Hạnh phúc là gì? (2)

76

(Bài 2/6 bài viết về đề tài hạnh phúc)

Bạn thân mến,

Chúng mình đã trao đổi với nhau về hạnh phúc và chúng ta đã tạm dừng đôi phút để lắng đọng những suy tư ấy trong cảm nhận, tuy chưa thật rõ nét nhưng vẫn sâu lắng lạ thường, về ý nghĩa của hạnh phúc.

Và, bạn biết đấy, thực sự không dễ để có câu trả lời cho vấn nạn hạnh phúc là gì! Không dễ vì bá nhân bá tánh; không dễ vì sự khác biệt của mỗi người rồi sẽ đưa đến những cách hiểu khác nhau về hạnh phúc. Chúng ta hãy nhìn lại lần nữa cụ thể hơn về hạnh phúc, từ những gì đang diễn ra quanh ta, bạn nhé!

Hạnh phúc, với một số người, dường như chỉ là cảm giác phấn khích, sướng vui, khi có trong tay một điều may mắn nào đó, nhờ nguồn gốc xuất thân hay qua các mối quan hệ… Cái cảm giác ấy thật vi diệu, nó rạo rực, lâng lâng… vì bất chợt nhận ra rằng mình hơn các bạn đồng trang lứa, và cũng còn vì ở trên nhiều người ngoài kia… Và họ hạnh phúc đến nỗi bị thôi thúc phải la to lên cho người khác nhận ra được nỗi sướng vui, hả hê của họ. Và không chỉ thế đâu nhé, nó còn pha lẫn niềm kiêu hãnh ngút trời đến độ không thể không “tỏa nắng”…

Chắc bạn còn nhớ, trong bối cảnh giãn cách, có cô kia sung sướng khoe rằng nhờ mẹ can thiệp mà bố liền cấp ngay cho mình một tấm giấy thông hành để đi ra đi vào… Sướng thật! Rồi lại một chị nọ, cách nay mấy hôm, hồn nhiên lên FB “cảm ơn ông anh…” vì có giấy ra đường để “chạy vòng vòng…” trong những ngày giãn cách… Ôi, thật hạnh phúc! Nói chung, cảm giác lâng lâng ấy rất lớn, rất mạnh, đến độ không nhặt được miệng, họ đành thổ lộ tất cả trên mạng xã hội… mà không cần suy nghĩ gì hơn về những cái kết có thể xảy đến sau đó!

Nhưng đâu chỉ thế! Một cô nọ, để bằng chị, bằng em về độ cảm nhận hạnh phúc, có lẽ thế, đã mau chóng đăng tải một bức hình, nét thật nét, với lọ vaccine trên tay trong trạng thái cực mãn nguyện vì được hưởng một tình thương rất mực, luôn yêu chiều mình bằng tình yêu “củ ấu cũng tròn”, nên tình yêu ấy đã vượt qua mọi rào cản của lẽ thường, để vị trí số một luôn thuộc về những đứa con thuộc hàng 5C, theo cách nói của người đời: con cháu các cụ cả! Thật không hổ danh “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”!

Nhiều và còn nhiều lắm những câu chuyện như thế về niềm vui “tỏa nắng” theo cách “may mắn hơn người” của những cậu ấm, cô chiêu hay của một ai đó mà chúng ta không thể kể ra hết được!

Nhưng hạnh phúc, liệu có là những giây phút thăng hoa với cảm xúc theo kiểu thấy mình “dưới một người nhưng lại trên muôn người” nhờ những “cơ duyên” như thế không bạn nhỉ?

Không! chắc chắn là không! Vì khi tự nâng mình lên trên người khác nhờ: nguồn gốc xuất thân, các mối quan hệ hay tiền tệ, ngay cả lợi thế của bản thân như ngoại hình, thiên hướng… để tìm kiếm và thỏa mãn riêng mình các nhu cầu nhân sinh (thuộc tâm, sinh, thể lý), trước những người kém may mắn đến từ một hoàn cảnh khó khăn, hay không có được một bệ phóng để “học lớp 2, khai lớp 7, nhảy thành tiến sĩ” trên bước đường học vấn, sự nghiệp… thì dầu kẻ đó là ai, tất cả, với lối sống ấy, đều không được biện chính trong tư cách của một con người. Ngay từ xa xưa, ông bà ta cũng đã không chấp nhận cách sống tìm mình như thế khi nói: “Xấu đều hơn tốt lỏi” hay “Khôn độc không bằng ngốc đàn” nhưng thay vào đó là nêu cao một lối sống hiệp thông, đồng cảm trong cuộc sống làm người: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.

Sống chan hòa, san xẻ trong yêu thương mới thực sự là cuộc sống của con người. Trong góc nhìn ấy, Marx cũng đã để lại một tư tưởng thật đáng để chúng ta nghiền ngẫm: chỉ có những con vật mới quay lưng lại với những đau khổ của đồng loại, để liếm láp bộ lông của mình.

Vâng, hạnh phúc thật sự của một con người là không phải để trở nên một con vật nhằm theo đuổi thỏa mãn nhu cầu bản thân như lời Marx đã nói.

Hạnh phúc không phải là có thật nhiều và có nhiều hơn những người khác. Hạnh phúc thật là một điểu gì đó thiêng liêng cao cả, làm cho chúng ta nên người bởi những hành vi nhân linh (lý trí và ý chí tự do), chứ không phải là những gì làm chúng ta xa rời nhân tính của chúng ta. Khi quá lệ thuộc vào nhu cầu vật chất để thỏa mãn bản thân ở bình diện nhân sinh, chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ bị vật chất hóa và trở thành tên nô lệ cho chủ nghĩa hưởng thụ đấy, bạn ạ!

Và cho đến muôn đời, điều chúng mình vừa chia sẻ ở trên về việc sống với những niềm vui riêng mình mà quên mất người xung quanh, sẽ chỉ là những ảo giác được thăng hoa mà không bao giờ là hạnh phúc, bạn nhỉ!

Cần Giờ SDB