GIỮA LÒNG HỘI THÁNH CON SẼ LÀ TÌNH YÊU

573

Têrêxa Hài Đồng Giêsu

GIỮA LÒNG HỘI THÁNH CON SẼ LÀ TÌNH YÊU

Thưa anh chị em,

Thế là chúng ta mừng 100 năm chị Têrêxa qua đời tại dòng kín Lisieux, lúc mới 24 tuổi.

Từ ấy, cuộc bùng nổ những sách báo viết về chị vẫn chưa hề ngớt. Chị vừa mới về trời, cả thế giới đã nói về chị. Đàng khác, chính chị cũng nói rằng chị về trời là để làm điều tốt cho trần gian. Điều này đã nghiệm đúng và vẫn còn nghiệm đúng. Trong năm dọn mừng kỷ niệm bách chu niên của chị, người ta rước hài cốt của chị tới nhiều miền của châu Âu, từ thành phố này đến thành phố khác. Cô gái “bé nhỏ” của vùng Normandie thế kỷ 19 mang dáng dấp quý phái (về chuyện này thì thực ra đã chẳng có gì đáng nói) đã tiên báo trên giường chết: “A! con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con!…” Và lần này cũng thế, hằng trăm ngàn người lên đường hành hương kính nhớ chị.

1. Ở THÀNH PHỐ ẤY, CÓ MỘT NGƯỜI CHA VÀ 5 CÔ CON GÁI

Đã từ một thế kỷ, những ai muốn tìm hiểu Têrêxa, mới đọc tác phẩm chị viết, thoạt đầu đều cảm thấy khó chịu. Người ta cảm thấy hoàn toàn bị lạc hướng do những điều chị nói hoặc viết.

Chính là vì thánh nữ Têrêxa có dáng dấp như một cô gái quý phái người Pháp. Hơn nữa, lại sống vào thế kỷ 19. Cùng với 4 người chị, cô bé sống trong một môi trường được bảo vệ thật kỹ, xa cách hẳn với thế giới bên ngoài, tại “Buissonnets”, một ngôi biệt thự khiêm tốn ở một ngôi làng khiêm tốn, là Lisieux. Thật vậy, xung quanh cô bé, ngoài ông bố ra, chỉ thấy toàn các thiếu nữ. Mà ai cũng lớn hơn cô, giành nhau để được chăm chút cho cô út bé nhỏ. Cả cuộc sống diễn ra bên trong một hình 5 góc: gia đình – nhà thờ – năm phụng vụ – trường học – nghỉ hè ở miền biển hoặc ở miền quê, tại nhà các cậu hoặc các dì. Mọi thứ đều chính xác và đều được chăm sóc kỹ như đồ đăng-ten ở AlenÇon, cũng chính nhờ cái tỉ mỉ nổi tiếng của miền AlenÇon mà cha mẹ của Têrêxa đã có thể kiếm sống.

Phần thứ hai của cuộc đời Têrêxa, nhìn từ bên ngoài, cũng chẳng có gì phấn khích hơn. Tại nhà kín Lisieux mà chị vào tu từ hồi 15 tuổi, thế giới bên ngoài thu hẹp lại nơi một khoảng trời vuông nhìn thấy được từ sân trong của nhà dòng: chỉ mấy thước vuông của cả vòm trời bao la bát ngát! Cũng nên nhớ rằng hầu như cả gia đình của Têrêxa đã dọn nhà tới đó ở: Ba trong số bốn người chị của Têrêxa là nữ tu ở đó. Người nhà chiếm hết một nửa nhà dòng rồi! Tu viện đã lặng lẽ thế chỗ cho mái nhà cha mẹ! Ở đó, người chị cả là Pauline – người mẹ thứ hai của Têrêxa sau khi bà Zélie qua đời – sẽ là bề trên của Têrêxa dưới tên dòng là Mẹ Agnès. Hai người mẹ cho cùng một người con! Têrêxa đã phải nhiều lần la lớn lên cho mình và cho người khác rằng: “Chẳng phải là để sống với các chị tôi mà tôi đã vào dòng kín này, nhưng chỉ là vì Chúa Giêsu.” Câu nói ấy cho thấy rõ là tình huống không đơn giản!

2. MỘT MẦM NON VĂN CHƯƠNG ?

Têrêxa đã viết kín ba quyển vở học trò. Chị buộc phải làm vậy, do lệnh truyền của vị bề trên và cũng là người chị cả. Chị chẳng thích thú gì với chuyện viết lách đó, vì chị rất ghét nói về bản thân và cuộc đời mình. Chị đã chịu viết là bởi chị coi tất cả những điều ấy đều là “ân sủng” mà bàn tay Chúa đã ban cho. Chị nói, dưới mắt chị, không một chuyện vặt vãnh nào trong đời chị lại không là một ơn lành của Thiên Chúa.

Trong những trang vở ấy, có biết bao điều kỳ diệu! Nhưng chỉ kỳ diệu đối với những ai đọc lại lần thứ hai hoặc lần thứ ba. Chỉ cần nghĩ tới từ “thánh” mà hầu như trang nào ngọn bút chị cũng trào ra, một từ đã thật sự trở thành xa lạ với ngôn ngữ thường ngày của chúng ta hiện nay! Hai tiếng “thánh thiện” dường như đối với chúng ta ngày nay đã trở thành đồ cổ! Thế nhưng đó lại là ngôn ngữ tự nhiên của chị, phảng phất nét cổ xưa trong những khuê phòng đài các thế kỷ 19. Trong ba cuốn tập ấy, hai tiếng “bé nhỏ” lặp đi lặp lại đến hơn 300 lần. Chị có hằng loạt kiểu nói thu nhỏ: người cha bé nhỏ và người mẹ nhỏ nhắn của chị, một ông vua nhỏ và một hoàng hậu nhỏ, một bông hoa tím nhỏ, một con đường nhỏ và một cái tổ nhỏ… Ấy, vào thời điểm chị viết nên những dòng này, Têrêxa đã từ lâu không còn là một cô bé nữa mà đã là một nữ tu Cát Minh trưởng thành và đã trải qua biết bao đau khổ. Từ cuối năm 1894, khi chị đã 21 tuổi, chị mới bắt đầu ký tên ở cuối thư là “Têrêxa nhỏ (của Mẹ)”. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu nhiều người đã bỏ ngang khi đọc bút ký của chị. Họ cho rằng chỉ toàn chuyện trẻ con. Thế nhưng, cứ thử nhìn kỹ hơn…

Têrêxa dùng rất nhiều hình ảnh. Mà hiếm khi những hình ảnh này vượt khỏi khung cảnh thân quen: ngôi nhà, khu vườn, căn bếp. Toàn là chuyện những bông hoa đồng nội, những trái nho, những hoa tím, hoa hồng, hoa thược dược, một con chim ác là, một con chim đỏ mỏ, bầy chim hót đang khi bay sát bên cửa sổ chị, con chó Tom của biệt thự Buissonnets. Chị nói: “Con rất thích đồng quê, chim chóc và hoa lá”…. Chị “Têrêxa bé nhỏ” ấy có thật đúng như lời một vị giáo hoàng, là vị thánh lớn nhất của thế kỷ 20 này không?

Thế mà… sau khi chị qua đời năm 1897, từ đời sống của chị, từ những lời chị nói và những gì chị viết, đã tuôn trào những dòng suối làm dãn khát hằng triệu người. Cả cho đến hôm nay, ngay giữa não trạng lạnh lùng và thực dụng của con người thời đại. Cô gái bé nhỏ ấy đã uốn nắn hình ảnh vị Thiên Chúa nghiêm khắc của thời đại cô thành hình một Người Cha đầy lòng thương xót. Vào một thời mà mỗi người đều tưởng rằng mình phải làm một cái gì đó để đáng được Thiên Chúa thương đến, chị đã dám làm một điều chướng tai gai mắt là dám ra trước mặt Chúa “với hai bàn tay không”. Nhất là chị dám nói rằng người ta chẳng bao giờ đi quá xa trong sự tín thác.

Têrêxa còn làm hơn thế nữa. Chị đã rảo qua mọi nẻo đường chết chóc mà chúng ta từng sa vào, nhưng chị vẫn không bị lạc. Chị đã đến ngồi “chung bàn với các tội nhân”, đã vượt qua hoả ngục của sự cứng lòng tin và đã nhiều năm phải sống trong sự hoài nghi. Chị đã mang lấy mọi khổ đau của nhân thế. Chị đã liều mình sống cái nghịch lý: Trong Nước Trời, những người nhỏ nhất sẽ nên lớn nhất và những người lớn sẽ thành nhỏ. Trong năm thánh mừng chị lần này, Têrêxa có một điều muốn mặc khải cho chúng ta. Chị nói: “Tôi có một đôi điều thích hợp với mọi khẩu vị, chứ không chỉ dành riêng cho những người đang mong tìm những nẻo đường đặc biệt”.

3. GIA ĐÌNH MARTIN

Thường thì một gia đình toàn vẹn sẽ tạo thuận lợi cho việc giáo dục, còn một gia đình bị sứt mẻ sẽ gặp nhiều trở ngại. Trường hợp Têrêxa cho thấy điều đó không tuyệt đối đúng. Không cần phải có một gia phả được ưu đãi mới nên thánh được. Ân sủng có thể phù giúp những con chim bị thương ngay từ khi chúng còn hết sức non nớt.

Bà Zélie, mẹ của Têrêxa là con gái một quân nhân và là một phụ nữ tháo vát. Chẳng phải là chính bà đã khéo vận dụng và chuyển giao cho chồng cả một doanh nghiệp về đăng-ten tại AlenÇon? Hồi còn bé, bà đã phải đau khổ nhiều vì mẹ bà quá thiên vị người anh trai bà. Trong một lá thư sau này, bà có viết cho người anh ấy rằng: “Những năm ấu thơ và thời niên thiếu của em buồn như một tấm khăn liệm, vì mẹ chúng mình trong khi rất cưng chiều anh thì lại hết sức khắt khe với em. Mẹ tốt đấy, nhưng có điều mẹ chẳng biết phải xử với em làm sao, khiến em cứ phải hết sức đau khổ trong tâm hồn.” Bà Zélie Martin qua đời khi Têrêxa mới lên bốn. Bảy năm liền trước khi sinh hạ Têrêxa, bà đã phải chịu đau đớn vì chứng ung thư vú. Khi sinh hạ cô gái út là Têrêxa, bà đã viết: “Tôi đã phải đau khổ nhiều trong cuộc sống”. Đàng khác, cái chết đã chẳng bao giờ rời xa tổ ấm Buissonnets. Không đầy ba năm rưỡi, gia đình Martin đã mất ba người con tuổi còn măng sữa, và ít lâu sau còn mất cả một bé gái mới năm tuổi rưỡi.

Còn ông Louis Martin, ông thật là một người hiền hậu và thiên về suy niệm. Khi rảnh rỗi, ông thích đi câu cá. Ông đã từng ước mơ trở thành đan sĩ trong dòng thánh Bênađô, khi mới 21 tuổi. Thế nhưng, ông chưa học được tiếng la-tinh. Ông rất đạo hạnh, đến năm 34 tuổi ông vẫn còn độc thân. Bấy giờ ông mới lập gia đình với bà Zélie. Họ thoả thuận với nhau sẽ chỉ sống như anh em. Mãi mười tháng sau, cha giải tội của họ mới khuyên họ bãi bỏ dự tính ấy. Sau khi Têrêxa vào dòng Cát Minh, ông Louis dần dần trở nên đau ốm, một sự suy sụp kỳ bí về tinh thần. Quả là một thử thách hết sức nặng nề cho Têrêxa khi chứng kiến cảnh cha mình chìm dần vào chứng loạn trí, phải trôi dạt từ dưỡng đường này sang dưỡng đường khác. Khi còn bé, một lần kia cha đi vắng, thế mà giữa ban ngày Têrêxa lại nhìn thấy cha bước đi trong vườn, trên đầu trùm chiếc khăn đen.

4. MỘT THIẾU NỮ BÉ NHỎ, XUẤT THÂN TỪ MỘT THÀNH PHỐ “NHỎ” TRONG MỘT THẾ KỶ “NHỎ BÉ”

Vào thời kỳ Têrêxa sinh trưởng, nước Pháp chẳng có gì đáng kể nhưng lại ái quốc cực đoan. Người ta mơ đến nữ anh hùng Jeanne dArc và vua thánh Louis. Trên bìa cuốn vở tập viết đầu tiên của Têrêxa khi đến trường, người ta vẽ hình một người lính, tay cầm gươm, tay cầm cờ. Cô bé đã cầm bút chì ghi lên đó: “Vạn tuế Thiên Chúa của người Pháp”. Têrêxa là một em bé của thời cuộc, thế nhưng về sau trong những gì chị viết, ta không hề thấy một dấu vết nào của chủ nghĩa ái quốc cực đoan hoặc bài ngoại.

Tinh thần đạo giáo của thời đại ấy chẳng có gì sáng chói. Hội thánh khắp nơi đang phải hít thở bầu khí lạc giáo Jansenius, với vị Thiên Chúa đầy nghiêm khắc của họ. Đời sống Kitô-hữu lúc ấy chủ yếu là chiến đấu bằng hy sinh hãm mình, và nhân đức chủ chốt của một người Kitô-hữu tốt là một ý chí sắt đá. Việc đào tạo giáo lý thật nghiêm khắc, vừa nặng từ chương vừa duy ý chí.

Trong dòng kín, Têrêxa cũng phải khốn khổ nhiều với những bài giảng cấm phòng. Đối với chị, mỗi lần tĩnh tâm là một lần kéo lê những tuần lễ leo núi Canvê: Hầu hết các nhà giảng thuyết đều trổ tài hùng biện để nói về tội lỗi, luyện ngục và hoả ngục. Họ chẳng chuẩn bị được cho Têrêxa một chút gì đối với sứ mạng tương lai của chị. Thế rồi có một nhà giảng thuyết bình dân dòng Phan-sinh tình cờ phải giảng thay cho một cha bạn bị ốm. Vị này đã nói một lời giải toả cho Têrêxa: “Linh hồn tôi là một cuốn sách trong đó Chúa đọc được nhiều hơn tôi..”

Tại Buissonnets, Têrêxa đã được bảo vệ quá kỹ: từ đường đi nước bước, sách vở, gặp gỡ, bạn bè. Cung giọng đối thoại ở đó bao giờ cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng, lót đầy những tính từ làm dịu nhẹ. Têrêxa đã gọi ông bố là “hoàng đế cưng của lòng con”, và trong cuốn tập thứ nhất, chị đã sáu lần ghi lại rằng cha chị thường đặt chị ngồi lên gối ông.

5. MỘT TỔ ẤM CÓ NHIỀU YÊU THƯƠNG

Tuy nhiên, có một số điều hết sức độc đáo trong tổ ấm Buissonnets: Đó là một tổ ấm có nhiều yêu thương. Trong mấy cuốn tập của chị, Têrêxa không ngớt nói về bầu khí thân thương và nhiệt tình chị đã cảm nghiệm ở gia đình: “Suốt đời con, Chúa đã thương bao bọc con bằng tình yêu; những kỷ niệm đầu tiên của con in đậm những cái mỉm cười và những vuốt ve êm ái nhất. Nhưng nếu Ngài đã đặt bên con ngần ấy tình thương thì Ngài cũng đặt trong trái tim bé nhỏ của con cả một nguồn mến yêu và nhạy cảm. Người ta không thể tưởng tượng nổi con yêu mến bố mẹ con đến mức nào; con đã bày tỏ cho các ngài sự dịu dàng của con bằng trăm ngàn cách, bởi vì con vốn hay thích thổ lộ.” (Chuyện một tâm hồn, chương 1).

Ở đây, người cha đã chiếm chỗ nhất; vả nữa trong cả ngôi nhà nhỏ ấy chỉ một mình ông là đàn ông, còn Têrêxa là gái út. Mẹ của Têrêxa đã viết cho người con cả là Pauline: “Bố con làm hư nó và chiều nó đủ chuyện”.

Thế nhưng có một điều chắc chắn là: dù tình yêu thương trong gia đình Martin có giới hạn, bất toàn và ngay cả giản lược đến đâu (như có người sẽ bảo rằng ấy là phong cách của thế kỷ 19), thì vẫn phải nói rằng ở đó người ta thực sự yêu thương nhau. Chính ở đó mà Têrêxa đã học biết làm sao Cha trên trời lại quan tâm đến chị và quan tâm nồng nhiệt tới mức nào. Nếu hình ảnh của chị về người cha có phần nào bị nhận chìm do bệnh tật và chứng loạn trí về cuối đời của ông Louis Martin thì ông lại được chị coi như hình ảnh của Chúa Cứu Thế, được diễn tả nơi phần cuối tên dòng của chị: “Thánh Nhan”.

6. “TÔI HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÔ BÉ KHÔNG CÓ KHUYẾT ĐIỂM…”

Khi còn rất nhỏ, Têrêxa đã nói mình muốn trở nên “một vị thánh lớn”. Về sau, được sửa lại một chút và trở thành “một vị thánh bé nhỏ”. Nhưng, chị nói, tất cả những điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc nơi những gì Chúa muốn thực hiện nơi chị, chứ không hề do những gì chính chị có thể làm được, theo bản chất và cá tính của chị.

Bởi lẽ Têrêxa cũng đã từng chiều theo tính khí riêng. Chị muốn điều gì là làm ngay cho bằng được, không trì hoãn. Về chuyện này, mẹ chị có viết: “Hễ không bằng lòng chuyện gì là nó lăn ra đất như một kẻ thất vọng; nó tưởng rằng mọi sự đã mất sạch; có những lúc cái phản ứng ấy quá mạnh, đến nỗi nó bị nghẹt thở. Quả là một đứa bé nóng nảy!…” – “Về sự hiền dịu thì nó kém xa chị Céline nó”, vẫn lời của mẹ chị, “nhất là nó cứng đầu không ai khuất phục nổi: nó mà đã nói “không” thì không gì có thể khiến nó lay chuyển; có lần mẹ đã vất nó xuống hầm rượu cả một ngày mà vẫn không khiến được nó phải thưa “vâng”; nó thà ngủ luôn trong đó chứ không chịu nhượng bộ!”

7. NHÚT NHÁT VÀ DỊU HIỀN, NHẠY CẢM ĐẾN THÁI QUÁ..”

Khi Têrêxa lên bốn, thì mẹ lâm bệnh. Bà vẫn còn đi hành hương Lộ Đức nhưng theo lời các bác sĩ thì chẳng còn hy vọng gì. Mấy tháng sau thì bà chết. Biến cố ấy khắc sâu vào tâm trí đứa trẻ như khắc vào bảng cẩm thạch.

Đó là lần đầu tiên Têrêxa tiếp xúc với cái chết. Và với cái chết của mẹ, cuộc đời của chị đã lật sang một trang khác. Không còn nữa, thời của tình yêu thương không gợn bóng mây, thời của hạnh phúc gia đình êm đềm thơ ấu, của những niềm vui tràn đầy với những gam màu sôi nổi. Hơn nữa, gia đình lại phải rời AlenÇon về định cư ở Lisieux, tại ngôi nhà Buissonnets. “Những năm tháng ấy đã trôi qua vội quá, những năm tháng chan hoà ánh nắng tuổi thơ của con…” Lúc ấy, chị mới lên bốn tuổi rưỡi.

Từ bốn tuổi rưỡi đến mười bốn tuổi sẽ là thời gian lạnh lẽo nhất trong đời chị. Chị bảo: Đó là mùa đông!
Trong thời gian ấy, chị cảm thấy cõi lòng như bị đè nặng: “Liền sau khi mẹ qua đời, …tính lạc quan hạnh phúc của con đã hoàn toàn thay đổi. Trước kia, con vốn sống động và dễ thổ lộ đến thế mà nay lại trở thành nhút nhát và hiền dịu, nhạy cảm đến thái quá; thường chỉ một cái nhìn cũng đủ khiến lệ con tuôn trào; con không muốn ai bận tâm đến con; con không thể chịu đựng nổi khi phải hoà mình giữa đám người xa lạ và chỉ tìm lại được niềm vui khi trở về với sự thân mật trong gia đình.”

Tình trạng ấy đã kéo dài suốt mấy năm liền. “Chính là khởi từ thời kỳ ấy mà con đã phải bước vào giai đoạn hai của đời con, giai đoạn đau khổ nhất… Giai đoạn thứ hai này trải dài từ lúc con bốn tuổi rưỡi, cho đến khi con được mười bốn tuổi, con mới tìm lại được tâm tính lạc quan hồi nhỏ của con và đồng thời dần dần đã được hiểu hơn về cái nghiêm túc của cuộc sống.”

8. MỘT BÀI GIẢNG VÀ MỘT THỊ KIẾN

Chị đã giữ được những kỷ niệm nào của giai đoạn này? Một bài giảng và một thị kiến nhìn thấy cha bước đi trong vườn.

Mỗi sáng chúa nhật, gia đình Martin đều đi dự lễ tại nhà thờ chánh toà thánh Phêrô ở Lisieux. Nhiều bài giảng đã hoàn toàn vuột khỏi tầm nhận thức của cô bé. “…Con chăm chú lắng nghe các bài giảng, nhưng hoạ hoằn lắm con mới hiểu được đôi chút. Bài giảng đầu tiên con hiểu và đã đánh động con sâu xa là một bài giảng về sự thương khó của Đức Mẹ… Từ đó, con có thể nắm đuợc và cảm nếm được ý nghĩa của tất cả những lời giáo huấn” (chương 2)

Một biến cố khác là một thứ mơ đang lúc tỉnh. Lúc ấy mới khoảng hai hay ba giờ chiều. Các chị đang ở trong nhà bỗng nghe Têrêxa kêu: “Bố ơi! Bố ơi!”…Trong khi ấy thì ông bố đang trên đường đi AlenÇon. Têrêxa nhất định bảo rằng, cô đứng ở cửa sổ nhìn ra và thấy một ai đó, “một người ăn mặc hệt như bố, nhưng hơi còng lưng và trên đầu đội một tấm khăn dày. Ông bước đi ngang qua vườn và biến mất đằng sau một đám rừng phát”. Và người ta đã lục lọi các bụi cây. Chẳng có gì cả. Các chị bảo Têrêxa: “Đừng nghĩ tới chuyện ấy nữa!” Thế nhưng, rồi nhiều năm sau, Têrêxa sẽ viết: “Đó thật đúng là cha chúng ta mà Thiên Chúa đã cho con được thấy. Ngài bước đi lom khom dưới sức nặng của tuổi tác, và mang trên khuôn mặt đáng kính của ngài, trên chiếc đầu bạc của ngài, dấu hiệu về sự thử thách lớn lao ngài sẽ phải chịu. Cũng như Khuôn Mặt đáng kính của Chúa Giêsu phải bị che khuất trong cuộc thương khó, thì gương mặt người tôi tớ trung thành của Chúa cũng phải bị che đi suốt thời gian ngài chịu sỉ nhục…” (chương 2).

Ông Louis Martin đã trải qua nhiều năm loạn trí, ở dưỡng đường. Đối với Têrêxa, đó là một sự khai tâm tiệm tiến về mầu nhiệm sự đau khổ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Dưới mắt chị, cả người cha và con gái ông phải đi qua những đau khổ ấy chỉ vì đang được Thiên Chúa yêu thương đến điên cuồng. Và Thiên Chúa không để cho công cuộc của ân sủng bị ngăn chận vì những chướng ngại hoặc những nhân tố không thuận lợi thuộc bình diện thể lý. Ân sủng của Thiên Chúa hoàn toàn tự do.

9. “MỘT CƠN ĐAU KỲ LẠ… VÀ MỘT MÙA PHỤC SINH ĐẦY ĐAU KHỔ…”

Khoảng tháng mười hai năm 1882, Têrêxa bị đau đầu liên tục và bị nhức buốt ở vùng tim. Khắp mình lại bị nổi mụn, chị dường như không ăn gì và không ngủ. Người chị của chị viết lại: “Têrêxa chỉ còn là một thiếu nữ bé nhỏ dịu hiền đang khóc không ngớt…” Ngày 25 tháng ba, vọng lễ Phục sinh năm ấy, Têrêxa cũng dự bữa ăn ở nhà người cậu. Têrêxa đang kể những kỷ niệm về mẹ và những năm tháng ở AlenÇon thì chị bị suy sụp. Thần kinh chị bị chùng xuống. Người ta đỡ chị lên giường. Chị bị ảo giác và yếu đến nỗi người ta không dám để mặc chị một mình. “Cơn bệnh nặng đến nỗi, cứ theo những tính toán nhân loại thì con sẽ chẳng bao giờ lành.” Thực ra chị đã có dậy được nhưng rồi hôm sau lại bị ngã gục còn nặng hơn. “Con nói những lời con không nghĩ, con còn làm nhiều chuyện khác như thể ai khác bắt con làm; dường như con luôn luôn bị mê sảng, tuy nhiên con biết chắc rằng không có một phút giây nào bị tước đoạt mất lý trí.. Thường thì ,con bị ngất đi trong nhiều giờ, và bị ngất nặng đến nỗi con không sao làm được một cử động nhẹ nhất. Tuy nhiên, giữa cơn hôn mê bất thường ấy, con vẫn phân biệt được chung quanh người ta đang nói gì..” Điều đó đã trở thành không chịu nổi đối với Têrêxa và các chị.

Ngày lễ Hiện xuống năm 1883, các chị của Têrêxa lên cầu nguyện ở nhà thờ Đức Bà Chiến thắng. Ông Louis Martin có một pho tượng Đức Mẹ được tặng hồi lễ cưới. Pho tượng này đặt trong phòng bệnh nhân.

“Khi không còn tìm được sự cứu giúp nào trên cõi đời này” – chị viết – “và sau khi đã phải chết lịm trong đau đớn, con mới hướng về Người Mẹ trên trời của con, con cầu khẩn hết lòng xin Mẹ dủ thương con. Bỗng chốc… Đức Trinh Nữ Maria trở nên xinh đẹp, hết sức xinh đẹp, đến nỗi con chẳng bao giờ tìm được cách gì để diễn tả vẻ đẹp thần thiêng ấy. Khuôn mặt Mẹ toả ra sự dịu dàng, nhân hậu, êm ái, khôn tả; nhưng điều xuyên thấu tận đáy linh hồn con là cái mỉm cười mê hồn của Mẹ! Lúc ấy, mọi đau đớn của con biến tan mất. Hai giọt nước mắt lớn ứa trên mi con và lặng lẽ rơi xuống… Nhưng đó là những giọt lệ của một niềm vui… không có gì pha trộn! A! Đức Trinh Nữ đã mỉm cười với con.. nhưng con nghĩ đừng nên nói điều ấy với ai, bằng không, hạnh phúc sẽ biến mất”. (chương 3).

Têrêxa đã không từ chối. Chị đợi. Chị chờ một sự cứu giúp đến từ phía khác.

10. HAI NỖI KHỔ TÂM

Thế nhưng, nụ cười của Đức Maria đã không đem đến cho Têrêxa một niềm hạnh phúc đơn thuần. Sau đó chị đã phải đón nhận cả hai nỗi khổ tâm cùng một lúc.

Chẳng phải chị đã quyết định sẽ không nói điều ấy với ai? Vì chị nghĩ, “bằng không, hạnh phúc sẽ biến mất”. Và thực thế. Mấy người chị hẳn đã lưu ý thấy có một điều gì đó bất thường trong phòng bệnh nhân. Mới không đầy một ngày, mọi người trong đan viện Cát Minh của chị Pauline (Pauline vào đây từ năm 1882) đã biết cả. Đến phòng khách, Têrêxa bị hỏi tới tấp: “Đức Mẹ ra sao? Áo Ngài màu gì? Có giống Đức Mẹ ở Lộ Đức không?…” Têrêxa có cảm tưởng như đã phản bội vì đã để lộ một điều phải giữ kín. Chị khổ tâm đến chết được.

Nhưng chưa hết. Sau nụ cười ấy, suốt năm năm liền, Têrêxa rơi vào những hoài nghi không sao vượt thắng nổi. “Cơn bệnh của con và những triệu chứng của nó? Phải chăng tất cả chỉ là do con tưởng tượng ra?”

11. CƠN BỐI RỐI NHƯ MỘT MÙA HÈ BẤT TẬN

Têrêxa còn phải đối đầu với một thử thách mà biết bao tâm hồn quá nhạy cảm đã phải nếm đủ trên đường nhiệt thành tìm kiếm Thiên Chúa. Chị khắc sâu những sai sót nhỏ nhặt nhất của mình để khổ sở với chúng. Những bài giảng hồi đó thật cứng cỏi, hoàn toàn không phải để xoa dịu những âu lo ấy của chị. Trong dịp chị tĩnh tâm dọn mình rước lễ trọng thể, cha giảng phòng đã không ngừng nói tới vị Thiên Chúa nghiêm khắc ấy: “Điều vị linh mục nói đã khiến chúng con đầy sợ hãi: Ngài toàn nói về tội trọng đáng sa hoả ngục!” Têrêxa đã phải trải qua cơn tử đạo của mọi tâm hồn trẻ thơ ngoan đạo: sự bối rối. “Chỉ những ai đã trải qua cơn tử đạo này mới hiểu được. Con không sao mà diễn tả được nỗi khổ tâm con đã phải chịu suốt hai năm ấy!”

Chị đã đối phó làm sao? Chị còn có thể thổ lộ với ai? Chị đã nghĩ tới những người anh, người chị trong gia đình đã chết trước khi chị ra đời, và nói chuyện với họ: “Con đã nói với họ với lòng đơn sơ của trẻ con. Con nhắc họ nhớ rằng con là út gái trong gia đình, bao giờ cũng được cha mẹ và các anh chị yêu thương chiều chuộng hơn cả… Con cho rằng việc họ được về trời không phải là một lý do cho phép họ được quên con. Ngược lại, họ càng được kín múc nơi kho tàng của Thiên Chúa, thì càng phải xin cho con được sự bình an, để tỏ cho con thấy rằng lên trời rồi họ vẫn còn biết yêu mến.” Têrêxa đã luôn cho rằng chính lời cầu nguyện với những người anh, người chị bé nhỏ ấy đã cứu thoát chị.

12. ĐÊM GIÁNG SINH 1886

Theo lời kể của người chị là Céline, lúc ấy Têrêxa vẫn còn là một đứa bé. Bằng cớ? Cho đến 14 tuổi, Têrêxa vẫn còn, hệt như một đứa bé, rất tha thiết với những món quà nhỏ của đêm giáng sinh được đặt vào đôi giày để cạnh ống khói. Cả năm 14 tuổi mà vẫn còn như thế. Đã đến lúc phải chấm dứt trò trẻ con này đi chứ!

Đêm ấy, Têrêxa lên phòng thì nghe cha bảo chị Céline: “Bây giờ, cha mong rằng đây sẽ là lần cuối cùng.” Nghe vậy, Têrêxa bật khóc nức nở. Céline biết được, bảo em: “Em đừng xuống ngay, hãy đợi một tí..”

Và chuyện xảy ra là: Têrêxa được trấn tĩnh, gạt nước mắt, chạy xuống, mừng rỡ mở xem những gói quà nhỏ. Thế rồi ngay đấy, lên được nửa cầu thang, Têrêxa đã được thay đổi hẳn tận cõi lòng. Tâm hồn Têrêxa đã bất chợt trở thành khác hẳn: “Chúa Giêsu đã thay đổi lòng con. Đó là một phép lạ nhỏ: Điều mà suốt nhiều năm qua con không sao làm được thì, trong chốc lát, Chúa Giêsu đã làm xong, đúng như con mong ước”. Vâng, đêm giáng sinh ấy đúng là đêm chị được sinh ra.

Từ đó, Têrêxa đã sẵn sàng để vào dòng Cát Minh. Không phải vì chị đã khai thác được những kho tàng của chủ nghĩa anh hùng nhưng, theo chị, chính Chúa Giêsu đã làm điều đó. Chị đã đạt tới sự trưởng thành mà rồi sẽ được giữ lại mãi. Sau nụ cười của Đức Mẹ, sau lời cầu nguyện với những người anh người chị bé nhỏ, sau đêm lễ giáng sinh, chị đã được giải thoát. Vừa do ơn Chúa vừa do ý chí của riêng chị. Đó là một giây phút quyết định, giây phút đặt nền tảng. Giờ đây, chị biết rằng chính là chỉ có một mình Chúa đã vớt chị lên, khỏi bị chết đuối. Kinh nghiệm ấy về sức mạnh dịu dàng của Thiên Chúa sẽ không bao giờ chị quên được.

Với chị, giờ đây dường như không còn một chướng ngại nào là không vượt được; chị đã đấu tranh đến cùng với tất cả mọi sự thận trọng dè dặt: những thận trọng dè dặt của thân phụ, của người cậu, của chính mẹ bề trên dòng Cát Minh, của Đức giám mục. Sau cùng, trong một lần viếng thăm Rôma, chị đã đến bên Đức Thánh Cha và, trước sự sửng sốt của mọi người có mặt, chị đã chụp lấy ngài để xin ngài đặc cách cho chị được vào dòng kín trước tuổi ấn định.

Và chị đã vào đan viện Cát Minh tại Lisieux, ngày 9-4-1888, lúc 7 giờ sáng. Chị mới được 15 tuổi. Phải chăng chỉ là do ảo tưởng và sự táo tợn của một cô bé còn quá trẻ? Về sau, chị sẽ viết: “Thiên Chúa đã ban ơn giữ cho con không hề bị ảo tưởng khi xin vào dòng kín”.

13. “MỘT CON ĐƯỜNG NHỎ HOÀN TOÀN MỚI”

Đã sáu năm trong đan viện. Têrêxa phải đau khổ rất nhiều. Đau khổ về thể lý, do lạnh và do ăn uống kham khổ. Về tâm lý, chị khổ vì nhiều chuyện: não trạng hẹp hòi của một đan viện ở tỉnh lẻ, giờ giấc cầu nguyện đòi hỏi gắt gao, bị hoãn ngày lãnh tu phục và ngày khấn. Tuy nhiên điều khiến chị đau đớn nhất chính là cơn bệnh bí ẩn của thân phụ chị, bị nhốt suốt ba năm dài trong một dưỡng trí viện ở Caen.

Riêng phần chị, chị đã tiến tới đâu? Trong nhà cơm, khi nghe đọc về các vị thánh lớn: Phaolô, Âu Tinh, Têrêxa Avila, chị đã đo lường khoảng cách giữa các vị với chị, va thấy mình thật hết sức nhỏ bé. Đứng trước những “ngọn núi thánh thiện” như thế, chị cảm thấy mình chẳng hơn gì “một hạt cát bé nhỏ tăm tối”. Chị còn hàng đống những tật xấu: Ngủ gục khi đọc kinh, thường có ý nghĩ phê phán chị em, không biết tự chủ. Rõ ràng, sự thánh thiện nằm ngoài tầm tay chị, không sao làm nổi.

Thế nhưng, ngay từ hồi rước lễ lần đầu, Têrêxa đã tự hứa sẽ không bao giờ để cho mình nản lòng. Chị cũng được thánh Gioan Thánh Giá dạy cho biết rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ gợi cho nhúng ta những ước vọng không thể đạt được. Bất chợt, chị nhận ra rằng sự thánh thiện không phải là kết quả những cố gắng của ta, chắc chắn sự thánh thiện không phải là một công việc chỉ do ý muốn của ta. Không phải cứ nắm tay lại để quyết chí là sẽ đạt được. Trong một cuộc tĩnh tâm, cha Prou đã nói rất đúng khi bảo chị “hãy giương hết buồm lên mà lao mình vào những ngọn sóng triều của trông cậy và tình yêu đang lôi cuốn linh hồn cách mãnh liệt nhưng linh hồn lại không dám lướt lên đó mà tiến.” Ngài còn nói với chị rằng “Thiên Chúa chẳng bận tâm gì đến những khuyết điểm của chị, ngược lại, Ngài rất hài lòng về linh hồn chị”.

14. KINH THÁNH

Ngày người chị là Céline bước vào dòng kín, trong số hành trang chị ấy mang vào, tình cờ có cả những cuốn tập chép đầy những đoạn Kinh thánh. Têrêxa đã hỏi xin và đọc ngấu nghiến. Chính ở đấy, chị đã gặp được điều chị đang chờ đợi: “Ai là kẻ thơ dại, hãy đến với Ta!” (x. Cn 9,4). Kẻ “thơ dại” hết sức nhỏ bé ấy đúng là chị rồi! Mà nếu thật sự chị nhỏ bé thì chính chị là người đang được Ngài mời gọi đến với Ngài. Vì quả thật, Kinh thánh đã viết rõ như thế: “Ai nhỏ bé, hãy đến với Ta!”

Thế là Têrêxa lên đường. Và Thiên Chúa sẽ làm gì với cô bé nhỏ nhoi ấy? Câu trả lời cũng nổi rõ trong cuốn tập của Céline, với một đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Như một người mẹ cho con nhỏ bú mớm, Ta sẽ an ủi các con; Ta se ẵm các con vào lòng Ta, sẽ nâng niu các con trên đầu gối.” (x. Is 66,13.12).

Cả một thế giới mở ra trước mắt Têrêxa: Chính đôi tay của Chúa Giêsu sẽ đem chị lên đỉnh núi cao. Nhưng liền đó, chị lại tiếp tục suy luận. Nếu phải bé nhỏ để được Thiên Chúa bồng ẵm lên tay thì, chỉ nhỏ bé như thế thôi chưa đủ. Cần phải mỗi ngày một trở nên bé nhỏ hơn. Từ ngày ấy, dưới mọi lá thư chị viết, chị đều ký tên: “Têrêxa bé bỏng”.

15. CUỘC CÁCH MẠNG ĐẢO NGƯỢC TẤT CẢ

Điều đã xảy đến cho Têrêxa cũng là trường hợp của biết bao người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Họ gặp phải ngõ bí. Khi được kêu gọi, ai cũng đều khởi sự với một lý tưởng lớn lao: Nên thánh bằng những việc làm. Họ tưởng rằng yêu Chúa chỉ có nghĩa là làm thật nhiều cho Chúa, tận tụy đến kỳ cùng để xứng đáng được Ngài yêu.

Đối với Têrêxa, chỉ có một cách để ra khỏi ngõ bí ấy: Con đường nhỏ. Không phải chúng ta làm được gì nhiều cho Chúa, nhưng là chính Chúa làm tất cả cho chúng ta. Không phải Thiên Chúa hạnh phúc vì được có ta, nhưng đúng là ngược lại, chúng ta hạnh phúc vì đuợc có Chúa, chính Chúa. Có thế, ta mới được yên nghỉ, được trông cậy vô bờ, được an nhàn, hy vọng. Như thế có nghĩa là ta sẽ làm việc ít đi? Không, chẳng phải là ta sẽ làm việc kém năng nổ hơn nhưng là sẽ làm việc cách khác hơn. Ta không còn làm việc cho Chúa nhưng là làm việc của Chúa. Rõ là chuyện hoàn toàn khác. Một cuộc cách mạng côpécních, một sự đảo ngược 180 độ.

16. THEO CHÂN THÁNH PHAOLÔ

Thật đáng kinh ngạc khi ghi nhận rằng, làm sao một người như Têrêxa, có lẽ chưa từng đọc hết các thư Phaolô, mà lại gần với trực giác của Phaolô đến thế: Sự công chính không do việc làm nhưng do đức tin. Têrêxa nhận lệnh của mẹ bề trên để ngồi viết lại chuyện đời mình. Ngồi trong phòng nhỏ của chị, với tấm ván kê và quyển vở học sinh trên đầu gối, thoạt tiên, chị ngước nhìn Đức Trinh Nữ mỉm cười, rồi mở sách Tin mừng. Chị đọc thấy gì trong đó? Bản văn Mc 3,13: “Chúa Giêsu lên núi và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn”. “Những kẻ Ngài muốn”… Đó đúng là trường hợp của con. Chị viết: “Đó chính là mầu nhiệm của ơn gọi con, của tất cả cuộc đời con; và nhất là mầu nhiệm của những đặc ân Chúa Giêsu dành cho linh hồn con. Ngài đã không gọi những người xứng đáng nhưng là gọi những kẻ Ngài thích. Như lời thánh Phaolô: “Thiên Chúa thương kẻ Ngài muốn thương, xót kẻ Ngài muốn xót. Không phải tuỳ kẻ muốn hay người chạy nhưng tuỳ lòng Thiên Chúa xót thương.” (x. Rm 9,15-16)

17.  “CON HIẾN MÌNH CHO TÌNH YÊU NHÂN HẬU CHÚA…”

Ngày 9-6-1895, nhằm chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi, Têrêxa đã viết nên lời cầu nguyện tuyệt vời mà chị gọi là: “Kinh dâng mình làm của lễ toàn thiêu dâng lên tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa nhân lành”. Đàng sau tựa đề mang phong cách lòng đạo đức thời ấy là cả một thế giới hoàn toàn mới đang nổi bật lên.

Thời ấy, trong các đan viện Cát Minh, các nữ tu thường dâng mình để đền tạ “Thiên Chúa chí công”. Têrêxa cũng biết rõ việc dâng mình tốt đẹp ấy. Chị nói: “Con nghĩ đến tất cả những tâm hồn hiến mình làm của lễ hy sinh đền tạ phép công bình của Thiên Chúa, với ý hướng hứng chịu lấy cho mình những hình phạt đang chực trút lên đầu các tội nhân.” Đàng khác, nhiều nữ tu trong đan viện của chị cũng đã làm như thế. Thế nhưng, chị nói thêm: “Con thấy một sự dâng mình như thế thật cao quý và quảng đại, nhưng con không hề cảm thấy một chút khao khát nào muốn dâng mình như thế.”

Vậy chị sẽ làm gì? Chị sẽ dâng mình cho Thiên Chúa Từ Bi Nhân Hậu. Chẳng phải vì Ngài thôi là Thiên Chúa công bình – Ngài vẫn thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ -, thế nhưng vì, vượt trên sự công bình của Ngài, Thiên Chúa đã xoà vạt áo nhân hậu của Ngài trên ta (Êd 16,8).
Lạy Thiên Chúa của con,
lạy Ba Ngôi vinh phúc,
Con khát khao yêu mến Chúa
và làm cho người ta yêu mến Chúa.
Con khát khao làm việc cho Hội thánh được
vinh hiển…
Con khát khao chu toàn ý Chúa
cách hoàn hảo
và đạt tới mức độ vinh quang mà Chúa đã dọn sẵn cho con trong Nước Chúa:
Tắt một lời, con khát khao nên thánh, nhưng con tự cảm thấy mình bất lực,
nên lạy Chúa, con cầu xin Chúa,
chính Chúa hãy là sự thánh thiện của con…
Khi cuộc sống về chiều, con sẽ ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng:
bởi lẽ, lạy Chúa,
con không xin Chúa đếm những việc con làm…
Trước mắt Chúa, mọi sự công chính của chúng con đều đầy tì vết!
Cho nên con muốn được
mặc lấy sự công chính của chính Chúa,
và muốn tình yêu Chúa cho con
đuợc ơn chiếm shữu chính Chúa đến muôn đời.
Con không muốn ngai toà nào khác
cũng chẳng muốn triều thiên nào khác ngoài
chính Chúa,
ôi lạy Đấng lòng con mến yêu.

18. MỘT TRÁI TIM CHO NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI

Người ta cứ ngỡ rằng nơi cô gái bé nhỏ ấy, một kẻ đã không bao giờ cố tình phạm một tội đáng kể nào, thế giới của tội lỗi và của các tội nhân hẳn là vuột khỏi tầm nhìn của cô…

Không phải thế ! Ngay từ trong tuổi thơ ấu êm đềm, Têrêxa đã có một trực giác bí nhiệm về tâm hồn các tội nhân: Têrêxa ở bên cạnh họ, như một chuyện bẩm sinh. Têrêxa chỉ mới mười bốn tuổi khi chị cảm thấy gắn bó mật thiết với tên tử tội Pranzini, kẻ đã gây ba án mạng cùng một lúc khiến báo chí phải sôi động suốt mấy tuần liền. Têrêxa muốn cứu vớt linh hồn ấy. Chị đọc thấy trong tờ “La Croix” những bài báo viết về anh ta, coi anh ta như là “quái vật”, là “đồ súc sinh bần tiện”. Thế nhưng chị lại chọn lấy anh ta làm “con đầu lòng” của chị: Chị cầu nguyện cho anh ta và “vận dụng mọi phương tiện tinh thần có thể nghĩ ra được”. Chị chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ cho Pranzini. Chị viết: “Con vẫn tin như thế, cho dù anh ta không xưng tội, cũng chẳng tỏ dấu gì hối hận, thì con vẫn tin cậy vào lòng nhân hậu vô cùng của Chúa Giêsu. Nhưng con nói với Chúa hãy ban cho một dấu hiệu thôi về lòng ăn năn của anh ta, chỉ nguyên là để cho con thấy được an ủi, chỉ có thế thôi!…”

Ngày hành quyết, ngày 31-8-1887, mãi cho tới dưới chân máy chém, Pranzini vẫn nhất mực bảo rằng anh ta vô tội; anh ta từ chối cả sự giúp đỡ của cha tuyên uý trại giam. Thế nhưng vào giây phút chót, anh ta đã cúi xuống hôn ba lần lên cây thánh giá mà vị linh mục đưa ra cho anh.

Chính lúc ấy, Têrêxa biết mình đã được Chúa nhậm lời. Và hôm sau, chị đọc thấy báo tường thuật lại chi tiết ấy. Quả là Pranzini đã bày tỏ một dấu hiệu. Từ đó, Têrêxa luôn gắn bó với các tội nhân. Sau người “con đầu lòng” ấy, chị còn là mẹ của nhiều người khác nữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến chị vào dòng Cát Minh, để hiến đời mình cho các tội nhân.

19. “NGÀI ĐÃ THA TẤT CẢ CHO CON TRƯỚC RỒI…”

Hai tháng sau khi chị vào dòng, cha Pichon nói cho chị biết rằng chị chưa bao giờ phạm một tội trọng nào. Têrêxa được giải thoát hẳn khỏi những âu lo lớn lao và được an ủi sâu xa sau những năm dài bối rối.

Nhưng chị hiểu điều ấy như thế nào? Phải chăng chị cảm thấy mình được đặc ân, được tiền định, một người được miễn trừ giữa lòng nhân loại?

Hình như chính ơn riêng này đã khiến chị trở nên thân thiết với nỗi khốn cùng về mặt tâm lý và luân lý của mọi tội nhân. Trái tim chị càng tinh tuyền thì càng gần gũi với trái tim người tội lỗi.

“Mà đúng, chính con là đứa trẻ ấy, đứa trẻ được yêu thương chăm sóc gìn giữ bởi tình cha của một vị Thiên Chúa “đã không sai Ngôi Lời xuống trần để cứu những người công chính nhưng là cứu những người tội lỗi”. Ngài muốn con yêu mến Ngài, bởi vì Ngài đã tha thứ cho con, không phải chỉ tha nhiều thôi mà là tha tất cả. Không phải Ngài chờ đợi con yêu mến Ngài nhiều, yêu như thánh nữ Mađalêna, nhưng Ngài cho con biết làm sao Ngài đã yêu con bằng một tình yêu chăm sóc giữ gìn khôn tả, để giờ đây con yêu mến Ngài đến điên cuồng! Con đã biết bao lần nghe nói rằng … Ngài chưa hề gặp một tâm hồn tinh tuyền nào yêu mến Ngài nhiều hơn một tâm hồn thống hối. Ôi, con muốn chứng minh rằng lời ấy không đúng!” (Chương 4).

20. “ĐỒNG BÀN VỚI CÁC TỘI NHÂN…”

Thế nhưng, giữa Têrêxa và các tội nhân, còn có một liên hệ mật thiết hơn nữa. Như Đức Giêsu, chị đến “đồng bàn với các tội nhân”. Không phải chỉ vì thương xót họ, nhưng thật sự chia sẻ nỗi đau thương của họ, đảm nhận lấy nỗi đau thương ấy. Có thật là có một sự khác biệt giữa họ và chị hay không? Chị cũng không biết nữa. Lời cầu nguyện của chị, với tư cách một nữ tu Cát Minh không hề có nghĩa là một sự cúi mình xuống xót thương những người tội lỗi. Không, chị cảm thấy mình là một tội nhân giữa các tội nhân ấy…

21. “ƠN GỌI CỦA CON LÀ TÌNH YÊU…”

Tháng 9-1896, đang khi viết quyển tự thuật, chị thấy hiện lên trong tâm trí rằng những gì chị đã làm được thật ít ỏi, và trong lòng chị nổi lên nỗi khát khao mãnh liệt muốn làm được thật nhiều. Chị là nữ tu Cát Minh, nhưng chị lại muốn được làm đủ bao nhiêu thứ khác: “chiến đấu ngoài mặt trận, làm linh mục, phó tế, tông đồ, tiến sĩ Hội Thánh và tử đạo”. Tất cả những thứ ấy hiện ra trong đầu chị, đang lúc chị ngồi viết trong căn phòng nhỏ của chị. Mà nỗi khao khát không dừng lại ở đó: có lẽ chị muốn làm tất cả những thứ ấy cùng một lúc, tại khắp mọi nơi trên thế giới và làm mãi cho đến ngày tận thế. Loan báo Tin mừng khắp nơi và mọi lúc, đó là điều dường như có thể làm được. Cả đến được tử đạo bằng mọi hình thức tử đạo có thể tưởng tượng được. Những khát vọng của Têrêxa quả là “mênh mông như vũ trụ”.

Nhưng làm sao mà làm được? Chị là một người con gái bé nhỏ. “Có linh hồn nào bé nhỏ hơn và bất toàn hơn linh hồn con?”

Têrêxa dám nghĩ và dám làm. Chị mở thánh Phaolô, thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô. Điều chị đọc được ở đó thoạt đầu chỉ khiến chị thất vọng. Thánh Phaolô lại chẳng nói rằng không thể mọi người đều là tông đồ, tiến sĩ hoặc ngôn sứ, và mắt không thể đòi cho mình đồng thời cũng là tay, đó sao? Lẽ thường mà! Thế nhưng rồi tiếp đó là chương 13. Ở đây, mọi sự được viết trên giấy trắng mực đen: Ơn gọi của Têrêxa là yêu mến.

“Sau cùng, con đã tìm được sự yên nghỉ. Đức yêu mến ban cho con chìa khoá của ơn gọi mình. Con hiểu rằng nếu Hội thánh là một thân thể họp bởi nhiều chi thể khác nhau, thì nhất định không thể thiếu chi thể cần thiết nhất, cao quí nhất. Con hiểu rằng Hội thánh có một trái tim và trái tim ấy cháy lửa yêu mến. Con hiểu rằng chỉ lòng yêu mến mới làm cho những chi thể ấy hoạt động; và nếu lòng yêu mến ấy tắt đi, các tông đồ sẽ không còn loan báo Tin mừng, các vị tử đạo sẽ không chịu đổ máu. Con hiểu rằng lòng yêu mến bao gồm hết mọi ơn gọi, lòng yêu mến là tất cả, lòng yêu mến ôm lấy được mọi thời đại và mọi nơi chốn, bởi vì nó thường hằng!”“Thế là, vui sướng ngây ngất đến tận cùng, con đã reo lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con! Sau cùng, con đã tìm được! Ơn gọi của con, chính là tình yêu! Vâng, con đã tìm được chỗ của mình trong lòng Hội thánh, và chỗ ấy, ôi Chúa của con, chính Chúa đã ban cho con: Giữa lòng Hội thánh là mẹ con, con sẽ là tình yêu!… Như thế, con sẽ là tất cả, và như thế, ước mơ của con đã thành hiện thực!”

22. “CON PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CHẾT?”

Và Têrêxa chầm chậm lên đường gặp gỡ sự chết. Chị hết sức kín tiếng về những đau đớn chị phải chịu. Có thể nói là các nữ tu phải tìm mọi cách mới biết được. Đau đớn dữ dội. Trước hết là về thể lý: lá phổi bên phải đã hoàn toàn bị hỏng, lá bên trái hỏng hết một phần ba phía dưới. Các y sĩ cho biết chứng ho lao đã tới giai đoạn cuối cùng.

Chị hoàn toàn phó thác cho chị em trong dòng, thậm chí còn xin mẹ bề trên chỉ cho biết phải làm gì để chết. “Mẹ ơi! Không khí trần gian này không còn đủ cho con nữa, bao giờ Thiên Chúa mới cho con được hít thở không khí của quê trời? Con sẽ chẳng bao giờ chết đi được…” Têrêxa có một sự khiêm nhường thẳm sâu không dò được: “Vâng, con hiểu thế nào là sự khiêm nhượng trong lòng… Con tin chắc rằng con thật hèn mọn…”

23. “TÔI KHÔNG CHẾT, TÔI TIẾN VÀO CUỘC SỐNG…”

Ngày 30-9-1897, lúc 5 giờ chiều. Chuông đan viện dập dồn gọi cả cộng đoàn đến phòng bệnh. Têrêxa mỉm cười chào tất cả những người đến đó. Chị siết chặt cây thánh giá trong tay. Thời gian lặng lẽ trôi, mẹ bề trên cho cộng đoàn giải tán.

Một hồi lâu sau, Têrêxa nhìn chằm chặp vào cây thánh giá của chị: “Ôi!…Con yêu Ngài!.. Lạy Chúa, con… yêu mến…Chúa!”. Đầu chị ngả về một bên. Các nữ tu được vội vàng gọi đến, quỳ quanh giường chị. Khuôn mặt chị bình an một cách đáng kinh ngạc. Chị đăm đăm nhìn lên tượng Đức Trinh Nữ mỉm cười, bằng khoảng thời gian đọc một kinh Tin kính. Rồi chị kiệt sức, đôi mắt nhắm nghiền. Chị mỉm cười. Lúc ấy là bảy giờ hai mươi tối.

24. LỜI NGUYỆN HIẾN TẾ CỦA TÊRÊXA

Têrêxa đã để lại lời giải thích cho cái chết của mình. Ở cuối thủ bút tự thuật cuối cùng, chị đã lấy lại lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu ở Gioan chương 17, áp dụng cho chính mình. Trong tâm tình hiến tế, chị đã cùng với Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha để cứu rỗi cả thế giới.

Ôi Giêsu, lòng con yêu mến…

Con đã tôn vinh Chúa dưới đất,

Đã chu toàn công việc

Chúa giao phó cho con làm.

Con đã tỏ Danh Chúa ra

cho những người Chúa đã ban cho con.

Họ thuộc về Chúa, và Chúa đã ban họ cho con.

Bây giờ họ đã biết rằng:

mọi sự Chúa đã ban cho con đều do Chúa tất cả.

Các lời Chúa đã ban cho con,

con đã trao lại cho họ,

họ đã nhận lấy,

và đã tin rằng chính Chúa đã sai con.

Con cầu xin cho họ

là những kẻ Chúa đã ban cho con,

bởi vì họ thuộc về Chúa.

Con không còn ở trong thế gian,

Nhưng họ ở thế gian.

Trong khi con trở về cùng Chúa.

Xin hãy vì danh Chúa mà gìn giữ họ.

Giờ đây con đến cùng Chúa,

Và chính là để niềm vui đến từ Chúa.

Được trọn vẹn nơi những người mà con muốn ngỏ lời đây,

Ngay khi con còn ở trong thế gian…

Con không xin Chúa cất họ khỏi thê gian,

Nhưng xin gìn giữ họ khỏi sự dữ.

Họ không thuộc về thế gian

Cũng như con không thuộc về thế gian.

Con không chỉ cầu xin cho họ mà thôi,

nhưng còn cho những kẻ

sẽ nhờ nghe lời họ mà tin vào Chúa.

Lạy Thiên Chúa của con,

con ước mong rằng con ở đâu

thì những kẻ Chúa đã ban cho con

cũng ở đó với con;

để cho thế gian biết rằng

Chúa đã yêu mến họ

như Chúa đã yêu mến con.

(x. Ga 17, 4.6-9. 11. 13.15-16. 20. 24. 23).

Quả thật, nơi đích thật mà Têrêxa yên nghỉ, trước hết không phải là nơi chiếc khám chứa đựng thánh tích chị, nhưng chính là ở trong Hội thánh và nơi tấm lòng trẻ thơ của những người đến với chị trong kinh nguyện, tiếp nối tấm lòng nhân ái của chị và tiếp nối của lễ hiến dâng chính mình như chị để cho mọi người được ơn cứu độ.

Hồng y Godfried DANNEELS,
Tổng giám mục Malines-Bruxelles