Bài suy niệm tháng 5/2012 – Phẩm giá và vai trò người nữ thánh hiến

95

BÀI SUY NIỆM

Tháng 05/2012

*** 

PHẨM GIÁ VÀ VAI TRÒ NGƯỜI NỮ THÁNH HIẾN

 

Hiện nay, phụ nữ chiếm ba phần tư trong số người sống thánh hiến. Ý niệm về người nữ có năng khiếu, bổn phận riêng, ơn gọi chuyên biệt ngày một dâng cao và sâu rộng trong giai đoạn hậu Công đồng, vì đã tìm thấy nguồn mạch trong Tin Mừng và trong lịch sử của Giáo hội. Dù không được mời thực thi việc tông đồ như Nhóm mười hai và không mang ơn gọi sống đời linh mục thừa tác, một số đông phụ nữ đã theo sát Chúa Giêsu trong tác vụ của Người và hỗ trợ cho nhóm Tông đồ (x. Lc 8, 2-3). Họ hiện diện dưới chân Thập giá (x. Lc 23, 49). Họ tham dự cuộc mai táng Chúa Giêsu (x. Lc 23, 55). Sáng sớm ngày lễ Vượt Qua, họ được ủy cho nhiệm vụ báo tin Chúa sống lại (x. Lc 24, 1-10). Họ cùng các Tông đồ cầu nguyện tại nhà tiệc ly (x. Cv 1, 14)   (Kitô hữu giáo dân 49).

Nếu tất cả những thọ sinh trần gian, nam và nữ đều được mời làm hiền thê của Chúa Kitô thì người nữ cần có một ơn gọi siêu đẳng vào chức năng này.

Ý nghĩa hôn ước của đời sống thánh hiến rõ ràng hơn nữa, vì nó nhắc Giáo hội sống hoàn toàn và tuyệt đối cho Đức Lang Quân, Đấng đã ban cho mọi điều thiện hảo. Chiều kích hôn ước là nét đặc thù của mọi đời sống thánh hiến, nhưng riêng người nữ sẽ tìm  lại được chính mình, vì có thể nói, chị khám phá giá trị đặc biệt của mối tương quan liên kết chị với Đức Chúa.

Về điều này, trong Tân Ước, có trang rất súc tích cho thấy Đức Maria ở nhà tiệc ly với các Tông đồ, trong thái độ cầu nguyện chờ đón Thánh Thần (x. Cv 1, 13-14). Ta có thể thấy ở đó một hình ảnh phong phú về Giáo hội Hiền Thê, đang chú ý đến những tín hiệu Đức Lang Quân gửi tới và sẵn sàng đón tiếp Người như một ân huệ. Thánh Phêrô và các Tông đồ cho thấy xuất hiện chiều kích phong nhiêu qua thừa tác vụ của Giáo hội. Các vị tự nguyện trở nên khí cụ của Thánh Thần để sinh ra những người con mới, bằng cách giảng dạy Lời Chúa, cử hành các Bí tích và hoạt động mục vụ. Đức Maria tiêu biểu cho sự đón nhận hôn ước : chính nhờ biết sống hôn ước mà đời sống thần linh của Giáo hội sinh hoa kết trái, do một mối tình khiết trinh toàn vẹn (ĐSTH 34).

Những người nữ tận hiến được mời gọi cách đặc biệt, sống đời thánh hiến thật viên mãn và vui tươi để trở nên dấu chỉ biểu hiện tình thương âu yếm của Thiên Chúa đối với loài người (ĐSTH 57).

Đức Thánh Cha nêu ra chiều kích độc đáo về phái nữ : chú tâm, sai mắn, niềm nở, dịu dàng.

a. Nếu người nữ được coi là biểu tượng của Giáo hội Hiền Thê luôn chú tâm vào hiệu lệnh của Đấng Phu Quân, thì người nữ thánh hiến hiện nay càng phải là tấm gương tiêu biểu cho sự chú tâm, lo toan, và chuyên cần theo dõi.

b. Về tình mẫu tử và sai mắn thiêng liêng, người nữ thánh hiến trở nên như Đức Mẫu Trinh, diễn tả sự sai mắn thiêng liêng của mình bằng cách chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, để cộng tác vào việc xây dựng thế hệ nhân loại mới với lòng xả kỷ và chứng nhân vô điều kiện.

c. Về sự niềm nở hôn ước, với phong độ dễ thương, người nữ thánh hiến niềm nở và thân thiện, họ làm cho đời sống thiêng liêng nơi con người ngày nay sinh nhiều hoa trái.

d. Sau hết là dịu dàng, họ trở nên sứ ngôn trong Giáo hội và trong lịch sử tình thương và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.

Giáo hội chứng tỏ sự phong phú muôn hình vạn trạng của mình về mặt thiêng liêng, khi biết bãi bỏ mọi kỳ thị và đón nhận những khác biệt như một phúc lành đích thực của Thiên Chúa, những ân huệ Thiên Chúa ban cho những người nam và người nữ, tất cả đều được đề cao, vì nam cũng như nữ đều bình đẳng về mặt nhân phẩm (ĐSTH 57).

Theo Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, sự kỳ thị phái nữ có thể lướt thắng được bằng tư cách cư xử với họ như Chúa Giêsu-Kitô trong khi thi hành tác vụ. Tư cách của Chúa Giêsu đối với phái nữ mà Người gặp trên đường suốt thời gian thi hành nhiệm vụ Messia, phản ánh dự phóng muôn đời của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên từng phụ nữ, tuyển chọn và thương mến họ trong Đức Kitô. Như vậy, mỗi người nữ là “một thọ sinh trên mặt đất được Thiên Chúa dành riêng cho Mình”. Ngay từ đầu, mỗi phụ nữ thừa hưởng một phẩm giá cao sang của con người với tư cách là nữ nhi. Thế nên, cần phải dẫn phái nữ vào chiều kích mầu nhiệm Vượt Qua. Có như vậy, vai trò và sứ mệnh phụ nữ mới được giải thích một cách thỏa đáng (x. Phẩm gía phụ nữ 13).

Vì thế, cần phải đánh giá cao những đặc điểm độc đáo của nữ tính, làm cho nó có uy thế khác nhau trong lãnh vực xã hội và Giáo hội.

Gợi ý :

Hiến chương điều 19 dạy : Với xác tín sâu sắc về giá trị cao quý của đức Khiết Tịnh thánh hiến và bằng chính đời sống tươi vui, hạnh phúc của mình, chị em hãy chứng tỏ cho thế gian thấy rằng đời sống độc thân vì Nước Trời không cản trở sự phát triển nhân cách và nữ tính, nhưng trái lại, tạo cho chị em một trái tim rộng mở và biết thao thức về hạnh phúc của mọi người.

Nt. Anna Hoàng Mai

MTG. Thủ Đức