CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG_B

130

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG B

Lời Chúa: Is 63,16b-17.19b; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37

Mục lục

1. Chờ đợi trong tỉnh thức  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Tỉnh thức và cầu nguyện  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chúa Nhật I Mùa Vọng_B  (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)

4. Mong chờ  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

5. Câu chuyện cảnh giác   (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

6. Đón Chúa trở lại  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

7. Hãy coi chừng  (Trầm Thiên Thu)

8. Mùa loan báo  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

 

CHỜ ĐỢI TRONG TỈNH THỨC

Ai trong chúng ta cũng đã có những lúc chờ đợi: chờ đợi một biến cố hoặc một người thân. Chờ đợi bao giờ cũng làm chúng ta hồi hộp, trăn trở, nôn nóng. Những lúc chờ đợi, dường như thời gian trôi chậm hơn. Khi chờ đợi một sự kiện hay một người thân, cũng là lúc chúng ta liên tưởng nhiều về sự kiện hay về người thân đó. Sự chờ đợi càng lâu, niềm vui càng lớn lao và vỡ òa khi gặp gỡ.

Năm Phụng vụ khởi đầu với một thời gian mang tên “Mùa Vọng” hay “Mùa Đợi”. Mùa Phụng vụ này nhắc nhớ chúng ta đợi chờ Chúa đến trong cuộc đời. Thực ra, Thiên Chúa vẫn hiện diện và tỏa ánh vinh quang của Ngài trong cuộc sống, nhưng để gặp gỡ Ngài, mỗi người phải nỗ lực tìm kiếm và mở rộng tâm hồn để đón tiếp Ngài. Những ai thành tâm tìm kiếm và gặp gỡ Chúa sẽ được Ngài hướng dẫn và phù trợ. Có Chúa trong đời, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Chúa vẫn hiện diện, như dòng suối vẫn miên man chảy tứ thời bát tiết. Người thành tâm kiếm tìm Chúa sẽ giống như người đến múc nước nơi dòng suối và mang về nhà mình. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta thật lạ kỳ. Bởi lẽ Chúa vừa hữu hình vừa vô hình, vừa hiện diện, vừa vắng mặt. Người tìm được Chúa rồi, lại khao khát tiếp tục tìm Chúa để hiểu biết Chúa hơn, vì gặp gỡ Chúa đem lại sự dịu ngọt và niềm vui hạnh phúc cho tâm hồn. Hiểu như thế, suốt cuộc đời tín hữu chúng ta là một vòng xoay của sự chờ đợi, tìm kiếm, gặp gỡ, rồi lại tìm kiếp tiếp cho đến khi thực sự gặp Chúa trực tiếp, mặt giáp mặt chứ không còn như trong gương. Đó là tình trạng hạnh phúc thiên đàng những ai yêu mến Chúa sẽ được hưởng.

Ngôn sứ Isaia diễn tả niềm mong đợi Chúa của dân Israen (Bài đọc I). Đối với những người Do Thái lưu đày, họ cảm nghiệm được nỗi đau của kiếp nô lệ. Không còn Đền thờ, không còn lễ nghi phục vụ, họ thấy cuộc sống của họ thật vô nghĩa. Họ cần Chúa như con người cần hơi thở, như cỏ cây cần ánh mặt trời. Vắng Chúa, cuộc đời họ sẽ suy tàn, sự nhơ uế sẽ lan tràn khắp chốn. Lời cầu nguyện của vị ngôn sứ cũng là lời than van của dân chúng. Họ cầu xin Chúa đến để nâng đỡ và giải thoát họ, đem cho họ ánh sáng và niềm tin.

Niềm khao khát của Israen cũng là niềm khao khát của thời đại chúng ta. Con người thời nay cậy dựa vào những triết thuyết vô thần và những thành tựu của khoa học để chối bỏ Thiên Chúa. Thay vì tôn thờ Đấng Tạo Hóa, người ta tôn thờ khoa học kỹ thuật vì cho rằng khoa học kỹ thuật có thể trả lời được mọi vấn nạn của cuộc sống. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã viết:“Chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa phi nhân. Chỉ có thứ nhân bản mở ra cho Tuyệt  Đối mới có thể giúp ta cổ võ và đạt được được những hình thức sống xã hội và dân sự – trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hoá, đạo đức -, bằng cách nó giữ ta khỏi rơi vào tình trạng nô lệ cho những cái mốt, những cái thời thượng”(Thông điệp Bác ái trong Chân lý, số 78). Đây cũng là cám dỗ lớn nhất mà loài người từ thời nguyên thủy đã gặp phải, đó là muốn nên như Thiên Chúa và tin rằng có thể thay thế Ngài (x. St chương 3). Nhân loại của chúng ta hơn bao giờ hết đang cần đến Thiên Chúa. Xã hội Việt Nam của chúng ta hôm nay cho thấy kinh nghiệm rõ về điều này: một khi khước từ Thiên Chúa, hậu quả là cuộc sống đầy bạo lực, giết chóc, tệ nạn xã hội, lừa đảo dối trá, luân thường đạo lý suy đồi.

Lời Chúa hôm nay nói đến nỗ lực cố gắng của chúng ta trong khi chờ đợi Chúa. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người chủ đi xa trao nhà cho đầy tớ coi sóc. Mỗi người một việc, người thì coi ban ngày, người thì gác ban đêm. Ông chủ sẽ về bất cứ lúc nào. Những người coi nhà buộc phải tỉnh thức và thận trọng để lúc chủ về, không những thấy họ còn thức mà còn thấy tài sản còn nguyên vẹn.

Mùa Vọng giống như “nốt nhấn” của bản nhạc cuộc đời. Đây là thời điểm Giáo Hội mời gọi chúng ta xác định vị trí của Chúa trong đời chúng ta cũng như tình trạng tâm hồn của mình. Chúa đang đến trong cuộc đời chúng ta. Lễ Giáng Sinh là một kỷ niệm đẹp của mối tình Thiên Chúa – Con người. Sau bao thế hệ xa cách, nay Thiên Chúa đã chủ động đến với con người. Ngài hạ cố đến gặp gỡ con người và tâm tình nghĩa thiết với họ. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, chính là bằng chứng hữu hình của sự nghĩa thiết ấy.

Chờ đợi trong tỉnh thức, đó là tâm tình của mỗi tín hữu chúng ta trong suốt cuộc đời. Lạy Chúa, xin hãy xé trời mà ngự xuống. Xin hãy đến để nâng đỡ và soi sáng chúng con. Amen.

Về mục lục

.

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.

Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Người.

Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.

Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.

Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Đức Kitô. Đừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Đừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực. Đừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Đức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.

Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hi sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.

Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.

Lạy Chúa, xin giữ hồn con tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tỉnh thức là đừng mê ngủ. Hãy kể ra những bóng tối khiến ta mê ngủ?

2) Tỉnh thức là tỉnh táo phân định. Làm thế nào để nhận ra khi Chúa đến?

3) Tỉnh thức là phải hành động. Muốn tỉnh thức, bạn phải làm những gì?

4) Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để tỉnh thức?

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG_B

Ông bà anh chị em thân mến.  Bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hôm nay, chúng ta khởi đầu một cuộc hành trình đi vào mùa phụng vụ mới trong lịch sử ơn cứu độ.  Mùa Vọng là mùa trông đợi và chuẩn bị. Trước hết, chúng ta có 4 tuần mùa Vọng được tượng trưng cho 4 cây nến đặt trong vòng hoa trước bàn thờ đây, để chuẩn bị và sửa soạn tâm hồn cho ngày lễ Giáng Sinh. Và cũng trong mùa Vọng này, giáo hội kêu gọi chúng ta hướng tâm hồn về viễn cảnh ngày tận thế, ngày Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Chúng ta phải chú ý đến một điều thực tế hiện tại là ngày Chúa đến với chúng ta trong ngày sau hết của đời mình. Vì thế bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta Chúa đến một cách bất ngờ, và do đó thái độ của những Kitô hữu chúng ta phải luôn tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong ân sủng và an bình, qua việc sống Lời Chúa và cầu nguyện.

Bài đọc một hôm nay là một lời cầu nguyện khẩn thiết xin Chúa đến giải thoát.  Đây cũng là một lời cầu nguyện cao siêu, tuyệt vời nhất mà chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh. Dân Chúa lúc đó đang đau khổ, rên xiết vì ách nô lệ.  Trong tình trạng khốn cùng, họ nhận ra tình cảnh này là do chính họ đã tự tạo cho chính mình vì sự kiêu căng, ngạo mạn và vì không lắng nghe lời Chúa. Họ van xin Chúa tha thứ và cứu giúp.  Và đây cũng chính là lời cầu nguyện thật chính đáng và tốt đẹp khởi đầu cho mùa Vọng, mùa ân sủng của Chúa.

Để có tinh thần tỉnh thức và chờ đợi như lời kêu gọi của mùa Vọng, chúng ta phải chú tâm vào Chúa Giê-su, Đấng mang đến cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa và ơn cứu độ. Và để duy trì sự chú tâm, chúng ta phải hy sinh thời giờ suy niệm và sắp sếp những ưu tiên cho cuộc sống. Tất cả chúng ta có 24 tiếng đồng hồ 1 ngày để làm việc, và chúng ta không thể làm phép lạ kéo dài thời gian trong 1 ngày được. Do đó, sắp sếp thời giờ và công việc là chìa khóa.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa lưu ý chúng ta hãy sắp sếp những ưu tiên trong cuộc sống vì Chúa sẽ trở lại lúc nào chúng ta không biết.  Chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Chúa nói “Các con hãy coi chừng.”  Tại sao Chúa Giêsu bảo chúng ta phải coi chừng?”  Thưa Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy coi chừng vì ngày Chúa đến phán xét hay ngày sau hết của cuộc đời mình đến bất ngờ, thình lình, chúng ta không biết lúc nào, và có thể trong lúc chúng ta không sửa soạn, chuẩn bị.  Hay nói một cách tích cực, Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta hãy đổi mới,bắt đầu sống một cuộc sống mới. Chúa muốn chúng ta từ bỏ sự chần chừ và bắt đầu sống như thế nào để nếu Chúa đến hôm nay chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Và Chúa cũng muốn chúng ta hãy coi chừng đừng để cuộc sống này qua đi trong sự hối tiếc hay không sống hay chưa thực hiện những điều chúng ta muốn thực hiện.

Xin kể một câu chuyện minh chứng. Có một người chồng mướn một căn nhà gần bờ biển để nghỉ hè 2 tuần. Trước khi khởi hành lái xe đi với vợ, ông tự hứa một cách nghiêm chỉnh sẽ là một người chồng tử tế, tốt lành mà ông biết ông có thể trở thành và ông bắt đầu.  Trong vòng 2 tuần, ông không sử dụng vi tính hay gọi điện thoại liên lạc với sở làm. Trong vòng hai tuần, ông cố gắng gìn giữ miệng lưỡi, không nói những lời thô tục, gắt gỏng hay không tốt.  Trong vòng hai tuần, ông là một người suy nghĩ thận trọng, và là một người chồng yêu thương và lo lắng.

Nhưng có 1 điều bất thường đã xảy ra trong kỳ nghỉ hè và xảy ra ngay trong đêm cuối cùng.  Ông cảm thấy lạ khi người vợ cứ chăm chú nhìn ông trừng trừng.  Ông nhìn vợ và hỏi “Em ạ! Có điều gì bất thường hay không tốt đã xảy ra?”  Nước mắt dàn dụa chảy trên đôi má, người vợ hỏi chồng “Anh biết điều gì mà em không biết?”  Người chồng hỏi lại “Câu đó có ý nghĩa gì?” Người vợ trả lời “Vậy sao?  Mấy tuần trước em đi khám bác sĩ, và hai tuần nay em thấy anh thật tử tế và rất tốt với em.  Vậy bác sĩ nói với anh điều gì?  Hãy nói với em sự thật. Có phải bác sĩ nói với anh em bị ung thư không?  Có phải bác sĩ nói em sẽ chết không?  Có phải vì vậy mà anh thật tử tế và tốt với em trong 2 tuần qua không?” Sau khi đã nói hết những ý tưởng đó, phải mất 2 phút sau người vợ mới lấy lại bình tỉnh.  Người chồng phì cười, vòng cánh tay ôm lấy người vợ và nói “Không! Không phải thế! Em sẽ không chết đâu! Thật sự anh chỉ muốn bắt đầu có một đời sống mới thôi.”

Ông bà anh chị em thân mến. Có thể nói câu chuyện trên đây hàm chứa sứ mệnh của Chúa Giê-su cho chúng ta trong Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hôm nay. Chúa muốn chúng ta hãy bắt đầu sống.  Chúa muốn thúc giục chúng ta đừng trì hoãn lại những điều chúng ta muốn làm.  Chúa muốn chúng ta hãy tỉnh thức, đề phòng đừng để cuộc sống của chúng ta chạy vụt đi, lướt qua đi mà không thực hiện những điều chúng ta muốn làm.  Hay nói một cách thực tế, Chúa nài nỉ chúng ta hãy khởi đầu mùa Vọng này như người đàn ông, người chồng khởi đầu kỳ hè trong câu chuyện trên. Hãy nắm lấy cơ hội mùa Vọng để sống, để chuẩn bị tâm hồn hứng lấy ân sủng tình yêu và bình an của Chúa mang đến cho chúng ta.

Ông bà anh chị em thân mến.  Cuộc sống của chúng ta đang qua đi. Con người nhân loại chúng ta phải theo một định luật cố định của tạo hóa.  Có nghĩa là chúng ta có sinh, thì chúng ta cũng sẽ có tử.  Chúng ta cũng sẽ qua đi như một lần chưa bao giờ có mặt chúng ta trên trái đất này.  Chúng ta biết, vũ trụ và mọi thứ vật chất qua đi là xong, là hết chuyện. Còn loài người chúng ta thì không như thế, chết là bắt đầu cho cuộc sống mới, đời sống vĩnh cửu.  Chúng ta có tin hay không tin, hay nghi ngờ, sự sống vĩnh cửu vẫn là một sự thật như lời Chúa đã khẳng định “Mọi vật sẽ qua đi, trời đất sẽ qua đi nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”  Cho nên mỗi người chúng ta đây sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ phải đối diện với ngày sau hết của mình. Thế nhưng, ngay trong cuộc sống này và bắt đầu từ giây phút này, mỗi người chúng ta có thể quyết định cho số phận cuộc sống vĩnh cửu của mình hạnh phúc, bình an với Thiên Chúa, hay muôn đời phải chịu nhiều cực hình. Nói một cách rõ hơn, cuộc sống vĩnh cửu của mỗi người được định đoạt tùy theo đời sống hiện tại này.  Cho nên chúng ta phải biết lắng nghe và thực hành lời Chúa kêu gọi hãy coi chừng, hãy sửa soạn chuẩn bị.

Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng để cơ hội mùa Vọng này đi qua mà không làm điều gì có ý nghĩa cho đời sống, nhất là cho đời sống tinh thần. Đừng để cơ hội mùa Vọng qua đi mà không làm những điều chúng ta muốn và phải làm. Đừng trì hoãn muốn có một cuộc sống tốt lành, thánh thiện, công bằng và bác ái, yêu thương.  Đừng trì hoãn muốn có một gia đình yêu thương, hoà thuận và đầm ấm. Xin ánh sáng Tin mừng và tình yêu của Chúa chiếu vào và hiện diện trong tâm hồn mọi người, mọi gia đình, để chúng ta luôn sống trong sự chuẩn bị sẵn sàng trong bình an và ân sủng của Chúa.

Về mục lục

.

MONG CHỜ

Đại đa số chúng ta đã từng trải qua những giây phút : chờ người yêu, đợi niềm vui, trông ngóng tương lai hạnh phúc ở phía trước. Kinh nghiệm cho thấy niềm vui đến thường ngắn ngủi, còn đợi chờ luôn dài lê thê, vừa buồn, vừa ngao ngán…. Làm sao chúng ta không bị áp lực về thời gian, có phương pháp nào giúp nhau quên đi cảm giác không phải sống trong đợi chờ, mong mỏi… ? Rối rắm trong suy nghĩ, căng thẳng trong cuộc sống, bận tâm với trọng trách, phận vụ của mình, có thể hoảng loạn, “đau bệnh” là chuyện không lạ gì với chúng ta.

Điều mong chờ chung chung của mọi người là hạnh phúc, thành đạt, khỏe mạnh, bình an, trường thọ, gia đình êm ấm, anh chị em hòa thuận. Không mơ ước viển vông, không suy nghĩ tiêu cực, không làm chuyện mờ ám, không để cho cuộc sống rối loạn vì tiền vì tình, tất nhiên còn nhiều mơ ước cao đẹp hơn nữa…. Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay không nói các môn đệ mơ ước hay mong chờ một cách loáng thoáng, mà cụ thể ai cũng cần tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

Tiên tri Isaia hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời. Chính nhờ tình yêu Chúa, người ta nhận ra mình tội lỗi, tâm hồn ở trong tình trạng dơ bẩn. Do đó mà Isaia sánh ví con người chỉ là “miếng đất sét” trong tay người thợ gốm, hãy là cái bình cái lọ xinh đẹp trong mơ ước của người thợ. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc chúng ta về sự hiện diện cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời mỗi người. Chỉ những ai sống hiệp nhất trong tình yêu của Chúa Kitô, người ấy mới thực sự trở nên con cái Thiên Chúa, đáng hưởng hạnh phúc đời đời theo niềm mong ước của Chúa Kitô.

Hôm nay đây khi nói tới mong chờ cách hợp lý theo thánh ý Chúa, không ai mong mình sẽ được mãi mãi an nhàn thư thái ở đời này. Cũng không ai chỉ thụ động ngồi đó chờ “phép lạ”, có chăng chúng ta đang chờ mong Chúa biến đổi tâm hồn, sửa chữa những thiếu sót lầm lỡ ! Đâu phải chỉ người thời nay trông chờ ơn cứu độ, mà xưa kia người Do Thái cũng rất ưu tư trông ngóng, khác nhau ở chỗ là mong chờ Đấng Cứu Thế theo ý riêng của mình và bằng cảm nhận đức tin. Để việc đợi chờ có ý nghĩa, Chúa Giêsu nói : hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì người ta sẽ mong chờ đúng khi tâm tư được thúc đẩy bởi tình yêu.

Nhiều người chúng ta đã nghe câu thành ngữ : nói hay, làm dở; làm láo, báo cáo hay, như muốn ám chỉ sự tụt hậu vô đạo đức mà những ai yêu quê hương đất nước đều phải ưu tư. Thực ra thì sự thật và tình yêu vẫn đang hiện diện nơi cuộc sống mỗi người, điều quan trọng giữa nói và làm phản ánh được sự thật và tình yêu nơi người anh chị em của mình thế nào ? Mâu thuẫn lớn của chúng ta là biết mà không làm, hiểu mà không sống, có khả năng mà không dám xả thân phục vụ, biết cha mẹ yêu thương nhưng vẫn sống thờ ơ, ngờ vực.

Chúng ta thường nói mong như mong mẹ về chợ, Chúa Giêsu thì nhắn gởi : hãy trông đợi với một tinh thần nghiêm túc như trông đợi ông chủ đi phương xa trao cho ta quản lý cuộc đời, nhưng không phải theo ý mình mà là theo ý ông chủ. Thiên Chúa quảng đại còn trao ban cho chúng ta quản lý ngôi nhà vũ trụ để làm sao cho mọi người trong ngôi nhà gia đình này đều có quyền hưởng an bình thịnh vượng. Thiên Chúa cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình, giáo xứ, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống, chúng ta được tự do hành động.

Khi đã hiểu và ý thức mình chỉ là người quản lý, là người giúp việc, tự mỗi chúng ta cần phải khôn ngoan, biết sử dụng nén bạc Chúa trao phó. Khôn ngoan, bình tĩnh để không hỏng việc, cảnh giác đề phòng để không mất của, cẩn thận để khỏi bị tai nạn đáng tiếc xảy ra. Con người thời nào cũng được giáo dục phải tỉnh thức sẵn sàng, biết đề phòng bất trắc, giảm bớt những mơ ước không chính đáng. Người khôn ngoan là người biết “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người quản lý giỏi là người biết trung thành với những công việc được giao phó, không mê muội…

Xã hội có những câu nói vu vơ nhưng cũng để lại nơi ta nhiều suy nghĩ : “của thiên trả địa”, cụ thể khi chứng kiến người thân của ta nhắm mắt xuôi tay. Sứ điệp Chúa Giêsu gởi đến là “hãy tỉnh thức” để không bị rơi vào tình trạng mê muội, để yếu tố bất ngờ không ảnh hưởng đến những tâm hồn thuộc về Chúa. Hãy tỉnh để “tâm hồn” ta đừng sống trong mơ mộng hão huyền; hãy thức để “tâm trí” ta luôn trong sáng, nhờ đó, giờ Chúa đến lòng ta tràn ngập hân hoan vì ta luôn trung thành mong chờ Đấng giải thoát ta. Amen.

Về mục lục

.

CÂU CHUYỆN CẢNH GIÁC

Cuộc sống hôm nay chỉ cần mất cảnh giác một chút là có thể thiệt thân. Bởi vì chúng ta phải đối mặt với nhiều yếu tố có thể xâm hại đến sức khỏe, an toàn và tài sản của bản thân, như vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, các vấn đề an ninh, trộm cướp….

Có một người kể rằng: một hôm ông ta đang ở nhà thì có một người trung tuổi lạ mặt đến gõ cửa, nói là xe ô tô của ông ta hết xăng rồi. Nhưng mà trạm xăng cách đây quá xa, xe nặng quá không thể đẩy được, nên hỏi mượn  tôi một cái chai không để đi mua xăng. Rồi nói sẽ trả tiền cho cái chai không đó. Tôi liền vào nhà tìm một cái chai không đưa cho ông ta. Ông ta liền rút từ trong túi ra tờ 500 nghìn, nói là không có tiền lẻ rồi bảo  tôi thối lại.  Tôi có chút nghi ngờ nên bảo ông ta thôi không cần trả tiền dù sao cũng chỉ là một cái chai không. Ông ta thấy  tôi không cắn câu nên lủi mất.

Điều này tôi đã làm vì cảnh giác, vì có thể tiền này là tiền giả, có thể sẽ bị lừa đổi tờ tiền giả lấy một tờ tiền thật! Hoặc có thể thuốc gây mê đã được ướp vào đồng tiền!

Xem ra cuộc đời thật đáng sợ. Đáng sợ vì chẳng biết tin ai, vì ai cũng có thể làm hại đến mình. Cho dù là người thân vẫn có thể sát hại lẫn nhau chỉ vì một quyền lợi nho nhỏ hay hiểu lầm một chút cũng dẫn đến tàn nhẫn với nhau. Có biết bao lời ta thán buồn cho cuộc đời khi phải thốt lên: “thật không ngờ!”. Không ngờ tại sao sự dữ lại hoành hành tàn bạo, mạnh mẽ như ngày hôm nay? Không ngờ bạn bè chí thân lại phản bội chúng ta?

Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức với thái độ của người làm công luôn tận tụy trong công việc, bổn phận của mình. Tỉnh thức với thái độ làm việc có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có một bổn phận trong cuộc đời. Thiên Chúa như ông chủ đã giao cho chúng ta một công việc phải thi hành. Công việc kết thúc khi nào không tùy thuộc vào bản thân chúng ta mà tùy thuộc vào việc ông chủ muốn tính sổ với chúng ta. Thiên Chúa như ông chủ giao việc rồi trẩy đi phương xa và Ngài sẽ trở về một cách đột ngột, bất ngờ. Ông chủ sẽ đòi chúng ta tính sổ cuộc đời để xem chúng ta có thực sự dùng thời giờ, khả năng cho công việc của ông chủ hay mải mê chạy theo những dục vọng mà bê tha bổn phận. Ông chủ sẽ vui khi thấy chúng ta đang làm việc có trách nhiệm. Và ông cũng rất buồn nếu thấy đầy tớ đang mải mê chạy theo những ảo ảnh trần gian.

Thế nên, điều quan yếu là  chúng ta phải luôn cảnh giác. Sự cảnh giác không theo kiểu sợ hãi ông chủ trở về đột ngột, mà cảnh giác để chúng ta đừng chạy theo những cám dỗ của danh lợi thú mà sao lãng bổn phận với Thiên Chúa. Ma qủy luôn rình rập chúng ta. Ma quỷ luôn gieo vào chúng ta thái độ ú lì trong công việc. Nó khuyến dụ chúng ta đi vào đam mê trần gian. Nó bảo với chúng ta cứ vui chơi vì thời gian còn dài, đường đời còn dài nên hãy “cứ vui xuân kẻo xuân hết rồi”. Nhiều người đã sa vào vòng xoáy của đam mê do ma qủy bày ra. Nhiều người đã chết vì mất cảnh giác mà tin vào lời dụ ngọt của ma quỷ.

Mùa vọng là mùa của hy vọng, của đợi chờ ông chủ sẽ trở về. Thiên Chúa là ông chủ đã giao cho chúng ta vô số công việc ở trần gian này. Ngài đòi chúng ta phải tận tụy trong công việc. Ngài đòi chúng ta phải làm việc hết mình và đầy đủ trách nhiệm. Điều mà chúng ta cần lưu ý là không biết bao giờ chủ về, ông chủ sẽ đòi chúng ta tất toán cuộc đời vào lứa tuổi nào trong cuộc đời chúng ta. Thế nên, sự khôn ngoan nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cám dỗ của lười biếng, của hưởng thụ mà quên bổn phận Chúa trao.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn canh phòng tỉnh thức trước những sức lôi cuốn, hấp dẫn của danh lợi thú mà ma quỷ bày ra hòng làm hại cuộc đời chúng ta. Amen

Về mục lục

.

ĐÓN CHÚA TRỞ LẠI

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Năm Phụng Vụ mới được bắt đầu bằng Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta chuẩn bị tầm hồn mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh, song cũng còn là mùa nhắc cho chúng ta ngày Chúa sẽ trở lại vào ngày cuối cùng của thế giới. Nhưng trong khi chờ đợi Chúa đến lần thứ hai, thì việc Chúa đến vào ngày cuối cùng của mỗi người là ngày quan trọng nhất. Vì lần này là lần quyết định chung cuộc số phận đời đời của từng người.

Có nhiều tâm trạng khác nhau khi chờ đợi. Ví dụ sự chờ đợi hằn sâu trong mắt của những cụ già tại nhà dưỡng lão, chờ đợi có một người thân nào đó đến thăm ; hay sự chờ đợi mòn mỏi của những người vợ ngóng ra biển chờ tin chồng con trở về ; hoặc cũng có tâm trạng chờ đợi trong phấn khởi như những người chờ chuyến bay của người thân đáp xuống… Tác giả Thạch Lam có câu chuyện ngắn Chuyến tàu đêm, mô tả khung cảnh một làng quê nghèo khó xác xơ. Họ nghèo đến độ chẳng có gì để mong đợi, nghèo từ khung cảnh đến con người và nghèo cả ước mơ. Vì thế mỗi ngày, hai em bé và dân làng chỉ mong đợi chuyến tàu đêm chạy ngang qua làng như chở theo một chút niềm vui, ánh sáng, một chút ước mơ còn sót lại trong tâm hồn và cuộc đời hai đứa trẻ.

Mùa Vọng là mùa đợi chờ ngày Chúa trở lại, thế nhưng nhiều Kitô hữu vẫn không biết mình đang chờ đợi ai và phải chờ đợi trong thái độ nào ?

Chúng ta chờ đợi Thiên Chúa đến để được gặp gỡ Ngài. Đó là thái độ của mỗi người hôm nay và cũng là tâm tình của dân Do Thái ngày xưa. Câu chuyện sa ngã của nguyên tổ trong sách Sáng thế được coi là khởi đầu thời kỳ tăm tối của con người và cũng là khởi đầu niềm hy vọng cho con người. Thánh Kinh kể lại, khi con người chối từ Thiên Chúa, muốn tự mình quyết định tương lai của mình, thì ngay lúc đó, con người đã để mình tách khỏi Thiên Chúa, và cửa Vườn Địa Đàng đã bị đóng lại. Kể từ đó, con người phải lầm lũi bước đi trong bóng tối của đau khổ và chết chóc.

Lời cầu xin của Dân Chúa trong sách Isaia hôm nay cho thấy sự khao khát và hối hận của con người khi họ nhận ra sai lỗi của mình.  Họ đã kêu xin cùng Thiên Chúa : Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con, là Đấng cứu chuộc chúng con, xin Người xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan. Xin Thiên Chúa xé trời mà ngự xuống là lời kêu xin lòng quảng đại bao dung của một vị Thiên Chúa là Cha.

Thiên Chúa đã đến và Ngài sẽ trở lại. Ngài sẽ trở lại vào ngày chung cuộc của thế giới, nhưng quan trọng hơn, Ngài sẽ trở lại với mỗi người vào ngày kết thúc cuộc đời. Ngài không muốn chúng ta chờ đợi trong buồn tẻ, uể oải, hoặc chờ đợi cách thụ động, vô vọng, nhưng  Ngài muốn chúng ta chờ đợi trong thái độ tỉnh thức và làm việc như người đầy tớ đợi chủ trở về.

Thiên Chúa hẹn trở lại, nhưng Ngài lại không hẹn giờ. Chính vì thế, nhiều người đã để mình rơi vào tình trạng mê ngủ nên bị bất ngờ khi Chúa đến. Đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ có mấy dòng, nhưng đã tới năm lần Chúa căn dặn phải “canh thức”. Xét về mặt từ ngữ, tỉnh thức chỉ mới là thái độ không ngủ say, hoặc là có thiếp ngủ nhưng tâm trí còn tỉnh táo. Còn “canh thức” cho chúng ta hình dung như một người lính đang làm nhiệm vụ đứng trên tháp canh, căng mắt để theo dõi mọi vật diễn biến chung quanh : Anh em phải coi chừng, phải canh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Như thế có nghĩa là trong khi chờ đợi Chúa đến, chúng ta không thể lơ là nhiệm vụ, cũng không thể bỏ lỡ một giây, một phút nào để mình rơi vào tình trạng buồn ngủ, say ngủ.

Hình ảnh thứ hai Chúa đưa ra : Như người kia đi phương xa, để lại nhà cửa, trao quyền cho các đầy tớ, chỉ định cho mỗi người một việc và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Như thế có nghĩa là Thiên Chúa đã trao cho mỗi người quyền làm chủ và điều khiển cuộc đời mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Mỗi người còn được trao cho những việc riêng phù hợp với hoàn cảnh, địa vị và ơn gọi của mình. Tất cả đều phải chu toàn một cách tốt đẹp các công việc đó. Với hình ảnh này, Chúa đòi chúng ta giống như một người như đầy tớ canh giữ cổng nhà để bảo vệ an toàn cho mọi người, cho tài sản trong nhà và để ngăn chặn kẻ trộm, kẻ xấu có thể đột nhập gây hại cho mọi người. Thêm vào đó, người đầy tớ còn phải thật sẵn sàng để có thể nghe tiếng chủ để khi chủ về gõ cửa thì mở ngay.

Chúa cũng cảnh báo một tình trạng mà Ngài không muốn thấy nơi các đầy tớ, đó là vì thức lâu chầu mỏi mà sa đà vào chuyện ăn uống say sưa. Khi ông trở về gặp đầy tớ nào trong tình trạng không sẵn sàng thì quả là điều bất hạnh cho đầy tớ ấy. Thánh Phaolô cho thấy, Thiên Chúa luôn ban ơn trợ giúp để con người có thể sống trong tỉnh thức và chu toàn bổn phận Chúa trao. Ơn Thiên Chúa được ban dư tràn khiến cho người lãnh nhận không còn khát khao tìm kiếm sự gì thuộc về thế gian nữa, mà chỉ mong tìm kiếm và khát khao Thiên Chúa mà thôi. Khi có Ngài ở trong tâm hồn, khi thông hiệp với Ngài, Ngài sẽ giúp chúng ta đứng vững trong khi chờ đợi Chúa trở lại. Ngài sẽ giúp chúng ta sống một cách đầy tràn phong phú, khiến không ai có thể trách cứ chúng ta được điều gì nữa.

Thưa quý OBACE, Hãy canh thức là điều chúng ta luôn được nhắc nhở, song cũng lại là điều chúng ta dễ quên nhất. Biết chắc chắn rằng Chúa sẽ đến bất cứ lúc nào, song chúng ta vẫn bị bất ngờ. Chính sự lôi kéo của thế gian làm cho chúng ta quên ngày chúng ta phải trở về. Nhiều người đã sống như thể mình sẽ không bao giờ phải chết hoặc là tránh né không dám nhắc đến ngày ấy.Vì thế, họ để cho công việc, tiền bạc, của cải chiếm hết thời gian và những lo toan của họ, khiến họ không còn giờ để lo cho ngày Chúa đến với mình nữa.

Nhiều người đã quên thân phận của mình chỉ là một người đầy tớ, một người quản lý được Chúa trao cho tài sản để sinh lời cho Chúa. Họ cho mình như là ông chủ. Họ ngủ mê trong trong công việc, lo hưởng thụ và không lo làm lời những đồng vốn, những nén bạc Chúa trao hoặc lại đem đi chôn giấu.

Lời Chúa hôm nay đánh thức chúng ta, vì có nhiều người vẫn thức nhưng không tỉnh, sống trong trạng thái lơ mơ không biết đâu là cùng đích cuộc đời, không xác định được cái gì là bền vững, cái gì là mau qua, đâu là hạnh phúc thật và đâu là ảo ảnh. Nhiều người cha, người mẹ đang ngủ mê trong sự lười biếng, ngủ mê trong khối tài sản của mình, lấy lý do bận rộn để bỏ qua việc canh thức cho chính mình và cho gia đình. Hãy canh thức bằng cách sắp xếp và điều chỉnh lại nếp sống đạo đức của cả gia đình bằng việc giúp nhau lãnh nhận các Bí tích, tham dự Thánh lễ, rước lễ ; bằng việc cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện và đọc Lời Chúa mỗi ngày. Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương trong gia đình, vì gia đình và con cái chính là tài sản quý giá nhất mà Thiên Chúa trao cho mỗi gia đình. Hãy làm cho gia đình trở nên phong phú và đầy tràn tình yêu thương. Hãy canh thức đừng để cho sự nghi kỵ, ích kỷ và tham lam làm đổ vỡ tình nghĩa gia đình. Đừng để cho đồng tiền cướp đi hạnh phúc và hơi ấm của gia đình, gây chia rẽ trong gia đình, trong anh em, láng giềng.

Còn với các bạn trẻ, Lời Chúa mời gọi các bạn canh thức, tức là canh chừng đừng để mình ngủ quên trong xã hội hưởng thụ hôm nay. Công việc, tương lai của các bạn, danh vọng địa vị sẽ để làm gì nếu ngay đêm nay, Chúa là ông chủ đòi bạn tính sổ cuộc đời. Hãy canh thức đừng để mình rơi vào tình trạng nghiện ngập bê tha, ăn chơi buông thả, đừng quên mình là người Công giáo, người con Chúa. Đừng nghĩ rằng mình còn trẻ thì ngày ấy chưa đến, sẽ không phải chết. Đừng sợ nghĩ đến cái chết, vì khi biết nghĩ đến ngày mai mình phải chết sẽ giúp cho mình biết sống tốt hơn. Mỗi ngày hãy sống yêu thương cho đầy tràn, hãy sống cho có ý nghĩa và hãy sống có ích cho chính mình, cho đời. Hãy sống như thể ngày mai mình sẽ phải chết, để khỏi mê ngủ và không uổng phí cuộc đời vào những chuyện mau qua.

Cầu chúc cho mọi người có một mùa Vọng thật sốt sáng và đón Chúa đến với tâm hồn qua  Bí Tích Thánh Thể, Chúa sẽ giúp chúng ta luôn tỉnh thức sẵn sàng. Amen.

Về mục lục

.

HÃY COI CHỪNG

Mùa Vọng khởi đầu Năm Phụng Vụ mới, ngày Tết Phụng Vụ của Giáo hội. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắn: “Hãy coi chừng!”. Đó là lời cảnh báo về điều gì đó nghiêm trọng, đặc biệt là điều có thể nguy hại đến tính mạng. Hằng ngày, chúng ta có rất nhiều tứ phải coi chừng, thậm chí từng phút, từng giây. Coi chừng không chỉ về thể lý mà cả về tinh thần và tâm linh – từ điều lớn tới điều nhỏ. Mọi nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào!

Thật vậy, hãy cẩn thận với suy nghĩ, vì nó có thể biến thành lời nói; hãy cẩn thận với lời nói, vì nó có thể biến thành hành động; hãy cẩn thận với hành động, vì nó có thể biến thành thói quen; hãy cẩn thận với thói quen, vì nó có thể biến thành tính cách; hãy cẩn thận với tích cách, vì nó có thể biến thành số phận. Một chuỗi liên kết rất lô-gích!

Chúng ta biết rằng Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mừng đón Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Việc chuẩn bị này được tìm thấy trong sách ghi chép về Công nghị Saragossa, ở Tây Ban Nha năm 380 (sau Công Nguyên). Công hội này tuyên bố các Kitô hữu đã rửa tội nên có mặt ở nhà thờ từ 17/12 đến 25/12, thời gian này không là Mùa Vọng trọn vẹn nhưng là một sự khởi đầu. Các Giáo hội Đông phương bắt đầu cử hành Mùa Vọng từ thế kỷ VIII như thời gian “ăn chay nghiêm nhặt và kiêng khem” – việc thực hành này vẫn phổ biến trong Chính Thống giáo Đông phương (Eastern Orthodoxy). Việc thực hành này cũng phản ánh tính tương tự với Mùa Chay. Màu đỏ là màu phụng vụ của Mùa Vọng trong các Giáo hội Đông phương, còn với Công giáo là màu tím.

Cả cuộc đời chúng ta trên đường lữ hành trần gian là Mùa Vọng kéo dài, luôn phải tỉnh thức, như Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Tỉnh thức là biết mong chờ và sẵn sàng. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hồn tôi trông đợi Chúa Trời, còn hơn lính gác mong trời hừng đông. Bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (Tv 130:6-7).

Trong cuộc sống đời thường, kể cả tinh thần, chúng ta luôn có nhiều mơ ước, và mong chờ kết quả mỹ mãn. Dù chúng ta có đạt được ước vọng cháy bỏng nào đó, rồi cũng qua. Chỉ có Thiên Chúa mới là niềm vui trọn vẹn và vĩnh cửu. Ngôn sứ Isaia đã kêu lên: “Quả chính Ngài là Cha chúng con! Chúng con không được ông Áp-ra-ham biết đến, không được ông Ít-ra-en nhìn nhận, còn Ngài, lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại” (Is 63:16-17).

Hai người yêu nhau không muốn xa nhau một khoảnh khắc nào, xa nhau một ngày mà cứ tưởng lâu lắm. Đứa bé không muốn rời tay mẹ dù chỉ trong chốc lát, vắng mẹ một lúc thì đứa bé đã khóc. Còn với Thiên Chúa, chúng ta còn cần Ngài hơn như vậy, nhất là những khi chúng ta bất xứng: “Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63:19).

Thiên Chúa xuất hiện khiến mọi thứ biến đổi: “Khi thấy Ngài làm những điều kinh hồn táng đởm mà chúng con không ngờ: Ngài ngự xuống: và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan! Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình” (Is 64:2-3). Thiên Chúa quá đỗi kỳ diệu, vô hình mà hiện hữu, hữu hình mà không thể nhìn thấy. Cách hành động của Ngài cũng không thể dự đoán. Có những điều trái ngược ý muốn của chúng ta nhưng thực sự là Ý Chúa, vì Ngài biết trước mọi sự và Ngài thực hiện để cho chúng ta được ích lợi nhất.

Sách Isaia cho biết: “Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy. Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con, nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát. Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.6 Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài, vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con” (Is 64:2-6). Thiên Chúa có phương pháp giáo dục rất độc đáo, khác hẳn kiểu của phàm nhân. Ngài không chỉ vẽ cặn kẽ theo kiểu “nói toạc móng heo”, nhưng khéo léo làm cho chúng ta “sáng mắt” bằng cách để chúng ta tự ý thức mà tự nguyện đón nhận Ngài. Thế đấy! Tại sao? Kinh Thánh mách nước” cho chúng ta biết: “Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64:2-7). Quả thật, Thiên Chúa là Nghệ Sĩ siêu phi thường!

Chắc chắn không có niềm khao khát mong chờ bằng khao khát Thiên Chúa. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về niềm khao khát cháy bỏng: “Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-se được thấy. Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ” (Tv 80:2-3).

Thiên Chúa là Đấng siêu phàm, vắng Ngài chỉ trong tích tắc là chúng ta tiêu tan ngay: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên” (Tv 104:29-30). Biết chắc như vậy, tác giả Thánh Vịnh luôn mong chờ Thiên Chúa đến và luôn tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh” (Tv 80:15-16).

Cá lớn nuốt cá bé, cuộc đời cũng luôn có những điều bất công, chỉ khổ cho những người ngước đầu không nổi vì thấp cổ, la lớn không nổi vì bé miệng, có la khàn giọng cũng chẳng ai thèm nghe. Không chỉ vậy, họ còn bị những người có quyền lực đè đầu, bóp cổ và bịt miệng. Họ bị tước mất quyền căn bản nhất của con người: Quyền sống. Và họ chỉ còn biết trông cậy vào Thiên Chúa: “Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu là con người được Chúa ban sức mạnh. Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài” (Tv 80:18-19).

Chúng ta cũng đã từng bị như vậy, cách này hoặc cách khác, cả đời lẫn đạo. Đặc biệt là chúng ta bị thế lực bóng tối ma quỷ chèn ép. Thánh Phaolô bày tỏ với cộng đoàn Côrintô: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1:3-4).

Thánh Phaolô không chỉ nói đến khoảng mong chờ của Mùa Vọng, mà mạnh mẽ đề cập cuộc tái lâm của Thiên Vương Giêsu Kitô: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:6-9).

Ngày đó không ai biết lúc nào, thuộc tương lai xa hay gần, vì thế mà chúng ta phải luôn canh thức và trông mong, tức là phải luôn “coi chừng” – coi chừng tiên tri giả, coi chừng những kẻ lừa bịp, coi chừng những tà thuyết, coi chừng những kẻ phản Kitô, coi chừng các tin đồn nhảm, cẩn thận với các “sự lạ”,… Đúng như tiền nhân nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Đồng thời chúng ta phải quyết tâm: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, tôi đây vẫn vững như kiềng ba chân”. Hãy vững tin vào những điều Chúa Giêsu đã dạy!

Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mác-cô ngắn gọn nhưng súc tích. Chúa Giêsu mạnh mẽ cảnh báo: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13:33). Ngài dùng hình ảnh cụ thể đời thường: “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (Mc 13:34). Rồi Ngài căn dặn: “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mc 13:35-37).

Chỉ một đoạn văn ngắn mà có tới 4 từ “canh thức”, 1 từ “coi chừng” và 1 từ “tỉnh thức”. Tất cả đều ở thể mệnh lệnh cách: PHẢI. Điều đó cho thấy sự cấp bách của việc tỉnh thức mong chờ Đức Giêsu Kitô. Lá vàng hoặc xanh cũng có thể rụng bất cứ lúc nào. Thời gian rụng cũng không ai biết: Sáng sớm, trưa, chiều, tối, khuya hoặc nửa đêm về sáng. Thực tế này quá rõ ràng, ai cũng biết.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết tỉnh thức mà mong chờ Ngài đến bất cứ lúc nào. Xin canh giữ chúng con trước mọi mánh khóe của cuộc đời này. Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa, xin mau đến giải thoát chúng con. Người là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Về mục lục

.

MÙA LOAN BÁO

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng.

Từ Chúa Nhật I mùa vọng đến ngày 16.12, Phụng vụ nói lên niềm mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian. Tám ngày cuối cùng, trực tiếp nói đến ngày Giáng Sinh.

Mùa Vọng âm vang những lời loan báo mời gọi tỉnh thức và hy vọng.

  1. Mùa Vọng – Mùa loan báo

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo. Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.

Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.

Bài Phúc Âm: Chúa nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ : Hãy tỉnh thức; Chúa nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi : Dọn đường cho Chúa; Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.

  1. Mùa Vọng – Mùa chờ đợi

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng bốn cách :

– Chúa đến trong lịch sử nhân loại.

– Chúa đến trong ngày phán xét chung.

– Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.

– Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã làm người trong nghèo hèn và đau khổ. Chúa được sinh hạ tại hang đá Belem. Chúa đến thế gian để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngày nay nhân loại đợi chờ và hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh.

Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Lần này Chúa đến trong vinh quang với tư thế là Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày đó sẽ xẩy ra khi nào. Chỉ biết chờ đợi trong hy vọng.

Chúa đến giữa hai lần: Chúa đến với từng người. Đó là giờ chết. Không ai biết được Chúa gọi mình lúc nào và ở đâu. Không ai có thể chọn cho mình ngày giờ ra đi. Lần giữa này là lần thật quan trọng với từng người.

Chúa đến trong ơn thánh: Hàng ngày Chúa đến với ta trong ơn thánh qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.

Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.

  1. Mùa Vọng – Mùa tỉnh thức

Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.

– Đứng thẳng: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.

– Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.

Chúng ta sống cuộc đời hiện tại trong tinh thần tỉnh thức. Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.

Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình.

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa, chúng ta phải tỉnh thức.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.

  1. Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về

Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

        2. Dụ ngôn người quản gia trung thành

Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần phải trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc… câu chuyện đi đến chỗ thân tình.

Du khách hỏi: “Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?”- “Khoảng 40 năm rồi” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông có thư từ gì với cụ không?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?” – “Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?” – “Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chứ lúc nào ông về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên”.

Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ nhưng vì yêu, làm việc với một tinh thần trách nhiệm. Ông coi việc của chủ như việc của mình nên làm việc hết tấm lòng. Ông thực là một gia nhân tốt, một quản lý trung thành.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.

Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.

Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen./.

Về mục lục

.