Câu chuyện Giêsu, câu chuyện ngàn đời

60

CÂU CHUYỆN GIÊSU, CÂU CHUYỆN NGÀN ĐỜI

Jac. Vũ Thế Hanh OP

SỨC ẢNH HƯỞNG TỪ CÂU CHUYỆN GIÊSU

Trong các sức mạnh làm thành văn minh Tây Phương, câu chuyện Đức Giêsu thuộc loại có uy lực lớn nhất. Từ khi câu chuyện ấy được kể lại lần đầu – và hằng ngày, có lẽ hằng giờ sau cái chết của Đức Giêsu – không ai tính được hết ảnh hưởng của nó. Câu chuyện ấy uốn nắn toàn bộ diễn biến của Kitô giáo, làm thành kiến thức của Kitô giáo về Thiên Chúa và thế giới. Cả những người ngoài Kitô giáo, thuộc các truyền thống phong phú khác nhau đã và đang góp phần làm nên nền văn hoá nhân loại, cũng bị uy lực lớn lao về mặt lịch sử của câu chuyện này chạm tới.

Với các môn đệ của Đức Giêsu, việc kể lại sự thật về Đức Kitô là điều táo bạo lâu dài trước ngày họ được gọi là Kitô hữu. Việc ấy bắt đầu ngay sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập tự, khi một trong các môn đệ của Ngài phải giải thích cho mình hoặc cho bất kỳ người nào thắc mắc Đức Giêsu thật sự là ai và lý do khiến các môn đệ không “tan đàn sẻ nghé” sau ngày Ngài bị hành hình. Và việc ấy không bao giờ ngừng.

Từ đó câu chuyện về Đức Giêsu được đọc và kể bằng nhiều thứ tiếng từ thế kỷ này sang thế kỷ khác tại bất kỳ nơi nào có các cộng đồng Kitô hữu. Người ta trình diễn, hát ca và rao giảng, nhảy múa, tưởng  niệm và diễn giải hành động và lời nói của Đức Kitô vô số lần. Lời Đức Giêsu trở thành khuơn vàng thước ngọc, trở thành những châm ngôn cho muôn người noi theo. Hành động của Đức Giêsu là gương lành  cho cuộc sống thường ngày và niềm hy vọng lúc lâm chung của Kitô hữu. Phụng vụ quanh năm của Kitô giáo được cử hành theo các thời điểm quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu. Các cộng đồng Kitô hữu đều cùng nhau chia sẻ một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Cứu độ dù họ ở đâu, dù đang bị phân ly vì những khác biệt lớn lao. Với Kitô hữu, chính tính chất cứu độ của Đức Kitô làm thành Kitô giáo trong quá khứ và hiện tại.

Trong suốt thời gian qua, đã có một loại quan tâm khác về Đức Giêsu, xem Ngài không là trung tâm điểm của biến cố nhập thể và cứu độ lớn lao, mà chỉ là một nhân vật lịch sử, một con người có ảnh hưởng sâu xa lên các biến cố đang xảy ra quanh mình, dù người ta có niềm tin tôn giáo vào Ngài hay không. Đã có hàng trăm cuốn sách viết ra nhắm vào tính cách lịch sử này.

Và rồi người ta phác hoạ hàng loạt chân dung Đức Giêsu. Nhiều chân dung tưởng tượng trong các sách ấy bị pha trộn đậm đặc giữa yếu tố lịch sử với sở thích của tác giả. Các chân dung đó khi thế này, khi thế khác, từ một nhà cách mạng hiền lành, dịu dàng đến quá khích, từ một thày giảng Dothái đến một nhà thần bí tĩnh mịch hoặc một người lập dị hoang dại. Đức Giêsu được nhìn như một điển hình hàng đầu cho người mại bản theo kiểu Mỹ hoặc như kẻ xách động quần chúng đấu tranh cho giai cấp vô sản. Tóm lại, người ta có thể nhìn vào Ngài và thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân mình.

Tình trạng diễn giải thiên hình vạn trạng này thật đáng chú ý. Đó là câu trả lời hùng hồn rằng đã hơn hai ngàn năm rồi, kể từ ngày ấy, ngày Đức Giêsu chào đời thì hạt giống lời Ngài đã thẩm thấu vào địa cầu. Sức ảnh hưởng của Ngài vẫn còn lan loang trong suốt dòng lịch sử. Chúng ta phải hoạ lại chân dung của Đức Giêsu trong cuộc sống của mình sao cho thật đúng. Đó là thách đố của mỗi Kitô hữu chúng ta, đó cũng là cách thức chúng ta kiếm tìm để đạt được hạnh phúc và đó cũng là cách thức truyền giáo hùng hồn nhất.

CHÂN DUNG ĐỨC GIÊSU

Chúng ta chẳng có hình ảnh nào của Đức Giêsu còn lưu lại. Chỉ là những hình ảnh người ta phác hoạ chân dung của Người.

Chúng ta biết, người Dothái không vẽ hình ảnh Thiên Chúa. Từ ban đầu, Kitô giáo mang biểu tượng, biểu tượng con cá, biểu tượng chữ thập. Vào thế kỷ thứ III, những Kitô-Orphee dùng biểu tượng Đức Kitô là loại chim đang làm vui cho các thú vật. Những Kitô hữu Hélios lại thích dùng biểu tượng hoa hướng dương vì Đức Kitô như mặt trời chiếu toả ánh sáng. Những Kitô hữu Apollon lại thích diễn tả Đức Giêsu là chàng trai thanh tú, còn trẻ măng. Tất cả những biểu tượng này đều ảnh hưởng nguyên tắc thẩm mỹ của Hylạp.

Nhưng những hình ảnh Đức Giêsu như thế lại gây nên tranh luận khi người ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu người tôi trung đau khổ trong Isaia. Bản văn Isaia được coi như là lời tiên báo trước về dung  mạo Đức Giêsu lịch sử “không vẻ đẹp cũng chẳng sáng sủa gì để lôi cuốn những cái nhìn, và cũng chẳng có dáng vẻ gì để hấp dẫn chúng ta” (Is 53,2). Các đấng bậc Hội thánh như Irênê, Giám mục thành phố Lyon, rất nổi tiếng và có ảnh hưởng to lớn, đã cho rằng Đức Giêsu có một thân hình xấu xí, nhưng tâm hồn thì tươi đẹp.

Origen, nhà thần học người Hylạp lạ nói đối lại rằng thực ra, Người không ốm yếu cũng không mất cân đối. Nhưng Tertulianô, người đầu tiên trong các nhà văn Kitô giáo sử dụng tiếng Latinh lại bênh vực Irênê và nhận định rằng, nếu Đức Giêsu đã có một khuôn mặt cân xứng với thiên tính của Người, thì Người không bị người ta đồng mưu hại mình, bị đánh đòn và bị đóng đinh. Một lý lẽ mà thánh Âutinh sẽ lặp lại sau này.

Những người bị ảnh hưởng triết học Hylạp thì cho rằng Đức Giêsu phải có râu (dấu hiệu của quyền lực) và mặc áo như một nhà khổ tu để bày tỏ sự khinh chê thế gian này.

Vào thời Constantinô, người ta lại diễn tả Đức Giêsu như một hoàng đế, ngồi trên ngai, đang cai trị và giảng dạy. Sau cùng, từ Aicập lại có hình ảnh Đức Giêsu người khổ tu với đôi mắt đen và nghiêm nghị nhắc lại những gì người ta thường vẽ trên những  cái bảng đóng vào chỗ những hốc mắt của những xác ướp.

Và rồi hình ảnh Đức Giêsu trên thập giá cũng lắm nhiêu khê. Để diễn tả Đức Giêsu chiến thắng thập tự, vào thế kỷ thứ X, người ta đã diễn tả Đức Giêsu trên thập giá mở mắt thật to. Họ không thể chịu được Ngài nhắm mắt như người ta thường làm như thế cho những người chết. Để biết chi tiết, xin xem Jacques Duquesne, Thiên Chúa của Đức Giêsu, NXB Tôn giáo, 2001, tr. 47-49

Trên đây chỉ là một vài hình ảnh phác hoạ. Tuy nhiên, đối với Kitô giáo, hình ảnh của Đức Giêsu thế nào không quan trọng. Thật ra con người thời nay cũng vẫn không ngừng cất công để tìm kiếm dung mạo của Người bằng mọi cách. Báo Kiến thức ngày nay, số 445 ra ngày 20.12.2002 có một bài viết “Đi tìm khuôn mặt thật của Đức Giêsu” với những dòng chữ lớn : Chắc chắn bất kỳ một tín hữu đạo Thiên Chúa nào cũng nhớ nằm lòng khuôn mặt của Giêsu. Ngài thường được khắc hoạ dáng cao hơn các môn đệ, mảnh khảnh, da sáng, tóc nâu dài và mắt sáng. Phải chăng đó là khuôn mặt thật của nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử ? Nhiều nhà khoa học không tin và đã lên đường tìm kiếm”. Trong bài báo này người ta xây dựng hình ảnh của Đức Giêsu theo phương thức khảo cổ và dựa vào hình ảnh tấm khăn liệm thành Turin. Biết, hiểu và gặp gỡ được Ngài thì quan trọng hơn.

Tính cách của Đức Giêsu thì quá phong phú và đa dạng nên chúng ta chỉ nỗ lực để diễn tả phần nào đặc nét của Ngài. Các dòng tu đã chẳng lấy linh đạo của mình dựa trên một đặc nét của Đức Giêsu và chỉ làm nổi một khía cạnh đó là gì. Trong chừng mực, chúng ta thử phác hoạ tổng quát một vài đặc nét mang tính con người nơi Đức Giêsu, những đặc nét ta có thể vươn tới.

Là Kitô hữu tức là tin vào Đức Kitô. Kitô hữu là hiện thân của Đức Kitô. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em thương yêu nhau”. Thế nhưng yêu thì cũng có năm bảy đường yêu. Yêu theo cách của Giêsu mới là điều đáng nói ở đây. Xét cho cùng, Kitô giáo không chỉ là một đạo lý hay một tôn giáo, Kitô giáo không phải là một sự vật nào đó nhưng là một ai đó, là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Đức Giêsu không phải là Đức Giêsu của ngày hôm qua nhưng “Đức Giêsu vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi”. Phận vụ của mỗi Kitô hữu là hoạ lại đặc nét Đức Kitô của ngày hôm nay. Làm thế nào để toàn bộ cuộc sống, từ đi đứng, ngủ nghỉ, ăn uống, gặp gỡ, chuyện vãn đều mang được nét Kitô. Làm thế nào để từ suy nghĩ đến những hành động rất nhỏ đều thể hiện được chất Kitô. Như thế mới hòng mong ướp Kitô thấm sâu vào nhân loại hôm nay.

Quả thật, Thiên Chúa của ta không phải là Thiên Chúa xa vời. Người đến giữa chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã thực sự làm người đồng lao cộng khổ cùng chúng ta. Thiên Chúa làm người thì không thể thờ ơ nguội lạnh với nhân loại của Người. Vì Thiên Chúa làm người nên chúng ta có thể vươn lên Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc theo cách Đức Giêsu đã nghĩ, đã sống, đã hành động. Jean Claude Baarreau trong cuốn “Loan báo Đức Kitô” nói rằng :

“Tôi muốn nói với bạn về Đức Giêsu như một người bạn đang nói về bạn của mình. Quả thật, Đức Giêsu là con người lạ lùng nhất đối với tôi. Con người dản dị này đã sống vào một thời kỳ chính xác tại vùng Palestine nhỏ bé mà ngày nay phân làm Israel và Giordani. Con người này đã sống dường như ẩn danh chẳng được những người quyền quý cùng thời biết đến, nhưng đối với tôi và với nhiều người khác lại là một nhân vật Kỳ tài có sức cuốn hút lạ lùng nhất : Người là Đức Chúa. Chúng ta hãy sống khắng khít với nhân vật này, hãy đi từ bề ngoài để dần dần khám phá huyền nhiệm của Người” Jean Claude Baarreau, Loan báo Đức Kitô, tr. 2 (tr. 2).

Còn linh mục Roland Moreau, người đã đạt giải thưởng của viện Hàn Lâm Pháp, trong cuốn “Đức Giêsu cuồng nhân hay Thiên Chúa ?” Ông viết :

“Ai đã để dấu ấn sâu đậm trong lịch sử bằng Đức Giêsu ? Nhà cách mạng nào biến đổi thế giới như Ngài ? Vị cứu tinh nào đã được nhân loại mong chờ bằng bao đời như vậy ? Tôn sư nào đã có dòng dõi môn đồ bất tận như Ngài ? Socrate, Platon, Khổng Tử… làm gì có các môn đệ sẵn sàng bỏ mạng để làm chứng thầy mình đã phục sinh ? Có tên ai năng được nhắc đến như tên Ngài ? Hỏi vua chúa nào có thể tự hào được thần dân tùng phục cách trung tín như Ngài ? Có vị ân nhân nào dám tưởng mình được người ta yêu mến, say mê cuồng nhiệt như Đức Giêsu ?

Thế mà Đấng làm nên cuộc biến đổi vĩ đại ấy, chỉ là một người thợ tầm thường, không phải là người trí thức, sinh ra tại một xóm nhỏ vô danh thuộc vùng Cận Đông. Ngài đã khẳng định nhiều lần mình là Con thiên Chúa, đến để biến cải mặt đất và thánh hoá loài người.

Phải chăng đó là ông thần hoặc người dại ? Là kẻ hoặc – chúng vu – dân hay Thiên Chúa làm người ? Ai thành tâm tìm kiếm sự thật, tất cả sẽ thấy được câu trả lời dứt khoát, khi chú trọng nghiên cứu diện mạo Ngài, qua các tài liệu diễn thuật cách hồn nhiên cuộc sống Ngài, với nhiều sự cao sang lẫn với nhiều điều xem ra là yếu đuối”. Roland Moreau, Đức Giêsu cuồng nhân hay Thiên Chúa ?, tr. 4

Thế mới biết dù chấp nhận hay phủ nhận Đức Giêsu ảnh hưởng vào bề sâu và diện rộng trong thế giới này. Có thể chúng ta sẽ thắc mắc và nhiều người khác luôn thắc mắc về chân dung, thể lý và tâm lý của Đức Giêsu. Vậy chúng ta có thể biết được những điều đó?

THỂ LÝ ĐỨC GIÊSU

Về mặt thể lý, ta không có được chân dung của Đức Giêsu, song có lẽ ta tưởng tượng được Người qua những trang Tin Mừng. Chắc rằng Người phải khá cao lớn, bởi vì Người đã gây ấn tượng qua vóc dáng cũng như phong cách của mình. Chắc chắn Người lực lưỡng và khoẻ mạnh, có thể làm những cuộc hành trình dài xuyên khắp xứ sở, có thể nói nhiều giờ trước hàng ngàn con người, có thể tiếp đón hàng chục nhân vật, và ngủ thật say trong lúc gió bão nổi lên trên hồ : Người đang ngủ và thuyền bị chòng chành, Tin Mừng nói cho ta biết điều đó (Mc 4,37-38).

NHÂN CÁCH CỦA ĐỨC GIÊSU

Điều gây ấn tượng nhất cho ta khi nghiên cứu về nhân cách của Người qua bốn chứng từ của Máccô, Matthêu, Luca, Gioan là không thể xếp Đức Giêsu vào một phạm trù thể lý nào cả : Người có một vẻ quân bình đến tuyệt vời hoà hợp giữa những tính cách tưởng chừng trái ngược nhau. Người có được những tính chất mà con người chung thời không thể đồng lúc có được.

Người là một thi nhân nhưng rất thực tế

Quả thực, đã có một thi ca Tin Mừng nói về Đức Giêsu yêu thiên nhiên, cây cỏ, bầu trời, muông thú. Người nói : “Hãy xem bông huệ ngoài đồng, ngay cả vua Salômôn dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29). Nhưng đồng thời Người lại rất thực tế, và để nói với những kẻ thuộc về mình thì Người đã dùng những so sánh rút tỉa từ cuộc sống thường nhật : Đó là người thợ làm bánh đang nhào bột, đó là người quản lý bất trung bị ông chủ bất thình lình gặp, đó là bà nội trợ quét dọn khắp nhà mình để tìm cho kỳ được đồng bạc bị đánh mất, đó là ông chủ vườn nho thuê thợ đi hái nho vào tận giờ thứ mười một… Đó là những sinh hoạt rất đời thường Đức Giêsu thường thấy diễn ra vào những mùa thu hoạch nho tại Galilê. Đó là tất cả những điều thực tế của đời sống dân gian, đã làm nên cho các dụ ngôn của Người.

Đức Giêsu vô cùng hiền hậu và thương cảm

Người nói với những kẻ Người yêu mến: “Hỡi những con nhỏ của Thầy… Hỡi những bạn hữu của Thầy” (Ga 13,33 ; 15,15). Người là ơn tha thứ vô biên cho tất cả mọi tội nhân, Người không kết án, không luận tội. Người kỳ vọng tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả như thánh Phalô đã từng nói về đức ái. Người có được sự dịu hiền của nhân loại đến cao điểm. Ta hãy nghĩ đến cách Người gặp gỡ những kẻ hèn mọn, những tội nhân, và những người nghèo khổ trong Tin Mừng sẽ thấy rõ lòng thương cảm và trắc ẩn Người dành cho tội nhân cũng như kẻ bần cùng. Quả thật, Người là sứ giả về lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Đức Giêsu thật hiền lành nhưng cũng rất bạo hành

Người đã nói về chính mình : “Tôi là con chiên Thiên Chúa, con chiên người ta đem đi xén thịt mà không mở miệng kêu” (Is 53,7). Người hứa cho chúng ta phúc lộc tuyệt vời này : “Phúc cho những ai hiền lành vì họ sẽ chiếm đoạt đất nước” (Mt 5,4). Song đồng thời Đức Giêsu cũng là một người bạo hành : “Nước trời khó chiếm đoạt, chỉ những người bạo hành mới chiếm được !” và khi cần thì chính Người cũng rất là bạo hành như ta thấy trong trình thuật về những kẻ buôn bán mà Người lấy roi quất và đuổi khỏi đền thờ, xô đổ bàn ghế những người đổi tiền và làm cho người ta phải chạy tán loạn khi nghe Người quát nạt : “Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến nơi đó thành hang trộm cướp” (Mc 11,27). Nơi những lời nguyền rủa của Đức Giêsu chống lại những kinh sư và biệt phái vốn tự coi là những người ăn ở theo lối truyền thống vào thời của Người, những lời nguyền rủa cho chúng ta thấy Đức Giêsu là một người luận chiến ngoại hạng. Thật vậy, Người rất hiền lành nhưng cũng rất thẳng thắn, người chửi rủa những người giả hình không thương tiếc bất chấp họ là ai và bất chấp thái độ đó thiệt hại thế nào đến bản thân Ngài : “Khốn cho các ngươi, kinh sư và biệt phái giả hình… Nòi rắn độc !” (Mt 23,13-29 và 33). Hẳn rằng đây cũng chính là căn nguyên khiến người ta quyết tâm tìm cách giết Ngài.

Đức Giêsu là một thủ lãnh và là tôi tớ

Người biết đòi hỏi, ra lệnh, cứng rắn : “Satan, lui lại đằng sau Thầy!”, Người đã nói với Phêrô “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của loài người” (Mt 16,23). Nhưng đồng thời Người lại là một tôi tớ, người tôi tớ đau khổ mà Isaia từng nói đến. Người nói về mình : “Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10,41). Đức Giêsu thể hiện vai trò tôi tớ rõ nét nhất trong trình thuật rửa chân các môn đệ Gioan minh hoạ trong bữa ăn chia tay.

Đức Giêsu cũng là một người bạn không ai sánh bằng

Dĩ nhiên Người yêu mến hết thảy mọi người song cũng giống như mọi người chúng ta, Người có một tình bạn đặc biệt với một số người. Trong số mười hai môn đệ, có một vị được Người thương mến hơn cả. Người có nhiều bạn hữu : Mátta, Maria Mađalena, Lagiarô làng Bêtania. Chúng ta nhận thấy Tin Mừng thuật lại Đức Giêsu khóc hai lần, một lần khóc cho quê hương và lần khác khóc thương người bạn Nazarô đã chết bốn ngày. Sau cùng, Đức Giêsu đưa các môn đệ vào trong tình thân hữu với Người : “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (Ga 11,33-36).

Đức Giêsu là một người tài khéo, mưu lược nhưng đơn thành

Người ta đã nhiều lần trông thấy Người tranh luận với những người thông thái, những nhà luật học cùng thời. Người đã hạ gục họ bằng sự biện luận. Người luôn “thắng” họ. Chẳng  hạn trong vụ việc nộp thuế cho Xêda. Tuy nhiên, chúng ta lại nhận thấy Đức Giêsu hết sức đơn thành. Người dạy : anh em phải có thì nói có, không thì nói không. Người chân chất, thật thà. Cũng ngay trong chuyện nói về việc nộp thuế cho Xêda, các biệt phái nói với Người : chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy chẳng vị nể ai. Sự đơn sơ và tinh tường nơi sự nghịch lý mà Người từng dùng : Anh em phải khôn như con rắn và hiền lành như bồ câu (Mt 10,16).

Đức Giêsu là một nhà khổ hạnh nhưng cũng rất tiệc tùng

Trước khi hoạt động công khai, chúng ta thấy Người ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa, song đồng thời Người cũng chia sẻ cuộc sống và những bữa ăn với người khác. Trong Tin Mừng, thường chúng ta thấy Người đang dùng bữa tại nhà một người giàu, nhà những người nghèo và ngay cả với một tội nhân và những người bị khinh miệt. Hơn nữa, điều đó lại gây gương mù cho những kẻ tự thị sống theo lề luật trách cứ Người về chuyện đó. Chúng ta cũng thấy Người tham dự tiệc cưới ở Cana.

Đức Giêsu là một con người hành động và chiêm niệm

Trong mấy năm thi hành sứ vụ, người đã cảm hoá đám đông, đi khắp xứ sở từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Người chọn những con người bình thường và kiên trì đào tạo họ. Đối với những tông đồ đến cùng Người với những động lực không trong sáng, tham quyền tham lợi, Người dần dần khai mở làm tiêu tan những ảo vọng đó. Người lôi kéo họ đến với mình trong đức tin và đã chọn trong số họ một người phù hợp nhất để trở thành “anh trưởng” : Phêrô.

Đức Giêsu đồng thời cũng là một nhà chiêm niệm lớn. Sau những ngày lao động cực nhọc, sau khi đã tiếp đón hàng trăm con người, đã nói năng nhiều giờ, thì cũng chính con người đó đã lánh đi tìm nơi để yêu tĩnh cầu nguyện. Điều đó đã gây ấn tượng nơi các môn đệ và họ đã xin Người dạy họ cầu nguyện : “Lạy Thầy, xin dạy chúng con biết cầu nguyện cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11,1).

Đức Giêsu là một trong những diễn giả đặc biệt nhất lịch sử và là người thầm lặng hơn cả

Giọng của Người thì nóng bỏng và đầy uy lực. Lời của Người thì một kẻ đơn sơ nhất cũng có thể hiểu được và một triết gia lớn lao nhất lại không thể múc cạn. Có một thoáng tình ca cho ta hay thật nhiều điều vào lúc mà ngọn đuốc đã bùng cháy giữa Người và các biệt phái, đó là khi những người này muốn bắt Người và họ phái cảnh binh đến để giữ Người lại. Khi những người cảnh binh đến, Đức Giêsu đang nói với một đám đông, họ quyết định đợi cho đám đông giải tán chứ không dám trấn áp Người. Nhiều giờ trôi qua và các biệt phái không thấy những cảnh binh trở về. Sau cùng thì những người này cũng về đến, không đem theo Đức Giêsu. “Tại sao các anh lại không điệu ông ấy về đây ?”, họ hỏi. Giữa đám đông cảnh binh có câu trả lời đặc sắc thế này : “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như ông này !” (Ga 7,45-46).

Là một diễn giả cừ khôi, Đức Giêsu cũng là một người trầm mặc cao cả : trong hơn ba mươi năm sinh sống, Người vẫn luôn im tiếng nơi thành Nazareth, lao động như một người thợ mộc, trong nếp sống thường nhật như hết mọi người và vào lúc cuối cuộc đời dương thế, sau thời hoạt động công khai, vào lúc bị bắt và bị sỉ nhục, Người vốn thinh lặng. Trong trình thuật về cuộc thương khó, ta thấy luôn lặp lại những từ sau : “Ông không trả lời gì về những điều người ta tố cáo ông sao?”. Đức Giêsu vẫn lặng thinh (Mc 14, 60-61).

Đức Giêsu loan báo một nền luân lý cao vời nhất trong lịch sử, đòi hỏi nhiều nhất như ta đã thấy, song đồng thời Người lại chẳng kết án một ai, Người luôn tôn trọng những kẻ tội lỗi nhất, và đối với những người biệt phái vẫn tự tôn mình là nhân đức, Người nói thẳng : “Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông” (Mt 21,31). Quả thật, Người ít lên mặt dạy đời hơn ai hết.

Người ta có thể kể miết về những điều như thế. Những ví dụ trên cho ta thấy một nhân cách lạ thường : mọi đức tính nhân bản, Đức Giêsu đều có ở một cấp độ siêu vời. Người đẩy lên đến mức thập toàn tất cả những gì là cao cả và đẹp đẽ nơi con người. Tuy nhiên, ngay lúc mở Tin Mừng ra, chúng ta lại không có ấn tượng mình đang đứng trước một trong những siêu nhân, trước một trong những người anh hùng của huyền thoại mà người ta cho rằng hẳn là không có thật. Trái lại, trong Tin Mừng, chúng ta gặp được một người đang thực sự hiện diện bằng xương bằng thịt, đậm nét nhân loại. Kỳ tài luân lý và nhân bản nơi Đức Giêsu quả đã chế ngự lịch sử loài người. Không một nhân cách nào có thể sánh ví được với Người : lấy ví dụ những nhà chinh phục đại danh, những chính khách lẫy lừng, những nhà cai trị lớn lao, những nghệ sỹ thời danh nhất, những nhà bác học cao cả nhất, những triết gia, những nhân vật tôn giáo kỳ tài nhất và ngay cả những bậc đại thánh thì lịch sử đều chứng tỏ cho chúng ta thấy tất cả họ đều bất toàn và ngay cả lầm lỗi nữa. Duy chỉ có mình Đức Giêsu là chiếm hữu được mọi đức tính của loài người. Chỉ mình Người mới có thể nói với những kẻ đang công kích mình : “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội ?” (Ga 8,46). Và không ai có thể đáp lại Người. Trước mặt Đức Giêsu, các địch thủ đáng gờm nhất chẳng tìm thấy điều gì, và trước sự thách thức của Người thì họ câm lặng bởi vì chẳng có gì để nói.

Chúng ta đang nói đến nhân tính của Đức Giêsu, đang nói về Đức Giêsu mang thân phận con người thể hiện một cách thức tuyệt diệu mười phân vẹn mười. Nói như thế chẳng hề gây sốc cho bất kỳ ai, dù là một lương dân hay bất kỳ ai thuộc tôn giáo nào.

Khởi đi từ con người Đức Giêsu đó chẳng phải là cách tốt nhất cho lương dân cũng như mọi Kitô hữu đó sao ? Cho người Kitô hữu là vì nhiều người không ý thức rằng mình chưa phải là Kitô hữu, mà mới chỉ là người tin có Thiên Chúa : họ không nhận biết Chúa của mình và như vậy họ cần phải tiếp xúc với Người. Cho lương dân bởi vì đối với ai không tin kính Thiên Chúa thì nói với họ về Thiên Chúa chỉ là điều vô ích, nhưng nếu người ta tiếp xúc với Đức Giêsu và khám phá Người như chúng ta từng thấy Người, nếu họ là người trung thực, thì chắc chắn họ không thể không đặt ra cho mình câu hỏi giống như các môn đệ khi khởi đầu : Vị thầy hoàn hảo này là ai vậy ? Vị thầy mà nhà cầm quyền La mã Philatô vì không thấu hiểu, đã đưa Người ra trước dân Dothái, bị khạc nhổ và bê bết máu, mà nói rằng : “Này là Người. Ecce homo !” (Ga 19,5).

Cuộc sống của mỗi chúng ta là một chuỗi bắt chước và cộng hưởng lẫn nhau. Dù chẳng nói ra nhưng trong cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta dù chủ tâm hoặc vô tình, chúng ta thường xuyên lặp lại những lời và hành động của một nhân vật nào đó mình yêu thích. Cha ông chúng ta đã từng dạy : “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Muốn có được điều gì, chúng ta phải khổ công tập luyện học hỏi, đến một lúc nào đó những điều chúng ta luyện được trở thành những lời nói, cử chỉ thật tự nhiên, nhuần nhuyễn, khi đó nó trở thành của ta. Hẳn rằng có rất nhiều mẫu gương chúng ta cần soi rọi học hỏi. Tuy nhiên, mẫu gương sáng chói nhất hầu chúng ta đạt đến đỉnh cao thân phận làm người và tiến tới hạnh phúc thì không ai khác hơn là Đức Giêsu, là Thiên Chúa và là con người mười phân vẹn mười. “Ecce homo !”, Này là người ! Hãy bám vào Người, hãy hoạ lại cuộc đời của Người nơi cuộc đời của ta.

Nào, chúng ta cùng với Đức Giêsu đi vào con đường khổ giá và tin tưởng sẽ cùng Người phục sinh vinh thắng.