Chúa Nhật 13 Thường niên Năm C_2013

126

Chúa Nhật 13 Thường niên Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Tin mừng có một chủ đích duy nhất là dẫn chúng ta đến Chúa Giê-su Ki-tô.  Chúa Giê-su cũng chỉ có một chủ đích là dẫn chúng ta đến Thiên Chúa.  Và Thiên Chúa có một chủ ý duy nhất mang chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu. Bài Tin mừng hôm nay, đúng như mục đích và trong sự ước muốn dẫn chúng ta đến Chúa Giê-su Ki-tô, không phác họa cho chúng ta một bức tranh về một Chúa-Giê-su-rất-dễ-dàng, hay một-người-để-làm-bất-cứ-điều-gì-theo-ý-chúng-ta-muốn cũng sẽ được vào Nước Thiên Đàng.  Chúa Giê-su là một Đấng rất yêu thương, rất từ bi, nhân hậu và đầy khoan dung nhất từ trước tới nay chưa từng có một người nào có thể so sánh bằng, nhưng khi đề cập đến đời sống vĩnh cửu thì Người không thờ ơ, lạnh nhạt hay lẫn lộn. Thậm chí một số người quan tâm, lo lắng về những lời nói nghiêm khắc của Người.

 Chúng ta hãy chú ý đến những câu nói rất nghiêm khắc của Chúa trong bài Tin mừng hôm nay. Trước hết, bài Tin mừng đề cập đến sự kiện Chúa gặp gỡ người Sa-ma-ri-tan.  Chúng ta nghe đến lòng tốt của những người Sa-ma-ri-tan trong câu chuyện dụ ngôn “Người Sa-ma-ri-tan nhân lành”, nhưng vào thời đó có những sự xung kích, thù nghịch giữa những người Do thái và Sa-ma-ri-tan.  Và kéo dài đến ngày nay.  Một số người Do thái phải chịu sự rủi ro, hay phải liều mạnh sống nếu muốn đi đường tắt xuyên qua thành của người Sa-ma-ri-ta, như chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Chính Chúa Giê-su đã phải sai người đi trước để xem xét họ có chấp nhận Người không.  Họ không chấp nhận Người.  Lập tức Gia-cô-bê và Gioan xin Chúa cho lửa thiêu đốt, tiêu diệt tất cả mọi người trong thành. Chúng ta thấy các môn đệ không những muốn điều xấu xảy ra cho những người thù nghịch, mà còn muốn nhúng ta vào.  Và như chúng ta vừa nghe, Chúa đã ngăn cấm và quở trách các môn đệ.  Chúa Giê-su không đến để kết án, luận phạt nhưng để cứu sống. Chúa Giê-su là con người của sự hòa bình.

Có lẽ ông bà anh chị em đang suy nghĩ và thắc mắc: vậy thì những lời nghiêm khắc của Chúa Giê-su là gì và ở đâu?  Tôi xin ông bà anh chị em hãy chú ý, hãy nghĩ đến những người trong gia đình, trong cộng đoàn hay chung quanh: “Ai là những người Sa-ma-ri-tan trong cuộc sống của ông bà anh chị em?” “Ai là những người thù nghịch, thù ghét, bất đồng hay những người ông bà anh chị em muốn loại bỏ, nếu được, trong cuộc sống?”  Chúng ta có cùng một thái độ như Chúa Giê-su: tránh sự đối nghịch, khinh chê, chế diễu, nói xấu, trả thù, trù xấu, sẵn lòng tha thứ và tìm đường lối đến sự hòa giải không?”    Điều này không dễ dàng.

Còn hai hay ba lời nói khắc nghiệt của Chúa trong bài Tin mừng nữa. Một người thanh niên đến gặp và muốn theo Chúa, và Chúa đã cho biết có những sự hy sinh và từ bỏ nếu muốn đi theo Chúa, đặc biệt là không có chỗ gối đầu, không có chỗ gọi là nhà.  Vào thời Chúa Giê-su, nhiều người đã phải chịu nhiều đau khổ, phải hy sinh rất nhiều kể cả mạng sống vì tin và theo Chúa, và chúng ta thấy điều này vẫn xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới.  Nhiều người trên thế giới còn bị đàn áp, bị bắt tù đày và bị giết vì đức tin và vì Chúa.  Trong đó có các thánh tử đạo Việt Nam cha ông chúng ta (và cũng là tên mà ông bà anh chị em chọn cho giáo xứ của ông bà anh chị em sống ở thành phố Austin này). Còn trong quốc gia và xã hội giàu có này, nhiều người cảm thấy khó hy sinh 1 giờ đồng hồ hoàn toàn thanh thoát để tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật hay cầu nguyện, không kể những sự hy sinh sống giới răn, giáo huấn của Chúa và của giáo hội.  Là một Ki-tô hữu chân chính thì không phải chỉ là có tiếng, mà phải sống đường lối, thánh ý của Chúa.

“Hãy để kẻ chết chôn người chết” có lẽ là một câu nói nghiêm khắc và khó nghe nhất.  Ở đây chúng ta phải hiểu là người thanh niên này chỉ sẵn sàng theo Chúa khi người cha đã qua đời, có thể vài năm nữa.  Và Chúa điều muốn ám chỉ ở đây là sẽ không còn thời gian nữa, không để việc hôm nay cho ngày mai.  Chúng ta hãy suy nghĩ, bao nhiêu lần chúng ta nói là khi chúng ta làm xong cái này hay sự việc kia, hay có cái này cái kia rồi, chúng ta sẽ bắt đầu tham dự Thánh lễ đều đặn hơn hay thường xuyên hơn, hay có nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, tham gia phục vụ, hay có lòng bác ái, quảng đại hơn.  Chúng ta luôn luôn bận rộn và lòng ham muốn của chúng ta không đáy.  Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta dùng nhiều thời giờ ở đâu, và chú ý đến cái gì thì nói lên tầm quan trọng ở đó.  Điều cám dỗ quan trọng nhất của ma quỉ muốn nói với chúng ta là: “Tôi còn có nhiều thời giờ.  Tôi có thể cầu nguyện sau đó.  Tôi có thể làm việc tốt sau này. Hãy từ từ, chờ đợi và nghỉ ngơi. Tôi còn nặng nợ cho chính tôi.”   Dĩ nhiên là chúng ta cần nghỉ ngơi, nhưng chúng ta cũng cần dành thời giờ cho Chúa, Đấng ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác.

Lời cuối của Chúa trong bài Tin mừng cũng tương tự.  “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.”  Ông bà anh chị em thân mến.  Sự đi theo Chúa của chúng ta phải thành tâm.  Chúng ta không thể nào có thái độ chưa quyết định hay chưa chân thành.  Chúng ta không thể nào để cảm tình, cảm giác nhất thời lèo lái quyết định khi nào tôi  sẽ cầu nguyện, hay loại tôn giáo, đức tin ra ngoài khi không thuận tiện, không lợi lộc hay làm cảm trở đời sống theo ý muốn.  Đời sống đức tin của chúng ta rất quan trọng và quan trọng hơn đối với những điều trên đây.

Theo kinh nghiệm mục vụ ở nhiều xứ đạo, tôi thấy rất nhiều người ngày nay chỉ đến nhà thờ để cầu nguyện, xin ơn này ơn kia, hay khi đối diện với những nghịch cảnh, khó khăn, hay cần, muốn xin điều gì, chẳng hạn như cần các Bí tích hay giấy tờ, sau đó biến mất.  Thiên Chúa, Chúa chúng ta đáng được một sự đối xử chân thành và một sự cam kết tốt đẹp của chúng ta, hơn là chỉ một giây phút đạo đức thoáng qua, hay một cảm tình nhất thời bề ngoài.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nghe những lời nghiêm khắc của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng.  Chắc chắn như vậy!  Có phải đây là những lời Chúa muốn kết tội, tố cáo hay nhấn chúng ta xuống thấp không?  Thưa không!  Những lời của Chúa chúng ta phát xuất từ tình yêu của Người và muốn dẫn đưa chúng ta đến sự thánh thiện và hạnh phúc vĩnh cửu.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa