống vực thẳm hỏa ngục với ma quỷ mà họ đã cam tâm làm nô lệ và học đòi những thái độ láo xược của chúng. Nhưng căng mình trên Thánh Giá, là bàn thờ, Người đã dùng máu đào để chuộc cái tội kiêu căng cho loài người và Người đã giăng tay tinh khiết ngăn cản cơn oai nộ của Chúa Cha, biến oai nộ thành một dòng suối tình vô tận. Ôi! hy sinh cao cả, ôi tình yêu lạ lùng. Lạy Chúa Giêsu con Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, Chúa đã yêu tôi chính lúc tôi còn phản bội lại với Chúa. Sau khi đã chuốc đủ mọi nhuốc hỗ, đã chịu đủ mọi cực hình, đã phải hấp hối chết trong vườn Giệt, đã bị Giuđa phản bội, các môn đệ bỏ rơi, đã bị giam hãm, bị khạc nhổ, đã bị tát tai, đã bị bỏ vạ, bị đánh đòn đóng mão gai, bị chế nhạo, bị lột áo, và như để cho toàn nhân loại thấy rõ thì Chúa lại treo lên một cách ô nhục trên Thánh Giá giữa 2 tên đạo tặc để cứu rỗi tôi, cứu rỗi nhân loại. Ôi! Mầu nhiệm thay! Trách gì mà Thánh Phaolô khi suy đến đã dám táo bạo gọi đó là một sự điên cuồng của tình yêu! Người ta kể, một triết gia đã phải loay hoay nhiều với cái tham vọng muốn tóm gọn cả một cuốn sách vào một trang, rồi cả trang ấy vào chỉ 1 câu, và nữa, cả câu ấy vào chỉ 1 chữ! Nhà triết học đã không thể, nhưng Chúa đã làm, Chúa đã tóm gọn vào một tiếng tất cả mọi mầu nhiệm của đạo, mọi giáo lý của Phúc Âm thư, mọi chương trình của phần rỗi nơi tình yêu của Thiên Chúa: Tiếng ấy là Thánh Giá. Tôi không còn phải bỡ ngỡ nữa khi thấy các Thánh đã say sưa yêu mến Thánh Giá, say sưa đến quên ăn quên ngủ, say sưa đến vui lòng bỏ hết mọi vinh hoa phú quý, đến cả dòng máu đào mình cũng không từ, là vì các Ngài đã đọc được ở cuốn sách lạ lùng ấy cả một tình yêu mênh mông vô hạn đang bao trùm lấy các Ngài.

2/ Thánh Giá nói lên tình yêu vô tận của Chúa và đồng thời Thánh Giá cũng làm nổi bật cuộc chiến thắng oanh liệt của Ngài – “Dominum regnarit a ligino”. Vừa tắt thở trên Thánh Giá, Chúa đã tiêu diệt được quyền lực của hỏa ngục, uy thế của bụt thần và cả lòng kiêu căng của nhân loại. Phải, từ ngày cây Thánh Giá được dựng lên trên trái đất, hỏa ngục đã bị mất mặt. Chúng không còn uy hiếp được loài người một cách tự do như tới nay nữa. Là vì với cây Thánh Giá, loài người đã có một lợi thế vô cùng sắc bén và hữu hiệu bảo đảm thắng lợi hoàn toàn cho họ. Và ở đâu bóng cây Thánh Giá tỏa đến là ở đó ma quỷ phải rút lui. Ma quỷ hỏa ngục đã phải rút lui thì bụt thần, con đẻ của nó, còn có nghĩa lý gì! Và thế là nhân loại được giải phóng! Và dần dần thế giới đã quay về gục đầu trước một người Do Thái bị đóng đinh. Ôi, thật lạ lùng! Bị hành hung, bị khinh rẻ khi còn tại thế, Chúa Giêsu lại bắt đầu thống trị khi tắt thở trên Thánh Giá. Cái giáo lý siêu phàm của Ngài lẽ ra làm Ngài được sùng bái khắp nơi thì lại làm Ngài phải chịu treo trên thập giá. Và cái thập giá ô nhục đáng thiên hạ khinh chê thì lại làm Ngài được tôn kính khắp nơi. Ngài vừa giăng tay ra trên Thánh Giá, mọi người đã vội vả đón nhận ấp yêu: Thật là hạt miến quẳng xuống đất bị thối rửa để làm mọc lên muôn vàn cây khác xanh tươi. Phải chăng lời tiên báo Chúa đã thực hiện: Ngày nào treo Ta lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta. Thánh Giá đã lan rộng khắp nơi, khi khiêm tốn hiền từ trong khung cảnh nhỏ hẹp gia đình, khi oai vệ hiên ngang giữa trời xanh lồng lộng. Thánh Giá đã đập tan mọi bóng tối lầm lạc. Thánh Giá đã tỏa ánh sáng chân lý, nhân đức tự do, danh dự văn minh cho trần thế – Thánh Giá vạch cho ta một con đường đơn giản để đến quê Trời. Cũng vì thế mà nhân loại xô nhau về với Thánh Giá. Theo Jean Drias: Nhân loại thi nhau hàng phục Thánh Giá. Rồi họ say sưa, họ trìu mến, họ sống chết với Thánh Giá, và rõ ràng nhất là các tu sỹ Mến Thánh Giá. Bởi vì đúng như tên mà đấng sáng lập đã chọn, Hội Dòng này luôn sống trong tinh thần khổ chế hy sinh vì tình yêu. Họ tha thiết yêu Chúa Jésus chịu đóng đinh trên Thánh Giá, Đấng đã thí mạng sống và tình yêu cho Chúa Cha và nhân loại. Họ yêu Thánh Giá của Người và sẵn lòng đón nhận Thánh Giá của bản thân với xác tín là hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nổi khổ đau Chúa Kitô phải chịu trong thân mình Ngài là Giáo Hội. Họ say mê gắn bó với thập giá là nhằm để đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh qua sự suy niệm và noi theo cuộc đời lữ thứ lữ sinh của Người. Như vậy, tức là đáp ứng lời mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô – bằng việc cầu nguyện và đời sống thánh thiện, nhằm giúp hoán cải lương dân và các tín hữu tội lỗi, nhất là nhằm phục vụ thế giới, giới trẻ trong các lãnh vực văn hóa xã hội, y tế, luân lý, đức tin.

Là những tu sỹ Mến Thánh Giá, chúng ta phải can đảm hội nhập vào đoàn hùng binh của Chúa Giêsu để tiếp nối công cuộc cứu độ của Ngài. Hãy góp nhặt những Thánh Giá nhỏ nhẹ rải rác trong đời sống để kết vào Thánh Giá Chúa Giêsu làm ta có thể thưa với Chúa Giêsu như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Lạy Chúa Giêsu của con, Chúa đã làm việc đủ rồi. Chúa đã khóc đủ 33 năm sống trên nơi khổ ải. Hôm nay Chúa hãy nghỉ, đến lượt con đi chiến đấu và chịu đau khổ. Amen./.

Đức giám mục Phaolô Maria

NHỮNG KẺ ĐIÊN

Xả thân nếu muốn theo Thầy
Vác cây khổ giá hằng ngày mà theo.
(Mt 16,24)

I. LƯỢC SỬ LỄ KÍNH THÁNH GIÁ

1. Suy tôn thánh giá Chúa

Dưới thời hoàng đế Hérachius I, những người Ba tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène, mẹ của hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại thánh giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của vua dược Chúa chấp nhận, ngài đã đánh bại được quân Ba tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành olive, những ngọn đuốc cháy sáng, thánh giá thật của Chúa được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem với thánh giá này sau mười bốn năm lưu lạc.

Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zacharie hô lớn: “Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng hợp với cảnh nghèo nàn và khiêm nhường của Chúa Giêsu khi vác thánh giá”. Hérachius vội cởi bỏ mọi phẩm phục sang trọng, và thay vào bằng bộ áo quần nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng… và để tỏ ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.

Từ đó, lễ kính thánh giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhở cho các thế hệ kỷ niệm này.

2. Cây khổ giá của Chúa

Theo nhiều nhà nghiên cứu Thánh kinh, người ta cho biết một số đặc điểm về cây thánh giá ấy. Cây thánh giá này bằng gỗ tùng rất nặng. Cây dọc 4 thước rưỡi, cây ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 ký. Vác kéo lê thì giảm sức nặng đi 30 ký. Như vậy, Chúa còn bị sức nặng 70 ký đè trên thân xác yếu ớt vì đòn vọt, và vác khệ nệ trên con đường dai 700 thước. Quãng giữa thánh giá, thường đóng một miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một đinh. Nay các nhà kỹ thuật đã hạ miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ chân, và hai chân đóng chụm lại cho đẹp.

II. Ý NGHĨA CÂY THÁNH GIÁ

1. Đối với dân ngoại

Thập giá là một dụng cụ để xử tử phạm nhân mà người Phênixi đã dùng trước hết, kế đó người La mã cũng dùng. Nhưng chính phủ La mã chỉ dùng hình phạt này cho kẻ nô lệ, dân bị trị, những người thấp hèn và những người phạm các giống tội bị coi là nặng nề nhất như trộm cướp, ít khi áp dụng cho công dân La mã. Đóng đinh trên thập giá là một hình phạt đau đớn, nhục nhã và độc dữ nhất. Bàn về hình khổ đó, nhà hùng biện trứ danh La mã xưa, ông Cicéron, đãkêu lên: “crudelissimum et teterrimum supplicium” (cực hình ghê rợn và độc dữ nhất).

Trước hết, phạm nhân bị đánh đòn cách tàn nhẫn, rồi cả tay và chân đều bị những mũi đinh to xuyên qua và dính vào thanh gỗ. Bây giờ thập giá được dựng lên. Máu ra nhiều, nhiệt độ trong người gia tăng thành một cơn sốt rất nặng, phạm nhân bị kiệt sức, lưỡi bị khô cứng, các mạch máu sưng lên, các đường gân căng thẳng, toàn thân nhức nhối vô cùng. Thường thường phạm nhân bị thống khổ như vậy đôi ba ngày, hoặc một tuần rồi mới chết. Thời gian ấy câm bằng bao thế kỷ!

Như vậy, cây thập giá là dịp vấp phạm cho người ngoại. Thánh Phaolo đã nhận xét: « Trong khi người Do thái đòi dấu lạ, và người Hy lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Do thái, sự điên rồ đối với người dân ngoại (Hy lạp)” (1Cr 1,22-23).

Tại sao có thể xưng nhận một người chịu chết nhuốc khổ đến thế là Chúa? Nếu Ngài toàn năng, sao Ngài đành thinh lặng trước thái độ ngỗ nghịch của bao kẻ khôn ngoan. Thế lực gì kẻ bị chết trần truồng không mảnh vải che thân: đó, lý luận của người đời. Với trí suy hiểu tự nhiên, họ không thể thấy cao nhìn xa hơn được nữa. Cái chết của Ngài có thể coi như một sự chúc dữ của Thiên Chúa (Dt 21,22). Ngài đã nhận cực hình của kẻ nô lệ (Gl 3,13). Nói đúng hơn, không những là cực hình nhưng còn là khổ nhục nữa (xem thêm Phil 2,8; Dt 12,2 và 13,3; Mt 27,42; Lc 23,39).

2. Đối với Kitô hữu

Chúa Giêsu đã dùng cây thánh giá để chuộc tội cho nhân loại, nhờ cây thánh giá mà nhân loại được sống. Như thế, đối với chúng ta, cây thánh giá không còn đáng ghê tởm và kinh khiếp nữa, trái lại, nó là niềm kiêu hãnh của chúng ta. Thánh Tông đồ dân ngoại kể như mình đã bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Giêsu, khoe về thập giá của Chúa Giêsu và lấy làm vinh dự rao truyền thập giá ấy bất cứ nơi nào. Ngài đã múc được sự khôn ngoan trong thánh giá Đức Kitô, một thứ khôn ngoan mà người thông thái trần gian không có: “Lời giảng về thập giá Chúa Kitô, quả thực, đối với những kẻ hư hỏng (cứng lòng tin) là điều điên rồ, nhưng đối với những ai được cứu rỗi như chúng ta, lại là sức mạnh của Thiên Chúa, vì có lời chép: “Ta sẽ hủy diiệt sự thông thái của người thông thái, và phế bỏ sự khôn ngoan của người khôn ngoan (Is 29,14). Người khôn đâu? Văn sĩ đâu? Người biện lý thế gian đâu? Nào Thiên Chúa đã chẳng khiến sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu ngốc sao? Vì thế gian chẳng theo sự khôn ngoan Thiên Chúa để nhận biết Thiên Chúa, mà chỉ theo sự khôn ngoan riêng mình, nên Thiên Chúa muốn dùng lời giảng điên rồ (về thập giá Chúa Kitô) để cứu rỗi những ai tin theo!

Người Do thái đòi phép lạ, người Hy lạp tìm triết lý: còn chúng tô lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh: Đấng người Do thái cho là gương xấu, còn dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với những người Do thái va Hy lạp đã được Chúa gọi, thì Đức Kitô lại là sức mạnh và sự khôn sáng của Thiên Chúa: Vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn khôn sáng hơn sự khôn sáng của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn lực lượng hơn sức mạnh của loài người” (1Cr 1,18-25).

Chính vì cây thánh giá đã đem đến cho nhân loại ơn cứu rỗi, nên Giáo hội đã xưng tụng: O crux, ave, spes unica: kính chào cây thánh giá là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi. Trong bài ca vãn ngày thứ sáu tuần thánh cũng có câu: Ôi, thánh giá trung tín, là cây cao qúi hơn mọi cây: không rừng nào có cây lá, hoa trái như vậy. Ôi gỗ êm ái, gỗ mang thân nặng đóng đinh dịu dàng! Hỡi miệng lưỡi, hãy ca hát chiến thắng vinh hiển, hãy công bố cuộc chiến thắng oai hùng trên thập giá: Đấng cứu độ thế gian tự hiến tế đã toàn thắng.

3. Thập giá và vinh quang

Chúa có thể cứu rỗi chúng ta bằng nhiều cách, chỉ một giọt mồ hôi của Chúa đổ ra cũng đủ dư để cứu chuộc nhân loại, nhưng Chúa Giêsu không muốn thế, Ngài muốn dùng một hình phạt ghê sợ nhất để thực hiện công cuộc cứu chuộc. Nhờ cây thập giá mà Chúa Giêsu đã lôi kéo mọi sự và mọi người về với Chúa: « Khi nào chịu treo trên thập giá, Ta sẽ kéo mọi sự về với Ta”. Nhờ cái chết đau thương ô nhục mà Chúa Giêsu đã phục sinh vinh thắng để đem lại cho ta sự sống dồi dào. Phải chết đi rồi mới sống lại được, không chết thì phục sinh làm sao? Hạt giống không mục nát ra, làm sao có thể trổ mầm và sinh hoa kết quả được? Chúa Giêsu đã nói như vậy:

Này Ta bảo thật các con,
Hạt kia nếu chẳng xuống bùn chết di,
Một mình nó được ích gì!
Còn như nó chết tức thì sinh ra
Muôn ngàn những quả cùng hoa.
(Ga 12,14)

Trong đời sống hằng ngày, ai cũng có kinh nghiệm về những thành công của mình hoặc của người: không có thành công nào mà không được mua bằng hy sinh. Ông Corneille đã nói rất đúng:”Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh thắng”.

Truyện: hoàng tử và thanh kiếm

Vua Charles V một lần kêu hoàng tử đến và cho hoàng tử được lựa chọn. Trên bàn vua đặt một thanh kiếm và một triều thiên.

Vua nói:

– Con chọn cái nào?

Ngần ngừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm.

Vua cha hỏi:

– Sao con lại chọn thanh kiếm?

Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện và đáp:

– Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được triều thiên kia .

Chúng ta cũng phải bắt chước gương hoàng tử để chịu khó ở đời này, phần thưởng đời sau

của chúng ta chỉ có thể mua được bằng thanh kiếm của những sự khó nhọc vất vả, những hy sinh hằng ngày, những công việc không tên tuổi, những công việc đều đều nhàm chán, những sự từ bỏ mình liên miên, vì:

Lúc vất vả, lúc thanh nhàn,
Không dưng ai bỗng đem tàn che cho.
(ca dao)

4. Cây thập giá và đức tin

Chúng ta đã biết, cây thập giá đối với người ngoại, đối với những người không có đức tin thì đó là cả một vật kinh tởm, một sự thất bại và nhục nhã ê chề của một Giêsu chịu đóng đinh, người mà dân chúng đã tố cáo là một tên phản loạn. Nhưng đối với chúng ta, với con mắt dức tin, ta thấy trong thập giá Đức Kitô cả một nguồn tài sản phong phú, một nguồn ơn dồi dào vô biên, một nguồn suối không bao giờ cạn, một kho tàng lớn lao không gì có thể chứa nổi. Những cái đó, người thông thái thế gian với con mắt thịt không bao giờ có thể trông thấy được.

Truyện: kho tàng và hạt kim cương.

Theo tài liệu sử cho biết: năm 1662 một chiếc tầu Tây ban nha chở đầy vàng đã bị chìm xuống đáy biển… Người ta đã bỏ ra hơn hai triệu Mỹ kim để tìm kho tàng ấy nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Chúa Giêsu cũng ví Nước Trời giống như kho tàng chôn dưới đất, một người biết được đã bán tất cả để mua cho được thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như hạt kim cương quí giá tìm được (x. Mt 13,44-46).

Hiện nay cục kim cương lớn nhất thế giới đuợc tìm thấy tại Nam phi năm 1917. Cục kim cương này nặng 3200 cara. Người ta đã chia cục kim cương này thành 105 miếng nhỏ và trong số đó vẫn còn hai cục được kể là lớn nhất thế giới. Cục kim cương trên đã dâng cho Anh hoàng là Edward VII.

Nhiều mgười khôn ngoan đã đi tìm sự khôn ngoan trong thập giá của Chúa nhưng chẳng bao giờ tìm được vì họ còn thiếu điều kiện “sine qua non”, đó là đức tin. Họ chỉ nhìn thập giá dưới khía cạnh vật chất thì làm sao có thể tìm thấy được ý nghĩa thiêng liêng của nó. Họ giống như một ông lão ở nước Ba tư, nghe lời khuyên của một đạo sĩ đi tìm vàng. Ông đã bán hết gia sản, đi khắp nơi để tìm, nhưng… công dã tràng. Ông buồn bực nên đã tự tử. Một người nông dân đã mua nông trại của lão và sau đã khám phá ra, đó là một mỏ kim cương lớn. Và trong đó người ta cũng tìm thấy hai hạt kim cương lớn nhất thế giới của Nga hoàng và Anh hoàng.

III. TẠI SAO NGƯỜI TA YÊU THÁNH GIÁ?

1. Ai khôn, ai dại?

Trong đời sống hằng ngày, người nào cũng muốn cho mình là khôn, ai cũng muốn cho mình là thầy của thiên hạ, mình là cái túi khôn muôn đời, nhưng thử hỏi có mấy người khôn thật, có mấy người có con mắt tinh đời để nhìn sự vật cho đúng? Người ta hay đánh giá sự vật theo cái vỏ bên ngoài mà quên cái bản chất của nó nhiều khi “sù sì da cóc trong bọc trứng tiên” bởi vì nó “xanh vỏ đỏ lòng” ai ngờ được. Chỉ có những người chuyên môn và có con mắt tinh đời mới nhìn đúng sự vật.

Truyện: Ngọc Biện Hoà

Đời chiến quốc bên Tàu, có người nước Sở tên Biện Hoà tìm được ở núi Kim sơn một viên ngọc qúi đem dâng vua Lệ Vương, vua trao cho thợ xem thử, thợ bảo là đá. Biện Hoà bị khép tội khi quân và bị chặt một chân. Đời vua sau là Bảo Vương, Hoà cũng đem dâng như trước và lại bị chặt thêm chân nữa. Tới đời Sở Văn Vương, Hòa định đem dâng, ngặt vì cụt hai chân không đi được. Hòa ngồi khóc ba ngày, có người hỏi, Hòa đáp: “Không phải tôi muốn dâng công mà chỉ vì không có kẻ nhìn ra ngọc quí”. Sở văn Vương nghe được liền sai người đập đá ra, quả thấy ngọc ở trong. Từ đó đặt là ngọc Biện Hòa.

(Hương liệu, Sàigòn, 1975, tr 196)

Biện Hòa là người có con mắt tinh anh, biết nhìn ra giá trị của viên đá, bề ngoài xem ra chỉ là hòn đá, nhưng bên trong thực sự đã có sẵn viên ngọc. Biện Hòa bị chặt hai chân chỉ vì không có ai nhìn ra được viên ngọc ở trong thôi. Ở đời thiếu gì những cảnh tượng như thế xẩy ra chung quanh chúng ta.

Trong đời sống thiêng liêng, số người như thế lại càng nhiều. Nếu người ta chỉ nhìn mọi vật theo chiều hướng vật chất thì làm sao người ta có thể tìm ra được cái ý nghĩa thiêng liêng cao qúi tàng ẩn trong đó. Nếu người ta chỉ nhìn thấy cây thập giá với con mắt vật chất thì cây thập giá ấy chẳng có nghĩa lý gì, mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Và những ai yêu mến cây thập giá thì đúng là NHỮNG KẺ ĐIÊN, kẻ khùng, kẻ nông nổi, mê tín dị đoan. Nhưng với con mắt đức tin, người ta mới tìm ra sự khôn ngoan vô cùng đã chứa sẵn trong cây thập giá đó, giống như Biện Hòa đã tìm ra ngọc qúi trong viên đá tầm thường đó.

2. Thằng Bờm khôn hay dại?

Không ai trong chúng ta lại chưa nghe bài ca dao về thằng Bờm! Ai cũng cho thằng Bờm thuộc vào típ người khờ dại, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi. Đúng thế, chính tôi xưa nay vẫn hiểu như vậy vì ý nghĩa của nó qúa rõ ràng: thằng Bờm chỉ có cái quạt mo thôi, thế mà phú ông lần lượt đổi cho nó: ba bò chín trâu, ao sâu ca mè, một bè gỗ lim, đôi chim đồi mồi, nhưng Bờm ta nhất định không đổi. Sau cùng phú ông đổi cho nắm xôi, thì Bờm cười ưng thuận ngay!

Chúng ta thấy diễn tiến câu chuyện thật là chặt chẽ: phú ông thích cái quạt mo của thằng Bờm quá, nên không ngần ngại đổi ngay cho nó ba bò chín trâu, một cái gia giản quá lớn lao đối với thằng Bờm. Nhưng lạ thay, thằng Bờm không thích, có lẽ to quá chăng? Phú ông liền hạ xuống ao sâu cá mè. Bờm cũng không chịu. Phú ông hạ xuống nữa, và sau cùng, ông tưởng là thằng Bờm này khờ dại nên thử đổi cho nó nắm xôi xem sao. Đúng tủ, thằng Bờm cười khoái trá, nhận lấy. Mọi người thấy thái độ của thằng Bờm đúng là thái độ của một đứa khùng, tiền của nhiều không đổi, lại đi đổi lấy nắm xôi. Khờ ơi là khờ!

Nhưng nếu câu chuyện thằng Bờm chỉ có thế, và người ta thoả mãn ngay với câu kết: phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười để kết luận rằng thằng Bờm là thằng khờ, thì thiết tưởng người ta đã hiểu câu chuyện đó một cách quá đơn giản , ý nghĩa quá nông cạn. Riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ về cách kết cấu của bài này, tôi thấy bài ca dao Thằng Bờm hàm chứa cả một triết lý sâu sa về cuộc đời và một nền đạo đức căn bản cho đời sống tu trì của chúng ta.

Trước tiên, ta thử hỏi: Tại sao phú ông lại thích cái quạt mo của thằng Bờm đến thế? Có cái gì hấp dẫn mà ông đã bỏ ngay ra ba bò chín trâu để đổi lấy, trong khi cái quạt mo chỉ là cái bẹ cau già cắt đi để làm quạt, một thứ quạt tầm thường và rẻ tiền của những người dân quê nghèo khổ! Nếu không thì phú ông lại chính là thằng khùng!

Sở dĩ phú ông đã làm một cuộc trao đổi như thế là vì phú ông tuy là người giầu có, nhưng trong lòng không bao giờ được thảnh thơi, thoải mái, đúng như người ta nói:

Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,
Ăn cơm với cáy thì ngáy o o.

Phú ông luôn bon chen, kèn cựa với người khác để làm giầu và còn phải tìm cách để giữ của, vì thế, không lúc nào ông thấy thảnh thơi. Lúc này ông thấy thằng Bờm phe phẩy cái quạt mo ra vẻ ung dung, sung sướng làm cho phú ông phát thèm. Phú ông là người chỉ biết có tiền, có của, không biết niềm vui sướng thảnh thơi của thằng Bờm bởi đâu mà đến, ông tưởng rằng sự vô tư thảnh thơi của nó ở trong cái quạt nên ông mới đổi lấy để hòng có được lấy những phút thảnh thơi trong đời.

Phú ông tưởng rằng bỏ ra một tài sản kếch sù như thế để đổi lấy cái quạt mo thì ăn chắc rồi. Nhưng ngược lại với điều ông suy tưởng: Bờm ta nhất định không đổi. Phú ông lại nghĩ: thằng này đúng là khờ rồi, tại sao không đổi, ừ, ta hạ xuống xem sao, hạ xuống, hạ nữa, sau cùng, mình đổi cho thằng khờ nắm xôi xem nó có đổi không! Đến đây ta thấy thằng Bờm nó cười.

“Bờm cười”. Hai tiếng kết thúc bài thơ này cần cho chúng ta suy nghĩ. Bờm cười có nghĩa gì? Bờm ưng thuận hay Bờm từ chối? Đến đây tôi cho rằng: thằng Bờm đã từ chối. Cái cười của thằng Bờm hàm chứa một chút khinh bỉ đối với phú ông. Nó cho rằng: ông tưởng tôi là thằng khờ, nhưng tôi đâu phải là thằng khờ! Ông đổi cho tôi ba bò chín trâu, tôi còn chả lấy, lấy chi nắm xôi cho nó rẻ người ra. Sở dĩ tôi không muốn đổi lấy cái tài sản to tát của ông là vì tôi không muốn trở thành người giầu có bon chen như ông kẻo mất đi cái sự thanh thản của tâm hồn. Tôi không muốn tiền bạc của cải chi phối tôi, vì người ta thường nói: “Hoàng kim hắc nhân tâm” hay “Đồng tiền đổi trắng thay đen lòng người”. Tiền của đâu có làm cho người ta hạnh phúc.

Anh chàng Bờm này khôn thật, anh đã thấy Chúa Giêsu nói lên một sự thật phũ phàng là của cải thường ám ảnh lòng trí con người khiến họ khó bề siêu thoát:

Nơi con chôn giấu kho tàng,
Trí lòng con hẳn tấc gang không lìa.
(Mt 6,21)

3. Chúng ta khôn hay dại?

Trong phạm vi siêu nhiên, không phải ai cũng có thể trông thấy những thực tại giống nhau, mà mỗi người thấy nhiều hay ít, rõ hay mờ, tùy ở mức độ Chúa cho biết, mà Chúa thường tỏ lộ cho kẻ khiêm nhường bé mọn: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ây cùng hạng người khôn ngoan thông thái, mà đã tỏ bầy tỏ cho người bé mọn”(Mt 11,25;Lc 10,21). Ai được Chúa cho biết những bí nhiệm Nước Trời, đó là người có phúc: “Phần các con, mắt các con có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe. Quả thật Thầy bảo các con: nhiều vị tiên tri, nhiều đấng công chính đã ao ước đuợc thấy điều các con thấy, mà không được thấy, nghe điều các con nghe, mà không được nghe” (Mt 13,16-17).

Chúng ta có phúc vì được hiểu những sự về Nước Trời, trong khi những người khôn ngoan trần thế này không được hiểu. Chúng ta đã đọc Phúc âm, ta còn nhớ: có một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu xem, anh phải làm việc gì lành để được sống đời đời? Chúa Giêsu đã không ngần ngại trả lời:

Nếu con muốn ở trọn lành,
hãy về bán hết gia phần của con.
Phát cho quả phụ cô nhi,
kho tàng thiên quốc con thì cầm tay.
(Mt 19,21)

Nghe lời khuyên này, chàng thanh niên tiu nghỉu, anh lặng lẽ bỏ ra đi mà không bao giờ trở lại. Lời khuyên của Chúa khó nghe vì nó không thích hợp với lối sống, với lối suy luận của con người xương thịt, của những con người còn bị vật chất chi phối quá nhiều. Nếu người ta lại phải nghe bài giảng Tám mối phúc thật ở trên núi (x.Mt 5,3-11) thì người ta có thể chấp nhận được không? Chắc người ta sẽ cho là lời nói chói tai, không thể chấp nhận được. Nhưng chỉ những người nào đuợc ơn hiểu thì mới có thể hiểu được.

Chúng ta đi tu, người ta nhìn người tu sĩ với con mắt ngỡ ngàng, khó hiểu. Người ta thắc mắc: tại sao những người này lại đi tu? Tại sao họ lại bỏ cả mọi sự đời mà chấp nhận một đời sống khắc khổ như vậy? Tại sao họ lại đi tu dòng Mến Thánh Giá, lý do nào thúc đẩy họ làm như thế? Phải chăng họ là những người khờ, NHỮNG NGƯỜI ĐIÊN, phải chăng đây là hiện thân của những thằng Bờm trong thời đại nguyên tử và phi thuyền này? Họ còn đặt nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời, vì họ không có con mắt đức tin để hiểu được những thực tại siêu nhiên. Chúng ta nhận mình là những thằng Bờm, nhưng là những thằng Bờm khôn ngoan, đó là bỏ đi tất cả để được tất cả: “Kẻ nào muốn cứu lấy mạng sống mình, thì sẽ mất, còn kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sống” (Mt 16,25).

IV. CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

1. Yêu mến Thánh giá Chúa

Thánh Augustinô nói: “Yêu ai thì nên giống ngưới ấy”. Chúng ta yêu mến Chúa Giêsu thì

chúng ta cũng phải trở nên giống Người, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúa Giêsu đã được tiên tri Isaia mô tả là một tên tôi tớ rốt hèn, chịu đau thương (x. Is chương 53). Thánh Tông đồ dân ngoại lại mô tả: “Đức Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Chúng ta phải bắt chước Chúa ở chỗ phải đóng đinh xác thịt mình vào thánh giá Chúa để được nên giống như Người. Và muốn để dễ nhớ đến Người, chúng ta đã đeo thánh giá Chúa ngay ở trước ngực. Chúng ta đeo thánh giá không phải để trang hoàng nhưng để nhắc nhở chúng ta về Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Truyện: đeo thánh giá vàng

Gia đình kia có cô con gái 18 cái xuân xanh được cha mẹ hết sức nuông chiều nâng niu, vì là đứa con một hiếm hoi. Mặc dầu nhà nghèo, hai ông bà cố gắng kiếm tiền nuôi sống và cung cấp cho con ăn mặc để lên mày lên mặt với chị em. Cô đòi cha mẹ phải sắm cho cô một tượng thánh giá bằng vàng đeo vào cổ để làm đồ trang sức cho hơp thời trang.

Vì được quá nuông chiều nên cô làm phách lối, hơi bị trái ý mộtä tí là cô la hét, chửi bới không biết nể lời. Cổ cô đeo thánh giá thật đấy nhưng không bao giơ cô nghĩ tới thánh giá để làm một vài việc hy sinh hãm mình để theo gương Chúa.

Một hôm người cha nói với cô: “Con ơi, nhiều ngày cha vác những bao than nặng nề trên vai, trèo lên những nhà cao năm, sáu tầng, vai cha tê cứng, và cha tưởng nhở đến Chúa Giêsu cũng chịu khốn khổ trên vai vì cây thánh giá quá nặng mà Người phải vác. Cha liền dâng lên cho Chúa những sự cực khổ của cha để xin cho con cái cha được theo Chúa giữ đạo cho sốt sắng. Này con, có phải mang thánh giá vàng đeo vào cổ là đủ đâu? Có phải đó là trọn lời Chúa đã khuyên: “Hãy vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chăng” (Mt 16,24).

Đến đây, cô con gái mới sực tỉnh về thái độ vô ý thức của mình và mới hiểu lời khuyên bảo của người cha… Từ đấy cô đã sửa đổi được cuộc sống, cô bán tượng thánh giá vàng đi, phân phát cho kẻ khó và chỉ đeo tượng thánh giá thường thôi, không phải đeo để trang hoàng, nhưng đeo để nhắc nhở cô luôn biết theo Chúa, vác thánh giá Chúa hằng ngày bằng cách chấp nhận cuộc sống với bao hy sinh, bao đau khổ và nhẫn nhục chịu đựng mọi trái ý hằng ngày, có ý kết hợp vào sự thương khó của Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Người dân Việt nam luôn có đầu óc sùng kính những gì đáng cho là sùng kính. Từ tên cha mẹ, ông bà cho đến một ông vua, thời quân chủ, không bao giờ họ dám gọi tên thật. Họ lấy tên người con trưởng để gọi thế tên cha, hay nói chại cái tên đi, ví dụ: nếu tên Cảnh thì gọi là Kiểng. Nhiều ông đồ, vì tính gàn cứ dùng tên húy của vua, của bà con dòng họ vua, là bị đạp vỏ chuối ngay. Có khi còn bị ăn cơm vắt phèn. Đó là cái tên gọi. Còn chữ viết. Các người theo đạo Khổng Mạnh hay Phật giáo, ho qúi trọng đạo cho đến chữ viết cũng qúi. Đi giữa đường, gặp tờ giấy chữ nho, hay một trang kinh sách chữ nho, họ liền cúi xuống, kính cẩn nhặt bỏ túi đem về đốt. Lòng sùng kính chân thật của họ được biểu lộ dưới nhiều hình thức. Tất cả những hình thức ngay thẳng , chân thành đều đáng cho ta lưu ý.

Trở lại câu hỏi: Thánh giá dùng để làm gì? Có phải dùng để trang sức không?

Ông bà cha mẹ ta, một khi qua đời, để lại cho ta một vật gì qúi báu nhất? Tấm hình, được để trên bàn thờ hương khói hằng ngày, dù nó chỉ là miếng giấy không hơn không kém. Nhưng trong miếng giấy ấy có cái gì linh thiêng nhất? Đó là hình dáng ông bà cha mẹ, đôi mắt dịu hiền, nụ cười tươi tắn, bàn tay mềm mại, nhưng đã nuôi nấng, dạy dỗ, gầy dựng cho ta thành người.

Còn cây thánh giá, tại sao không đeo chỗ khác, như trong cổ tay chẳng hạn, mà lại đeo trên cổ trên ngực? Để làm gì? Để đêm ngày kính nhớ Chúa Giêsu đã hy sinh tất cả cho ta, đem lại cho linh hồn ta một đời sống sung mãn. Trên cây thánh giá có hình ai? Ta nhìn Đấng bị đónh đinh trên thánh giá lòng ta lo nghĩ ra sao? Ta đeo tượng thánh giá trước ngực để luôn ghi tạc vào lòng, vào trí não bổn phận ta đối với Chúa, gắng ở làm sao cho Người được vui lòng, để đền đáp lại một phần nào các ơn thiêng liêng Người đã ban cho ta hưởng nhờ.

(Khắc Minh, báo Việt tiến, tr 30)

2. Vác thánh giá Chúa

Yêu ai mà chỉ thấy thương mến không, chưa đủ. Đặc tính của tình yêu là hy sinh, là cho đi.

Thiếu yếu tố hy sinh thì tình yêu chưa thể được coi như thứ tình yêu thật, tình yêu không hy sinh chỉ là tình yêu vị kỷ chứ chưa phải là vị tha. Muốn tỏ lòng yêu Chúa, ta phải theo Chúa, vác đỡ thánh giá cho Người. Ông Simong không tự ý mình vác thánh giá, người ta cưỡng bách ông phải vác đỡ Chúa. Thế mà giá ông ta biết rằng hàng mấy ngàn năm và muôn muôn ức ức người ghen với ông ta mấy phút nhọc mệt ấy. Ôi, họ cũng vậy, giá họ có thể được giúp Chúa đẫm máu.

Khi nghe thuật lại lúc Chúa Giêsu chịu nạn, vua Clovis, một vua ngoại giáo, đập vào gươm than rằng:”Ôi Đấng Kitô trơ trọi. Ôi, tại sao lúc đó ta và bọn lính của ta không ở đấy”! Lời than này có nghĩa là: Phải, nếu tôi ở đấy, tôi sẽ không để ông ta chịu đau đớn như thế.

Ngày xưa Chúa đã vác thánh giá lên núi Sọ, con đường lên núi Sọ dài có 700 mét và Chúa Giêsu chỉ đi được 1321 bước (theo kinh nguyện của dòng Ba Đa minh), Chúa đã vác thánh giá, Người đã chịu chết trên thánh giá. Nhưng ngày nay, Người vẫn còn tiếp tục vác thánh giá mà những con cái của Người đè lên vai Người bởi những tội lỗi người ta phạm hằng ngày. Chúng ta hãy cố gắng thi hành lời Chúa khuyên từng người chúng ta:

Xả thân nếu muôn theo Thầy,
Vác cây khổ giá hằng ngày mà theo.
(Mt 16,24)

Theo Chúa là phải vác thánh giá. Thánh giá nói lên sự từ bỏ mình. Chúa Giêsu còn nói mạnh thêm: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, kẻ đó không xứng đáng là môn đệ Ta” (Lc 14,27).

Ngày nay được dùng theo ý nghĩa phổ thông, từ ngữ “THẬP GIÁ” đã mất đi phần nào ý nghĩa nguyên ngữ của nó. Một ít khổ đau, bất hạnh, thử thách đều có thể là một thánh giá. Khi nói rằng ai không vác thập giá thì không xứng đáng làm môn đệ Người, Chúa Giêsu muốn chỉ đến một hành động quyết liệt dứt khoát hơn. Hẳn Người đang nghĩ đến các hình ảnh khủng khiếp của những hình khổ lúc bấy giờ. Người La mã thường dùng thập giá như một khổ hình. Người Palestine đã quá quen thuộc từng đoàn người vác thập giá của mình đến nơi họ sẽ bị treo lên. Thập giá có nghĩa là người vác nó đã bị kết án vào một cái chết nhục nhã. Vác sự nhục nhã đi qua giữa đô thị là một lời cảnh cáo cho dân chúng.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên những gì mà bản tính nhân loại của chúng ta sẽ gặp phải. Về sau, hình ảnh này đã mang lấy ý nghĩa cao đẹp khi trở thành biểu trưng của sự Cứu rỗi. Người Kitô hữu, nhất là người tu sĩ, một khi đã chọn Chúa, phải từ bỏ mình. Phải đi qua cuộc sống như một người đặc biệt, làm đối tượng cho sự nhạo báng, thù ghét của người trần gian. Chúa Giêsu muốn làm nổi bật tương phản giữa người Kitô hữu và trần gian, người Kitô hữu là người bị kết án.

(Pascal Foresi, Con đường thăng tiến, 1974, tr 17-18)

3. Thái độ trước đau khổ

Vác thánh giá là một hình khổ. Hình khổ dĩ nhiên sẽ tạo nên đau khổ. Đau khổ lại man vàn trong đời sống hằng ngày. Thi hào DANTE đã gọi là “Terra lacrymosa” (qủa đất đẫm lệ). Thánh vịnh lại gọi quả đất là thung lũng nước mắt (Tv 79,83). Sách Khôn ngon nói: “Như tất cả mọi người trên trần, tôi đã cất tiếng kêu đầu tiên pha hoà trong nước mắt” (Kn 7,3). Ý tưởng sách Khôn ngoan rất phù hơp với câu tục ngữ Việt nam:”Cất tiếng khóc chào đời”. Người ta không chào đời bằng tiếng cười mà lại bằng tiếng khóc. Thi sĩ Nguyễn gia Thiều đã viết:

Thảo nào khi mới chôn nhau,
đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
(Cung oán ngâm khúc )

Thi sĩ Cao bá Quát cũng đồng quan điểm như trên:

Vừa sinh ra sao đà khóc chóe.
Đời có vui sao chẳng cười khì.

Trần gian đầy đau khổ, đó là một sự kiện, một thực tại phũ phàng mà mọi người phải chấp nhận. Nhưng xét cho kỹ, các đau khổ ấy cũng có cứu cánh của nó chứ không phải phi lý.

Khổng giáo chuẩn bị Kitô giáo bằng cái nhìn sâu sắc về đau khổ, xem như phương thế hữu hiệu để hoàn bị hóa con người. Đức Khổng Thử nói: “Khi Trời muốn trao cho ai một sứ mạng cao cả, trước hết Ngài đổ cay đắng vào tâm hồn họ, làm gân cốt họ ra suy nhược, buộc cơ thể họ phải nếm mùi đói khát, đưa họ đến chỗ tận cùng của đau khổ, cản trở và lật đổ những gì họ xây đắp. Có như vậy mới làm sống lại trong con người những tâm tình tốt đẹp, củng cố đức kiên nhẫn và mang lại cho con người những gì còn thiều sót”.

Thì luân lý Tin Mừng cũng tuyên bố: “Nếu hạt giống không chết đi, ngươi không thể thấy thân mình nảy nở trong một đời Kitô hữu hoàn toàn”. Vì rằng, sự đổi mới của Chúa Giêsu không làm đảolộn đời sống con người., không hủy bỏ đau khổ và sự chết, nhưng mặc cho đau khổ cái công dụng giúp con người và vũ trụ tân tiến. Nếu ta theo ý định của Chúa, nhận sự đau khổ và sự chết trong đức vâng lời. và vì lòng mến Chúa và thương yêu anh em, thì đau khổ và sự chết hóa nên con đường độc nhất đưa đến sự sống lại vinh hiển, vĩnh viễn cho ta và cho cả vạn vật.

(Nữ tu Thiên Phước, báo Nhà Chúa số 6, tr 41)

Khó khăn, đau đớn xảy đến cho con người như cơm bữa: “Đêm ngày nước mắt đã trở thành bánh con ăn” (Tv 42,4). Như vậy, đau khổ xẩy đến không quan hệ, mà chỉ quan hệ ở chỗ là thái độ của chúng ta thế nào trước những đau khổ ấy?

Ta nghĩ thế nào về hạt cát? Hạt cát có lợi hay có hại cho ta? Phải chấp nhận nó hay phủi nó đi? Nếu hạt cát rơi vào mắt ta, chắc chắn ta phải tìm cách phủi đi ngay vì nó chỉ làm ta đau khổ. Nhưng nếu hạt cát đó lại rơi vào miệng con sò thì sao? Con sò sẽ tiết ra một chất nhờn bao bọc lấy hạt cát và sẽ biến nó thành hạt ngọc. Vì thế, người ta thường tìm sò hến để kiếm ngọc.

Người ta kể sự cấu tạo ngọc trai như sau: khi một vật lạ, chẳng hạn như hạt cát, rơi vào cơ thể tức phần ruột trong vỏ con trai, vào ngay giữa lớp nhuyễn mạc của phần vỏ ngoài con trai. Sau đó nhuyễn mạc sẽ cong lên và tạo thành một cái túi, hạt cát lọt vào trong túi ấy, việc nhuyễn mạc cong lên này cốt chỉ để ngăn chặn sự cọ sát có thể làm trai đau đớn. Dần dần nhuyễn mạc nhả vào trong túi càng ngày càng nhiều để tránh sự đau đớn, nhuyễn mạc bao quanh hạt cát và vô tình tạo thành ngọc cho loài người. Việc cấu tạo thành ngọc trai có thể xẩy ra từ ba, bốn, năm năm là viên ngọc đã tròn và sáng. Ngọc để lâu trong con trai càng lâu càng chắc và đẹp. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó một dòng nước có mang những vi sinh vật làm hại trai, có thể đến với những con trai có mang ngọc, lúc ấy viên ngọc sẽ chết và không còn giá trị.

Xem như thế, chúng ta thấy: đau khổ có thể trở thành dịp tốt cho ta, nếu ta biết lợi dụng nó. Đau khổ trở nên tốt hay xấu là do thái độ của ta đối với nó. Vậy ta có thái độ nào?

Tìm cách đẩy lui nó với thái độ bất mãn khó chịu.

Đón nhận vui vẻ và biến nó trở thành những hạt ngọc sáng chói. Chính những đau khổ

ấy sẽ trở nên hòn ngọc qúi giá là những công phúc mà chúng ta bỏ vào kho trên trời.

Chúng ta đã theo Chúa, vác thánh giá với Chúa, nhưng chúng ta có thể trung thành với Người không, hay giữa đường đứt gánh? Chúng ta có bị liệt vào những hạng thiếu nữ tân thời, thay chồng như thay áo, những người chỉ chú trọng vào những thú vui đê hèn hay chỉ tìm khai thác tiền của, đến khi nhạt nhẽo thì bỏ, đến nỗi thi sĩ Thế Lữ phải than:

Tình người thay đổi,
Thay đổi tình người,
Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Chắc chúng ta không muốn bị liệt vào những hạng gái xấu nết này. Chị em đã chọn Chúa Giêsu làm bạn trăm năm của mình thì quyết trung thành với Người, dù đắng cay trăm phần cũng chịu:

Đi đâu cho thiếp đi cùng,
đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
(ca dao)

Chúng ta hãy dùng cây thánh giá để được sức mạnh can đảm mà chịu đựng, mà chấp nhận cảnh sống hiện tại với bao hy sinh đau khổ. Hãy qúi mến thánh giá như gương của tướng Carreau. Người ta kể rằng: tướng Carreau bị tử thương. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm cây thánh giá mà vợ ông đã đeo vào cổ ông, rồi nói với các bạn: “Các bạn hãy can đảm lên. Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của các bạn, đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi, và ta thật vô phúc nếu sau khi chết, ta thấy rằng ta không hiểu biết, thờ lạy và bênh vực Chúa Kitô”.

(Nguyễn hài Đồng, Tự điển câu truyện, 1969, tr 139)

KẾT LUẬN

Chị em hãnh diện vì mình được mang tên là dòng Mến Thánh giá. Phải mến Thánh giá thực sự. Muốn không chưa đủ, phải yêu nữa. Vì nếu chỉ mến thôi, người ta còn ở xa, “kính nhi viễn chi”, người ta suy phục nhưng có thể chưa hy sinh cho người mình mến. Nhưng nếu yêu ai thì tình yêu ấy có thể thúc đẩy nguời ta hy sinh cho người mình yêu:”Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng chết vì người mình yêu”. Dòng Mến Thánh Giá! Dòng mang tên thập đẹp mà nếu trong đời sống hằng ngày mà không thực yêu thánh giá thì phải gọi là “DÒNG KHIẾP THÁNH GIÁ”, hay còn tệ hơn nữa là “DÒNG GHÉT THÁNH GIÁ”.

Chị em Mến Thánh giá thì phải luôn nhắc tới Thánh giá. Mỗi khi làm dấu Thánh giá chị em phải hiểu ý nghĩa tượng trưng của nó:

– NHÂN DANH CHA: tay để trên trán, dạy ta phải hiểu rằng Chúa đã dùng cây thánh giá mà chuộc tộâi cho nhân loại.

– VÀ CON: tay để ở ngực, ở trái tim, dạy ta phải yêu mến thánh giá Chúa, phải ôm lấy thánh giá Chúa vào lòng, phải yêu mến sự hy sinh hãm mình: per crucem ad lucem.

– VÀ THÁNH THẦN: tay để ở hai vai, dạy ta phải vác đỡ thánh giá Chúa, hai vai thay nhau mà vác.

– AMEN: chắp hai tay, cúi đầu xuống, dạy ta hãy tôn kính thánh giá Chúa. Hoặc tay xếp hình thánh giá để vào miệng, dạy ta hãy tôn kính và dùng môi miệng mình để cao rao Chúa Kitô chịu đóng đinh như thánh Phaolô đã tuyên xưng: “Praedicamus Jesum cruxifixum” (1Cr 1,23): Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Hôm nay lễ kính Thánh giá Chúa, quan thầy của dòng chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để thực sự có lòng yêu mến thánh giá Chúa, tìm thấy sự khôn ngoan trong thánh giá, sự khôn ngoan đã bị che khuất mắt những người thông thái thế gian, để chúng ta không còn mặc cảm mình là những kẻ khờ, người điên. Cho dù bị gọi là người điên trước mặt người ta nhưng trước mặt Chúa là những người khôn ngoan. Hãy suy niệm lời thánh Phaolô để yên ủi mình: “Nếu ta đã chết với Đức Kitô, ta tin tưởng cũng sẽ được cùng sống với Người” (Rm 6,8).

 Lm Giuse Đinh Lập Liễm