Hồn Tông Đồ

87

thánh hiếnCuối cùng, năm nay chúng tôi không được cùng nhau dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh, mọi người như đang được sống tâm tình mong ngóng chờ đợi Chúa đến như những người dân Sion ngày xưa. Đã hết rồi những buổi chiều thứ Bảy và Chúa nhật, những ông già bà lão lom khom đến dâng lễ. Hết rồi những tiếng trẻ thơ chơi đùa ngoài sân đợi ông cố đến cử hành Thánh lễ và cũng không còn được nghe những tiếng cọc cạch của chiếc xe đạp cũ kỹ nữa. Căn nhà nguyện được dựng lên bởi những tàu lá dừa vốn đã khiêm tốn bây giờ lại thêm phần vắng lặng. Bụi trúc bên nhà nguyện đong đưa theo làn gió cọ xát vào vách xào xạc như nói thì thầm với căn nhà “hãy kiên nhẫn bạn nhé”. Tượng Chúa chịu nạn trên bức cạc-tông như hiểu được nỗi buồn của chúng tôi, những nông dân chất phát hiền lành, đang khao khát có được một sự tự do sống niềm tin tôn giáo của mình, mọi sự đã chấm hết, tất cả bây giờ chỉ là quá khứ. Tôi lang thang ngoài sân nhà nguyện, những cơn gió của mùa Giáng Sinh làm cho tâm trạng tôi buồn hơn bao giờ hết. Tôi quyết định gửi nhà cho mẹ con chị Ánh, một người giáo dân trong giáo điểm, lên đường trở về Sài Gòn với hy vọng còn kịp thấy bầu không khí của mùa Giáng Sinh.

Tưởng như tôi sẽ được thoải mái và hạnh phúc khi trở về với bầu khí nhộn nhịp trên thành phố, nhưng ngược lại lòng tôi lại như lửa đốt khi nghe đâu đó lời bài hát “mùa Đông năm ấy sao sáng soi cuối trời, mùa Đông năm ấy Con Chúa sinh xuống đời, nhịp ca véo von bao thiên thần vang hát, tôn thờ Ngôi Hai giáng sinh trần ai. Con hợp với thiên thần hòa vang câu hát, con hợp với thiên thần hòa vang câu hát, mừng sinh nhật Chúa vinh quang, mừng sinh nhật Đấng yêu đương, sinh nhật từ ái sáng như công bình…”. Hơn hai giờ chiều, tôi vác ba-lô trên vai, lên xe và quay trở về giáo điểm, nơi khỉ ho cò gáy. Trời mỗi lúc một tối hơn, những làn gió mang hơi nước mỗi lúc một lạnh hơn, những ánh đèn ô-tô chiếu thẳng vào mắt, thêm vào đó là những con thiêu thân cứ nhằm mặt tôi mà lao vào không thương tiếc khiến tôi không thể chạy nhanh được. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy ánh đèn cây xăng, đã gần đến nhà rồi, tôi mừng thầm vì vừa vượt qua gần hai trăm năm mươi cây số.

Tiếng chó sủa ồn ào, trước cổng nhà tôi có năm sáu người mặc đồ dân quân, người cầm gậy, người lắc cổng nhà tôi liên hồi. Dù trời tối nhưng tôi thấy được sự căng thẳng bực tức trên khuôn mặt hằm hằm của họ. Tôi cho xe chạy qua nhà và quay lại chạy thẳng vào nhà người hàng xóm, dù không quay lại nhưng tôi có cảm giác nhóm người đó chạy theo tôi. Dựng xe trên vỉa hè, tôi bước vào nhà, cả nhà nhìn với tôi ánh mắt lo lắng. Dì Thúy, chủ nhà, liền kéo tôi vào nói vội: “Dì ngồi đó nghỉ”. Tiếng ồn ào ngoài cổng: “Ai đó mày”? “Dì ở Kiên Giang qua chơi”, tiếng đứa con trai dì Thúy lanh lẹ trả lời. Nghe vậy họ lại kéo nhau qua cổng nhà tôi, tiếng chó sủa lớn hơn.

– Sao dì lại xuống, mấy bữa rày mấy người đó đến kiểm tra nhà dì hoài, con nói dì về Sài Gòn rồi. Mấy người đó ưa kiếm chuyện, cấm lễ người ta, bây giờ còn đuổi dì nữa. – Dì Thúy hỏi gấp.

– Họ có nói gì không dì Thúy? – Tôi hỏi vội.

– Không, họ cứ đến giấc tối như vậy, họ không cho ai ở căn nhà đó hết, họ đuổi mẹ con Ánh nữa đó. – Giọng dì Thúy căng thẳng.

– Vậy mẹ con chị Ánh đâu rồi?

– Hai mẹ con nó đang ở trong nhà dì đó. Nó không dám thắp đèn vì sợ. Mấy người kia mà thấy ánh đèn là họ làm lớn chuyện.

Sau vài câu hỏi để biết tình hình, tôi khom người đi ra sau nhà và về nhà mình bằng lối mòn trong vườn sau nhà dì Thúy. Tôi gọi điện báo trước để con chị Ánh ra mở cửa sau nhà, căn nhà tối như đêm ba mươi, tôi lò mò vào nhà theo cảm tính của mình.

– Dì về con mừng quá, tiếng chị Ánh nói.

– Ở nhà họ có làm gì hai mẹ con chị không?

– Dạ, họ mời con lên trụ sở làm việc, con chị Ánh trả lời.

Họ hỏi con là ai mà ở nhà này, con trả lời là người ta nhờ con đến trông nhà nên con ở. Họ hỏi con nhiều lắm, mà họ đập bàn rầm rầm, con sợ, con quên hết trơn rồi. À, dì ơi! Họ hỏi dì đi đâu rồi, con nói dì đi vắng rồi, mấy người đó muốn gặp dì đó.

– Không sao đâu, mọi sự cứ phó thác cho Chúa, tôi trấn an hai mẹ con. Bây giờ hai mẹ con đi ngủ đi, trễ rồi. Nói thêm vài câu nữa tôi đi lên phòng của mình, những bước chân nặng trĩu mang đầy tâm sự, tôi lo lắng ngày mai họ mời tôi thì tôi sẽ nói những gì, họ có đuổi tôi không, hay tôi có bị bắt không…? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra nhưng không biết trả lời làm sao.

Tiếng chó không còn sủa nữa, trời về đêm yên lặng làm sao, ánh trăng soi qua cửa sổ làm cho căn phòng tôi sáng hơn, nhìn qua khung cửa tôi thấy một vùng trời bình an và thanh thản nhưng trong lòng tôi đang dậy sóng. Trong đêm vắng, tất cả ký ức hiện lên như một bộ phim, mới ngày nào tự do bây giờ phải lẩn trốn. Mấy ngày trước, chạy xe hơn mười cây số để được dâng lễ, suốt đoạn đường đi tôi đã khóc vì từng khuôn mặt bà con giáo dân hiện lên trong đầu tôi. Tôi thương họ vì họ là những con chiên không người chăn dắt, bây giờ không được quy tụ bên nhau dâng lễ, họ bơ vơ và tan tác, không biết ngày mai sẽ ra sao. Đêm nay tôi bị dằn vặt vì họ và bởi những khó khăn sắp tới tôi phải đối diện, hết suy nghĩ này đến tư tưởng khác cứ ập đến. Tôi nghĩ sắp tới có thể Hội dòng sẽ đưa tôi về cộng đoàn khác phục vụ vì ở đó tôi sẽ không gặp khó khăn, tôi sẽ tự do phát huy khả năng và sẽ dấn thân tốt hơn, tôi có nên bỏ họ lại không? Ngồi dậy, tôi bước qua phòng nguyện, ánh đèn nhà tạm vẫn sáng, tôi quỳ xuống trước Thánh Thể và tôi òa khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Tiếng khóc là câu trả lời cho tôi và tôi biết tôi phải làm gì.

Lạy Chúa! Con không thể tìm cho bản thân con một sự bình an ích kỷ được. Con sẽ ở lại, ở lại với đàn chiên của Chúa. Con sẽ đem tình yêu thương của Chúa đến với họ, con sẽ nói với họ là Chúa luôn yêu thương và luôn sống bên họ, và cho dù con phải thế nào con cũng chịu. Những khó khăn không còn là vấn đề đối với tôi khi tôi nghĩ đến đàn chiên của Chúa, mà ngược lại trái tim tôi rực lên ngọn lửa yêu mến và nhiệt thành. Ngọn lửa đó mãnh liệt đến mức nếu ngay bây giờ bị bắt tôi cũng sẵn sàng và vinh dự vì được làm chứng cho Đức Giêsu, ngọn lửa đó làm cho tôi khao khát được ơn chết cho niềm tin của mình. Tôi nói trong đêm một cách xác tín: “Lạy Chúa, con sẽ ở lại cho đến lúc Chúa muốn đưa con đi”.

Tôi đứng lên bước về phòng, ngoài trời ánh trăng vẫn sáng vằng vặc, bầu trời như cao hơn, những đám mây lơ lửng nhẹ nhàng cuốn theo những ước mơ của tôi, bụi trúc đổ bóng dưới sân, tiếng côn trùng rả rích trong đêm nghe như một bản nhạc được tấu lên để ca ngợi Đấng tạo thành nên chúng, bản nhạc thật dịu êm. Lòng tôi bình an và mạnh mẽ hơn. Tôi vẫn cất lên lời tri ân, cảm tạ Chúa.

Nt. Anna Hồng Ân