Chúa nhật 3 Thường niên Năm C_2012

59

Chúa Nhật Thứ Ba Thường Niên C_2013

Ông bà anh chị em thân mến. Như ông bà anh chị em thường xuyên nghe về sự kiện dân Do thái bị lưu đày làm nô lệ ở Ba-bi-lon, và hơn 50 năm sau đó vua Pê-si-a đã giải thoát và cho họ trở về quê hương. Nhưng một số người Do thái cảm thấy đã quen thuộc với đời sống nô lệ và không trở về ngay. Họ chần chừ và sau đó trở về từng nhóm nhỏ một. Mặc dù đã trở về, nhưng một trăm năm sau đó, họ vẫn chưa tái thiết được quê hương và đền thờ Thiên Chúa. Người Pê-si-a lúc đó vẫn nắm toàn quyền Trung đông bao gồm cả quốc gia Do thái. Ông Nơ-kê-mi-a là một người Do thái và là một đầy tớ cao cấp của vua Pê-si-a, đã xin vua cho phép trở về nước để giúp đỡ dân chúng trong công cuộc tái thiết. Vua Pê-si-a cho phép và đã phong Nơ-kê-mi-a làm tổng trấn nước Do thái. Trong nỗ lực giúp đỡ tái thiết quê hương, Nơ-kê-mi-a đã bắt đầu thực hiện những gì quan trọng nhất, và tuyên bố cho dân chúng biết: Thiên Chúa phải là trước tiên và trên hết trong cuộc sống của họ.  Tổng trấn Nơ-kê-mi-a nhận ra lý do tại sao họ đã phải lưu vong, sống trong cảnh nô lệ vì họ đã từ bỏ, quên Thiên Chúa.  Trong bài đọc một hôm nay, tổng trấn Nơ-kê-mi-a đã triệu tập đại hội cộng đồng dân chúng lại, và tư tế Ét-ras đọc Lời Chúa cho họ nghe.

Như chúng ta biết vào thời đó sách vở rất hiếm và mắc, và nếu những người bình thường muốn được biết, nghe và hiểu thì phải có một người đọc, cắt nghĩa và giảng dạy cho họ. Do đó tư tế thư ký Ét-ras đã đọc Lời Chúa và giảng dạy cho họ. Đoạn văn được đọc có thể trích từ 5 cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh. Một điểm chúng ta cần chú ý là: có những động tác diễn tả tâm tư của dân chúng khi lắng nghe Lời Chúa, chẳng hạn như: đầu tiên giơ tay lên cao, rồi thưa: “Amen, Amen”, sau đó quì, cúi đầu xuống đất nghe một cách chăm chú, rồi khóc lóc và vui mừng. Lời Chúa tác động vào trong tâm hồn của con người một cách mạnh mẽ và sâu sắc nếu có sự khao khát biết lắng nghe, lắng nghe một cách thành tâm và sốt sắng. Dân chúng cảm thấy buồn sầu trước Lời Chúa, bởi vì họ cảm thấy đời sống của họ đã không đi đúng với Lời Chúa dạy.  Họ đã từ bỏ, không thực hành, sống Lời Chúa một cách chân thành. Nhưng tư tế Ét-ras và tổng trấn Nơ-ki-mia nói với họ biết rằng Lời Chúa mang lại cho họ sự vui mừng.  Mặc dù họ đã không thành tâm sống theo Lời Chúa dạy, nhưng khi lắng nghe Lời Chúa, họ sẽ biết rõ hơn, để bắt đầu một cuộc sống mới theo Lời Chúa dạy. Và ông bà anh chị em thân mến. Lời Chúa là trọng tâm của bài đọc 1 và cũng là chủ đích của các bài Kinh thánh Chúa nhật thứ ba hôm nay.

Khi chúng ta phạm luật của quốc gia hay xã hội chúng ta đang ở, thì chúng ta sẽ bị bỏ vào tù.  Nhưng Thiên Chúa không sai cảnh sát đến bắt chúng ta khi chúng ta phạm luật hay từ chối luật Chúa dạy, ngay lúc đó có thể không có gì xảy ra, hay chúng ta cảm sự thoải mái, nhưng sau đó, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng cách này hay cách khác, và lãnh nhận những hậu quả do chính thái độ hay quyết định của chúng ta gây ra. Chúng ta nhận thấy ngày nay nhiều người lý luận cho những hành động xấu hay cuộc sống tội lỗi của mình rằng: Thiên Chúa là một người tốt, nhân hậu.  Ngài sẽ không phạt chúng ta. Là những Ki-tô hữu, chúng ta nhận biết và tin rằng Thiên Chúa đến trần gian để dạy và chỉ lối cho chúng ta đến và có hạnh phúc thật sự và đến cuộc sống trường sinh. Khi chúng ta từ chối hay chọn sống ngược lại với sự dạy dỗ của Chúa, với Lời Chúa, thì chúng ta tự mang lại những hậu quả do chính chúng ta gây nên.

Một câu trong Thánh vịnh 119 mà tôi thính nhất là: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”  Nếu chúng ta tới một nơi hoàn toàn tối, thì có một cái đèn pin hay ngọn đèn thì thật là tốt đẹp và hữu ích.  Chúng ta có thể chọn đi trong bóng tối, nhưng đó không là một hành động khôn ngoan, và chúng ta có thể tự tạo tai nạn hay sự bị thương cho chính chúng ta.  Khi chúng ta cố tình, dựa vào sức mình để sống, mà không có Lời Chúa, thì chúng ta sẽ đi trong bóng tối, hay làm nô lệ cho sự dữ, tội lỗi.  Nếu chúng ta bị vấp ngã xẻ đầu, nứt sọ, thì chúng ta không thể nói bị Chúa phạt.  Chúng ta tự tạo tai nạn cho chính chúng ta.

Thống đốc Nơ-ki-mi-a biết dân Do thái cần ánh sáng của Thiên Chúa nếu họ muốn thành công trong việc tạo dựng lại đời sống.  Chúa Giê-su Đấng cứu thế cũng biết chúng ta cần ánh sáng của Thiên Chúa, cho nên, trong bài Tin mừng hôm nay và trong thời điểm bắt đầu sứ mệnh rao giảng Tin mừng, Chúa Giê-su đã dùng Lời Chúa để diễn tả những công việc mà Người sẽ làm.  Dân chúng ca tụng, nhưng thật là một sự bất hạnh, sau đó, chúng ta biết trong bài Tin mừng tuần tới, họ đã từ chối và chống đối Người.

Trong bài Tin mừng hôm nay, sau khi đã đọc Lời Chúa diễn tả sứ mệnh của Người, Chúa Giê-su nói: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe.”  Danh từ “hôm nay” là hai chữ rất quan trọng, nói cho chúng ta biết Thiên Chúa đang nói với chúng ta.  Những người Do thái nghe lời tư tế Ét-ras đọc và giảng dạy Lời Chúa về những sự kiện đã xảy ra khoảng 1 ngàn năm trước đó, những câu chuyện về A-bra-ham, Môi-sê và cuộc Xuất hành, nhưng họ thấy đúng, thích hợp với thời điểm mà họ đang sống. Chúng ta thấy  Chúa Giê-su đọc Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sa-i-a viết nhiều thế kỷ trước đây, nhưng Chúa bảo cho những người đang nghe Người biết: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe.”  Lời Chúa luôn luôn trực tiếp nói với chúng ta, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống, và thần trí của Người tiếp tục liên hệ, thông tri và kết hợp với chúng ta qua lời của Người.

Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta về sự quan trọng của cộng đoàn giáo xứ. Ngài khẳng định rằng chúng ta không thể nói chúng ta không cần cộng đoàn giáo xứ, tôi không cần tham dự Thánh lễ, tôi không cần phải cầu nguyện với người khác. Là những Ki-tô hữu, chúng ta cần bởi vì chúng ta là những phần thân thể của Chúa Ki-tô.  Chúng ta cần những ơn sủng mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cần nhau và cần sự chia sẻ đức tin của những người khác.  Hay nói một cách khác, chúng ta cần Lời Chúa và là những phần tử trong Thân Thể Chúa Ki-tô, chúng ta cần nhau, chúng ta cần sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau để sống đức tin, xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô và làm sáng danh Chúa.

Khi thánh Phao-lô bị té xuống ngựa đang trên đường đi bắt bớ, hành hạ và bỏ tù những Ki-tô hữu, Chúa Giê-su Na-za-rét đã phán với ngài: “Sao-lô, Sao-lô, sao người bắt bớ Ta.” Có nghĩa là bắt bớ những Ki-tô hữu là bắt bớ chính Chúa Giê-su Ki-tô, hay mỗi Ki-tô hữu là chính Chúa Giê-su, và tất cả kết hợp lại trở thành thân thể Chúa Giê-su Ki-tô, là cộng đoàn giáo xứ cách riêng.  Do đó, ông bà anh chị em thân mến, thứ nhất chúng ta không chỉ trích, có những hành động và lời nói những lời gây chia rẽ, tranh chấp làm tổn thương đến chính Chúa Ki-tô, và thứ hai, chúng ta không thể nào sống ích kỷ và lỗi đức công bằng trong thân thể Chúa Ki-tô.  Mỗi người, mỗi phần tử có bổn phận, trách nhiệm và sứ vụ xử dụng tất cả những ơn sủng Chúa ban, hợp nhất và đồng tâm giúp đỡ, hỗ trợ nhau sống đức tin và xây dựng cộng đoàn giáo xứ làm sáng danh Chúa.

Lời Chúa hôm nay kêu gọi mỗi người chúng ta thành tâm nhìn vào đời sống của mình và tự hỏi lương tâm: chúng ta có lòng khao khát lắng nghe Lời Chúa, và sống những giáo huấn, lời Chúa giảng dạy không?  Lời Chúa có tác động gì trong cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta hôm nay không? Chúng ta có sống liên kết, hỗ tương như những phần tử trong thân thể Chúa Ki-tô không? Chúng ta có những lời nói, việc làm hay hành động làm tổn hại đến thân thể Chúa Ki-tô không? Chúng ta có sống công bằng, nhất là quảng đại với những ơn sủng Chúa ban để xây dựng thân thể Chúa Ki-tô và làm sáng danh Chúa không?

Xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta nhận biết những ơn sủng của Người đã ban, để xây dựng và cộng tác với Chúa Giê-su trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng, có lòng quảng đại và bác ái, cũng như hy sinh phục vụ, chu toàn sứ mệnh Người đã khởi đầu  2013 năm trước đây để vinh danh và làm sáng danh Chúa.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa