Bài giáo lý về “Chữa lành thế giới” của Đức Giáo hoàng Phanxicô

137
Bài giáo lý về “Chữa lành thế giới”. – 1. Giới thiệu

Anh chị em thân mến

Đại dịch đang tiếp tục gây ra những vết thương sâu đậm, đang phơi bày những điểm yếu của chúng ta. Nhiều người đã chết, rất nhiều bệnh nhân trên khắp các châu lục. Nhiều người và nhiều gia đình đang sống trong thời khắc bấp bênh, do các vấn đề về kinh tế xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo nhất.

Vì thế, chúng ta phải giữ thật chắc cái nhìn hướng lên Chúa Giêsu (x. Dt 12,2), và với niềm tin này hãy giữ lấy niềm hy vọng về Vương quốc của Thiên Chúa mà chính Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta (x. Mc 1,5; Mt 4,17; GLCG , 2816). Một Vương quốc chữa lành và cứu rỗi đã hiện diện giữa chúng ta (x. Lc 10,11). Vương quốc công lý và hoà bình được thể hiện bằng những hoạt động bác ái, từ đó làm tăng thêm niềm hy vọng và củng cố đức tin (x. 1Cr 13,13). Trong truyền thống Kitô giáo, tin, cậy và mến vượt trên cả những cảm xúc hay thái độ. Chúng là những nhân đức tuôn đổ trên chúng ta nhờ ơn của Chúa Thánh Thần (GLCG 1812-1813): các ơn chữa lành chúng ta và làm chúng ta thành những người chữa lành, các ơn mở ra cho chúng ta những chân trời mới, ngay cả khi chúng ta đang lướt trong vùng nước khó khăn của thời đại chúng ta.

Một cuộc gặp gỡ mới với Tin mừng của đức tin, cậy và mến, mời gọi chúng ta chấp nhận một tinh thần sáng tạo và đổi mới. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể biến đổi nguồn gốc của các bệnh tật về thể chất, tinh thần và xã hội. Chúng ta có thể chữa lành cách sâu rộng các cấu trúc bất công và các tập tục phá hoại, ngăn cách chúng ta với nhau, đe dọa gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta.

Thừa tác vụ của Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều ví dụ về việc chữa lành. Khi Chúa chữa lành người bị lên cơn sốt (x. Mc 1, 29-34), bệnh phong (x. Mc 1,40-45), bại liệt (Mc 2,1-12); Khi Chúa làm cho người mù sáng mắt (Mc 8, 22-26; Ga 9, 1-7), cho người nói được hoặc nghe được (x. Mc 7, 31-37), thực vậy, Ngài không chỉ chữa lành về thể xác mà chữa lành toàn bộ con người. Bằng cách này, những người được chữa lành Ngài đưa họ trở về với cộng đoàn; giải phóng họ khỏi sự cô lập, vì Ngài đã chữa lành họ.

Chúng ta hãy nghĩ về trình thuật hay nhất của việc chữa lành người bại liệt ở Caphanaum (x. Mc 2, 1-12), mà chúng ta đã nghe khi bắt đầu buổi tiếp kiến. Trong khi Chúa Giêsu rao giảng ở lối ra vào, bốn người đàn ông mang người bạn bại liệt của họ đến trước Chúa Giêsu. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ đục một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống trước mặt Chúa. Chúa Giêsu thấy họ có lòng tin như vậy, Ngài bảo người bại liệt : “Này con, tội con đã được tha” (c.5). Và sau đó, như một dấu chỉ hữu hình, Ngài nói: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (c.11).

Thật là một ví dụ tuyệt vời về việc chữa lành. Hành động của Chúa Kitô là câu trả lời trực tiếp cho đức tin của mọi người, cho niềm hy vọng mà họ đặt vào Chúa, cho lòng mến mà họ thể hiện cho nhau. Và do đó, Chúa Giêsu chữa lành, nhưng không đơn giản là chữa lành bệnh bại liệt, Ngài chữa lành tất cả, tha thứ tội lỗi, đổi mới cuộc sống của người bại liệt và đồng bạn của anh ta. Chúng ta có thể nói anh ta được tái sinh lần nữa. Chữa lành thể lý và tinh thần, cùng một lần, là hoa quả của cuộc gặp gỡ cá nhân và xã hội. Chúng ta hãy tưởng tượng về tình bạn này, và niềm tin của tất cả những người hiện diện trong căn nhà đó, họ đã lớn lên nhờ vào những cử chỉ của Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ chữa lành với Chúa Giêsu.

Vì vậy chúng ta tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể giúp chữa lành thế giới của chúng ta hôm nay? Giống như các môn đệ của Chúa Giêsu, là thầy thuốc linh hồn và thể xác, chúng ta được kêu gọi tiếp tục “công việc chữa lành và cứu rỗi của Ngài” (GLCG 1421) theo nghĩa vật lý, xã hội và thiêng liêng.

Mặc dù Giáo hội là người quản lý các ân sủng chữa lành của Chúa Kitô qua các Bí tích, và dù cho Giáo hội cung cấp các dịch vụ y tế cho những góc trời xa xôi nhất của hành tinh, thì Giáo hội vẫn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực phòng ngừa và chăm sóc dịch bệnh. Giáo hội cũng không đưa ra những chỉ dẫn về xã hội-chính trị nào cụ thể (x. Thánh Phaolô VI, Tông thư Octogesima adveniens, 14 tháng 5 năm 1971, 4). Đây là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, dưới ánh sáng của Tin mừng, Giáo hội đã phát triển một số nguyên tắc xã hội làm nền tảng (x. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, 160-208 ), các nguyên tắc có thể giúp chúng ta tiến bước, để chuẩn bị cho tương lai mà chúng ta cần. Tôi đề cập đến những điểm chính yếu, giữa chúng có một sự nối kết chặt chẽ: nguyên tắc về phẩm giá con người, nguyên tắc và thiện ích chung, nguyên tắc về những lựa chọn ưu đãi cho người nghèo, nguyên tắc về việc sử dụng hàng hóa, nguyên tắc về tình liên đới, hỗ tương, nguyên tắc về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Những nguyên tắc này giúp các nhà lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm về xã hội tiếp tục phát triển, và giống như trong trường hợp đại dịch này, việc chữa lành đã kết dệt con người và xã hội. Tất cả các nguyên tắc này thể hiện các nhân đức tin, cậy và mến theo nhiều cách khác nhau.

Trong những tuần tới đây, tôi mời anh chị em cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp bách mà đại dịch đã làm nổi bật, đặc biệt là các căn bệnh xã hội. Và chúng ta sẽ thực hiện điều đó dưới ánh sáng của Tin mừng, của các nhân đức đối thần và của các nguyên tắc về học thuyết xã hội của Giáo hội. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá cách mà truyền thống xã hội công giáo của chúng ta có thể giúp đỡ gia đình nhân loại chữa lành thế giới này, một thế giới đang chịu đau khổ vì bệnh tật trầm trọng.  Tôi ước muốn chúng ta cùng suy tư và làm việc chung với nhau, với tư cách là những người theo Chúa để chữa lành, để xây dựng thế giới tốt hơn, đầy tràn hy vọng cho các thế hệ tương lai (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 183)

G. Võ Tá Hoàng