Giấc mơ gia đình

158

Chiều hôm đó, tay cầm xấp vé số bán dở, nó lững thững đi vào công viên, tìm một băng ghế rồi ngồi xuống. Mặt trời đã khuất sau hàng cây. Bóng mát rợp hết con đường nhỏ trước mặt nó. Đôi chân mỏi rã sau một ngày đi bộ qua hết mọi góc phố. Mặt lấm lem vì mồ hôi và bụi đường. Bụng thì cứ reo lên vì đói. Nhưng dường như nó chẳng còn quan tâm đến mấy chuyện đó. Với vẻ hờ hững nó đảo mắt nhìn xung quanh. Người ta kẻ thì đi dạo, người thì chạy bộ, đánh cầu lông, đạp xe hay ngồi tụm năm tụm ba nói chuyện góc này góc kia. Còn nó… chẳng muốn về nhà mà cũng chẳng biết đi đâu nên cứ ngồi ở đấy.

Bỗng ánh mắt nó dừng lại trước một gia đình. Đó là một đôi vợ chồng trẻ. Họ đang tập đi cho đứa con gái nhỏ của mình trên con đường ngay trước mặt nó. Người bố ở phía sau, khom người và chực đỡ lấy đứa bé nếu nó té. Người mẹ thì đi giật lùi trước mặt đứa bé, liên tục vỗ tay và gọi tên để nó đi tới. Cả hai vợ chồng cùng ôm đứa bé cười hạnh phúc khi nó đi được tới chỗ người mẹ.

Nó ngồi lặng người trên băng ghế nhìn cảnh tượng ấy. Nó cúi nhìn tập vé số trên tay. Nó thèm một gia đình quá. Nó cố nhớ gương mặt của ba, cố hình dung nụ cười của mẹ nhưng không tài nào nhớ được. Bất giác nó bật khóc. Nó chỉ nhớ cái ngày ba mẹ nó to tiếng với nhau rồi sau đó ba không về nhà nữa. Nó chỉ nhớ cái ngày mẹ nó về ở với dượng, ngày nó phải nghỉ học đi bán vé số. Nó chỉ nhớ những lời chửi rủa và những trận đòn khi nó về nhà mà không bán hết vé số… Nó cứ khóc cho tới khi mọi thứ xung quanh mờ đi rồi cuộn tròn và thiếp ngủ trên băng ghế. Trong giấc mơ của đứa trẻ chưa tròn mười tuổi ấy, nó thấy mình có một gia đình.

Có bao nhiêu trẻ thơ như thế ngày ngày vẫn mơ về một gia đình? Có bao nhiêu gia đình chưa bao giờ là một gia đình đúng nghĩa?

Xã hội ngày càng phát triển song cũng ngày càng nhiều gia đình tan vỡ, càng nhiều trẻ em bơ vơ… không gia đình! “Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, bởi đó là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống… (Tông huấn Amoris Laetitia- Niềm Vui Yêu Thương).

Giáo Hội hôm nay, hơn bao giờ hết đang nỗ lực để đồng hành, vun đắp cho sự ấm êm, hạnh phúc của các gia đình. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho những nỗ lực ấy và xin thương hàn gắn, chữa lành những vết thương của các gia đình chúng con trên quê hương Việt Nam thân yêu cũng như trên toàn thế giới.

Therese Trung Ly, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức