GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Bước theo Chúa Kitô

Bước theo Chúa Kitô

264

ongoiMột hình ảnh luôn ám ảnh tôi, đó là hình ảnh của Phêrô theo Chúa. Từ khi được Chúa gọi, Phêrô đã liên tục theo Chúa. Chúa đã tỏ ra là yêu thương Phêrô cách riêng nên trong tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa: vui, buồn, lo âu, thất vọng Chúa đều cho Phêrô tham dự vào cách tích cực nhất. Phêrô đã tỏ ra mẫn cán trong sự thương yêu này. Có những cuộc theo Chúa rất đáng khen như trường hợp khi Chúa tuyên bố về bánh hằng sống thì có một số đông các môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, trong khi đó Chúa đã hỏi nhóm 12 là: “Còn các con, các con không bỏ thầy sao?” Phêrô đã tỏ ra rất ngoan ngùy và can đảm thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nhưng cũng có những lần vấp ngã trong việc theo chân Chúa như trong cuộc thương khó của Chúa. Kinh Thánh trong trường hợp này đã diễn tả việc theo chân Chúa một cách rất tiêu cực của Phêrô. Chỉ với lời hỏi han về môi liên hệ với Chúa, Phêrô cũng đã chối phắt đi là không quen biết Ngài, không phải là một lần mà tới ba lần. Cả sau này nữa, khi Phêrô xác nhận được Thầy mình đã sống lại, nhưng trước những cơn bách đạo dồn dập khốc liệt ông đã quyết định bỏ thành Rôma để ra đi, và chính Chúa phải hiện ra buộc ông trở lại để theo chân Chúa đến cùng. Như vậy, cuộc hành trình theo chân Chúa chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi người tông đồ. Vậy để có thể theo chân Chúa cho trọn vẹn, người tông đồ cần phải có những chặng đường nào?

A. HIỂU BIẾT CHÚA KITÔ

Người đời thường nói: “vô tri bất khả mộ” – không biết thì không mộ mến. Nếu không biết Chúa, thì làm sao mộ mến và theo Chúa được? Vì thế, điều kiện để theo Chúa thì phải hiểu biết Chúa. Nhưng hiểu biết Chúa thì khác với sự hiểu biết về một con người bình thường. Hiểu biết Chúa ở đây có nghĩa là đã gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm thấy chính Ngài là sự cuốn hút họ, là sức sống của họ, và họ không muốn tách rời khỏi Ngài. Đây cũng là thứ hiểu biết mà dân miền Samaria tốt lành đã có đối với Chúa Giêsu sau khi họ được người phụ nữ Samaria giới thiệu :
“Tự trong thành, có lắm người Samaria đã tin vào Ngài, vì người phụ nữ chứng thực: Ông ấy đã nói được với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Vậy khi những người Samaria đến gặp Ngài, họ đã xin Ngài lưu lại với họ, và Ngài đã lưu lại đó hai ngày. Hơn nữa còn có những người đã tin lời Ngài, họ nói với người phụ nữ: không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian.” (Ga 4,39-42)
Như vậy, sự hiểu biết của dân Samaria có được không phải bởi họ, hay bởi bất cứ một ai, nhưng chính là bởi Chúa Giêsu Kitô ban cho.

Sự hiểu biết này Thánh Phaolô coi trọng đến độ ông sẵn sàng đổi mọi sự trên trần đời để có được nó như chính lời ngài đã thốt lên: “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người, được thông phần những đau khổ của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (P1 3,7-10)

Sự hiểu biết này chính là sự hiểu biết mà khi người ta kiên trì cầu nguyện với Chúa Giêsu với Đức Mẹ Maria thì chính Chúa Cha sẽ đưa chúng ta đến với Chúa Kitô và tỏ cho ta biết Chúa Kitô là ai. “Simon, con của Gioan, con có phúc, vì không phải thịt máu đã mạc khải cho con, mà chính là Cha Thầy Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Đồng thời khi biết con thì cũng biết Cha là Đấng đã ban Chúa Con cho: “Sự sống đời đời tức là chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật và Đấng Cha đã sai là Đức Giêsu Kitô … Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ tuân giữ lời Cha.” (Ga 17, 3-6). Khi đã được Chúa Cha ban cho và chính Chúa Con cũng ban cho thì không những Chúa biết họ mà chính họ cũng biết Chúa:
“Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14)

Thế nhưng cái biết này của các Tông Đồ không phải là biết trọn- vẹn, biết tất cả, biết ngay lập tức. Nhưng là một sự hiểu biết tiệm tiến, sự hiểu biết có mức độ. Càng theo Chúa nhiều, càng năng gặp Chúa và càng học hỏi về Chúa thì càng biết rõ hơn. Trong Phúc Âm thánh Gioan, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chê Philipphê: “Hỡi Philipphê, Thầy đã ở với các con bấy lâu, mà các con vẫn chưa biết Thầy sao?” (Ga 14, 9)

Sự hiểu biết ấy, với thiện chí và qua thời gian Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta, người tông đồ sẽ được hiểu biết những điều cần thiết. Có đôi khi Thiên Chúa lại trao ban sự biểu biết một cách phi thường như trường hợp của Thánh Phaolô trên đường đi Đamas, hay trường hợp của Lesourd đã hiểu biết Chúa mà ông gọi là ông đã nhận biết tới 5 Đức Giêsu như sau :
– Ông đã gặp Đức Giêsu tại lớp học giáo lý khai tâm, chả gây được ấn tượng gì, ông cho là Đức Giêsu tưởng tượng.
– Ông lại gặp được Đức Kitô thứ hai tại trường trung học qua việc học lịch sử về Ngài, ông gọi là Đức Kitô lịch sử.
– Ông gặp được Đức Kitô vào thời ông rời quân ngũ đi làm phóng viên cho tạp chí Guideposts qua việc phỏng vấn về niềm tin của một số người, ông thấy họ thành đạt trong cuộc sống bằng niềm tin vào Đức Kitô. Sau này ông cũng cảm thấy vậy, ông gọi là Đức Kitô-thầy giáo.
-Ông gặp Đức Kitô thứ bốn vào một dịp tĩnh tâm, ông đã thấy một người thanh niên kể về việc anh đã phó thác đời mình cho Chúa như thế nào,ông xúc động và cũng phó mình cho Chúa như vậy, ông gọi là “Đức Kitô cứu độ”.
– Đức Kitô cuối cùng là Đức Kitô nội tại, đó là Đức Kitô ông gặp sau khi ông đã gặp cơn cám dỗ khốc liệt. Ông đã chống trả, đã phó mình cho Chúa và Chúa đã cứu ông, cho ông cảm nghiệm thấy chính Ngài qua Phúc Âm.

Tuy nhiên dù cách nào và ở mức độ nào thì bước đầu tiên cho việc theo Chúa phải là bước hiểu biết về Ngài do ơn Ngài ban cho cùng với thiện chí tìm hiểu của chúng ta.

B. YÊU MẾN CHÚA KITÔ

Có một thực tế là có hiểu biết thì dễ đưa đến yêu mến và ngược lại yêu mến thì dễ hiểu biết. Một bằng chứng cụ thể là hai người yêu mến nhau thì chỉ cần một cái nháy mắt là người ta hiểu nhau muốn những gì. Cũng vậy, chúng ta không thể yêu mến Chúa Kitô nếu chúng ta không hiểu biết Ngài và ngược lại. Sự hiểu biết của chúng ta với Đức Kitô càng thâm sâu thì việc chúng ta yêu mến Ngài càng nồng nàn. Yêu mến và hiểu biết luôn tỉ lệ thuận với nhau và ngược lại.

Nhưng yêu mến Đức Kitô không giống như sự yêu mến khác. Các vị sáng lập các tôn giáo khác đã không có một đòi hỏi triệt để về lòng yêu mến như Đức Giêsu. Các vị đó đòi hỏi các môn đệ mình phải yêu mến giáo lý, lý tưởng của các Ngài. Còn Đức Giêsu thì đòi hỏi một sự yêu mến triệt để là chính Ngài và sau đó mới đến các việc khác, Ngài phán: “ai yêu mến cha mẹ mình hơn ta thì không xứng đáng là môn đệ ta” hay “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” hay “hễ các ngươi làm những điều ấy cho các kẻ bé mọn nhất trong các anh em của ta là các ngươi làm cho chính ta”. Đức Giêsu phải là-tâm-điểm của sự hiểu biết và yêu mến. Mặc dầu bị đe dọa, bị chống đối, bị ném đá và cả sự chết nữa, nhưng Chúa Giêsu đã không chấp nhận một sự nhượng bộ nào về vấn đề này. Ngay cả khi trở về quê hương, giữa những tiếng la hét phản đối, Chúa vẫn tuyên bố: “Mở quyển sách ra, Người gặp đúng chỗ có lời viết rằng : Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi…” Sau đó Chúa ngỏ lời với họ “Hôm nay Lời này đã được ứng nghiệm giữa các người nghe” (Lc 4,17.20).

Như vậy Chúa Kitô là tâm điểm của sự cứu độ, của sự hiểu biết và của sự yêu mến. Ngài mời gọi các môn đệ trở về với Chúa Cha, nhưng cũng là trở về với chính Ngài. Nơi Ngài, con người được ngụp lặn trong tình yêu và con tim của Ngài thuộc trọn về chúng ta. Chúng ta chú ý : con tim theo nghĩa Thánh kinh là tâm điểm của tính cách mỗi người, là nơi ở của linh hồn, của tự do và của tình yêu. Như một người được Đức Kitô yêu mến và ở trong tình yêu của Ngài thì họ có Chúa Kitô, được Đức Kitô ngự trị và đời họ được đầy tràn Đức Kitô và chính Đức Kitô cũng muốn thế.

Đó cũng là lý do mà Chúa Kitô luôn khảo sát về lòng mến của các môn đệ của Ngài. Ngài đã hỏi Phêrô tới ba lần về lòng mến mà ông dành cho Ngài trước khi trao nhiệm vụ cho ông : “Phêrô, con có mến Thầy không?”. Sự cật vấn này làm cho Phêrô phát cáu cả lên : “Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy mà !” Đây cũng là điều kiện để Phaolô làm chứng rằng : “ngài là môn đệ của Chúa” “Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, trần truồng, đói khát, hiểm nguy, gươm giáo ư ? Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hoặc tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ thụ tạo nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). Trong câu mà Chúa Giêsu cật vân các môn đệ: “còn các con, các con bảo Thầy là ai?” các môn đệ đã thưa: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” cũng bao hàm một thái độ là: không chỉ tuyên xưng đức tin mà còn là tuyên xưng tình yêu.

Thật vậy, không hiểu Thầy, không gặp Thầy, không mến Thầy thì làm sao có thể theo Thầy. Việc theo Thầy bao hàm một thái độ tin yêu, mến phục thì mới rắp tâm theo Thầy. Vì vậy, việc theo Thầy là kêt quả của một sự tin yêu biến thành hành động và tất yếu là một cuộc thuộc trọn về người mình yêu mến.

C. THEO CHÚA KITÔ

Ai trong chúng ta cũng hiểu theo Chúa Kitô là vác thập giá mình mà theo Chúa, vì thế mà đã phát sinh nhiều thái độ khác nhau trong việc theo Chúa.

1. Theo Chúa xa xa vậy

Chúng ta còn nhớ khi Chúa Giêsu bị bắt thì các môn đệ đã bỏ Thầy mà trốn hết, nhưng ngay sau đó vì được tình yêu của Thầy đánh động nên mặc dầu sợ hãi sự liên lụy, có một số đã suy nghĩ lại và trở lại để xem Thầy mình ra sao, Tin Mừng trình thuật rằng: “các ông theo Chúa xa xa vậy.” Đây là thái độ của những người chưa được Thần khí tác động, họ nhút nhát, sợ sệt, hoang mang. Sự hiểu biết về Thầy và lòng yêu mến Thầy còn ở mức độ quá thấp không đủ sức vượt qua những khó khăn nội tại và ngoại tại. Về nội tại không vượt qua được sự sợ hãi của chính mình, về ngoại tại không vượt qua được những đe dọa về phần xác và về cuộc sống đến nỗi chỉ là lời hỏi han của đứa tớ gái chẳng có một chút quyền lực nào mà đã sợ bắn lên và chối Thầy bai bải. Việc theo Chúa như thế này chỉ là bước đầu của sự quen biết hoặc là qua các mối liên quan chứ chưa phải là sự thán phục của lòng mến và sự xác tín. Theo Chúa như vậy là còn ở trong trạng thái tự nhiên. Nó còn nằm trong sự tính toán lợi lộc theo kiểu thế gian chứ không thực về tình yêu trong sáng.

2. Theo Chúa với điều kiện

Chúng ta còn nhớ người thanh niên đến hỏi Chúa: “tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?” Sau khi đã cật vấn về nhiều vấn đề, người thanh niên trả lời xem ra suôn sẻ. Chúa liền phán: “Hãy về nhà bán hết của cải rồi đến theo ta”. Tin Mừng thuật lại là người thanh niên đã buồn phiền rút lui vì anh ta giàu có. Người thanh niên muốn theo Chúa, nhưng anh ta không bằng lòng bán hết của cải. Cuộc theo Chúa còn gắn liền với của cải nên Chúa không chấp thuận. Chúa đã từng tuyên bố: “ngươi không được làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và của cải. Làm tôi chủ này thì mất chủ kia” của cải ở đây không những hiểu về khía cạnh vật chất mà kể cả về khía cạnh tinh thần: của cải và sự dính bén của nó. Người thanh niên này mới xem ta có cảm tưởng anh ta có thiện chí, thế nhưng suy cho cùng thì cuộc theo Chúa của anh có điều kiện. Điều kiện ấy là đặt của cải ngang hàng với Chúa hoặc trên Chúa, vì vậy mà cuộc theo Chúa bất thành. Anh đã không vượt qua được chính mình và không thoát ra khỏi hấp lực của của cải. Theo Chúa như vậy là chưa hết lòng, hết tình và theo nữa cũng thế.

3. Theo Chúa phải triệt để và quyết liệt

Chúa không chấp thuận theo Chúa xa xa hay theo Chúa có điều kiện. Ngài muốn chúng ta theo Ngài thì phải triệt để, trọn vẹn và dứt khoát: “đã cầm cầy không có ngoái cổ lại” “ai không sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng vườn v.v… thì không xứng đáng là môn đệ ta” “ai không đứng về phe ta là chống đối ta” “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Tất cả những điều này cho ta thấy Chúa muốn những ai theo Chúa thì quyết liệt thuộc về Chúa vì chỉ có Ngài mới có lời ban sự sống như chính Phêrô đã tuyên xưng: “bỏ Thầy con biết theo ai, chỉ có Thầy có lời ban sự sống”. Đó cũng là thái độ của các môn đệ Chúa sau này, sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Phaolô đứng trước công nghị không hề sợ hãi mà còn tuyên bố thuộc hẳn về Ngài dầu có phải chết, “chúng tôi không thể nào mà không rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại”

4. Theo Chúa Kitô với thái độ nào?

Thật ra khi nói tới việc theo Chúa ai cũng nghĩ đến câu Chúa chỉ dạy là: “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo ta”. Đó là lời mời gọi đầy khó khăn. Lời mời gọi này minh định rằng kẻ theo chân Chúa phải là người hy sinh cực khổ, phải đánh mất chính mình và phải đón nhận cây thập giá mà chính Chúa được nhân loại trao cho. Họ không còn tự do, họ phải khổ sở về trăm điều mà Chúa mời mọc họ thương Chúa mà vác lấy. Họ đánh mất hạnh phúc cá nhân để đổi lại hạnh phúc mai ngày ở đời sau xa vời. Có đúng như vậy không? Có đúng mà cũng không đúng, Chúa không chỉ hứa Thiên Đàng mai sau, nhưng còn đựợc lời lãi gấp trăm ở đời này. Thật vậy, Chúa Giêsu sau khi tiên báo cho các môn đệ biết họ sẽ bị bách hại và sẽ phải đau khổ, Chúa liền hứa ban niềm vui hạnh phúc cho các ngài. Trong Phúc âm Gioan Chúa Giêsu đã hứa bình an và sự hoan lạc trong cơn gian truân khốn cùng.

“Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Không phải như thế gian ban cho các con. Lòng các con đừng xao xuyến chớ nhát đảm … Các điều ấy Thầy đã nói với các con rồi, ngõ hầu sự vui mừng của Thầy có ở nơi các con, và sự vui mừng các con được nên trọn … ngày Thầy sẽ gặp lại các con thì lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai lấy đi được. Các điều ấy Thầy đã nói với các con, ngõ hầu trong Thầy các con được bình an …” (Ga 14,27; 16,19-24)

Lời tiên báo trên đây của Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm sau cuộc khổ nạn của Người, ngay trong đời các Tông Đồ, và các tín hữu trong thời Giáo Hội sơ khai, như trong sách Tông đồ công vụ kể:

“Họ triệu tập các Tông Đồ lại mà đánh đòn, và ra lệnh không được giảng nhân danh Đức Giêsu nữa, đoạn thả cho về. Còn các Ngài thì lại hân hoan bước ra khởi công nghị vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì danh ấy”(Gv 5,40)
Cũng trong Tông Đồ Công vụ chúng ta còn thấy: “người ta đã bắt trói Phaolô và Barnaba, họ đã trục xuất các ông ra khỏi vùng … Nhưng các ông chan chứa niềm vui và Thánh Thần” (Cv 13, 50-53). Thánh Phaolô dân ngoại đã nói với các tín hữu giáo đoàn Thessalonica: “Sự hân hoan đã dành cho thông điệp ấy, tức là đau khổ lớn lao cho anh em, tuy nhiên anh em đã vui mừng trong Chúa Thánh Thần.”

Đọc các thư Thánh Phaolô chúng ta đều thấy một tâm hồn sung mãn niềm vui vì được theo Chúa Kitô dầu có phải trăm ngàn nguy khốn. Điều mà chúng ta thấy Chúa đã công bố hiến chương Nước trời thì các tông đồ và môn đệ của Chúa sau này cảm nghiệm thấy không phải chỉ ở đời sau, nhưng còn ngay ở đời này mà Chúa dành cho những người theo Chúa.

D. TU SĨ HIỂU BIẾT, MẾN MỘ VÀ THEO CHÚA KITÔ

Đây là phẩm chất của một người tu sĩ. Họ không thể theo Chúa nếu không hiểu về Chúa. Tuy nhiên có nhiều tu sĩ hiểu biết về Chúa một cách rất uyên bác bởi sách vở, bởi triết học, bởi thần học hay bởi giáo lý và ngay cả bởi suy tư. Thế nhưng hiểu biết về Chúa qua gặp gỡ Ngài, qua cảm nghiệm cách sống tràn đầy Kitô, qua tâm tình của một trẻ thơ biết về mẹ mình quả thật không dễ và không phải là nhiều. Tại sao chúng ta lại có một nhận định như vậy? Bởi một lý do đơn giản là nếu sự hiểu biết Chúa như trên xảy ra thì Giáo Hội đã không có đủ tòa cho các thánh ngự. Hơn nữa đời sống cộng đoàn đã không gặp những khó khăn như ngày nay. Hoặc anh em dân ngoại đã không phải chạy đôn chạy đáo để tìm người nói cho họ biết Đức Giêsu là ai? Và Ngài ở đâu? Ma quỷ trong thời Thánh Gioan Maria Vianey đã từng tuyên bố là: nhân loại mà có 4 vị như Gioan Maria Vianey thì ma quỷ hết chỗ làm ăn. Chúng ta có hiểu biết Ngài, nhưng có thể là giới hạn hoặc bằng suy lý, hoặc không dám biết sâu hơn vì ngại khổ, vất vả và vì con đường thập giá của Ngài.

Trong sự hiểu biết hời hợt như vậy thì làm sao chúng ta có thể mộ mến Ngài hết lòng, hết trí khôn dầu chúng ta đã công bố công khai: “Đức Kitô là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Nhưng liệu tuyên bố đó có chiếm hữu và điều khiển toàn bộ cuộc đời tu sĩ của chúng ta không ? Lời của Chúa đe dọa: “Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, hâm hẩm dơ dở ta mửa ra” cũng như cái búa nặng đang sửa soạn rớt trên đầu ta bất cứ lúc nào. Ta muốn tu, nhưng không chịu tu hết, tu cạn chén đắng mà Chúa trao cho. Lòng mộ mến tuy có hiện diện trong ta, nhưng lại không ăn sâu ở trong khối óc và trái tim ta nếu như không biến thành hành động và vì thế, cứ chỉ là lý tưởng và khẩu hiệu hô hoán về tình yêu với Chúa. Người đời thường nói: “Cái áo không làm nên thầy tu” Vì thế phải có một lòng mến như Phaolô: “Lòng mến Đức Kitô thúc bách tôi”. Hãy biểu lộ tình yêu với Chúa Kitô bằng hành động, bằng cuộc sống cụ thể trong việc loan báo Tin Mừng. Có như vậy mới gọi là mến Chúa Kitô.

Vâng, giờ đây xã hội đang tiến vào chuyên môn hóa. Người tu sĩ cũng tiến vào chuyên môn hóa của mình là theo Chúa Kitô. Họ đáp lại lời mời gọi của Chúa là đến gặp Ngài, học biết về Ngài và theo chân Ngài. Làm thế nào để họ làm chứng cho mọi người thấy là họ theo Chúa một cách triệt để, trọn vẹn và quyết liệt. Cái thời mà Charles David tưởng là xã hội đang chờ đợi một sự lột mình và theo chân Chúa bằng cách cải tổ cơ cấu hay cải tổ đường lối không còn hợp thời, như lời Cha Anthony De Melo đã nói: Ngày nay người ta cần những tu sĩ theo Chúa để biểu lộ tình thương, để hướng về người nghèo, để sống chan hòa với người. Một mẫu tu sĩ sống giản dị dễ thương đối với mọi người đúng là dấu chỉ của những người theo chân Chúa. Hình dáng một tu sĩ biểu lộ một chiều sâu của đời sống cầu nguyện, sống cho sự trao ban, và sống đáp trả với những nhu cầu thiết yếu của con người thật đáng hấp dẫn. Cuối cùng, một cuộc sống theo chân Chúa thực đó là cuộc sống làm cho cả nhà vui. Amen.

Lm. Đaminh Trần Xuân Thảo