Bài suy niệm tháng 10/2012 – Bệnh tật và đau khổ: Tin mừng về sức khỏe

276

BÀI SUY NIỆM

Tháng 10/2012

***

BỆNH TẬT VÀ ĐAU KHỔ : TIN MỪNG VỀ SỨC KHỎE

Đời thánh hiến nỗ lực rao giảng Tin Mừng về nỗi khổ đau để phục vụ cho những bệnh nhân và ngưởi đau khổ là dấu chứng tỏ mối bận tâm của Giáo hội đối với những chi thể đau yếu nơi thân mình Đức Kitô. Giáo hội theo gương Chúa, Đấng là lương y chữa bệnh hồn xác, ý thức rõ ràng mình có bổn phận phải ân cần và quảng đại tiếp đón từng mạng sống, đặc biệt khi con người đó yếu ớt bệnh hoạn, thì Giáo hội đang thực thi nhiệm vụ của Chúa.

Dựa theo truyền thống huy hoàng, một số đông người được thánh hiến, nhất là trong nữ giới, làm việc tông đồ trong các sở y tế, theo đoàn sủng riêng của Tu hội, theo dòng thời gian, có nhiều người thánh hiến đã hy sinh mạng sống khi chăm sóc những người mắc bệnh truyền nhiễm, cho thấy việc hiến mình tới độ anh hùng thuộc về tính ngôn sứ của đời thánh hiến.

Giáo hội nhìn ngắm với lòng cảm phục và lòng biết ơn, đông đảo những người thánh hiến đang chăm sóc bệnh nhân và những ngưỡi đau khổ. Họ đóng góp vào sứ mệnh của Giáo hội một cách có ý nghĩa. Họ kéo dài sứ vụ nhân lành của Chúa Kitô, (Cv 10,38) Đấng “đi tới đâu thì thi ân giáng phúc và chữa lành tới đó” (ĐSTH 83).

Con người thánh hiến phục vụ những kẻ đau khổ diễn tả cách cụ thể sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô. Trong hoạt động thiên sai của mình, Chúa Giêsu đã không ngừng tiếp cận với thế giới khổ đau của nhân loại. “Ngài rảo qua để làm điều thiện ích” (Cv 10,38), và điều Ngài thực hiện trước tiên nhằm phục vụ những kẻ đau khổ và những người đang mong đợi sự cứu giúp. Ngài thuyên chữa những bệnh nhân, ủi an những người sầu tủi, nuôi những người đói khổ, giải thoát người khỏi câm điếc, khỏi phong cùi, khỏi quỷ ám, khỏi những yếu kém về thể lý và ba lần cho kẻ chết sống lại. Ngài nhạy cảm đối với từng nỗi đau khổ của nhân loại, kể cả về phần hồn lẫn phần xác. Đức Kitô sở dĩ nhạy cảm cách riêng đối với từng nỗi thống khổ của loài người vì Ngài đã mang lấy nỗi thống khổ ấy trên mình. Nhờ nỗi thống khổ này, Ngài phải làm thể nào để con người không phải chết mà sống đời đời.

Chúa Kitô rất mẫn cảm đối với những bệnh nhân vàthuyên chữa rất nhiều người như dấu chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người, rằng Nước Chúa đã cận gần con người. Tuy thế, Đức Kitô không chỉ là Người chữa trị, Ngài còn là lương y của linh hồn và thân xác, Chúa Giêsu tới chữa trị toàn diện con người. Ngài thương những kẻ đau khổ tới mức sánh ví họ ngang với chính mình : “Ta yếu đau, các ngươi đã viếng thăm Ta” (Mt 25,36). Xúc động trước bao nỗi đau khổ, Đức Kitô không chỉ để cho bệnh nhân chạm đến mình, nhưng còn đích thân coi nỗi khốn cùng của họ là của mình : “Ngài gánh lấy bệnh tật chúng ta và đã mang vào mình nỗi đau yếu của chúng ta” (Mt 8,17). Tuy vậy, Ngài cũng không chữa mọi bệnh nhân.

Theo bước chân của người Samaritanô thần diệu, Vị lương y tâm hồn và thể xác, cũng như theo gương các Đấng Sáng lập nam nữ, chớ gì những người thánh hiến mà đoàn sủng Tu hội hướng về việc tông đồ trên, hãy bền đỗ trong chứng tá yêu  thương đối với những người đau ốm, phục vụ họ với một lòng cảm thông sâu xa và chia sẻ nỗi đau khổ của họ. Chớ gì trong các chọn lựa, họ dành ưu tiên cho những bệnh nhân nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất, như những người già cả, những kẻ tật nguyền, những người phải sống bên lề, những người đau  ốm vào lúc cuối đời, những nạn nhân của ma túy và những bệnh truyền nhiễm mới. Hãy giúp những người bệnh dâng nỗi đau khổ của họ, hiệp cùng Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh và được tôn vinh cho mọi ngưỡi được cứu độ và hãy ý thức họ là những chủ thể tích cực của mục vụ, nhờ đoàn sủng riêng của Thập Giá, khi họ cầu nguyện và làm chứng bằng lời nói và lối sống (ĐSTH 83).

Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh rằng nỗ lực của đời thánh hiến trong thế giới chăm sóc sức khỏe cũng là nỗ lực thăng tiến văn hóa đời sống và sức khỏe. Với tư cách là người dân của sự sống, vì Thiên Chúa, trong tình yêu nhưng không của Ngài, đã ban cho chúng ta Tin Mừng về Sự Sống, từ chính Tin Mừng này, chúng ta được biến đổi và được cứu độ, chúng ta được cử đi loan truyền Tin Mừng cho những môi trường y tế :

Ngoài ra, Giáo hội nhắc nhớ những người thánh hiến rằng trong sứ mệnh, họ có nhiệm vụ Phúc Am hóa các môi trường y tế mình làm việc, bằng cách phổ biến các giá trị Phúc Am, nhờ đó, soi sáng cách sống, cách đau khổ và cách chết của con người thời đại chúng ta. Họ có bổn phận nhân đạo hóa y học và đào sâu ngành luân lý sinh học nhằm phục vụ Tin Mừng sự sống, từ lúc thụ thai cho tới lúc cuộc sống chấm dứt một cách tự nhiên, phù hợp với giáo huấn luân lý của Giáo hội, bằng cách lập ra các trung tâm đào tạo và bằng cách hợp tác huynh đệ với những tổ chức của Giáo hội lo mục vụ y tế (ĐSTH 83).

Thế nên, việc loan báo và đào tạo không chỉ cần đến cơ cấu tổ chức và trung tâm huấn luyện và dưỡng sinh  mà với cuộc sống và chứng tá cá nhân, nó còn trở nên phụng vụ đời sống nữa. Việc huấn luyện lương tâm cũng như công tác giáo dục tại các trung tâm đào luyện phải giúp con người luôn ứng trực để phục vụ sức khỏe và cuộc sống, để dẫn con người đi sâu hơn nữa vào chân lý hầu hướng tới niềm trọng kính thẳm sâu đối với sự thật và quý trọng sự sống.

 Gợi ý :

Hiến chương điều 76,2 và 76,3b dạy :

Chị em phục vụ bệnh nhân trong những tổ chức của xã hội hoặc bằng những phương tiện bình dân của y học dân tộc.

Chị em cũng tìm cách gây ý thức cho mọi người, đặc biệt các phụ nữ, biết tôn trọng sự sống và bảo vệ quyền lợi của trẻ thơ.