Thường huấn 2010

61

TOÀN NHẬP BA CẤP  BẬC
ĐỜI SỐNG TÂM LINH[1]

 

Cha Anthony Nguyễn Ngọc Kính – OFM.

 

Nếu chúng ta xem xét mình một cách tường tận, chúng ta đi đến kết luận đầu tiên này, đó là con người có thể sống trên ba cấp bậc khác nhau: tâm lý-thể lý, tâm lý-xã hội và lý tính-tinh thần. Ba cấp bậc này thường liên kết chặt chẽ với nhau và có thể nhận diện qua hành vi cụ thể của con người, trong đó cấp bậc này có thể chiếm ưu thế hơn cấp bậc kia.

Thuật ngữ “cấp bậc” muốn nói đến giới hạn của sự hiểu biết và quan tâm của chúng ta, là độ cao từ đó chúng ta quan sát bản thân và thế giới. Khi chúng ta thay đổi cao độ, tầm nhìn chúng ta cũng thay đổi, tương tự như khi chúng ta leo lên các tầng lầu khác nhau. Trên tầng ba, toàn cảnh mà chúng ta nhìn khi ở tầng một được mở rộng hơn, những yếu tố mới được thêm vào và những yếu tố khác thu nhỏ lại, bởi vì các yếu tố đó được sáp nhập vào một tầm nhìn rộng lớn hơn. Ví dụ, ở cấp bậc tâm-thể lý thuần thuý, con người thấy mình có nhu cầu tính dục; nhưng khi ở cấp tâm lý-xã hội, con người cũng thấy mình có nhu cầu chia sẻ với người khác; và khi ở cấp lý tính, tất cả nhu cầu đó lại nhắm đến việc hoàn thành các mục tiêu và mục đích. Khi chúng ta tiếp tục leo lên, các chiều kích trước không bị loại bỏ, nhưng được hội nhập vào một tầm nhìn rộng lớn và có ý nghĩa hơn. Tại mỗi cấp bậc, yếu tố tâm linh luôn luôn hiện diện, nhưng với mức độ và phẩm chất khác nhau.

Bây giờ chúng ta sẽ mô tả ba cấp bậc trong đời sống tâm linh và sau đó nêu lên một vài lãnh vực  để hoà nhập ba cấp bậc với nhau.

A. Mô Tả Các Cấp Bậc

1. Cấp Bậc Tâm-Sinh Lý

Cấp bậc này bao gồm những sinh hoạt tâm linh gắn chặt với tình trạng thể lý khoẻ mạnh hay đau yếu. Việc thoả mãn hay không thoả mãn các nhu cầu thể lý của cơ thể như đói, khát, ngủ, tồn tại và mạnh khoẻ… quyết định tình trạng sức khỏe thể lý.

Nguồn gốc và cùng đích của các sinh hoạt này được biểu hiện qua cảm giác thiếu hụt hay thỏa mãn trên bình diện bản năng. Động cơ chi phối cấp bậc này là sự thoả mãn các nhu cầu ấy. Người ta giải toả sự căng thẳng và thoả mãn ước muốn này bằng những mục tiêu đặc thù, cụ thể và ở bên ngoài con người. Con người cảm thấy toại nguyện khi “chiếm hữu” đối tượng một cách nào đó. Bởi thế, có một chuyển động đi từ chủ thể đến đối tượng và rồi quay về với chủ thể.

Động tác tìm kiếm một đối tượng để thoả mãn là một hành động thủ đắc; nhưng động tác đó khởi sự với một tiến trình sinh học nhất định. Tiến trình đó thúc đẩy người ta tìm kiếm một sự thoả mãn hoàn toàn và ngay tức khắc. Do vậy, hành động đó luôn luôn có tính chất tự động.

Ở cấp bậc này, người ta nhận thức thực tại một cách rời rạc và phiến diện. Thật thế, người ta xem xét thực tại trong tương quan trực tiếp hay gián tiếp với nhu cầu thể lý của mình. Nhận thức đó bị giới hạn trong phạm vi hữu hình, thể lý và hữu ích. Nhận thức đó hoàn toàn chủ quan.

Bên cạnh các nhu cầu khác nhau của thể lý, còn có một nhu cầu cơ bản hơn và được xem như động cơ đích thật thúc đẩy con người tồn tại và bảo toàn bản thân. Nhu cầu này gắn liền với việc diễn giải tổng quát về thực chất của đời sống, có tính vi lợi và cá nhân hơn.

2. Cấp Bậc Tâm Lý- Xã Hội

Cấp bậc này bao gồm những hoạt động của đời sống tâm linh liên kết với nhu cầu phát huy những tương quan xã hội, tức là nhu cầu ‘sống với.’ Là sinh vật mang tính xã hội, con người cảm thấy cần tăng cường tình bạn, cần giúp đỡ và được giúp đỡ và cảm nhận mình là thành viên của cộng đồng nhân loại, v.v…

Các hoạt động tâm linh này không bắt nguồn từ sự thiếu hụt trên bình diện thể lý hay do bản năng. Chúng không tương ứng với chuyển động thể lý, nhưng cũng có thể nhận diện được và để lại dấu vết trong hệ thần kinh.

Động cơ trực tiếp thúc đẩy con người hành động chính là ý thức về sự giới hạn và bất toàn của mình trong tư cách là một ngôi vị. Vì sự giới hạn và bất toàn này, chúng ta cảm thấy cần đến người khác. Đối tượng mang lại sự toại nguyện không phải là những đối tượng cụ thể như trong cấp bậc thứ nhất, vì ở cấp bậc tâm lý-xã hội chúng ta đối phó với những tình huống liên hệ đến con người. Đối tuợng luôn luôn ở ngoài, mà chủ thể không bao giờ có thể đem vào trong cơ thể mình hay chiếm hữu như ở cấp bậc tâm-sinh lý, bởi lẽ người khác không phải là một vật thể.

Con người thủ đắc một phương pháp thỏa đáng là lặp đi lặp lại những hành động tỏ ra hữu hiệu trong việc đạt tới mục tiêu. Ngay cả trên cấp bậc này, cách vận hành cũng mang ít nhiều tính chất tất định (determinism). Đó là một sự tất định tương đối, chứ không hoàn toàn tuyệt đối như trong cấp bậc 1. Sự tất định này có tính xã hội, qua đó con người bị thúc bách phải đi tìm một loại tương quan nhất định làm cho mình được thoả mãn, hay khi đứng trước những tác nhân kích thích, sự tất định đó làm nẩy sinh nơi con người một sự đáp ứng ít nhiều tự động.

Về phương diện nhận thức đối với thực tế, chủ thể chú ý và bị thu hút không phải vì đối tượng có những cấu tố hay giá trị nội tại của một ngôi vị, mà vì chủ thể xem đối tượng như một chức năng tạo nên tương giao tích cực. Tầm nhìn về thực tại tuy còn phiến diện và một chiều, nhưng cũng giả thiết là chủ thể đã có một khả năng nhất định trong việc diễn giải nhận thức mà mình đã trải nghiệm. Nhờ tầm nhìn đó, người ta có thể mở rộng nhận thức của mình, kể cả những chức năng khác và tiềm năng của con người. Điều đó muốn nói rằng mọi người đều cảm thấy (‘lương tri’) các mối tương giao liên vị là nền tảng của việc sống chung, ít nữa  như một thiên hướng muốn nhận biết công ích.

Ngay trong cấp bậc này, ngoài nhu cầu cần có người khác và tương giao, chúng ta có thể nhận ra một điều gì đó cơ bản hơn: Đó là nhu cầu mở rộng và thể hiện bản thân thông qua người khác. Theo Nuttin, đó là cách biểu lộ bản chất tinh thần của con người; con người là một hữu thể hiện hữu trong tương quan lệ thuộc với người khác.

3. Cấp bậc Lý Tính – Tinh Thần

Cấp bậc này bao gồm những hoạt động tinh thần liên kết với nhu cầu muốn biết sự thật và khả năng của con người trong việc hiểu biết bản chất sự vật, nhờ việc suy diễn từ các dữ kiện khả giác. Nhờ khả năng này, chúng ta khác biệt với mọi sinh vật khác và có khả năng hiểu biết yếu tính của các sự vật, nghĩa là nhờ khả năng trừu tượng hoá mà chúng ta biết được yếu tính của sự vật từ các dữ kiện khả giác. Khi quan sát các dữ kiện, con người có thể rút ra những nguyên tắc tổng quát, tức là những khái niệm và quy luật trừu tượng chi phối và giải thích các dữ kiện khả giác. Khả năng này là ‘tinh thần’ con người, một thực tại tương phản với vật chất, không thể đo lường, không thể phân chia, vượt trên không gian và thời gian. Nhờ khả năng này, con người có thể định nghĩa những khái niệm, biết được các sự vật trừu tượng, phán đoán  và siêu vượt cái ‘ở đây và bây giờ’ để khẳng định và theo đuổi các giá trị tinh thần.

Động cơ nền tảng của hoạt động trí óc không hệ tại sự khiếm khuyết của các mô hay ý thức về sự bất toàn, nhưng nằm trong ước nuốn-nhu cầu muốn biết và giải quyết các vấn đề cơ bản như biết mình, chỗ đứng của mình trong thế giới, ý nghĩa cuộc sống và sự chết… Đồng thời, ước muốn-nhu cầu đó được hỗ trợ nhờ khả năng sử dụng-hoạt động của mình (instrumental-functional capacity) để nắm bắt  ít là một phần, sự thật của các sự vật. Đàng khác, ước muốn-nhu cầu đó còn được duy trì khi con người nhận thấy bị lôi cuốn hướng về sự thật, một sự lôi cuốn vượt xa ước muốn đơn thuần và chủ quan, và chỉ cho thấy ơn gọi của mọi người là tìm kiếm sự thật.

Đối tượng thoả mãn khát vọng hiểu biết của con người được trình bày bằng những hạn từ hoàn toàn khác biệt với hai cấp kia (cho dù không loại bỏ chúng), cả về khía cạnh đặc trưng hay cụ thể (không phải là vật chất như hai cấp trên) và mối quan hệ giữa chủ thể với đối tượng thoả mãn khát vọng của chủ thể. Con người không thể chiếm hữu đối tượng như ở cấp bậc thứ nhất (vd. thực phẩm) và cũng không thể giải thích và phát biểu tuỳ tiện theo nhu cầu của mình như trong cấp bậc thứ hai (vd. kết bạn để khỏi cảm thấy cô đơn). Trong cấp bậc lý tính – tinh thần, đối tượng cũng trở nên thành phần của con người và căn tính của mình, bởi vì đối tượng đáp ứng nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất của con người. Đàng khác, trên cấp bậc này con người không lặp đi lặp lại những hành động theo một kế hoạch đã học được nhằm thoả mãn nhu cầu của mình. Một đàng, con người không bao giờ hoàn toàn toại nguyện trong việc tìm kiếm chân lý như Frankl đã nói: “Con người không thể trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa tuyệt đối.” Đàng khác, mỗi người có một cách tìm kiếm chân lý đôc đáo của mình, người này không giống người kia và trong mức độ nào đó, ngay trong mỗi người thì cách thức tìm kiếm chân lý cũng thay đổi.

Sự mãn nguyện hay thỏa mãn trên cấp bậc này thì phức tạp và cũng ít máy móc hơn hai cấp bậc kia.  Sự mãn nguyện phát sinh từ chính việc tìm kiếm chân lý và từ sự tương hợp giữa bản thân mình và sự thật, rõ ràng là sự tương hợp đó không bao giờ trọn vẹn được.

Cách thức vận hành ở cấp bậc này cũng rất khác biệt với hai cấp bậc kia và rất đặc trưng của ‘con người.’ Thật thế, trên cấp bậc này con người có khả năng không tán thành những đòi hỏi tức thời của bản năng và xã hội, và vượt lên trên sự tất định kèm theo những đòi hỏi đó. Khi con người sử dụng những khả năng thượng đẳng, con người có thể nhận biết bản chất của sự vật  và mối liên hệ nhân quả. Con người có thể nắm bắt ý nghĩa của đối tượng và những tình huống thường đem lại thoả mãn cho hai cấp bậc trên đây, bằng cách vượt trên chức năng thoả mãn đơn thuần của chúng và tháp nhập vào một bối cảnh tổng quát và khách quan hơn.

Bằng cách đó, con người ta kiến tạo một quan hệ mới với môi trường chung quanh, đó một mối quan hệ tôn trọng tự do: Con người tôn trọng các sự vật và tự do đối với sự vật. Con người tôn trọng sự vật, bởi vì con người có khả năng ‘biết’ sự vật như đã nói ở trên, đó là những nguyên tắc và quy luật tổng quát gắn liền với bản chất của chính sự vật. Nhờ hiểu biết thực tại mà con người có thái độ trân trọng đối với các sự vật và con người. Thật vậy, khi con người nhận thấy ý nghĩa của sự vật, con người không thể sử dụng chúng vì lợi ích riêng của mình (cấp bậc 1 và 2), đồng thời đặt mình trong tư thế tự do đối với chúng. Hành động như thế là hoàn toàn hợp lý; bởi vì khi tôi không còn nhìn các sự vật theo tiêu chuẩn có lợi hay không có lợi cho tôi, bấy giờ tôi được giải thoát không còn bị lệ thuộc vào chúng, hay ít nữa là không còn bị chi phối bởi sự tất định có thể khiến tôi làm nô lệ cho chúng. Có thể nói nếu chúng ta có khả năng gọi đúng tên của sự vật,  thì đó là dấu hiệu và nguồn mạch của tự do. Sự tự do này là nền tảng cho những sự tự do khác.

Chúng ta hãy kể ra đây một vài ví dụ. Chẳng hạn khi một người biết ‘giải mã’ các sự vật một cách chính xác, ông có thể mở rộng quỹ đạo kiến thức của mình, không phải về mặt số lượng nhưng về mặt phẩm chất. Nhờ khả năng trừu tượng hoá, ông không chỉ có khả năng khái niệm hóa các sự vật hữu hình, nhưng còn hiểu biết những điều trừu tượng như khái niệm nhân đức, thiện hảo và công lý. Tất cả những khái niệm đó thì không đo lường được về mặt không gian và thời gian (cấp 1), nhưng mang lại cho ông một sự giải  thích thỏa đáng và khôn ngoan vượt trên tiêu chuẩn lợi ích cá nhân, sự mãn nguyện trong tương quan xã hội và công bình giao hoán (cấp 2).

Một hệ quả khác là khả năng hiểu biết và sử dụng biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng. Khả năng đó không chỉ thể hiện sự nhận thức sâu sắc về thực tại và tự do đối với thực tại, mà còn là phương tiện hợp lý để truyền đạt kiến thức một cách hữu hiệu hơn, để thiết lập mối quan hệ và so sánh hợp lý, và để có được những kiến thức mới và thâm sâu hơn. Tất cả những điều này hoàn toàn vượt trên lối nhận thức rời rạc trong hai cấp bậc trước.

Cuối cùng, con người càng có óc sáng tạo, thì càng dễ tách rời khỏi sự thúc bách hoàn toàn tất định của những phản xạ khả giác (cấp  1) hay các nhu cầu xã hội có tính tất định tương đối (cấp  2).

Qua những ví dụ trên đây, chúng ta đủ thấy rằng khuynh hướng thật sự, vốn là nguồn gốc của mọi hành vi, nằm tại cấp bậc lý tính – tinh thần. Khuynh hướng đó không chỉ là một bản năng tự bảo toàn nhờ nhu cầu ‘tiêu thụ,’ cũng không phải là một thúc bách thể hiện mình qua trung gian người khác, nhưng là một khuynh hướng siêu việt (self-transcendence). Mọi hoạt động trên cấp  bậc này vượt qua ranh giới của sự kiện xảy ra ngay trước mắt  và hữu hình: Chúng là những hoạt động ‘tinh thần.’ Như thế, các hoạt động đó được thực hiện bởi “bản ngã tinh thần” có khả năng siêu việt nhân tính và những hoàn cảnh ghi dấu bởi những giới hạn, để hướng tới tha nhân với thái độ vị tha và quên mình, hay khám phá được ý nghĩa và giá trị làm cho đời sống mình trở nên chân thực. Frankl tìm thấy bản chất của con người trong sự siêu việt ấy: “Làm người  chủ yếu là hướng về một đối tượng siêu việt chúng ta, ở bên ngoài và bên trên chúng ta. Nghĩa là chúng ta hướng tới một điều gì hay một người nào đó: Một mục tiêu phải đạt tới hay một người mà ta phải gặp và yêu mến. Vì thế, con người là chính mình trong mức độ vượt qua chính mình và quên mình.”

Một lần nữa, chúng ta buộc phải quay lại vấn đề tự do:  Chính khi chúng ta xem xét khả năng siêu việt của con người mà chúng ta mới có thể hiểu tự do phát xuất từ đâu và làm cách nào để có tự do. Chỉ khi nào con người tái khẳng định và nỗ lực chinh phục bản thân mà con người mới có thể kiểm chứng là mình có tự do thắng vượt mọi sự tất định, một sự tự do ít nhiều bị che dấu. Bởi đó, chỉ khi nào con người có tự do để tự siêu việt, con người mới có thể nghe được tiếng gọi, khám phá những chiều kích mới của đời sống và quyết định đáp lời. Khi con người đáp lời, con người trở thành một tác nhân luân lý và nhận thấy mình có trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chưa muốn bàn đến những vấn đề liên hệ đến luân lý và mối liên hệ mật thiết giữa tự siêu việt  – tự do – trách nhiệm, mà chỉ muốn lưu ý rằng cấp bậc thứ 3 là cấu tố nền tảng của đời sống tâm linh và là điều kiện mà con người không thể tránh được.

B. Đẳng Cấp của Tiến Trình Toàn Nhập[2]

Mọi hoạt động của đời sống tâm linh thường chứa đựng và bộc lộ ba cấp bậc. Mặc dầu ba cấp bậc đó thể hiện trong những mức độ khác nhau, nhưng “trong thực chất thì gắn kết với nhau trong hành vi cụ thể của con người.” Chúng ta cũng đã thấy rằng cấp bậc  lý tính-tinh thần là cấp bậc đặc trưng dành riêng cho con người, trong khi cấp bậc 1 và một phần cấp bậc 2 thuộc về thú vật. Do đó, giữa các cấp bậc có một đẳng cấp tự nhiên mà chúng ta phải tôn trọng, trong khi vẫn phải xem xét các thuộc tính, các chức năng và quy luật mà chúng ta không thể giản lược như Nuttin đã lưu ý. Tuy nhiên, trật tự các cấp bậc còn tuỳ thuộc sự tự do của con người, khi con người quyết định đặt toàn thể đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của cấp bậc nào và con người đứng ở cấp bậc nào để giải thích về mình và thế giới. Cấp bậc lý tính-tinh thần vốn chiếm chỗ đứng ưu tiên, nhưng trên thực tế, nếu người ta sắp xếp cấp bậc lý tính-tinh thần ở một vị trí nhằm phục vụ hai cấp bậc kia và tuỳ thuộc hai cấp bậc kia, bấy giờ  trật tự các cấp bậc bị đảo lộn. Căn tính mỗi người cũng tuỳ thuộc đẳng cấp những cấp bậc của mình: Căn tính mỗi người thì tương ứng với cấp bậc ưu tiên mà người ta dành cho nó.

Nói một cách chính xác hơn, nếu con người không có tự do để xác lập thứ tự ba cấp bậc, bấy giờ con người bị thúc ép phải đi theo một lối sống bị chi phối bởi sự xếp đặt ngẫu nhiên giữa ba cấp bậc. Ba cấp bậc ấy được xếp đặt dưới sức ép của các nhu cầu hơn là sự tự do chọn lựa. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không ai có thể bỏ qua những đòi hỏi và những yếu tố riêng của mỗi cấp bậc. Bởi đó, sự trưởng thành đích thật nằm ở chỗ này: Làm sao người độc thân có thể sử dụng thân xác để mở rộng tương quan và sử dụng khả năng tư duy để toàn nhập những chiều kích khác nhau nơi bản thân mình? Chúng ta có thể nói ngay rằng người ta cần phải hội nhập các chiều kích một cách hài hoà, không thiên lệch cũng không loại trừ và có một điểm quy chiếu rõ ràng để làm cho toàn thể đời sống có trật tự và ý nghĩa.

Thật thế, sự trưởng thành và toàn nhập không phải là hiện tượng tự phát, nhưng là một tiến trình qua đó người ta nỗ lực thiết lập một sự quân bình giữa những chiều kích và khám phá căn tính của mình, luôn ghi nhớ tính chất phức tạp của con người.

1. Quân bình Ngoại Giới và Nội Giới: Nguyên Tắc Toàn Diện

Sự quân bình này là một đòi hỏi cơ bản, bởi vì ba cấp bậc đều cùng hiện diện trong mỗi hành vi của chúng ta. Có một điều gì đó thể hiện nơi hành vi con người, bởi vì con người là một thực thể duy nhất bao gồm các chiều kích thể lý, tương quan và lý tính, và biểu lộ bản chất phức hợp của mình qua mỗi hành động.

Trước hết, đó là sự hài hoà ngoại giới, tức là mối tương quan giữa ba cấp bậc. Mọi biểu hiện của đời sống tâm linh không chỉ biểu lộ bản chất phức hợp của con người, nhưng còn cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ có thể đạt được sự hài hoà ngoại giới khi tiềm năng của các cấp bậc cùng hiện diện và bổ túc cho nhau. Ví dụ, chúng ta không thể suy tư hay quyết tâm hành động, nếu thân xác không được nghỉ ngơi đầy đủ và những nhu cầu cơ bản nhất định của thân xác chưa được đáp ứng. Lại nữa, tư tưởng và sự quyết chí không chỉ tuỳ thuộc tình trạng sức khoẻ nội tâm (mạnh khoẻ hay ốm yếu) mà còn tùy thuộc mối tương quan xã hội tích cực (hay tiêu cực) của chúng ta. Đàng khác, cách sống của chúng ta trên cấp bậc lý tính-tinh thần cũng chi phối tình trạng thể lý và tương quan xã hội xã của chúng ta, theo một cách khác và tinh tế hơn. Chẳng hạn sau khi chúng ta đã giải quyết những vấn đề cơ bản hay đem lại ý nghĩa cho đời sống, chúng ta được bình an trong tâm hồn. Mỗi ngày chúng ta đều nhận thấy cấp bậc này tác động lên cấp bậc kia.

Chúng ta cũng có thể kết luận như thế, nếu chúng ta xem xét sự tương thuộc chức năng[3] giữa cấp bậc này với cấp bậc khác. Nếu chúng ta muốn suy tư  hay làm việc trí thức cho hiệu quả, thì không những chúng ta cần đến hai cấp bậc kia, mà còn cần một bộ não có cơ cấu sinh học lành mạnh và hoạt động tốt, nhờ đó trí tuệ có thể suy tư, ký ức có thể ghi nhớ và lời nói có thể diễn tả tư tưởng và thi hành chức năng của mình trong xã hội. Đó là những quy luật tự nhiên.

Chúng ta cũng cần có một sự quân bình nội giới, tức là sự hài hoà giữa những yếu tố trong mỗi cấp bậc. Mỗi cấp bậc có những đòi hỏi và đặc tính thiết yếu mà chúng ta cần phải tôn trọng. Đó là nguyên tắc toàn diện (totality), nhờ đó mà nội giới được quân bình.

Chúng ta hãy quan sát những hiện tượng xảy ra trên cấp bậc sinh lý. Chủ thể có thể nhận biết tác nhân kích thích (đói, buồn ngủ, v.v…) khi có sự phối hợp giữa các tế bào, các mô, các phản ứng hoá học và cảm nhận của cơ quan nội tạng. Cao điểm của tiến trình nhận thức là chủ thể nhờ giác quan mà biết được tác nhân kích thích  và đáp lại cách tương ứng. Cơ thể con người được tổ chức một cách tỉ mỉ (như khoa sinh học cho biết) và tổ chức đó tuân theo tiêu chuẩn là sự ổn định và năng động của toàn cơ thể con người và thiết lập một sự quân bình giữa sự khoẻ mạnh của mỗi thành phần và sự khoẻ mạnh chung của toàn cơ thể. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong trường hợp “cấp cứu”: Chẳng hạn khi một bộ phận của cơ thể bị tổn thương hay bị nhiễm trùng, thì những bộ phận khác liền cứu viện ngay tức khắc, bằng cách tăng cường hoạt động để sản sinh nhiều tế bào và nội tiết tố hơn, nhằm khâu lại vết thương hay chữa trị bộ phận bị nhiễm trùng. Tóm lại, cơ thể chúng ta có một hệ thống quy luật bẩm sinh nhằm làm cho cơ thể được mạnh khoẻ tối ưu và vì lợi ích của toàn cơ thể. Hệ thống quy luật đó cũng phối hợp các bộ phận với nhau và “bắt buộc” các bộ phận phải hoạt động vì mục tiêu chung và “từ bỏ” mục tiêu riêng của mình.

Nguyên tắc toàn diện vốn bắt nguồn từ cơ thể con người và là một nguyên tắc rất quan trọng, bởi vì nó cho thấy chính thiên nhiên đã cho thân xác chúng ta một cách thức hiện hữu. Vì thế, chúng ta cũng có thể nhận thấy nguyên tắc toàn diện ở các cấp bậc khác, dĩ nhiên là theo một cách thức khác. Trong bất cứ trường hợp nào, thì nguyên tắc toàn diện vẫn là điều kiện để thiết lập sự quân bình ngoại giới.

Như vậy, trên cấp bậc tâm lý-xã hội, chúng ta cũng cần có sự quân bình nội giới tương tự như thế, đó là hoa quả của tình trạng cân đối giữa tinh thần cá nhân và ý thức thuộc về nhóm. Trên cấp bậc này, chúng ta cũng nhận thấy các yếu tố có khuynh hướng giữ cân bằng theo nguyên tắc toàn diện, cho dù các yếu tố đó không vận hành một cách bộc phát như trong cấp bậc 1 (trên thực tế thì vẫn có một sự căng thẳng nhất định). Nhờ khuynh hướng đặc trưng đó và nhờ ý thức về sự bất toàn của mình cũng như sự thu hút của người khác, con người được thúc đẩy phải ra khỏi mình để trao ban, đón nhận, sống với nhau, tìm thấy mình qua tha nhân và ý thức mình là thành phần của toàn thể. Mỗi người đều mang trong mình khát vọng đó, và nếu không có khát vọng đó thì không có xã hội và cũng không có con người. Lại nữa, khi năng lực “xã hội” thúc dục con người phá vỡ ranh giới của mình mà không trở nên xa lạ với tha nhân, năng lực đó cũng tuân theo tiêu chuẩn toàn diện, tức là sự ổn định và năng động của toàn thể xã hội. Thật vậy, người trưởng thành thì sống hài hoà và không có xung đột giữa ý thức cá vị tính của mình và ý thức thuộc về nhóm. Trong khi họ ý thức mình là thành phần của toàn thể nhóm, họ không cảm thấy cá vị tính mình bị xem nhẹ hay xúc phạm. Mặt khác, tuy họ thấy mình là một cá thể độc đáo, nhưng họ không cảm thấy bị cô lập. Họ biết phải làm gì để là chính mình và để thiết lập tương giao với người khác. Trong khi họ cảm thấy mình là thành phần tích cực và có trách nhiệm của một toàn thể, họ góp phần xây dựng toàn thể và làm cho toàn thể trở nên nguồn mạch thiện hảo cho mọi người. Đó là một quy luật tự nhiên mà chúng ta dễ nhận thấy trong hoàn cảnh cụ thể. Vì quy luật đó mà con người có thể hoạt động vì công ích, và nếu cần thì có thể dẹp bỏ lợi ích riêng tư để phục vụ lợi ích của mọi người, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt. Họ thực hiện quy luật đó một cách quân bình tương tự như sự cân đối trong cơ thể con người. Nguyên tắc toàn diện luôn luôn là điều kiện để có sự quân bình nội giới bên trong mỗi cấp bậc và giữa các cấp bậc với nhau.

Nếu chúng ta tiếp tục xem xét cấp bậc lý tính-tinh thần, chúng ta cũng nhận thấy một mối quan hệ như thế. Tuy nhiên, mối quan hệ này có lẽ căng thẳng hơn và ít tính bộc phát hơn hai cấp bậc kia: Đó tương quan giữa bản ngã và sự thật. Một mặt, tôi ước muốn và có nhu cầu biết mình và chỗ đứng của mình trong cuộc sống, mặt khác tôi phải đối diện với sự thật siêu việt tôi và bao trùm toàn thể thực tại. Đó là một nhu cầu mà con người không thể loại bỏ và thúc bách con người (mọi người chứ không chỉ các triết gia) đi tìm sự thật. Từ đó mà phát sinh mối quan hệ giữa sự thật của tôi và sự thật tự tại, và vì thế mà có vấn đề. Tuy nhiên, chính nguyên tắc toàn diện lại chỉ cho chúng ta thấy con đường “tự nhiên” để biến sự căng thẳng thành cơ hội sinh hoa trái và sự quân bình. Nguyên tắc toàn diện cũng cho tôi nhận thấy chân lý toàn diện là một thực tại làm tôi say mê hoàn toàn, thúc dục tôi phát huy tối đa khả năng tư duy và thúc đẩy tôi vượt lên chính mình. Đó là cách đi tìm sự thật. Nói một cách cụ thể, tôi ý thức mình là một con người đang đi tìm sự thật, chứ không làm ra vẻ là mình đã đạt tới mục tiêu hay đã biết hết mọi sự. Tôi nhận biết các giới hạn tự nhiên của mình và vì thế tôi không xem trực giác của mình là tuyệt đối, nhưng sẵn sàng đón nhận sự đóng góp của người khác hay ít nữa là chấp nhận một sự đối đầu biện chứng với người khác. Nếu chúng ta đi tìm sự thật theo cách thức đó, bấy giờ chúng ta sẽ cởi mở trí óc và nhạy bén trong nhận thức trực giác, để không biến một phần sự thật thành những quy luật chung. Cuối cùng, đó cũng là những đặc tính cơ bản mà khoa học tri thức đòi hỏi như những điều kiện tiên quyết, nếu chúng ta muốn hiểu biết một cách chắc chắn…

Tóm lại, dù đứng trên cấp bậc nào của đời sống tâm linh, chúng ta đều có thể nhận thấy nguyên tắc toàn diện và khả năng siêu việt hiện diện trong các cấp bậc khác nhau. Trong mỗi cấp bậc, chúng ta đều được thúc đẩy để “vượt lên.”

Cấp bậc 1: Vượt lên sự mạnh khoẻ thể lý của mỗi thành phần.

Cấp bậc 2: Vượt lên sự hạnh phúc của tôi.

Cấp bậc 3: Vượt lên nhận thức của tôi về chân lý.

Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý rằng tiêu chuẩn toàn diện hay năng lực siêu việt là một nguyên tắc tự nhiên. Tuy nhiên, nếu nguyên tắc đó xuất phát từ cấp bậc 1, thì đương nhiên là nó sẽ vận hành kém hiệu năng và con người phải vận dụng tự do và trách nhiệm để can thiệp mạnh mẽ hơn.

2. Định Nghĩa Bản Thân Và Các Cấp Bậc

Tuỳ ưu thế của mỗi cấp bậc (tâm-thể lý, tâm lý-xã hội hay lý tính-tinh thần) trong đời sống tâm linh mà con người sẽ có một hình ảnh bản thân nhất định. Nếu chúng ta thường sống ở một cấp bậc nào đó, chúng ta sẽ gắn bó mật thiết với nội dung tương ứng của cấp bậc ấy. Như thế, nếu chúng ta dành ưu tiên cho cấp bậc tâm-thể lý, chúng ta sẽ gắn bó mật thiết với thân xác và những đặc điểm bên ngoài của thân xác như thể hình và vẻ đẹp mà chúng ta nhận thấy trước mắt. Vì thế, chúng ta sẽ quan tâm quá mức đến sức khỏe và vẻ đẹp, sự cường tráng và sự trẻ trung của thân xác. Chúng ta khó chấp bất cứ khiếm khuyết nào về mặt thẩm mỹ, bệnh tật hay tình trạng suy yếu mà cơ thể không sao tránh được. Nếu chúng ta dành ưu tiên cho cấp bậc tâm lý-xã hội, chúng ta sẽ xác định căn tính của mình dựa trên những năng khiếu và tài năng của chúng ta: Trí thông minh, sự hoà đồng, tính quyết đoán khi làm việc và nhân đức. Cuối cùng, nếu chúng ta dành ưu  tiên cho cấp bậc lý tính-tinh thần, chúng ta sẽ vượt lên những lợi ích trước mắt và khả năng tinh thần của mình, để định nghĩa bản thân dựa trên dự phóng đời sống mà chúng ta tự do chọn lựa. Thiết lập dự phóng đời sống và thực hiện dự phóng cho đến cùng, đó là nguồn mạch của lòng tự trọng.[4]

Nếu chúng ta muốn thiết lập một đẳng cấp giữa các cấp bậc, thì rõ ràng là cấp bậc 3 phải đảm nhận chức năng hướng dẫn và tham chiếu. Chức năng này quả là điều cần thiết, nếu chúng ta muốn cho mọi hành động trở nên “nhân bản,” tính chất tự động của cơ thể và khuynh hướng xã hội được phối hợp và ăn khớp với nhau để con người được hạnh phúc toàn diện, bởi vì con người không hiện hữu chỉ vì  thân xác hay vì tương quan.

Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta thấy rằng con người không thể viên thành, nếu con người chỉ biết đáp lại những tác nhân kích thích cơ thể của mình hay trôi nổi trong xã hội như một xác chết. Chúng ta có thể hành động như thế,  nếu chúng ta đặt những hoạt động đó trong một dự phóng khả thi. Nghĩa là chúng ta cần có là một khung định hướng hoạt động như một mắt xích liên kết những cấp bậc khác nhau và quan tâm đến bản tính con người. Nhờ tiêu chuẩn toàn diện, chúng ta làm cho mỗi cấp bậc có được sự quân bình nội giới và những cấp bậc khác lệ thuộc cấp bậc thứ ba. Điều đó có nghĩa là sự thiện của mỗi cấp bậc phải phục vụ sự thiện toàn diện của con người. Như vậy, chúng ta áp dụng nguyên tắc toàn diện không chỉ theo chiều ngang (để mỗi cấp bậc có thể vận hành tốt), mà còn theo chiều dọc, để quy hướng mọi cấp bậc về một mục tiêu, đó là sự thiện toàn diện của con người chứ không phải là sự thiện riêng của  mỗi cấp bậc…

Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng nếu một sự thiện nằm ngoài tầm nhìn toàn diện của con người, nó sẽ bất khả thi và chống lại chính con người.

Tôi tưởng rằng chỉ khi nào chúng ta tham chiếu dự phóng toàn diện (cấp bậc thứ 3), bấy giờ chúng ta mới có thể khám phá bản chất đích thật của con người và rút ra được sự thiện có thể làm cho chúng ta thoả mãn “hoàn toàn.” Khi chúng ta định nghĩa bản thân trên cấp bậc lý tính-tinh thần, chúng ta không có ý loại bỏ hai cấp bậc kia, nhưng sử dụng những đòi hỏi của hai cấp bậc đó như phương tiện để theo đuổi  những mục tiêu đưa đến sự thiện toàn diện. Nhờ đó, chúng ta sẽ thiết lập được một tương quan mới với mình và thực tại, đặt nền tảng trên sự tôn trọng, tự do và sáng tạo. Chẳng hạn, trong khi chúng ta tôn trọng các nhu cầu thể lý,  các đặc tính tâm lý và các yêu cầu của xã hội, chúng ta hoàn toàn tự do chứ không bị bó buộc phải theo đuổi những sự thiện đó bằng mọi giá và xem chúng là sự thiện lớn nhất. Đàng khác, chúng ta sử dụng óc sáng tạo để giải thích những sự thiện đó sao cho phù hợp vói sự thiện toàn diện của mình.[5]

 

 

 

 

 


[1] A. Cencini và A. Manenti, Tâm Lý và Huấn Luyện: Cơ Cấu và Năng Động (Psychology and Formation: Structures and Dynamics) (Bombay: St. Paul Publisher, 1992), Nguyễn ngọc Kính chuyển ngữ, tr. 20-40.

[2] Toàn nhập (integration): Hội nhập ba cấp bậc với nhau trong một tổng thể duy nhất và hài hòa (ND).

[3] Tương thuộc chức năng: functional  interdependence.

[4] Muốn đào sâu đề tài này, xin xem A. Cencini, You shall love the Lord your God: Psychology of Encountering God, St. Paul Publications. Bombay 1988. pp. 16-72.

[5] Để hiểu ba lời khấn nghèo khó, khiết tịnh và tuân phục dưới ánh sáng của ba cấp bậc của đời sống tâm linh, xem J. Ridick, Treasures in Earthen Vessels: the vows. St. Paul Publications Bombay 1986.