5 kiểu phao tin đồn nhảm, lạm dụng ngôn từ

45
Mons. Charles Pope
Một trong những “phạm trù” tội lỗi mà chúng ta thường có xu hướng giảm thiểu đó là tội liên quan đến miệng lưỡi hoặc lời nói. Tuy nhiên, có lẽ cách phạm tội phổ biến nhất chính là lạm dụng từ ngữ. Rất dễ dàng, hầu như không cần suy nghĩ, chúng ta tham gia vào những chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách, dối trá, cường điệu, tấn công cách ác độc và những quan sát thiếu nhân từ.
Với cái lưỡi của mình, chúng ta có thể gieo rắc hận thù, kích động người khác sợ hãi và giả tâm, truyền bá thông tin sai lệch, khuyến khích cám dỗ, làm nản lòng, dạy điều sai lạc và hủy hoại danh tiếng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng nhờ hoạt ngôn, nhưng đàng khác, nhờ khả năng này, chúng ta có thể làm được rất nhiều điều tốt.
Và chúng ta cũng có thể gây ra những thiệt hại vì thiếu sót, vì chúng ta thường giữ im lặng trong khi đáng lẽ chúng ta phải nói. Chúng ta không chữa lỗi lầm của người lân cận, mà lẽ ra chúng ta nên giải quyết chúng một cách thận trọng và nhẹ nhàng.
Ở thời đại chúng ta, chiến thắng của cái ác được bảo vệ đầy đủ bởi sự im lặng của cái thiện; thậm chí vì sự im lặng của chúng ta với tư cách là những người kitô hữu. Các tiên tri phải rao giảng Lời Chúa, nhưng với chúng ta, nhiều lần, chúng ta là hiện thân của những gì ngôn sứ Isaia đã nói trong chương 56,10: “Những người canh gác Israel đui mù hết, chẳng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi”.
Thánh Giacôbê đã nói rất hay: “Nếu người nào không sa ngã trong lời nói thì đó là người hoàn hảo” (Gc 3,2). Đúng thực là không phải mọi tội lỗi về lời nói đều nghiêm trọng hay tội nặng, tuy nhiên, chúng ta có thể gây ra những tai họa lớn bằng chính lời nói của mình: do đó, tội liên quan đến miệng lưỡi có thể trở nên nghiêm trọng và đáng chết. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta : “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12,36).
Vì vậy, chúng ta sẽ tập trung vào một khía cạnh của tội lỗi mà chúng ta thường gọi là “phao tin đồn nhảm”.
Theo định nghĩa chung, thuật ngữ này có thể được áp dụng cho những bình luận tầm thường về cuộc sống của người khác, thậm chí còn hơn thế nữa khi nó được coi là một tội cụ thể. Phao tin đồn nhảm bao gồm việc nói về ai đó một cách sai trái, nói dối, tiết lộ sự thật cá nhân hoặc riêng tư mà không liên quan đến bất kỳ ai ngoài chính nạn nhân của những chuyện tầm phào.
Phao tin đồn nhảm thường liên quan đến những cuộc trò chuyện không phù hợp và thiếu bác ái với những người không có mặt. Vả lại, tin đồn thổi luôn kèm thêm những sai sót và làm cho các thông tin bị biến tướng khi được truyền đi.
Thánh Tôma Aquinô đưa chuyện phao tin đồn nhảm vào khảo luận về công bình (II, IIae 72-76) trong bộ Tổng luận Thần học của ngài, vì qua việc phao tin đồn nhảm chúng ta làm tổn hại đến danh tiếng của người khác. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo cũng đưa điều này vào điều răn thứ tám, đó là “ngươi không được làm chứng dối chống lại người lân cận của mình”.
Dựa trên những hình thức bất công khác nhau trong lời nói, được Thánh Tôma xác định, chúng ta có thể đề cập đến một số loại tội khác nhau do miệng lưỡi:
1 – Hành vi phạm tội hoặc gây thương tích
Điều này bao gồm việc làm mất thanh danh của một người, trước sự hiện diện của họ, và thường xuyên, trước mặt người thứ ba. Tội ác hoặc hành vi phạm tội được thực hiện cách công khai, rõ ràng và thường bị thúc đẩy bởi sự tức giận và thiếu tôn trọng cá nhân. Nó có thể bao gồm những lời lăng mạ, lời nói tục tĩu và thậm chí là “chúc dữ”.
Trong cuộc sống hàng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra rằng xúc phạm là một hình thức tấn công vào danh tiếng của người bị xúc phạm, bởi vì, không giống như chuyện ngồi lê đôi mách, thường được thực hiện sau lưng, sự lăng nhục hoặc hành vi xúc phạm được thực hiện “trước mặt” người bị xúc phạm.
Dù vậy, khi nói đến tội miệng lưỡi, người ta nhắc đến sự lăng mạ vì nó đi đôi với sự sỉ nhục, làm tổn hại đến danh tiếng tốt đẹp của nạn nhân. Bản chất của nó rất gần với tin đồn nhảm. Vu khống là một tội ác nhằm gây ra sự xấu hổ hoặc làm mất danh dự cá nhân. Có nhiều cách trưởng thành hơn và mang tính Kitô giáo hơn để giải quyết những hiểu lầm.
2- Vu khống
Là việc nói xấu người khác một cách bất công và sau lưng họ. Vu khống làm suy yếu danh tiếng của ai đó trước mặt người thứ ba mà nạn nhân không hề biết. Kiểu buôn chuyện hèn nhát này khiến đối tượng không thể tự bào chữa hoặc giải thích những gì đang được nói về họ. Chúng ta có thể kể đến hai loại phỉ báng.
a) Vu khống: là việc nói dối sau lưng một người.
b) Nói hành hoặc nói xấu: Bao gồm việc nói sự thật sau lưng người nào đó, nhưng những sự thật đó là những thứ có hại cho người đó và là điều người khác không cần phải biết. Đây là thông tin dù có đúng đến đâu, nhưng nó có khả năng xúc phạm hoặc làm tổn hại đến thanh danh của nạn nhân trong mắt người khác một cách không cần thiết. Ví dụ, có thể đúng là một người có một số vấn đề này nọ liên quan đến thói nghiện ngập, nhưng đó là thông tin không nhất thiết phải chia sẻ với bất cứ ai. Tất nhiên, có những lúc việc chia sẻ một số sự thật nhất định với người khác có thể là quan trọng, nhưng chỉ với những người, vì lý do chính đáng, cần biết thông tin đó. Hơn nữa, tốt hơn hết là chỉ chia sẻ những thông tin thật cần thiết, tránh thái quá và bị thúc đẩy bởi sự tò mò nhỏ nhen và vụn vặt.
3 – Nói xấu-rỉ tai xầm xì
Chúng ta có thể nhận dạng một loại phao tin đồn gần giống với tội phỉ báng nhưng nó có sắc thái đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi kẻ vu khống nói xấu sau lưng nhằm mục đích gây tổn hại danh tiếng của người vắng mặt thì kẻ ngồi lê đôi mách – tên phá hoại, ngoài việc nói xấu sau lưng, còn tạo ra những vấn đề cụ thể cho nạn nhân của mình, khiến mọi người có hành động chống lại người đó. Có thể họ có ý định làm hại nạn nhân một cách chuyên nghiệp; Có thể mục tiêu của họ là lập mưu kích động những phản ứng tức giận hoặc thậm chí bạo lực đối với nạn nhân. Thực tế là những kẻ phao tin đồn nhảm, chuyên phá hoại, muốn kích động một số hành động chống lại người mà mình nhắm tới. Điều này vượt quá thành kiến ​​về danh tiếng: trong trường hợp này, kẻ âm mưu nhằm mục đích gây tổn hại, chẳng hạn như các mối quan hệ, nền kinh tế.
4 – Chế nhạo
Là việc khiến cho mọi người cười nhạo một người nào đó, về một số đặc điểm thể chất hoặc hành vi, cách sống… v.v. Điều này có vẻ nhẹ nhàng, nhưng nhiều khi, nó là một dạng tin đồn biến tướng thành những lời chế giễu hoặc hạ nhục, làm giảm giá trị của một người hoặc làm mất danh dự của họ trong cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, sự chế giễu trở thành điều mà ngày nay chúng ta gọi là “bắt nạt” .
 
5 – Nguyền rủa hay “ước muốn điều xấu”
Đó là mong muốn biểu lộ cách công khai rằng một người trở thành nạn nhân của một tội ác nào đó hoặc phải chịu một số tổn hại. “Lời chúc dữ” có thể được nói hoặc không nói ra ngay trước mặt nạn nhân, nhưng thực ra đó là một loại tội về miệng lưỡi làm mất danh dự của nạn nhân trước mặt người khác. Mục đích là nguyền rủa ai đó, thường là để kích động người khác nổi giận chống lại người đó.
Mức độ nghiêm trọng của những tội lỗi đó
Mức độ nghiêm trọng của những tội lỗi về lời nói hoặc ngôn ngữ này phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ tổn hại đối với danh tiếng của nạn nhân, hoàn cảnh địa điểm, thời gian và ngôn ngữ được sử dụng, cũng như có bao nhiêu người và những người nào đã nghe thấy những bình luận độc hại.
Một trong những điều trân quý nhất của mỗi người đó là danh tiếng của họ, vì nó là khả năng căn bản của họ trong mối quan hệ với người khác và tham gia vào hầu hết các hình thức tương tác giữa con người với nhau. Vì vậy, việc làm tổn hại đến danh tiếng của ai đó là rất nghiêm trọng.
Khi nào cần phải nói điều gì đó về một người?
Đúng là đôi khi chúng ta cần nói về những người vắng mặt. Có thể chúng ta đang tìm kiếm lời khuyên để giải quyết một tình huống tế nhị; có thể chúng ta cần một số động lực để đối phó với một người khó tính hoặc chúng ta cần thực hiện một số hoạt động kiểm tra chính đáng về các sự việc. Có lẽ, đặc biệt là trong bối cảnh nghề nghiệp, chúng ta được mời đánh giá một số đồng nghiệp, công chức hoặc các tình huống.
Trong những trường hợp như thế này, chúng ta phải giới hạn mục tiêu của cuộc trò chuyện ở những gì thực sự cần thiết, chỉ đề cập đến những người và sự kiện thực sự cần giải quyết.
Khi tìm kiếm lời khuyên hoặc sự khuyến khích, chúng ta chỉ nên nói chuyện với những người mà chúng ta tin tưởng và những người có thể giúp đỡ một cách hợp lý. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta nên bỏ qua những chi tiết không cần thiết, kể cả tên của người mà chúng ta đang nói đến. Sự thận trọng cũng là từ khóa trong những cuộc trò chuyện cần thiết về người khác.
Mặt khác, điều quan trọng cần biết là sự lén lút cực đoan có thể vô ích và thậm chí có hại. Đôi khi có những tình huống nghiêm trọng cần được giải quyết một cách trực tiếp và rõ ràng. Trong trường hợp này, chúng ta phải tuân theo các quy tắc do Chúa Giêsu thiết lập trong Tin Mừng Mátthêu:
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18, 15-17).
Nói cách khác, sự thận trọng cũng phải dành chỗ cho sự minh bạch trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi cộng đồng cần giải quyết một số vấn đề cách công khai và rõ ràng.
Thánh vịnh 141,3 dâng lên Chúa lời nguyện này:
“Xin canh giữ miệng con, lạy CHÚA, và trông chừng lưỡi con”.
Chúng ta cũng có thể đặt câu như thế này:
“Lạy Chúa, xin giúp con! Xin đặt cánh tay Chúa trên vai con và bàn tay Ngài trên miệng con. Xin đặt Lời của Chúa vào lòng con, để khi con nói là chính Chúa nói trong con” Amen.
G. Võ Tá Hoàng