CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA. NĂM C_2016

141

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Lời Chúa: St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11-17

 

Mục lục

1.  Tất cả đều ăn no  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

2. Ăn gì để sống  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Lương thực của lòng thương xót  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

4. Phúc cho ai đến dự tiệc (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

5. Bánh rượu Menkixêđê – Bánh rượu Giêsu  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

6. Sống mầu nhiệm hiệp thông Thánh Thể  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

7. Của ăn đàng  (Trầm Thiên Thu)

8. Bí tích của lòng thương xót  (Lm. Giuse Nguyễn)

9. Lương thực trường sinh  (AM. Trần Bình An)

10. Bữa tiệc Thánh yêu thương (Lm. Đan Vinh)

 

 

TẤT CẢ ĐỀU ĂN NO

Lm. Jos. DĐH

Ăn uống là nhu cầu, nhằm nuôi thân xác con người khỏe mạnh, có một cuộc sống tốt đẹp nhất. Ăn để sống, khác với ăn để được thỏa mãn, hưởng thụ. Trong khi tiền nhân căn dặn con cháu về một kỹ năng : khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, thì triết lý cuộc đời mở ra một thực tế người ta cần no ấm, mà còn cần có được hạnh phúc nữa. Khi người người đang hưởng ứng việc “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, thì mọi công dân đều có quyền hy vọng vào một tương lai có an vui thái hòa.

Chúa Giêsu hôm nay gợi lên cho các môn đệ, cho đám đông một khám phá mới : ăn thế nào để nhận ra mình được yêu, ăn để xác hồn no đủ, ăn để biết khao khát hạnh phúc đời đời. Làm quên ăn, chơi quên ngủ, đều bị coi là loại người vô kỷ luật, có thể sớm ngã gục vì sức khỏe. Chỉ lo chăm sóc bồi bổ thể xác, còn tâm trí, tinh thần rỗng tuếch, không có tình yêu, cũng là kẻ nghèo hèn, đói khát ơn Chúa. Đám đông dân chúng được nghe Đức Giêsu giáo huấn, được chữa lành bệnh tật thể xác, rồi hết, rồi tự tan hàng; như thế họ vẫn chỉ là đám đông bơ vơ, đói khát !

Đối với người nghèo đói, nhu cầu của họ là được ăn, được no bụng, hết khổ, hết nghèo. Đối với người giàu, điều họ thao thức hơn là ăn thứ gì ngon, bổ, khỏe, trường thọ, chứ không phải chỉ là ăn no. Theo Chúa Giêsu vì nhu cầu được no bụng, được vật chất, quả là thiếu sót, tìm gặp Chúa Giêsu mà không khao khát được no đủ hạnh phúc đời đời, cũng chỉ là kẻ khờ dại. Người theo Đức Giêsu, chỉ biết đọc kinh, cầu nguyện, tin Chúa ở nhà thờ, rồi khi trở về gia đình, đối diện với tha nhân, thụ động, ngồi chờ Đức Giêsu làm phép lạ, chưa thể gọi là người Kitô hữu.

Đám đông dân chúng hôm xưa tìm gặp Đức Giêsu có thể không cùng mục đích, nhưng tất cả trong số đó đều được nghe, được chữa lành, được chứng kiến phép lạ, được ăn no. Khác với dân chúng xưa kia, sau một tuần lao động, học tập, chúng ta được tiếp thu nhiều kiến thức, chúng ta đã no cơm bánh. Đến với Đức Giêsu lúc này, Ngài muốn ai trong chúng ta đây cũng được no đủ ơn Chúa. Dù gặp Đức Giêsu có một giờ sau tuần lễ bảy ngày, nhưng cơ hội, tình thương, phép lạ, được tham dự tiệc Lời Chúa, tiệc Thánh Thể, bảo đảm cho sự sống đời đời, vẫn là hạnh phúc thật.

Tục ngữ có câu : trẻ cậy cha, già cậy con, hiểu cách đơn giản nhất: lúc trẻ, đứa con luôn lệ thuộc cha mẹ; lúc trưởng thành, con cái tài đức chính là cậy gậy chống đỡ của cha mẹ khi tuổi cao. Nếu được phép lý giải cho các môn đệ, tại sao Thầy mình không đồng ý giải pháp cho đám đông dân chúng tự tìm mua đồ ăn thức uống ? Nhiều người chúng ta đây cũng sẽ trả lời vì niềm tin của đám đông dân chúng cần phải được lớn lên; tình yêu thương của Chúa không thể chỉ ban no thỏa linh hồn, còn thân xác lại để đói khát. Tại hoang địa năm xưa, các môn đệ và nhiều người trong đó hẳn đã được bài học quý giá : trời sinh voi, trời sinh cỏ, những ai tin theo Chúa thật tình, Ngài đều có cách để ban no thỏa xác hồn.

Ngày hôm nay, nhiều người đang đặt câu hỏi : ta ăn gì để sống ? tưởng đó là vấn nạn chính đáng; nhưng không, con người mới thao thức “phần ngọn”, đâu là thực phẩm sạch, ăn gì để khỏi mắc bệnh, khỏi ung thư ? Người môn đệ của Đức Giêsu hôm nay không thể chữa bệnh, trừ tà, đáp ứng nhu cầu để người ta no đủ, được sống mãi ở đời này. Người môn đệ Đức Giêsu có thể rao giảng bằng hành động, bằng sự thánh thiện : Lời Chúa và Thánh Thể chính là thứ lương thực mà ai đón nhận sẽ no đủ xác hồn, sẽ sống đời đời.

Ngày hôm nay, người ta quan niệm của Chùa hay của Chúa, đều là của chung, muôn sự là xài chung, nhưng con người mới dừng lại ở khía cạnh tiêu cực ! Mạnh được yếu thua, ai làm giàu được cứ làm giàu, ai có điều kiện đến gặp Chúa, cứ tranh thủ…, một quên sót đáng tiếc, Đức Giêsu là tình yêu, Ngài thao thức “tất cả đều được no”. Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi đám đông Do-thái, mọi người đều no thỏa. Đức Giêsu đã ban Mình và Máu làm của ăn nuôi cả nhân loại, Ngài chính là của chùa, là của Chúa, được trao ban vì tình yêu.

Kinh nghiệm cho thấy, rượu mời, khác với rượu phạt, ăn ngon miệng, chưa chắc đã phải là thức ăn bổ dưỡng, có no say tiệc tùng, cũng chỉ thỏa mãn chốc lát. Sự khôn ngoan thế gian cho rằng : cái gì khuyến mãi, cho không, biếu không, hoặc sản phẩm rẻ tiền, người ta hôm nay vẫn gọi là hàng thanh lý, hàng dỏm. Ngay cả số đông vẫn cảnh giác như câu thành ngữ : của biếu là của lo, của cho là của nợ. Đúng, tình yêu thật, chính là tình yêu giúp người ta thoát được sự đa nghi, tình yêu thật chỉ có nơi Đức Giêsu, Ngài đã giải mã, minh chứng bằng Thịt-Máu, cho không, biếu không loài người chúng ta. Đám đông xưa kia và chúng ta hôm nay đều được no đủ, được hạnh phúc đời đời, nếu tất cả cùng tin Đức Giêsu chính là LƯƠNG THỰC Thiên Chúa ban tặng, hãy đón nhận Ngài, để có sự sống trường sinh. Amen.

Về mục lục

.

ĂN GÌ ĐỂ SỐNG

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Cuộc sống quanh ta mỗi ngày càng khó sống. Khó sống không phải thiếu ăn. Khó sống là vì ăn gì cũng chết.  Ngày xưa không có cơm ăn thì đói lả rồi chết dần. Ngày nay ăn gì cũng bị đầu độc để rồi chết dần mòn. Nếu nhìn vào cuộc sống của dân chúng hôm nay, có lẽ Chúa Giê-su không chỉ chạnh lòng xót thương khi nhân thế vẫn còn đó những mảnh đời nghèo đói lầm than, mà Ngài còn chạnh lòng xót thương khi con người phải ăn những thứ sẽ làm cho mình phải chết dần mòn. Trái tim Ngài sẽ quặn đau hơn nữa khi thấy con người vì lợi nhuận mà đầu độc nhau. Còn đâu “nhân chi sơ tính bản thiện”. Còn đâu lòng bái ái yêu thương. Một xã hội đang đầu độc lẫn nhau ngày một khốc liệt hơn.
Người ta ước tính mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 người chết vì bệnh ung thư. Bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 500 người chết vì căn bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường quá độc hại. Độc hại trong ăn uống và trong cả những đồ dùng.
Khi nghĩ tới đồ ăn độc hại có người đã nói diễu cợt rằng:
“Khi biết thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, tôi nghĩ mình sẽ chuyển sang ăn thịt bò.
Khi biết thịt bò có thể hô biến từ thịt heo tẩm hoá chất, tôi nghĩ mình sẽ chuyển sang ăn thịt gà.
Khi biết gà cũ gà chết được nhuộm hoá chất thành thịt gà mới vàng rụm, tôi nghĩ sẽ bỏ thịt ăn cá.
Khi biết cá bị nhiễm độc thuỷ ngân, tôi nghĩ mình sẽ chuyển sang ăn tôm.
Khi biết tôm bị bơm thuốc kháng sinh gây độc, tôi nghĩ mình sẽ phải chuyển sang ăn chay luôn.
Khi biết rau được tưới dầu nhớt, đậu hũ trộn với cao xây nhà, tôi nghĩ ăn cơm trắng qua ngày cho lành.
Khi biết gạo mốc được tẩy trắng thành gạo mới tôi dằn lòng sẽ sang ăn bún phở mì.
Khi biết bún mì phở cũng được tắm trắng như Ngọc Trinh, tôi nghĩ ăn trái cây sống qua ngày .
Khi biết trái cây cũng được tiêm chất bảo quản để tăng tuổi thọ, tôi nghĩ rằng TÔI SẼ HÍT KHÔNG KHÍ ĐỂ ĐƯỢC NO. Nhưng đáng tiếc không khí cũng bị ô nhiễm rồi Hic hic . . .
Có lẽ Chúa Giê-su hôm nay không nói: “Ta mua đâu bánh cho họ ăn” mà Ngài phải nói: “Ta tìm đâu lòng nhân cho con người hôm nay”. Một lòng nhân để biết chạnh lòng thương xót nhau. Một lòng nhân để không làm hại lẫn nhau chỉ vì lợi nhuận. Một lòng nhân để sống vì quyền sống của tha nhân.
Thế giới hôm nay rất cần có lòng nhân để con người biết quan tâm nâng đỡ nhau. Chính nhờ lòng nhân ấy mà con người biết hy sinh, biết quên đi bản thân mình mà sống hết lòng vì tha nhân.
Chúa Giê-su đã sống vì tha nhân. Ngài luôn quan tâm tới mọi nhu cầu của con người. Đôi chân Ngài đi tới tận cùng của đói khổ để thi ân giáng phúc cho con người. Ngài luôn thể hiện lòng nhân ái khi làm phép lạ để biểu lộ tình thương cho con người. Trái tim Ngài luôn chạnh lòng thương xót những khổ đau của con người. Ngài đã làm tất cả để tình yêu ấy luôn đong đầy cho nhân thế.
Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của lòng nhân ái mà Chúa dành cho con người. Một lòng nhân đã nói lên lời khi tự hiến chính Thân Thể mình trở thành của ăn cho con người. Ngài muốn sự sống và tình yêu của Ngài đi sâu vào trong huyết mạch của con người để nhờ đó trở thành lẽ sống cho con người.
Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy có lòng nhân ái với nhau. Lòng nhân ái không chỉ nhắc nhở chúng ta hãy làm điều gì đó cho anh em. Lòng nhân ái đích thực để chúng ta có thể nhìn  thấy nhu  cầu của anh em đang cần chúng ta yêu thương. Họ đang cần chúng tha thứ hãy mạnh dạn tha thứ. Họ đang cần chúng ta cảm thông hãy nói lời hoà nhã. Vâng, nhân loại  hôm nay không cần cơm bánh mà trước tiên họ cần tình thương. Tình thương để đừng vì tiền bạc, quyền lực mà làm hại lẫn nhau. Tình thương để có thể xoa dịu nỗi đau cho anh em và cùng dìu nhau đi qua những khó khăn trong dòng đời.
Xin Chúa giúp chúng ta có một con tim luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân và luôn quảng đại cho đi chính bản thân của mình, để trở nên nguồn sống cho tha nhân. Xin giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết cho đi chính sự sống mình để gieo mần sống đức tin cho các thế hệ mai sau. Amen.

Về mục lục

.

LƯƠNG THỰC CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Từ sau vụ cá chết hàng loạt ở Miền Trung vừa qua, người dân Việt Nam dường như quan tâm nhiều hơn đến môi trường, đặc biệt là thực phẩm. Người ta thấy rằng, chính người Việt đang đầu độc người Việt bằng thực phẩm bẩn, không an toàn. Do lợi nhuận che mờ lương tâm, nhiều người đã đưa vào thị trường những thực phẩm tẩm ướp hóa chất độc hại nguy hiểm, như thịt hư thối thành thịt tươi, heo ướp hóa chất biến thành thịt bò, heo bơm nước, hải sản ngâm formol, thủy sản nhiễm độc, rau củ quả bị ngâm hóa chất. Điều này khiến cho người tiêu dùng lo sợ. Những thực phẩm độc hại tẩm hóa chất này là nguyên nhân khiến cho bệnh ung thư ngày càng phát triển và lan rộng. Một vị đại biểu Quốc hội đã phải lên tiếng : Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa trang lại gần như bây giờ. Câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này là ăn gì cho an toàn, ăn gì để khỏi bị bệnh và ăn gì để khỏi chết ?

Hôm nay, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một thứ lương thực an toàn, ai ăn sẽ được sống đời đời, đó là Mình và Máu Chúa Giêsu. Mừng lễ Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tôn thờ, siêng năng lãnh nhận và học nơi Chúa Giêsu tấm gương của lòng thương xót. Ngài chạnh lòng thương khi thấy con người bơ vơ lạc lõng, đói khổ, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Hơn nữa, Chúa Giêsu xót thương đến độ ban tặng chính Máu Thịt Ngài làm của ăn, của uống đem lại sự sống cho nhân loại. Lương thực này nuôi sống linh hồn và thân xác con người và là lương thực bảo đảm đem lại sự sống đời đời.

Thánh Luca kể lại : Lúc ấy, Chúa Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những người cần được chữa lành. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu đang rao giảng về vương quốc tình yêu của Ngài, đó là nước trời, nơi con người được sống trong tình yêu và hạnh phúc, được gặp gỡ và sống kết hiệp với Thiên Chúa. Để vào vương quốc tình yêu này, con người cần được chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn. Chỉ những ai để cho Thiên Chúa chạm vào tâm hồn, chữa lành những vết thương do tội lỗi gây ra, để cho Thiên Chúa phục hồi khả năng yêu thương, thì mới có thể gia nhập vào vương quốc tình yêu.

Các tông đồ dường như vẫn còn tách biệt giữa sự sống đời đời với sự sống thể xác. Các tông đồ nghĩ rằng, mình không có trách nhiệm với những lãnh vực thuộc trần thế, không có trách nhiệm với chuyện đói no của đám đông. Chúa Giêsu không chỉ quan tâm chữa lành tâm hồn, giáo lý của Ngài không xa rời những nhu cầu thực tế. Vì thế, khi chiều tàn, các tông đồ muốn tìm một giải pháp dễ dãi, xin Chúa giải tán đám đông để họ tự lo chuyện ăn uống và cuộc sống của họ. Chúa Giêsu đã không đồng ý với suy nghĩ và giải pháp của các tông đồ, Ngài nhấn mạnh với các ông : Chính anh em hãy cho họ ăn. Điều đó cho thấy, giáo lý của Chúa Giêsu không chỉ hứa hẹn một cuộc sống mai sau, nhưng phải bắt đầu ngay hôm nay. Cũng vậy, người môn đệ của Chúa không chỉ nhắm đến những hứa hẹn nước trời, nhưng phải lo toan cùng một mối lo với cuộc sống của dân chúng, đồng hành và còn phải có giải pháp cho những nhu cầu của cuộc sống.

Các tông đồ đã cảm thấy như bất lực trước một nhu cầu quá lớn của đám đông, các ông đã thật thà thưa với Chúa về sự giới hạn của mình : Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho dám đông này. Đối với Thiên Chúa, việc nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần các ông có dám nghĩ đến người khác trước, hay nghĩ đến bản thân trước, có dám mở lòng, mở tay để cho đi phần thức ăn của mình hay không mà thôi.

Chúa Giêsu đã muốn dùng đôi tay của các ông để chuyển tải lòng thương xót của Ngài. Ngài đã bảo các ông sắp xếp cho đám đông ngồi lại thành từng nhóm. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Với cụm từ : Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ nhắc ta nhớ đến một công thức hết sức quen thuộc Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly và vẫn còn được thực hiện mỗi ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể. Từ phép lạ hóa bánh nuôi năm ngàn người ăn no, Tin Mừng liên kết và báo trước cho chúng ta phép lạ Thánh Thể. Tại bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Ngài. Từ đây, qua tay các tông đồ, Mình và Máu Thánh Chúa được tiếp tục dọn ra cho mọi người, mọi thời. Mình và Máu Chúa được trao cho các tông đồ trong bữa tiệc ly sẽ thực sự trở thành lương thực được dọn ra cho mọi người ăn no nê và ăn đến dư thừa. Chúa không bao giờ để những người theo Chúa phải đói của ăn thiêng liêng, hoặc ra về mà tâm hồn còn trống rỗng thiếu thốn.

Thánh Phaolô cho thấy bài học quan trọng nhất ông đón nhận được từ nơi Chúa Giêsu, đó là tấm gương về sự trao hiến, phó nộp chính con người và mạng sống qua màu nhiệm Thánh Thể. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra và nói : Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Thánh Phaolô đã nhìn thấy nơi hành động này sự hy sinh trao tặng. Chúa Giêsu đã có sáng kiến bẻ chính con người và mạng sống của mình để trao tặng cho các môn đệ. Bánh này không còn phải là bánh thường nữa mà là cả con người và sự sống của Chúa Giêsu được trao ban cho nhân loại. Ai ăn bánh này sẽ đón nhận được sự sống của Chúa Giêsu, nói cách khác, chính sự sống của Chúa Giêsu được lưu chuyển và biến đổi người lãnh nhận nên giống Chúa Giêsu.

Cũng vậy, Người cầm chén rượu và nói : Chén này là Giao Ước Mới lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Khi lãnh nhận Bánh và Chén của Chúa, chúng ta không chỉ lãnh nhận cho riêng mình, mà còn phải biết nghĩ đến người khác, sẽ phải bẻ tấm bánh cuộc đời mình để sẻ chia cho mọi người. Chúa Giêsu còn muốn các tông đồ liên tục cử hành việc này để tưởng nhớ đến Chúa và để các ông tiếp tục bẻ tấm bánh sự sống của Chúa trao cho mọi người.

Một đòi hỏi và cũng là điều kiện khi lãnh nhận Bánh và Chén của Chúa, đó là phải loan truyền Chúa đã chịu chết và đã sống lại. Của ăn Mình Máu Chúa là chính Thiên Chúa hằng sống và là của ăn đem lại sự sống. Vì thế, khi lãnh nhận, chúng ta sẽ đón nhận được chính Thiên Chúa, Đấng đã chết và đã sống lại để đem lại sự sống cho chúng ta. Chúng ta sẽ phải tiếp tục loan báo cho mọi người về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài bằng chính cuộc sống mới của mình. Một khi được ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta không thể để tội lỗi và sự lười biếng trong tâm hồn, trái lại, phải sống với một tinh thần mới, quyết tâm mới và con người mới.

Tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được mời gọi siêng năng đến chiêm ngắm, tôn thờ và ăn Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì chạnh thương nhân loại bơ vơ đói khổ, Chúa Giêsu đã hiến ban thịt máu và mạng sống trở nên lương thực nuôi sống con người trên hành trình dương thế. Lương thực này tuyệt đối an toàn và bảo đảm dinh dưỡng cho đời sống đức tin của tín hữu. Vì vậy, để có thể sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trên trần gian và đạt được hạnh phúc nước trời, chúng ta không thể không ăn lương thực thần linh, lương thực của lòng xót thương này.

Mình Máu Chúa được trao ban cho chúng ta phát xuất từ lòng xót thương và tình yêu không vơi cạn của Chúa Giêsu. Vì thế, khi đón nhận Máu Thịt của Chúa, chúng ta đón nhận sự sống và cả con người của Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ phải trở nên tấm bánh xót thương cho anh chị em. Các bậc cha mẹ sẽ phải trở nên tấm bánh cho gia đình, dám bẻ cuộc đời mình để hy sinh vun đắp cho con cái. Đừng bao giờ nuôi con bằng dòng máu bẩn, hoặc mồ hôi nhiễm độc, do gương xấu hoặc do đời sống lười biếng ; cũng đừng bao giờ ướp con cái bằng hàn the hay formol là sự gian dối, sự chết hoặc lối làm ăn quanh co, gian trá. Trái lại, hãy nuôi dưỡng con cái bằng những giọt mồ hôi, những dòng máu sạch và ướp gia đình bằng tình yêu và đời sống đạo đức.

Chính anh em phải cho họ ăn, đó cũng là điều Chúa muốn nơi mỗi chúng ta. Là con của Chúa, chúng ta không thể trốn tránh hay thoái thác bổn phận yêu thương và chia sẻ. Chúng ta không thể nại vào bất cứ lý do gì để biện minh cho sự hẹp hòi, ích kỷ của mình, nhưng phải có một tâm hồn quảng đại, một trái tim chạnh thương trắc ẩn, một đôi tay sẵn sàng chia sẻ, dù phải cho đi phần ăn còn lại của mình. Đòi hỏi này luôn là một thách thức cho tất cả chúng ta.

Xin Chúa biến trái tim của ta nên giống trái tim của Chúa, biến cuộc sống ta nên giống Chúa để chúng ta có thể yêu anh em như Chúa yêu và chia sẻ, phục vụ anh em như Chúa đã phục vụ. Amen.

Về mục lục

.

PHÚC CHO AI ĐẾN DỰ TIỆC

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Khởi đầu Thánh Lễ, linh mục chủ tế và cộng đoàn làm dấu thánh giá nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh lễ khởi nguồn từ Tình Yêu Ba Ngôi được mặc khải nơi Thập giá Chúa Kitô. Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá của Chúa Giêsu, hy lễ tình yêu Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Rước lễ là đón nhận Chúa Giêsu Phục Sinh và trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.

  1. Hy lễ cứu độ

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Ngài vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Ngài đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người. Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước, Máu của Đấng Cứu Thế đổ ra trên thập giá. Bởi đó Thánh thể và Thánh giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người hơn hai ngàn năm qua.

Thánh giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh Thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”, người Do thái phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta,chúng ta đều biết cả,sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi,thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?”( Ga 6,60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống,chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh Thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh Thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Ngài mà không hội tụ trong Thánh Thể.

Từ Thánh giá đến Thánh thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh thể. Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa.Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người.Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.

2. Phúc cho ai đến dự tiệc.

Trước lúc rước lễ và trao Mình Thánh cho giáo dân, linh mục chủ tế nâng cao Mình Thánh và đọc: đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Lời này gợi lên cho mọi người tham dự niềm vui, hạnh phúc được Chúa mời đến dự tiệc. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta là những khách mời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trên đường Emmau, chính Chúa Phục Sinh đã đến đồng hành với hai môn đệ, đã dừng lại bẻ bánh trao cho họ, và bấy giờ họ mới nhận ra Ngài. Bài Tin Mừng kể câu chuyện này đã được Thánh Gioan Phaolô II dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”. Trong năm cuối cùng của sứ vụ Giáo hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng đoàn Dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiện diện thường trực và sống động.

Trong Thánh Lễ, chính Chúa Giêsu đến hiện diện với chúng ta, gặp gỡ chúng ta, qua Phụng vụ Lời Chúa và việc Bẻ Bánh.

Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng Bí tích Thánh Thể. Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Rước lễ là gặp gỡ Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại : “Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy. Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.

Trong Tông huấn “Bí tích Tình Yêu” năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã dùng thành ngữ “con người Thánh Thể” để nói về các tín hữu. Con người Thánh Thể là người năng rước Chúa vào lòng, để Thịt và Máu Chúa thấm nhập vào trọn vẹn cuộc sống của họ, nhờ đó, họ có thể nói như Thánh Phaolô Tông đồ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Con người Thánh Thể là người luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để nhờ đó mà họ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Con người Thánh Thể còn là người ý thức mình là chi thể của Giáo Hội, chuyên tâm sống và nỗ lực kiến tạo tình hiệp thông giữa những người con cái Chúa, xây dựng một xã hội bình an và nhân ái. Từ mỗi con người Thánh Thể, chúng ta có thể kiến tạo những cộng đoàn Thánh Thể, tức là một cộng đoàn có Thánh Thể là trung tâm, là mối giây liên kết và là ý lực sống cho mọi thành viên của cộng đoàn này. Cộng đoàn Thánh Thể lấy sự hiệp nhất yêu thương làm nền tảng, vì mọi người được nuôi dưỡng bởi cùng một lương thực, như Thánh Phaolô viết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một chi thể” (1 Cr 10,17).

Sách Tông đồ Công vụ thuật lại thánh lễ ban đầu của Giáo Hội sơ khai bằng một đoạn văn ngắn: “Các tín hữu hợp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42). Họ được toàn dân thương mến, điều đó có nghĩa là cứ sau những nghi thức bẻ bánh như thế, người chung quanh xóm giềng thương nhóm tín hữu này. Và rồi “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”, nghĩa là sau các thánh lễ như thế, dân chúng thương nhóm tín hữu này rồi họ xin nhập đạo. Kết quả của Bí tích Thánh Thể là mức độ tăng trưởng về tình yêu.

3. Đồng bàn và rửa chân.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51 diễn ra tại Cebu, Philippines từ ngày 24 đến 31.01.2016 đã bế mạc với thánh lễ trọng thể do Đức hồng y Charles Maung Bo, S.D.B., Tổng giám mục Yangoon, Myanmar, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ sự. Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến mọi người tham dự Đại hội sứ điệp “Mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực”.

Việc Đại hội này được tổ chức trong Năm Thánh Lòng Thương Xót thật là thích hợp. Trong Năm này toàn thể Giáo hội được mời gọi tập trung vào trung tâm của Tin Mừng là Lòng Thương xót. Chúng ta được kêu gọi để đem dầu tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho toàn nhân loại, băng bó các vết thương, đem hy vọng vào nơi dường như thất vọng thường thắng thế.

Trong sứ điệp, ĐTC gợi lên hai cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và mời gọi suy ngẫm theo chiều kích truyền giáo của Thánh Thể. Đó là việc đồng bàn và rửa chân.

Ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu có thể lắng nghe người khác, nghe chuyện đời của họ, cảm thông với niềm hy vọng và khao khát của họ, và nói cho họ biết tình yêu của Chúa Cha. Mỗi khi đến với Thánh Thể, bàn Tiệc Ly của Chúa, chúng ta được thúc đẩy noi theo tấm gương của Chúa, bằng cách đến với người khác, trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, để chia sẻ với họ ơn huệ chúng ta đã lãnh nhận.

Hình ảnh khác mà Chúa gửi đến chúng ta trong Bữa Tiệc Ly là rửa chân. Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài như là một dấu chỉ của sự phục vụ khiêm hạ, của tình yêu vô điều kiện mà Người đãhiến mạng trên thập giá để cứu rỗi thế giới. Bí tích Thánh Thể là trường dạy phục vụ khiêm hạ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta sẵn sàng hiện diện vì người khác. Cả điều này cũng phải ở nơi con tim của người môn đệ truyền giáo.

Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II viết: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng”(Tông huấn “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”, số 24).

Tham dự Thánh Lễ, rước Mình và Máu Chúa, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện, trong sạch và thực thi sứ vụ truyền giáo phục vụ tha nhân “đồng hành và rữa chân” theo gương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.

Về mục lục

.

BÁNH RƯỢU MENKIXÊĐÊ – BÁNH RƯỢU GIÊSU

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay, Giáo hội cử hành trọng thể Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Nếu hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thì hôm nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội bằng việc cử hành lễ của Chúa, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu với cao điểm là Rước Kiệu Mình Thánh.

Bánh rượu Menkixêđê dâng tiến

Nói đến Mình Thánh Chúa Giêsu là nói đến bánh dưới dạng « lương thực ». Từ « bánh thánh » có nghĩa là « hy sinh » : từ này được dùng để chỉ các lễ hy sinh Cựu Ước như : lễ vật của Aben tôi trung của Chúa, hy lễ của Abraham, và lễ vật tinh tuyền của Menkixêđê, thượng tế của Chúa.

Bài đọc I trích sáng Sáng Thế (14,18-20) đề cập đến bánh và rượu của Menkixêđê vua thành Salem mang đến xin Chúa chúc phúc. Menkixêđê là ai vậy ? Ông là một nhân vật hơi huyền bí, không cha, không mẹ; đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất, những người bà con họ hàng cũng không hay biết về nguồn gốc, ông khác biệt bởi nhân đức cao vời nên người ta gọi ông là « Menkixêđê » vua Công Chính.

Một ngày kia ông xuất hiện trên núi sau này là núi Sion (Giêrusalem) và vạch ra những danh giới cho một thành gọi là « Salem », thành hòa bình. Ông sống ở đó trong thinh lặng và an bình, phụng sự Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất và dạy người ta ca tụng Danh Thánh Chúa. Ông không chỉ là người tôn thờ vị Thượng Tế Tối Cao, mà còn dâng bánh và rượu, lễ vật hy sinh và những hoa quả đầu mùa lên Chúa.

Thánh lễ này, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu “là hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người” để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Và như vậy, Thánh lễ đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisedek cho tới nay. Menkixêđê là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô sau này.

Bánh rượu của Chúa Giêsu

Cựu Ước có rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng về Bí tích Thánh Thể được hoàn tất trong Tân Ước. Các hình ảnh tiên trưng về Bích tích Thánh Thể như : lễ vật của Abraham, Menkixêđê, Manna trong sa mạc, bánh trưng hiến trong Đền Thờ Giêrusalem, đặc biệt là chiên Vượt Qua. 

Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu làm dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người nơi trần gian. Bánh và rượu do vị thượng thế Menkixêđê dâng tiến (Ga 14, 18) báo trước về bánh và rượu do Chúa Giêsu, Thượng Tế Tối Cao, Vua muôn thủa dâng tiến ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Vì Chúa Giêsu « đã trở thành Thượng tế cho đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê » (Dt 6,20).  

Tối hôm trước ngày chịu khổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : « Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta ». Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và nói : « Chén này là Tân Ước trong Máu Ta » (1 Cr 11, 23-26). Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại toàn bộ lịch sử tình yêu cứu độ của Thiên Chúa với con người. Không chỉ là quá khứ mà còn được dự đoán trong tương lai.

Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ một phần. Chúa Giêsu hiện diện thực sự ở đó trót Mình và Máu Người, để dâng lên Chúa Cha một hiến lễ không đổ máu và trở nên lương thực cho linh hồn tín hữu. Bánh rượu của Chúa Giêsu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Ðây không chỉ là hoa màu ruộng đất nhưng còn là công lao của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Bí Tích Bánh Rượu mà chúng ta tiếp tục dâng trên bàn thờ để cho thế gian được sống (Ga 6,51).

Bước theo Bánh Giêsu

Ở mọi nơi mọi thời, Chúa Giêsu muốn gặp gỡ con người và mang đến cho họ sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu, một thứ lương thực đơn giản gồm một ít nước và bột, giống như thức ăn của người nghèo. Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa, một cử chỉ đầy ý nghĩa.

Khi đi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép là chính Chúa Giêsu và bước theo Bánh ấy, đưa Bánh Thiêng từ Trời xuống vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta; với ước muốn xin Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và sống bất cứ nơi nào chúng ta sống.  

Trong lễ của Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Bí Tích Thánh Thể thuộc trọn về mình, là chính sự sống của mình, là nguồn mạch tình yêu chiến thắng sự chết. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể, phát sinh tình bác ái có sức biến đổi cuộc đời chúng ta và nâng đỡ cuộc hành trình của tất cả chúng ta đang tiến về quê trời vinh phúc.

Khi rước kiệu, chúng ta bước theo Bánh Giêsu và cầu xin Bánh chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội. Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa ba đào, đang bị cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ. Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn. Xin cho họ có công ăn việc làm. Xin tẩy rửa và thánh hóa chúng ta trong mọi sự, giúp chúng ta hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời “xin vâng” trên cây Thập Giá, với sự từ bỏ mới đạt tới vinh quang. Xin Chúa qui tụ những ai tản mác khắp nơi về một mối. Xin Chúa hiệp nhất chúng ta với Giáo hội, đoàn kết chúng ta với anh em bị chia rẽ. Và nhất là xin Chúa ban cho chúng ta ơn cứa độ đời đời. Amen.

Về mục lục

.

SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG THÁNH THỂ

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Khi diễn tả hành vi của tình yêu cho người mình thương mến, chúng ta thường trao cho họ những kỷ vật để làm bằng chứng về tình yêu mà mình muốn dâng hiến. Với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian hầu cứu độ con người, và khi biết mình sắp trở về với Đấng đã sai mình, Ngài đã yêu thương họ đến cùng, nên đã để lại cho Giáo Hội một bảo chứng nhằm diễn tả tình yêu tuyệt đối của Ngài cho nhân loại, đó là Bí tích Thánh Thể.

Vì thế, Bí tích ThánhThể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11). Các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như điểm quy chiếu, và, trải qua bao thế hệ, Giáo Hội luôn coi Bí tích Thánh Thể là gia tài của mình, nơi đó tuôn chảy và phát xuất ra mọi năng lực cho Giáo Hội (x. Porta Fidei, số 9).

Khi thiết lập Bí tích này, Chúa Giêsu muốn ở với chúng ta luôn mãi (x. Mt 18,20). Ngài yêu chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1), đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Ga 15,13). Không những thế, Ngài muốn chúng ta nên một với Ngài bằng cách ban chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Nhờ đó, chúng ta được trở nên một với Chúa và hiệp thông với nhau cách trọn vẹn.

  1. Thánh Thể: Bí tích hiệp thông

Khi diễn tả sự hiệp thông Thánh Thể, Giáo Hội khởi đi từ việc nhắc cho con cái của mình ý thức sự liên kết với Chúa Giêsu trong chiều kích quy Kitô. Vì thế, mọi sự đều hướng về Chúa Giêsu như điểm hội tụ. Từ Ngài tỏa ra và chi phối toàn bộ đời sống của con người.

Với suy tư như trên, chúng ta xác tín rằng: khi tham dự Tiệc Thánh Thể, ấy là lúc chúng ta sống trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa và với nhau. Khi rước lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Đầu, thì “mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27).

Sự hiệp thông này gợi lại cho chúng ta lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu: “Lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

Trong Kinh Tiền tụng Thánh Thể cũng nhắc lại cho chúng ta ý nghĩa này: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. Công thức này cho thấy rõ ràng hiệu quả của Bí tích Thánh Thể, đó là sự hiệp nhất với nhau trong tinh thần hiệp thông với Chúa qua Giáo Hội.

Trong Thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển rõ ràng và sâu xa, giúp toàn thể Giáo Hội sống hiệp thông với Chúa cách trọn vẹn. Ngài viết:

“… Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các Bí tích, vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng cách đồng hoá với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần”. Nói cách khác, khi ta rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu, thì trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ta và Thiên Chúa cùng chung nhau một giòng máu. Chúng ta trở nên “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Điều này cũng được diễn tả khi linh mục pha chút nước vào rượu và dâng lời nguyện: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”.

Như vậy, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis). Vì yêu, Chúa Giêsu đã cho chúng ta được liên kết nên một với Ngài. Khi hợp nhất với Ngài, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau trong mọi chiều kích, nhất là hiệp thông với người nghèo.

Thật mâu thuẫn tận căn khi chúng ta cử hành Thánh Thể và thiếu đi tính hiệp thông sâu xa này. Bởi vì “Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và cổ vũ sự hiệp thông”.

  1. Liên đới với người nghèo là sống sự hiệp thông Thánh Thể

Hiện nay, trên thế giới, dân số lên đến gần 7 tỷ người. Nhưng có tới 1/3 người nghèo, tức là hơn 2 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ. Riêng Việt Nam, trong số gần 90 triệu người, có 15% dân nghèo không kiếm đủ 1 USD/ ngày.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, biết bao nhiêu thứ dư thừa và lãng phí được huỷ bỏ ngay trên xác chết của những người đói khát. Rồi những nguồn lực kinh tế thì tập trung vào một số người và tập đoàn, trong khi đó biết bao nhiêu người phải vĩnh biệt cuộc sống chỉ vì thiếu một gói mì với giá 2.000 VNĐ, hay một ly nước, một viên thuốc. Nạn phá thai và cổ võ phá thai trở nên hiện tượng bình thường.

Lại còn biết bao nhiêu tiền bạc đổ dồn vào những quán nhậu, quán bar mỗi khi thành phố lên đèn, số tiền chi trả lên đến bạc triệu sau mỗi cuộc vui chơi trác táng. Bên cạnh đó là những Lazarô nghèo đói, ghẻ lở đang bị những con chó đến liếm những mụn nhọt đã ung thối.

Hay vì thiếu đi tính liên đới, trách nhiệm của những người có bổn phận bảo vệ sự trong sạch của môi trường, nên thảm họa ô nhiễm môi sinh ngày càng gia tăng lên đến mức báo động đang ngày đêm đe dọa sự sống của con người và loài vật cũng như thực vật… gây nên hậu quả khôn lường cho cuộc sống con người hiện tại và tương lai lâu dài!

Đứng trước thực trạng đó, là người Kitô hữu, chúng ta không được phép dửng dưng, vô cảm, ngược lại, mỗi người đều có trách nhiệm ít nhiều trong việc thăng tiến con người để thể hiện tinh thần hiệp thông, liên đới.

Đây cũng là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta.

Thánh sử Luca đã đã làm toát lên lòng thương xót của Chúa Giêsu khi trình thuật thật ấn tượng hành vi của Đức Giêsu chạnh lòng thương dân chúng và ra tay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân. Mặt khác, ngài cũng làm toát lên sự liên đới, hiệp thông của người có năm chiếc bánh và hai con cá…

Thật vậy, chúng ta thấy, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến cái bụng của mình mà không biết nghĩ đến cho người khác, thì làm sao có 5 chiếc bánh và 2 con cá để Chúa làm phép lạ nuôi dân chúng? Nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá qua sự quảng đại của người hiến tặng, Chúa đã làm một việc cả thể là nuôi 5.000 người, không kể đàn bà và trẻ em. Không phải vì Chúa không làm được phép lạ từ không thành có để nuôi dân chúng, nhưng vì Chúa muốn cho con người sống tinh thần liên đới, trách nhiệm, hiệp thông khi biết đóng góp phần mình trong công việc chung vì ích lợi của người khác.

Như vậy, mỗi người chúng ta hãy biết liên đới với người khác, biết đặt sự sống của mình vào trong hoàn cảnh của họ, để thấy được thế nào là đói khát, đau bệnh và cô đơn… hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc đại đồng cho tất cả mọi người.

Mừng Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Giêsu, xin cho mỗi người biết sống mầu nhiệm tự huỷ của hạt lúa, trái nho để đem lại sự sống cho người khác. Xin cho người Kitô hữu cũng biết liên đới với anh chị em chung quanh mỗi khi họ cần đến chúng ta, để yêu thương, chia sẻ, đồng hành với họ. Được như thế, chúng ta đang làm cho sự hiệp thông nơi Bí tích Thánh Thể sống động nơi con người và hành vi của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn thờ, chúc tụng Chúa. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con khi rước Mình và Máu Thánh Chúa cách xứng đáng, thì cũng được hiệp thông thần tính với Chúa và liên đới với nhau. Amen.

Về mục lục

.

CỦA ĂN ĐÀNG

Trầm Thiên Thu

Hành trình nào cũng cần có lương thực để duy trì sức khỏe, để có thể đủ sức tới đích đến. Lữ hành trần gian là hành trình tiến về Nước Trời, không thể thiếu Thần Lương là Thánh Thể. Thánh Giáo Hoàng Piô X (*) đã xác định: “Bí tích Thánh Thể là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất đưa ta về Quê Trời”.

Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:54-56). Như vậy, ai không tiếp nhận Thánh Thể thì chắc chắn không có sự sống đích thực của Thiên Chúa. Yếu đuối thì làm sao đủ sức tiếp tục hành trình?

Trong thế chiến I, giữa chiến trận chống lại quân Hồi giáo đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), quân đội Australia và New Zealand luôn được nhắc nhở điều quan trọng nhất là hãy chăm sóc linh hồn của mình trước. Giữa sự nguy hiểm của làn bom mũi đạn, họ vẫn cung kính đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong trận chiến này, chỉ tính riêng lực lượng Australia, đã có hơn 8.000 binh sĩ tử vong. Thật là tuyệt vời, bởi vì ngay trong lúc nguy hiểm nhất, họ vẫn luôn ý thức và tôn kính Thánh Thể qua việc rước lễ như “Của Ăn Đàng”.

Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để cho chiên được sốngsống dồi dào” (Ga 10:10). Thật tuyệt vời, vì chúng ta không chỉ ĐƯỢC SỐNG mà còn SỐNG DỒI DÀO nhờ sự sống của Ngài, cụ thể là chính Mình và Máu Ngài. Chúa Giêsu đã có cách độc nhất vô nhị mà không ai có thể tưởng tượng ra được, đó là Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi Ngài bị kết án tử. Thánh Thể được hiểu bao gồm cả Thánh Huyết, vì trong thịt luôn có máu. Thánh Thể là Phép Lạ vĩ đại nhất, là Phép Lạ của các phép lạ.

Để có sự sống thì chúng ta phải ăn uống, và ăn uống để duy trì sự sống. Tuy nhiên, lương thực chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là các loại thực phẩm bình thường mà đặc biệt là chúng ta được ăn chính Thánh Thể của Chúa Giêsu. Đó là Thần Lương, là Nguồn Sống cho bất cứ ai đang trên đường lữ hành trần gian.

THÁNH ƯỚC

Bí tích Thánh Thể là một trong các Thánh Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta. Ngày xưa, Kinh Thánh cho biết rằng ông Menkixêđê là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, là vua thành Salem, và chính ông mang bánh và rượu ra. Sau đó, ông chúc phúc cho ông Áp-ram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (St 14:19-20). Sau đó, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước Vĩnh Cửu với Áp-ram và xác nhận: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17:5).

Trình thuật sách Sáng Thế ngắn gọn nhưng có những chi tiết quan trọng. Thứ nhất, thời Cựu Ước, BÁNH và RƯỢU được dùng làm lễ vật; thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng dùng BÁNH và RƯỢU để thánh hóa trở thành chính Mình và Máu của Ngài. Thứ nhì, có lễ vật thì cần có người dâng, đó là các tư tế, đại diện dân Chúa mà dâng lễ vật lên Thiên Chúa hằng ngày, họ được mệnh danh là những người theo phẩm trật Menkixêđê. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng thiết lập chức linh mục. Các linh mục thừa tác tiếp tục công việc tế lễ để Chúa Giêsu hằng ngày hiện diện thật giữa chúng ta, để nhờ Mình và Máu Ngài, chúng ta được sống và sống dồi dào qua từng hơi thở. Quả thật, Đại Tôn Sư Giêsu quá tuyệt vời!

Trong tâm tình phấn khởi, tác giả Thánh Vịnh nói về sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110:1). Và từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (Tv 110:3). Chúng ta chỉ là cát bụi, hoàn toàn bất xứng, nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì được Ngài giao ước. Tuy chỉ một lần thề ước, nhưng là vĩnh viễn, vì Ngài sẽ chẳng rút lời: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110:4).

Thánh Phaolô chia sẻ rõ ràng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:23-24). Thánh Phaolô tiếp tục nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:25).

Trên khắp thế giới, Phép Lạ vĩ đại vẫn xảy ra hằng ngày trên các bàn thờ, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy, cho nên sau lời truyền phép, Giáo hội xác nhận: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Và rồi mọi người cùng tung hô theo lời của Thánh Phaolô đã nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26). Quả thật, chúng ta phải dùng con-mắt-đức-tin để bù đắp cho con-mắt-trần-tục khi tôn kính Thánh Thể. Trong những lần hiện ra với các thị nhân, Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn luôn nhắc nhở người ta phải hết lòng tôn sùng và yêu mến Thánh Thể.

NHÃN TIỀN

Từ cổ chí kim, “lời Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường” (Tv 18:31), vì “Ngài là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146:6). Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì thế Ngài không bao giờ nói suông, luôn thực tế, đồng thời cũng là để củng cố lòng tin cho mọi người.

Theo lời kể của Thánh sử Luca, một hôm nọ, có đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Ngài tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Khi bóng đêm dần buông xuống, các môn đệ đến bên Thầy Giêsu và thưa: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9:12). Như vậy thì còn nói làm gì. Thế nên Ngài liền bảo các đệ tử: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13a). Ôi chao, “căng” thật đấy! Có lẽ họ gãi đầu và nhìn nhau, không biết xử lý ra sao. Nhưng rồi có người thấy đứa bé có ít lương thực, nên liền thưa với Thầy Giêsu: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9:13b).

Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Một bữa tiệc nhỏ còn phải chuẩn bị cả tuần trước, dù chỉ vài chục thực khách chứ nói chi vài trăm người. Thế mà lúc này có tới gần chục ngàn người chứ ít gì. Làm sao mà xoay xở đây chứ?

Thấy các ông vò đầu, bóp trán, vẻ lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt của các đệ tử, Đức Giêsu nói với họ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một” (Lc 9:14). Bị động và bị… “triệt buộc”, nhưng các môn đệ được Thầy gỡ rối tình huống, thế nên Thầy bảo sao thì họ làm ngay, chả dám ý kiến chi cả. Các ông bảo mọi người ngồi xuống theo nhóm. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời CHÚC TỤNG, BẺ RA và TRAO CHO các môn đệ để họ dọn ra cho đám đông cùng hưởng dùng.

Thánh sử Luca cho biết thêm về một điều kỳ diệu khác: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được MƯỜI HAI THÚNG” (Lc 9:17). Đúng là một phép lạ vĩ đại và nhãn tiền, một phép lạ của lòng thương xót, cả hàng ngàn người thấy rõ chứ chẳng phải là nghe kể lại.

Trong cuộc sống, miếng ăn liên quan các vấn đề khác, không chỉ về sự sống mà còn về “quyền lợi”. Tục ngữ Việt Nam nói: “Trâu cột ghét trâu ăn”. Một thực tế buồn nhưng vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Ngày xưa, Thánh Phaolô đã có lần nhắc nhở: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18a). Câu nói đáng để chúng ta “giật mình” và tự sờ gáy mình lắm. Và rồi Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn” (Rm 11:18b). Chắc chẳng ai dám cho mình là “ngon” hơn người khác. Nhưng theo thời gian, tự ái lại vùng lên, “cái tôi” chỉ rình đè bẹp người khác mà thôi. Phải luôn cảnh giác!

Chia sẻ là điều quan trọng, cả vật chất lẫn tinh thần, ai cũng biết. Việc chia sẻ liên quan động thái CHO và NHẬN: “Phúc cho ai CHO mà không nhớ, NHẬN mà không quên” (Elizabeth Bibesco). Hai động từ này quan trọng và đầy ý nghĩa. Thánh Phanxicô Assisi đã đưa ra dạng nghịch-lý-thuận này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Quả thật, nếu chúng ta không chia sẻ với người khác về những thứ họ cần, đó là chúng ta đã cướp chính sự sống của họ! Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo cũng đề cập các vấn đề tương tự.

Sống yêu thương là chu toàn Luật Chúa một cách cụ thể – mở tấm lòng và mở đôi tay. Đó là cách bác ái tích cực, là sống tốt. Thật vậy, Thánh Giacôbê đã xác định: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4:17). Và chúng ta đừng quên cầu nguyện: “Theo lời Chúa hứa, xin cho con được sống, đừng để con thất vọng ê chề” (Tv 119:116).

Lạy Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, xin cảm tạ Ngài đã thương ban Thánh Thể làm “của ăn đàng” để chúng con được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể hằng ngày để mai này cũng xứng đáng được đồng hưởng sự sống đời đời. Xin Chúa giúp chúng con biết sẵn sàng và vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhất là những người thiếu thốn – tinh thần hoặc vật chất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

(*) Thánh Piô X tên thật là Giuseppe Melchiorre Sarto, sinh ngày 2-6-1835, mất ngày 20-8-1914, lên ngôi giáo hoàng năm 1903. Ngài là người đã khuyến khích rước lễ thường xuyên, nhất là đối với trẻ em, được mệnh danh là “Giáo Hoàng của Thánh Thể”. Khẩu hiệu giáo hoàng của ngài là “Omnia instaurare in Christo – Canh Tân Mọi Sự Trong Đức Kitô”. Xuất thân là con nhà nghèo nên ngài tâm niệm: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, và tôi muốn chết nghèo hèn”.

Ngài quan tâm chính trị và khuyến khích người Công giáo Ý cũng quan tâm chính trị hơn. Một trong các hành động trong triều đại giáo hoàng của ngài là chấm dứt quyền được coi là của chính phủ có thể can thiệp vào việc bầu giáo hoàng – một động thái làm giảm tự do của mật viện. Năm 1905, khi Pháp từ bỏ thỏa hiệp với Tòa Thánh và đe dọa tịch biên tài sản của Giáo hội nếu chính phủ không có quyền kiểm soát Giáo hội, ngài vẫn thẳng thừng từ chối yêu cầu vô lý của Pháp.

Về mục lục

.

BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Giuse Nguyễn

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta hãy dành chút thời gian để tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ này. Sau đó để cho ánh sáng lời Chúa soi dẫn để cùng nhau sống Bí tích cao cả này.

  1. Nguồn gốc

Vào năm 1246, có một nữ tu của dòng Augustinô tên là Juliana đến tòa giám mục Liège của nước Bỉ để xin Đức Cha Rôbectô thiết lập ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Đức Giám mục hỏi lý do, sơ kể hồi nhỏ sơ thấy vầng trăng rằm với 1 đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu.

Với ý kiến của ngươi nữ tu nhỏ bé, nhưng với sự khôn ngoan và nhất là với tác động của Chúa Thánh Thần, Đức cha Rôbectô đã đồng ý thiết lập trước hết trong Giáo phận của Ngài lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Đến năm 1264, Đức Giáo Hoàng Ubanô IV sau khi biết được những gì Đức Cha Rôbectô đã làm trong Giáo phận của ngài, đã cho thiết lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa trong toàn Giáo hội hoàn vũ. Ban đầu lễ này được cử hành vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng sau Công đồng Vaticanô II, nó được chính thức cử hành vào Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi cho đến bây giờ.

Như vậy trải qua hơn 8 thế kỷ, khởi sự từ ý kiến của một nữ tu bé nhỏ, phụng vụ đã làm tròn đầy các mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Mỗi năm cứ vào dịp lễ Mình Máu Thánh Chúa, nhiều nơi đã tổ chức cung nghinh, kính viếng, thờ lạy, hay như chúng ta đây, đang sốt sắng dâng Thánh lễ để mừng kính Bí tích Thánh Thể, mừng kính tình yêu Thiên Chúa.

  1. Ý Nghĩa

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được lập ra để nhắc nhở cho nhân loại về một tình yêu bao la vô tận. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài, “Để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá”.

Dường như chưa thỏa, Thiên Chúa tiếp tục hạ mình cho đến tận cùng, trở thành tấm bánh, một vật vô tri vô giác, để được nên một với con người.

Ngoài ra, theo mặc khải tư của Đức Giêsu dành cho nữ tu Juliana, Đức Giêsu muốn Giáo Hội cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa vì 3 lý do sau đây:

–         Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

–         Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

–         Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

–          

III.            SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Với ý nghĩa của ngày lễ và mong muốn của Đức Giêsu, chúng ta hãy cùng nhau đưa ra vài điểm thực hành cụ thể.

  1. Tin tưởng

Trước hết, Đức Giêsu khao khát nhân loại đặt niềm tin tưởng một cách vững vàng, mạnh mẽ vào Bí tích Thánh Thể. Nghĩa là Ngài chẳng những mong muốn nhân loại chúng ta biết rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Điều này chúng ta hoàn toàn cảm nghiệm được khi đặt mình vào vị trí của những người làm cha làm mẹ trong gia đình. Sinh con ra cha mẹ nào cũng muốn nó được khỏe mạnh, lớn lên được học hành đến nơi đến chốn, ra đời có công danh sự nghiệp…

Nếu như những đứa con cảm nghiệm được không ai thương nó, lo lắng cho nó nhiều cha bằng cha mẹ của nó, thì chắc chắn nó cũng sẽ làm mọi cách để cha mẹ được vui lòng. Và vì vậy nó sẽ cố gắng học hành, biết nghĩ đến tương lai, biết tiếp giúp gia đình, không ham chơi, đua đòi  với chúng bạn… Chính lúc đó tình yêu đáp đền tình yêu.

Khi chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ chúng ta; đó chẳng những là mong muốn mà còn là khao khát của Ngài, thì chúng ta sẽ cố gắng để làm cho tình yêu đó khỏi trở nên vô hiệu nơi cuộc đời của chúng ta.

Vì vậy để niềm tin vào Bí tích Thánh Thể ngày càng mạnh mẽ hơn, chúng ta hãy cố gắng cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một tình yêu muốn đưa chúng ta đến hạnh phúc vô tận.

  1. Gắn bó

Thứ hai, Đức Giêsu ao ước mọi tín hữu múc lấy sức mạnh nơi Bí tích Thánh Thể, nghĩa là Ngài muốn con người chúng ta gắn bó với Ngài, để sức mạnh của Ngài có thể trợ giúp chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế.

Những ngày vừa qua, người dân Việt Nam nức lòng với cuộc viếng thăm của tống thống Hoa Kỳ. Ông đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho người dân Việt Nam. Vì vậy người ta tìm hiểu nhiều về cuộc đời của ông. Sở dĩ ông trở thành một con người chẳng những có quyền lực, mà còn là một con người dễ mến, một nhân cách vĩ đại là vì ông có một đời sống gắn bó với Chúa.

Người ta thường xuyên thấy ông và gia đình đến nhà thờ dự lễ. Hình ảnh một vị tổng thống cúi đầu cầu nguyện thể hiện được đâu là sức mạnh của ông. Ông chia sẻ một trong những vật ông luôn mang bên mình chính là xâu chuỗi mà Đức Thánh Cha Phanxicô tặng ông trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái.

Qua đó chúng ta thấy được việc gắn bó với Chúa trở thành điều thiết yếu trong đời sống đức tin của chúng ta.

Vậy thì chúng ta hãy cố gắng để tham dự Thánh lễ, rước lễ, cầu nguyện, viếng Chúa, lần chuỗi Mân côi… để kín múc sức mạnh từ nơi Chúa.

Qua đời sống của ông tổng thống Obama, chúng ta đừng viện lý do tại bận rộn, tại lo cho cuộc sống, tại chuyện này chuyện nọ… Tất cả đều tại vì chúng ta không biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc đời chúng ta mà thôi.

  1. Đền tội

Thứ ba, Chúa Giêsu muốn con người có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính. Nghĩa là những lần chúng ta rước lễ không xứng đáng, nhất là những khi mắc tội trọng; những khi chúng ta chưa chuẩn bị, chưa dọn tâm hồn mà vẫn lên rước lễ; những lúc chúng ta chưa biết quý trọng Bí tích cao cả này…

Mỗi lần mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, là một lần để nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên tìm cơ hội để đền bù cho những xúc phạm của chúng ta đến tình yêu của Chúa. Cụ thể là thường xuyên lãnh nhận Bí tích Giải tội, làm những việc lành, hy sinh hãm mình để xin Chúa tha thứ cho sự bất kính của chúng ta.

Tóm lại, trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, nhắc nhở chúng ta tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Từ đó mời gọi chúng ta hãy cố gằng trau dồi niềm tin vào Bí tích Thánh Thể, sống gắn bó với Chúa nhiều hơn, và nổ lực để đền tội vì những lần chúng ta xúc phạm đến Chúa.

Khi thực hiện những điều đó, là chúng ta đang đi vào Lòng Thương Xót của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến và quý trọng Bí tích Thánh Thể, là tình yêu , là lòng thương xót của Chúa, để chúng con năng kết hiệp với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, tham dự thánh lễ, và cố gắng tránh xa tội lỗi.

Về mục lục

.

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

AM. Trần Bình An

Tin tức cuả các đài TV điạ phương và từ Giáo Phận Salt Lake City cho biết một ủy ban đã được thành lập, để điều tra sự việc “Mình Thánh đang chảy máu” tại nhà thờ thánh Xavier, ở vùng ngoại ô Kearns cuả thành phố Salt Lake City, Tiểu Bang Utah, Hoa Kỳ. Giáo Phận đã ra thông cáo như sau:

“Sau những báo cáo gần đây về những loan truyền cuả việc một “Mình Thánh đang chảy máu” tại nhà thờ thánh Phanxicô Xavier ở Kearns. Đức ông Colin F. Bircumshaw, Giám Quản Giáo Phận, đã bổ nhiệm một ủy ban đặc nhiệm gồm nhiều thành phần chuyên môn khác nhau để điều tra sự việc. Công việc của ủy ban đang tiến hành. Kết quả sẽ được tuyên bố công khai. “Mình Thánh” hiện đang được Giáo Phận canh giữ. Trái ngược với những tin đồn, Giáo Phận không có kế hoạch trưng bày và tổ chức tôn kính “Mình Thánh”’ ấy. Dù kết quả của cuộc điều tra có là thế nào, chúng ta hãy sử dụng thời gian này để canh tân niềm tin và ý thức rằng, phép lạ vĩ đại là sự hiện diện thật của Chúa Giêsu Kitô, vẫn diễn ra ở mỗi Thánh Lễ.

Đức Ông. M. Francis Mannion, Chủ tịch Uỷ ban. “

Được biết ủy ban, ngoài thành phần giáo sĩ, còn bao gồm một giáo sư tiến sỹ dạy môn neurobiology (sinh học thần kinh).

Những “phép lạ Thánh Thể” đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, và thông thường thì các cuộc điều tra cuả Giáo Hội sẽ kéo dài hằng chục năm trời, trước khi được công nhận là một phép lạ. Người ta chưa biết Toà Thánh Vatican đã được thông báo về sự việc này chưa. Dù thế đã có đông đảo giáo dân tụ tập hằng ngày tại nhà thờ thánh Phanxicô Xavier để đọc kinh lần chuỗi.

Sự việc xảy ra từ tuần trước, một bé trai đã đi theo đoàn người lên rước lễ và đã được trao cho Mình Thánh. Người nhà cuả em sau khi nhìn thấy sự việc thì vội báo cho vị linh mục là em chưa được xưng tôi lần đầu, và do đó vị linh mục đã lấy lại “Mình Thánh” và, theo thể lệ áp dụng trong muà lạnh thường xảy ra những bệnh truyền nhiễm, “Mình Thánh” đó đã được bỏ vào một ly nước. Thông thường thì khi một “chiếc bánh miến” bỏ vào nước thì chỉ trong vài phút là rữa ra, nhưng “Mình Thánh” không những đã không rữa mà còn bắt đầu rỉ máu.

Ba ngày sau, người ta vẫn thấy “Mình Thánh” nổi trên nước và máu vẩn còn tươi. Tin đồn lan ra, nhà thờ tràn ngập tín hữu củng người hiếu kỳ. Cha xứ đã có lần đem “Mình Thánh” ra trưng bày cho công chúng, nhưng sau đó đã đem về Giáo Phận để điều tra. 

Trong ngày Lễ Tạ ơn này, người ta vẫn còn kéo nhau tới nhà thờ thánh Phanxicô Xavier, để được tham dự vào một biến cố linh thiêng nhiệm màu.(Trần Mạnh Trác, Tin phép lạ Thánh Thể đang chảy máu tại Salt Lake City, Hoa Kỳ, Vietcatholic, 11/26/2015)

Mầu nhiệm Thánh Thể vừa quan trọng, vừa gần gũi, lại vừa cần thiết nhất trong bảy Phép Bi tích của Hội Thánh, để nuôi dưỡng tín hữu vững mạnh trên đường về quê Trời. Sự lạ Thánh Thể tại Salt Lake City đánh động thêm những ai còn nghi ngờ sự hiện diện hữu hình của Mình Máu Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể.

Tin Mừng thánh Luca hôm nay, trình bày phép lạ hoá 5 chiếc bánh và hai con cá nuôi dư giả 5 000 đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em. Những bữa tiệc trong Tin Mừng thánh Luca đều quy hướng về Bàn Tiệc Thánh Thể, và chung cuộc là Bàn Tiệc Thiên Quốc. Qua cấu trúc ngôn ngữ diễn tả sự lạ cả thể này, thánh Luca muốn nêu lên những đặc tính căn bản và thiết yếu của môn đệ Đức Giêsu, của tín hữu Kitô. Đó là phục vụ, tận hiến và tín thác.

Phục vụ

Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa.” Quả thực, các môn đệ đã tỏ ra hết sức quan tâm, lo lắng cho dân chúng đang sốt sắng theo Chúa, được ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sự quan tâm chỉ dừng lại ở mức nửa vời, lưng chừng, đối phó, để khỏi bị phiền trách, khỏi vướng trách nhiệm nặng nề, khỏi vất vả giúp đỡ. Đây cũng là lối ứng xử thường tình, khôn khéo thế gian, rất lô gích, máy móc nguyên tắc, không thể bắt lỗi.

Nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn bác bỏ, lên tiếng phủ nhận lý lẽ người đời. Người kịch liệt chống lại thái độ Mackeno, vô cảm, bất nhân, bất nhẫn, vô tâm, vô trách nhiệm. Người lập tức dõng dạc truyền lệnh, buộc các môn đệ thi hành ngay: “Các con hãy cho họ ăn đi.” Đức Giêsu muốn thức tỉnh các môn đệ nhiệm vụ quan trọng của Kitô hữu, hay căn tính của môn đệ Đức Kitô, đồng phục con chiên của Mục Tử Nhân Lành. Đó là xả kỷ vị tha, yêu thương phục vụ. Không được phép yên ổn ẩn náu trong cái tháp ngà hẹp hòi, ích kỷ, sống chết mặc bay! Không cần biết tha nhân đói khổ, bệnh hoạn, tù đầy, bị bỏ rơi, bị xua đuổi khỏi cộng đồng.

Dĩ nhiên yêu thương phục vụ tha nhân không bao giờ là chuyện đơn giản và dễ dàng. Thiên hạ bá tánh, làm sao có thể làm hài lòng vạn người? Thay vì được lòng biết ơn đáp lại, thì chỉ phũ phàng nhận lấy oán trả. “Hãy vác thập giá mà theo Ta.” Đức Giêsu từng nhắc nhủ và khích lệ những ai can đảm dấn thân theo Chúa.

Tận hiến

May thay, trong đám đông theo Chúa, có một cậu bé mang theo 5 chiếc bánh và 2 con cá. Có lẽ cậu được người mẹ chu đáo gói cho chút lương thực độ đường. Khi thấy các môn đệ bối rối, dáo dác, hớt hải, lúng túng xoay sở, sau lệnh truyền bất ngờ của Đức Giêsu, cậu bé liền dâng hiến tất cả lương thực cho các môn đệ, đóng góp hết, chẳng do dự giữ lại chút gì cho mình. Không lệ thuộc thân xác, không chiều theo cám dỗ bản năng, no cơm ấm cật! không hùa theo khôn ngoan thói đời: Dĩ thực vi tiên, có ăn là sướng như tiên rồi. “Bỏ mình,”một quyết định quả cảm, dứt khoát và tận hiến dành cho những ai là môn đệ thực sự của Đức Giêsu.

Tuy vui vẻ tiếp nhận lương thực cậu bé ngoan dâng tiến, nhưng các môn đệ chẳng mấy hy vọng, vì bấy nhiêu đó như muối bỏ biển, chẳng thấm tháp gì với đám đông. Nếu sống với tính thực dụng, chi li, bần tiện, tính toán ăn thua, hơn thiệt, lời lãi, nhỏ nhen, thì chẳng ai có thể noi gương cậu bé hào phóng kia, rộng rãi tận tình cho đi, hết lòng trao tặng, rộng tay đóng góp của cải, công sức, tài năng cho Giáo xứ, cộng đoàn, Giáo hội, Nước Chúa.

Tín thác

“Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này.”Mặc dù đã có ít bánh và cá, nhưng các môn đệ vẫn bó tay, không thể giải quyết việc ẩm thực cho đám đông theo Chúa. Các ông vẫn đơn sơ thấy cần có một khoản tiền đáng kể để có thể mua đủ lương thực. Các ông vẫn chưa hoàn toàn tin cậy vào quyền năng vô biên của Đức Giêsu.

“Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người.” Người không cần giảng giải dài dòng, chẳng cà kê huấn giáo, cũng chẳng đành lòng trách mắng các môn đệ yếu nhân đức tin. Chỉ vắn tắt, gọn ghẽ, chính xác ra lệnh cho các môn đệ thi hành. Các ông liền vâng lịnh, mau mắn ổn định, chia đám đông thành từng nhóm nhỏ, từng cộng đoàn nhỏ bé.“Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống.”

Vâng theo Thánh Ý Chúa là biểu hiệu lòng tín thác vô điều kiện vào Chúa. Thực sự, các môn đệ cũng chưa thể nào biết Đức Giêsu sắp làm gì? Các ngài chỉ biết răm rắp thực thi những điều Người ra lệnh.

Cứ cặn kẽ tìm hiểu và mau mắn vâng theo Thánh Ý, đừng thắc mắc, cũng đừng tìm cách lý giải, phân tích, bàn luận về ý muốn của Chúa. Vì “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như  trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” ”(Is 55, 8-9).

Con tin một sức mạnh: Thánh Thể, thịt máu Chúa sẽ làm cho con sống, “cho thế gian sống, và sống phong phú hơn.” Manna nuôi dân Do Thái đi đường về đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy Vọng. (Đường Hy Vọng, số 983) 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi khi được vinh dự đón tiếp Mình Máu Thánh, xin Chúa thứ tha những lỗi lầm, những vết nhơ tâm hồn, và thương xót xin thánh hoá chúng con, để chúng con can đảm sống Tin Mừng, làm chứng nhân thời đại.

Lạy Mẹ Maria, Người Nữ Thánh Thể như Đức Thánh Cha Gioan PhaoLô II xưng tụng, xin hướng dẫn, chỉ dạy chúng con chiêm ngưỡng, yêu mến và gắn bó mãi với Bí tích Thánh Thể. Amen.

Về mục lục

.

BỮA TIỆC THÁNH YÊU THƯƠNG

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 9,11b-17

(11b) Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được chữa. (12) Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. (13) Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. (14) Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngả mình thành từng nhóm khỏang năm mươi người một”. (15) Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngả mình xuống. (16) Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

2. Ý CHÍNH:

Thánh Luca thuật lại phép lạ Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Trước nhu cầu của đám đông, thay vì giải tán đám đông để mỗi người tự lo liệu việc ăn nghỉ cho mình như đề nghị của các môn đệ, Đức Giêsu lại truyền cho các ông: “Anh em hãy liệu cho họ ăn đi”. Sau đó, dù các ông chỉ có năm cái bánh và hai con cá, nhưng Đức Giêsu đã sử dụng số lượng ít oi này để nhân ra nhiều gấp bội mà cho đám đông dân chúng được ăn no. Số bánh dư thu lại được mười hai thúng. Số người ăn hôm ấy khoảng chừng 5000 đàn ông.

3. CHÚ THÍCH:

– C 11b-12: + Đức Giêsu nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là trọng tâm các bài giảng của Đức Giêsu. Luca cho thấy Đức Giêsu đã giảng trước khi làm phép lạ nhân bánh. Đây cũng là khuôn mẫu của thánh lễ sẽ được Hội thánh cử hành sau này. Thánh lễ cũng gồm hai phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. + Chữa lành những kẻ cần được chữa: Lời giảng luôn được kèm theo phép lạ chữa bệnh. Đó là đặc điểm về cách thức truyền giảng Tin mừng của Đức Giêsu và là khuôn mẫu cho việc truyền giáo sau này. + Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn: Câu nói của các môn đệ cho thấy: Tuy có quan tâm đến nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của dân chúng, nhưng các ông lại không ý thức mình phải phục vụ để đáp ứng các nhu cầu này của họ.

– C 13-14: + “Chính anh em hãy cho họ ăn”: Đức Giêsu trao trách nhiệm cho các môn đệ phải lo phục vụ dân chúng không những về tinh thần mà cả về thể xác nữa. Trong kinh “Thương người có mười bốn mối” của Hội Thánh cũng đề cập đến các việc bác ái cụ thể mà người tín hữu có bổn phận phải chu tòan như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. + “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”: Bánh và cá là thức ăn thường ngày của dân chúng miền biển Galilê. Năm chiếc bánh và hai con cá ở đây là của một bé trai (x. Ga 6,9). Tuy nhiên số thức ăn này chẳng thấm vào đâu so với đám đông dân chúng. Điều này nói lên khả năng hữu hạn của các môn đệ. Nhưng Đức Giêsu lại muốn các ông cộng tác bằng việc góp phần nhỏ bé ấy vào phép lạ lớn lao mà Người sắp thực hiện. + Anh em hãy bảo họ ngả mình: Thời xưa người miền Cận Đông thường ăn tiệc trong tư thế nằm nghiêng trên giường. + thành từng nhóm khoảng 50 người một: Họp thành từng nhóm gợi lại việc ông Môsê tổ chức dân Do-thái thành từng nhóm trong sa mạc thời Xuất hành, là cách tổ chức lý tưởng của dân Chúa (x, Xh 18,21.25). Đức Giêsu muốn các môn đệ tổ chức đám đông ô hợp thành từng cộng đoàn. Các ông trở nên những “Thừa tác viên” phục vụ cho cộng đoàn ấy.

– C 15-17: + Các môn đệ làm y như vậy: Các môn đệ mau mắn làm theo Lời Đức Giêsu dạy, dù lúc ấy các ông chưa biết Người sắp làm gì. + Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá…: theo phong tục của người Do thái thì trước bữa ăn, gia trưởng thường đọc một kinh cảm tạ Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu cũng cầu nguyện bằng một nghi thức có tính phung vụ như Luca viết: “cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ”. Những cử chỉ này giống như khi người lập bí tích Thánh Thể ngày thứ Năm tuần thánh tại nhà Tiệc ly (x. Lc 22,19), và trong bữa ăn tối với hai môn đệ tại làng Emmau (x.Lc 24,30). + Trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông: Đức Giêsu không trực tiếp trao bánh, nhưng Người trao qua trung gian là các môn đệ. Ngày nay vai trò của các linh mục và phó tế cũng giống như vậy trong các cộng đoàn và các xứ đạo. + Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê… Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng: no nê và dư thừa nói lên đồ ăn dồi dào. Điều này đã ứng nghiệm về bữa tiệc Thiên Sai mà Isai-a đã báo trước: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (Is 25,6), 12 thúng đầy tương ứng với 12 môn đệ phục vụ dân chúng hôm ấy. Việc các môn đệ thu nhặt lại số bánh và cá dư cho thấy bữa ăn này sẽ còn tiếp tục kéo dài để đón thêm những thực khách đông đảo trong thánh lễ sau này.

4. CÂU HỎI:

1) Thánh lễ gồm có hai phần chính là những phần nào ? 2) Câu nào cho thấy Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người phải góp phần phục vụ dân chúng cả về phương diện thể xác nữa ? 3) Tại sao Đức Giêsu lại bảo môn đệ cho dân chúng ngả mình nằm thành từng nhóm 50 người ? 4) Tại sao Đức Giêsu lại sử dụng 5 chiếc bánh và hai con cá do môn đệ góp để nhân ra nhiều ? 5) Ngày nay những cử chỉ của Đức Giêsu làm trong phép lạ nhân bánh ra nhiều được Hội thánh lặp lại trong lễ nghi nào ? 6) Trong Thánh lễ khi nào bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa ? 7) Trường hợp bánh rượu đã được truyền phép bị hư hỏng không ăn uống được, thì bấy giờ có còn là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu nữa không ? 8) Ta phải có thái độ nào đối với những mụn Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống đất ? 9) Mỗi ngày các tín hữu được rước lễ mấy lần? 10-Tại sao các tín hữu nên năng rước lễ mỗi ngày ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LỊCH SỬ LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA: 

Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Christiana, tới lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy tấm bánh mới truyền phép đã biến thành Thân mình Chúa Giêsu đang chịu tử nạn. Trên thân xác Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương bị đóng đinh ở hai bàn tay bàn chân và vết lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ trên bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi, vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết Thánh lễ được. Sau đó, vị linh mục này đã đến xin vào chầu Đức Giáo hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một vị Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định sự việc đó thực là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời giáo dân đến chầu Mình Thánh Chúa liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội thánh.

2) “MÌNH THÁNH Ở TRONG LÒNG TÔI”:

Thời kỳ cách mạng Pháp, có một cha xứ miền Bờtanhờ (Bretagne) đưa Mình Thánh Chúa đến cho một gia đình. Theo giúp Cha là một cậu bé tên là Bengiamanh (Benjamin). Bấy giờ cha xứ bị bọn lính phát hiện và đuổi theo gấp. Ngài vội dúi vào tay cậu bé chiếc hộp nhỏ có đựng Mình Thánh Chúa trước khi chạy trốn. Ssau đó cha đã bị bắt và bị giết chết. Bấy giờ cậu bé Bengiamanh vừa chạy vừa mở hộp lấy Mình Thánh Chúa bỏ vào miệng mà nuốt đi. Sau đó cậu bé cũng bị bắt và bị tra hỏi về nơi đã cất giấu Mình Thánh Chúa. Cậu hiên ngang chỉ tay vào người mình và nói rằng: “Mình Thánh Chúa đang ở trong người tôi đây này! Các ông hãy mổ ra mà lấy”. Bọn lính điên tiết đã đâm chết cậu bé rồi chôn vùi xác chết của hai cha con dưới một gốc cây sồi ở đầu làng. Một thời gian sau thì cuộc cách mạng đã dần dần lụi tàn và cuối cùng bị thất bại. Một hôm một cơn bão lốc xóay rất mạnh đã đốn ngã cây sồi cổ thụ kia, để lộ ra hai xác chết của cha xứ và cậu bé giúp lễ. Người ta đã phát hiện ra Mình Thánh Chúa vẫn đang còn ngự trong người cậu khi thấy thân xác cậu vẫn ngời sáng ánh hào quang.

3) PHÉP LẠ MÌNH THÁNH CHÚA DO THÁNH ANTÔN THỰC HIỆN:

Một phép lạ khác xảy ra với thánh Antôn Pađua. Có một người Do thái, tên là Bônvilô, không tin và thường nhạo báng Phép Thánh Thể. Thánh Antôn nói thế nào ông ta vẫn cứ thế. Một hôm, ngài nói với ông ta như là một cuộc thách thức: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quì xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh thì ông có tin không?”Ông ta cho là một câu nói chơi và nhận lời thách thức. Hai ngày liền, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chợ để có đông người chứng kiến. Giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua. Con lừa quên đói, không ngó ngàng gì đến lúa mạch, quay sang thánh Antôn quì xuống gật gật đầu thờ lạy Chúa cho đến khi thánh Antôn kiệu Mình Thánh đi. Mọi người quì xuống thờ lạy Chúa và hoan hô thánh Antôn.

4) ĐỨC GIÊSU HIỆN THÂN NƠI NGƯỜI NGHÈO ĐANG CHỜ ĐƯỢC PHỤC VỤ:

Đức Hồng Y Hellder Camara khi về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối đấm ngực than khóc như vừa gặp đại hoạ. Thì ra đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, thì kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm các bình đựng Mình Thánh. Chúng đổ Mình Thánh ra ngoài vườn, lấy đi những bình mạ vàng mà chúng tưởng bằng vàng thật. Đây thật là tội phạm thánh nặng nề.

Thế nhưng trong bài giảng lễ hôm ấy, Đức Hồng Y Camara đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu vẫn bị nhục mạ, hành hạ, chà đạp, bị giết chết nơi những người nghèo khổ, vô gia cư, trẻ mồ côi … Sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những người nghèo ấy chính là hiện thân của Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa giữa đời thường đang cần được chúng ta chăm sóc.

Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta về một khía cạnh hay bị quên lãng khi cử hành bí tích Thánh Thể. Đó chúng ta cần cử hành bí tích Thánh Thể không những trong nhà thờ mà còn cả ngoài xã hội nữa.

3. THẢO LUẬN: 

1) Khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta cần ăn mặc thế nào? Có nên đi trễ về sớm không? Cần vào bên trong ghế hay đứng ngoài nhà thờ hút thuốc nói chuyện? 2) Chúng ta có cần dọn mình trước khi lên rước lễ và cám ơn sau đó không?

4. SUY NIỆM:

1) Phép lạ nhân bánh hôm nay là hình ảnh của bí tích Thánh Thể sau này:

Bài Tin mừng đã thuật lại phép lạ Đức Giêsu làm trong sa mạc là nhân 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng gồm năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà con trẻ, mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy bánh vụn.

Phép lạ này nhắc lại việc Đức Chúa đã làm trong thời kỳ Xuất Hành của dân Ítraen do Môsê lãnh đạo: Khi ấy Đức Chúa đã ban cho con cháu Giacóp bánh “manna” trong suốt thời gian 40 năm lưu lạc trong sa mạc. Con số 12 thúng bánh vụn tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ítraen.

Phép lạ nhân bánh ra nhiều còn tiên báo về bí tích Thánh Thể Đức Giêsu sẽ thực hiện trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua sau này: Khi ấy Người cũng làm những cử chỉ giống như đã làm khi nhân bánh ra nhiều hôm nay: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19).

2) Bí Tích Thánh Thể: bữa tiệc huynh đệ hiệp thông của cộng đoàn tín hữu:

Thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu có thói quen cử hành “bữa tiệc Thánh Thể” trong khung cảnh một “bữa ăn huynh đệ” (Agape). Mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo đồ ăn thức uống góp chung lại, rồi để ra một phần chia sẻ cho những anh em nghèo túng, phần còn lại sẽ chia nhau ăn chung để thể hiện sự hiệp thông huynh đệ.

Nhưng ở cộng đoàn Côrintô đã không làm như thế: những người giàu mang theo nhiều đồ ăn ngon hẹn nhau đến sớm để ngồi chung bàn ăn uống trước, mà không chờ đợi những người nghèo đến cùng ăn chung. Như vậy bữa tiệc huynh đệ bị phân hóa thành hai lớp người giàu nghèo: Kẻ nghèo bị đói bụng đang khi nhiều người giàu khác lại no say! Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ngài trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích giáo đoàn Corinthô cử hành Thánh Thể sao cho xứng đáng và đúng với mục đích bữa ăn chia sẻ huynh đệ yêu thương. Người ta sẽ tham dự bữa tiệc Thánh Thể cách bất xứng khi họ không quan tâm chia sẻ cơm bánh cho người nghèo, không ý thức Hội Thánh chính là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô cần phải được hiệp thông chia sẻ và phục vụ lẫn cho nhau.

 3) Bí Tích Thánh Thể tái diễn lễ hy sinh thánh giá của Đức Giêsu: 

Khi thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19.20). Do đó khi lên rước lễ là chúng ta đón nhận chính Thân Mình Máu Huyết của Đức Giêsu và nhờ đó chúng ta sẽ được hiệp thông với Đấng đã chịu chết để đền tội thay cho chúng ta và đã sống lại để phục hồi sự sống siêu nhiên cho chúng ta.

Khi tham dự thánh lễ, các tín hữu chúng ta cần hiệp dâng các vất vả lao công và những đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày làm lễ vật khiêm hạ, kết hiệp với lễ vật cao quý vô cùng là bánh rượu đã được biến hóa nên Thân Mình và Máu Huyết Chúa Giêsu sau khi truyền phép, dâng lên Chúa Cha để đền tội thay và giao hòa nhân loại với Chúa Cha.

4) Tầm quan trọng của giờ chầu Chúa trong Bí Tích Thánh Thể:

Thánh Têrêsa Calcutta đã xác tín thâm sâu về tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể trong cuộc sống Kitô hữu như sau:

-Tôi biết, tôi sẽ không thể làm việc một tuần, nếu tôi không được liên tục tăng sức từ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, qua việc làm Giờ Thánh hàng ngày.

-Chầu Giờ Thánh là thời gian tốt nhất mà bạn sử dụng trên trái đất.

-Giờ Thánh sẽ làm cho linh hồn bạn mãi mãi vinh quang và đẹp đẽ trên thiên đàng.

-Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế ta sẽ suy nhược, không còn tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ.

-Trên thập giá, Chúa Giêsu nói: “Tôi khát”. Từ Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nói với ta: “Cha khát”. Ngài khát tình yêu cá nhân của mỗi người, sự thân mật của mỗi người, cộng đoàn của chúng ta với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.

-Mỗi Giờ Thánh chúng ta chầu đều làm vui lòng Trái Tim Chúa Giêsu. Điều đó  sẽ được ghi lại trên thiên đàng và kể lại trong cõi đời đời.

-Để cho một mình ở với Chúa Giêsu, thờ phượng và thân mật với Ngài là quà tặng vĩ đại nhất của tình yêu, là tình yêu dịu dàng của Chúa Cha chúng ta trên Trời.

-Hãy dành thời giờ có thể, càng nhiều càng tốt, ở trước Bí Tích Cực Thánh. Ngài sẽ đổ đầy cho bạn  sức mạnh và quyền năng của Ngài. 

5) Cuộc đời chúng ta phải là thánh lễ nối dài sự hiệp thông và chia sẻ: 

Mỗi phút giây qua đi, có biết bao tấm bánh vật chất được bẻ ra để nuôi sống thân xác con người. Trong mỗi tấm bánh ấy cũng có bóng dáng của bánh Thánh Thể của Chúa Giêsu. Nếu ta siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng chia sẻ tấm bánh vật chất cho tha nhân giữa đời thường. Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta cần nhớ lời thánh Phaolô: “Mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa” (1 Cr 11,26-27). Ngoài ra, trong Thánh lễ, Hội thánh luôn cầu nguyện cho sự hiệp thông như sau: ”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn II).  

        Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn liên kết với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là Thân Mình Chúa Giêsu, tất cả mọi người sẽ nên chi thể của Người như thánh Phaolô đã viết: ”Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Người ban cho ta”.

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa đã tự hiến để trở thành của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng con. Mỗi lần lên rước Chúa trong phần hiệp lễ, có những lúc chúng con cảm nhận Chúa thật ngọt ngào và êm ái biết bao! Thế nhưng cũng có những lúc tâm hồn chúng con lại bị khô khan nguội lạnh. Xin giúp chúng con siêng năng rước lễ cách sốt sắng, nhờ đó chúng con sẽ được Chúa bổ sức và sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.

– LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa muốn chúng con kết hiệp mật thiết để được nên một với Chúa. Đòi hỏi đó làm cho chúng con cảm thấy lúng túng, vì cho tới nay chúng con vẫn chưa dứt bỏ được những thói hư tật xấu cùng những đam mê tội lỗi. Xin cho chúng con sẵn sàng nói không với những gì gian ác xấu xa thuộc về ma quỷ và năng đón rước Chúa mỗi ngày, để chúng con được sống và sống dồi dào trong ơn nghĩa Chúa, và sau này cùng được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa trên quê trời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

Về mục lục

.