CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN NĂM B

746

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B

Lời Chúa:  G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39

 

Mục lục

1. Quà tặng thời gian  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Đi gieo Tin Mừng  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chúa Nhật 5 Thường Niên_B  (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)

4. Chia sẻ yêu thương  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

5. Sống tình liên đới  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

6. Nguồn năng lượng cho các hoạt động  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

7. Kiếp khổ  (Trầm Thiên Thu)

8. Rao giảng và chữa lành  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

9. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

10. Bà phục vụ các ngài  (Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

 

QUÀ TẶNG THỜI GIAN

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Một tác giả đã viết: “Hạnh phúc không phải là đích đến. Nó là một hành trình kết thành từ nhiều lựa chọn. Trên con đường đời, bạn có thể chậm rãi bước trên những lối đi êm mát với bao hoa cỏ xinh tươi quấn quýt bên mình; hoặc bạn có thể băng băng tiến về phía trước để đuổi theo những sắc mầu lấp lánh ở cuối chân trời, nơi bạn thấy hiển hiện ánh cầu vồng mê hoặc nhưng thực ra chỉ là một khoảng không vô định. Tất cả tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn” (Tìm về sức mạnh vô biên, nxb Văn Hóa, tr. 7). Với những dòng trên, tác giả muốn nói với chúng ta: hạnh phúc chẳng phải ở đâu xa, mà ở trong tầm tay của chúng ta. Khi chúng ta chỉ coi hạnh phúc như một mục đích, lúc đó chúng ta sẽ dồn hết sức lực để đi kiếm tìm, như thể mục đích đang ở xa xa phía chân trời. Nhưng tiếc thay, khi đi kiếm tìm hạnh phúc như vậy, chúng ta quên mất hạnh phúc đang ở xung quanh mình. Mặt trời vẫn luôn hiện hữu, nhưng những người khiếm thị lại không nhìn thấy mặt trời. Không ai dựa vào sự kiện những người khiếm thị để khẳng định mặt trời không tồn tại. Dù cuộc đời còn nhiều gian nan thử thách, những niềm vui và hạnh phúc ngọt ngào vẫn luôn hiện diện bên ta. Một cách cụ thể, trong cuộc sống, chúng ta có bao niềm vui nơi bạn bè, gia đình và môi trường xã hội, để rồi, chúng ta luôn có cái nhìn lạc quan và trân trọng những giá trị đang hiện hữu xung quanh. Đối với người tin Chúa, mỗi giây mỗi phút trong đời đều là những cơ hội để chúng ta nhận ra tình thương bao la của Ngài. Mỗi hoàn cảnh đều có thể là cơ hội để ta thực thi lòng mến Chúa yêu người. Thời gian là một quà tặng vô giá của Thiên Chúa. Biết trân trọng thời gian là một trong những nỗ lực đạt tới sự hoàn thiện.

Ông Gióp trong Cựu ước là một người thánh thiện và sống đẹp lòng Chúa. Nhưng rồi, chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều điều rủi ro xảy đến cho gia đình ông, làm ông mất hết con cái cũng như cơ nghiệp. Ngay người bạn đời của ông cũng xỉ vả và bỏ ông mà đi. Trong cơn đau khổ, ông đã suy nghĩ về sự vô nghĩa của cuộc đời: “Vừa nằm xuống tôi đã nhủ thầm: khi nào trời sáng; mới thức dạy, tôi liền tự hỏi: bao giờ chiều buông”. Ông Gióp là hình ảnh của biết bao người bi quan khi gặp thử thách trong cuộc sống. Đối với họ, cuộc sống mang màu sắc ảm đạm. Họ sống mà không có niềm hy vọng vào tương lai. Tuy vậy, cần lưu ý đây chỉ là một giai đoạn nhất thời của cuộc đời ông Gióp. Sau đó, Chúa mạc khải cho ông thấy ý nghĩa của sự đau khổ và nhờ xác tín cậy trông vào Chúa, ông tìm lại được niềm vui và hạnh phúc.

Nếu chúng ta cảm thấy thời gian đơn điệu vô nghĩa, là vì chúng ta chưa biết sử dụng thời gian một cách đúng đắn, nhằm để đem lại hạnh phúc cho mình và cho tha nhân. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, mặc chúng ta có để ý hay không. Dòng sông cuộc đời vẫn âm thầm chảy, dù con người thánh thiện hay tội lỗi. Nếu chúng ta biết trân trọng thời gian như một quà tặng của Thiên Chúa, thì thời gian sẽ mang lại biết bao điều tốt đẹp, và mỗi ngày sống đều đong đầy ý nghĩa. Thánh Mác-cô kể lại một ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu. Những cụm từ chỉ thời gian cho chúng ta thấy đó là một ngày rất bận rộn. Buổi sáng, Chúa giảng dạy và chữa bà nhạc mẫu của ông Phêrô đang cảm sốt; buổi chiều cho đến khi mặt trời lặn, Chúa chữa rất nhiều bệnh nhân, kể cả người bị quỷ ám; sáng sớm tinh mơ, Chúa đến nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cuộc sống của Chúa Giêsu luôn là một cuộc lên đường. Người không dừng lại ở một nơi, nhưng tiếp tục đi đến các làng mạc để loan báo Tin Mừng. Lộ trình của Chúa không có điểm kết thúc. Chúa Giêsu làm việc miệt mài, quên cả thời gian để đem niềm vui và hạnh phúc cho hết mọi người.

Đừng luôn than phiền vì những người xung quanh thiếu thiện cảm. Bạn hãy tự xét xem mình có tạo được thiện cảm với họ hay không. Đừng quá chú trọng đến những thất bại bạn gặp trên đường đời; nhưng hãy nhớ đến những thành công nho nhỏ bạn đã đạt được. Đừng bất mãn vì cuộc đời đen bạc; hãy vui mừng vì xung quanh ta có biết bao bạn thân. Người tin Chúa còn vui mừng vì luôn được Chúa chở che, dìu dắt thương yêu trên mọi nẻo đường đời.

“Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thày” (Ga 4, 3). Noi gương Chúa Giêsu, mỗi chúng ta hãy chuyên cần làm việc, tùy theo khả năng và địa vị của mình. Bí quyết của hạnh phúc là hãy sống vì người khác và đem cho họ niềm vui. Càng dấn thân phục vụ anh chị em, chúng ta càng thấy cuộc đời có ý nghĩa, và như thế, chúng ta càng cảm nghiệm được niềm vui. “Nhàn cư vi bất thiện”, cuộc sống quá nhàn rỗi sẽ làm chúng ta cảm thấy đơn điệu, lạc lõng và tìm đến những thú vui trần tục.

Lời Chúa mời gọi tôi yêu mến cuộc đời này hơn, vì tất cả những gì tốt lành tôi làm ở đời này, sẽ theo tôi đến cõi trường sinh. Ước gì ngay ngày hôm nay, tôi biết quý trọng những người xung quanh tôi, vì họ là những người Chúa gửi đến cho tôi để đồng hành cùng tôi trên đường về quê trời.

Về mục lục

.

ĐI GIEO TIN MỪNG

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.

Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người. Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.

Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc cầm tay phụ nữ có gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.

Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Mà quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm. Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm ky. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi đứng và làm việc phục vụ Chúa.

Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

Lạy Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hưỡng dẫn chúng con đi trên đường của Chúa Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý

1- Bạn hãy thử tóm tắt những việc Chúa Giêsu làm trong một ngày.

2- Bạn tha thiết với việc rao giảng Tin Mừng, bạn sẽ làm gì để cho việc rao giảng Tin Mừng có kết quả tốt đẹp?

3- Lời nói phải đi đôi với việc làm. Bạn áp dụng câu nói này thế nào trong đời sống đạo của bạn.

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN_B

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Ông bà anh chị em thân mến. Nhìn vào cuộc sống với những công việc và bổn phận phải chu toàn cho cá nhân và cho gia đình, cũng như nhìn vào những sự hy sinh tham gia trong những công việc và sự quảng đại đóng góp tái chánh cho giáo xứ, một câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ thường làm cho chúng ta tự hỏi “Đâu là mục đích hay ý nghĩa của cuộc đời?” Tùy vào câu trả lời cho câu hỏi này, con người chúng ta có hai cái nhìn về cuộc đời: lạc quan hy vọng hay bi quan yếm thế. Và tùy theo cách nhìn về cuộc đời, con người sẽ có thái độ, cách sống thích ứng trong cuộc sống, hoặc là làm việc, hoạt động tích cực, dấn thân cố gắng hy sinh tham gia, có lòng quảng đại, với tinh thần vui mừng và hy vọng, và có cuộc sống sống động để đạt được mục đích, hay là lười biếng, sống ích kỷ, thu hẹp hay nằm dài than thân trách phận chờ thần chết đến giải thóat cuộc sống vô nghĩa.

Các bài đọc Kinh thánh trong Thánh lễ hôm nay tập trung trong câu hỏi về mục đích, ý nghĩa của cuộc đời, và cho chúng ta những ý nghĩ, suy tư để chúng ta tìm được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng, cũng như tình yêu và ân sủng của Chúa. Bài đọc 1 kể cho chúng ta câu chuyện của ông Gióp, một người trước kia rất giàu có và sung sướng, nhưng hôm nay đang trong hoàn cảnh thương đau vì mất mát người thân yêu, và trong tình trạng đau khổ vì bệnh tật. Ông chỉ mong giấc ngủ kéo dài từ sáng đến chiều tối, để quên đi những buồn phiền và đau khổ của cuộc đời. Ông nhận thức đời sống ngắn ngủi và nếu như sống trong tình trạng và hoàn cảnh như vậy thì cuộc đời không có giá trị. Và có lẽ đây cũng là tâm trạng của chúng ta khi phải đối diện với hoàn cảnh tương tự của ông Gióp. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cũng cho chúng ta biết ngài đang phải đương đầu với một hoàn cảnh khó khăn vì mang trong người một sứ mệnh trọng đại là rao giảng Tin mừng mà Chúa Kitô đã trao phó. Thánh Phaolô cảm thấy lo lắng và ưu tư vì biết rõ khả năng và sức lực của chính mình. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ ông Simon Phêrô và những người có nhiều chứng bệnh khác nhau cũng như nhiều người bị ma quỉ chiếm giữ. Tất cả những người này đều có những đau khổ buồn phiền trong cuộc sống.

Ông bà anh chị em thân mến. Ông Gióp than thở và trong tình trạng đau khổ nhưng ông luôn tin vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa sẽ cứu giúp ông vượt qua khỏi cảnh bất hạnh và đau khổ, và nếu chúng ta tiếp tục đọc câu chuyện của ông, thì đã xảy ra đúng như niềm tin của ông. Thánh Phao-lô, khi đã nhìn ra sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng là đem lại sự bình an, tình yêu của Chúa và nhất là ơn cứu độ cho cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đời sau cho mọi người, ngài sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời nhiệt thành rao giảng, và sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người để kêu gọi mọi người tin vào Chúa, và để đem các linh hồn về cho Thiên Chúa. Và chúng ta thấy, Chúa Giê-su tuy bận rộn trong công việc đến độ không có thời giờ ăn uống để rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật cũng như trục xuất quỉ thần, nhưng Người vẫn luôn sống hiệp thông với Thiên Chúa trong đời sống suy niệm cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện với Thiên Chúa Cha trước khi bắt đầu một ngày. Tin mừng cho chúng ta biết, từ sáng sớm, lúc trời còn tối, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu bắt đầu một ngày mới bằng việc kết hợp với Thiên Chúa để nhận ra ý nghĩa, mục đích công việc phải làm, những hy sinh nhục nhằn, đau khổ phải chịu. Cầu nguyện là điều rất quan trọng và cần thiết cho tất cả chúng ta, để tìm được niềm vui mừng và hy vọng trong công việc, cũng như có sức mạnh đối diện với những đau buồn trong cuộc sống, cũng như tìm ra được ý nghĩa, mục đích cho đời sống cá nhân, cho gia đình và nhất là cho đời sống Ki-tô hữu.

Có một màn kịch trong đó một người đàn ông và một người đàn bà ngồi trong một văn phòng, hình như có vẻ hoàn toàn xa lạ. Sau một lúc im lặng, người đàn ông bắt đầu câu chuyện. Cuộc nói chuyện giữa hai người rất ngượng nghịu, khó chịu, và qua cuộc đối thoại, khán thính giả nhận ra những sự trùng hợp thật khó tưởng tượng trong cuộc sống của người đàn ông và đàn bà này. Hai người đều sinh ra trong 1 thành phố, có 1 người con gái có tên giống nhau. Hai người bây giờ sống trong 1 thành phố, cùng một con đường và cùng một building. Đến đây khán giả càng ngạc nhiên hơn khi biết hai người cùng sống trong một chung cư, hai người là đôi chồng và vợ. Sau những sự sửng sốt và buồn cười, khán thính giả biết được mục đích và ý nghĩa của vở kịch đôi vợ chồng tuy sống chung trong một nhà và đã có 1 đứa con với nhau, nhưng trong thân tâm họ không biết nhau, không hiểu nhau. Họ thật sự là những người xa lạ với nhau.

Ông bà anh chị em thân mến. Sự thật trong vở kịnh cũng là thảm kịch của rất nhiều vợ chồng trong xã hội ngày nay. Vợ chồng sống chung trong một nhà nhưng không biết và hiểu nhau, không có một sự liên hệ mật thiết với nhau, vì không có thời giờ tâm sự chia sẻ với nhau. Họ dùng nhiều thời giờ cho công việc, xử dụng facebook liên hệ với người khác hơn là với nhau, cho nên tuy sống chung trong một nhà nhưng họ là những người xa lạ với nhau, không có yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc, cũng như không tìm ra ý nghĩa và mục đích của hôn nhân gia đình vợ chồng của họ. Đây là thảm kịch của nhiều đôi vợ chồng trong xã hội ngày này.

Và thưa ông bà anh chị em. Đây cũng là thảm kịch trong đời sống của nhiều Ki-tô hữu ngày này. Là những Ki-tô hữu, nhưng không có một sự liên hệ mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô. Bên ngoài, hình như họ có liên hệ với Chúa như đi nhà thờ, đọc kinh, nhưng tận trong tâm hồn thì xa Chúa, vì không có một đời sống suy niệm cầu nguyện. Họ không có thời giờ thình lặng để tâm sự và cầu nguyện với Chúa. Không noi gương, bắt chước Chúa Giê-su cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Muốn trở thánh những Ki-tô hữu chân chính, đích thực, chúng ta phải có một đời sống cầu nguyện sốt sắng và thích hợp. Cầu nguyện là nhu cầu quan trọng và cần thiết, cũng là lương thực đích thực của chính Chúa Giêsu, để Người vượt qua những khó khăn và đau khổ của thập tự giá, để luôn trung thành, sốt sắng và hy sinh đem bình an, tình yêu và ơn cứu độ đến cho mọi người. Cầu nguyện đã giúp Người có sức mạnh chữa được những bệnh tật và loại trừ ma quỉ ra khỏi con người. Cho nên, chúng ta cũng phải có một đời sống cầu nguyện như Chúa để có sức mạnh vượt qua khỏi những hoàn cảnh đau khổ và lo âu, loại trừ được những sự dữ đang xiềng xích trói buộc cuộc sống chúng ta.

Ông bà anh chị em thân mến. Khi đề cập đến cầu nguyện thì chúng ta có thái độ là đã biết rồi, đã cầu nguyện nhiều rồi, và đã vào hội nọ, nhóm kia rồi. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi đời sống cầu nguyện của chúng ta có tạo một sự liên hệ mật thiết với Chúa không? Sự cầu nguyện của chúng ta có tạo nên những kết quả tốt trong đời sống đức tin không? Có giúp chúng ta trở nên khiêm nhường hơn tốt lành, sốt sắng, hy sinh và quảng đại hơn trong sự vui mừng, tin tưởng vào Chúa hơn không?

Xin Chúa giúp chúng ta biết hy sinh thời giờ suy niệm cầu nguyện. Cầu nguyện một cách chân thành, để chúng ta luôn được kết hợp mật thiết với Chúa. Cầu nguyện để chúng ta biết ý nghĩa, mục đích của cuộc sống. Cầu nguyện để gia đình được hòa thuận, hạnh phúc. Cầu nguyện để có sự vui mừng hy sinh phục vụ Chúa, để có sự khiêm nhường, bác ái, quảng đại, và sống trong bình an, tình yêu và ơn sủng của Chúa. Cầu nguyện để có sức mạnh vượt qua được những khó khăn, đau khổ và lo âu trong cuộc sống, chu toàn bổn phận và sứ mệnh chứng nhân cho Chúa.

Về mục lục

.

CHIA SẺ YÊU THƯƠNG

Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc

Giúp người đói khổ thực tế nhất, vẫn là cho họ cơm ăn áo mặc, nói văn hoa hơn, khi giúp người nghèo nên giúp họ : cá, cần câu, mồi câu nữa. Muốn chia sẻ vật chất, ta cần có vật chất, và phải phát hiện được đâu là đối tượng túng thiếu cần trợ giúp. Nhắc đến giầu nghèo, tiền nhân chúng ta thật bức xúc nói lên rắc rối nơi xã hội : người ăn chẳng hết người lần chẳng ra. Biết bao người đã nghĩ đến câu tục ngữ : lực bất tòng tâm; dường như ít nhiều trong chúng ta đã có ước mơ tôi sẽ đầu tư, dấn thân, nhằm giúp làng xóm giảm bớt đi tình trạng bất cân đối giữa giầu nghèo.

Thế nào là giầu ? đâu là người nghèo cần giúp đỡ ? tưởng đó là câu hỏi “ngớ ngẩn”, nhưng thực ra suy nghĩ một chút thôi, ta sẽ thấy thấm thía lắm, vì trong cuộc sống ai cũng cần được yêu thương. Cái vòng luẩn quẩn, cùng với “cá tính” phức tạp hay đầy mâu thuẫn, chẳng biết đã có sẵn trong mỗi chúng ta không biết từ bao giờ ? Có người bị xem thường chỉ vì nghèo, nên anh quyết tâm làm giầu, sau khi giầu, anh lại không dám tiêu xài, chi phí, chia sẻ cho ai…., rồi cuối cùng người ấy chết như kẻ nghèo hèn, chẳng mấy ai biết đến ! Anh bạn khác, tính hào phóng lại hay thương người, bất luận gặp ai thiếu tiền, thiếu đồ dùng, …..anh sẵn lòng chia sẻ không hề suy tính, rồi cuối cùng xã hội xếp anh có tình bác ái ấy vào đối tượng nghèo, vì gia đình anh lúc nào cũng thiếu trước hụt sau.

Sách ông Gióp hôm nay nói lên một ưu tư, nếu con người không quan tâm đến mục đích sống ở đời này “là cho đi, là yêu thương”, dù ta có vất vả làm ăn hay tích cóp hưởng thụ, sống như thế ta sẽ chẳng bao giờ với tới hạnh phúc được. Thánh Phaolô nơi bài đọc II, ông đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời là rao giảng Tin mừng, vì thao thức và nhu cầu mọi người đều cần được yêu thương, cần được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, niềm vui lớn nhất là giúp được người đau bệnh thoát khỏi những ưu tư lo lắng về phần xác. Một số chúng ta chủ trương : có thực mới vực được đạo; Chúa Giêsu như đang muốn nói với từng người : được no ấm về thân xác, là bước một để ta tiến tới bước kế tiếp, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Nhiều người có suy nghĩ : cho tiền cho bạc không bằng chỉ đàng đi buôn, đúng là không ai có thể chia sẻ, giúp bạn mình suốt đời, nghĩa là cần giúp người anh em mình bước đi bằng bước chân thật của họ. Lập luận như vậy có lý lắm, nhưng nếu soi lòng mình vào đoạn Tin mừng hôm nay, ta sẽ thấy mình ích kỷ, còn sống thủ thế thủ thân thật bất xứng ! Trong khi Chúa Giêsu có ngày làm việc với thời gian kín mít : giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ, không quên kết hợp cầu nguyện với Chúa Cha. Nguyễn Du diễn tả vì Thúy Kiều thương cha nên không tiếc phận tiếc thân : gặp cơn mưa gió nặng nề, thương gì tới ngọc tiệc gì tới thân. Chúa Giêsu cho ta thấy phận người cần được yêu thương, mọi người cần được ơn cứu độ, nên bất luận điều kiện, thời gian…. Chúa vẫn hết lòng tận tụy chia sẻ.

Kinh nghiệm vẫn đang nói cho ta biết, động lực chính để con người làm việc không biết mệt mỏi, đó là tần tảo lao động, mang lại nhu cầu vật chất lo giúp gia đình, giúp cho con cái. Ước mong đầu tiên và cuối cùng của người Kitô hữu là thuộc về Chúa, và mai này được hưởng hạnh phúc thiên đàng với những ai cùng chung niềm tin. Đối với Chúa Giêsu, niềm vui lớn nhất là được chia sẻ tình yêu thương của Thiên Chúa Cha, cứu chữa mọi vết thương tâm hồn, và thực hiện trọn vẹn sứ mạng cứu độ.

Tiền nhân chúng ta có chia sẻ cho con cháu, những ai sống trong thời chiến, người ấy sẽ thấy cần thiết phải sớm có hoà bình để không đổ máu. Chỉ những ai đã từng đói ăn khát uống, người ấy mới hiểu rõ câu thành ngữ thế nào là một miếng khi đói bằng gói khi no. Cũng trong ý tưởng đó, nếu ai đang đau ốm, mắc bệnh nan y, hẳn người ấy sẽ cần đến thầy thuốc giỏi như Chúa Giêsu biết chừng nào. Với chúng ta, ai có nguyện ước làm sứ giả tình yêu thương, chắc chắn ta sẽ không khỏi ưu tư dấn thân, phục vụ như thế nào, hầu giúp các tâm hồn gặp được ơn Chúa cứu độ.

Đúng là phải hỏi các môn đệ, các ngài đã từng sống sát, sống gần Chúa Giêsu, các ông sẽ nói rõ hơn cho ta tin tưởng : chia sẻ yêu thương là hạnh phúc, cho đi lòng mến yêu để Nước Chúa hiện diện luôn cấp bách. Muốn làm được những việc như Đức Giêsu, thiết nghĩ chúng ta phải có tình yêu thương thật sự và cao độ như Ngài.

Đức Giêsu xưa nay vẫn trung thành với sứ mạng : loan báo một Tin mừng cho toàn dân, Chúa đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Ngài không mong múc cạn khổ đau của từng người, chỉ mong làm vơi đi phiền muộn, chỉ mong các môn đệ và chúng ta cùng chia sẻ, giúp nhau sống trọn vẹn nghĩa tình với Chúa, với anh chị em mình. Thế giới hôm nay luôn phải đối đầu với nhiều thứ bệnh lạ, bệnh nan y đáng sợ, rất cần có những người làm vơi nhẹ nỗi đau thể xác tâm hồn như Đức Giêsu. Và tất nhiên, chúng ta có thề dự phần vào việc chữa bệnh của Thầy Giêsu, đó là cầu nguyện, là dâng hy sinh, là đóng góp vật chất, chia sẻ sự hiểu biết của mình cho người khác, bằng chính công tác tông đồ tại gia đình giáo xứ của mình. Amen.

Về mục lục

.

SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Cuộc sống cần sự liên đới. Vạn vật cũng liên đới với nhau để tồn tại. Con người cũng phải liên đới với nhau để phát triển và đem lại hạnh phúc cho nhau. Đó là chân lý, là lẽ sống của muôn loài.

Đó cũng là điều mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói:

Tôi hỏi đất:

–Ðất sống với đất như thế nào?

– Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:

–Nước sống với nước như thế nào?

– Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

–Cỏ sống với cỏ như thế nào?

– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Thật khó để trả lời cho chân lý sống của con người. Con người dường như chẳng đi theo một quy luật nào. Đất sống với nhau luôn bồi đắp cho nhau để tạo thành những đồi núi trùng điệp thơ mộng. Những con nước luôn liên kết với nhau mới tạo thành những dòng chảy quanh xóm làng thanh bình. Từng nhánh cỏ đan xen với nhau mới làm nên một thảm cỏ xanh tươi bát ngát. Nhưng con người lại ích lỷ, thích sống cho bản thân hơn là liên đới tồn tại.

Dẫu biết rằng cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi con người biết sống bồi đắp cho nhau, biết sống làm đầy cho nhau những nghĩa cử yêu thương, và biết sống liên kết với nhau tạo nên một thế giới màu xanh của yêu thương và hòa bình. Cuộc đời sẽ bất hạnh nếu con người sống chia rẽ, hiềm khích và tranh giành nhau. Nhưng đáng tiếc con người sống với nhau chỉ toan tính lợi lộc cho bản thân hơn là chia sẻ nhường nhịn lẫn nhau. Vì thế, câu trả lời con người sống với nhau thế nào thật đa dạng.

–              Người buôn bán thì bảo phải cạnh tranh để tồn tại, để kiếm lợi nhuận.

–              Người làm chính trị thì bảo phải khôn ngoan để chiến thắng, để đẩy lui đối thủ.

–              Những ca sĩ, những bác sĩ thì thích chê nhau nhiều hơn là khen nhau, thích loại trừ nhau nhiều hơn là liên đới với nhau.

Xem ra con người vẫn chưa liên đới đủ để tạo nên một sức sống hùng vĩ như đất đã tạo nên những dãy núi trùng điệp. Xem ra con người vẫn chưa xan xẻ với nhau đủ để tạo thành một dòng chảy tình yêu cho mát rượi lòng nhau. Xem ra con người vẫn con xa cách nhau khiến không thể gần nhau để cùng chung xây thế giới an bình thịnh vượng.

        Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu con người biết liên đới với nhau. Sự liên đới sẽ làm giầu có cho nhau. Sự liên đới sẽ mang lại no ấm cho nhau. Sẽ không còn tiếng khóc lẻ loi trong cô đơn tuyệt vọng. Sẽ không còn những tranh chấp thị phi nếu con người biết tôn cao nhau và cùng dìu nhau đi tới.

Chúa Giê-su đã sống một cuộc sống yêu thương như thế. Ngài rất bận rộn. Cái bận rộn không phải của công việc cho bản thân mà là bận rộn làm việc cho tha nhân. Ngài sống liên đới với mọi người. Ngài liên đới với tội nhân để thay họ dâng hy lễ đền tội với Chúa Cha. Ngài liên đới với những mảnh đời lao động vất vả khi chính Ngài đã sống ẩn dật tại mái nhà Nagiaret. Nơi đó, Ngài sống như người nghèo khi kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động. Ngài liên đới với mọi cảnh cơ hàn của con người khi Ngài dùng đôi tay để xoa dịu mọi nỗi đau của con người. Đôi chân trần của Ngài đã đến với mọi hạng người để nâng đỡ và ủi an họ.

Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy sống tình liên đới với nhau. Hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để đến với tha nhân. Con người sống là sống với ai đó để tồn tại thì hãy sống liên đới, xan xẻ và yêu thương nhau. Có như vậy chúng ta mới làm lên những kỳ công cho cuộc đời khi không còn những kẻ cơ hàn, đói rách bên cạnh chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống yêu thương như Chúa. Xin cho đôi chân của chúng ta luôn mau lẹ đến với tha nhân, và đôi tay luôn quảng để nâng đỡ, ủi an những ai đang mang gánh nặng nề vì cuộc sống lầm than. Amen

Về mục lục

 .
NGUỒN NĂNG LƯỢNG CHO CÁC HOẠT ĐỘNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Các phóng viên rất thắc mặc tại sao Mẹ Têrêsa Calcutta, nay là chân phước Têrêsa lại có thể làm được những việc mà nhiều người khác không thể làm được ? Ngay từ sáng sớm cho đến chiều tối, có những ngày quên ăn quên ngủ, Mẹ Têrêsa cùng với các chị em trong Dòng đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Calcutta để tìm kiếm những người đau yếu, bệnh tật, bị bỏ rơi. Có nhiều lần Mẹ đem về nhà những người nằm dưới cống hoặc bị bỏ bê lâu ngày hôi thối, bẩn thỉu, bị mọi người tránh xa. Mẹ ôm những người ấy vào lòng, đem về đặt trên gường của mình để săn sóc. Mẹ giải thích : Vì tôi muốn họ được chết như một con người chứ không như con vật. Khi được hỏi tại sao Mẹ và các chị em của mẹ có thể làm được như thế ? Mẹ trả lời : Một ngày của chúng tôi được bắt đầu từ Thánh lễ. Chính từ Thánh Thể, chúng tôi có nguồn sức mạnh và có nguồn năng lượng cho một ngày làm việc. Các chị em trong Dòng chúng tôi mỗi ngày có ít nhất một giờ bên Thánh Thể Chúa, đó là sức mạnh cho chúng tôi. Cuộc sống thiêng liêng của người tín hữu cần phải được thường xuyên nạp năng lượng thì mới có thể sống và hoạt động tốt được.

Thánh Marcô kể lại một ngày hoạt động đầy ắp công việc của Chúa Giêsu từ sáng đến tối khuya. Buổi sáng, Ngài vào Hội đường Caphacnaum để cùng với mọi người nghe đọc sách thánh và Chúa cùng thường vào Hội đường để giảng dạy giáo lý. Ra khỏi Hội đường, Ngài đã đến nhà của hai ông Simon và Anre. Bà mẹ vợ của ông Simon đang bị sốt nặng, Chúa Giêsu biết bà đang bị bệnh, Ngài không cần hỏi bà điều gì, Ngài cầm tay bà đỡ dậy và bà khỏi bệnh. Thánh Marcô cho thấy Chúa Giêsu đi đến đâu, thì quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa được lan đến đó. Quyền năng của Ngài khiến ma quỷ và tội lỗi phải sợ hãi chạy xa.

Buổi chiều, Chúa Giêsu tiếp tục công việc của Ngài là rao giảng Tin Mừng và chữa lành tất cả mọi người bị đau ốm hay bị quỷ ám. Cả thành kéo đến chật cửa nhà. Chúa Giêsu lại tiếp tục chữa lành cho họ. Chúa Giêsu không dùng các phép lạ để thu hút dân chúng, nhưng những ai tin vào Ngài, đi theo Ngài, thì sẽ được chứng kiến các phép lạ Chúa làm và qua các phép lạ đó, mọi người nhận ra Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.

Có lẽ điều Thánh Marcô muốn nhắm đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay đó là : Chúa Giêsu đã làm việc vất vả như thế vì mục đích gì và Ngài kín múc nguồn năng lượng từ đâu cho một ngày hoạt động như thế ? Tin Mừng kể tiếp : Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Nếu như sau một ngày hoạt động, con người cần những lúc nghỉ ngơi, cần được nạp lại năng lượng thế nào, thì Chúa Giêsu cũng vậy. Nguồn năng lượng cho mọi hoạt động của Chúa Giêsu chính là những giờ phút cầu nguyện, gặp gỡ, tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa Cha.

Khởi đầu ngày mới bằng cầu nguyện, Chúa Giêsu tìm kiếm và nhận ra thánh ý Chúa Cha muốn gì cho đời sống hoạt động tông đồ của Ngài. Ngài nhận ra con đường mà Chúa Cha muốn Ngài đi và những công việc mà Chúa Cha muốn Ngài thực hiện. Chính qua việc cầu nguyện, gặp gỡ với Chúa Cha, Chúa Giêsu như nạp thêm năng lượng cho đời tông đồ của Ngài. Kết thúc một ngày làm việc bằng cầu nguyện, Chúa Giêsu lại đặt trọn công việc đã làm và cả ngày sống của mình cho Thiên Chúa Cha. Câu chuyện Tin Mừng cho thấy : Ông Simon và các môn đệ đi tìm Chúa Giêsu. Khi thấy Ngài, họ thưa : Mọi người đang tìm Thầy. Chúa Giêsu trả lời : Chúng ta còn phải đi đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa. Như thế, việc gặp gỡ với Thiên Chúa giúp Chúa Giêsu không bị trói buộc vào những thành công hay tìm kiếm những lời khen cùng sự ngưỡng mộ, nhưng giúp Ngài không quên sứ mạng chính của mình là ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân.

Cuộc sống của con người không ai là không phải vất vả làm việc để đạt được kết quả hoặc mục đích cho cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người làm việc trong thái độ nào mới là quan trọng. Bài đọc một sách Gióp có một cái nhìn khá bi quan về thân phận con người. Ông cho rằng cuộc sống con người nơi dương thế chẳng khác nào một cuộc khổ dịch lao nhọc. Con người từ sáng tới tối phải lao động vất vả hết ngày này qua ngày khác dường như không chấm dứt. Bóng đêm đổ xuống thì mong trời sáng để đi làm, khi ngày đến thì mong tối về được nghỉ ngơi. Tác giả cũng đã phải kêu lên : Ngày đời tôi thấm thoát tựa thoi đưa và chấm dứt không một tia hy vọng. …Cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

Nếu người tín hữu cũng lao vào công việc như tham gia vào chiếc đu quay, hết sáng đi làm, rồi tối về ngủ, sáng mai lại đi làm, như sách Gióp đã nói thì quả thật cuộc sống như thế quá tẻ nhạt và mất ý nghĩa. Để cho cuộc sống và công việc của chúng ta có ý nghĩa, chúng ta cần phải có những khoảng dừng để nạp năng lượng, hồi phục tinh thần và thể xác.

Thiên Chúa cho chúng ta có mặt ở trần gian này không phải là một cái máy đã được lập trình, cũng không phải là những con thú sống theo bản năng sáng đi săn mồi, tối về hang, nhưng chúng ta được hiện diện trên trần gian này với tư cách là những người con của Thiên Chúa, được Chúa yêu thương trao cho chúng ta cai quản và làm chủ vũ trụ này. Vì thế, chúng ta cần phải sống và làm việc trong tư cách và phẩm giá ấy.

Vì là con, chúng ta phải sống và làm việc như những người được Chúa tín nhiệm, đồng thời làm việc trong sự hiện diện và dưới cái nhìn của Chúa. Đừng làm việc như những kẻ nô lệ cắm mặt vào công việc mà quên phẩm giá và ơn gọi của mình là những con người tự do. Làm việc trong sự hiện diện của Chúa giống như đứa con được làm việc bên cha mình và làm việc của cha mình. Vì thế, mọi công việc, mọi hoạt động của chúng ta được làm với tâm tình yêu mến và biết ơn.

Là người cai quản – Thiên Chúa đã tín nhiệm trao vũ trụ này cho chúng ta, Ngài cũng trao cho chúng ta gia đình và các trách nhiệm khác nhau. Hãy làm việc như một quản gia trung tín, tức là làm việc theo đúng ý Thiên Chúa. Để biết ý của Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta nơi gia đình, nơi cộng đoàn, hãy noi gương Chúa Giêsu, hỏi ý kiến Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa. Hãy tập thói quen bắt đầu ngày mới bằng việc phó dâng công việc và mọi toan tính cho Chúa ; và khi chiều về, mọi người cùng nhau xum họp để nhìn lại một ngày trôi qua và cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa. Hãy làm cho cuộc sống của mình, của gia đình, xã hội và làm cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Thiên Chúa sẽ biến kết quả công việc thành của lễ hy sinh mang lại ơn cứu độ cho bản thân và cho mọi người.

Ngoài những việc bổn phận hàng ngày, là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta còn phải là những người thực thi công việc loan báo Tin Mừng, giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Đây là một nhiệm vụ mà chúng ta không thể thoái thác. Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã chia sẻ ý tưởng này : Thưa anh em, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tôi tự hào, mà đó là điều bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như tôi tự ý làm việc ấy thì tôi được thưởng công, nhưng đây là một bổn phận Thiên Chúa trao phó, nên tôi không thể không làm.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng : Tôi bận rộn từ sáng đến tối, tôi vất vả để kiếm cơm áo cho gia đình, còn thì giờ đâu tôi thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng ? Thưa – việc sống và loan báo Tin Mừng không phải là việc làm tăng ca ngoài giờ mà là một công việc đan xem vào mọi nhịp sống mỗi ngày của chúng ta. Không phải chúng ta chỉ loan báo Chúa Kitô sau khi chúng ta đã xong việc của gia đình ; trái lại, chúng ta làm tất cả công việc thường ngày với lòng tin tưởng, yêu mến, gắn bó với Thiên Chúa và biết ơn Thiên Chúa thì tất cả các công việc, dù nhỏ bé cũng sẽ trở thành những công việc của Chúa và là công việc loan báo Tin Mừng của Chúa.

Hơn thế nữa, việc giới thiệu về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người bên cạnh còn là một đòi hỏi, một thúc bách cho tất cả mỗi chúng ta. Chúa không muốn cho các tông đồ và chúng ta dừng chân ngơi nghỉ hoặc bằng lòng về một vài công việc đã thực hiện được, nhưng Chúa muốn chúng ta cần phải liên tục lên đường đến với nhiều anh chị em khác nữa, để qua sự hiện diện, qua đời sống, qua việc làm của chúng ta, nhiều anh chị em khác sẽ được đón nhận Tin Mừng của Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu, thường xuyên gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, để đón nhận được nguồn năng lượng và sức mạnh cho mỗi ngày sống của chúng ta. Amen.

Về mục lục

.

KIẾP KHỔ

Trầm Thiên Thu

Đời là bể khổ. Đó là câu nói “cửa miệng” khi người ta nói tới cuộc đời. Khi sinh ra, ai cũng cất tiếng khóc chào đời. Chào đời là vui mà không cười, sao lại khóc? Phải chăng “định mệnh” đã an bài? Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Ông Thích Ca Mâu Ni vốn là một hoàng tử, sống sung sướng an nhàn, nhưng sau khi tham quan bốn cửa thành, ông đã nhìn thấy dân chúng đau khổ, rồi “giác ngộ” và nhận định : “Sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, và tử là khổ”. Phật giáo bốn chân lý cao cả làm nền tảng, đó là Tứ Diệu Đế (còn gọi là Tứ Thánh Đế): Khổ đế (chân lý về sự đau khổ), Tập đế (chân lý về sự phát sinh đau khổ), Diệt đế (chân lý về sự diệt khổ), và Đạo đế (chân lý về đường dẫn tới sự diệt khổ).

Quả thật, cái khổ bao vây tứ phía, mở mắt ra là thấy khổ, khổ suốt ngày cho tới khuya, đôi khi nằm ngủ cũng chưa yên. Vì thấy khổ quá nhiều, Chúa Giêsu đã luôn chạnh lòng thương khi người ta chịu sự kìm kẹp của đau khổ. Ở đâu cũng có đau khổ: Ở trên, ở dưới, ở trước, ở sau, ở bên phải, ở bên trái. Chẳng tránh đâu cho khỏi nắng. Càng tránh đau khổ thì càng đau khổ. Muốn tránh khổ, chỉ có cách “đi xuyên qua nó”, tức là coi nó như không có, chấp nhận nó: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23). Đau khổ là mầu nhiệm. Dù không tỳ vết tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu vẫn PHẢI chịu đau khổ (Mt 16:21; Mt 17:22; Mc 8:31; Lc 9:22; Lc 17:25). Ngài chịu đau khổ để cứu độ nhân loại.

Đau khổ như ma quỷ, nó cứ “ám” chúng ta suốt ngày đêm. William Arthur Ward (1921-1994, ký giả và thi sĩ Mỹ) rút ra kinh nghiệm: “Người khôn ngoan là người học được những sự thật này: Rắc rối là tạm thời, thời gian là thuốc bổ, đau khổ là ống nghiệm” (Wise are they who have learned these truths: Trouble is temporary, time is tonic, tribulation is a test tube). Dù sao thì cũng phải ráng thôi!

Đau khổ xuất hiện ở mọi nơi và mọi lúc, từ khi Nguyên Tổ nghe lời xúi dại của Con Rắn. Thiên Chúa thấy sự ác lan tràn mặt đất nên Ngài buồn rầu (St 6 :5-6). Thiên Chúa không gây ra điều ác, vì Ngài tốt lành, từ bi và nhân hậu, chính dục vọng của con người gây ra tội lỗi, và tội lỗi sinh ra cái chết (x. Gc 1:13-15). Đó là quy trình của đau khổ trên thế gian này.

Trong dịp ĐGH Phanxicô tông du Phi Luật Tân hồi trung tuần tháng 1-2015, bé gái mồ côi Glyzelle đã khiến ngài và cả thế giới mủi lòng khi em hỏi trong niếng nấc nghẹn ngào: “Tại sao Thiên Chúa cho phép chuyện này xảy ra? Trẻ em không có lỗi chi. Tại sao chúng con chỉ được một số ít người giúp đỡ?”. Một câu hỏi hóc búa quá! ĐGH Phanxicô cũng không biết phải nói gì hơn là ôm chặt em trong vòng tay yêu thương và cảm thông.

Ông Gióp là hiện thân của đau khổ, dù ông sống tốt lành. Ông nhận xét: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công; cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề. Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: ‘Khi nào trời sáng?’. Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: ‘Bao giờ chiều buông?’. Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng!” (G 7:1-4). Cả cuộc đời hầu như phàm nhân không được ngơi nghỉ, lo rồi sợ, sợ rồi hoang mang. Cứ thế, kiếp người bị đày đọa trong kiếp khổ triền miên, cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng!

Thất vọng rồi hầu như tuyệt vọng. Ông Gióp tha thiết cầu xin: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7:6-7). Buồn quá! Não nề quá! Thế nhưng bị đau khổ có khi lại là cái may, vì sung sướng quá có thể hóa rồ dại, lúc đó còn nguy hại hơn là chịu đau khổ.

Cái mình bảo là hên nhưng lại có thể là xui, cái mình cho là xui lại có thể là hên, giống như chuyện Tái Ông mất ngựa vậy. Nhưng tất cả đều là Thánh Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể hiểu thấu. Vậy thì chúng ta lại phải tạ ơn Ngài mà thôi, như tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy! Chúa là Đấng xây dựng lại Giêrusalem, quy tụ dân Ítraen tản lạc về” (Tv 147:1-2).

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài đã từng mủi lòng và bật khóc khi thấy người khác chịu mất mát, đau khổ (Lc 11:35). Kinh Thánh cho biết: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một. Chúa chúng ta thật là cao cả, uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường! Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147:3-6). Thiên Chúa của chúng ta luôn trắc ẩn, đặc biệt là đối với những người hèn mọn. Chính người đời còn biết nhận xét: “Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra”. Chắc chắn không ai phải cùng đường hoặc không lối thoát giữa những nỗi đau khổ hằng ngày trên đường lữ hành trần gian.

Dù chịu bao gian khổ, nhưng Thánh Phaolô vẫn kiên trì và tự nhủ: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16). Không làm điều đó thì khốn, nhưng nếu làm điều đó thì phúc. Thánh Phaolô lý luận: “Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9:15-19). Chấp nhận và tự nguyện làm nô lệ tức là chấp nhận và tự nguyện chịu đau khổ. Ngược đời thế đấy!

Thánh Phaolô nói và làm thật, không nói suông: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9:22-23).

Sinh, lão, bệnh, tử là bốn “mũi nhọn” chĩa vào con người. Đánh vần chữ KHỔ là “ca hát ô khô hỏi Khổ”, “ca hát” thì vui, thế mà chả vui tí ti nào. Khổ thật! Có lẽ vì thế mà ngày nay người ta đánh vần là “khờ ô khô hỏi Khổ”, khổ quá nên “khờ” phải rồi! Và Tin Mừng hôm nay (Mc 1:29-39) nói về việc Chúa Giêsu diệt trừ một trong bốn cái khổ đó.

Một hôm, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Đây là hai “cặp bài trùng” được Chúa Giêsu gọi làm các môn đệ đầu tiên. Lúc đó, nhạc mẫu của ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Họ nói cho Ngài biết tình trạng của bà. Ngài lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy. Lạ thay, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Tin lành hoặc tin dữ luôn được người ta đồn rất nhanh. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Thánh sử Mác-cô cho biết rõ ràng: “Cả thành xúm lại trước cửa”. Thế thì đông lắm, đông như kiến, vì ai cũng muốn tận mắt chứng kiến “sự lạ” nhãn tiền. Hôm đó, Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Ngài là ai. Ngài không cho quỷ tiết lộ bí mật vì “giờ của Ngài chưa đến”.

Hôm sau, mới sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Hành động của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện là điều vô cùng cần thiết, nhất là khi mới thức dậy. Không thấy Sư Phụ Giêsu đâu, ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Ngài, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”. Cà phê cà pháo chi sớm rứa? Ăn sáng thì càng phải từ từ chứ!

Nghe mấy đệ tử nói vậy, Ngài lại bảo họ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Chúa Giêsu luôn quan tâm và chú trọng việc cầu nguyện và làm việc. Sau đó, Ngài đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ – tức là diệt khổ cho những người đang phải chịu đau khổ.

Sai lầm dẫn tới phạm tội, tội lỗi sinh ra đau khổ. Kinh Thánh cho biết: “Có sáu điều làm Đức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Ngài ghê tởm: Mắt kiêu kỳ, lưỡi điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội, lòng mưu tính những chuyện xấu xa, chân mau mắn chạy đi làm điều dữ, kẻ làm chứng gian thốt ra lời dối trá, người gieo xung khắc giữa anh em” (Cn 6:16-19). Tránh được những điều đó thì chúng ta khả dĩ tránh được sai lầm, tránh sai lầm thì tránh được tội lỗi, tránh tội lỗi thì tránh được đau khổ.

Đau khổ có giá trị đặc biệt. Chịu đau khổ là vác thập giá, chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô, để đền tội của chính mình và đền tội thay cho người khác. Cuộc đời các thánh cho chúng ta thấy rằng các ngài đều đã từng đau khổ nhiều – đau khổ tinh thần, đau khổ thể lý, hoặc cả hai dạng. Như vậy, đau khổ là điều kỳ diệu. Đau khổ càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chân nhận giá trị của đau khổ mà không than thân trách phận. Chúng con không dám xin Ngài kéo chúng con ra khỏi đau khổ, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc chúng con trong đau khổ. Tất cả xin vì sáng danh Chúa và cứu các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

RAO GIẢNG VÀ CHỮA LÀNH

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB.

Mới đọc đoạn Tin Mừng này tôi có ấn tượng Đức Giêsu coi việc chữa lành các người bệnh tật ốm đau chỉ là công tác phụ, trong khi sứ mệnh chính của Người là rao giảng. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Lý thuyết là như thế, nhưng đứng về phía đám quần chúng bình dân thì rõ ràng, phần đa họ tìm đến với Người trước hết để được chữa lành khỏi bệnh hoạn tật nguyền. “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Và cũng chính vì được chứng kiến các việc chữa lành mà dân chúng tin vào lời Người giảng dạy; ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ (c.22).

Hình như hơn ai hết chính Đức Giêsu đã ý thức rất rõ điều này: không lời giảng dạy nào về một Thiên Chúa nhân ái từ bi đối với một nhân loại đau khổ lại hữu hiệu và hùng hồn cho bằng khi nhân danh Người mà rộng tay chữa lành các thương đau phần xác cũng như phần hồn của con người cùng khốn. Ngay cả đối với các môn đệ mới chiêu mộ, Đức Giêsu cũng đã hoàn toàn chủ động trong việc này; do đó Người đã chữa bà mẹ vợ ông Si-mon khỏi cơn sốt, cho dù không ai yêu cầu. Phải chăng đó chính là để ‘các môn đệ tin vào Người’, theo cách nói của Gio-an sau phép lạ nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 1:8)? Khi dài dòng thuật lại rất nhiều phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, chắc hẳn tác giả Mác-cô muốn tô đậm nơi Người nét ông thầy thuốc tốt lành tới chữa lành bệnh nhân tật nguyền; Người ‘chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật’; và hình như đó cũng chính là hình ảnh mà Người sẽ dùng để tự giới thiệu mình: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2:17).

Như vậy đối với Đức Giêsu, rao giảng và chữa bệnh không phải là hai công việc tách rời nhau. Bởi nếu nội dung cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng chính là ‘Thiên Chúa nhân ái quan tâm đến số phận của con người yếu hèn trong cả lãnh vực thể lý lẫn tinh thần’ thì chắc chắn lời rao giảng hùng hồn và sắc bén nhất sẽ phải là ‘chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền’ và ‘sua trừ ma quỉ’. Đức Giêsu hẳn có ý nói điều này khi bảo các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa.” Mác-cô còn ghi nhận thêm: ‘Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỉ’ (nên lưu ý là người Do Thái thời Đức Giêsu cho rằng mọi bệnh tật đều do ma quỉ mà ra). Qua các việc chữa lành này Người chỉ muốn cho mọi người được biết: Thiên Chúa từ nhân đã đến với họ, đang thật sự ở giữa họ, đang đồng hành với họ, cảm thông nỗi thống khổ yếu đuối của họ, và tích cực can thiệp theo cách thức của riêng Người.

Suy niệm trên xem ra chẳng có gì là quan trọng cho lắm, tuy nhiên nó sẽ giúp ta tránh được điều mà nhiều tín hữu thường mắc phải khi cho rằng Tin Mừng hệ tại ở việc lãnh hội các tín điều cao siêu (điển hình các công thức tuyên tín phức tạp chứa đựng trong Kinh Tin Kính Ni-cê chẳng hạn…); và cho rằng làm bác ái chỉ là việc phụ, tiểu tiết tùy nghi theo khả năng mỗi người, có mục đích duy nhất làm gia tăng công nghiệp trước mặt Chúa hầu đảm bảo phần rỗi linh hồn; rồi khi đọc Phúc Âm sẽ cho rằng việc Đức Giêsu làm các phép lạ chẳng qua là để chứng tỏ quyền phép vượt trội hầu thúc ép dân chúng tin lời Người giảng dạy…; rằng những học thuyết cao siêu gồm các qui định luân lý và giới luật tân kỳ mới thật là điều Người xuống thế để dạy dỗ. Suy niệm trên hơn bao giờ hết giúp tôi nhận ra Lời Tin Mừng thật nhất quán, chặt chẽ và đầy thuyết phục: ‘Đức Giêsu – Lời’ đến trần gian để tuyên bố sứ điệp tình yêu của ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…’ và tình yêu đó cũng thật cụ thể: ‘Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ’ (Ga 3:16.17). Thế đấy, toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu chỉ là một ‘Lời tình yêu cứu độ’, Lời trong sứ điệp, Lời trong hành động, Lời trong các phép lạ, thậm chí Lời trong cái chết tự hiến trên thập giá và Lời trong sự Phục Sinh chứa chan niềm hy vọng. Tóm lại tôi nhận ra rất rõ nội dung duy nhất của sứ vụ Đức Giêsu trên trần gian chính là để quảng bá và thể hiện mọi nơi mọi chốn một ‘Thiên Chúa yêu mến thế gian’ bằng trọn cả con người Ngài.

Vì là một tu sĩ Sa-lê-diêng, tôi nhiều lần đã áp dụng cho Đức Giêsu câu nói mà chúng tôi vẫn thường dùng để nói về Don Bosco: “Người không đi một bước, không nói một lời, không bắt tay vào bất cứ việc gì, mà không phải vì…phần rỗi giới trẻ!” Ở đây phải là, trong Tin Mừng ‘Đức Giêsu đã không hề đi một bước, không nói một lời, không bắt tay vào bất cứ việc gì mà không phải vì… muốn chứng tỏ và thể hiện rằng Thiên Chúa yêu mến trần gian cách tuyệt đối tới độ…!’

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được chia sẻ khát vọng Chúa muốn cho Tin Mừng tình yêu nhân ái được thể hiện và nhận biết ‘ở các nơi khác… các làng xã chung quanh nữa’. Con, một linh mục của Chúa, ước mong rằng: mình sẽ không chỉ giảng dạy sứ điệp Tin Mừng này bằng lời nói suông, nhưng phải bằng cả thái độ sống và hành động. Xin cho con biết rao giảng Lời Chúa qua các dấn thận phục vụ quảng đại, mọi nơi và cho hết thảy mọi người. A-men.

Về mục lục

.

CHÚA GIÊSU ĐI VỀ VÙNG NGOẠI BIÊN

  Lm Giuse Nguyễn Hữu An

  1. Ngày làm việc của Chúa Giêsu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện, rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Một ngày thật bận rộn với biết bao công việc: Giảng dạy trong hội đường rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; Buổi chiều cho đến tối mịt, Chúa chữa lành dân chúng đủ loại bệnh hoạn tật nguyền; Sáng sớm tinh mơ, Chúa dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.

Công việc bề bộn mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong nhịp sống thường ngày.

 a). Cầu nguyện:

“Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện” (1,35). Suốt ngày lo toan với bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng tinh mơ để tâm sự trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Người cần có thời gian sống riêng tư một mình. Người cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc, về nổi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng.Người cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

 b). Rao giảng

Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng. “Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy”(1,21). Người  đọc Sách Thánh và giải nghĩa. “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (1,22). Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Người không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế, giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao với Chúa Cha.

 c). Chữa lành thể xác tâm hồn.

Lời giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy;cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Chúa Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như có lần Người cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (Mc 5,41), lần khác Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).

“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành.

Tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: “Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ”. Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).

Bệnh tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Người không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.

Ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu đều đầy ắp niềm vui cầu nguyện và hoạt động. Đó chính là khuôn mẫu cho mọi tín hữu.Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nói đến đời sống cầu nguyện và hoạt động của mọi tín hữu: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo vừa là một hoạt động có chiêm niệm, vừa là một chiêm niệm có hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).

Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.

 

  1. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên.

 “Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.

Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới.

Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo.Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên.Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người người tội lỗi và những người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời tiên tri Isaia xưa đã nói:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Người cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).Người muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24).Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, Người đến với họ, Người chia sẻ những nỗi đau của họ, Người được kể như người ngoại biên. Người cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại biên, ĐGM Bùi Tuần).

Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.

Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm “vùng đất ngoại bang”, và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.

Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên. ĐTC Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục.” (EG 49).

Về mục lục

.

BÀ PHỤC VỤ CÁC NGÀI

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu trở về một căn nhà của một gia đình quen biết, gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài. Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt. Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy. Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.

Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà.

Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm, nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được, gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình.

Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống.

Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại. Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.

Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé. Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.

Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này. Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.

Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế. Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an. Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh.

Sau khi được phục sinh thì bà đi phục vụ các vị khách. Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.

Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13).

Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.

Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.

“Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).

Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).

Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng, phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).

Xin cho mọi người biết nhìn nhận vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà, và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Về mục lục

.